"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988
"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993
"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995
|
|
Bài Viết Mới
Hà Sĩ
Phu – câu chuyện đầu năm
DCVOnline – phỏng
vấn
DCVOnline – Ngay trước thềm năm mới Kỷ Sửu,
chúng tôi điện thoại cho ông Hà Sĩ Phu, một gương
mặt quen thuộc trong làng vận động dân chủ Việt Nam.
Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những chủ đề rất
hiền từ, thế nhưng cuộc điện đàm lại bị gián đoạn
đến ba lần, mà không rõ nguyên nhân từ đâu.
Mặc dù đã tuổi, và “tự phê” là già rồi và trí nhớ
bắt đầu kém đi, nhưng giọng nói của ông vẫn rất khoẻ
và trong với những nụ cười đầy hào sảng.
Xin được giới thiệu đến quý bạn đọc DCVOnline toàn
bộ cuộc trao đổi này

DCVOnline: Tình hình của “mọi người” ở Đà
Lạt hiện nay có gì lạ không ạ?
Hà Sĩ Phu: Đà Lại ít lâu nay chưa có sự cố gì,
tình hình có nhiều nơi nóng hơn nên mọi người tạm
thời được yên, thực ra thì vẫn được theo dõi kỹ lắm
đấy, chưa có lúc nào được ra khỏi tầm ngắm của các
“bạn dân” đâu.
DCVOnline: Từ nhiều năm nay, mỗi khi gần
đến tết cổ truyền của dân tộc, bạn đọc khắp nơi lại
được thưởng thức các câu đối tết của ông, cũng như
các vế mời đối, và năm nay cũng thế. Phải chăng điều
này đã trở thành thông lệ?
Hà Sĩ Phu: Vâng, tôi cũng có thói quen đó từ
mười mấy năm nay rồi, cũng là từ cảm hứng của mình,
nhưng có lẽ là cũng do yêu cầu của bạn bè nữa. Nếu
mình quên là bạn bè lại nhắc ngay.
DCVOnline: Ông bắt đầu có sở thích làm câu
đối từ lúc nào và từ duyên cớ nào?
Hà Sĩ Phu: Tôi đã trót xông vào con đường
khoa học nên lúc còn làm việc cũng phải chuyên tâm
làm công việc khoa học nên không có thời giờ, nhưng
tôi vẫn có cái thú làm câu đối do từ nhỏ được các cụ
dạy cho. Từ khi nghỉ hưu, nhất là từ khi bắt đầu
viết văn và tham gia vào Hội Văn nghệ Lâm Đồng, cảm
hứng này lại trở lại, đó là về mặt cá nhân.
Còn tình hình xã hội thì đúng là cũng có nhiều tâm
trạng khiến cho mình bức xúc và tôi thấy câu đối là
một phương tiện rất tốt để tôi trang trải lòng mình
và trao đổi với bạn bè.
DCVOnline: Ông bắt đầu nghỉ hưu và tham
gia viết văn vào năm nào?
Hà Sĩ Phu: Tôi bắt đầu tham gia vào Hội Văn
nghệ Lâm Đồng do ông Bùi Minh Quốc làm hội trưởng từ
năm 1987, còn chính thức về hưu thì đến tận năm 1993
tôi mới nghỉ hưu.
DCVOnline: Đối với bốn câu mời đối năm
nay, ông đã tìm được “đối thủ” hay “đối tác” nào
chưa?
Hà Sĩ Phu: Cũng đã có những câu anh em đối
khá tốt. Nhất là năm nay tôi thấy có một điều hay là
ngoài những bạn bè ở nước ngoài và những bạn vẫn
quen viết lách về các vấn đề dân chủ, năm nay có
những vị trí thức và các nhà khoa học ở trong nước
từ xưa nay hầu như không lên tiếng về mặt câu đối mà
mặt trận câu đối ở trong nước hầu như là chiếm lĩnh
bởi toàn những câu mà chúng tôi gọi là “mừng đảng
mừng xuân”, chả có tâm tư gì về thời cuộc cũng như
không có trăn trở gì cả, thế nhưng đến năm nay lại
khác.
Năm nay tôi mới đọc trên trang blog của nhà phê bình
văn học Phạm Xuân Nguyên, thấy có câu đối rất hay
của nhà toán học Văn Như Cương hiệu trưởng trường
Lương Thế Vinh.
DCVOnline: Câu đối đấy thế nào thưa ông?
Hà Sĩ Phu: Ông ấy lấy tứ năm chuột đi, năm
trâu đến và vận dụng thành ngữ với ca dao rất tài.
Một câu đối rất đơn giản.
Năm chuột đi, cháy nhà vẫn không ra mặt chuột.
Tết trâu đến, gảy đàn liệu có lọt tai trâu?
Tôi cũng có cảm hứng để trao đổi với ông Văn Như
Cương câu đối của tôi như thế này, tôi xin đọc:
Chúng khẩu đồng tình, nhân lúc cháy nhà, ngàn
tay chỉ sẽ ra mặt chuột
Bách thanh tương ứng, sau cơn nổi sấm, triệu
đàn vang mới tỉnh tai trâu.
Câu đối của ông Văn Như Cương quan trọng ở chữ
“không” và chữ “có”.
Cháy nhà mà vẫn không ra mặt chuột là bởi vì chuột
này nó được lai với giống lươn ấy, gọi là biến hình
bồ tát, cho nên cháy nhà rồi thì phải có hàng trăm
hàng nghìn bàn tay chỉ vào mặt nó thì con chuột mới
lộ mặt.
Việc ấy tuy khó nhưng xem ra việc làm cho chuột lòi
mặt chuột vẫn còn là dễ vì thực ra nó cũng đang lòi
mặt chuột rồi. Làm cho trâu biết nghe đàn mới thực
là việc khó bởi vì nó là chuyện văn hoá, nó là
chuyện lâu dài và chuyện khó. Người ta vẫn nói là
cướp được chính quyền chứ ai nói là cướp được văn
hóa đâu.
Không phải con trâu nó điếc đâu, như các cụ đã nói
ấy mà, con trâu mà nó lười thì nó sáng tai họ nhưng
chỉ điếc tai cày thôi. Cái tai con trâu này khi nói
những điều hay lẽ phải thì nó… điếc. Một tiếng đàn
cầm chắc là nó cứ lờ đi, phải cả triệu tiếng đàn
vang lên thì may ra con trâu nó mới buộc phải nghe
thấy.
DCVOnline: Quay trở lại với bốn câu mời
đối của ông nhân năm Kỷ Sửu sắp đến, cho đến nay ông
đã chấm được bốn câu đối lại nào chưa?
Hà Sĩ Phu: Tôi chưa tập hợp đầy đủ, nên chỉ
lấy vài ví dụ thôi.
Câu “Đón bác trâu chớ gảy đàn cầm, bác là bậc
có sừng có sỏ” đã có những câu đối lại rất
thú, như câu của Thái Hữu Tình:
Đuổi ông mãnh mau về sở thú, ông là quân vô
đức vô tài.
Ở đây tác giả đã lấy “thú” đối với “cầm”,
“vô” đối với “có”.
Câu “Mặt cũng lớn, tai cũng to, đường phải trái sao
để người dắt mũi” cũng có câu đối lại là:
Gan thì to, mật thì lớn, lúc an nguy chỉ biết
chạy cong đuôi.
hoặc là:
Danh cụ to, hàm cụ lớn, nước mất còn lại chịu
cảnh khom lưng.
nói về bối cảnh nhà nước quá mềm yếu đối với sự xâm
lấn của Trung Quốc.
Câu thứ ba là “nhai lại mãi vẫn toàn rơm với
cỏ”, ta đều biết về lý luận quanh đi quẩn
lại vẫn là những thứ người ta đã cho nó vào sọt rác
lịch sử rồi.
Đây câu dễ đối nên cũng có nhiều câu hay, ví dụ như
các vị ấy đối lại ngay là:
Đánh nhau hoài bởi thích mác cùng lê.
Hay là
Chính chuyên gì bán cả nước cùng non.
Một câu thì nói về chuyện lý luận, tuyên truyền, một
câu nói về chuyện giữ nước.
Câu khó nhất là câu thứ tư “Nghé cỏn chớ nghe ông
nghẻ ông nghè mà đe hàng tổng”, vừa dùng thành ngữ
vừa có chữ nghé, nghe, nghè, nghẻ. Đã có những vị
đối rất tốt ví dụ như ông Thái Hữu Tình đã đối thế
này:
Tình yêu vi tính phải tinh phải tỉnh kẻo dính
cú lừa.
Câu này có ý nghĩa cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tức
là tìm hiểu nhau mà chỉ có trên thế giới ảo mà không
tinh và không tỉnh thì có khi phải bị lừa, lúc gặp
phải người thật nó lại dở chứ không phải như cái
người ngồi ở trên mạng. Câu này cũng có ý nghĩa về
thời sự. Tức là mọi vấn đề quyết định cho cuộc vận
động dân chủ nếu ta chỉ căn cứ vào thế giới ảo thì
rất dễ bị lừa.
Hay câu này:
Bê con lên bệ bốn bề đổ bể ô uế cả vùng.
Tức là gia đình thân thuộc cứ kéo nhau lên ghế,
chuyện gia đình trị trong bộ máy chính quyền bây giờ
là có.
Hay câu:
Mèo già lắm mẹo, giọng meo giọng mẻo nịnh khéo
chuột nhà.
lấy từ ý “con mèo mày trèo cây cau…”, mèo gặp chuột
thì chỉ có ăn thịt, thế mà nó lại làm giả nhân đức,
trèo lên cây cau để hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng
nhà. Đấy cũng là một câu có tính thời sự.
Đấy là một số ví dụ.
DCVOnline: Trong nước hiện giờ đang có dư
luận đồn đoán vào năm con trâu này sẽ có rất nhiều
thay đổi, ngay cả thay đổi tận gốc bộ máy cầm quyền.
Ông là người đang sống và có những quan sát nhất
định trong nước, ông đánh giá sao về dư luận này, và
ông dự đoán năm 2009 sẽ là năm như thế nào?
Hà Sĩ Phu: Tôi thấy thông tin này hơi lạc
quan quá đấy, tình hình không đến mức đó đâu, nhưng
mà dứt khoát năm 2009 này sẽ có những biến đổi so
với những năm trước bởi vì tình hình đã tích lũy lên
đến mức phía bảo thủ không thể bảo thủ theo kiểu cũ
được nữa và phía đổi mới cũng có thêm những kinh
nghiệm để không mắc lại những cái ấu trĩ của những
năm trước nữa.
Trước tình hình như thế thì nó sẽ phải có những cái
thay đổi. Nhưng cái mà tôi nhìn thấy được tương đối
rõ là thay đổi thế này, sự thay đổi tận gốc là lạc
quan quá, sẽ không có thay đổi tận gốc đâu. Tuy
nhiên, trước sức ép cả từ trong nước cũng như ngoài
nước thì phía bảo thủ sẽ có thay đổi bài bản.
Theo tôi sự cực đoan đến mức cổ hủ chắc là không còn
nữa mà nó sẽ thay bằng một sự thay đổi mà chúng tôi
gọi là cải lương, tức là cũng tỏ ra một cái gì có
tính chất bề ngoài là thay đổi nhưng cái thay đổi đó
không phải là thay đổi gốc rễ.
Trong khi phía bảo thủ chọn cách đổi mới nửa vời như
vậy thì còn có một lực lượng thứ hai. Đó là rất
nhiều những trí thức, văn nghệ sĩ trước đây cũng có
tấm lòng ưu thời mẫn thế nhưng vẫn còn e dè, vẫn còn
sợ bởi vì dính đến các chuyện phản biện nặng nề như
thế rất dễ bị tù tội, bây giờ khi phía cầm quyền,
phía những người bảo thủ phải nới rộng ra một chút
thì số trung gian này cũng mạnh dạn phát biểu hơn.
Tức là giữa lớp trí thức và phía bảo thủ của nhà cầm
quyền tự nhiên có chỗ gần nhau hơn, nó hình thành
nên một xu hướng cải lương. Những người đấu tranh ở
mức độ vừa phải có dịp để lên tiếng hơn và phía nhà
cầm quyền thì hầu như cũng thừa nhận ở một mức độ
nào đấy.
Do sự gặp nhau của hai bên này cho nên hình thành
một lực lượng đổi mới có tính chất cải lương, đổi
mới bề mặt chứ không phải đổi mới tận gốc, nhưng so
với trước thì cũng có tiến bộ hơn. Đấy là nét mới
của năm nay, đổi mới nhưng dè dặt, xu hướng cải
lương sẽ phát triển hơn so với mọi năm.
Tôi nghĩ rằng điều này cũng có lợi vì nhờ đó, những
người đổi mới triệt để, tận gốc sẽ dễ thở hơn một
chút. Tuy nhiên, vì xu hướng cải lương, đảng cộng
sản sẽ nương tay nhưng bên cạnh đó họ sẽ siết chặt
lại đối với những người đổi mới một cách triệt để,
đổi mới tận gốc. Nó có cả hai mặt như vậy nên người
đổi mới triệt để tận gốc cũng vẫn phải đón nhận hai
khả năng đó.
Tức là một mặt không khí chung có thể dễ thở hơn,
nhưng một mặt phải coi chừng, người ta chỉ chấp nhận
cái đổi mới có tính chất cải lương, cái gì triệt để
người ta sẽ xiết lại.
DCVOnline: Ông căn cứ vào đâu để cho rằng
nhà cầm quyền sẽ thay đổi, cho dù chỉ là những thay
đổi mang tính cải lương?
Hà Sĩ Phu: Về mặt điều hành xã hội thì phát
triển về kinh tế thị trường sẽ phải tự do hơn trước.
Cái gọi là bao cấp, quốc doanh phải giảm đi rất
nhiều, để hòa nhập được vào nền kinh tế thị trường
thì cũng phải cải tiến rất nhiều, đấy là một mặt.
Mặt thứ hai là về tư tưởng cũng có những cái thay
đổi so với trước, ví dụ như chủ nghĩa Mác Lê họ xem
nhẹ đi rất nhiều và họ chỉ còn chốt lại bằng tư
tưởng Hồ Chí Minh thôi.
Thứ ba là trên thực tế những tiếng nói phản biện
trong nước xuất hiện nhiều hơn trước. Trước đây thì
căng thẳng lắm, các vị còn nằm trong hệ thống nhà
nước đâu có dám ăn nói gì, thế nhưng bây giờ số anh
em ấy, ví dụ như trường hợp nhà văn chính thống
Nguyễn Khắc Phục chẳng hạn, viết thư vận động mọi
người về chuyện Hoàng Sa - Trường Sa.
Rõ ràng xu hướng đổi mới cải lương đã cho những
tiếng nói phản biện như những cú đấm vào lực lượng
bảo thủ nhưng chỉ đấm vào chân vào tay thôi, chứ vẫn
không được sờ vào các huyệt. Tôi cho rằng những cú
phản biện như vậy sẽ được phép đến một phần nào.
DCVOnline: Theo ông quan sát giới trẻ hiện
nay ra sao?
Hà Sĩ Phu: Tôi thấy đây chính là lực lượng
dân chủ mới xuất hiện nên nhà nước vẫn kìm chế họ kỹ
lắm, cho nên những tiếng nói của lớp trẻ tôi thấy
vẫn chưa có điều kiện. Phải làm những kiểu nhẹ nhàng
và còn xa chính trị như kiểu chuyện của Công giáo ở
Thái Hà, ở Nhà Chung thì mới có thể còn tồn tại
được. Chứ còn xuống đường để biến thành những cuộc
biểu tình thì còn khó lắm.
DCVOnline: Trong mấy năm trở lại đây mọi
người gần như chỉ còn thấy những bài viết có các câu
đối của ông được xuất hiện vào các dịp tết cổ
truyền, phải chăng sức sáng tác của ông đã đi xuống?
Hà Sĩ Phu: Ít hơn trước thì có phần đúng
nhưng nhẹ hơn trước thì không đúng đâu. Những bài
viết của tôi về vụ Hoàng Sa - Trường Sa đã đưa ra
những quan điểm mạnh hơn trước nhiều. Chẳng hạn tôi
cho rằng dân Việt Nam xưa nay vẫn bị mất nước, mất
nước vào trong tay đảng. Thực tế chúng ta đang là
người mất nước mà, đó là quan điểm rất là nặng so
với trước nhé.
Hai nữa, bản chất của việc ta bị thua thiệt trong
quan hệ đối ngoại, nhất là đối với Trung Quốc chính
là do chủ nghĩa Mác Lê, coi thế giới đại đồng của
cộng sản mới quan trọng còn ranh giới của quốc gia
dân tộc không quan trọng, cho nên chừng nào còn chủ
nghĩa Mác Lê thì ta không thể chống ngoại xâm được.
Tức là trong lịch sử chống ngoại xâm thì thời kỳ của
cộng sản là thời kỳ yếu nhất trong lịch sử. Như thế
là quá nặng chứ, đâu có đơn giản. Tôi cũng ủng hộ
các bạn trẻ xuống đường rất rõ.
Có nhiều anh em quan sát tại sao tôi viết ít đi thì
tôi xin nói như thế này.
Trước đây, 20 năm trước đối tượng tôi cần phải phê
phán đó là chủ nghĩa Mác Lênin, cái phi lý của chủ
nghĩa cộng sản, điều này rất rõ và không cần phải
đắn đo nhiều.
Thế nhưng những giai đoạn sau, sau khi giải quyết lý
luận cơ bản rồi cần phải đi vào hành động thì đối
tượng mình cần phê phán nên mở rộng thêm. Chẳng
những là những bảo thủ trong hệ thống cầm quyền mà
còn chính là những nhược điểm của phong trào dân
chủ, tức là nói nội bộ, thì khó hơn nhiều.
Để nói những việc đó tôi không thể viết được những
bài công khai trên mạng như phê phán chủ nghĩa Mác
Lê mà phải tìm cách đỡ gây ra ngộ nhận, như là tôi
tìm con đường trao đổi trong nội bộ, một vài thư tôi
viết nhân danh Người Quan Sát, tôi nhằm vào những
yếu điểm trong nội bộ của phong trào dân chủ, đó là
điều thứ hai.
Còn có một nguyên nhân khách quan tôi ít viết hơn đó
là vì đầu óc bây giờ cũng già rồi, tôi viết bài giờ
cũng khó hơn trước rất nhiều, tôi cũng hay quên, hay
lẫn lộn, viết bài có vất vả hơn.
Nhưng đó cũng không phải là lý do chính. Mà chính là
viết về lý luận chung thì rất dễ, nhưng khi viết về
thực tiễn, trong đó có một đối tượng để phê phán và
phải phê phán những non yếu của chính nội bộ thì tôi
phải nghĩ một cách cẩn trọng hơn, chứ không có thể
viết như trước đây được. Chứ trong tôi không hề có
gì gọi là giảm đi so với trước đâu.
DCVOnline: Ông vừa đề cập đến những sự non
yếu trong nội bộ, vậy cụ thể nó là những vấn đề gì?
Nó có liên quan gì đến những bài viết chỉ trích lẫn
nhau trong thời gian gần đây của những người tham
gia vận động dân chủ trong nước không?
Hà Sĩ Phu: Có chứ ạ, rất liên quan đấy. Chính
những hiện tượng bây giờ nó đang bày ra đó, có lẽ ít
bày ra ở các trang web chính thống nhưng trong email
gửi cho anh em nội bộ có rất nhiều. Có thể nói là
trong nhóm nào, ở vùng nào cũng có những chia ly,
thậm chí là phê phán nhau rất nặng lời, rất khó
nghe. Có thể nói nhìn một cách khách quan thì coi
đấy là một thắng lợi rất to lớn của bên công an.
Tôi đã nói là có một triệu người mà không đoàn kết
thì không bằng có vài người mà nhất trí (với nhau).
Những điểm này tôi đã lo xa và nêu trong các lá thư
của Người Quan Sát từ trước đây hai, ba năm, thì bây
giờ quả nhiên những điều đó nó đang diễn ra.
Trong đầu năm 2009 này chắc là tôi sẽ viết một bài
góp ý kiến thêm về chuyện này. Suy nghĩ của tôi về
vấn đề này gần như liên tục, không có lúc nào mà tôi
quên chuyện những yếu điểm của cái bó đũa này đâu.
DCVOnline: Ông nhận định về những chuyện
đấu tranh trong nội bộ này như thế nào?
Hà Sĩ Phu: Nói đơn giản thế này, sai lầm có
thể nằm ở trong hai điều. Một là những yếu kém về
phẩm chất của những người đấu tranh. Ví dụ như cũng
có người nghĩ về động cơ cá nhân, động cơ muốn nổi,
thậm chí có cả động cơ tiền bạc… Đấy là yếu về phẩm
chất.
Cái yếu thứ hai là yếu về phương pháp. Tức là tấm
lòng của anh rất tốt nhưng những hiểu biết chính trị
của anh không có sâu sắc, không có kinh nghiệm lại
bị chi phối bởi những lực lượng khác, đó là yếu kém
về mặt phương pháp.
Tất cả chỉ nằm trong hai điều này thôi. Vấn đề là
làm thế nào để tránh được hai điều đó. Vì khi mắc
phải hai điều đó thì còn có một cái hại nữa, là phía
an ninh người ta có thể lợi dụng tất cả những kẽ hở
đó để đưa (người) vào. Thế là thật giả lẫn lộn và
không còn ai biết thế nào cả.
DCVOnline: Vậy theo ông làm sao để khắc
phục những điểm yếu kém này?
Hà Sĩ Phu: Ngay đầu tiên tôi đã nói phương
pháp để tránh điều này là gì? Lực lượng trung kiên
lúc đầu phải quý bằng vàng. Bởi vì lực lượng đó tuy
chưa làm được gì nhiều nhưng chính là đội ngũ được
thử thách và sàng lọc qua rất nhiều năm. Nó hoàn
toàn là của thế giới thật chứ không phải thế giới
ảo. Phải giữ cái khối đó như một cái bàn lọc. Từ đó
mà phát triển ra, bất kỳ một nhân tố mới gì gia nhập
vào đều phải qua cái bộ lọc đó.
Nhưng chính do sự phát triển ồ ạt, phân tán ra, khối
trung kiên lúc đầu không còn nữa, mỗi một anh phân
tán ra thành một lực lượng riêng của mình. Lực lượng
riêng ấy lại có rất nhiều những yếu tố ngoại lai,
tôi nói ngoại lai không phải là hải ngoại đâu nhé,
xâm nhập vào. Nhóm của anh này thì anh khác không
tin.
Thế là mười nhóm thành ra mười lực lượng phân tán,
không tin nhau lại còn đả kích nhau nữa. Những người
trung gian cũng còn chẳng biết phân biệt thế nào là
sai là đúng nữa. Thế thì tôi nghĩ có một triệu người
mà phân tán, có một triệu phần tử mà không nhất trí,
không cùng một hướng thì cũng chẳng có sức mạnh gì.
Đó là nỗi khổ tâm của phong trào dân chủ hiện nay.
Đấy là mặt tiêu cực. Thế nhưng tôi có nói lực lượng
ngày càng thức tỉnh thì ngày càng nhiều lên, thì
nhìn chung vẫn phát triển. Chỉ có điều khi những yếu
tố đúng đắn chưa chiếm được vai trò chủ đạo thì
những nhân tố mới nảy sinh người ta tìm nhầm ngọn
cờ. Điều đấy phí lắm, rất phí.
DCVOnline: Gia đình ông năm nay dự định
đón tết Kỷ Sửu thế nào?
Hà Sĩ Phu: Chúng tôi hiện nay các cháu đã lớn
và lập gia đình ngoài Hà Nội, ở đây chỉ có hai vợ
chồng tôi, một vài đứa cháu xa cho nên tết rất là
đơn giản, tôi không làm gì nhiều.
Tuy nhiên anh em bạn bè thân thiết cũng qua lại chia
xẻ nhau về mặt tinh thần là chính, nhưng lại rất
vui. Tết này anh em gửi quà gửi thư đến rất nhiều,
cho nên thú vui tinh thần năm nay lại khá rôm rả đấy
ạ.
DCVOnline: Quan trọng là ở tinh thần phải
không ạ? Trước thềm năm mới, DCVOnline xin chúc ông
Hà Sĩ Phu và gia đình một tết cổ truyền bình an, một
năm mới nhiều sức khoẻ và may mắn.
Hà Sĩ Phu: Xin cảm ơn bạn, xin được gửi lời
chúc tết đến tất cả độc giả của DCVOnline.
© DCVOnline
 |
 |
Hồ Gươm 
Thành
viên chính thức

|
|
Tham gia
ngày: Feb 2007
Địa
điểm: Wiebelskirchen, Làng Kim Liên của bạn
Hồ Nếch Cơ
Bài
viết: 2,231
Cảm ơn
vì bài viết: 425
Được cảm
ơn 1,112 lần trong 514 bài viết

|
|
Thưa các quan bác và quần chúng Cà
dân, trong bài phỏng vấn trên bác Hà Sĩ Phu đã chính
thức công nhận công khai bút danh Người Quan Sát là
1 trong những bút danh của bác HSP và có nhắc tới 2
bài viết được ký tên với bút danh Người Quan Sát
này, vì vậy em xin phép được đưa hai bài viết đó vào
cho cùng một mạch để dễ bề tham khảo.
HAI BỨC THƯ CỦA NGƯỜI QUAN SÁT
BỨC THƯ THỨ NHẤT
THƯ HỎI
Kính thưa đại huynh,
Mới ngày hôm qua, tại San Jose đã có một cuộc họp
báo do Bs NXNgãi tổ chức, chính thức công bố sự phục
hoạt của đảng Dân Chủ. Hải ngoại đang có nhiều thắc
mắc, vì không biết:
(1) sự liên hệ giữa đảng Dân Chủ với Phong trào Dân
chủ do ông HMC thành lập;
(2) sự liên hệ giữa đảng Dân Chủ với Khối Tuyên ngôn
Tự do Dân chủ 2006 ra sao;
(3) quan diểm giữa Lm NVLý và các vị khác trong Khối
Tuyên ngôn Tự do Dân chủ về đảng Dân Chủ ra sao;
(4) sự liên hệ giữa Gs HMC với Gs TK, giữa Gs HMC
với Lm NVLý, giữa Lm NVLý và Gs TK;….
Xin làm ơn làm sáng tỏ những thắc mắc nói trên để
hải ngoại có thể nắm vững tình hình chung.
Đa tạ,
Ng.
THƯ TRẢ LỜI
Kính gửi anh Ng.
Những thắc mắc ở hải ngoại mà anh vừa nêu thật chí
lý mà một người thần kinh bình thường nào cũng phải
đặt ra . Điều ấy giải thích vì sao những người dân
chủ tỉnh táo trong nước đã linh cảm và tiên lượng
ngay từ đầu , và giữ thái độ đứng ngoài những hiện
tượng bên ngoài có vẻ rất sôi động mới đây.
Tình hình đúng là đã có thay đổi. Nhưng trước tình
thế mới, tất cả những yếu tố trong cuộc cạnh tranh
như Đảng CSVN (trong đó quan trọng là Công an),
chính phủ Mỹ và các chính phủ khác, những tổ chức và
hội đoàn rất khác nhau ở hải ngoại và trong nước,
những nhà dân chủ chân chính và dân chủ cơ hội…đều
có thể nhạy bén trước cơ hội mới và tung ra những
chiêu, những tổ chức, những quân bài của mình. Anh
nọ chui vào trong anh kia, anh nọ đội lốt anh kia,
mượn tay anh kia, vô hiệu hoá anh kia, chiếm đoạt
anh kia, tiêu diệt anh kia.
Trong một bức tranh hỗn tạp và giàu tính thủ đoạn
như trên thì những suy nghĩ đơn giản như “Méo mó,
nhưng có hơn không, cứ mọc ra được là thắng lợi
rồi”, “Cứ lên tiếng mạnh là ta ủng hộ”, “Cứ mọc ra
đi rồi tu chỉnh sau”, “miễn sao chống lại cái hiện
tại là tốt rồi”, “những người dân chủ sao không ủng
hộ nhau”, “cái gì dính dáng ít nhiều đến CS đều
không tốt, càng chống CS mạnh thì càng tốt” …v…v…
cần được xem xét lại. Phải am hiểu cụ thể từng tình
huống, từng con người, từng chi tiết cụ thể, và luôn
đặt ra những tình huống ngược lại để sàng lọc. Nếu
không rất dễ tưởng bở, rất dễ mắc lừa. Cứ ào ào là
cực kỳ nguy hiểm. Tất nhiên đa nghi quá thì bỏ sót
những sự xuất hiện mới đáng quý, nhưng cũng có khi
“thà không có còn hơn”, có khi nông nổi hành động là
nối giáo cho giặc.
Tôi xin nêu mấy điều cần phân biệt , không nên nhầm
lẫn:
1- Cần phân biệt sức mạnh thực chất của một phong
trào với sự “đại ngôn” , rùm beng tuyên bố, những
màn trình diễn đánh trúng khao khát của tình hình,
những sự ồ ạt ủng hộ nhất thời (kể cả ủng hộ của
những người có danh tiếng bên ngoài) ... Kẻ cơ hội
và kẻ phá hoại cũng biết nắm thời cơ còn nhanh tay
hơn những người chân chính.
2- Cần phân biệt số lượng (trong đó có cả những “số
lượng ma” được tạo dựng) với chất lượng thật của
những thành viên trong một phong trào.
3- Cần phân biệt một xu hướng chống đối, một “anh
hùng” chống đối với một xu hướng dân chủ ,một nhà
dân chủ. Hai chất lượng này khác nhau rất xa.
4- Cần phân biệt một biểu tượng đáng quý mến với một
thủ lĩnh có năng lực lãnh đạo. Tất nhiên cũng cần
phân biệt sự nông nổi nhẹ dạ hay nóng vội với tính
cơ hội , và nhất là sự nham hiểm của những cạm bẫy
được hoạch định.
5- Cần phân biệt những hành động yêng hùng xôm trò,
những hoạt động trình diễn, những lời tuyên bố, với
bản lĩnh thật và đức độ thật của một con người mà cả
quá trình thử thách lâu dài mới xác minh được.
Tất cả đều đòi hỏi sự am hiểu cụ thể, chi tiết, sàng
lọc, loại trừ. Chỉ đứng từ xa, chỉ nhìn khái quát và
cứ chiều theo ước vọng chủ quan một chiều thì dễ mắc
lừa. Người hăng hái cực đoan mà nhiều nhược điểm thì
dễ bị người ta “tương kế tựu kế” để khai thác triệt
để đấy anh ạ. Có người làm một việc cứ tưởng mình
làm theo bản lãnh và chí hướng sắt đá của mình trăm
phần trăm, thế mà vô tình đang đi vào một cạm bẫy do
một bàn tay vô hình đã tính toán tác động từ xa vô
cùng tài tình. Nếu có tỉnh ra thì cũng đã muộn.
Mọc thêm ra một tổ chức, một hành động mới, một quan
hệ mới, một nhân vật mới cũng là con dao hai
lưỡi.Rất đáng mừng khi nó là một bước phát triển,
một sự mở rộng đoàn kết, nhưng ngược lại cũng có thể
là một sai lầm nối giáo cho giặc, xé nát khối đoàn
kết đã có, du nhập vào trong lòng những “Trojan
horse”.
Hình thành những tổ chức “Dân chủ cuội”, những tổ
chức chống đối trá hình đã là bài bản của Công an CS
từ nhiều năm nay, bây giờ là lúc họ triển khai tác
dụng. Trong một tổ chức cuội như thế có những người
của công an, có người chống cộng, có người dân chủ,
chẳng những không nguy hiểm gì với ĐCS mà còn là đầu
mối tập trung những người chống đối để tiện việc
thường xuyên theo rõi và khi cần thì dễ dàng tóm
gọn; nó là chỗ thu hút sự chú ý và chi viện của bên
ngoài vào một tổ chức rởm mà không chú ý ủng hộ
những yếu tố khác thực sự có hại cho ĐCS. Tức là CA
thì lợi đơn lợi kép, còn phong trào dân chủ thì mất
cả chì lẫn chài..
Đối với một chiếc xe lắp ráp vội vàng, không đồng bộ
thì cách phá hoại nó tốt nhất là sơn nó cho đẹp rồi
cho ngay xuống đường đua , nổ máy phóng với tốc độ
cao. Dẫu người bên đường có trầm trồ ngắm nghía thì
cũng chỉ phóng được một quãng là bánh xe một đường,
tay lái một nẻo. Càng được cổ vũ càng phóng nhanh và
càng mau tự huỷ. Người quá nhiệt tình nóng vội lại
trúng mưu một kẻ phá hoại.
*
Tình hình “bùng nổ” vội vàng và lộn xộn vừa qua tự
nhiên bắt những người quan sát phải biết sàng lọc,
phân biệt thứ nào ra thứ nấy. Nếu những người trung
kiên biết sáp lại thành một khối, làm trụ vững chắc,
bàn bạc kỹ lưỡng rồi triển khai một cách bài bản thì
sự sàng lọc những “yếu tố xấu” không mấy khó khăn,
nhưng nếu tự ý làm bừa, làm ẩu, vô nguyên tắc, sẵn
sàng đạp lên những mối quan hệ cũ để đuổi theo những
mối quan hệ mới, tự đánh mất sức mạnh của mình, thì
tình hình sẽ rối tung cả lên, không biết dựa vào đâu
mà sàng lọc. Thế là trúng kế của kẻ phá hoại, kẻ phá
hoại được biếu không những chiến thắng mà không cần
ra tay. Chỉ cần một việc làm bừa, phá vỡ cái hạt
nhân cố kết trung kiên tin cậy ban đầu là việc sàng
lọc trở nên cực kỳ khó khăn, phong trào có nguy cơ
tan vỡ. Muốn hình thành tổ chức mà lại làm việc kiểu
vô tổ chức, anh hùng cá nhân, thì chỉ thành trò cười
thôi anh ạ .
Do chủ quan nóng vội và vô chính trị nên rất nhiều
việc ta đã làm ngược, ví dụ :
- Như trên đã nói, việc không quan tâm củng cố vững
chắc đoàn kết bên trong mà vội du nhập thêm nhân tố
ngoài là một điều làm ngược. Chỉ có mấy người mà mọc
ra bao nhiêu tổ chức với tên tuổi rùm beng, chồng
chéo lẫn nhau. Như cây chưa mọc rễ đã vội đâm bông
kết trái tùm lum để “hấp dẫn ong bướm”.
- Cốt lõi của thắng lợi thực chất là tương quan lực
lượng, dù giới trí thức có châm ngòi , có phác hoạ
được đường lối để làm nền, thì lực lượng căn bản vẫn
là sức nổi dạy của quần chúng. Muốn đẩy mạnh phong
trào quần chúng phải xuất phát từ các quyền lợi về
đời sống. Người dân chủ phải âm thầm thâm nhập vào
các phong trào đó như những người vô danh, như chính
từ trong quần chúng, chứ không phải như một chính
khách nổi danh đứng vào để chụp ảnh. (Nghĩ rằng
phương pháp nào của người cộng sản đã dùng thì dứt
khoát ta không dùng nữa , ta phải khác họ, là một
suy nghĩ cực đoan ấu trĩ và dại dột).
- Khi “tướng” lâm nguy thì có hàng ngàn quân bảo vệ,
thế, mới là một phong trào có thật, trái lại chỉ lo
khi một “quân” nào đó bị lâm nguy thì thì đích danh
“tướng” phải đứng ra để bảo vệ thì cũng là điều trái
ngược lắm (mặc dù tinh thần ấy của ông “tướng” là
rất cao, nhưng “quân” đâu cả mà “tướng” phải làm
việc ấy?).
- Rất nhiều động tác chỉ có thể làm vào giai đoạn
sau cùng tức là khi sắp giành toàn thắng thì ta lại
đem thực hiện ngay từ khi mới khai sinh, là hoàn
toàn lộn ngược.
Sự nôn nóng, lạc quan tếu, tưởng thắng lợi sắp đến
nơi, hoặc chỉ cần vài cuộc biểu tình lớn, một số
người dám “quyết tử” là xong… là do ảnh hưởng cái
nhìn từ các biến động ở Đông Âu, thậm chí cái nhìn
từ các nước đã có đời sống cao, đã có dân chủ. Ở
Việt nam, ý thức dân chủ của xã hội nói chung còn
yếu lắm (xin nhắc lại: tinh thần chống đối và ý thức
dân chủ là hai thứ khác nhau rất xa). Không nâng
được tầm dân trí thì “bão táp cung đình” theo kiểu
gì cũng chẳng qua là chia lại xôi thịt thôi. Mà dân
trí là thứ phải tự sinh nở từ trong máu thịt của dân
tộc, ngày này qua ngày khác, không phải là thứ sống
sượng cấy ghép vào một sớm một chiều mà thành đâu.
*
Song, nhìn toàn cục, phải nhận rằng tình hình đấu
tranh dân chủ đã có những bước phát triển thật đáng
mừng : Sự chán ghét cái gọi là “chủ nghĩa Xã hội Mác
Lênin” đã lan tràn trong toàn dân và cả đội ngũ cán
bộ, thậm chí trong cả một bộ phận khá lớn đảng viên
(nhưng chán ghét là một chuyện, có quyết tâm lật đổ
nó đi hay không lại là chuyện khác). Trên thế giới
đã có văn bản quốc tế của Hội đồng châu Âu lên án
chủ nghĩa Cộng sản như một tai họa của thế giới. Ở
trong nước thì phong trào đấu tranh của Công nhân ,
nông dân đòi quyền dân sinh công khai và đông đảo
hơn trước. Lực lượng trẻ đã vào cuộc với tính ưu
việt của sức trẻ, của sự hăng hái, thông minh và
nhiều sáng kiến. Giới trí thức vốn gắn với Đảng đã
có nhiều người thức tỉnh muốn làm một điều gì đó có
ích thay cho cuộc sống phải đạo bấy lâu nay. Sự ủng
hộ của thế giới bên ngoài vẫn tiếp tục phát triển.
Thật đáng tiếc, trong một bối cảnh có nhiều hứa hẹn
như thế thì một bộ phận trong những người dân chủ
tiên phong, đầu não trong nước lại bị những sai lầm
về sự non kém chính trị, về sự nóng vội vô nguyên
tắc … để cho chủ nghĩa cơ hội-anh hùng cá nhân xen
vào, mở đường cho những thủ đoạn phá hoại xâm nhập
hoành hành, xé nát lực lượng. Tự đánh mất sức mạnh
hạt nhân của mình nên đúng lúc có thể đứng lên thì
lại không đứng lên được, gượng xông lên thì loạng
choạng như kẻ say rượu. Thật là uổng phí. Nếu không,
tình hình dân chủ đã có thể tiến lên một bước rất
vững chắc.
Quốc sách chống dân chủ là “phá ngọn cờ” thì quả
thực họ đã thành công một phần quan trọng. Hiện nay
cái nổi lên thành “đầu não”, thành ngọn cờ, chưa
tương xứng với sự phát triển của tình hình, mà việc
sửa chữa và thanh lọc đã trở nên không đơn giản.
Không ai tự biết hết được mọi điều, ai cũng phải
chọn những người đáng tin cậy để tham khảo. Việc
chọn này đúng thì thành công, chọn sai thì tan vỡ cơ
đồ.
Mấy lời tâm huyết bộc bạch với anh, hy vọng từ nhãn
quan đó sẽ giải đáp được những thắc mắc mà anh đã
nêu ra và hy vọng giải đáp cả những điều sắp đến.
Cái khó là làm sao mở rộng được để phát triển mà
không bị nhân tố nguy hiểm chui vào, không bị mắc
mưu.
Tôi xin nêu những điều mà tôi cho là có tính nguyên
tắc để cùng suy nghĩ, chứ chưa muốn kết luận khẳng
định một điều gì. Vì khi tôi đã ý thức được sự rắc
rối của tình hình thì chắc hẳn tôi không dám vội vã
chốt chặt một điều gì cả.
Vì những lý do tế nhị, nhạy cảm, tôi không muốn và
không thể nói gì cụ thể hơn được.
1/6/2006 .
Kính thư,
Người quan sát
|
BỨC THƯ THỨ HAI
Mấy điều chợt gợi để suy nghĩ
(Thư gửi bác sĩ Phạm Hồng Sơn)
Góp phần vào cuộc thảo luận
----------------------------------------
Kính gửi ông Lê Hồng Hà
Cuộc điện đàm ngày 10-3-2007 của ông với các ông Hà
Sĩ Phu và Bùi Minh Quốc khiến nhiều người quan tâm.
Cùng với bài viết mới đây của ông Bùi Tín nhận định
về tình hình chung…, cuộc chuyện trò ấy cho thấy
việc cùng nhau trao đổi một cách hệ thống về những
vấn đề quan trọng của đất nước đã thành nhu cầu
không thể “nhịn” được. Nhu cầu ấy thực ra đã nung
nấu từ lâu. Nhiều cuộc trao đổi như vậy trước đây
nay nên được “bạch hóa” nếu thấy nó đóng góp được
cho nhu cầu này.
Tôi xin nhờ các cơ quan truyền thông gửi tới ông bức
thư tôi gửi cho bác sĩ Phạm Hồng Sơn ngày 4-tháng
11-năm 2006, khi bác sĩ PHS mới được trả tự do, mong
góp một phần nhỏ vào cuộc thảo luận chung rất có ý
nghĩa này.
Người quan sát
Mấy điều chợt gợi để suy nghĩ
(Thư gửi bác sĩ Phạm Hồng Sơn)
Ngày 04- tháng 11-năm 2006
Trong thư, bác sĩ có hỏi nhận xét của tôi về cục
diện đấu tranh dân chủ hiện nay…Trên tinh thần cởi
mở để cùng nhau suy nghĩ, tôi cứ nói những ý kiến
chủ quan của mình.
Từ sau chuyến đi Mỹ chữa bệnh của cụ HMC, cục diện
đấu tranh dân chủ bắt đầu một sắc thái mới. Nhiều tổ
chức đua nhau xuất hiện. Cách thức xuất hiện khá
giống nhau : Đều nương theo một sức mạnh đã có trước
( hoặc là phong trào dân chủ cả nước nói chung, hoặc
là những tên tuổi đã có tiếng từ trước) để tuyên bố
thành lập một tổ chức mới. Nhưng sự “nương theo” ấy
chỉ là mượn danh để xuất hiện, xuất hiện cho nhanh
như một sự nổ bùng chứ không có thực chất. Kết quả
trước hết là khối dân chủ trung kiên ban đầu (chưa
thành tổ chức) bị phá tung ra, thành rời rạc.
Song song với quá trình tưởng chừng “lớn nhanh như
thổi ấy” là quá trình phân ly, tách dần nhau ra vì
càng ngày càng nhiều thành viên sáng lập thấy cái
vừa thành lập ấy không phải của mình. Tách ra đầu
tiên là TK, rồi HMC …nhưng dần dần những NKT, HT,
PN, NCK…đều muốn có một cái gì đích thực là của mình
(hoặc một tờ báo, hoặc một tổ chức). Những người tạm
thời đi với nhau do tình thế , nhưng mỗi người vẫn
ngầm chờ dịp lập cơ đồ riêng. Bên cạnh đó xuất hiện
thêm rất nhiều nhân vật mới, đều muốn làm thủ lĩnh
cả.
Ngay đến cái danh nghĩa bao trùm nhất là Liên minh
thì cũng xuất hiện hai Liên minh (của PN-NVL ở Trung
và Nam, và Liên minh của NKT ở Bắc. Người đọc có thể
thấy Hai liên minh khác nhau cả về văn bản, về nhân
sự và về kế hoạch) giống như tình trạng hai tuyên
ngôn trước đây.
Đáng lẽ phải giữ được khối trung kiên ban đầu làm
hạt nhân để làm cái “bộ lọc” (như ý kiến của Người
quan sát trước đây), từ đó phát triển dần ra một
cách vững chắc, nay cái “bộ lọc” ấy bị vỡ vụn ra,
mỗi mảnh tự phồng ra và “lọc” theo kiểu riêng mình,
và có còn là “mình” nữa hay không thì có trời biết.
Sự bột phát rùm beng và loạn như thế gây ra 3 hiệu
ứng :
* một số dân chúng đang phẫn uất, nay thấy có ngọn
cờ phất lên thì hướng về đó, mỗi người, mỗi nơi thì
nhìn thấy một ngọn cờ khác nhau.
* sự ủng hộ của bên ngoài cũng rộ lên, theo những
thiên hướng khác nhau, ý đồ khác nhau.
* và đặc biệt là Công an có được cơ hội bằng vàng
lách vào những kẽ hở để tách phong trào ra, và tung
ra những quân cờ của mình, hoà chung vào phong trào
bát nháo ấy, tạo những ngọn cờ của mình, chiếm lĩnh
lấy thị phần chủ đạo trong cái thị trường dân chủ.
Từ cục diện ấy toát lên hai điều phải suy nghĩ:
- Trong cái thị trường dân chủ hiện nay dứt khoát
đang có mặt 3 loại dân chủ :
*một là dân chủ tử tế nhưng nóng vội,
*hai là mưu đồ cá nhân hoặc phe đảng muốn theo đà
dân chủ để lập cơ đồ riêng của mình
*ba là dân chủ cuội của người cầm quyền.
Biết chắc là có cả 3 loại, nhưng nhận diện cho rõ
loại nào ra loại ấy mới là vấn đề, mà nhận diện chưa
rõ đã vội ứng xử thì coi chừng rước lấy tai vạ.
Chính quyền lúc đầu định diệt các mầm tổ chức ấy,
song bàn tính lại họ thấy những mầm mống kiểu khua
chiêng múa trống ấy khó gây được nguy hiểm gì, diệt
mạnh thì mang tiếng, chi bằng tương kế tựu kế tung
ra những ngọn cờ của mình để chi phối, phá rối và
nắm cổ cái thị trường dân chủ bát nháo ấy thì sẽ rất
hữu ích sau này (Còn muốn diệt thì diệt lúc nào
chẳng được).
- Trước tình hình mọc ra các tổ chức, các phong trào
rất “sôi động” ấy người ta thường đưa ra những câu
hỏi để chất vấn thái độ của anh : Tại sao anh không
ủng hộ bản tuyên ngôn ấy, tổ chức ấy, hoặc việc làm
ấy ? Chẳng lẽ anh không tán thành những mục tiêu
chính đáng ấy, nội dung tốt đẹp ấy, phương pháp hợp
lý ấy ư? Hay là anh ghen tỵ? Hay là anh vẫn lo sợ bị
đàn áp chứ gì?
Những người đưa ra những câu hỏi ấy không hiểu một
điều rằng : Những mục tiêu, nội dung, phương pháp
được tuyên bố ấy chưa phải là điều quan trọng nhất.
Trong những giai đoạn đầu, câu hỏi quan trọng quyết
định trước tiên là : Ai là người đứng ra hô hào việc
ấy, tin cậy được không ,đằng sau là lực lượng nào,
thế lực nào? Còn tuyên bố thì ai chẳng nói những
điều hợp lý, tốt đẹp? Lực lượng Cuội có thể còn
tuyên bố xanh rờn hơn tất cả đấy. Chỉ ở những giai
đoạn sau, khi đã có lực lượng rồi thì những chủ
trương cụ thể mới ngày càng có ý nghĩa quyết định
thành bại.
*
- Ở bên ngoài cũng có đủ 3 loại dân chủ như ở trong
nước nhưng còn đa dạng hơn, mạnh mẽ hơn và cũng nguy
hiểm hơn , và đều tìm cách tác động vào trong nước.
Sản phẩm Công an cũng có ở cả bên ngoài, thậm chí
còn phong phú và nguy hiểm hơn ở trong nước, thậm
chí chính họ là kẻ kích động và khơi mào,tác động
vào trong nước, tạo ra “ngọn cờ” ở trong nước để hút
tất cả sinh lực dân chủ vào đấy.
Trong sự “ganh nhau” (đây là chữ tôi viết riêng với
bác sĩ thôi !) ra tuyên ngôn trước đây, và “ganh
nhau” tuyên bố thành lập liên minh hiện nay đều có
vai trò rất quan trọng của những nhân tố từ bên
ngoài ấy. Sự đánh giá sai tình hình, khinh địch, lạc
quan tếu, tưởng bở đang là nguy cơ trực tiếp của
phong trào dân chủ.
- Sự đàn áp ở trong nước cũng có 3 dạng : đàn áp
quyết liệt (quyết liệt ra mặt và quyết liệt ngầm),
đàn áp cầm chừng để giữ tay không cho phát triển, và
đàn áp giả vờ để tô điểm cho ngọn cờ của họ.
Cho nên mới có những điều mâu thuẫn tưởng như rất vô
lý: thành lập hẳn tổ chức đối lập, có văn phòng, có
phương tiện truyền thông đàng hoàng thì tồn tại được,
trong khi có người chỉ vào “Cafê Internet” thôi đã
bị bắt giam, có người chỉ nói năng ôn hoà (rất nội
bộ, không đối lập) thì dứt khoát không được nối điện
thoại, bị hạn chế đi lại và bị theo rõi quanh năm.
Có người thành lập hẳn tài khoản ở ngân hàng và kêu
gọi bên ngoài góp tiền vào thì không bị hành gì cả,
trong khi có người mới được bạn bè gửi cho 100 đô la
đã bị quy là nhận tiền nước ngoài để chống nhà nước.
Nhìn cục diện dân chủ có vẻ sôi động hiện nay thì
tưởng như dân chủ sắp đến trong tầm tay, người cầm
quyền đã phải lùi, nhưng nghiên cứu những chủ trương,
chính sách và việc làm cụ thể của ĐCS (về an ninh,
về chính trị-tư tưởng) thì căn bản vẫn lỳ như cũ,
thậm chí còn chặt chẽ hơn trước.
ĐCS đã phân biệt được cái gì có thể nới rộng ra hết
cỡ và cái gì là cốt tuỷ phải giữ để giữ độc quyền
thống trị, nghĩa là CSVN đã tìm được đáp số cho bài
toán giữ độc quyền thống trị trong điều kiện hoà
nhập toàn cầu hóa, nói riêng thì cũng có nghĩa là đã
tìm được sự đồng thuận của Mỹ trong bài toán này (Chờ
gì nhiều trong chuyến thăm sắp tới của Bush?). Câu
hỏi : “Anh đoán bao giờ ta sẽ có dân chủ” (Có người
đoán năm 2007, người đoán 2008!) là một câu vô nghĩa.
Bởi trong bối cảnh lịch sử ấy, chỉ có thể cọ sát và
“lấn dần” nhau trong một xã hội dân sự đang dần dần
hình thành, sẽ không thể có đột biến gì đột ngột về
chất để coi đó là cái mốc cho nền dân chủ.
Rất có thể rồi đây trong Quốc hội sẽ có những “đại
biểu” đối lập để làm cảnh (trong đó có cả đối lập
thật và đối lập giả) , nhưng nếu là đối lập thật thì
phải bị “vặt hết rễ”. Có thể vẫn có một cái cây còi
cọc, cũng nở vài bông hoa làm cảnh, nhưng mọc ra rễ
nào là bị vặt ngay rễ đó. Cứ cung cách dân chủ bằng
tuyên ngôn, bằng bảng hiệu mà không có thực chất
trong quần chúng ắt sẽ dẫn đến thứ đối lập trên
thượng tầng, “đối lập xôi thịt” đó.
- Trở lại những tiêu chí căn bản ban đầu để xét đoán
một tổ chức, một phong trào, cụ thể là : ai chủ
xướng, người ấy gốc gác từ đâu, đáng tin cậy không,
đằng sau là thế lực nào? Muốn trả lời cần có thông
tin đầy đủ về toàn bộ quá trình của người ấy, tư
cách cá nhân, sự vững vàng hay đầu hàng khi bị tù
tội (nhưng đừng quên con người là phức tạp,không nên
đơn giản một chiều), thông tin về sự phân hoá trong
Đảng CS, thông tin về diễn biến phức tạp của các
nhân vật và tổ chức ở hải ngoại, thông tin về các
thế lực quốc tế đang tìm cách gây ảnh hưởng vào Việt
nam. Thiếu thông tin thì sẽ suy đoán chủ quan rất
nguy hiểm. Muốn có một môi trường thông tin thuận
lợi, toàn diện thì phải duy trì một không khí bình
thường, cơ bản vẫn phải ở thế hợp pháp, đối lập cực
đoan sẽ bị cô lập và sẽ chỉ có thông tin phiến diện
một chiều.
Rõ ràng là chỉ có tấm lòng và dũng cảm thì rất không
đủ. Phải có đầy đủ thông tin và sự hiểu biết, vừa
hiểu biết về diễn biến toàn cầu vừa hiểu biết và
trải nghiệm thực tế về tính đặc thù của chế độ CS,
đặc biệt là CS Việt nam. Tức là phải rất Trí tuệ và
rất Thực tiễn! Thứ chính trị salon, chính trị kinh
viện không bổ ích gì. Tấm lòng và sự dũng cảm ngây
thơ cũng là uổng phí!
- Nhìn sâu vào những khó khăn đặc thù và những yếu
kém tạm thời của phong trào dân chủ là để tránh
những sai lầm, nhất là những “sai lầm chết người”
không cho phép sửa chữa. Chứ không phải để quên đi
hay đánh giá thấp những những thành quả đã đạt được,
những thuận lợi cơ bản và những vốn quý đã và đang
xuất hiện. Phá vỡ được tình trạng im lặng một chiều,
phá vỡ được tình trạng ổn định dối trá là một thắng
lợi rất căn bản, tạo tiền đề đi tiếp. Và những sai
biệt do tính cách dân tộc và do lịch sử để lại cho
thấy cuộc vận động dân chủ cho Việt nam phải đi từ
nhiều “mũi” , nhiều kiểu, nhiều lực lượng khác nhau,
khó có thể gom làm một cho nhất quán, điều cần thiết
là làm sao cho sự đa dạng đó không chống lại nhau.
Và đối sách của những người chống dân chủ có lẽ cũng
không thể là diệt dân chủ mà chỉ lừa sao cho những
người dân chủ chống lại nhau, tự làm mất sức mạnh
của mình.
Sự đào thải của lịch sử đối với chủ thuyết CS, sự hỗ
trợ của quốc tế và nhất là hỗ trợ của khối người
Việt ở hải ngoại, sự toàn cầu hoá và vũ khí Tin
học-Internet, sự thức tỉnh và đấu tranh bền bỉ của
những người trong lòng chế độ nhiều năm nay, sự bừng
tỉnh và dấn thân của một bộ phận tuổi trẻ hiện
nay…là những vốn liếng vô cùng quý giá. Nhưng nếu
không biết cách, cứ làm bừa thì sẽ phung phí những
vốn quý giá ấy.
Trong tương lai gần, phải chờ sau hội nghị APEC mới
có thêm dữ kiện để phán đoán.
Tóm lại, một phương pháp như đã nói trên là phương
pháp giành dân chủ bằng con đường CHUYỂN HOÁ chứ
không thể lật đổ, “thay thế từng phần” chứ không thể
“thay thế trọn gói”. Theo ý tôi, cơ sở lịch sử của
phương pháp ấy đã được diễn giải khá rõ trong 2 bức
thư của HSP gửi các ông Đỗ Mạnh Tri và Nguyễn Gia
Kiểng đầu năm 2000.
Một dân tộc rất thông minh, rất khôn ngoan nhưng
không có “Tư tưởng” nên luôn sai lầm về chiến lược,
bù lại rất tài tình về chiến thuật. “Chữa cháy” rất
tài.
Định đưa dân tộc tiến hoá bằng con đường CS là một
sai lầm chiến lược tai hại. Nhưng khi chiến lược ấy
bị đổ bể toàn cầu thì ĐCSVN sau những năm choáng
váng đã tìm ra con đường “chữa cháy”, sửa chữa nhưng
vẫn “vơ vào” chứ không thành tâm gì.
Một chủ nghĩa đã bị thời đại đào thải tất nhiên về
bản chất nó mâu thuẫn với nhân loại nói chung và mâu
thuẫn với dân tộc nói riêng. Nhưng bản tính “khôn
lỏi” đã giúp cho ĐCS chuyển được hai mâu thuẫn ấy từ
bản chất đối kháng trở thành không đối kháng. ĐCS
chẳng những ngã giá thoả thuận ngầm được với cộng
đồng quốc tế mà hầu như đã “ngã giá” được trong một
cuộc “thoả thuận ngầm” vô hình với cả các giai tầng
bị trị. Hai cựu thù (Việt Mỹ) tìm được một cân bằng
để thoả thuận thì đã có nhiều ví dụ, nhưng thủ phạm
và nạn nhân mà thoả thuận ngầm được với nhau thì quả
là hiếm có. (Trong môi trường Việtnam cả giới thống
trị và bị trị đều có cùng một sự “khôn lỏi” giống
nhau, nên vô tình gặp nhau ở sự đồng thuận tệ hại
ấy).
Vì không còn xảy ra mâu thuẫn một mất một còn nên
cũng không thể nổ bùng ra một cái gì lớn lao. Mâu
thuẫn không khoan nhượng nếu còn thì cũng chỉ ở
những quy mô nhỏ, không đủ sức bùng ra thành toàn
cục. Nhưng giải quyết mâu thuẫn kiểu chữa cháy ấy
không bao giờ triệt để mà cứ lùng bùng lai rai mãi,
cứ lai rai mà cùng túc tắc đi lên, nhưng không bao
giờ hài hoà, vẫn luôn có cá lớn nuốt cá bé. Cuộc đấu
tranh sẽ không có người thắng kẻ bại rạch ròi, mà
“úm ba la ba ta cùng thắng”, dẫu cho chiến thắng của
người này có thể gấp 1 triệu lần chiến thắng của
người kia. Người kiếm được miếng ăn đầu tắt mặt tối
với nhà “Vô sản” tỷ phú sướng như vua đều thắng lợi
cả. Tính thực dụng, thiển cận, ăn xổi đã khiến cho
giai tầng lao động bị trị vừa lòng với sự “ổn định”
rất bất công ấy.
Việc xuất hiện một tổ chức đối lập ở Việt nam CS
đáng lý là một quả bom, đáng lý nếu xuất hiện thì
phải biến thành một vụ “Thiên an môn”, nhưng với
cung cách ứng xử Việt nam thì nghịch lý vẫn có thể
tồn tại, điều vô lý vẫn có thể đến dễ dàng như một
trò chơi, và kết cục thì quả bom ấy nếu còn tồn tại
thì cũng không còn là bom nữa, như một quả bom giữa
đống bùn nhão thôi.Dù là bom nguyên tử thì vào trận
địa Việt nam nó cũng biến tính, mọi thứ chính quy
khi vào Việt nam cũng phải du kích hoá hết. Việc vào
WTO buộc cung cách bùng nhùng ấy phải biến đổi ở một
vài bình diện , nhưng nhìn chung nó vẫn lẩn quất
trong tâm thức Việt nam còn rất lâu dài.
Trong cục diện dân chủ lùng bùng ấy, vai trò của
những người CS lương thiện, thức tỉnh, tiến bộ (kể
cả trong lòng giới cầm quyền, tuy ít nhưng quan
trọng) là một đề tài rất lớn, đòi hỏi người dân chủ
một nhận thức đầy đủ và một ứng xử khoa học, linh
hoạt,thực tế. Lực lượng “đối lập trung thành” ấy rất
quan trọng, có thể gây được những hiệu quả không nhỏ
nếu lực lượng dân chủ chân chính lớn mạnh và thúc
đẩy được họ, hậu thuẫn được cho họ, tiếp tay được
cho họ.
Cuộc vật lộn giữa dân chủ và chống dân chủ ở Việtnam
có thể ví như hai hai đấu thủ cứ túm thắt lưng mà
vật nhau, sẽ không có cú knock-out, chỉ thắng nhau
bằng “tính điểm”. Tuy quấn lấy nhau nhưng cả hai
đang vật nhau trên một tấm “băng truyền” , mà tấm
băng truyền thì cứ lạnh lùng chuyển cả đoàn người
một chiều đi về hướng dân chủ, không có chuyện quay
ngược. Vậy thì dù muốn hay không , xã hội cũng sẽ có
dân chủ, không có lý gì để bi quan, vấn đề là tốc
độ, nhịp điệu và những diễn biến cụ thể. Nếu sức ép
của lực lượng dân chủ yếu, để cho người cầm quyền tự
thích nghi và chủ động thu xếp thì nền dân chủ ấy
cũng chẳng ra gì. Điều đáng lo là làm sao cho sự
cách biệt giàu nghèo không đến nỗi khắc nghiệt (mong
cho được như các nước tư bản Bắc Âu, Dân chủ Xã
hội), và xã hội ra khỏi được cái đại hoạ lưu manh
hoá, mà đã trông thấy nó đang lù lù trùm lên dân
tộc. Nếu để giới cầm quyền tự thu xếp đi vào dân chủ
thì cũng là dân chủ nhưng với hai hạn chế rất đáng
tủi nhục ấy.
Mấy ý kiến rông rài, mạnh dạn viết ra để cùng nhau
suy nghĩ, có điều gì lỗ mãng xin được lượng thứ.
Ngày 4 tháng 11 năm 2006
Người quan sát
|
LÝ LUẬN
VĂN HỌC
BÌNH LUẬN
PHỎNG VẤN
VỤ ÁN LIÊN QUAN
NHÓM ĐÀLẠT
TIỂU SỬ |
|