LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


28/05/2010

Lá đơn khiếu nại của ông Nguyễn Xuân Tụ

imageKhông nghi ngờ gì nữa, cùng với việc Tướng an ninh Vũ Hải Triều khoe với thiên hạ là đã chỉ đạo bộ phận kỹ thuật đánh sập 300 trang mạng và blog “xấu”, việc Công an tỉnh Lâm đồng yêu cầu cơ quan chuyên môn cắt đường điện thoại của công dân Nguyễn Xuân Tụ, tức Hà Sĩ Phu, từ hơn nửa tháng nay với lý do điện thoại này đã “chuyển tải những thông tin có nội dung chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vô hình trung đã đặt Nhà nước Việt Nam vào hàng những thể chế phi nhân quyền và man rợ nhất thế giới!

Kính mong Bauxite Việt Nam sớm đưa lá đơn khiếu nại của công dân Nguyễn Xuân Tụ gửi Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng lên mạng để những người văn minh còn lại ở Việt Nam hiểu được tại sao và như thế nào câu chuyện thuộc thời đại đồ đá đầu thế kỷ XXI này.

Cù Huy Hà Vũ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------------------------------------------------------

Đà Lạt ngày 26/5/2010

ĐƠN KHIẾU NẠI

V/v Công an tỉnh Lâm Đồng can thiệp trái pháp luật với

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng để yêu cầu

Trung tâm viễn thông Đà Lạt ngừng cung cấp dịch vụ

viễn thông trái pháp luật đối với công dân

Kính gửi: Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Đức Hiệp

Tôi là Nguyễn Xuân Tụ (tên gọi khác là Hà Sĩ Phu), công dân Việt Nam, HKTT tại 4 E Bùi Thị Xuân, Đà Lạt, Lâm Đồng, xin gửi Giám đốc lời chào trân trọng.

Được sự hỗ trợ pháp luật của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, công dân Việt Nam, HKTT tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội (ĐT: 0904350187), căn cứ Điều 74 Hiến pháp (Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào. Việc khiếu nại, tố cáo được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định. Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải được xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo) và căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo, tôi khiếu nại việc sau đây:

Ngày 08/5/2010, điện thoại số 063.3823510 do tôi là chủ thuê bao và điện thoại số 063.3520915 do anh Nguyễn Xuân Quý, cháu ruột tôi ở cùng nhà, là chủ thuê bao do Trung tâm viễn thông Đà Lạt cung cấp dịch vụ bị mất tín hiệu cùng một lúc. Tôi hỏi thì nhân viên Trung tâm trả lời là 02 điện thoại này mất tín hiệu do bị “sét đánh”?!.

Tuy nhiên phải đến ngày 12/5/2010, Trung tâm viễn thông Đà Lạt mới gửi cho tôi 02 Thông báo cùng số 796/TB-TTDL (bản sao kèm theo) theo đó kể từ ngày 12/5/2010, Trung tâm Viễn thông Đà Lạt chấm dứt:

1. Hợp đồng cung cấp dịch vụ điện thoại Viễn thông số 006798D ký ngày 02/4/2000 ký giữa Trung tâm với tôi, Nguyễn Xuân Tụ;

2. Hợp đồng cung cấp dịch vụ điện thoại số 9037D ký ngày 05/6/2006 và Hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ MegaVNN số 2508/HĐ-TTTH ký ngày 11/5/2007 H giữa Trung tâm với anh Nguyễn Xuân Quý, cháu ruột tôi.

Tôi hỏi lý do của việc chấm dứt các hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông trên thì được Trung tâm viễn thông Đà Lạt trả lời là Trung tâm làm theo yêu cầu của Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 18/5/2010, tôi đến Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Lâm Đồng để khiếu nại thì được Chánh Thanh tra Sở Bạch Ngọc Dũng và Phó Chánh Thanh tra Sở Nguyễn Thúy Hằng tiếp và trả lời là Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Viễn thông Lâm Đồng ngừng cung cấp dịch vụ đối với hai số thuê bao của gia đình tôi là làm theo yêu cầu của Công an tỉnh Lâm Đồng vì cơ quan này kết luận hai số thuê bao dịch vụ viễn thông trên được sử dụng để “chuyển tải những thông tin có nội dung chống lại Nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Kèm theo Biên bản làm việc số 64/BB-TTr ngày 18/5/2010 do Chánh Thanh tra Bạch Ngọc Dũng ký).

Tôi, Nguyễn Xuân Tụ, khẳng định rằng kết luận trên của Công an tỉnh Lâm Đồng là hoàn toàn trái pháp luật vì chỉ người có hành vi phạm tội mới bị luật pháp trừng phạt bằng cách tước bỏ tất cả hoặc một số quyền cơ bản của công dân trong khi không có bất cứ quy định pháp luật nào trong Bộ Luật Hình sự quy định “sử dụng các dịch vụ viễn thông để chuyển tải những thông tin có nội dung chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là hành vi phạm tội!

Nói cách khác, Công an tỉnh Lâm Đồng đã xâm phạm nghiêm trọng ít nhất hai Quyền cơ bản của tôi với tư cách công dân và lợi ích đi kèm được Hiến pháp Việt Nam bảo hộ:

Ø Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật (Điều 73 Hiến pháp);

Ø Công dân có Quyền Tự do ngôn luận, Tự do báo chí, có Quyền Được thông tin (Điều 69 Hiến pháp).

Do đó, nhân danh cá nhân và được sự ủy quyền của anh Nguyễn Xuân Quý, tôi yêu cầu Giám đốc ngay tức khắc hủy bỏ kết luận trái pháp luật nói trên của Công an tỉnh Lâm Đồng và yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Trung tâm viễn thông Đà Lạt tiếp tục cung cấp dịch vụ viễn thông theo 02 hợp đồng mà Trung tâm đã ký với tôi và anh Nguyễn Xuân Quý.

Tôi chân thành cảm ơn và đề nghị Giám đốc ra Quyết định giải quyết Đơn khiếu nại này của tôi theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

NGƯỜI KHIẾU NẠI

                                                                                                     Nguyễn Xuân Tụ       Nơi nhận:

- Như trên                                                                                                        

- Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Lâm Đồng (để phối hợp)

- Chánh Thanh tra Sở TT-TT tỉnh Lâm Đồng (để phối hợp);

- Giám đốc Trung tâm Viễn Thông Đà Lạt (để phối hợp);

- Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ (để giám sát và hỗ trợ pháp luật).

Được đăng bởi bvnpost vào lúc 00:58  

 

Thư ngỏ về việc nhà khoa học Hà Sĩ Phu lại bị cắt điện thoại

Bùi Minh Quốc

Thư ngỏ về việc nhà khoa học Hà Sĩ Phu lại bị cắt điện thoại

Bùi Minh Quốc

Trân trọng gửi đến các đồng nghiệp cầm bút, các Luật sư và tất cả những ai quan tâm

(Kính nhờ các báo đài trong ngoài nước và mạng internet công bố giùm)

Ngày 08.05.2010, điện thoại và đường truyền internet của nhà khoa học Hà Sĩ Phu (địa chỉ tại 4E Bùi Thị Xuân, Đà lạt) ngưng hoạt động.                                                      

                                                                                      Tiến sĩ Hà Sĩ Phu

Sau khi yêu cầu sửa chữa không kết quả và cố công lần tìm manh mối, tiến sĩ sinh học Hà Sĩ Phu mới được chính thức thông báo rằng cơ quan nhà nước quyết định cắt vĩnh viễn liên lạc từ 2 máy điện thoại mà ông thuê của Trung tâm viễn thông Đà Lạt vì lý do “được sử dụng để truyền tải những thông tin có nội dung chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam, theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Công an tỉnh Lâm Đồng)” (trích biên bản làm việc số 64/BB – TTr ngày 18.05.2010 giữa công dân Nguyễn Xuân Tụ tức Hà Sĩ Phu với Thanh tra sở Thông tin Truyền thông tỉnh Lâm Đồng gồm chánh thanh tra Bạch Ngọc Dũng và phó chánh thanh tra Nguyễn Thúy Hằng).

Tôi, Bùi Minh Quốc, cũng có mặt cùng Tiến sĩ Hà Sĩ Phu trong buổi làm việc đó. Tôi nói với Chánh, Phó thanh tra Sở TTTT: Thế là hôm nay nhà nước cũng đã hơi khá lên về mặt hành chính trong quan hệ với công dân, chứ như lần trước, ông Hà Sĩ Phu bị cắt điện thoại liên tục 11 năm 7 tháng từ 1997 đến 2008 mà chẳng nhận được một văn bản nào của cơ quan thẩm quyền.

Tôi tha thiết đề nghị các đồng nghiệp cầm bút và anh chị em trong giới Luật sư luật gia hãy cùng gấp rút góp tiếng nói làm rõ thế nào là “những thông tin có nội dung chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam”, đặc biệt đối với người cầm bút thì phải xác định thật cụ thể rõ ràng rành mạch dứt khoát thế nào là “chống”?

Một người cầm bút viết bài bày tỏ những quan điểm bất đồng với nhà nước và cấp lãnh đạo nhà nước là Đảng Cộng sản Việt Nam thì không thể gọi là “chống nhà nước”. Mà theo chỗ tôi biết thì nhà khoa học Hà Sĩ Phu suốt mấy chục năm qua chỉ làm mỗi việc ấy thôi, đó là cái việc nhìn thẳng vào sự thật bằng con mắt của mình, suy nghĩ bằng cái đầu của mình, nói đúng nói rõ sự thật bằng tiếng nói trung thực của mình, dù tiếng nói ấy gây chối tai xóc óc những người sợ sự thật đang cầm quyền.Và suốt mấy chục năm qua, những người sợ sự thật trong giới cầm quyền với một bộ máy lý luận đồ sộ đã không thể có một bài nào tranh luận công khai với các luận điểm của Hà Sĩ Phu, lại chỉ một mực huy động bộ máy bạo lực đồ sộ dùng đủ mọi biện pháp thất nhân tâm từ bỏ tù đến quản chế, cắt điện thoại, cho công an “mời làm việc” rồi đưa ra đấu tố ở phường chỉ nhằm dập tắt tiếng nói của Hà Sĩ Phu. Tổng cộng, ngoài việc bị cắt điện thoại liên tục 11 năm 7 tháng, ông đã bị tù (bởi một bản án phản công lý) 1 năm, bị khởi tố tội “phản bội Tổ Quốc” nhưng sau ít ngày, phía khởi tố thấy vô lý lộ liễu quá phải đình chỉ vụ án, chuyển thành quản chế 2 năm, bị “mời làm việc” và đưa ra phường đấu tố trên 400 buổi. Ấy là chưa kể biết bao những sự sách nhiễu nhiều kiểu, nhiều cách diễn ra dai dẳng triền miên.

Xin lược lại vắn tắt quá trình “mở miệng” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) của công dân – nhà khoa học Hà Sĩ Phu (tên thật là Nguyễn Xuân Tụ) và quá trình hành xử của nhà nước nhằm bịt miệng ông.

Năm 1988, Hà Sĩ Phu “mở miệng” bằng bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”. Bài này, khi dự thảo, Hà Sĩ Phu đã trình bày trong một cuộc gặp mặt thân mật gồm Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Giáo sư Phạm Vĩnh Cư, Tiến sĩ Kiến trúc sư Đặng Việt Nga (ái nữ của cố Tổng bí thư Trường Chinh) và người viết thư ngỏ này – Bùi Minh Quốc, toàn là con đẻ của Cách mạng, trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa cả. Nhân đây xin kể luôn, Hà Sĩ Phu sinh năm 1940 tại làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (cùng làng với thi sĩ Hoàng Cầm), vốn là một thầy giáo dạy cấp 2 tại Vĩnh Phú, được cử đi học Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp Cử nhân sinh học năm 1965, tốt nghiệp Phó tiến sĩ Sinh học (nay gọi Tiến sĩ) tại Cộng hòa XHCN Tiệp khắc năm 1981, là cán bộ giảng dạy tại Đại học Dược khoa Hà Nội, rồi cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Việt Nam; khi Viện thành lập Trung tâm Khoa học của Viện đặt tại Đà Lạt, ông tự nguyện xung phong rời Hà Nội vào đây nhận nhiệm vụ Phó giám đốc Trung tâm. Công trình về nuôi cấy mô và tế bào của ông đã trích đăng trên tạp chí Sinh học tháng 8.1984 và tháng 3.1991. Là một trong mấy Phó tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực này, nhưng năm 1986, ông đột ngột bị một Kỹ sư, cũng là Phó giám đốc Trung tâm, ngang ngược đẩy ra khỏi chức vụ. Vụ việc phi lý tệ hại này đã được thông tin rất cụ thể trên báo Lao động năm 1987 nhưng những người có trách nhiệm tại Viện Khoa học Việt Nam vẫn coi như không biết; Hà Sĩ Phu bị đẩy khỏi biên chế của Trung tâm, chuyển sang Trung tâm khác không hợp chuyên môn và cuối cùng đành về hưu lúc 53 tuổi.

Trở lại bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, ngay từ khi Hà Sĩ Phu trình bày trong phạm vi hẹp các trí thức văn nghệ sĩ nêu trên và tiếp đó khi hoàn chỉnh và chuyền tay bằng bản đánh máy, bài này đã được đồng tình tán thưởng mỗi lúc càng rộng rãi tuy thầm lặng. Luận điểm cơ bản của bài là khẳng định dứt khoát rằng động lực phát triển của xã hội loài người là trí tuệ chứ không phải đấu tranh giai cấp. Theo nhìn nhận của riêng tôi, trong phạm vi hoạt động lý luận Việt Nam mà tôi thấy được cho đến lúc ấy, đây là một luận điểm có tính phát hiện động trời, thách thức dữ dội luận điểm chính thống về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đã kìm trí trói tay xã hội Việt Nam suốt bao năm ròng. Cũng cần nói luôn, chủ trương “Đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật…” của đại hội Đảng lần thứ 6 và lời hô “cởi trói” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã mở ra một không gian mới cho sự “mở miệng” hồ hởi của giới trí thức văn nghệ sĩ trong đó có Hà Sĩ Phu. Tôi đã viết sẵn “Lời tòa soạn” để chuẩn bị đăng trên tạp chí Lang Biang của Hội Văn Nghệ Lâm Đồng do tôi làm Chủ tịch kiêm Tổng biên tập. Ở Huế, tạp chí Sông Hương đã đăng lời báo tin sẽ đăng “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, tiếc rằng sau đó bị buộc phải  thay bằng bài“Biện chứng và ngụy biện trong công cuộc đổi mới” cũng của Hà Sĩ Phu. Hà Sĩ Phu gửi bài cho Hội Nhà văn Việt Nam, đã nhận được thư báo tin ân cần của nhà văn Xuân Thiều, Chánh văn phòng Hội. Tháng 10 năm 1989, tại đại hội lần thứ 4 của Hội, họp tại hội trường Ba Đình Hà Nội, tôi đã trao tặng bài này (gộp với một bài nữa của Hà Sĩ Phu in vi tính thành cuốn sách mỏng nhan đề “Suy nghĩ của một công dân”) cho đại hội, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (sau là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương) thay mặt Chủ tịch đoàn đại hội đã trân trọng tiếp nhận.

Mặc dù bài  “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” bị Ủy viên Bộ Chính trị Đào Duy Tùng trực tiếp phê phán trong “Đề cương dự thảo Cương lĩnh Đại hội VII”, nhưng nhà văn Ma Văn Kháng (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam) đã khéo léo đưa nhiều luận điểm của bài ấy vào tiểu thuyết “Đám cưới không có giấy giá thú” của ông xuất bản đầu những năm 90; trong hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” xuất bản tháng 10 năm 2009 (NXB Hội Nhà văn), ông đã thuật lại cụ thể việc đó khi dành hẳn một chương viết về người bạn cố tri Nguyễn Xuân Tụ – Hà Sĩ Phu. Các cán bộ lão thành, đảng viên lâu năm và các cựu chiến binh rất yêu mến,  tin cậy vào con người và tiếng nói trung thực của Hà Sĩ Phu, đã tìm mượn cuốn hồi ký của Ma Văn Kháng đem photo truyền nhau, thấy phần viết về Hà Sĩ Phu bị cắt nhiều đoạn (thay bằng ký hiệu chấm chấm chấm) đã viết thư gọi điện cho tác giả yêu cầu cung cấp bổ sung những đoạn ấy. Tóm lại, dù chưa được chính thức thừa nhận, những luận điểm của Hà Sĩ Phu đã ghi được những dấu ấn nhất định, và sự quan tâm ngày càng rõ trong giới trí thức nước ta.

Thiết nghĩ cũng nên trích dẫn ra đây một số ý kiến đánh giá của đồng nghiệp qua thư gửi đến Hà Sĩ Phu mà ông cho tôi xem.

Thư của nhà văn Xuân Thiều:

Hà Nội ngày 4 tháng 7 năm 1989

Kính gửi  đồng chí Hà Sĩ Phu! Ban chuẩn bị Đại hội Nhà văn lần thứ  4 đã nhận được bài phát biểu của đồng chí  “Dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ” . Chúng tôi hoan nghênh sự tìm tòi mạnh dạn của đồng chí về những vấn đề xã hội đang rất nóng bỏng cũng như tấm lòng của đồng chí đối với Đại hội Nhà văn Việt Nam sắp tới. Tuy nhiên thời gian ở Đại hội hạn hẹp sẽ rất khó có điều kiện để trình bày bài phát biểu này. Xin đề nghị với đồng chí gửi cho các tạp chí, các báo để bài phát biểu của đồng chí được ra mắt trước bạn đọc rộng rãi. Kính chúc đồng chí sức khỏe, tiếp tục những công trình nghiên cứu mới đóng góp cho đất nước.

TM/Ban chuẩn bị Đại hội Nhà văn lần thứ 4

Xuân Thiều (đã ký)

Thư của Tạp chí SÔNG HƯƠNG:

Huế, ngày 24 tháng 4 năm 1989

Kính gửi anh Hà Sĩ Phu! Chúng tôi đã nhận được bài “Dắt tay nhau…” của anh .

Đây là một bài viết tốt, thẳng thắn, mạnh dạn và trung thực, chắc chắn sẽ được bạn đọc ủng hộ. Chúng tôi sẽ sử dụng bài viết này trong số tới (39) (*). Vậy chúng tôi kính báo để anh biết. Chúc anh khỏe, đóng góp cho SÔNG HƯƠNG chúng tôi những bài viết khác của anh.

TM Ban Biên tập, Biên tập viên Vương Hồng Nam (*).

Thư của nhà văn Ma văn Kháng:

Hà Nội ngày 15/6/89

…Trong hoàn cảnh hiện nay, bài “Dắt tay nhau…” quý giá ấy, cố gắng ra được  ở những tờ báo, chưa cần là những chốn công luận có danh tiếng, là tốt và cần… Mình nghĩ… đã làm sao xài nổi thức ăn siêu đẳng này? Nói vậy thôi, ta vẫn cứ nên chờ…. Hay là cứ gửi thẳng bài ấy tới Tạp chí Cộng sản?…

16/9/93: Bài “Đôi điều suy nghĩ…” mình đọc ngay trong đêm đầu tiên nhận được.

Tuyệt! Sâu sắc, có hệ thống logic chặt chẽ và lập được thành một lý thuyết; ngoài ra là sự kín kẽ, chu đáo, trọn vẹn lý tình…

Thư của ông Vũ Văn Thanh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Mác-Lê trường Đại học Dược khoa Hà Nội:

Hà Nội 24/11/88.

Chiều qua mình nhận được thư và bài viết của Tụ [bài "Dắt tay nhau..." ].  Vừa thú vị vừa kinh ngạc. Thú vị vì câu đối viếng đồng chí Trường Chinh , có dịp lên Viện Mác-Lênin mình sẽ đưa cho anh Đặng Xuân Kỳ, trưởng nam của đồng chí Trường Chinh; câu đối hay lắm, khái quát được cả cuộc đời, mà chữ nghĩa thì đúng nhà câu đối! Kinh ngạc vì mình không ngờ Tụ lại có những ý tưởng rất sâu sắc về một lĩnh vực vốn không phải của mình. Đó chính là Trí tuệ. Người ta có thể có trí thức, là người trí thức, nhưng có trí tuệ lại là chuyện khác.

Các trang 1,2,3,4 rất hay [bài "Dắt tay nhau..." 10 trang đánh máy]

Các trang sau phân tích rất hay, kèm theo một sơ đồ hệ thống rất sáng rõ tư tưởng người viết.

Sau ba bài lý luận cơ bản “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”“Suy nghĩ của một công dân” và “Chia tay ý thức hệ” nhằm góp phần xây dựng một nền lý luận cho con đường phát triển lành mạnh bền vững của Việt Nam, những năm gần đây Hà Sĩ Phu dành thời gian làm thơ, làm câu đối (ông có tập thơ và câu đối mang tên “Sáng trăng”xuất bản tại Pháp và Mỹ), đồng thời tập trung lên tiếng về hiểm họa mất nước bởi thế lực bành trướng trong giới cầm quyền Trung Quốc và bởi thái độ bạc nhược của một số người gánh vác việc dân việc nước Việt Nam. Nếu có chuyện ông “chống nhà nước” thì quả là ông đang chống cái nhà nước bành trướng phương Bắc, và luôn mong muốn Nhà nước ta mạnh lên bằng cách thật sự gắn bó máu thịt với nhân dân, đặt chiếc ghế quyền lực giữa lòng dân chứ không nên xoắn xuýt với cái quan hệ mười sáu chữ vàng giả dối nói một đằng làm một nẻo.

Dù một số người nào đó trong giới cầm quyền có nhân danh Đảng và Nhà nước, núp dưới một số điều khoản mơ hồ do họ cố ý cài đặt vào các quy định (như cái câu “những thông tin có nội dung chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam”) để đày đọa hành hạ sách nhiễu Hà Sĩ Phu thế nào đi nữa thì ai ai cũng chỉ ngày càng thấy rõ Hà Sĩ Phu là một nhà khoa học yêu dân yêu nước yêu tự do vào hàng mãnh liệt nhất, trung kiên bền bỉ nhất, và dứt khoát ông sẽ cứ như thế trọn đời, như lão thành cách mạng 95 tuổi Nguyễn Trọng Vĩnh: “Còn hơi thở còn lên tiếng!”.

Hà Sĩ Phu không đơn độc. Mái nhà xập xệ chật chội nép bên bờ đường Bùi Thị Xuân nồng nặc mùi nước cống mà vợ chồng ông trú ngụ lại là nơi các cán bộ lão thành, đảng viên lâu năm và các cựu chiến binh thường xuyên lui tới thăm hỏi và đàm đạo chuyện thế sự quốc sự. Bà Virginia E. Palmer, Phó đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt nam đã đến đây ngày 22.05.2009  thăm hỏi và vấn ý Hà Sĩ Phu về tình hình và lối ra của Việt Nam cũng không vì lý do nào khác ngoài ảnh hưởng về những bài lý luận của ông. Cuộc đến thăm của bà Phó đại sứ đã diễn ra tốt đẹp trong sự tôn trọng lịch lãm của chính quyền tỉnh Lâm Đồng.

Việc đối xử với Hà Sĩ Phu không còn bó hẹp trong quan hệ giữa nhà nước với cá nhân ông nữa mà quan hệ tới toàn thể giới trí thức có tư duy và tư thế độc lập của Việt Nam, do đó quan hệ đến quốc thể.

Một người như Hà Sĩ Phu mà không được dùng điện thoại và đường truyền internet, vì bất cứ lý do gì, là một sự phi lý không thể chấp nhận được.

Muốn cắt điện thoại của Hà Sĩ Phu, hãy cho xuất bản các tác phẩm của Hà Sĩ Phu và dùng mấy trăm báo đài của nhà nước phân tích phê phán, đồng thời đăng bài Hà Sĩ Phu tự bảo vệ mình, nếu tìm được chỗ nào có nội dung “chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam” thì khởi tố truy tố đưa ra tòa xét xử và việc cắt điện thoại chỉ được thực hiện theo phán quyết của tòa mà thôi.

Trong khi chờ đợi một sự ứng xử nghiêm túc đúng pháp luật như thế, cần nối lại ngay điện thoại và đường truyền internet cho Hà Sĩ Phu, đấy mới là thượng sách của một nhà nước tử tế.

Đà Lạt 22.05.2010

BMQ

 

 

 

Thư gửi Hà Sĩ Phu

Đăng bởi bvnpost on 26/05/2010

Hoàng Hưng

 

Mấy hôm nay, làm gì, đi đâu tôi cũng bị ám ảnh vì lá thư ngỏ của nhà thơ Bùi Minh Quốc tố cáo nhà chức trách Lâm Đồng lại cắt điện thoại, internet của anh. Chuyện “cắt” này không mới, cũng không áp dụng với riêng anh. Đó chỉ là một trong nhiều thủ đoạn vừa hèn hạ vừa thô bạo của những kẻ cầm quyền bất trí, bất nhân, bất dũng, mà cơ sở của những cái đó là bất chính, và do đó bất lực trong việc đối phó với chính nghĩa ngày càng sáng tỏ do những con người có trí, có nhân, có dũng – anh là một vị tiên phong trong số đó – xướng lên để thức tỉnh đồng bào.

Cái mới trong chuyện “cắt” này là: Có lẽ đây là lần đầu tiên người ta công khai bằng văn bản hành chính cái hành động ngang nhiên chà đạp quyền tự do thông tin của công dân được hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Kẻ chà đạp lại chính là cơ quan nhà nước có chức trách thực thi quyền này, Sở Thông tin Truyền thông Lâm Đồng! Có lẽ cũng là lần đầu tiên người ta nêu công khai lý do công dân bị cắt quyền thông tin: vì “chống lại nhà nước CHXNCN Việt Nam” theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Công an tỉnh Lâm Đồng).

Đương nhiên, “chống lại nhà nước” thì phải chịu hình phạt, từ tù đầy cho chí tử hình, chứ “cắt” điện thoại thì nhằm nhò gì! Song, tuy không am tường lắm về luật pháp hiện hành, tôi cũng có thể đoan chắc: cái tội tày đình nêu trên chỉ có thể do Tòa án, sau khi xét xử ở ba cấp cho đến giám đốc thẩm, tuyên. Cơ quan công an dù ở cấp cao nhất cũng không có thẩm quyền kết luận và tuyên bố tội này, cũng không có quyền ép buộc những cơ quan nhà nước khác thi hành các biện pháp trừng phạt công dân vì những “tội” do cơ quan mình phát hiện. Một thí dụ không thể hùng hồn hơn: vụ trọng án PMU 16 do Bộ Công an điều tra công phu hàng mấy năm trời, thuyết phục được Tòa án xử ông Nguyễn Việt Tiến tội tham nhũng, cuối cùng còn bị lật ngược, và cả một ông tướng công an lãnh đạo việc điều tra đã hóa thành tội phạm vu cáo!

Như vậy, ta có quyền đặt câu hỏi: phải chăng Công an và Sở Thông tin Truyền thông Lâm Đồng bây giờ bất chấp luật pháp, coi thường công luận đến mức không thèm che đậy việc làm phạm pháp của họ như thường thấy ở các trường hợp “cắt” trước đây, như bảo đường truyền hỏng, hay ít ra cứ im lặng mà “cắt”, hoặc chỉ ra lệnh miệng…

Và như vậy, họ có biết rằng chính họ chứ không ai khác đã làm một việc “chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam” bằng cách phá vỡ lòng tin của người dân đối với chính quyền, đối với luật pháp, khiến quốc tế nghi ngờ sự an toàn và minh bạch của luật pháp Việt Nam, khiến kẻ thù của chế độ có bằng chứng hùng hồn về tình trạng không có tự do dân chủ nhân quyền, chỉ có “công an trị” ở đất nước này!

Song, điều ám ảnh tôi chính là mối lo âu: phải chăng vụ việc này là tín hiệu đèn xanh từ cấp cao hơn cho một thời kỳ đàn áp thẳng tay những tiếng nói phản biện, dao găm vung lên chẳng còn cần miệng nam mô? Lòng tôi không bao giờ muốn nghĩ như thế, cầu mong đó chỉ là sai lầm, ngu dốt của một cấp dưới, chứ nếu lo âu kia thành sự thật thì đau đớn lắm!

Đau đớn cho anh, cho chúng ta, những người thực lòng muốn đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của đất nước nhưng luôn bị đối xử như kẻ thù, còn tệ hơn kẻ thù, nỗi đau ấy có nhưng rất nhỏ, vì anh, vì chúng ta đã biết và sẵn sàng chấp nhận mọi nghịch cảnh của riêng mình một khi lương tâm đã ra lệnh phải lên tiếng. Mà đau vì dân mình, sau hàng trăm năm đổ máu để đòi quyền sống từ tay bọn vua quan chúa đất, bọn thực dân đế quốc, đến hôm nay vẫn còn và sẽ tiếp tục phải đổ… đổ nhiều thứ, để đòi quyền sống cho ra sống, mà tối thiểu là sống theo luật pháp, từ tay những người từng là con em, đồng chí, từng chung lưng đấu cật!

Hà Sĩ Phu! Anh biết có hàng ngàn tấm lòng luôn ở bên anh. Anh không chỉ là “Hà” Sĩ Phu, tôi gọi anh là “Việt” Sĩ Phu!

25/5/2010

HH

  

Ý KIẾN NGƯỜI DÂN
VỀ VIỆC CÔNG AN LÂM ĐỒNG YÊU CẦU CẮT ĐIỆN THOẠI CỦA GIA ĐÌNH ÔNG HÀ SĨ PHU

http://www.doithoaionline.org/baimoitrongthang/2010/0610/baimoi0610_027.html 

 

Biết tin Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Trung tâm Viễn thông cắt điện thoại của gia đình ông Hà Sĩ Phu  làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Không hiểu Nhà nước này có tôn trọng pháp luật, và  còn muốn người dân tôn trọng chính quyền nữa hay không mà lại ngang nhiên làm những việc phạm pháp như vậy?

Được biết Sở TTTT làm việc này lại theo yêu cầu của Công an tỉnh Lâm Đồng. Như vậy thì các cơ quan của Tỉnh Lâm Đồng hùa nhau làm những việc vô nguyên tắc, trái pháp luật. Nhà Nước luôn kêu gọi người dân “sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.

Vậy chỉ người dân làm theo pháp luật, còn các cơ quan thì coi thường pháp luật hay sao?

Không kể đến những xã hội độc tài, man rợ, thì luật pháp của một Nhà Nước pháp quyền (đã ký vào  Công ước Quốc tế) có mục đích là để chống tội phạm và điều quan trọng nữa là để bảo vệ người dân.

Tại sao trường hợp này các cơ quan của Tỉnh lại không làm được việc gì hơn là vi phạm nhân quyền, làm những điều tùy tiện để thỏa mãn sự bực tức vô lý của mình.

Nếu ông Hà sĩ Phu “chống” Nhà Nước như Công an Lâm Đông đã kết luận, thì sao không truy tố  ông  theo Luật Hình sự ? Không làm nổi được điều này, cho thấy cả một bộ máy  Tuyên truyền, An ninh hùng hậu cũng  không đủ luận cứ để buộc tội, không chứng minh được là ông đã “chống” Nhà Nước. Nên họ đã phải dùng hạ sách, nhỏ mọn và phạm pháp để đối phó. Điều đó cũng thể hiện sự  bế tắc về lý luận, lúng túng về thực hiện của những người cầm quyền.

Từ nhiều năm nay những người quan tâm đến hiện tình đất nước, đến những vấn đề chính trị - xã hội thường biết đến ông Hà Sĩ Phu (tức Nguyễn Xuân Tụ). Ông có những suy nghĩ sắc sảo, những đúc rút và nhận xét khá khách quan về  tình hình phát triển xã hội   của các thể chế khác nhau trên thế giới - mà người ta không hề  thấy có trong các trang báo chí truyền thông  được chỉ đạo. Những bài viết của ông thường không được phổ biến, mà chỉ do bạn bè, chuyền tay nhau đọc. Các nhà lý luận “chính thống” không dễ dàng gì phản bác lại được các lập luận có tính thuyết phục của ông. Nếu những bài viết của ông được công bố thì dân mình còn có tầm nhìn phong phú, chuẩn xác hơn trong những vấn đề lớn của dân tộc.

Dù cho quan điểm của ông là khác, và có thể khác nhiều hoặc ngược lại với “quan niệm chính thống”, nhưng người dân có tâm huyết vẫn thích đọc để “xem nó ra sao”. Nếu sai thì người ta chê, nếu “phản động” thì người ta chỉ trích, tẩy chay, vạch mặt.

 Vậy tại sao chính quyền lại “ngại” những bài viết của ông mà chỉ muốn ỉm đi, không cho phổ biến ?.

Người đọc trong dân chúng có thể khẳng định rằng những bài viết của ông Hà sĩ Phu không hề “chống ” lại Nhà Nước, không hề phạm luật, vì vậy chính quyền không thể trấn áp bằng luật pháp. Nên họ đã làm liều, để lại  vết nhơ trong cách ứng xử của một chính quyền.

Không biết trong thế bí, với sự lúng túng và không minh bạch trong lý luận cũng như thực hiện, họ còn dám làm điều gì phi nhân tính hơn nữa không?

Còn tôi, tôi cũng lo: Sau khi gửi bài này đi, Công an Hà Nội sẽ yêu cầu sở TTTT, chỉ đạo Trung tâm viễn thông đến …cắt điện thoại nhà mình ! 

Hà nội, 2 tháng 6 năm 2010

Dương Trung Hiệp

Email:duongtrunghiep@gmail.com

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ