LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Hai hội trùng dương và hai cơn lũ quét
Hà Sĩ Phu

Vừa được tin Hà nội đã huỷ 29 điểm bắn pháo hoa, tiết kiệm giúp đồng bào bị bão lụt, chúng tôi rất mừng. Ít nhất thì cũng phải như thế chứ lại. Nỗi mừng kể cũng chưa to, nhưng để thấm thía hết nỗi mừng tôi xin bắt đầu từ lúc đang lo, từ mấy hôm trước.

Đã có người bảo: Ông Trời hại Nhà nước ta, đang lúc hội hè đình đám ngất trời thì bão lụt miền Trung ập đến, quét sạch làng thôn, cướp bao sinh mạng lương dân, làm mất cả vui. Các cụ bảo Trời đánh còn tránh “miếng ăn”, thế mà bây giờ đang lúc ngon miệng Trời nỡ lòng nào phá đám.

Lũ quét văn hoá

Lũ quét thiên nhiên


Có người bảo đấy là duyên nợ. Trời xui khiến làm sao, đang tự dưng lại chọn ngày 1 tháng 10, dẫu tình có ngay thì lý cũng gian, chứ giá chọn tháng 8 đúng theo lịch sử thì đâu đến nỗi.

Mà sao lại nghĩ ra cái áo dài của “Hội trùng dương” cho vĩ đại, thì suốt dọc miền Trung toàn là biển, là “trùng dương” thật sự. Trùng dương biển cả mà nổi giận, mà “mở hội” thì biết tay, thì vĩ đại hơn nhiều cái “trùng dương” tự tạo. Đây là hai “Trùng dương” đua nhau mở hội làm khổ dân mình.

Có người còn ví đây là hai dòng lũ quét. Một dòng lũ quét của thiên tai giáng vào khúc ruột miền Trung, và dòng lũ quét văn hoá do con người chuốc lấy, giáng vào thủ đô ngàn năm văn vật, đang muốn cuốn đi những gió nội hương đồng, những gì là hồn thiêng sông núi, là những trang sử viết bằng xương máu ông cha. Cơn lũ quét văn hóa này mới thật khủng khiếp, di hại đâu phải một vài năm?

Ấy thế, nỗi lo càng lớn thì nỗi mừng càng to. Huỷ 29 điểm pháo hoa, số tiền không nhỏ đã đành, nhưng cái lớn hơn là cái tình người trong một nước, cái lớn hơn nữa là niềm tin, một niềm tin đang thời sa sút, nó như người tuột dốc túm lại được cái rễ cây. Quý lắm, chẳng dám coi thường.

Nếu ví đây là hai dòng lũ quét song hành, thì một quyết định thuận lẽ trời, thuận lòng người như quyết định này của chính quyển Hà nội cùng một lúc làm giảm tác hại ở cả hai dòng lũ quét, người dân miền Trung thì giảm bớt đau thương, và dòng lũ quét văn hóa nơi thủ đô yêu dấu thì gặp một tảng đá rất lớn là tình tự dân tộc.

Cũng muốn nói thêm: Không phải ai cũng đồng tình với tôi, nên bảo rằng làm gì mà đánh giá các vị ấy cao thế, nếu không bị quả báo nổ 2 công-te-nơ pháo hoa thì ai động được đến quyết tâm của họ? Tôi can: Ta đang nghèo đói về lòng tốt, lòng tin, phải chắt chiu ông ạ. Mà cũng tùy việc, có việc phải sửa từ gốc, có việc sửa cành trước gốc sau, nhưng cái tình con người thì được chừng nào cũng phải dành dụm làm vốn cho nhau, năng nhặt chặt bị, không dám coi khinh một tí tẹo nào.

Trưa ngày 8-10-2010
Hà Sĩ Phu

© Thông Luận 2010

 

 

 

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ