LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Thư ngỏ gửi Phạm Hồng Sơn

Đà Lạt ngày 28-7-2008

Phạm Hồng Sơn thân mến

Khi thấy “Thư ngỏ” này xuất hiện trên mạng chắc Sơn ngạc nhiên lắm. Đời thuở nhà ai, “chú Phu” lại viết “thư ngỏ” cho Sơn bao giờ? Thế nên trước hết chú phải xin lỗi, vì nếu Sơn biết trước, nhất định cháu sẽ ngăn cản chú làm việc này.

*

Ngày 22-7-2008 tổ chức HRW đã công bố giải thưởng Hellman-Hammett năm nay của 34 người thuộc 19 nước. Trong danh sách 8 người Việt nam được vinh danh có cháu và chú. Thành tích tóm tắt của từng người đã được tóm tắt trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt.

Trong 2 ngày 23 và 24-8 chú nhận được nhiều lời thăm hỏi và chúc mừng, của bạn bè, của một số dân oan…bằng thư từ, bằng điện thoại và thăm trực tiếp. Có hai cuộc thăm khá đặc biệt. Một là của mấy vị cộng sản lão thành mang hoa đến mừng, vì thấy “đây là sự xác nhận có tính chất quốc tế …”. Chú rất cảm kích vì đó là các đảng viên vẫn đang còn “sinh hoạt đảng”.

Một cuộc thăm khác là của một người bạn. Ông bạn cho biết khi nghe tin này, nhiều anh em đã bàn tán : Liệu ông Tụ có nhận giải này hay từ chối?

Chú hỏi anh em dự đoán thế nào? Ông bạn bảo : Hầu hết bạn bè đều cam đoan ông Tụ sẽ không nhận giải, vì ông ấy là người có học, lại có chữ Nho thì nhất định không phải là người háo danh.

Chú bảo : “Nói thế có phần đúng, vì bản tính tôi ưa thầm lặng, không thích ồn ào, không ham hố những chuyện giải thưởng . Nhưng nhận một giải thưởng mà đồng nghĩa với háo danh thì ông Tố Hữu và nhiều nhà văn nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và giải Asean thì há chẳng háo danh lắm hay sao? Người ta chỉ cự tuyệt một giải thưởng khi khinh bỉ giải thưởng ấy là không chân chính hoặc không xứng tầm với mình”.

Sau đó chú tóm tắt mấy ý để ông bạn hiểu giải Hellman-Hammett là một giải quốc tế có ý nghĩa dân chủ-nhân văn thật sự chứ không phải giải của những người Việt chống cộng đâu, chính báo chí nhà nước mình đã ca ngợi một nhà văn Iran được giải Hellman-Hemmett này đấy. Chú cũng đưa một đoạn dịch từ tiếng Anh, cho thấy người ta tặng giải cho chú chỉ vì những suy nghĩ, vì những bài viết đóng góp về dân chủ và ảnh hưởng sâu rộng của các bài viết ấy, chứ không phải chú có hoạt động chống đối gi cả. Vậy tại sao chú lại không nhận? (về những thông tin liên quan đến cá nhân, cuối thư chú sẽ có “chú thích” để nói rõ thêm) (1) .Ông bạn nghe chú giải thích thế, không nói gì nữa,

*

Chú gửi thư này đến cháu là vì một ý chung và một việc riêng.

Ý chung, chú gửi cháu một đoạn giải thích rõ về nguồn gốc của giải Hellman-Hamett mà nhiều người chỉ nghe loáng thoáng, cứ sợ đây là một giải của những người Việt phản động ! (Xem bài viết ngắn kèm theo).

Việc riêng là việc chú tự xử lý món tiền thưởng, mà có phần phải nhờ đến cháu. Giải có 25 triệu tiền Việt thôi, tức là chỉ như một giải vui chơi tào lao vẫn diễn ra hàng ngày trên truyền hình. Nhưng đối với chú nó cũng rất quan trọng vì có ý nghĩa tinh thần của một giải thưởng. Đây là dịp chú có một món tiền để “trang trải” những “món nợ” tinh thần mà chú chẳng bao giờ quên.

- Trong 25 triệu, chú dành 15 triệu đưa cho vợ, để góp phần cho vợ trang trải bao nhiêu khoản tồn đọng bấy lâu, mà có lẽ hầu hết là do chú “gây ra”. Ngần ấy đâu có đủ, nhưng cũng  không thể “chi” cho vợ hơn được.

- Chú dành 8 triệu để biếu 2 bà goá phụ là vợ của hai nhà văn dân chủ đã quá cố Phùng Cung và Phùng Qúan, là hai người bạn cũng như hai người anh của chú. Hai vị ấy lại gắn với một nhà văn quá cố khác là cụ Nguyễn Hữu Đang. Ba vị ấy có văn tài hơn chú, lại chịu khổ cực hơn, nếu còn sống thì xứng đáng nhận giải hơn chú nhiều. Ba vị ấy nghèo lắm, nghèo xơ xác, mà thương chú lắm, khi nghe chú bị đi tù đều cố công tìm vợ chú để cố đưa cho được những đồng tiền trợ cấp (như một thứ trợ cấp kiểu Hellman-Hammet bây giờ vậy). Phùng Quán đi qua Huế, đọc thơ dọc đường được ít tiền cũng không quên gửi về Đà Lạt cho Hà Sĩ Phu (Bát cơm Siếu Mẫu dã ơn ngàn vàng cháu ạ!). Khi ba vị ấy mất chú đã viếng những đôi câu đối ruột thịt khắc vào bia mộ. Còn lại hai bà vợ là hai bà Nguyễn Thị Thoa và Vũ Bội Trâm, chú nhờ cháu hỏi thăm đến nhà và đưa giúp chú món quà nhỏ tượng trưng cho tấm lòng thành của chú, gọi là sẻ chia chút vinh dự tinh thần của nghề cầm bút với hai bậc đàn anh. Chú mong hai bà nhận món quà mọn như những nén nhang cho ba nhà văn dân chủ Phùng Cung, Phùng Quán và Nguyễn Hữu Đang.

- Thế là chỉ còn 2 triệu, làm gì đây cháu nhỉ? Cháu cho chú nạp vào quỹ của Hội Ái hữu TNCT-TGVN mà cháu đang là Chủ tịch lâm thời của Hội. Coi như một chút “hội phí tự nguyện” của anh “cố vấn” vô tích sự như chú. Mong cháu nhận cho.

Chú phải gửi “thư ngỏ” trên mạng, vì nếu gửi thư riêng, chú chỉ sợ cháu sẽ không tán thành, thì chú không được tròn ước nguyện. Khổ thế, có dăm triệu bạc Việt nam, không đáng một cuộc nhậu của người ta, nhưng mình thì chẳng dám coi thường.

Cháu bớt chút thời giờ giúp chú việc ấy nhé.

 Hà Sĩ Phu

------------------------------------------------------------------------

(1) Phần thông tin về Hà Sĩ Phu :

(http://www.hrw.org/english/docs/2008/07/22/vietna19419.htm)

Trong bản tin về 8 người Việt nam được nhận giải Hellman-Hammett năm 2008 của tổ chức HRW , phần thông tin về Hà Sĩ Phu (dịch ra tiếng Việt) như sau :

Nguyễn Xuân Tụ, bút danh là Hà Sĩ Phu, 68 tuổi, nhà nghiên cứu sinh vật học và là một trong những nhà văn đối kháng được kính trọng nhất ở Việt Nam. Viết văn dưới bút hiệu Hà Sĩ Phu, ông được biết đến trong năm 1987 dưới bài luận văn "Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ". Ông tiếp tục viết những bài văn có tính chất triết học, những bài châm biếm và thơ được xuất bản ở nước ngoài và được lưu truyền ở Việt Nam. Hơn 20 năm qua, ông bị trấn áp, cô lập hóa, làm việc với công an, giam hãm, cầm tù và quản chế tại gia. Vì ảnh hưởng rộng lớn của ông đối với phong trào dân chủ, trong vòng 11 năm nay ông bị cấm không cho dùng internet hoặc điện thoại. Mặc dù sức khoẻ yếu kém, ông vẫn tiếp tục viết và tham gia những cuộc tranh luận về dân chủ.

Xin bổ sung cho chính xác thêm về việc “trong vòng 11 năm nay ông bị cấm không cho dùng internet hoặc điện thoại”:

HSP bị cắt điện thoại nhà từ tháng 4-1997, đến tháng 4-2008, tròn 11 năm, trong đó đã nhiều lần yêu cầu nối lại nhưng không được, vậy thông tin trên là đúng. Nhưng từ tháng 4-2008 (khoảng 1 tháng trước ngày Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ lên thăm Đà Lạt) HSP đã được nối lại điện thoại, tin này chỉ thông báo đến vài người bạn trong nước, vậy xin bổ sung để thông tin được kịp thời (trường hợp “tạm cắt” điện thoại đến 11 năm kể cũng là hiếm, việc nối lại tuy có hơi muộn nhưng cũng là một điểm tốt)

 

                    

  Hà Sĩ Phu và Phạm Hồng Sơn      Hà Sĩ Phu,Phùng Cung,Phùng Quán

 

                         

                                            Phùng Cung và Hà Sĩ Phu                                       

                             

====================================================

Bài đọc thêm

   NGUỒN GỐC GIẢI THƯỞNG HELLMAN-HAMMETT 

Giải này tên chính thức là giải thưởng Hellman-Hammett Grant, lấy tên hai nhà văn phái tả nổi tiếng Hoa Kỳ Lillian HellmanDashiell Hammett. Lillian Hellman (1905-1984) là nữ kịch tác gia, còn Dashiell Hammett (1894-1961) là một nhà viết tiểu thuyết hình sự (trinh thám).

 Họ là những người tích cực tham gia hoạt động trong chiến dịch chống lại sự phát triển của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu, ủng hộ phe cộng hòa trong suốt cuộc nội chiến Tây Ban Nha, chống lại chế độ chính trị đàn áp dưới thời McCarthy .Trong thập niên 1950 hai nhà văn người Mỹ này đã bị thượng nghị sĩ chống cộng Joseph R. McCarthy tra hỏi, đàn áp vì việc tham gia các tổ chức chính trị khiến cho một người sụp đổ về nghề nghiệp còn người kia bị thất nghiệp trong nhiều năm.

   Hai nhà văn Mỹ này đã cống hiến tài sản của mình để đề cao những người bị đàn áp vì tự do ngôn luận.

   Năm 1989, những người thừa hưởng di sản của hai nhà văn Hoa Kỳ Lillian Hellman và Dashiell Hammett này đã đề nghị với tổ chức Human Rights Watch (HRW) thiết lập một chương trình nhằm giúp đỡ tài chánh cho các nhà văn (chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp) trên toàn thế giới bị truy bức vì đã can đảm trình bày quan điểm chính trị của mình, nên giải còn được gọi là  giải Tự Do Phát Biểu (Free Expression).Tất cả những người như thế đều bị các chính quyền trù dập - bỏ tù, sách nhiễu, quản thúc tại gia, cô lập với các cộng đồng của họ - mặc dù những gì họ làm cũng chỉ là thực thi những quyền con người đã được quốc tế bảo đảm. 

Phạm vi bao quát của giải Hellman-Hammett cũng như phạm vi bao quát của tổ chức HRW nói chung rất rộng. HRW là một trong những tổ chức phi chính phủ có tầm vóc quốc tế lớn nhất, nhằm mục tiêu cổ võ cho nhân quyền, với quy chế tham vấn bên cạnh Liên Hiệp Quốc và hoạt động quan sát, theo dõi đối với 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mọi nguồn tài chính của HRW đều đến từ tư nhân, không nhận trợ cấp từ bất cứ chính phủ nào.

   Ủy ban xét duyệt Giải thưởng Hellman-Hammett gồm có 7 thành viên, gồm các tác giả, các nhà xuất bản, ký giả, những người đã đầu tư rất nhiều cho quyền tự do ngôn luận. Mỗi năm họ cứu xét một số ứng viên được đề nghị từ khắp các quốc gia trên thế giới , rồi thông báo những người trúng giải. Mọi tổ chức hay cá nhân đều có quyền đề cử hay kiến nghị, phản đối.

   Sau khi Ủy ban tuyển chọn duyệt qua những đề nghị, giải thưởng (từ 1000$ đến 10.000$) thường được công bố vào mùa xuân, nhưng có những trường hợp danh tánh của người trúng giải không được công bố vì lý do an toàn cho người được vinh danh.

                                                                    Hà Sĩ Phu

                                       sưu tập từ Wikipedia và các trang Web liên quan

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ