LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Ý KIẾN NGẮN (talawas)

16.6.2008

Hà Sĩ Phu


“Cái quan” chưa “định luận”


Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra đi, để lại nhiều dư âm khác nhau, cực khen có, cực chê có, bảo lưu như một ẩn số cũng có.

Tôi và các bạn tôi ở Đà Lạt có “duyên nợ” không ít với người đã khuất.

Vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” của Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang năm 1995 là một việc, cũng là một cái mốc đánh dấu sự khởi đầu “bất đồng chính kiến” của Võ Văn Kiệt.

Hiệu lực của Nghị định 31/CP ngay sau ngày Thủ tướng Kiệt ký lệnh ban hành (14/4/1997) trực tiếp giáng vào “nhóm” Đà Lạt: Bùi Minh Quốc chịu 2 lệnh (mỗi lệnh 2 năm), Tiêu Dao Bảo Cự 1 lệnh, Hà Sĩ Phu 1 lệnh. Lệnh quản chế hồi ấy còn “sắt đá” lắm, tháng nào cũng phải lên phường kiểm điểm một lần, và dứt khoát không đi đâu được. Những năm sau này do bị thế giới lên án nên sự “lên phường” có nới lỏng ra, rồi sau đó chuyển lệnh quản chế sang cho toà án.

Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu từng phải viết thư ngỏ cho cựu Thủ tướng Kiệt, bình luận các ý kiến của ông Kiệt, và vì thế lại bị “mời làm việc”.

Nhưng đằng sau những “duyên nợ” ấy chúng tôi hiểu có thể có một Võ Văn Kiệt khác.

Hiểu cội nguồn tai hoạ của dân tộc là một chuyện, làm thế nào để cùng nhau ra khỏi tai hoạ ấy lại là chuyện khác, khó hơn rất nhiều. Nhiều người ước mơ Việt Nam có một Gorbachev, một Yeltsin, thậm chí còn mong ước Võ Văn Kiệt “theo được” Trần Xuân Bách (trường phái thích tuyên ngôn)! Xin đừng quên Gorbachev, Yeltsin khi còn trong quỹ đạo cộng sản thì các vị ấy cũng phải hoàn thành xuất sắc những tội lỗi mà ở cương vị ấy buộc phải hoàn thành, thậm chí thích hoàn thành. Không chấp nhận quá khứ ấy làm gì có tương lai ấy? Tất cả không ngừng chuyển động.

Võ Văn Kiệt là trường hợp đã “cái quan” vẫn chưa thể “định luận”, vẫn cứ phải “hạ hồi phân giải”. Quan tài đã đóng lại nhưng kết luận vẫn còn để ngỏ, nên tôi chẳng vội nói gì thêm.
Chỉ có một câu đối thay nén nhang cho người đã khuất:

    - Võ kiệt gốc Văn hòa [1] , trăn trở chữ Hoà nên phản… biện!
    - Sáu dân hơn Một đảng, đa mang nghiệp Đảng phải tuân… hành!

16-6-2008

 


[1]Võ Văn Kiệt hay Sáu Dân có tên thật là Phan Văn Hoà.

                                                                    ****

Nhỏ Thanh


Đọc
ý kiến của bác Lê Dương, thấy bác vui quá mà chợt nhớ cụ Nguyễn Du:

"Cùng trong một tiếng tơ đồng (do bác
Hà Sĩ Phu gảy)
Người ngoài (bác Lê Dương) cười nụ, người trong (hầu hết dân Việt Nam) khóc thầm"

Trộm nghĩ: "Vui" hình như cũng có lúc, có nơi. Không phải lúc nào và ở đâu cũng có thể vui được. Riêng tôi thì lúc nào cũng thấy bài của tác giả Hà Sĩ Phu là rất có ý nghĩa, rất đáng suy ngẫm, và không phải chỉ lướt qua một lượt là đủ.

 

24.7.2008

Thái Hữu Tình


Bụng lép lại phải cầm cờ!

Đọc
bài của Hà Sĩ Phu về trí thức, tôi bị hút vào mấy “câu vè”. Trước mắt tôi hiện ra hai phe: TRÍ với CÔNG-NÔNG, ba anh hợp lại thành phe bụng lép, được giao sứ mệnh cầm “cờ liên minh”. Còn PHÚ–ĐỊA – HÀO cả cũ lẫn mới hợp lại thành phe bụng phệ. Bụng phệ vốn đã khôn ngoan, hai tay lại được tự do, muốn cầm gì cũng được. Ba anh bụng lép lại phải cầm cờ, sao mà khổ thế không biết?

 

23.7.2008

Lê Dương


Trí-Phú-Địa-Hào

Đọc
bài mới của tác giả Hà Sĩ Phu, ngay từ những dòng đầu đã có cảm hứng rất lý thú; ấy là nghe lại “tôn chỉ” vĩ đại: “Trí-phú-địa-hào – đào tận gốc, trốc tận rễ!” Về gốc rễ, nó bắt nguồn từ nguyên lý của Mác-Lê, xin không đi lạc vào ý này. Đọc lướt đến cuối thì thấy có ngay điều... “tâm đắc”: “Quay sang tìm Phú, Địa, Hào / Thấy ba bụng phệ… đã vào… Đảng ta!” Xin được triển khai:

“Hào” là “cường hào”, thứ người có quyền trong làng xã, thường theo lệnh quan nhưng cũng được phép hành xử theo những ý đồ riêng của mình. Hào ngày nay phát triển vượt tầm quốc gia và khu vực thành bộ máy quan liêu, tham nhũng.

“Địa” – Địa chủ: chủ đất, người nắm quyền phát sổ xanh, sổ đỏ, quyết định giải toả đền bù nhưng không cần giải quyết những chuyện của dân oan. Khi địa chủ kết hợp cường hào để kinh doanh hoa hậu thì “văn hóa”... liệu hồn (
hãy lo cho cái “mũi” của mình!)

“Phú” – Đảng (Cộng-sản) ta (của Việt Nam) cho phép “đảng viên được làm kinh tế” (“định hướng xã hội chủ nghĩa”); cứ thế mà nghĩ và... nhìn!

“Trí” - thể hiện trong nghị quyết mới thông qua!

Mấy lời thô thiển, lạm bàn góp vui; xin thể tất cho!

                                                            ****

25.7.2008

Lê Dương


“Vui” nhưng không “đùa”

Thưa
bạn Nhỏ Thanh, xin chân thành cảm ơn lời nhắc nhở có thể nói là rất cần thiết: đây không phải chuyện đùa vui. “Vui” có thể không có tội, nhưng “đùa” thì đáng trách! Vì muốn “góp vui”, dù không “đùa”, trong hoàn cảnh (tưởng như không đúng lúc, đúng nơi) này, nên mang án “cười nụ” trong khi “hầu hết dân Việt Nam khóc thầm” rất đáng run sợ; vậy xin có chút ít giãi bày.

Trước hết nói về cái “án” phụ là “chỉ lướt qua một lượt”. Bản thân Lê Dương cũng có sưu tập nhiều bài viết của tác giả Hà Sĩ Phu và một số người khác để suy ngẫm. Ngay
trong bài mới này ta cũng thấy độ nén ngôn từ (chữ của chính Hà Sĩ Phu) rất lớn; người viết dùng chữ “tác giả” là đã rất suy nghĩ và không hề tuỳ tiện. Viết “đọc lướt” là đi nhanh từ khái niệm này đến điều gắn kết ở đoạn kia chớ “lướt qua một lượt” như trượt patin thì làm sao có điều “tâm đắc” để “triển khai”? Người viết dùng “lạm bàn” cũng đã là muốn tỏ lòng khiêm của mình đó vậy. Nhưng “vui” là vui kiểu gì? (hỏi theo cách một bài mới trên talawas).

Không phải cứ “vui” là “cười nụ”. (Người viết lại thêm một lần đón rào: dẫn trích không phải tự so, tự định!) Có thiền sư một mình nhìn ánh trăng thanh mà cười vang trùng núi – đó là vui của “ngộ”. Khổng tử nói “người trí sống vui” (Nguyễn Hiến Lê, Luận ngữ, chương 6, mục 21: Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn. Trí giả động, nhân giả tĩnh. Trí giả lạc, nhân giả thọ.) – đó là vui của “tri”. Cùng nhận ra những cái “tréo ngoe” của “nghị quyết về trí thức” chẳng đáng vui sao? Cụ Nguyễn Du có đúng là “mua vui” trong những chuyện “đoạn trường” chăng?...

Người viết bỗng thấy đỏ mặt khi viện những tiền bối để biện minh cho “mấy lời thô thiển” của mình, lại phải thêm một lần “xin thể tất cho”! Vui của “Ý kiến ngắn” là được trao đổi. Có gì vui hơn đối với một con người là được nói ra những điều mình suy nghĩ? Trong tinh thần như thế, người viết thêm một lần cảm ơn
Nhỏ Thanh và talawas.

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ