LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Thấp thoáng Diên Hồng  

(Cảm tác về con số Một Nghìn)

HÀ SĨ PHU

    Chiều 22 tháng tư, ban soạn thảo Kiến nghị vụ bauxite Tây nguyên báo tin vui : Sau 5 ngày số người đăng ký từ khắp nơi gửi về đã vượt qua con số một nghìn. Muốn hiểu được ý nghĩa con số một nghìn này phải biết nó đi lên từ một “thảm trạng” mà nhiều nhà văn nhà báo đã phải báo động là “một xã hội thờ ơ, vô cảm”. Không chỉ vô cảm mà người ta còn làm nhiều điều tai hại khiến cho đạo đức suy đồi, thác loạn, chửi hết mọi giá trị, nội bộ phá nhau, vận nước đã có chiều nguy nan không cứu chữa mà còn bị đẩy thêm theo chiều vô vọng.

    Nhạc sĩ Tuấn Khanh trong bức thư phẫn nộ về cuốn Ma chiến hữu đã chỉ thằng vào số trí thức thoái hóa mà “tuyệt vọng” rằng: “Thật lòng, tôi cảm thấy tuyệt vọng cho một lớp trí thức của Việt Nam mỗi ngày càng cơ hội - con buôn và đang phát rồ vì lợi nhuận, một lớp người tự vẽ mặt trí thức để vượt qua mọi ngưỡng tự trọng và lương tri” (Tuấn Khanh). Đâu chỉ một mình Tuấn Khanh biết tuyệt vọng? Nhà thơ Bùi Minh Quốc cho tôi biết cách đây nhiều năm, chính “nghệ sĩ nhân dân” Trần Văn Thủy có lần đã phải thốt lên “Tôi tuyệt vọng về dân tộc tôi”.

    Những lời “tuyệt vọng” ấy là sự phẫn nộ không cùng, của những trái tim có lửa, muốn xã hội và đất nước khá lên, nhưng vướng những thói hư tật xấu kinh niên của chính đồng bào mình, của giới mình, của nước mình, tỉnh mình, huyện mình, làng mình, hoặc nhà mình nữa.

Xã hội như con ngựa chiến, cũng như cơ thể con người, thường phải vỗ về, động viên, hy vọng, nhưng khi “liệu pháp ngọt” ấy đã lờn, đã lì, đã ngủ, có lúc phải dùng “liệu pháp ngược” là dùng roi mà quất.

Lời tuyệt vọng ấy là sự phê phán đến mức căm giận, chỉ có thể thốt lên từ nhũng trái tim bốc lửa yêu thương, ưu thời mẫn thế. Những người ấy nhiều lúc đã phải khuyên nhau : “Ông phải cố gắng giảm sự mẫn cảm để chung sống với…lũ, chứ cứ nhạy cảm như thế thì lên cơn tăng xông mà chết đấy”. Những nhà văn tả chân về thói thờ ơ vô cảm đều là những nhà văn hóa đáng trọng, không chịu nổi thói thờ ơ vô cảm tưởng như vô phương cứu chữa. Người đã lên tiếng “tuyệt vọng” thì không bao giờ là người tuyệt vọng. Nhà “tuyệt vọng” Tuấn Khanh đã xuống đường biểu tình với sinh viên để giữ gìn biên cương tổ quốc, nhà “tuyệt vọng” Trần Văn Thủy đã vác cả cái chức danh “nghệ sĩ nhân dân” tham gia ngay vào Kiến nghị về vụ bauxit Tây nguyên.

    Kết quả thật không ngờ, sau những cú “quất” của các nhà văn hóa vào cái tình trạng chìm đắm ấy, đột nhiên khởi sắc ra đợt ký kiến nghị bauxit có một không hai này. Con số một ngàn (đang tiếp tục gia tăng) chưa có ý nghĩa gì về số lượng, nhưng là dấu hiệu chuyển biến về chất, từ vô cảm đến trách nhiệm, từ ly tán đến hợp quần, từ lo sợ kinh niên sang một xã hội dân sự tự tin,vô úy…Bởi vậy đừng thấy chữ “tuyệt vọng” mà buồn:

                                      Thấy người “tuyệt vọng” thì thương

                                   Không đâu, “tuyệt vọng” ấy đường cứu sinh !

Bởi “Biết tuyệt vọng còn cơ sống lại” !. Lý trí mách bảo khó khăn còn đầy trước mặt, khó tiên lượng, nhưng tấm lòng ta đã ấm dậy yêu thương. Cho phép tôi chúc mừng con số một nghìn đang có cơ phát triển:

                                               TA ĐI VÀO HỘI

                                      Nhìn đoàn dân Việt ký đông vui

                                      Đã thấy Hồn thiêng gọi giống nòi

                                      Thấp thoáng Diên Hồng loe đỉnh núi

                                      Thước sông tấc núi giục lòng tôi!                                      

                                      (Tây nguyên quyết giữ một màu tươi )!.

                                                                          HSP

                                                               Lâm Đồng 22-4-2009

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ