LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Dân chủ thụt lùi (ôn lại cuộc tranh luận Tư pháp năm 1948)

Không phải đến tận những năm 2012-2013 này cuộc tranh cãi về Hiến pháp và pháp luật nói chung mới bung ra trầm trọng như ta đang thấy. Thật ra, trong quỹ đạo chuyên chính vô sản, Hiến pháp và pháp luật luôn là lĩnh vực điển hình chất chứa những mâu thuẫn nội tại, chỉ chờ dịp để bung ra, bởi cốt lõi vẫn là mâu thuẫn giữa một nền độc tài đảng trị trước những đòi hỏi dân chủ pháp trị.
Xin gợi nhớ lại cuộc tranh luận lịch sử về quan hệ giữa Tư pháp và Hành pháp nổ ra khoảng năm 1948 giữa một bên là báo chí chính thống, lý luận chính thống của Đảng mà đại diện là nhà báo Quang Đạm, cây đại thụ lý luận của Đảng trên báo Sự Thật (và báo Nhân dân sau này), còn phía bên kia là các Luật sư Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe…, cả hai đều từng là Bộ Trưởng Tư pháp, là chức của cựu Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc ngày nay. Riêng LS Vũ Trọng Khánh (1912-1996) chính là người chủ chốt cùng với GS Đặng Thai Mai thảo ra bản Hiền pháp 1946 mà nay đang nhắc tới nhiều.
Nói về Tam quyền phân lập, cuối cùng, Quang Đạm kết luậnMong rằng Tư pháp nên nhận định sự phân phối quyền hạn giữa kháng chiến hành chính (tức Hành pháp) và tư pháp chỉ là sự phân công phụ trách để làm cho khoa học, chứ không thể là một sự phân quyền theo quan niệm lấy quyền ngăn quyền mà đấu tranh giữa quyền này với quyền khác”.
Luận điểm “chỉ do Đảng phân công chứ không phân quyền” này của ông Quang Đạm vẫn được Đảng ta cố thủ cho đến ngày nay, và tất nhiên bị các Luật sư Vũ Trọng Khánh và Vũ Đình Hòe chống lại. Như thế, về nội dung luận điểm cơ bản của hai phái “pháp trị” và “Đảng trị” trước và nay cơ bản là không đổi. Tuy vậy cục diện đấu tranh quan điểm vào năm 1948 ấy và cuộc đấu tranh hiện nay (sau hơn 60 năm) thì khác nhau nhiều:
- Năm 1948 cuộc tranh luận diễn ra bình đẳng, đều cùng đăng trên các báo công khai như báo Sự thật của Đảng CS hoặc báo Độc lập của đảng Dân chủ. Chính tờ Sự thật của ông Quang Đạm cũng đăng bài của ông Vũ Trọng Khánh. Nhưng ngày nay thế nào?
- Năm 1948, sau 8 tháng tranh luận không đi tới một kết luận áp đặt nào từ phía đảng và nhà nước. Mọi ý kiến mặc nhiên được công khai bảo lưu, không bị khẳng định cộc lốc một câu “chế độ ta không chấp nhận Tam quyền phân lập”, miễn bàn, không bị Tổng Bí thư hay Phó thủ tướng lên án là bọn suy thoái tư tưởng, suy thoái đạo đức và cần phải nghiêm trị như bây giờ.
- Cảm động nhất là lời sám hối của phía quyền lực: Chính ông Quang Đạm bốn chục năm sau đã thừa nhận rằng quan điểm pháp lý của ông lúc ấy về lý thuyết “có phần giản đơn và siêu hình” còn trên thực tế phát triển cách mạng đã dẫn đến tình trạng “quyền lực của tư pháp cũng như lập pháp xét cho cùng là hữu danh vô thực” và “bên trên của cả ba quyền lực (tức kể cả trên quyền hành pháp - VĐH) mọi người nghĩ đến một “siêu quyền lực” quyết định tất cả, là cấp ủy đảng lãnh đạo”. Bài viết của ông có người trong giới chuyên môn tư pháp cho là “sám hối”. Ngày nay những kẻ lý sự cùn nói bậy rất nhiều, chẳng thấy một lời sám hối. Chỉ thấy người phản biện, cũng một cựu Bộ trưởng Tư pháp, bị gây sức ép đến mất chủ động , phải nói phản lại ý kiến của mình và bè bạn.
Sau hơn 60 năm, với bao nhiêu xương máu, nền dân chủ lại thụt lùi, cả lý và tình còn thua xa cái thời ấu trĩ chập chững của chính mình, hỏi không buồn sao được?


H.S.P.

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ