LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


                        Kính gửi Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

            (cùng toàn thể Ban khởi thảo Kiến nghị dừng khai thác Bô-xít)

                                                                                        Hà Sĩ Phu

 

    Nhà bác học - hiền triết Lê Quý Đôn dạy rằng: “Có 5 nguy cơ mất nước nếu không ngăn chặn được : Con không trọng cha, trẻ không kính già, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt”. Tôi viết thư này tới Giáo sư  liên quan đến điều thứ năm.

      Ai cũng biết khi giới sĩ phu, trí thức ngoảnh mặt, quay lưng lại với hoạt động chính trị-xã hội thì vận nước suy vi khó bề cứu vãn. Nhưng “thảm hoạ Bô-xít” đã là tiếng chuông ầm vang thức tỉnh: Cuộc vận động ký “Kiến nghị dừng Bô-xít tháng 4 năm 2009”, dẫn tới hình thành một trang Web phản biện do Gs Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và GSTS Nguyễn Thế Hùng khởi xướng quả thực đã khơi dậy niềm hy vọng không nhỏ về giới trí thức nước nhà.

    Tiếp đến đợt ký Kiến nghị lần 2 năm nay 2010, phong trào có tính chất dân sự này có nét phát triển mới ở thành phần tham gia : trong Nhóm khởi thảo có thêm nhiều vị thuộc tổ chức IDS cũ, thành phần ký tên đa dạng hơn, đặc biệt có nhiều cán bộ, đảng viên có chức có quyền nghỉ hưu và tại chức, cả tướng lĩnh trong quân đội và công an…Sau mấy chục năm, lần đầu tiên nhân dân có một cuộc biểu đồng tình đông đảo bên cạnh “giới tinh hoa” của mình như vậy, và được Nhà nước nhìn nhận.

       Song càng trân trọng kết quả ấy, tôi thấy càng phải giữ gìn, bảo vệ và phát triển kết quả này, không thể để vì một lý do gì đấy mà có thể bị mai một hoặc huỷ hoại.

       Điều lo ngại của dư luận, xuất phát từ những hiện tượng nửa bình thường nửa bất thường quanh Bản kiến nghị mới này như sau:

      Chúng tôi, ít nhất là 1500 người ký đầu tiên (và về sau còn tiếp tục) là ký vào văn bản công bố trên  trang mạng boxitvn.net, với Ban khởi thảo 13 người, do Gs Nguyễn Huệ Chi chính thức đại diện, trong khi báo chí trong nước lặng thinh..

Nhưng từ ngày 15/10/2010 , báo chí trong nước công khai đưa tin về “Bản kiến nghị dừng Bô-xít” thì đi kèm với điều ấy là một loạt biến đổi :

+ Xuất hiện một   Ban đại diện 16 người mới , trong đó hoàn toàn vắng mặt Gs Nguyễn Huệ Chi và toàn bộ nhóm khởi xướng (gọi tắt là nhóm BVN),

+ văn bản cũ cùng với danh sách khởi thảo mà Gs Huệ Chi đại diện được lưu mấy hôm rồi xoá đi (nhưng nhiều người còn lưu được),

+ Gs Huệ Chi đột ngột sang Hoa kỳ dài ngày,

+ Thay mặt cho văn bản Kiến nghị mới thì Gs Chu Hảo, có thể do sơ ý, lại gây ấn tượng rất vô lý rằng việc này không liên quan gì đến văn bản chính thức trước đây (mà chúng tôi đã ký vào), không liên quan gì đến Ban khởi thảo mà Gs Huệ Chi đại diện.

 

   Những thay đổi ấy dường như theo cùng một chiều hướng, khiến dư luận không thể không có những điều dị nghị. Cần phải nói ngay rằng những dị nghị ấy hoàn toàn không có ý so sánh công lao gì cả, mà thuộc những vấn đề rộng hơn, đáng nói hơn (xin tham khảo ở đây, và ở đây ).  

    Những điều dị nghị trong dư luận ấy cần được giải toả, mà theo tôi cách giải toả cũng rất đơn giản, đó là Gs Nguyễn Huệ Chi và nhóm đề xướng cần hiện diện cùng lúc với “Ban đại diện” 16 người (xếp số 1 là nguiyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình), cả trên báo chí và khi gặp đại diện Nhà nước, sao cho dư luận khỏi có ấn tượng ở đây có một sự thay thế hay chiếm chỗ. Tôi nghĩ đây là cử chỉ lịch sự mà “Ban đại diện” mới cần phải có, và Gs Huệ Chi chắc cũng hiểu đó là vì lợi ích chung.

     Trộm nghĩ, chỉ một cử chỉ lịch thiệp ấy, cùng lúc đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, cụ thể là:

- Ban đại diện mới không mang tiếng là chiếm chỗ

- Gs Huệ Chi và Ban khởi thảo không mang tiếng là thiếu trách nhiệm với những người đã theo lời kêu gọi của mình mà ký tên.

- Đảng và Nhà nước không mang tiếng là đứng phía sau gây ảnh hưởng

- Những người đã ký tên không cảm thấy mình bị xúc phạm, coi thường.

- Giới trí thức Việt Nam không bị mang tiếng chia rẽ, bị động, tầm thường. (Vì đã có nhiều bài viết chứng minh rằng Việt Nam chỉ có những trí thức đơn độc, chứ chưa bao giờ hình thành nổi một “Giới trí thức” ).

- Ngay trước mắt, chính tinh thần đoàn kết ấy mới khiến cho Bản Kiến nghị của chúng ta có được sức mạnh thuyết phục.

    Động tác đơn giản mà ích lợi về mọi mặt [1]. Mấy lời chân thành xin đóng góp, có điều gì bất kính hoặc nghĩ chưa tới, xin các Giáo sư tha lỗi cho.

Trân trọng

Ngày 5/11/2010

TS Hà Sĩ Phu

==================================

(1) Nếu yêu cầu đơn giản này lại nhất quyết không thể thực hiện, hoặc tránh né thì chắc hẳn phải có một uẩn khúc !

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ