LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Tại sao người ta hành xử tàn ác?

Kính gửi GS Nguyễn Huệ Chi
Những ngày này xã hội ta đang chứng kiến hai “cuộc đua” ngược dòng chưa từng có giữa giáo lý chính thống với thực tiễn đời sống. Dân nghèo Tiên Lãng, Văn Giang… càng bị công quyền đánh đập dã man bao nhiêu thì trên những diễn đàn người lãnh đạo cao nhất càng khẳng định tính chính nghĩa, tính nhân văn và khoa học của Ý thức hệ bấy nhiêu. Sự ngược chiều ấy nhất định đòi ở đầu óc con người một sự lý giải. Tại sao người ta hành xử tàn ác (mà “người ta” ở đây lại là những người nhân danh cái Thiện, cực thiện)?
Bằng khoa học thực nghiệm, bằng sự am hiểu khách quan và sâu sắc GS.TS Y khoa Nguyễn Văn Tuấn đã dẫn ta đến câu trả lời chí lý, đầy sức tin cậy, ba lần ông nhắc lại, nguyên nhân là sự giáo điều của Ý THỨC HỆ, cái đáp số không khỏi làm cho những ai đó phải giật mình:
“người bình thường có thể trở nên những kẻ ác ôn nếu được trang bị bằng một ý thức hệ hay giáo điều nào đó” ,
“cái ác có thể thắng cái thiện nếu được trang bị bằng một ý thức hệ” ,
“ở trong môi trường giáo điều và được trang bị bằng ý thức hệ địch – ta, nên họ nhìn người dân mất đất như là những kẻ thù, và tự họ biến thành những người ác ôn mà có lẽ chính họ cũng không nhận ra ngay lúc vung tay hành hung người khác”
Những kết quả gây chứng Sadism thực nghiệm của Zimbardo (gây bệnh ác ôn thực nghiệm) đã chứng minh cho kết luận ấy.
Tôi đặc biệt đồng tình với nhận định rằng tính ác ôn ở những người vốn bình thường mới nguy hiểm, bởi khi tính ác không do bẩm sinh thì do môi trường, do môi trường nên cùng một lúc có thể sinh ra một loạt người ác, để cái ác trở nên bình thường. Do môi trường xã hội nên cùng một lúc có thể sinh ra một đội ngũ ác (kiêu binh chẳng hạn) nên cái ác còn có thể được vinh danh!
Rất may là ở cực đối lập cũng có quy luật tương tự. Có thể tạo ra tính cách anh hùng bằng thực nghiệm. Có thể tạo ra môi trường để biến những người bình thường thành những người có tính cách anh hùng.  TS Nguyễn Văn Tuấn nhắc đến anh Y tá, giữa môi trường toàn ác ôn mà dám nói với tù nhân Minh Hằng:  “Hãy để cho anh đưa Bùi Minh Hằng về nhà một cách an toàn rồi anh sẽ cởi bỏ bộ quân phục đang mặc” (xem "Văn Giang khôn nguôi"). Những ngày này, chúng ta đã có thể nhắc tên nhiều anh chị em bình thường đang trở thành anh hùng như thế và hơn thế nữa. Hiện tượng những người bình thường, có thể rất bình thường, đang trở thành anh hùng là phúc lớn cho dân tộc.
Nhưng đã nói cũng nên nói cho hết nhẽ: Nhân danh cái CỰC THIỆN sao lại sinh ra CỰC ÁC? Cũng có trường hợp do ngu tín mà bị ám thị, làm điều Ác mà cứ tưởng mình đang làm điều Thiện, nhưng niềm tin như tín ngưỡng ấy bây giờ còn được bao nhiêu?
Thực tế có Thiện như đang rêu rao không? Khi nhân danh Ý thức hệ để chỉnh đốn về đạo đức, về nhân cách thì một người đảng viên yêu Đảng như TS Chu Hảo phải công nhận đây là “một thể chế nói chung là không khuyến khích trau dồi và tôn trọng nhân cách. của dân, vì dân thật không khi ông Chu Hảo phải nhận định “dân nghèo ở nhiều nơi trên đất nước này đang bị dồn ép vào cảnh khốn cùng bằng các luật lệ phi lý và các biện pháp trấn áp tàn bạo [] Chính quyền này hình như không biết sợ dân nữa rồi!
Thưa GS Nguyễn Huệ Chi,
Ý thức hệ nào cũng là Đức trị cả, cũng đều nhân danh cái Thiện, cái đạo đức. Nhưng nếu đạo đức thật đâu có tạo ra môi trường ác ôn? Trong thí nghiệm của Zimbardo mà TS Nguyễn Văn Tuấn thượng dẫn, chỉ khi nhóm “quản giáo” thực nghiệm được quyền “toàn trị” hành xử theo ý muốn mới phát sinh thú tính, mới nhiễm bệnh ác ôn thực nghiệm sadism mà thôi. Cuối cùng mọi điều vẫn thuận quy luật, chẳng có chi là nghịch lý hết. Bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn, một nhà khoa học tự nhiên, cứ ám ảnh tôi mãi.


Kính thư
Hà Sĩ Phu

 

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ