LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Tổ quốc trước cơn liệt-khùng nhân cách

(Gửi các bạn thanh niên và Công an cũng muốn giữ gìn bờ cõi)                                                                                                                      

Hà Sĩ Phu

 

1. Nguồn gốc bnh lit kháng nhân cách

    Sống trên đời, con người vừa phải nương tựa nhau vừa cạnh tranh với nhau, đấu tranh với nhau không ngừng. NHÂN CÁCH, tức tư cách làm người, cần cả hai mặt ấy. Mọi xã hội lành mạnh, bình thường, cân bằng đều cần cả hai mặt song song đối lập ấy.

   Nhưng sau những năm dài đấu tranh với nhau quá ác liệt, xã hội ta lại chuyển sang một thái cực khác, liệt đấu tranh, thờ ơ với đấu tranh, thù địch với đấu tranh, chỉ còn đấu tranh thoi thóp.   

    Có thể giải thích bằng tâm lý mệt mỏi sau chiến tranh, điều này đúng một phần thôi, chiến tranh đã qua mấy chục năm rồi, sao còn quy kết cho chiến tranh mãi được, và phần đông dân số hiện nay có bị ảnh hưởng chiến tranh đâu? Cũng chừng ấy năm chiến tranh nhưng nếu dẫn đến kết cục khác thì chắc tâm trạng dân chúng không thể mệt mỏi thờ ơ như thế.

    Xin nói dài dòng một chút để hiểu tại sao sức mạnh tinh thần của con người Việt nam, nhân cách con người Việt nam lại biến dạng như vậy.   

    Máu chảy trong cơ thể con người vốn có máu tham sân si, sự tranh giành để được phần hơn vốn là một tiếng gọi ma quái mơ hồ từ nơi hoang dã, bên cạnh tiếng gọi tha thiết vươn tới cõi Người hoàn thiện. (Đạo đức và lý tưởng không diệt được nó, chỉ làm nó thích nghi. Chỉ có luật pháp, mà phải là luật pháp dân chủ và văn minh, mới thuần hoá được).

Để chiếm được phần hơn về mặt này mặt nọ, con người thường tìm cách lấn át người khác, ở mức độ thô thiển thì dùng “biện pháp quân sự” trực tiếp, ở mức độ cao hơn thì sử dụng những ưu thế về quan hệ của QUYỀN và TIỀN. Nhưng đằng sau những sức mạnh vật chất ấy, và làm điểm tựa cho những sức mạnh vật chất ấy, bao giờ cũng còn nguồn sức mạnh tinh thần gắn chặt với chính con người, đó là sức mạnh của TƯ DUY và NHÂN CÁCH. Chiếm đoạt được vũ lực, chiếm đoạt được Quyền và Tiền cũng không bằng chiếm đoạt chính con người, muốn chiếm đoạt con người phải làm sao chiếm lĩnh được Tư duy (theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả nhận thức và lòng tin) và Nhân cách của họ. Đảng Cộng sản đã làm được tất cả những việc khó khăn ghê gớm này và đã thành công trong bấy nhiêu năm.

    Lý thuyết Cộng sản muốn nhào nặn lại thế giới, nhưng rồi chẳng làm gì nổi thế giới, cuối cùng về cố thủ thành một “cẩm nang vàng” để trị dân trong nước, trong đó dân chúng, là kẻ bị trị, bị mất dần sức mạnh tinh thần và phụ thuộc hoàn toàn vào Đảng cầm quyền : những Ngụy biện thì phá huỷ dần sức mạnh của TƯ DUY, còn sự quản lý chặt chẽ và bạo lực Chuyên chính thì phá huỷ dần sức mạnh của NHÂN CÁCH (ngay những đảng viên cũng chẳng còn nhân cách riêng). Con người đã mất hai sức mạnh tinh thần ấy thì như kẻ mất hồn, chỉ còn cách ngoan ngoãn nghe Đảng vỗ về và phục tùng vô điều kiện. Dân chỉ được “quyền” yêu Đảng, yêu bao nhiêu cũng được, nhưng không được quyền phản kháng.

    Con tàu Cộng sản được khởi hành bằng năng lượng khổng lồ của “chủ nghĩa yêu nước” nhưng được lái dần sang quỹ đạo của “chủ nghĩa yêu Đảng” một cách ngọt ngào như ru (tuy cũng có vài trận chiếm đoạt long trời lở đất). Đây mới thực là “vạn thế sư biểu”” của nghề diễn biến hoà bình (chứ Hoa Kỳ thì chỉ là anh diễn biến hoà bình vụng dại). Tình hình Bắc Triều Tiên đang còn là một ví dụ rất điển hình, ở đó chẳng còn là chủ nghĩa yêu Đảng nữa mà đã rút gọn thành chủ nghĩa yêu cha con Kim Nhật Thành!.

2. Vừa lit li vừa khùng.

     Cũng theo dòng mô tả sự liệt kháng này, nhà văn Nguyên Ngọc, đạo diễn Song Chi, nhà thơ Bùi Minh quốc, nhà văn Dương Thu Hương, nhà văn Trà Đóa và rất nhiều nhà văn nhà báo khác đã viết về tình trạng một xã hội mỏi mệt, thờ ơ, vô cảm, liệt kháng. Những bài ấy rất chí lý, nhưng xin bổ sung thêm:    

Bức tranh vô cảm ấy chỉ đúng trước những số phận nghèo đói, bất công, oan ức, trước những tệ nạn ngày càng phát triển, trước những nguy cơ lớn của xã hội chưa tìm được lối ra, trước tình trạng người Việt bị hành hạ và khinh rẻ ở khắp nơi trên thế giới, trước việc lãnh thổ tổ quốc bị hao mòn…Nhưng chuyện ấy coi như “chuyện nhỏ”, hãy mở Tivi (và đừng vội tắt đi) để xem các chương trình vui chơi có thưởng đủ kiểu (mà thưởng tới năm chục triệu đồng chứ không ít đâu) ồn ã suốt ngày đêm, những cuộc thi khiêu vũ bốc lửa kiểu Nam Mỹ, những thị trường chứng khoán, những buổi quảng cáo cho người đẹp này, chàng trai hấp dẫn nọ, những buổi dạy cách làm đẹp rất tân kỳ, những cuộc thi nhau làm tỷ phú, những cụ già hưu trí cũng vui chơi có thưởng như trẻ con (có cả nhà tu hành nữa)… rồi đến những tiệm Karaoke sex trá hình, những vũ trường thuốc lắc…thì thấy dân mình không hề “mệt mỏi, thờ ơ, vô cảm”, mà đang háo hức, sôi động đến mức điên loạn, dơ dáng đến buồn nôn.

Vậy đây chỉ là xã hội bị liệt từng phần, liệt có chọn lọc, liệt có “định hướng” (xã hội chủ nghĩa?) hẳn hoi. Con người bị ru ngủ, nhưng chỉ ngủ từng phần, nhiều phần khác lại được đánh thức dậy, lồng lên.   

Sự liệt thường được hiểu là dịu đi, xỉu đi... nhưng sự liệt này lại kèm theo một hội chứng hung hăng đầy rẫy bạo lực : chưa bao giờ người Việt lại xài vũ lực với nhau hăng như bây giờ. Hành hạ, tra tấn, chém giết nhau như cơm bữa. Những cuộc “đấu tranh không khoan nhượng, một mất một còn” này , những cuộc “phê bình bằng vũ khí” này lại không phải đấu tranh giai cấp như Mác-Lê mô tả, mà toàn là trận chiến trong gia đình, trong nhà mẫu giáo, giữa bạn bè, thày trò, giữa công an với dân…, trong hàng ngũ cách mạng với nhau cả. Cô giữ trẻ cấm trẻ khóc bằng cách bịt miệng cho đến…chết, công an bịt miệng bị cáo giữa toà án nghiêm trang, trò nện thày ngay trên bục giảng, cô giáo bắt học trò liếm ghế của mình, bà là mẹ liệt sĩ mà bị cháu đánh gãy xương nên cũng thành “liệt”…sĩ luôn, nhà trường giao học sinh cho công an dùng vũ lực dạy giúp, công an  tống súng lục vào miệng học sinh để hỏi cung, công an tạt tai khách đi đường hoặc đánh cho lên bờ xuống ruộng chỉ vì quên không đội mũ hoặc đi ngược chiều…

    Xã hội như con bệnh vừa liệt lại vừa khùng. Liệt chỗ này nhưng khùng chỗ khác. Báo chí lại cho nguyên nhân là vì ta coi nhẹ việc giáo dục đạo đức và lối sống? Nhầm !Cả một chiến dịch học và làm theo gương đạo đức Hồ chí Minh kéo dài nhiều năm, rộng khắp các trường học, công sở, thường xuyên tổ chức thi để tuyên truyền và sơ kết-tổng kết…mà bảo là coi nhẹ sao được?

Khốn nỗi một trăm bài học trong trường, trên giấy không bằng một bài học, một kết luận mà con người tự rút ra từ thực tiễn xã hội. Thực tiễn xã hội đang dạy người ta cả bài học chán chường và bài học bạo lực. Chán chường và khùng là hai mặt tương sinh của cùng một tình trạng bế tắc, bế tắc trong xã hội và trong tâm lý.

   Nhiều năm trước đây, Đảng ta giỏi tuyên truyền nên ít phải dùng bạo lực. Nhưng Nguỵ biện chỉ làm nhiễu Tư duy được một thời gian. Thuật Nguỵ biện vẫn còn cần đến sự mê hoặc, khiến đối phương tưởng là đúng mà phải nghe theo, hoặc cũng biết là sai nhưng còn có thể núp dưới cái cớ “tưởng là đúng” chứ chưa phải đối diện trực tiếp với Nhân cách. Nhưng rồi thông tin phát triển, dân khôn ra, hiểu ra, Nguỵ biện mất tác dụng, trận địa Tư duy phải chuyển sang trận địa Nhân cách : “ Ừ thì điều này ai cũng biết là xấu, là sai rồi, nhưng không tranh luận nữa, nhân danh quyền lực tôi bắt anh phải theo, anh có theo không thì bảo”. Nếu anh ngoan ngoãn làm theo tức là đã chấp nhận từ bỏ sức mạnh Nhân cách. Anh mất Nhân cách rồi tôi sẽ có biện pháp tiếp theo. Cách leo thang của sự độc quyền ở mọi nơi đều như thế. Chiến dịch “diệt chim sẻ” của Mao Trạch Đông là một ví dụ điển hình.

  

3. Liệt-khùng thì dễ làm mồi cho xâm lưc.

   Vừa rồi, việc Đảng Cộng sản Trung quốc ngang nhiên cho Quốc hội tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt nam cũng là một ví dụ ngang ngược tương tự như quyết định “diệt chim sẻ” nhưng ở tầm quốc tế. Nếu phía Việt nam không có phản kháng tương xứng thì cú Test này sẽ cho thấy nước Việt nam đã bị khuất phục, đã mất sức mạnh NHÂN CÁCH trước nước Trung quốc, và đấy là tiền đề cho những giải pháp áp đặt tiếp theo. Vì thế nếu còn muốn là “Người” Việt nam thì phải có sự phản kháng tương xứng để khẳng định NHÂN CÁCH , tức khẳng định tư cách làm Người của mình, mà phải phải khẳng định điều đó trước mặt Trung quốc và trước bàn dân thiên hạ thì mới có nghĩa!

    Để bác bỏ sự phản kháng rất cần cần thiết ấy những người nhu nhược  lại dùng đến những nguỵ biện, ví dụ: tình hình không cần đến những phản kháng như thế, ta có cách lẳng lặng xử lý có hiệu quả hơn, đằng nào cũng không chống lại được thì biểu tình làm gì, phản kháng như thế e ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, thế vận hội là hoạt động văn hoá-thể thao tốt đẹp cần phải ủng hộ …vân …vân…Vạch rõ tính nguỵ biện của những “luận điểm” này chẳng khó khăn gì, nhưng đã có những bài báo trên mạng viết rồi, nên chẳng cần viết ra đây. Đối với kẻ xâm phạm lãnh thổ của Tố quốc mà dân chúng chỉ được quyền “bảo vệ tình hữu nghị” chứ không được quyền phản kháng để bảo vệ lãnh thổ thì thế giới người ta khinh cho là phải!

    Trong những người Việt được phân công rước đuốc Thế vận Bắc Kinh chỉ có luật sư Lê Minh Phiếu và ca sĩ Mỹ Tâm là dám bộc lộ thái độ phản ứng trước tình hình Tổ quốc bị xâm phạm bờ cõi. Tuy phản ứng ấy còn phải rụt rè, phải tự vệ , và còn bị phía hướng Tàu, phía Lê Chiêu Thống, khống chế đến cùng, nhưng trong một biển người chỉ biết phục tùng và chỉ rình tìm cơ hội để tiến thân thì một biểu hiện phản kháng nào đó cũng đáng quý rồi. Nếu giữ vững nghĩa cử yêu nước ấy, ca sĩ Mỹ Tâm có thể bị ảnh hưởng ít nhiều về sự sủng ái của các bề trên, nhưng đổi lại tiếng hát của chị sẽ được công chúng yêu mến hơn vì trong đó đã có hồn của thế hệ trẻ dám sống thẳng thắn vì đất nước. Hình ảnh ca sĩ của Mỹ Tâm trong lòng công chúng sẽ đẹp hơn nhiều, mong sao.

  “Người bạn lớn” ngạo mạn đã từng “dạy Việt nam một bài học”, nhưng khắp thế giới cũng đang dạy lại họ (Nước lớn cũng phải được dạy, vì sự bình yên của thế giới! Quyền lực nào nếu không được chế ngự cũng sinh hư, cũng thành tai vạ). Ta không dám tuyên bố dạy ai, nhưng ta quyết tự học, học lịch sử chống Bắc thuộc của cha ông mình! Học, và phải cố gắng làm theo, và làm tốt hơn nữa ! 

    Trong cuộc biểu tình chống Trung quốc bành trướng, một thanh niên biểu tình bị một Công an dùng vũ lực ngăn cản, anh thanh niên bèn hỏi : Anh không biết xấu hổ à ? Câu hỏi thật chính xác, có lẽ viên Công an nghĩ rằng ngăn cản người yêu nước cũng không phải điều đáng xấu hổ vì anh ta chỉ làm theo lệnh trên , nhưng câu hỏi này bắt viên công an phải trực tiếp đối diện với Nhân cách cá nhân, là thứ mà mỗi người phải tự chu toàn, không cấp trên nào lo giúp Nhân cách cho anh ta được (cấp trên bảo anh bán nước anh cũng thản nhiên nghe theo à?). Đã không dám phản kháng kẻ xâm lấn là tội “liệt”, đến lúc có người khác đứng lên phản kháng thì anh lại dùng bạo lực đánh đập, thế là tội “khùngg”, vừa liệt vừa khùng thì chỉ làm mồi cho xâm lược, nhân cách thế mà không xấu hổ sao?

    NHÂN CÁCH là tư cách làm Người nên nó rất linh hoạt để chống lại tất cả những gì phi Nhân tính. Tuỳ tình huống mà Nhân cách có ứng xử khác nhau. Với kẻ yếu, kẻ dưới, kẻ bị trị thì dám phản kháng điều sai của của kẻ lộng quyền là NHÂN CÁCH. Vợ biết kháng lại việc sai của chồng để khẳng định nhân cách thì chồng không dám khinh (nếu hắn còn là người), con biết kháng lại ý sai của cha để tỏ rõ nhân cách thì cha không dám coi thường, nước nhỏ dám phản kháng trước đe doạ để khẳng định nhân cách của dân tộc thì nước lớn không dám khinh nhờn…

Con người sợ nhau ở cái Nhân cách. Trong quan hệ gia đình, bạn bè cho đến quan hệ quốc tế nhiều trường hợp hoà khí được giữ gìn chính bởi NHÂN CÁCH dám phản kháng chứ không phải sự chiều lòng, ưng thuận, khiếp nhược. Chính sự khiếp nhược là thủ phạm làm cho quan hệ xấu đi!

NHÂN CÁCH là bức tường lửa mà đối thủ không dễ gì đã dám vượt qua!

Người anh hùng lại càng biết dừng trước Nhân cách của người khác, bởi chỉ kẻ khùng, kẻ võ biền mất nhân tính mới dám xéo liều qua Nhân cách người khác. NHÂN CÁCH

                                                           

Đà Lạt ngày 20-4-2008

                                                                          

HSP

 

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ