LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Ai bảo Toán học chỉ là khoa học tự nhiên?

Bởi  tin rằng “Điều gì đã khắc ở trong tâm thì (nhất định) cũng bộc lộ thành lời (thành chữ)”, nên TSKH Trần Xuân Hoài đã  thống kê tần suất những từ ngữ chính trị xuất hiện trong chuỗi các Hiến pháp Việt Nam từ 1946 đến nay, xem những con số, những biểu đồ toán học khô khan có nói lên quy luật gì hữu ích không?

    Kết quả là, những con số cùng những gợi ý rất nhẹ nhàng và khách quan của tác giả, đã khiến ta dễ dàng đạt tới những nhận thức vô cùng thú vị :

1/ Tần suất những chữ ”Độc lâp”, “Tự do”, “Bình đẳng” thì tương đối ổn định. Riêng từ “DÂN CHỦ”  được nhấn mạnh trong HP 1946, nhưng sau đó thì liên tục “giảm mạnh” ! Đúng là Nhân quyền bị “teo dần trong Hiến pháp” (TS Hoàng Xuân Phú).

2/ Theo thời gian, sự giảm dần của yếu tố Dân chủ lại tương ứng với sự tăng dần của yếu tố Cộng sản và Chuyên chính thể hiện ở cách đặt tên nước, từ một nước dân chủ cộng hòa (1946) , dân chủ nhân dân (1960), sang Nhà nước chuyên chính Vô sản (1980), Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân (1992), rồi Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa (2000, tu chỉnh). Ý thức hệ đúng là yếu tố “làm teo” Nhân quyền! 

3/ “ Sự định danh lại vào Hiến pháp 1980 từ nhà nước dân chủ sang nhà nước CHUYÊN CHÍNH, là một bước ngoặt lớn”… … “hiếm có quốc gia nào có được sự tự định danh chính thức là nhà nước CHUYÊN CHÍNH như Hiến pháp 1980 của nước ta” ( nguyên văn TXH, HSP nhấn mạnh). Từ một Hiến pháp năm 1946 dựa trên những tiên đề “không ai có thể bác bỏ” đã du nhập thêm những tiên đề rất dễ bị bác bỏ, nhiều người muốn bác bỏ. Càng củng cố được quyền lực, sự Chuyên chính càng bộc lộ một cách trực diện, ngang nhiên và được pháp chế hóa thẳng thừng.

4/  Chuyên chính tăng lên thì Dân chủ giảm đi là dễ hiểu, nhưng lạ một điều càng Chuyên chính thì càng tô rõ thêm hai chữ Nhân dân là vì sao, có mâu thuẫn gì ở đây?  Bởi theo lý thuyết Mác-xít thì Chuyên chính không mâu thuẫn gì với Nhân dân cả., ĐCS chỉ Dân chủ với “Nhân dân” nhưng quyết “chuyên chính với kẻ thù”. Trong nhân dân nếu có ai chống lại Đảng thì Đảng đẩy nó thành “kẻ thù”, không cho nó thuộc về “nhân dân” nữa, thế là “nhân dân” thì luôn trong sạch, luôn theo Đảng, và Đảng  chẳng bao giờ phải chuyên chính với “nhân dân”!. Đọc bài Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong Hiến phápcủa báo QĐND ta sẽ hiểu ngay “nhân dân phải mang tính giai cấp”, chỉ có những người theo Đảng làm cách mạng lập ra chế độ dân chủ cộng hòa mới là “nhân dân”, và Hiến pháp 1946 đã khẳng định không được dân chủ đa nguyên! (Vậy những ai muốn trở về HP 1946 chớ có ảo tưởng nhé).

Nghĩa là các khái niệm Dân chủ và Nhân dân đã bị đánh tráo. Đồng thời hai chữ ĐỘC TÀI nghiễm nhiên đi vào Hiến pháp do được nghệ thuật phù phép ngôn từ thay bằng hai chữ CHUYÊN CHÍNH của Trung Hoa cho đỡ phản cảm, mặc dù tất cả các ngôn ngữ thông dụng trên thế giới đều biết Chuyên chính= độc tài=Dictatura, từ một chữ Latin nghĩa là phi dân chủ!
Việc nhập nhằng giữa khái niệm Nhà nước với Chính quyền, giữa quyền Con người với quyền Công dân, giữa quyền độc lập của một Dân tộc với quyền độc lập của mỗi cá nhân…cũng là những thủ thuật pháp lý láu cá, đánh tráo khái niệm.

Tác giả biết rằng nếu Hiến pháp xây dựng trên cơ sở những chân lý “không ai chối cãi được” thì đương nhiên được toàn dân chấp nhận, nhưng khi người ta cần mưu lợi về chính trị, cần kinh tế, cần tuyên truyền…tức là đặt cơ sở trên những điều “có thể chối cãi”,  do xuất phát từ chủ quan những người soạn thảo và quyết định Hiến pháp thì HP chỉ phục vụ lợi ích riêng của họ là dễ hiểu. Chính vì thế mà chừng nào việc soạn thảo và quyết định Hiến pháp còn do một tập thể mà tuyệt đại đa số là người của một phe, một đảng thì…xin đừng  tranh biện làm gì cho hoài công, nếu chưa thể “đánh” vào chính cái gốc đó? Song song với yêu cầu sửa đổi nội dung HP không thể không đề cập mạnh đến nhu cầu cốt tử này từ những sức mạnh của xã hội công dân, mà việc ký kiến nghị đông đảo và lên tiếng trên mọi diễn đàn cũng là những cố gắng!
Nhưng khi chưa đòi được những quyền Tự do trong thực tế thì việc tu sửa Hiến pháp chưa phải điều gì quan trọng. Nếu có sự sửa đổi cũng chỉ là hình thức.
Hà Sĩ Phu
http://boxitvn.blogspot.com/2013/01/hanh-trinh-hien-phap-viet-nam-duoi-goc.html

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ