LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi thành phần công nông gần đảng nữa chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu sản bấp bênh ! Trở thành kỹ , tiến , giáo ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó điều nghịch ".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do phát triển không nghĩa khi hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ Bình đẳng Bác ái không cần đến hoạt động khuyến thiện nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi đều thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách sở khách quan, khoa học sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Phu 1995

 

 

Bài Viết Mới


Người làm câu đối ở tỉnh nhỏ (Phần 1)
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng

Sự họ Lý, đệm Văn. Không hiểu truy nguyên gốc gác tông phả có tí dây mơ rễ má nào với danh tướng Lý Thường Kiệt hay văn nhân, danh sĩ Lý Tế Xuyên, Lý Văn Phức? Chỉ biết, thoạt đầu chỉ là anh giáo khổ dạy sinh vật ở trường cấp ba, một nhân vật như tôi như anh, nghĩa là làng nhàng lẫn lộn vào đám chúng sinh đông như lá, vô bản sắc, chẳng đáng quan tâm, nơi tỉnh nhỏ. Tướng ngũ đoản, mặt hồng nhuận, mắt sáng, mũi thẳng, tai có thùy châu, bụng tròn, lưng nở, con người hiền lành và hay trầm ngâm hướng nội này quanh năm suốt tháng chỉ thấy lặm cặm hướng dẫn học trò, nay mổ giun, mai mổ thỏ, lúc làm ruộng thí nghiệm, khi lai cam, ghép táo... ấy thế mà bỗng đùng cái, tựa như có sự đột biến, một chiều nọ sang tôi, anh giơ tay chào tạm biệt: “Mai mình đi Bulgaria làm luận án phó tiến sĩ đây. Hẹn gặp lại sau năm năm nhé”.
Một anh giáo quèn vô danh tiểu tốt một phát nhảy ra nước ngoài, trở thành một tên tuổi khoa học lẫy lừng.
Chà. Do chuyện này mà khối anh đờ mặt vì bất ngờ, nhưng sau đó lập tức vỗ đùi chữa thẹn: biết ngay mà, thằng cha tẩm ngẩm tầm ngầm này hắn có quý tướng thật, nên cái kiếp giáo khổ trường công như chúng mình dứt khoát là hắn cởi thoát. Bất ngờ nọ chưa qua lại tiếp đến bất ngờ khác. Mới hơn nửa thời gian chương trình dự định, hết năm thứ ba, kể từ lúc chia tay bạn bè, đã thấy Sự xách va li hớn hở trở về, anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, chứ không phải chỉ là phó tiến sĩ. Mà đấy còn là vì trục trặc. Vì từ đề tài nuôi cấy mô ở cây nhân sâm, do nhiều lý do, buộc phải chuyển sang cây họ cà Salamucianiatam, nghĩa là đảo lộn cả kế hoạch và mất thêm thời gian. Lại thêm bạn bè ganh ghét, gièm pha, phá ngang và ông thầy hướng dẫn có tính đố kỵ hẹp hòi, chỉ sợ trò nổi tiếng hơn thầy.
Cứ cái đà sẵn có, anh chàng thông minh trác việt này, qua vài cái đột biến nữa, sẽ có thể trở thành một Măngđen, một Moócgăng hay một Vavilốp Việt Nam lắm chứ. Điều tôi nghĩ tới, trên thực tế đã xảy ra. Lại đã có đột ngột biến động, nhưng lần này biến động tạo nên một bước ngoặt theo hướng khác ở Sự. Một chiều giáp Tết, Sự sang nhà tôi, tay cầm cuốn giấy hồng điều khổ rộng gang tay, mắt long lanh nỗi vui thơ trẻ.
- Mình có câu đối tặng ông - Miệng cười tỏa hào hoa, Sự vừa nói vừa thả cuộn giấy nhỏ. Tôi trợn mắt kinh ngạc. Lại thế nữa. Một đôi câu đối chữ Nôm viết bằng mực nho đen nhánh trên giấy hồng điều.
Một ông tiến sĩ tuổi mới ngoài bốn mươi một tí, bảo rằng thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và nếu cần cả tiếng Nga, tiếng Bun nữa đi, thì cũng chưa có gì là lạ. Chứ còn cái chữ Hán, chữ Nôm mà ông thông thạo, ông giỏi, thì thật tình là đáng ngờ ngợ lắm. Cả nửa thế kỷ nay rồi, ở nơi trường ốc có ai người ta còn dạy cái chữ tượng hình kỳ thú và khó học này. Vậy thì ông học ở đâu? Học ở đâu mà chữ viết đẹp quá. Cả bốn kiểu phương, thảo, triện, lễ, ông viết đều đẹp. Ở kiểu nào nét bút cũng già dặn, tài hoa, lồng lộng thần thái, xếp vào bậc anh tài trong thư pháp cũng không hổ mặt.
Lẻ bốn chục xuân xanh, nhìn sắc tóc mới hay mình lắm bạc.
Chẵn hai bàn tay trắng, thấy màu da đừng tưởng tớ không vàng.
Đó là câu đối chữ Nôm Sự tặng tôi. Còn ở nhà Sự, Sự treo câu liễn nhạo chính cái số kiếp nhọc nhằn, vất vả của mình:
Nợ chất xám chưa đền mà tóc trắng.
Số hoa đào toàn gặp những cơn đen.
Chữ đã đẹp, ý tứ lại vừa hóm hỉnh vừa sâu xa, thật là toàn bích, toàn thiện vậy.
Một vỉa vàng mười phát lộ. Nhưng đâu có phải là tình cờ ăn may chăng chớ. Có chăng là bây giờ mọi người mới ngã ngửa người ra, vì biết rằng: Sự sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở thành Nam. Ông nội đỗ tam trường. Ông thân sinh nổi tiếng hay chữ, nhưng lận đận đường danh vọng, bao ước ao, hy vọng chỉ còn cách dồn lại cho con. Sáu tuổi, Sự đã làm quen với văn ngôn. Mười tuổi đã biết tới Bách gia chư tử, đã hiểu được cái lẽ thực giả hư chi, hư giả thực chi ở đời. Hỏi ra mới biết ông giáo sinh vật ngay từ thời cặm cụi mổ giun, mổ thỏ đã một mình lẩm thẩm dịch dọt Độc tiểu thanh ký của Nguyễn Du, thơ Thôi Hiệu, thơ Đặng Dung, thơ Vịnh truyện Kiều của Phạm Quý Thích, bởi lẽ chưa mãn ý với bản dịch của các bậc tiền nhân.
Sự còn làm được thơ chữ Hán. Còn câu đối thì đã từng thử sức qua đủ các thể: tiểu đối, đối thơ, đối phú; ở thể đối phú, làm được cả lối song quan, lối cách cú, lối gối hạc. Tôi là anh nhà báo còm, nhờ ân đức tổ tiên cũng võ vẽ dăm ba chữ thánh hiền, vài câu sáo ngữ, điếc không sợ súng, lắm khi cũng bạo miệng tham gia luận bàn việc văn chương chữ nghĩa, nên chẳng bao lâu đã thành tri kỷ của Sự.
Từ đó, như một thói quen tự nhiên, Tết năm nào Sự cũng có câu đối viết tặng tôi. Tết nhất là mùa màng, thời vụ của thể đối liễn, cũng là lúc Sự sáng tác nhiều. Câu đối tặng tôi, tặng bạn bè chí cốt, ngoài ra, Sự còn nhiều câu chỉ ghi trong sổ tay, và đọc cho bạn bè nghe. Bạn bè nghe xong, đa phần đòi chép lại, rồi học thuộc, truyền lan. Nhiều câu, chẳng mấy lúc đã thành tài sản chung, lưu truyền rộng rãi trong dân chúng tỉnh lẻ, được mọi người tán thưởng, bảo rằng: nghe sướng tai lắm.
Chẳng hạn, Tết năm Quý Hợi, Sự viết:
Chó đói đã đi rồi, sang gọi láng giềng vui một mẻ.
Lợn no đang béo mỡ, cũng như ai dăm chữ học hành.
Năm Tuất, vì mất mùa, dân nghèo tỉnh tôi đói rài đói rạc. Hiện trạng ấy sao mà thơ phú nhắm mắt bỏ qua được.
Đến năm Tân Mùi, Sự lại có câu đối miêu tả và ngâm vịnh cảnh ngộ mình:
Hết ngọ săn gân ngựa, đua với đời, vất vả mà vui.
Sang Mùi hăng tiết dê, đạp vào núi, gian nan vẫn sướng(1).
Ở vế hai, ý đạp vào núi chỉ việc Sự sẽ lên miền núi tỉnh Lào Cai trong vai anh cán bộ thu mua sả về để nấu tinh dầu. Năm trước đó, vẫn là hàng xóm của tôi, nhưng ông tiến sĩ đã được điều về công tác tại Ủy ban khoa học kỹ thuật tỉnh để phát huy năng lực, sở trường rồi.
Cuối cùng, sau năm sáu năm, cái tài làm câu đối của Sự đã nổi như sóng cồn. Ông thân sinh chàng tiến sĩ dưới suối vàng hẳn cũng ngậm cười vì con trai ông đã tiếp nối được tài năng và ý chí của ông cha, gia tộc. Ôi, những câu đối của Sự. Chúng có tầm kiến văn rộng rãi, ý tứ đã thâm sâu, lời văn lại đẹp đẽ. Ngoài ra chúng lại mang ý vị siêu hình, đã ý tại ngôn ngoại, lại biến hóa vi diệu và đậm đà màu sắc dân gian.
Tết năm Mùi ấy, cảm cái tài của Sự, tôi bí mật chép lại một đôi câu đối của anh và gửi cho tờ báo tỉnh. Ông tổng biên tập báo này đỗ tú tài Tây, lại uyên thông Hán học, chủ trương báo chí phải là cơn phẫn nộ của lương tri, đọc xong, khoái quá, duyệt liền và cho đăng lên trang một số báo Tết.
Hết khoe mã một thời, ngọ nguậy lắm cũng ra vành móng ngựa.
Còn xuất dương mấy độ, mùi mẽ chi mà vểnh sợi râu dê.
Dưới câu đối, lại chính tay ông tổng biên tập yêu cầu mở hai cái ngoặc đơn, viết thêm một dòng: dán trước cửa nhà bọn tham quan ô lại hại dân tỉnh ta. Chà. Đối ý. Đối chữ, đối bằng trắc, miễn chê, còn ý tứ thì quả là sâu sắc, uyên áo, âm vang, lắm anh xem xong không khỏi giật mình, kinh sợ. Ai cũng biết, tham nhũng đã trở thành quốc nạn, trở thành bệnh dịch đang lan tràn trên khắp quốc thổ và thế giới rồi. Điều gần như ngẫu nhiên và lý thú là năm ấy, ở tỉnh này, mấy ông lãnh đạo chủ chốt cũng đang dính vào mấy vụ bê bối về tiền nong, đất đai. Thành ra, số báo ấy phát hành vọt lên gấp đôi số lượng và khắp tỉnh đâu đâu người ta cũng ngâm nga đôi câu đối nọ, rồi liên hệ với thực tế tình hình.
Ôi, câu đối, cái thể loại nhỏ nhoi, trò chơi chữ nghĩa trí tuệ truyền thống và siêu đẳng, phản ánh cái tài hoa, cái xảo diệu của con người. Sự đã xuất hiện. Anh hoa một khi đã phát tiết là nó không có chịu ngừng. Từ đó mỗi độ xuân về, Tết đến, các tờ báo, bản tin to nhỏ khắp tỉnh, đua nhau cử người tới, xin đặt bài Sự.
Làm sao quan niệm được một tờ báo Tết mà lại thiếu một vài câu đối nho nhỏ? Giở tờ báo Tết ra, trước hết là lật lật, ngó vào ở góc này, góc nọ, tìm đôi câu đối ngắn gọn đọc lên xem cái ý vị hàm chứa nó thế nào đã. Âu cũng là thói quen thưởng thức báo Tết lâu nay, đã ăn sâu thành tiềm thức của dân mình.
Năm ấy, báo Tết tỉnh tôi được mùa câu đối. Nhưng đôi câu đại loại: “Tiễn năm gà, chào năm tuất” hoặc “Mừng năm mới, chúc xuân sang...” đã quá quen thuộc và có tính chất trang trí, nghi lễ, khỏi nói làm gì. Vì nó cũng giống như những câu đối bán đầy chợ Tết kia kìa. Niên đăng phú quý, nhân tăng thọ. Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường. Ấy thế, đáng vừa đọc vừa ngẫm ngợi là những câu có ý tứ mới mẻ kia. Thì đây, có thiếu gì. Về cảnh quan cuộc sống tươi đẹp:
Đất nước làm giàu, cái đói nghèo dần tháo chạy.
Nông thôn đổi mới, con cò con vạc lại bay về (2)
Vui vẻ nhưng có tí châm chích và giáo huấn thì:
Chén chú chén anh, túy lúy càn khôn dồn đến dại
Chồng chị, chồng em, yêu đương bất chính cho xa(3)
Lại có câu có tính chất giải trí đơn thuần như:
Ba bà đồng bóng xem đá bóng. Năm ông cầu thủ trấn khung thành” hoặc: “Cầu thủ ý chơi hết ý.  Đội tuyển Anh đá đàn anh”. Cũng còn cả câu thách đố thật hóm, thật ác: “To ăn to, nhỏ ăn nhỏ, to nhỏ đều ăn(3). Thật là rất bất ngờ.
Bất ngờ nữa là tất cả đều là sáng tác của Sự.
Ôi, ông tiến sĩ sinh học. Ông viết luận án, ông đi báo cáo khoa học ở khắp các nơi, ông nuôi cấy mô, ông thu mua sả để nấu tinh dầu, cả loạt việc ấy xem ra hiệu quả gây chấn động tâm tưởng con người cũng chỉ từa tựa như mấy câu đối và câu thách đối của ông thôi. Và như vậy là liền hai tháng trời sau Tết, Sự đã tạo nên cơn phong ba bão táp khuấy động liên tục các trang báo tỉnh.
Hưởng ứng câu thách đối của Sự, bài vở từ khắp tỉnh ùn ùn gửi về, vui, sôi động tâm can cả già trẻ gái trai. Niềm căm hận thói dựa quyền hành vơ vét, bóp nặn dân đen, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi, giống như khối lửa nung bí bức bao lâu, giờ có chỗ giải thoát. Như được thể, cùng với tệ tham nhũng trên, các thói hư tật xấu thâm căn khác cũng được dịp bị phanh phui phơi bày hể hả. Thật không ngờ, mấy câu đối liễn con con lại có cái khả năng gây náo động ghê gớm đến thế. Nghe nói, khó chịu vì mấy câu đối nọ chỉ là mấy vị chức sắc chóp bu ở tỉnh.
*
Tết ấy lại như mọi Tết, Sự lại sang tôi đúng chiều ba mươi. Anh treo hộ tôi đôi câu đối anh tặng, viết theo kiểu triện lên hai bên bàn thờ tổ; đặt chân xuống đất, anh xướng thật to: “Đổi mới nước non, dấu son lịch sử. Miệt mài năm tháng, thắp sáng nhân tâm”. Rồi nói:
- Vế thứ hai tôi tặng cánh nhà báo các anh.
Tôi sắp bộ ấm chén, mời Sự ngồi chơi.
- Anh uống chén trà đã. Tết năm nay anh có viết được nhiều câu đối không?
Sự xoa xoa hai bàn tay, mặt hơi bần thần:
- In ít thôi. Nể các báo quá. Ông tổng biên tập báo tỉnh còn thân chinh đến tận nhà đặt. Tôi ra một câu thách đối, nhưng bí mật hộ tôi nhé, tôi không đề tên Tú Sự như những lần trước. Ngoài ra...
Tôi nói:
- Đề tên gì thì ai người ta cũng nhận ra anh thôi. À mà anh vừa nói ngoài ra nghĩa là sao?
Sự lắc đầu, cười nhè nhẹ:
- Xứ mù thằng chột làm vua. Tỉnh lẻ nói làm gì. Còn như ở nơi khác, loại như tôi lấy đấu mà đong, lấy xe mà chở. Giờ, xin đọc ông nghe mấy câu mới làm cho tết Bính Tuất, năm con chó này nhé.
(Số sau đăng hết)
Trời. Thật không ngờ cảm hứng về năm con khuyển của Sự lại dồi dào thế. Có đến cả chục câu mà câu nào cũng vừa ngộ vừa hóm nghịch, thậm chí chua cay, đáo để. Này đây là câu dán ở cửa Trại nuôi chó thịt:
Bảy món cầy tơ, mấy chú vện vằn đang khởi sắc
Một bầy chó đẻ, ba quân í oắng sắp lên hương.
Này đây là câu vịnh chú khuyển:
Trung thành ra phết mà ăn bẩn
Nô lệ thò đuôi chẳng biết dơ.
Còn đây là câu mừng năm mới:
Gặp cúm gia cầm, gà biệt xứ
Đến thời lục súc, chó lên ngôi.
Chưa hết. Chưa hết. Vì còn có đến ba bốn câu thách đối nữa, chẳng hạn câu này: “Năm khuyển vừa khuyên vừa hỏi”. Hoặc: “Hoa đào cho sắc mừng năm chó”.
Tết ấy, báo tỉnh lại tưng bừng nhờ mấy đôi câu đối của Sự. Cũng vẫn là cái văn hoa tài tình, cái ý vị dí dỏm, cái khẩu khí trung chính đã quen, nhưng lần này ý tứ lời lẽ xem chừng thâm thúy, cay độc hơn và rõ ràng là động chạm sát sạt đến thế sự, động chạm đến hàng ngũ các quan đầu tỉnh. Và do vậy cùng với lời bàn bạc cồn cào sôi sục cả phố xá, xóm thôn, nam phụ, lão ấu, người hiểu biết thế thái nhân tình không thể không âu lo. Âu lo cho sự an toàn của Sự và ông tổng biên tập, kẻ chủ trương báo chí là cơn phẫn nộ của lương tri.


Nỗi lo của những người hiểu biết cuối cùng xem chừng hình như là có lý. Báo Tết ra được đúng ba hôm thì Sự gặp tai nạn.
Từ ngày ở Bulgaria về, Sự đã một lần bị hỏa hoạn, một lần bị kẻ trộm vào nẫng mất chiếc xe đạp Eska và mấy bộ đồ len quý. Vừa hồi phục thì một thằng đạo chích không thương kẻ áo rách lần vào khoắng liền chiếc radio cassette và mấy đồng tiền dành dụm. Còn lần này, đang phơi quần áo ở giữa sân thì không hiểu từ đâu một cồ đá lớn bằng nắm tay văng vào trúng mặt. May, đà ném đã đuối nên trán chỉ sưng bằng quả ổi và xây xẩm mặt mày mất một lúc.
Tôi sang thăm Sự. Anh bấm đốt ngón tay, lẩm nhẩm:
- Lúc tôi bị nạn, tính ra là giờ dậu, tháng tý, ngày ngọ, và tuổi tôi là tuổi mão. Đúng là tứ hành xung, ông ạ.
Ngẫu sự thôi và đúng như cổ nhân đã dạy vạn sự cổ nan toàn mà. Cố tình làm giảm nhẹ độ căng của câu chuyện, tôi hùa theo Sự. Sự gật gù. Ấy thế. Ở đời, sống được còn nhờ biết tự an ủi và biết quên. Tuy vậy, buồn thay, cây muốn lặng, gió chẳng đừng, Sự muốn quên mà không được. Tai họa tiếp tục giáng xuống đầu Sự. Tháng năm anh bị kẻ cắp rạch túi lấy mất cả bọc tiền cơ quan giao cho đi mua vật liệu thí nghiệm, những hai trăm triệu, bằng lương cả bốn năm trời. Tháng sáu bị một thằng đi xe máy ẩu tông vào đuôi xe đạp, người bắn lên vỉa hè, trật khớp một bên vai, rạn xương ống đồng. Tháng tám đang đạp xe, bỗng một kẻ lạ mặt, da sần sùi đeo kính đen nhọ chảo từ sau vọt xe máy City 103 qua, phụt một luồng axít vào mặt, phúc bảy mươi đời nhờ cái kính che bụi và do thằng cha căn sai nên chỉ bỏng mảng gáy, chứ không thì dứt khoát đi đời hai con mắt và cái mặt biến thành mặt quỷ. Tháng chín, tháng mười nhận cả loạt thư nặc danh của một thằng ngô ngọng tự xưng nhà văn công nhân lên giọng du côn khuyên chớ nên xéo sang vườn rau người khác, nếu không méo mó sẽ được liền méo mó. Tháng mười một nhận được tờ báo biếu, mở ra thấy một bài đánh dấu yêu cầu phải đọc, có tựa đề: “Hãy trừng trị kẻ mượn rượu nói xằng”. Ký bút danh là Búa Tạ.
Câu chuyện chữ nghĩa đã vượt giới hạn chữ nghĩa. Tỉnh lẻ nhỏ bằng bàn tay, đầu tỉnh cuối tỉnh năm ấy chỉ ran ran một chuyện ông Tú Sự gặp tai nạn liên tiếp. Sự trở thành đầu đề của bao cuộc tranh cãi, kẻ khen, người chê. Chỗ này tâng bốc, chỗ kia chửi rủa.
Thôi thì lưỡi không xương, miệng không cạp, thiên hạ nói năng bình phẩm thế nào là quyền của người ta. Mình có quyền sáng tác thì người ta có quyền bình phán. Sinh hoạt tinh thần cởi mở, dân chủ cũng bao hàm cả nội dung đó chứ sao. Chỉ hơi băn khoăn tí chút, nếu những hành vi nọ lại là trò trả thù man rợ đã trù liệu của kẻ xấu tính, hèn mọn? Nhưng nghĩ cho cùng đời có lề luật của nó. Phúc không thể cầu, họa không thể tránh. Vận hạn, may mắn, thảy đã đặt thành phương trình và có tính tương quan, ở ngoài sự định đoạt của cá nhân. Vả, đã biết thế nào là may mắn là rủi ro, vận hạn mà phải mất thì giờ lo liệu, ngăn chặn, cầu xin.
Tẩm ngẩm tầm ngầm con nhà nho kín kẽ, ông tiến sĩ Tây học thấm nhuần tinh thần ứng xử phương Đông cổ xưa, bỏ qua tất cả những chuyện đáng bực mình và lo ngại. Ông lại làm câu đối, lại chơi trò chơi của mình. Thiên hạ chơi cờ, chơi tem, thì ông chơi chữ. Chơi chữ, một cái thú thẩm mỹ cao đẳng. Chẳng hạn, Tết ấy, đài truyền hình tỉnh chiếu phim Tây du ký mấy chục tập liền, đi đến đâu cũng thấy người ta bàn luận về Đường Tăng với Tôn Ngộ Không, Sự liền ra vế thách đố: Ngộ có ngộ Không, Ngộ không ngộ, Ngộ không là khỉ.
Oái oăm chưa cái chữ nghĩa. Nó thật là cái cách quỷ biện của con người để gọi tên sự vật. Nó giấu cái tiềm ẩn ở sau cái nông sờ. Nó vừa thành thật sáng tỏ vừa chập chờn ý tưởng siêu linh trong bản tính uyển chuyển của nghệ thuật.
Những câu đối tài tình ra đời như có sự trợ giúp của thần linh của Sự năm ấy khiến cái thị xã tỉnh lỵ nhỏ bé có nhịp sống uể oải thường khi, lại náo hoạt hẳn lên. Ôi, văn thơ, ba cái chữ quèn mà sao lại có thể tạo nên một ngác ngơ, một bâng khuâng, một ánh cười, một tiếng khóc, một men tình, một sức sống mạnh mẽ như thế.
Sự đang trong đà thăng hoa. Bản lĩnh trí thức hiện đại kết hợp với khí tiết nho quân tử khiến Sự hoàn toàn chấp nhận mọi thiệt thòi, ro rủi, nhất quyết nhập cuộc, không đi tìm sự an toàn ở ngoài vòng nguy biến.
Say sưa, Sự hỏi tôi: “Tôi định bỏ nghề, bỏ cả học vị tiến sĩ sinh học, chuyển hẳn sang nghề làm báo, dùng ngòi bút làm vũ khí đấu tranh cho lẽ phải đấy. Tôi đã nói với ông tổng biên tập tờ báo tỉnh rồi, ông ấy nói: sẵn sàng đón nhận. Vậy ý ông thế nào?”.
*
 Đời thường ít khi suôn sẻ.
Sự chưa kịp viết đơn xin chuyển sang làm việc ở tòa báo của tỉnh thì đùng cái ông tổng biên tập, người giầu bản lĩnh tranh đấu, kẻ có tài nhận biết và thu nạp cái tài đích thực của người khác, bị tổ chức điều phắt sang cơ quan khác; thế chân ông giờ là một anh cán bộ tuyên huấn huyện mới ti toe ba bốn bài thơ trình độ báo tường.
Tôi chưa kịp hỏi Sự giờ định liệu thế nào, thì Sự đã ghé nhà tôi:
- Tối mai cơ quan mình liên hoan tiễn mình về hưu. Ông đến dự nhé.
- Ơ. Ông mới năm mươi.
- Thì hưu non chứ sao. Ông trưởng ban tổ chức cơ quan bảo tôi: trước sau đằng nào cũng về hưu thì về hưu quách cho xong đi, ông à. Hà.
Thật không ngờ, Sự về hưu đột ngột thế, lại cũng không ngờ buổi liên hoan tiễn đưa Sự về hưu lại vui nhộn, nghịch ngợm đến thế. Có độ năm chục người dự, ngồi bốn dãy ghế áp bốn phía tường nhà. Nhìn mặt, nhận ra toàn là bạn bè trang lứa, những bác sĩ, kỹ sư, nhà báo, nhà đài, nhà văn nhà thơ cấp tỉnh cả.
Ông tổng biên tập báo tỉnh vừa bị điều chuyển công tác khác xung phong đóng vai người dẫn chương trình. Người săn chắc, da bánh mật, tóc hoa râm, miệng rộng, giọng rất sang trọng và âm vang, ông làm mọi người sửng sốt ngay từ mấy câu mở đầu. Ông đọc như đọc điếu văn, kể lại lai lịch Sự, họ gì tên gì, sinh ngày nào, quê quán tại đâu, rồi bất thình lình ông cao giọng nghê nga:
Cung duy
Văn Sự
Thiên tư hao mại
Khí vũ hiên ngang
Tam sinh Hán học
Nhớ xưa
Văn Sự
Thông minh vốn sẵn
Khí phách hiên ngang
Nhỏ học chữ Hán. Lớn học chữ Tây
Rồi đột ngột ông bật lên tiếng nức nở
Ơi Sự ơi là Sự. Thế là mình bỏ đi
Chẳng nói chẳng rằng không than không thở
Hay mình thấy tớ không chung lưng đấu cật
Thôi. Chết quách yên mồ. Sống càng nặng nợ
Kiếp này có lỡ
Thì cứ thành tiên, thành phật để rong chơi, nay New York mai Tokyo.
Những muốn dựng bia làm kỷ niệm thì chữ nghĩa, câu đối đó là bia rồi...
Đến đây thì mọi người cười giốc cả lên. Hiểu nhau rồi, ô hô.
Hiểu nhau cặn kẽ rồi. Ôi ông tổng biên tập ơi. Ông đọc văn tế Sự, công khai ông định nói rằng: nay mai mỗi người mỗi ngả, ngộ nhỡ Sự có mệnh hệ nào, khi ấy dẫu ông có vắng mặt thì cũng được coi như đã tròn phận sự tống tiễn chứ gì. Không. Ông còn quỷ kế thâm sâu hơn kia. Ông định chơi cái lối cái quan định luận, tức đóng nắp áo quan mới định công tội cho Sự chứ gì. Ông đặt bẫy và thế là mọi người mắc bẫy ông cả. Kìa, người tặng quà, người biếu tiền Sự, kẻ đọc thơ, người nói vo. Ai cũng chỉ một điều ngợi ca công đức, tôn vinh giá trị của Sự, xếp Sự vào bậc thánh trí. Ha. Chi li mà làm gì. Chấp gì kẻ đã mất. Chà. Lâm ly mà nắc nẻ cười suốt cả đêm dài.
*
 Năm mươi hai tuổi, Sự mới lấy một cô giáo dạy trung học bốn mươi lăm góa chồng, không con. Họ sống với nhau ở nơi cô giáo dạy học, một làng ngoại vi thị xã tỉnh lỵ.
Tôi đến chơi với Sự luôn. Tóc Sự đã bạc trắng phơ. Nhưng anh chẳng chút buồn phiền. Ông tiến sĩ sinh học giờ đây bận rộn suốt ngày với công việc trồng cây cảnh, giâm cành, tỉa nụ, nhân giống hoa. Ông sản xuất hoa tươi và cây cảnh. Ông vừa tham gia câu lạc bộ thơ phường sở tại, vui vẻ và hồn nhiên như thấm nhuần lẽ đời thực giả hư chi, thực đó mà giả đó, bỉ thử nhất thời cả thôi.
- Thấy tôi vui, bà xã cứ căn vặn - Sự kể - Tôi phải lấy truyện cổ ra giải thích. Được làm người là một cái đại phúc thứ nhất. Được làm đàn ông là một cái đại phúc thứ hai. Còn cái đại phúc thứ ba là mạnh khỏe thì tôi cũng có. Được ba cái lớn thế sao không vui. Còn cái gian khó, cái nghèo nàn, vốn vẫn là sự thường, như đường đi, có núi có đèo, sao lại phải than van. Có gì mà phải buồn, kể cả cái chết, vì cái chết chẳng qua chỉ là sự hết mà thôi.
Nói đoạn, Sự nhìn tôi chăm chăm, hạ giọng:
- Ông ạ, nói thế chứ thực ra cũng có lúc khắc khoải ngẩn ngơ lắm. Nó là do từ đâu, những cái tai họa và bước trầm luân của mình ấy?
- Thế theo ông nó do từ đâu?
- Dà, nó là do từ đâu ấy à? Sự thở mạnh rồi ề à: Việc đời thì đã rõ. Chỉ còn việc của quỷ thần là còn mu mơ. Nhưng, giờ thì cũng đã thấy tới chín phần. Căn do có lẽ là từ cái câu tôi thách đố năm Tân Mùi ấy, ông ạ.
Ngừng một lát, Sự tiếp:
- Chà. Xuất đối dị, đối đối nan là thế. Ông còn nhớ cái vế tôi ra nhưng giấu tên ấy không? Tân Mùi, vị tân. Nó là thế. Câu này có bốn chữ thôi, nhưng nó hóc hiểm vì sử dụng can chi, và chua cay về ý tứ. Năm ấy chả có ai đối được. Thành ra nó cũng như câu Da trắng vỗ bì bạch, nó là tử vận, tử đối.
Tử đối. Tôi kêu khe khẽ. Sự gật đầu:
- Chữ nghĩa, văn thơ nó có quỷ thần ở bên trong, mình đã đổi tên mà nó vẫn tìm được, nó quậy phá, vận vào mình, gây họa cho mình là thế đấy. Có phải không, ông?
Những câu đối không có chú thích tác giả đều là của tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ, bạn tôi - Ma Văn Kháng.

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ