LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


 Ta nói với nhau : ĐÃ YÊU NƯỚC THÌ KHÔNG SỢ GÌ HẾT !                               

                 

CHIA SẺ VỚI BÁC HÀ SỸ PHU

Nguyễn Hữu Quý (Đắc-Lắc)

(http://trannhuong.com/news_detail/4950/CHIA-SẺ-VỚI-BÁC-HÀ-SỸ-PHU) 

Đã từ lâu, em rất ngưỡng mộ Bác Hà Sỹ Phu qua các câu đối của Bác đọc được đâu đó trên các báo; cứ nghĩ Bác Phu có nghề nghiệp thuộc lĩnh vực Hán-Nôm; bởi vì thấy Bác là bậc cao nho, thâm hậu.
Hôm vừa rồi, đọc trên BVN mới biết Bác là TS KHKT, như vậy, thật là hiếm (thời nay không thiếu GS, TS, nhưng 100 người chắc chỉ có vài người là thật thôi; em nói hiếm, là bởi vừa là nhà khoa học thực thụ, Bác lại còn rất giỏi về đối, sâu sắc!)
Bây giờ mới nghĩ ra, Bác lấy bút danh HÀ SỸ PHU, quả thật phản ánh đúng con người Bác... “sỹ phu Bắc Hà”!
Em là người có lẽ kém bác khoảng một thế hệ (tạm tính 25 năm); chịu ảnh hưởng nhiều về “Năm điều Bác Hồ dạy”, luôn mang theo niềm tin và cả tin; trong Năm điều Bác Hồ dạy có điều 1: “Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào”, được Bác Hồ đặt lên đầu tiên, có nghĩa là điều quan trọng nhất cần phải có của tuổi thiếu niên-nhi đồng; rồi cứ hành trang ấy, ta đem đi mãi đến tận bây giờ!
Em thông cảm với Bác, niềm tin như đang bị đánh cắp, lại còn mất đi tự do nữa!
Ngày 25.5.2010 báo Báo Khoa học Đời Sống Online (Bee.net.vn) có đăng bài: “Một người yêu nước thì không sợ gì hết”- là câu nói của Bác Hồ đúng cách đây 62 năm, ngày 25/5/1948, được đăng trên báo “Cứu Quốc” khi Bác trả lời phỏng vấn của tờ báo Pháp “Frères d ’Armes” (Chiến hữu)

Có mấy câu thơ tặng bác Hà Sỹ Phu:

TẠI SAO?

Có thể bữa ăn còn chưa no
Nhưng ta có được tự do
Bởi được nói những điều mình suy nghĩ
Và như thế ta thấy mình hạnh phúc
Có phải là bất công
Khi ta đang sống giữa nước nhà độc lập
Mà bị tước đi quyền tự do ngôn luận
Khi nói ra sự thật bất công
Một người yêu nước thì không sợ gì hết
Lời Bác Hồ dặn là sức mạnh của niềm tin
Ai nào cấm đoán người Việt Nam yêu nước
Là tự coi mình đi ngược lại nước non
./.
29.5.10
Nguyễn Hữu Quý
------------------------------------------------

 - Ngày 25/5/1948, Báo “Cứu Quốc” đăng bài Bác trả lời phỏng vấn của tờ báo Pháp “Frères d ’Armes”(Chiến hữu): 

“Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất? Trả lời: Điều ác.
Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất? Trả lời: Điều thiện.
Hỏi: Chủ tịch cầu mong gì nhất? Trả lời: Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu.
Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ gì nhất? Trả lời: Chẳng sợ gì cả! Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì”.

Cái chí khí của Bác đã được thể hiện khi còn rất trẻ. Xin nhắc lại, hồi năm 1920, khi ở Pháp, mật thám Pháp ghi lại câu chuyện trao đổi giữa Nguyễn Ái Quốc và một người đồng bào của mình(Trích)

                                                  ================

HÀ Sĩ PHU: Thư ngỏ gửi anh Nguyễn Hữu Quý (Đắc-lắc)

                                      (về những con đường)

Tôi tuy đang bị cắt điện thoại và đường Internet nhưng bạn bè đã đem cho đọc thư chia sẻ của anh, và tôi gửi thư hồi âm được, nhờ đi vòng qua trang Web của bác Trần Nhương.

Thật là đường đời muôn vạn nẻo, trong thế giới phẳng ngày nay, chặn đường nhau đâu có dễ như thời các cụ Nhân văn? Khổ thế,l Lúc thì hô “đón đầu” lúc thì chắn đường ! Điều ấy khiến tôi cứ nghĩ mãi về những con đường.

Đường thẳng không phải đường ngắn nhất. Giả sử từ Đắc-Lắc ta gửi thư thẳng cho nhau qua bưu điện sang Lâm Đồng kề bên chưa chắc đã tới, mà lâu, đường vòng qua Hà Nội, qua mấy người bạn thế này lại nhanh hơn, chuột vi tính phóng nhanh hơn tàu cao tốc !.

Đường thẳng cũng không phải đường ngắn nhất nối ước vọng với sự thành công. Đấy bạn xem, thiếu cái gì mà quyết giành ngay cái đó nhiều khi là hạ sách. Cụ Phan Tây Hồ đau lòng vì Dân quyền không có nhưng không chủ trương “cướp” chính quyền ngay, vì biết nếu cướp được vội vàng mà dân trí còn ngu ngơ có khi lại thành tai vạ! Nhân chuyện dự án tầu cao tốc phiêu lưu bà con mình đã nhắc lại lời khuyên “dục tốc bất đạt” !

Trong bài khai bút về xã hội ( Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ ) chủ yếu tôi nói về những con đường chống lại mục đích, chọn cách làm sai thì muốn đến điểm A lại tuột sang điểm B. Giống như mình đang ở Huế, muốn đến Hà Nội nhưng lại chèo nhầm sang con tàu trên đường ray đi thành phố HCM thì người lái tàu có tốt bụng và tài giỏi mấy cũng không lái cho anh ra Hà nội được...Mà mọi con đường là ở dưới chân, để ta chọn, ta đi, tắc thì ta chọn đường khác, đội con đường lên đầu làm gì cho khổ? Tư duy của tôi thường nôm na thế chứ kinh viện gì đâu...

Vẫn biết đường là do con người đi mà thành, đi nhiều thì quen đường, mà sao đường đời càng đi càng thấy mới, thấy lạ, đi mãi không cùng...Chỉ riêng một con đường YÊU NƯỚC thôi cũng đủ cuốn hút tư duy của ta, đáng đi cả đời không mỏi, vì từ đấy phát sinh mọi thứ. Lên nhầm đường ray thì yêu nước thành mất nước.

Tôi ít thuộc thơ mà nhập tâm mấy câu này của Tố Hữu:

                   Lại kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

                   Trái tim lầm chỗ để trên đầu (lại chuyện đội trên đầu_HSP)

                   Nỏ thần vô ý trao tay giặc

                   Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu

(Biển bây giờ nếu thuộc đường lưỡi bò, đắm xuống đấy thì khó mà mò lên được)                

Anh có nhắc câu nói về lòng yêu nước của Bác Hồ năm mới 30 tuổi ( có thể gọi đấy là giai đoạn Bác trẻ, như giai đoạn Mác trẻ vậy), câu này quả thực rất hay : Một người yêu nước không sợ gì hết, và nhất thiết không được sợ gì ! . Không sợ gì đã là đáng quý, nhưng nhất thiết không “được” sợ gì mới là chí khí tuyệt vời. Muốn giành chữ “quyền” cho dân cho nước thì tự mình phải truất một quyền (rất chính đáng) của mình là quyền được sợ. Mình cấm mình không được sợ, mà cấm được mình như thế dễ có mấy người? Tự tri giả ANH, tự thắng giả HÙNG vậy!

Bạn  có nhắc đến cái bút danh Hà Sĩ Phu. Đã có lần tôi phải thanh minh với bạn bè : chữ HÀ là họ Hà có chữ nhân bên chữ khả, là từ nghi vấn (thế nào là sĩ phu, ai là sĩ phu, sĩ phu ở đâu, có cần sĩ phu không...), chứ không dám nhận chữ Hà là sông như Bắc Hà, Hà nội. Nhưng biết bạn bè cần có một danh hiệu như thế nên tôi không dám cãi đó thôi.

Cảm ơn nhà văn Nguyễn Hữu Quý đã gửi lời chia sẻ. Nếu có thì giờ, trân trọng mời các bạn nhảy qua tường lửa quá bộ tới thăm “tệ xá” tại hasiphu.com      .   

Và rất cảm ơn nhà văn Trần Nhương đã dành cho chúng tôi mấy phút vàng ngọc.

                                                              Đà Lạt – ngày Tết thiếu nhi 1/6/2010

                                                                                       HSP

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ