LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Khinh vua

Hà Sĩ Phu

“…Vợ là người mà ông yêu quý, vua là người mà ông khinh ghét, đối thế e làm tủi vong linh người vợ “màu tím hoa sim”! Nhưng người sành câu đối như Hữu Loan chắc ông không giận…”

Thi sĩ độc đáo, “anh chồng độc đáo” Hữu Loan đã quyết định bỏ cõi trần nặng như thồ đá, về nơi biền biệt chiều hoang màu tím của ông.

Ông đi tối hôm trước, trưa hôm sau tôi mới được tin, vội bỏ hết công việc, hạ quyết tâm trong nửa giờ phải nghĩ xong câu đối tiễn ông. Trời phù hộ, những người như Phùng Quán, Hữu Loan thiêng lắm. Các ông cứ như hiện về trước mặt, tươi cười vỗ vai “gà” ý sẵn cho mình làm câu đối để nộp bài cho kịp. Cứ như làm bài thi mà trúng tủ vậy, ngoáy một mạch là xong. Hay nói như Hoàng Cầm, cứ như có ai hiện về đọc cho mình viết.

Đọc rằng:

Photobucket - Video and Image Hosting


Viết vội gửi đi, nay có thời giờ, xin nói rõ thêm vài ý.

Hữu Loan có “khinh vua” không? Thưa có, mà khinh lắm (thực ra không thèm khinh thì cũng là quá khinh thôi). May mắn là từ khi Hội Văn Nghệ Lâm Đồng thành lập (1987) mà Hữu Loan đột nhiên đến chào mừng như từ trên trời rơi xuống, thì mấy anh em viết văn chúng tôi (Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu…) có may mắn được làm bạn vong niên của ông, được ông kể dông dài cho nghe nhiều chuyện, đọc cho nghe những bài thơ chưa đăng… Có những chi tiết hôm nay vẫn chưa tiện nói hết.

Hữu Loan qua nét vẽ Lê Quân


Hữu Loan bảo đất Thanh Hóa của ông là đất Trạng, Trạng chỉ khoái chửi vua thôi. Sau này, trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC ông còn kể thẳng tên “vua” cách mạng ấy ra. Tội “khi quân” là tội chết. Biết mình có cái “tật” đáng chết ấy nên tự lui về sớm là hơn. Quả nhiên khi nhà nước tặng giải muộn mằn cho 4 vị Nhân Văn thì ông cũng bị loại ra, tội khinh vua dễ gì tha cho được? Trần Dần (tuy rất khí phách) nhưng khi xin tái nhập Hội Nhà Văn thì Hữu Loan cũng chê.

Có bạn hỏi: “Khóc vợ” đối với “Khinh vua” có chỉnh không? Thưa, chỉnh lắm. Động từ đối động từ, danh từ đối danh từ (mà động từ “khóc” ở chỗ này cũng như “khinh” đều là động từ cập vật, verbe transitif, đòi hỏi bổ ngữ: khóc ai, khinh ai), bằng trắc rất nghiêm. Còn VỢ đối với VUA thì có thể trách là không chỉnh, không phải vì thất lễ với vua mà thất lễ với vợ. Vợ là người mà ông yêu quý, vua là người mà ông khinh ghét, đối thế e làm tủi vong linh người vợ “màu tím hoa sim”! Nhưng người sành câu đối như Hữu Loan chắc ông không giận. Bởi câu đối cho phép tương phản chứ đâu cứ phải tương xứng.

Này, Hồ Xuân Hương viết:

Võng đào ông lớn đi trên ấy
Váy rách bà con vỗ dưới này

Nữ sĩ cũng cho phép cái “trên ấy” của “quan lớn” được chơi trèo, đối với cái “dưới này” của “bà con” giữa lúc váy rách, quan thất lễ thế vẫn được văn học coi câu đối ấy là rất “chỉnh” kia mà!
*
Câu đối xướng họa giữa Tú Sót-Hữu Loan và Hà Sĩ Phu sự thể như sau. Vế xuất đối

Bác bôi tôi không bằng tôi bôi bác!”

của ông đồ Nghệ Tú Sót ra đời đã lâu nhưng chưa ai đối được. BÁC BÔI TÔI – TÔI BÔI BÁC, thành hai cụm, chỉ tráo vị trí giữa hai chữ mà nghĩa khác hẳn, làm cho cụm sau nặng hơn cụm trước, bôi bác là từ đơn cũng là từ ghép, tôi là ai mà bác là ai? Nhẹ như đùa mà sâu.

Khi Tú Sót vào thăm tôi ở Đà Lạt, ông khoe đã có người đối là Hữu Loan, và đọc:

Mày ăn dân hết nước, dân ăn mày!

Tôi nghe mà sướng tỉnh người. Đem “mày” đối với “bác”. Khinh đấy chứ đâu? Chữ “mày” đã tài (ăn mày) mà chữ “ăn” càng tài (ăn nhau cũng nghĩa là xơi nhau, là ăn thua, là ăn thịt nhau), chữ “nước” càng tài hơn. Hết nước là hết cách, mà cũng có nghĩa mất nước thì dân đi ăn mày.Tất cả đều đa nghĩa.

Tôi bái phục khẩu khí Hữu Loan, nhưng để đáp lễ Hữu Loan và Tú Sót, tôi cũng ứng khẩu:

NHÀ VÔ ĐỊCH luôn sợ ĐỊCH VÔ NHÀ!

Cũng hai cụm, mỗi cụm 3 chữ, tráo đầu nhau, cụm sau phủ định cụm trước, như anh chàng tự xưng nhà vô địch cho oai, mà trong lòng lúc nào cũng lo địch vô nhà để diễn biến hoà bình và lật đổ, mối lo phía sau cho thấy “nhà vô địch” phía trước đích thị là vô địch “dỏm”.

Cuộc đàm thoại này đã được thuật lại trong một bài của tôi ba năm trước, khi tiễn nhà thơ Tú Sót qua đời.

Đà Lạt 20-3-2010
Hà Sĩ Phu

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ