LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Bài 1.

VỀ NẠN NGOẠI XÂM MỚI.

    Trong khi báo chí đang nói rất nhiều về nạn NỘI XÂM, phải chống nội xâm để cứu nước thì nạn NGOẠI XÂM , sau nhiều năm nung nấu, đã hiện diện ngay giữa lòng đất nước chúng ta. Mất nước nhãn tiền.Việc mất trắng hàng loạt cao điểm quân sự trên đất liền, mất hai quần đảo và kèm theo là một vùng hải phận bao la chẳng những là mất lãnh thổ và tài nguyên mà còn đẩy Việt nam vào tư thế nhục nhã của một nước chư hầu mất khả năng tự vệ và họ bóp là chết (1).

Nhưng hiệu quả còn lớn hơn nữa của hành động thách thức rất côn đồ ấy là hiệu quả làm nhục, từ đó sẽ mất hết sức mạnh. Nó chẳng những là cái tát vào mặt cái danh xưng Đảng Cộng sản Việt nam quang vinh, vào một “quân đội nhân dân anh hùng đã đánh thắng mấy đế quốc to” (của một nước tự nhận là cường quốc quân sự), vào mặt 84 triệu người Việt trong và ngoài nước mà còn xúc phạm cả lịch sử mấy nghìn năm chống ngoại xâm , làm cho tất cả những anh hùng dân tộc đã thành tên của các phố phường, trường học trên khắp đất nước này sẽ trở thành trơ trẽn. Cả câu nói của cụ Hồ (Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước), và cái lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng long sắp tới cũng chung số phận.

Vậy mà cái nước bị làm nhục, cái đảng bị làm nhục không dám triệu tập đại sứ của họ, không có một hành động trả đũa ngoại giao tương xứng, không một đại diện có thẩm quyền nào dám lên tiếng, chỉ đẩy một nhân viên phát ngôn ra lắp lại mấy câu muôn thuở lấy lệ, và dặn dò cả dân tộc là đừng có nói điều gì thất thố ảnh hưởng đến 16 chữ “vàng” trong quan hệ tốt đẹp của hai nước!

Không chịu để nhà nước dán băng keo vào miệng như một cháu nhỏ đáng thương trong trường mẫu giáo nọ, một số sinh viên, văn nghệ sĩ đã biểu tình ôn hoà phản đối hành vi xâm lược thì nhà nước lại đứng ra xin lỗi khéo kẻ xâm lược là “chúng tôi không cho phép họ biểu tình như thế”. Thật đáng khôi hài đến chảy nước mắt. Tự nhận “ra ngõ gặp anh hùng” mà các anh hùng cứ lúng búng trong xó bếp vậy sao? Phải đúc một dấu hỏi to bằng chừng nào trước toà nhà Quốc hội của chúng ta cho xứng đây?

Được biết tình hình này, một số cựu chiến binh lão thành phẫn nộ : Họ dựa vào công hàm của Thủ tướng Phạm văn Đồng năm 1958 chứ gì, nếu cần dân Việt nam sẽ xé toạc công hàm đó, gạch chéo lên công hàm đó : quyết định về lãnh thổ mà không có chuẩn y của quốc hội, không trưng cầu dân ý thì chẳng có giá trị gì, dân xé lúc nào cũng được. Dân chúng tôi không bị ràng buộc bởi công hàm đó!

Nước là của dân, dân làm chủ nước, nước bị xâm phạm dân có quyền và có bổn phận phải lên tiếng. Lên tiếng qua các tổ chức và lên tiếng trực tiếp. Quyền yêu nước của mọi người dân là như nhau, dù là một dân thường hay ngài chủ tịch nước, không ai phải xin phép ai để yêu nước cả. Chỉ biểu tình ôn hoà chống kẻ xâm phạm bờ cõi mà phải xin phép mới được biểu tình thì đất nước ấy thật rất xứng đáng làm nô lệ, không có nhân dân anh hùng nào lại ứng xử như con giun như vậy. Dân Việt nam quyết không chấp nhận sự nô lệ ấy. Kẻ xâm lược nghe được câu nhà nước khuyên dân như thế ắt cười thầm : Bọn này không đô hộ nó thì để làm gì?

Bà mẹ Suốt là một bà mẹ Việt nam anh hùng. Khi ông Tố Hữu hỏi mẹ :

                                              Gan chi gan rứa mẹ nờ?

 thì mẹ trả lời :            Mẹ rằng, cứu nước mình chờ chi ai?. (Mẹ Suốt, thơ Tố Hữu)

Đấy, chính người Cộng sản khi yêu nước cũng nói như thế. Mẹ Suốt làm rất nhiều việc cụ thể mà còn tự động, không phải hỏi ai, thì sinh viên chưa làm gì, chỉ biểu lộ thái độ ôn hoà sao lại phải hỏi? Sợ mất lòng kẻ xâm lược ư? Việc biểu tình ấy chỉ hỗ trợ thêm sức mạnh cho nhà nước (nếu cùng một chí hướng chống quân xâm lược thì những sự lên tiếng ấy rõ ràng chỉ làm tăng sức mạnh cho nhau).

Khi nói những điều này, ta không hề xúc phạm nhân dân Trung quốc, không nhân dân nào được hỏi ý kiến một cách minh bạch lại đồng ý cho chính phủ mình đi xâm lược các nước láng giềng. Ta cần lên tiếng mạnh mẽ để nhân dân Trung quốc biết được sự thật mà tránh bị kích động. Ta cũng không hề quên những giúp đỡ to lớn mà nhân dân Trung quốc đã giành cho nhân dân Việt nam, chỉ những người gây ra hành động sai trái mới chà đạp lên những kỷ niệm tốt đẹp giữa hai dân tộc. Kẻ ngang nhiên chiếm lãnh thổ nước khác để lập thành phố thì không e ngại gì, mà nạn nhân lại e phản đối sẽ làm “tổn hại đến quan hệ song phương” thì đấy là quan hệ gì vậy?

Đất nước Trung quốc đã từng chịu nỗi đau bị nạn ngoại xâm xâu xé, Người Trung Quốc ắt thuộc làm lòng câu “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (điều mình không muốn chớ làm cho người khác). Các nhà khoa học và chính trị Trung quốc có thừa tư liệu lịch sử và pháp lý để biết đất nào của Việt nam. Nhưng mình để họ khinh nên họ làm bừa  (sách Trung Quốc đã có câu Kẻ tự trọng thì sẽ được người khác trọng, kẻ tự khinh thì sẽ bị người khác khinh), điều ấy những người có trách nhiệm của Việt nam không thể không xem lại tinh thần tự trọng dân tộc của mình đã có phần nào thiếu sót. Nhưng dân tộc Việt nam thì quyết không để cho người ta khinh được.

Chúng ta sẽ không quá khích, vì quá khích là phản ứng của kẻ yếu, nhưng phải công khai, đường hoàng cho xứng với các bậc anh hùng-anh thư thuở trước, hành động phải ngang hàng, phải tương xứng với tình hình và có hiệu quả. Người Việt có dám ngẩng mặt nhìn thế giới hay không là ở chỗ này chứ đừng quan tâm quá đến một chỉ số tăng trưởng GDP mà thực tế chưa đủ bù vào những món nợ lâu dài, bù cho tỷ lệ lạm phát và bù cho sự suy kiệt nhiều tiềm năng quý giá của dân tộc.

                                                                                           HSP (11-12-2007)

-------------------------------------------------------------------------------

(1) Trong mối nguy cơ cho an ninh tổ quốc còn phải lưu ý đến khối nước khổng lồ của đập thủy điện sông La, khi bị đánh phá sẽ cuốn phăng toàn bộ miền Bắc ra biển.

Nhân sự của cấp lãnh đạo tối cao cũng là một cửa ngõ để tiến hành xâm lược. Người thực sự lo lắng đến an ninh quốc gia không thể không quan tâm đến những “quả bom” treo lơ lửng trên đầu ấy.

http://zh.wikipedia.org/wiki/%E5%8D%97%E6%B2%99%E7%BE%A4%E5%B2%9B

Chú thích: Thành phố Tam Sa sẽ "bao phủ cả ba quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), Đông Sa", diện tích lên tới 2,6 triệu km², rộng bằng một phần tư diện tích lãnh thổ Trung Quốc.

2,6 triệu km² là thành phố lớn nhất thế giới? Hải Nam thành tỉnh lị to nhất Trung Quốc? Vùng biển quốc tế giữa các đảo thì sao, đã trở thành hồ nhỏ trong thành phố của người Trung Quốc ư? (Blog Trangha).

 

 

 

 


Vừa nội xâm, vừa ngoại xâm- phải làm gì trước?

Bài 2: Dân tộc phải hồi sinh!

                                              

1. Mất nước là gì?

Ngoại xâm là sự xâm lăng từ bên ngoài, nội xâm là sự xâm lăng từ bên trong, đối với một quốc gia. Nếu quốc gia ấy không chống cự nổi trước sự xâm lăng, dù từ bên ngoài hay từ bên trong, thì kết quả đều giống nhau: mất nước!

Có người thắc mắc: trường hợp mất nước vào tay người trong nước là nghĩa làm sao?

Xuất phát từ quan điểm Dân là gốc của nước thì ngày nay phải hiểu “mất nước” là tình trạng nhân dân bị mất quyền làm chủ đất nước của mình.

Nước vẫn còn đó nhưng dân không làm chủ thì đấy là mất nước!

Quyền làm chủ ấy bị mất vào tay người nước ngoài thì gọi là nạn ngoại xâm, mất vào tay kẻ thống trị độc tài trong nước thì đó là nạn nội xâm. Giặc ngoại xâm hay nội xâm đều cướp mất của dân quyền làm chủ đất nước, trong đó có quyền quan trọng nhất là quyền làm chủ đối với đất đai, lãnh thổ. Cả hai trường hợp đều do thiếu dân chủ, thiếu bình đẳng, hoặc là thiếu dân chủ giữa các quốc gia, hoặc do thiếu dân chủ trong nội bộ một nước.

Trong thế giới văn minh ngày nay, đại bộ phận nhân dân đã được làm chủ đất nước của mình, song vẫn còn một số tập đoàn cầm quyền muốn tiếm đoạt quyền ấy của nhân dân mình hoặc nhân dân nước khác, làm cho nhân dân bị “mất nước từng phần”, chứ không còn khả năng gây ra sự “mất nước trọn gói” như ngày xưa nữa.

2. Chủ nghĩa đấu tranh giai cấp có hại cho dân tộc

Chủ nghĩa tư bản đã và đang tồn tại ở rất nhiều quốc gia, nhưng chẳng bao giờ và chẳng ở đâu phải đưa ra khẩu hiệu “yêu chủ nghĩa tư bản là yêu nước”. Tại sao đến phiên “chủ nghĩa xã hội” lại phải đặt ra vấn đề “yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước”? Tại sao phải cố tình đồng nhất hai tình yêu ấy, cột chặt hai tình yêu ấy với nhau? Nguyên nhân rất đơn giản, vì trên thực tế hai thứ ấy không đồng nhất, không khớp được với nhau, nên phải dùng khẩu hiệu ấy để cố gò nó lại. Không ký sinh được vào chủ nghĩa yêu nước thì cái gọi là chủ nghĩa xã hội chẳng còn sức sống gì.

Lúc đầu, sự kết hợp ấy có gây được sự cộng hưởng là do “… lúc ấy cái vòng kim cô Mác - Lê vẫn chỉ mới như một hào quang từ xa, chưa hiện hình tác quái…[1]. Nhưng chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa đấu tranh giai cấp vốn tiềm tàng những mâu thuẫn cơ bản nên càng về sau càng xung đột. Đấu tranh giai giai cấp ắt phải tiến đến chuyên chính vô sản (Lenin). Trong khi chủ nghĩa yêu nước cần đoàn kết dân tộc và sự phát triển, thì chuyên chính vô sản vừa phá đoàn kết dân tộc vừa kìm hãm sự phát triển. Từ 1989, chuyên chính vô sản khắp nơi trên thế giới bị đào thải, gốc rễ là do nó chống lại chủ nghĩa yêu nước. Những nước cộng sản Đông Âu đuổi chủ nghĩa cộng sản đi chính là đuổi nội xâm để giành lại đất nước.

Họ đuổi đi một chủ nghĩa có hại cho đoàn kết dân tộc và sự phát triển, chứ về con người họ càng đùm bọc nhau hơn, như dân Tây Đức và dân Đông Đức, không ai đánh đuổi ai cả.

Chủ nghĩa đấu tranh giai cấp vốn coi những gì thuộc về giai cấp quan trọng hơn những gì thuộc về dân tộc, nên mới có xu hướng bỏ qua ranh giới dân tộc để “vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Ảo tưởng này đã được các nước cộng sản lớn lợi dụng ngay, cái “gia đình các nước xã hội chủ nghĩa” đầy tính chất gia trưởng nên các anh cả chị hai lấn át các nước nhỏ để thu lợi. Về sau, khi quan điểm giai cấp đại đồng ấy bị phá sản, mọi nước trở về với chủ nghĩa yêu nước thì những “việc đã rồi” khó có thể đòi trở lại. Nếu không có cuộc chiến Bắc Nam về ý thức hệ và không có tư tưởng vô sản thì ông Phạm Văn Đồng chắc không dễ dàng nhường cho Trung Quốc quần đảo Hoàng Sa đâu. Khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã, Trung Quốc trở thành trụ cột xã hội chủ nghĩa duy nhất thì một lần nữa quan điểm cộng sản lại làm cho nước Việt Nam thiệt thòi nhiều trước một Trung Quốc vốn đầy tham vọng.

Nếu không vướng chủ nghĩa ấy tôi tin chắc rằng những người lãnh đạo Việt Nam ngày nay đã không chịu thế lép, mà cũng hiên ngang như Lý Thường Kiệt, như Quang Trung đã làm chứ không thua kém đâu. Chỉ bởi vì nếu không nương tựa vào Đại Hán thì một cái quái thai cộng sản, cô độc cỏn con, ngược dòng, đứng làm sao được trước dòng chảy văn minh toàn cầu này?... Mấy nghìn năm, Đại Hán đô hộ mãi vẫn không cướp được một tấc đất Việt Nam nào, ‘Nam quốc sơn hà’ một ly cũng không suy suyển. Bây giờ nhờ có cái gọi là chủ nghĩa xã hội quốc tế, họ có thể làm được cái việc ấy mà không tốn một phát tên, một viên đạn nào, có phải thế không? Thế thì trong việc giữ nước, thời kỳ này là mạnh nhất hay yếu nhất trong lịch sử? Nếu những người cầm quyền Việt nam vẫn cứ đi nước đôi, cố nắm chắc ngọn cờ  Chủ nghĩa Xã hội , tức là cùng một lúc cầm cả hai ngọn cờ, thì nguy cơ báo trước rằng ngọn cờ Dân tộc sẽ tuột khỏi tay, bởi ngọn cờ Dân tộc bao giờ cũng thuộc về những người yêu nước chân chính, không chấp nhận bất cứ một vòng Kim cô nào chụp lên đầu Dân tộc!                                                                                                      … nếu Đảng CSVN yêu nước yêu dân, biết dựa vào dân thì phải thông báo ngay sức ép ấy với toàn dân và dùng sự phẫn nộ của  dân mình làm sức mạnh giúp mình thoát khỏi sức ép của Đảng bạn, rằng “Đấy, tôi nhượng bộ các đồng chí thì dân tôi họ nổi loạn đấy!” …Còn nếu ngược lại, giấu không cho dân biết để lẳng lặng thống nhất với ngoại bang thì lịch sử chẳng quy vào tội bán nước thì còn gọi là tội gì?. [2]

Năm 1958 ông Hoàng Tùng, Trưởng Ban tư tưởng TW của đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã tuyên bố: “Thà giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung quốc, cùng phe xã hội chủ nghĩa anh em còn hơn để tụi Ngụy Sài Gòn quản lý  ! Việc coi nặng ý thức hệ giai cấp hơn quan hệ  Dân tộc thật dễ đưa người ta vào con đường vong bản.

Không nghi ngờ gì nữa, chủ thuyết cộng sản rất có hại cho chủ nghĩa yêu nước, nó là một nguồn nảy sinh và nuôi dưỡng nội xâm, làm lợi cho ngoại xâm, khẩu hiệu “yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước” là một khẩu hiệu ngược.

3. Vừa nội xâm vừa ngoại xâm - phải làm gì trước?

Muốn chống được ngoại xâm cần phải lo xa. Lo xa không gì bằng phải dẹp nội xâm trước hết, vì đây là nhân tố trực tiếp hay gián tiếp rước ngoại xâm vào.

Nội xâm làm cho dân nghèo, dân khổ, dân oán. Ngay nội bộ cầm quyền cũng lục đục lo đối phó với nhau. Như vậy dân tộc bị tiêu ma sinh lực, tạo cơ hội cho ngoại xâm. Muốn chống nội xâm phải có một hệ thống chính trị dân chủ, bình đẳng, có luật pháp công minh, song đó đều là những yêu cầu mà một hệ thống chính trị có gốc là chuyên chính vô sản, với một đảng duy nhất cầm quyền vô thời hạn như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên khó lòng thực hiện được. Trong những nước xã hội chủ nghĩa này, mọi sự đoàn kết chỉ ở ngoài vỏ, giữ yên xã hội chủ yếu là bằng quyền lực.

Các hội chứng dối trá, bạo hành, vô cảm đục ruỗng xã hội. Tất cả tai vạ đều trút xuống kẻ không quyền lực là dân thường, như thế họ không thờ ơ với đất nước sao được? Trong bài “Để cứu Trường Sa” tác giả Trần Khải đã có một câu chí lý: “Nếu không cho người dân quyền làm chủ thực sự, thì mảnh đất hình chữ S cũng sẽ là đất lạ!” (đất nước này không phải của dân?).

Trong khi việc Chống nội xâm, cứu nước[3] còn bế tắc như thế thì tình huống ngoại xâm đã đến! Buộc phải tập trung “đối ngoại” đã, nhưng chống ngoại xâm khi nội xâm đang là quốc nạn thì quả thực vô cùng khó khăn. Khắc phục bệnh thờ ơ - vô cảm để người dân vào cuộc tranh đấu đã khó nhưng xuống đường rồi có thể lại bị chính nhà cầm quyền cản trở mới thật ngược đời (đáng lẽ nhà nước phải vận động, khuyến khích chứ?).

Nhưng bế tắc tận cùng sẽ thấy lối ra. Quy luật xưa nay, khi đất nước bị bên ngoài xâm lăng bao giờ cũng gây ra hai hiệu ứng trái ngược: một hiệu ứng tích cực là làm cho tinh thần dân tộc thức tỉnh, dẹp oán thù, dị biệt nội bộ để lo cứu nước, còn hiệu ứng tiêu cực là làm cho kẻ cơ hội bám lấy ngoại bang, ve vãn để kiếm chác, kẻ yếm thế thì càng trùm chăn. 

Nhưng thật vui mừng khi thấy trong trường hợp xã hội ta hiệu ứng tích cực có lẽ mạnh hơn, ít nhất là trong lúc này. Sau các cuộc biểu tình sáng 9-12, một sinh viên đã viết:    

Sinh viên biểu tình, phải đâu chuyện lạ

            Nhưng nước mình khác nước người ta!

            Nếu quả thực đã hồi sinh được hồn dân tộc

            Thì thực tình, tôi cám ơn kẻ cướp Trường Sa

            …

            Một sớm mùa đông, nước non này ấm lại[4]

Nước non đã ấm lại vì xuất hiện nhiều nhân tố mới mấy chục năm nay chưa từng có, sinh viên biểu tình, có các văn nghệ sĩ và một số người đứng tuổi tham gia. Lần đầu tiên xuất quân mà họ chững chạc, đàng hoàng, khôn ngoan, linh hoạt, cứng dắn. Cô văn sĩ rất trẻ Lynh Bacardi (thế hệ 8x) nói: “Ðây, cuộc mở miệng đầu tiên của chúng tôi. Ðây, lần đầu tiên chúng tôi thực hiện một trong những quyền cơ bản của con người. Ðây, chúng tôi cảm nhận được nhiệt huyết sôi sục trên gương mặt nhau. Ðây, chúng tôi nhắc nhở cho chính phủ Việt Nam biết nhân dân Việt Nam còn tồn tại và biết họ cần làm những gì cho đất nước”.“Nếu chủ nhật tới và những chủ nhật về sau có buổi xuống đường, tôi xin lại được tiếp tục đứng bên cạnh các bạn.[5]

Nhà thơ Hoàng Hưng cũng tham gia biểu tình và phát hiện một vấn đề chính trị rất trúng: ”Rõ ràng là khi lòng yêu nước xuất phát từ đáy con tim chúng ta, không bị ai dắt mũi, ra lệnh, áp đặt, thì nó thực sự trở thành sức mạnh. Người dân thờ ơ với chính trị chỉ là do cái chính trị ấy không hợp với lòng dân, cái chính trị của ai đó độc quyền làm với danh nghĩa người dân.[6]

Rõ ràng là một thể chế áp đặt, thủ tiêu quyền làm chủ của dân thì cũng thủ tiêu luôn cái hồn dân tộc, nhưng hôm nay các bạn trẻ đã làm cho cái hồn đó hồi sinh. Cám ơn “kẻ xâm lược” như lời Thái Hữu Tình là phải lắm!

Đọc thấy trên các trang Web dân chủ có thông báo ký tên phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ[7], rất nhiều bạn bè quanh tôi ký tên ngay, không cần biết người đứng ra tổ chức là ai. Họ bảo: Ai đứng ra cũng được, việc này là chung của tất cả những ai là người Việt Nam, mọi ranh giới về chính trị, tôn giáo, đảng phái đều không còn nữa!

Trong phong trào dân chủ đang có nhiều dị biệt nhưng đến việc này lại gần gũi nhau hơn. Hôm biểu tình có anh công an đã nói nhỏ với một sinh viên: nếu không vướng bộ quần áo này thì tôi đã đứng vào với các anh rồi.

Tổ quốc đúng là mẹ hiền, vì chỉ có mẹ mới ôm được tất cả những đứa con xung khắc vào trong một vòng tay.

Giả dụ trong cuộc biểu tình có một công an đứng ra ngăn cản, sinh viên có thể giãi bày: Ở đây chỉ có hai bên, một bên là những người Việt Nam giữ gìn lãnh thổ, phía bên kia là kẻ xâm lấn đất nước ta, vậy đồng chí thuộc bên nào?... Nói thế mà công an còn kiên quyết giải tán những người yêu nước ôn hoà thì chẳng ngượng với lương tâm lắm sao?

Ví dụ thì còn nhiều, thực tế thật phong phú.

Sự nghiệp chống nội xâm là việc căn bản của ta, còn phải làm dài dài. Nhưng việc chống ngoại xâm cấp thiết trước mắt bỗng dưng lại thành nhân tố tích cực, nó thức tỉnh, hoạt hoá xã hội, thêm người tốt, bớt người xấu, kéo mọi người lại gần nhau…

Liên kết dân tộc càng mạnh thì càng có khả năng phân hóa nội xâm, cô lập ngoại xâm. Hai mặt trận chống nội xâm và chống ngoại xâm nhịp nhàng cùng một lúc lại hỗ trợ cho nhau mới hay chứ!

Không buồn mà lại vui. Chủ nghĩa Mác đã dạy: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, là ngày hội của quần chúng”, nhất là quần chúng trẻ dồi dào trí tuệ và sinh lực.

Cứ vào thực tiễn sẽ thấy lối ra.

“Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”. Hay thật.

                                                                                                

12-11-2007


[1] Hà Sĩ Phu: “Phải có dân chủ mới giữ được độc lập dân tộc”:

www.doi-thoai.com/baimoi1105_011.html

[2] Hà Sĩ Phu, bài đã dẫn

[3] Bùi Minh Quốc: “Chống nội xâm, cứu nước!”:

www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11093&rb=0401

[4] Thái Hữu Tình: “Dân tộc hồi sinh?”

www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2318

[6] Hoàng Hưng: “Khi lòng yêu nước không bị áp đặt”:

 www.talawas.org/talaDB/binhluan.php

[7] Tuyên cáo chống Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam:

http://www.gopetition.com/online/15673.html      

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ