LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


26/09/2010

Thư của công dân gửi Chủ tịch nước, về tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long

imageViệt Nam ngày 25-9-2010

Kính gửi: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Tôi là công dân Nguyễn Xuân Tụ, tiến sĩ Sinh học, bút danh Hà Sĩ Phu, 71 tuổi, thường trú tại 4E Bùi Thị Xuân, Đà Lạt, Lâm Đồng, trân trọng gửi đến Chủ tịch một ý kiến ngắn liên quan đến việc tổ chức Đại lễ “1000 năm Thăng Long-Hà nội”.

Kỷ niệm 1000 năm ngày ra đời và phát triển thủ đô Thăng long-Hà nội là một sự kiện có ý nghĩa rất thiêng liêng trong suốt chặng đường dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ta, việc kỷ niệm long trọng là một chủ trương rất đúng.

Tuy vậy, Đại lễ này tiến hành trong tình hình đất nước ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức phức tạp: cả về xây dựng cũng như bảo vệ đất nước đều có hai mặt, mặt thành tựu đáng vui mừng và mặt yếu kém đáng lo âu. Mọi mặt đều có sự phân hóa theo hai đầu trái ngược.

Trong dịp diễn ra Lễ hội, không người Việt Nam yêu nước nào lại có thể mải vui mà quên tình trạng đất nước mình vẫn còn bị xếp hạng là một nước nghèo, số đông dân chúng vẫn còn phải kiếm sống rất chật vật, số đông vẫn chưa được hưởng quyền dân chủ để làm chủ đất nước.

Mối đe dọa bị xâm lấn và đồng hóa của nước láng giềng phương Bắc từ lịch sử 1000 năm đang hiện về rõ hơn lúc nào hết, và sự tự vệ, tự cường chủ quan của ta hiện nay nhiều mặt tỏ ra thua kém tổ tiên oai hùng thuở trước, trong khi điều kiện khách quan của thế giới hiện nay đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Mọi hiện tượng đã phơi bày trên báo chí khắp nơi, trong và ngoài nước, thiết tưởng không cần nhắc lại dài dòng.

Trong bối cảnh như vậy, tôi muốn bày tỏ 3 điều lo lắng cũng là ba đề nghị như sau:

1. Không thể khai mạc đại lễ vào ngày 1-10-2010. Ngày ấy không phải ngày vua Lý Công Uẩn thảo Chiếu dời đô, không phải ngày khởi sự dời đô (động thổ), nhưng lại là ngày Quốc khánh Trung Hoa!

Đã thế ngày kết thúc là 10 tháng 10 lại trúng Quốc khánh của Trung hoa dân quốc tại Đài Bắc! Một nhà nước biết tự trọng phải tránh sự trùng hợp ấy, nhất là trong tình trạng tranh chấp Việt Trung hiện nay. Đọc diễn văn trịnh trọng vào những ngày ấy khác nào lăng nhục từng người dân Việt, tránh sao khỏi miệng thế mỉa mai về thân phận của kẻ chư hầu? Riêng điều này sẽ làm cho Lễ kỷ niệm không nêu cao được truyền thống anh hùng chống ngoại xâm đáng tự hào của dân tộc, khiến kẻ thù phải kiêng nể, mà sẽ gây tác dụng ngược rất nguy hiểm.

2. Loại bỏ những hình thức hội hè, tuyên truyền quá tốn kém. Báo chí đã nêu chi phí Đại lễ khoảng 4,5 tỉ Mỹ kim, tức gần 1 phần 10 ngân sách quốc gia. Cần phải giảm bớt. Nhà nghèo không cứ phải khoe sang mới gây phấn khởi, trái lại sẽ là vết nhục trước cảnh bao nhiêu trường học còn đổ nát, học sinh phải đu dây qua sông đến trường, bệnh nhân không có giường nằm, bao nhiêu bé gái phải bán mình khắp năm châu làm nô lệ...

3. Không chiếu cuốn phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” trong đợt kỷ niệm 1000 năm này, vì cuốn phim chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, mắc những sai lầm ngay từ gốc, sẽ gây phản cảm rất bất lợi trong dân chúng, có hại cho việc bồi dưỡng lòng yêu nước và giữ gìn văn hóa dân tộc.

Thưa Chủ tịch, kỷ niệm 1000 năm xây dựng Thủ đô văn hiến và bất khuất là một việc lớn lao vô cùng thiêng liêng, động đến tâm khảm của mỗi con dân nước Việt, mỗi thành công hay sai sót đều khắc sâu dấu ấn vào lịch sử. Với tâm sự ấy tôi viết thư này (cá nhân tôi cũng được thành người Hà Nội từ năm 1949), nhờ báo chí chuyển đến Chủ tịch nước, mong được ông lưu ý. Công hay tội của thế hệ chúng ta sẽ được khắc vào bia đá, mà người khắc sẽ là muôn đời hậu thế, không phải chúng ta.

Kính chúc Chủ tịch sức khoẻ.

Xin gửi Chủ tịch lời trân trọng và thống thiết của một công dân.

Kính thư

Nguyễn Xuân Tụ, Ts. Sinh học

(Hà Sĩ Phu) http://boxitvn.blogspot.com/2010/09/thu-cua-cong-dan-gui-chu-tich-nuoc-ve.html  

 

 

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ