LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Diễn đàn X-cafe phỏng vấn Hà Sĩ Phu

Vài năm gần đây, nhiều người đã được tham khảo các bài viết của ông Hà Sĩ Phu với nội dung cảnh báo về những yếu kém và những vấn đề nổi cộm còn tồn tại, chưa khắc phục được của phong trào dân chủ hiện nay ở trong nước với bút danh Người Quan Sát. Bút danh này cũng đã được ông Hà Sĩ Phu thừa nhận công khai trong bài phỏng vấn mới đây với tiêu đề: Hà Sĩ Phu – câu chuyện đầu năm do tờ báo điện tử Đàn Chim Việt thực hiện, chính vì vậy sau khi được biết có một bài viết mới hiện đang được phổ biến trên mạng truyền thông điện tử ký tên Người Quan Sát, chúng tôi đã liên lạc với ông Hà Sĩ Phu để phỏng vấn ông về những tin tức liên quan được đề cập ở trong bài viết đó, sau đây là nội dung của cuộc trao đổi:

img

PHẦN 1

Diễn đàn X-cafe: Thưa ông Hà Sĩ Phu, hiện nay trên mạng lưới truyền thông điện tử đang lưu truyền một bài viết với tiêu đề: Nhân bàn về vấn đề `sàng lọc´ dân chủ được ký với bút danh là Người Quan Sát, xin phép được hỏi ông, phải chăng ông đang muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới độc giả khắp nơi ?

Hà Sĩ Phu: Xin chào các độc giả của X-café, bài Nhân bàn về vấn đề `sàng lọc´ dân chủ ấy không phải của tôi. Đọc qua nội dung, lúc đầu tôi thoáng “ngờ ngợ” hình như bài viết có liên quan đến mình, nhưng rồi xem đến tên tác giả cũng ký đúng tên Người Quan sát thì tôi hiểu ra ngay “vấn đề” là có anh nào đó muốn đóng giả Người Quan sát để “cà khịa” mình rồi, lợi dụng ý của mình để thực hiện mục đích của họ. Vì nhiều người đã biết Người Quan sát là bút danh khác của Hà Sĩ Phu nên bài kia sẽ có 3 tác dụng : Những người được bênh thì nghĩ là bài của HSP nên đem tán phát, những người bị phê thì sẽ quật lại và lôi HSP vào cuộc cãi lộn, những người khác thì đánh giá lão HSP già yếu này cũng cũng chẳng ra sao, cũng bè phái rồi.

Diễn đàn X-cafe: Ở cuối bài viết được ký tên Người Quan Sát đó, tác giả bài viết thậm chí còn nhắn nhe:

Kính mong quý độc giả quan tâm chia sẽ nội dung bài viết và dành thời gian trao đổi để làm sáng tỏ sự việc, hơn là dành công sức để truy vấn về người viết bài này.

Vậy lý do gì khiến ông lo ngại rằng quí độc giả có thể ngộ nhận giữa bút danh Người Quan Sát cố tình ẩn danh và bút danh Người Quan Sát/ Hà Sĩ Phu đã được công khai danh tính ?

Hà Sĩ Phu: Đọc xong bài ấy tôi phải đặt ra hai câu hỏi để sàng lọc : Liệu đây có phải một sự trùng tên ngẫu nhiên ? Người này nhắc đến quan điểm của mình với dụng ý tốt hay xấu ?

Trùng tên ngẫu nhiên sao được khi người viết cố tình bắt chước giọng văn Hà Sĩ Phu (ai đọc cũng nhận ra ngay), cũng tuổi thất thập, cũng bệnh tật già yếu, cũng quen thân ông Nguyễn Thanh Giang từ lâu, cũng có mấy chục năm viết bài tâm huyết về dân chủ…vân vân…, và nhất là ý kiến thì giống hệt ý kiến Hà Sĩ Phu trong bài phỏng vấn tết vừa rồi (http://www.dcvonline.net/), và trong bài phỏng vấn ấy HSP đã chính thức xác nhận mình là Người Quan sát rồi mà. Sau khi để người đọc lầm tưởng đây là ý kiến của HSP rồi, tác giả kia mới phát triển thêm mỗi một điều là ca ngợi Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Thượng Long, đồng thời phê phán Lê Thanh Tùng và một kẻ nào đó “thừa cơ hội có bài viết của Lê Thanh Tùng” xông ra “đánh hội đồng” (những người trong cuộc thì biết ngay ý này ám chỉ ai).

Thế là Hà Sĩ Phu bị lôi vào cuộc. Nhưng đã đóng vai “Người Quan sát” mà nhiều người đã biết đó cũng là HSP, lại còn cẩn thận dặn người đọc đừng “dành công sức để truy vấn về người viết bài này”, thì lộ tẩy anh giả mạo.

Diễn đàn X-cafe: Thủ đoạn mạo danh để gây chia rẽ, hiềm khích là một thủ đoạn được áp dụng khá thường xuyên, nhà văn Dương Thu Hương đã từng bị mạo nhận, Kỹ sư Đỗ Nam Hải mới đây cũng buộc phải lên tiếng vì bị mạo danh ở ngay trong diễn đàn X-cafe, vậy đối với cá nhân ông và nhóm thân hữu Đà Lạt của ông thì còn là nạn nhân của những lần mạo danh nào khác ngoài lần mạo danh này ? Mục tiêu được nhắm tới và các ông đã phải đối phó ra sao ?

Hà Sĩ Phu: Kiểu dùng thư nặc danh để “đâm bị thóc chọc bị gạo” này chúng tôi bị thử nghiệm nhiều lần rồi. Sau khi tôi và ông Mai Thái Lĩnh vừa ra khỏi vụ án về tội “phản bội tổ quốc” tôi thường nhận được những bức thư gửi qua bưu điện nói xấu người này, xúc xiểm người kia, đặc biệt là gây nghi ngờ lẫn nhau. Nhưng chúng tôi trao đổi cởi mở với nhau thường xuyên, không để bụng điều gì nên ngón đòn này hoàn toàn vô tác dụng.

Tệ hại nhất là ngày 16/10/2008 nhiều bạn bè nhận được một Email gọi là “mật” , như thể sơ ý bị lộ ra, của một kẻ có địa chỉ langbian08@gmail.com, gửi cho cấp trên của hắn. Hắn dùng các bí danh, nhưng dễ dàng dịch ra, đại lược là :

  • Nhóm Đà Lạt chính là một nhóm dân chủ cuội do An ninh lập ra, Bùi Minh Quốc có trách nhiệm gặp hắn để báo cáo.
  • “Tổ chức” đã tài trợ cho vợ chồng Bùi Minh Quốc để mở dịch vụ Búp bê bằng len.
  • Việc viết lách của nhóm Đà Lạt ở mức độ nào, lúc lên lúc xuống thế nào đều do các cấp trên chỉ đạo.

Thủ đoạn này gian hiểm ở chỗ dùng chính ưu điểm của nhóm Đà Lạt để đánh nhóm Đà Lạt. Trước đây đã nhiều lần quy chụp nhóm này là phản động nhưng thất bại vì chúng tôi rất ôn hòa, rất xây dựng, khó quy thành địch. Chia rẽ mãi không được vì chúng tôi rất đoàn kết. Nhưng nay tên”langbian” này ngầm cho người đọc hiểu ngược lại rằng “ nhóm Đà Lạt ôn hòa vì do công an lập ra chứ có gì lạ” (thế mới quái) ! Sự quy kết (nhận vơ) này có một chút gọi là “cơ sở” đối với riêng trường hợp Bùi Minh Quốc, vì ông Quốc vẫn công khai chủ trương “một mình một bút” nói tiếng nói của người nằm trong “hệ thống”, vẫn giữ các mối quan hệ “truyền thống”, vì ông cho rằng như vậy tiếng nói yêu nước và chống tiêu cực mạnh mẽ của ông sẽ có hiệu quả nhất. Nay nếu chúng tôi vẫn đoàn kết như một nhóm chặt chẽ thì mọi người sẽ coi quan điểm gần Đảng của ông Quốc chính là quan điểm chung của nhóm và từ đó đến chỗ “là nhóm cuội do công an lập ra” cũng chỉ cách một sợi tóc. Vậy ở đây “đoàn kết” lại thành một điểm yếu để người ta tấn công.

Trước tình hình ấy chúng tôi đã ngồi lại với nhau, lý trí và tình cảm đã giúp chúng tôi tìm được giải pháp.

Diễn đàn X-cafe: Nếu không có gì phải giữ kín, ông có thể nói rõ hơn về cách giải quyết một tình trạng rất khó xử ấy được không ạ ?

Hà Sĩ Phu: Cũng chẳng có gì phải giữ kín cả, chỉ có điều muốn nói ra thì hơi dài dòng vì liên quan đến những đặc điểm và quan điểm của cái gọi là “Nhóm Đà Lạt”, hay gọi đúng hơn là “nhóm Thân hữu Đà Lạt” chúng tôi.

PHẤN 2

Diễn đàn X-cafe: Chúng tôi nhận thấy người đọc dễ bị nhầm lẫn những bài viết được cho là nguỵ tạo, chế biến mạo danh ông với những bài viết đã được phổ biến trước đây của ông. Điều này rất dễ gây nhiều ngộ nhận và phân vân cho người đọc. Vì vậy nhân đây, xin ông minh định lần nữa lập trường của nhóm Thân hữu Đà Lạt của ông để cho mọi người được hiểu rõ hơn.

Hà Sĩ Phu: Cụm từ “nhóm Đà Lạt” đầu tiên do cụ Nguyễn Văn Trấn, ghi vào trang đầu một cuốn “Viết cho Mẹ và Quốc hội” để tặng mấy anh em viết văn cứng đầu ở Đà lạt, rồi sau đó một vài bài trên mạng cũng gọi mấy người chúng tôi như thế, một cách tự nhiên thôi. Vì gọi thế cũng tiện nên lâu dần thành tên thật. Rất lỏng lẻo, tự do, 5 người là 5 cá nhân, như nhau. Rồi có thêm một số bạn bè gần gũi, quý mến cụm vào, cũng như nhóm bạn chơi với nhau, nên chúng tôi dùng chữ “Nhóm Thân hữu Đà Lạt” cho thích hợp. Vì lấy tình đoàn kết thân hữu làm trọng, chúng tôi hết sức tránh những tranh luận, “đánh đấm” không có lợi cho sự đoàn kết chung, cho nên bài giả danh Người Quan sát vừa rồi là trái ngược với phong cách của chúng tôi.

Diễn đàn X-cafe: (ngắt lời) Vậy, theo giải thích của ông ở trên, mọi người có thể hiểu rằng tên gọi nhóm thân hữu Đà Lạt chỉ là tên gọi nhằm để chỉ một nhóm 5 người bạn văn chương thường cùng nhau trao đổi về thế sự chứ không phải là tên gọi của một tổ chức hay một phe nhóm chính trị ?

Hà Sĩ Phu: Đúng vậy. Nay số người đã vượt trên con số 5. Là một nhóm văn chương, mà văn chương thế sự và tư tưởng thì cũng phải có một sự định hình tính cách nào đấy của nhóm chứ, dù là định hình rộng.

Tôi xin nói qua về tính chất của nhóm. Trong một bức thư gửi ông Tổng lãnh sự Hoa kỳ (sau chuyến thăm chúng tôi tại Đà Lạt) tôi viết:

Chúng tôi là những người cầm bút, hoạt động trong lĩnh vực khoa học và văn học, có một trang Web chung mang tên Thư Viện Hà Sĩ Phu (http://www.hasiphu.com), để trao đổi những Nhận thức và Tư tưởng, nhằm nâng cao DÂN TRÍ, và phát triển một XÃ HỘI DÂN SỰ: làm cho những quan hệ dân sự, những tổ chức dân sự, những hoạt động dân sự sôi nổi và lành mạnh, từ chỗ đang bị coi là bất bình thường sẽ được quen dần để trở nên bình thường, đó là con đường tốt nhất để xã hội được hoạt hoá, lành mạnh và phát triển bền vững.
Trong ý tưởng như một ‘ think-tank’ nho nhỏ như thế chúng tôi rất mong được sự hỗ trợ của quý ngài và bè bạn khắp nơi”.

Tuy không ai bảo ai, nhưng chúng tôi, những người cầm bút, hiểu rõ sự khác nhau giữa tư tưởng-nhận thức với hoạt động thực tiễn. Nhận thức thì phải triệt để, phải đi đến cùng để biết “thực chất NÓ là cái gì”, “thực chất MÌNH đang ở đâu” ? Đó là bước “điều tra cơ bản”, phải khoa học, khách quan, trung thực.

Diễn đàn X-cafe: Ông có thể cho biết một số luận điểm mà theo ông là tư duy triệt để.

Hà Sĩ Phu: Tôi không nhắc lại những luận điểm cơ bản trong các bài lý luận chính thức của Hà Sĩ Phu, của Mai Thái Lĩnh…mà chắc nhiều người đã đọc. Cũng không nhắc lại mấy luận điểm mà tôi đã kể trong bài phỏng vấn Câu chuyện đầu năm với DCVonline mà X-café vừa mới đăng tải. Chỉ xin kể thêm mấy ý kiến ngắn gần đây:

  • Trong bài tham luận “Bảo toàn đất tổ” tôi đã viết rằng “giành độc lập cho dân tộc mà phải vội dùng con đường Cộng sản thì khác nào giải khát bằng thuốc độc, cơn khát qua đi nhưng rồi lục phủ ngũ tạng nhiễm độc, không biết chữa cách nào”.
  • Sở dĩ con đường Cộng sản tạm giành được thắng lợi là nhờ ký sinh vào sức mạnh của lòng yêu nước, như con ký sinh trùng, nay đã đến lúc chính lòng YÊU NƯỚC sẽ đào thải con ký sinh trùng ấy ra, đảng cộng sản sẽ rơi mất lá cờ yêu nước, thì cũng mất hết sức mạnh.
  • Cách đây mấy năm, khi rất nhiều người còn chờ mong dân chủ từ Tổng thống Mỹ, tôi đã trả lời đài BBC rằng niềm tin ấy là đơn giản và ngây thơ. Hoa Kỳ tuy là quốc gia dân chủ khá tiêu biểu, nhưng có khi vì quyền lợi quốc gia họ lại thấy chơi với một nước Cộng sản giả như Việt nam thì rất có lợi, bởi chỉ cần đi đêm được với giới chóp bu của Đảng là đủ, nhân dân ở một nước Cộng sản chỉ là con số không tròn trĩnh.

Tất nhiên muốn trung thực thẳng thắn như thế ắt phải trả giá, và tất cả chúng tôi đã trả giá : tôi đi tù rồi bị quản chế theo rõi gần như liên tục, ông Quốc chịu 2 lệnh quản chế, ông Bảo Cự một lệnh quản chế, ông Lĩnh và tôi bị quản thúc suốt tám tháng và hỏi cung liên tục vì tội “phản bội tổ quốc”, chưa kể những đợt khám nhà và tịch thu tài sản cá nhân…

Tóm lại, chúng tôi trung thành với nguyên tắc: về nhận thức cứ phải đi đến tận cùng để nhìn tận bản chất sự việc, giống như bước điều tra cơ bản, không được che đậy, không được thỏa hiệp. Nhưng sang đến bước “lập trình”, thiết kế, cải tạo…thì không thể như thế. Ở đâu không biết chứ ở nước mình thì không thể “đi đến cùng” như ý muốn ngay được, mà phải căn cứ vào điều kiện thực tế và tương quan sức lực để đi dần từng bước, từ những bước nền tảng đầu tiên (có nền mới không bị sập giữa đường), và đó là sự nghiệp của toàn xã hội thì không thể xăm xăm làm một mình. Trong cái sức mạnh chung, mỗi người phải tham gia bằng chính con người thật của mình, với những đặc điểm sở trường sở đoản của mình, với hoàn cảnh và tuổi tác của mình, và biết hiệp đồng khi cần thiết và thích hợp.

Diễn đàn X-cafe: Có phải rằng nhận thức thì phải triệt để, nhưng hành động thì phải từng bước dần dần, không thể cực đoan ?

Hà Sĩ Phu: Vâng, như tôi đã nói qua trong bài phỏng vấn đầu năm nay, mặc dù những tư duy triệt để luôn rất cần thiết, để làm nền tảng lâu dài, song tạm thời chiếm ưu thế trước mắt vẫn cứ là xu hướng cải lương. Chúng tôi triệt để trong tư duy, không chấp nhận những tư duy cải lương, nhưng chúng tôi hiểu giá trị thực tế của lực lượng cải lương và những giải pháp cải lương tạm thời. Sự nghiệp dân chủ hóa xã hội cần sự đóng góp của nhiều “binh chủng”, nhiều “cánh quân” khác nhau (ta cứ ví von thế) , và theo theo thống kê thì cái trung bình bao giờ cũng đông nhất. Tôi muốn lưu ý rằng “Cải lương” là một khái niệm khá hỗn tạp, từ cải lương với nghĩa xấu đến cải lương rất tốt, có thứ cải lương ngay từ gốc rễ và cải lương mang tính sách lược. Chúng tôi không cải lương, nhưng ủng hộ cải lương có chọn lọc.

Tôi xin phép nói dài dòng một chút thế, để nói rằng, chính từ nền tảng quan niệm rộng rãi và sòng phẳng như vậy, nên khi có kẻ muốn dựa vào một vài biểu hiện có vẻ “cải lương” của nhà thơ Bùi Minh Quốc (điều này cũng dễ nhận ra thôi) để tung tin bậy về “nhóm Đà Lạt” nói chung, chúng tôi không có gì bất ngờ, vẫn có thể nói thẳng với nhau rất cởi mở, chẳng ảnh hưởng gì đến tình bạn. Mỗi kiểu có tác dụng riêng miễn là trung thực, không hại nhau. Nhiều trí thức khắp nơi, dẫu còn đứng trên quỹ đạo “cải lương” nhưng dám lên tiếng một cách mạnh mẽ và hữu ích về một việc gì đó, thì chúng tôi vẫn rất ủng hộ và quý trọng, huống chi giữa chúng tôi, tuy là những người cầm bút độc lập và có màu sắc ít nhiều khác nhau, nhưng ngay trong những ngày “ngàn cân treo sợi tóc” của cái vụ án gọi là “phản bội tổ quốc” chúng tôi vẫn chẳng rời nhau ? Cho nên một lần nữa kẻ nặc danh lại thất bại.

Diễn đàn X-cafe: Nhóm Đả Lạt coi trọng sự đoàn kết như vậy, nhưng bức thư giả danh Người Quan sát kia định kéo các ông vào sự “sàng lọc” để phân ly, vậy ông nghĩ về sự “sàng lọc” như thế nào, có cần thiết không ?

Hà Sĩ Phu: Cảm ơn câu hỏi rất hay. Có lẽ Người Quan sát -HSP là người quan tâm đến sự “sàng lọc” sớm nhất (ít nhất là sự phát biểu thành văn, qua 2 bức thư năm 2006), vì biết sự phát triển và đoàn kết dứt khoát phải đi đôi ngay với sàng lọc, không được tách rời một phút nào.

Nhưng muốn sàng lọc thì phải lo sàng lọc từ xa, chứ phát triển vội vàng, thiếu cân nhắc, để nhiễm HIV rồi mới tìm thuốc chữa, mới “sàng lọc”, mà lại sàng lọc bằng ngôn luận trên mạng, thì đã quá muộn và ít hiệu quả.

Khi cụ Hoàng Minh Chính sang Hoa Kỳ tôi đã viết nhiều bức thư trao đổi để mong tránh những “nước đi” vội vã nhưng không kết quả (sẽ công bố vào một dịp khác).

Một sai lầm vô tổ chức có thể đã làm ta mất đi khả năng tự sàng lọc. Khi đã nhiễm “Virus” chính trị thì con virus có thể còn to mồm hơn cả người bệnh. Đến nước ấy thì sức đề kháng của cơ thể phải vô cùng mạnh mới mong tách biệt và đào thải nó ra, nếu không còn có thể bị đào thải ngược cũng chưa biết chừng !. Internet giúp con người làm cho mọi điều minh bạch thì cũng giúp con người ngụy trang, ngụy tạo để lừa nhau, công cụ nào cũng lợi hại cả hai chiều, như “vỏ quýt” và “móng tay” vậy. Nhân thể, tôi xin nói với bạn bè rằng bút danh Người Quan sát nay tôi không dùng nữa.

Diễn đàn X-cafe: Xin hỏi ông một câu hỏi cuối: Chúng tôi nhận thấy trong luận điểm dùng cách ÔN HÒA để nhắm đích TRIỆT ĐỂ của ông thì ý tưởng nâng cao DÂN TRÍ và phát triển XÃ HỘI DÂN SỰ hình như là “sợi dây xuyên suốt” ?

Hà Sĩ Phu: Anh cứ ngẫm mà xem, trong đấu tranh, phàm lĩnh vực nào là “chiến trường” quan trọng thì y như rằng cả 2 bên đều “đổ quân” vào đấy.

Dân trí và Xã hội Dân sự chính là những ví dụ.

Trong khi những người dân chủ bàn đến một XÃ HỘI DÂN SỰ của Dân thì phía bảo thủ cũng xây dựng một “XÃ HỘI DÂN SỰ” dưới sự lãnh đạo của Đảng, thậm chí còn muốn xây dựng một “XÃ HỘI CHÍNH SỰ” và lập ra một chương trình “PHÒNG THỦ DÂN SỰ” nữa ! Chứng tỏ chuyện này rõ là quan trọng rồi.

DÂN TRÍ cũng vậy. Một bên nói đến Dân trí để lấy cớ Dân trí còn thấp mà trì hoãn dân chủ, đồng thời tiếp tục nhồi sọ cho Dân trí càng thấp đi. Còn những người dân chủ biết Dân trí còn thấp thì tìm mọi cách nâng cao Dân trí, lấy đấu tranh làm trường học Dân trí, rồi lại lấy thành quả Dân trí để nâng cao đấu tranh….

Cùng nói đến Xã hội Dân sự, đến Dân trí nhưng chủ trương hai bên ngược nhau như nước với lửa, không nên nhầm lẫn , lấy quan điểm của bên này nhập vào bên kia.

Nội hàm của khái niệm Dân trí cũng là điều cần làm rõ. Ngoài những ý kiến rải rác của nhóm Đà Lạt nói về Dân trí, cũng đã có những ý kiến khá tương đồng với chúng tôi. Chẳng hạn, khi tranh luận với Hà Thư Sinh và Trương Thái Du về khái niệm Dân trí, tác giả Vũ Quốc Uy đã viết như sau :

Văn hoá là nền tảng, đúng, nhưng quá rộng. Dân trí thiết thực hơn. Nhưng vì có chữ “trí ” nên nhiều người hiểu trí ấy chỉ là trí tuệ, từ đó quy thành nhận thức, thành lý trí, thành học vấn, thành bằng cấp.

Không phải thế. Chữ “trí” trong thuật ngữ dân trí còn bao gồm cả “dân chí”, còn bao gồm rất nhiều yếu tố tinh thần lâu bền cũng như nhất thời của một cộng đồng dân tộc như: truyền thống, đạo lý, bản tính, lề thói, ứng xử, tâm lý, hoài niệm, ước nguyện, sở thích, trào lưu, mốt… Tóm lại, đó là tổng thể những yếu tố để giải thích tại sao trước một biến cố như thế dân tộc ấy lại phản ứng như thế, lại diễn biến như thế chứ không phản ứng cách khác

Những yếu tố phức tạp ấy của dân trí không chỉ hình thành do học hành, do dạy dỗ trong nhà trường hay trong sách vở mà quan trọng hơn hết là trong thực tiễn xã hội (thực tiễn sản xuất, thực tiễn cạnh tranh, thực tiễn đấu tranh…). ..

… Những cuộc biểu tình đòi ruộng đất của dân oan, đòi điều kiện sống của công nhân, đòi nhà thờ chùa chiền của tôn giáo, biểu tình chống thất thoát lãnh thổ - biên cương… đều là những trường học để nâng cao dân trí. Nói đến dân trí mà lại khuyên không nên “cọ xát” như thế, chưa nên đấu tranh gì cả, cứ chờ cho dân trí cao rồi mọi điều tốt đẹp tự khắc sẽ đến, phải thiết kế xong văn hoá dân chủ (biết thế nào là xong ?) rồi hãy nghĩ đến chính trị dân chủ là sự phân cách phi thực tế.

Bởi dân trí là quan trọng nên nếu bên này tập trung sức lực để nâng cao dân trí và đem dân trí vào đấu tranh (đồng thời dùng đấu tranh để rèn luyện dân trí), thì bên kia cứ vin cớ dân trí thấp nhưng tiếp tục ngu dân, để rốt cuộc chẳng thay đổi gì tốt đẹp cả. Nói dân trí mà coi nhẹ đấu tranh, là dân trí suông, dân trí không phải cái chỉ ngồi mà học được.

(Vũ Quốc Uy – Ý kiến ngắn-talawas-21/2/2008)
(Hết trích)

Muốn mưu lợi ích lâu dài cho đất nước thì phải nhọc công xây dựng Dân trí, có cái gốc đó thì dù một chính thể mới lên thay cũng không thể tự ý làm bậy. Một xã hội mà người cầm quyền vẫn có thể cứ tự tung tự tác, quần chúng số đông vẫn vô cảm, bất lực, thờ ơ, không hình thành được các tổ chức hay phong trào gì lớn mạnh, dân vẫn chịu lép một bề thì không thể tự hào là dân trí cao được. Sự thành công lâu hay chóng là do phương pháp đúng hay sai, khiến cho cái mới phát triển nhanh hay chậm, chứ không phải cứ muốn nhanh là sẽ được nhanh. Phương pháp sai, muốn ăn xổi thì muốn nhanh mà rốt cuộc lại chậm. Tôi nghĩ, cứ chịu khó đọc lại những lời tuyên bố “tốc chiến tốc thắng” mấy năm trước đây, đối chiếu với thực tiễn bây giờ ta sẽ rút ra được khối điều bổ ích.

Câu chuyện của chúng ta đã dài, tôi nghĩ vấn đề Dân trí này cần có những bài viết đầy đủ hơn, cùng nhau học hỏi, để tránh tình trạng suy diễn chủ quan, nhầm lẫn.

Diễn đàn X-cafe: (Cảm ơn ông HSP….)

Hà Sĩ Phu: Trước khi dừng lời, tôi xin phép nói rõ những ý kiến này là của cá nhân tôi, nhóm “Thân hữu Đà Lạt” không cử ai là người phát ngôn cả. Cảm ơn các bạn.

Xin cảm ơn ông Hà Sĩ Phu đã trả lời phỏng vấn diễn đàn X-café rất cởi mở và chân tình

28/02/2009

Nhân bàn về vấn đề “sàng lọc” dân chủ (đây là bài mạo danh Người Quan Sát)

Đã lâu, do sức khỏe của tuổi “xế chiều” không cho phép và tự cảm thấy đầu óc không còn được minh mẫn như trước…Vả lại, những gì muốn nói, muốn viết cũng đã giải bày cùng bạn đọc xa gần trong suốt mấy chục năm qua… nên tôi không tham gia vào bất cứ hoạt động chính trị, xã hội nào mà chỉ xin đóng vai trò một người quan sát, thi thoảng mạn đàm cùng vài thân hữu tri kỷ về thế sự để khỏi bị xem là tụt hậu. Nay mạn phép có đôi nhời bày tỏ, rất mong được bạn đọc xa gần quan tâm.

Theo trực quan của cá nhân về phong trào dân chủ, có thể nói: trong những năm gần đây, mà đặc biệt là các năm 2006- 2008, phong trào dân chủ trong nước đã gặt hái được những mốc thành công đáng kể. Chính quyền CSVN đã phải thể hiện sự nhượng bộ trước tinh thần đấu tranh, cũng như trước hình thức đấu tranh đa dạng của các chiến sỹ dân chủ… Đây là những điểm đáng mừng, đáng tin tưởng về công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước. Những thành tựu đạt được khó có thể một lúc kể ra cho hết, hơn nữa, trên mạng internet cũng đã có không ít những bài viết đánh giá khách quan và sát thực tế về những thành tựu ấy. Trong bài viết này tôi xin không đề cập đến khía cạnh thành công mà chỉ trình bày một số suy nghĩ về khía cạnh hạn chế. Hay nói khác hơn là những “hạt sạn” còn lẫn vào đâu đó trong phong trào dân chủ, cần được nhìn nhận đánh giá khách quan hơn.

Điều mà bản thân muốn chia sẻ, đó là: gần đây, những thân hữu trong nhóm bạn già chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước một sự việc mà trước đó dù đã phỏng đoán về khả năng, nhưng không thể ngờ tới một diễn tiến và một kết cục đáng buốn đến thế. Chúng tôi không ít lần nhận được bài viết của Lê Thanh Tùng, dài hơn 30 trang được chuyển đến từ nhiều địa chỉ quen và không quen.

Điều đáng bận tâm là một số website, một số địa chỉ khá quen thuộc đăng “vô tư”, gửi “vô tư” cho hết thảy chúng tôi, khiến người nhận càng thêm khó nghĩ… chúng tôi tự hỏi: phải chăng đang có một “chiến dịch” và thắc mắc tại sao họ lại muốn làm điều đó ? Ai khởi xướng và cổ vũ việc làm này ? họ được lợi gì và phong trào dân chủ được lợi gì sau những việc làm đó ?

Là một trong số những người bạn khá thân với Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, lại có liên quan trong bài viết của Lê Thanh Tùng, nên không thể không nêu lên một vài suy nghĩ với bạn đọc. Những ai đã từng đọc các bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang (điển hình như “Suy tư và ước vọng”,… ) và suy nghĩ một cách nghiêm túc về các vấn đề mà tác giả bàn đến, thì không thể vội vàng kết luận rằng những gì Tiến sỹ Thanh Giang viết ra là giả tạo được, mà phải khẳng định rằng đây đích thực là tâm huyết của một người cầm bút thực thụ, một người luôn đau đáu, trăn trở với vận mệnh đất nước, với vận mệnh dân tộc Việt.

Không chỉ có bài viết của Lê Thanh Tùng, độc giả dường như bị bội thực bởi khá nhiều bài viết tập trung công kích, phơi bày những “tật xấu” của nhau. Cũng có bài viết nhã nhặn, ôn hòa, song có bài thì lời lẽ có phần nặng nề, phản cảm, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự của nhau. Tôi đồng tình với quan điểm của Nguyễn Thượng Long trong bài viết “Nỗi buồn dân chủ” rằng: người hưởng lợi sau các cuộc “cọ xát” này là lực lượng “đối lập dân chủ”. Tuy nhiên cũng cần phải bàn thêm về những thành phần khác. Những việc làm thiếu tính xây dựng, tự khoác lên người chiếc áo “sàng lọc” còn tạo điều kiện cho những phần tử “đục nước béo cò” nhân cơ hội này để “dương oai, diễu võ”. Độc giả có thể dễ dàng nhận thấy, có những con người không dám ngẩng mặt nhìn bạn bè vì bản chất xấu xa bị lột trần một cách ê chề, đằng đẵng không có được nửa lời biện minh. Nay thừa cơ hội có bài viết của Lê Thanh Tùng, vội vàng ra sức loan truyền để tỏ ra mình “trong sáng”, nhẫn tâm tham gia “đánh hội đồng”,bồi thêm để đẩy ngã Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, vậy mà họ dương dương tự cho đó là hệ lụy nhân quả mà Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang phải gánh chịu. Thử làm một phép so sánh rất nhỏ thôi cũng đủ thấy, những gì Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang đã cống hiến, so với những gì mà người này làm thì sự khập khiễng là quá lớn.

Ngoài những kẻ cơ hội, không ít chiến sỹ dân chủ quá nhiệt tình, hăng hái mà đâm ra tự hại chính mình, làm phương hại phong trào dân chủ theo cái lối “dùng tay phải chặt tay trái”, họ cổ xúy cho quan điểm “sàng lọc” nội bộ dân chủ. Quan điểm này không sai, việc làm này là cần thiết trong bất kỳ tổ chức chính trị, xã hội nào! nhưng với sự nôn nóng, với nhiệt huyết lấn lướt sự cẩn trọng, họ đã không thể đủ chín chắn và sáng suốt để nhận diện bản chất sự việc, và như thế họ càng dễ sai lầm khi kết luận và đánh giá về một con người (như đã đối xử với Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang). Tôi có cơ hội nhiều lần đối diện với những người này, nhưng tranh luận với họ thật không dễ chút nào. Mặc dù bản chất họ rất tốt, lương tâm trong sáng, song muốn họ chịu lắng nghe góp ý chân tình của mình cũng cần phải có thời gian và có thời điểm phù hợp. Phê phán quan điểm của họ thì họ tự ái, cho rằng chúng tôi không cản đảm nhìn thẳng sự thật, không dám lên án, phê phán cái xấu trong nội bộ. Đồng tình với họ thì được họ hồ hởi, nhưng bản thân mình lại chua xót, đắng cay khi phải chứng kiến những hành vi xốc nổi do họ tạo ra… vậy nên,đành phải chờ dịp để họ bình tĩnh soi xét và tìm cơ hội thuyết phục lúc họ đã bình tâm. Bài viết này cũng không ngoài mong muốn được họ tham khảo một cách nghiêm túc và với tinh thần cầu thị.

Trở lại vấn đề “chiến dịch sàng lọc” (tạm gọi thế), chúng tôi nhận thấy cái mũi nhọn tấn công của “chiến dịch” này đã không đi đúng hướng mong muốn của phong trào dân chủ, mục tiêu cần công kích thì lại không tập trung, thậm chí gián tiếp tạo điều kiện để đề cao nó, giúp nó thăng hoa; trong khi cái cần bảo vệ, cần nhân lên thị bị “chiến dịch” dập vùi… thật trớ trêu thay !

Vậy làm thế nào để không rơi vào tình cảnh đó ?

Phương pháp để tránh được tình trạng này không gì khác hơn là phải xây dựng được một lực lượng trung kiên với sự trải nghiệm “xương máu”. Lực lượng này không đòi hỏi phải xông xáo, tiên phong và tạo nên được nhiều biến cố. Song qua thách thức, sàng lọc của thời gian lực lượng này sẽ trở thành một khối vững chắc làm chỗ dựa cho phong trào dân chủ. Cái khối này sẽ đóng vai trò như cái bàn lọc, mà tất cả những gì qua lăng kính của bàn lọc này, cặn bã sẽ bị giữ lại và bị đẩy ra ngoài.

Vừa qua phong trào dân chủ phát triển có bề nổi nhưng không có chiều sâu, nhiều tổ chức ra đời một cách vội vàng có tính hình thức mà không chuẩn bị được những yếu tố cơ bản của một tổ chức… vì thế khi gặp phải sóng lớn thì mất phương hướng, ngay cả người cầm lái cũng mất phương hướng nên tan rã là một tất yếu, khó tránh khỏi. Khối trung kiên đầu tiên như tôi đề cập ở trên, thời gian qua chưa làm tốt được vai trò rường cột, mỗi anh phân tán một phương và theo cách riêng nên gián tiếp hình thành các nhóm khác nhau. Điều tệ hại là các nhóm lại thiếu sự tin tưởng lẫn nhau nên sinh ra ngờ vực. Anh là rường cột thì bắt buộc anh phải vững về mọi mặt, anh có vững thì người ta mới tin tưởng để dựa vào anh, thế mà anh thiếu đoàn kết, thiếu sự đồng lòng thì thật tai hại.

Với vai trò của một người quan sát, nêu ra một số suy nghĩ thiển cận từ nhãn quan cá nhân, cũng là những trăn trở hướng đến phong trào dân chủ với mong muốn thúc đẩy phong trào thêm phát triển. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, chúng tôi không còn ước nguyện gì hơn là được làm một viên sỏi nhỏ, lót đường cho thể hệ trẻ thêm vũng bước! Chúng tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ.

Vì lý do nhạy cảm,không tiện đề tên dưới bài viết. Kính mong quý độc giả quan tâm chia sẽ nội dung bài viết và dành thời gian trao đổi để làm sáng tỏ sự việc, hơn là dành công sức để truy vấn về người viết bài này.

Xin cảm ơn !
Người Quan Sát

 Trả lời kèm trích dẫn từ bài viết  này


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ