LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

TRÍ TUỆ SÁNG LÁNG VÀ TẤM LÒNG THA THIẾT CỦA HÀ SĨ PHU


Trong mấy mươi năm qua, thế giới đã nhìn thấy sự ưu việt của chế độ tự do dân chủ so với chế độ độc tài Cộng sản. Ðiển hình nhất là những nước bị chia hai như Ðức, Triều Tiên, Việt Nam thì bao giờ nửa phần nước theo chế độ tự do cũng trù phú,văn minh hơn phần nửa theo xã hội chủ nghĩa.
Nhưng phê phán những sai lầm nguyên thủy của chủ nghĩa Mác không phải là chuyện dễ. Một người đã làm được chuyện không dễ dàng đó là Hà sĩ Phu. Ông đã phê phán một cách khoa học những khuyết điểm bản chất của Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác với nhiều chứng minh cụ thể đầy tính thuyết phục. Người ta trọng cái trí sáng láng của ông, phải nói ông là một thiên tài lý luận hay thiên tài triết học.
Nhưng người ta yêu quý ông vì tấm lòng tha thiết với quê hương đất nước. Ông đã từng viết trong bài ‘Chia tay ý thức hệ ‘ là ông đã chảy nước mắt khi đọc những truyện của Nguyễn huy Thiệp vì thấy cái độc ác tàn nhẫn vô cảm đã tràn lan trong xã hội Việt Nam. Cái tinh thần ‘ bầu ơi thương lấy bí cùng ‘ , cái lòng ‘ thấy người hoạn nạn thì thương ‘ ngày càng bị chủ nghĩa Mác độc ác tiêu hủy để biến những con dân Việt ngày nay thành những con người máy vô cảm, không tim. Có người đã nói một câu khá hay, ‘ Trước đây những người không theo Cộng sản kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm là những người không tim, Nhưng ngày nay chủ nghĩa Cộng sản đã lộ ra những khuyết điểm tệ hại không thể tha thứ trong chuyện xây dựng đất nước, cho nên giờ này mà còn theo Cộng sản là những người không óc ‘.
Ngay từ ngày xưa đã có nhận định, ‘ Người có trí mà không có tâm là người ác, người có tâm mà không có trí là người ngu ‘. Hà sĩ Phu là một con người có đầy đủ cả trí lẫn tâm và đó là điều hiếm có. Ông hòa nhã, hiền hòa mà bất khuất, hiểu xa học rộng mà bình dân, khiêm tốn, tuệch toạc, xởi lởi mà thâm trầm, sâu sắc. Ðọc những bài viết, thơ, câu đối cũng như quan sát cung cách ứng xử trong đời sống của ông cũng đủ thấy rõ những điều nêu trên.
Cho tới giờ phút này thì những người tranh đấu cho tự do, dân chủ như Hà sĩ Phu đều bị đầy đọa, trấn áp. Phạm hồng Sơn, Nguyễn vũ Bình, Phạm quế Dương, Trần Khuê, Nguyễn văn Lý, Nguyễn đình Huy đang bị tù đày; Hà sĩ Phu, Bùi minh Quốc, Thích Quảng Ðộ, Thích Huyền Quang đang bị quản chế khắt khe. Sau bao nhiêu lần đổi mới, nhưng cung cách cai trị của Ðảng Cộng sản không khác xưa là bao. Nhìn sự trấn áp, đầy đọa với những người đấu tranh cho tự do dân chủ hôm nay làm người ta nhớ đến chuyện Ðảng đàn áp nhóm Nhân Văn Giai Phẩm ngày xưa.Trong thập niên 50, 60, miền Bắc là một xã hội khép kín nên những đối tượng bị đàn áp đã sống những ngày sống dở, chết dở mà đôi khi cách thoát duy nhất là tự tử. Ngày nay, không phải vì tốt lành mà sự đàn áp của Cộng sản nhẹ nhàng hơn ngày xưa nhưng thời thế đã thay đổi, xã hội đã mở cửa với bên ngoài khá rộng rãi. Cộng sản phải e dè trong khi đàn áp những người đối lập vì chuyện đàn áp bị đánh giá như là chuyện vi phạm nhân quyền và có thể dẫn đến những biện pháp chế tài của những nước đáng có liên hệ thương mại mua bán với Việt Nam. Hơn nữa, nền kinh tế thị trường mở rộng ngày nay khiến biện pháp bao vây kinh tế không còn hiệu quả, những người đối kháng lại được bạn bè khắp năm châu ‘ tiếp máu ‘ nên cuộc sống không đến nỗi khổ sở, đày đọa.
Một đặc điểm của những anh em tranh đấu cho dân chủ hôm nay như Phạm quế Dương, Hà sĩ Phu, Hoàng Tiến, Nguyễn thanh Giang, Nguyễn vũ Bình, Phạm hồng Sơn, Dương thu Hương, là họ thương yêu, bảo bọc nhau như anh em ruột thịt. Họ đến với nhau với cái tâm trong sáng và tấm lòng tâm huyết với quê hương đất nước , cùng sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Hoàn toàn không có chuyện kèn cựa, tranh công trong khi đấu tranh như những chính trị gia chuyên nghiệp. Một người bị bắt bớ, giam cầm là những người kia lên tiếng phản đối ngay dù sự lên tiếng có thể dẫn đến những chuyện không hay cho bản thân và gia đình họ.
Bổn phân của những người dân hải ngoại muốn đóng góp vào công cuộc tranh đấu chung thì không gì hơn là: thông tin cho đồng bào quốc nội biết về dân chủ và tình hình đấu tranh bằng tất cả những phương tiện hiện đại như thư từ, điện thoại, email, điện thư ( fax), đài phát thanh.. v..v. ; đồng thời phải ‘ tiếp máu ‘ cho những người đấu tranh, đặc biệt là gia đình những người đang bị tù tội. Tiềm lực hải ngoại quá lớn và có thể làm những chuyện đó dễ dàng. Có điều có một số chính khách salon, những chính phủ ma, những thủ tướng hề hải ngoại đã làm nản lòng một số người có lòng muốn đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh chung. Nhưng xin đừng vì một vài con sâu xấu xa tệ hại mà nản lòng góp sức đấu tranh. Vẫn có những người tâm huyết, những tổ chức đấu tranh thật sự dấn thân cho tương lai đất nước. Vấn đề là phải dùng óc phán đoán để lựa chọn đường lối và tổ chức đứng đắn mà tham gia để khỏi phải gặp cảnh ‘ trao duyên lầm tướng cướp ‘.
Người sáng lập đạo Tin Lành Martin Luther ( 1483- 1546) không phải một sớm một chiều đưa phong trào cải cách trong giáo hội đến chỗ thành công mà trước đó những bài viết của ông đã được lưu truyền trong quần chúng, đã gieo mầm cho những tư tưởng cải cách. Qua năm tháng những tư tưởng đã ăn sâu vào tim óc quần chúng và sau đó biến thành hiện thực. Tương tự như thế những bài viết đầy trí tuệ của Hà sĩ Phu, những trăn trở của tướng Trần Ðộ, những suy nghĩ của Nguyễn thanh Giang, những vần thơ rực lửa của Nguyễn chí Thiện v..v có thể coi như những hạt giống gieo mầm trong đất nước Việt Nam. Khi đủ điều kiện cơ duyên hội tụ thì cây trồng sẽ sinh hoa, kết trái, chuyện gì đến sẽ phải đến. Có điều cần nói ra ở đây là tất cả những bài viết, văn thơ đối kháng chế độ đều không được xuất bản trên sách báo Việt Nam mà chúng đến với người dân Việt Nam qua một đường vòng. Có nghĩa là những bài viết đó sẽ đi ra hải ngoại rồi từ hải ngoại về lại trong nước bởi những hình thức như thư từ, email, đài phát thanh vv..v. Nói như thế để thấy công tác thông tin từ hải ngoại vào trong nước quan trọng và bức thiết như thế nào.
Sau những biến cố nổi dậy của đồng bào Thái Bình ở miền Bắc và Xuân Lộc ở miền Nam, mới đây có cuộc biểu tình rầm rộ có sự tham dự của hàng ngàn người Thượng ở Ban mê thuột vào tháng 4 năm 2004 đã cho thấy tình hình bất an của xã hội Việt Nam hiện nay. Thượng tọa Tuệ Sỹ trước đây cũng đã cho biết sẽ có ‘ những đợt sóng ngầm‘ bất ngờ tràn lên, biến thành biến động làm lung lay và có thể đưa đến sự sụp đổ chế độ chính trị đương thời. Nhìn chuyện người Thượng biểu tình rầm rộ vào tháng 4 - 2004 tại Ban mê thuột và năm 2001 tại Pleiku trước đây đã cho thấy nhận xét của Thượng tọa Tuệ Sĩ là chính xác. Cộng sản đơn giản cho rằng chuyện người Thượng đứng dậy biểu tình là do bên ngoài xúi dục. Thái độ chống chế của Cộng sản chỉ là thái độ ‘ lấy thúng úp voi ‘ và mong ‘ lấy bàn tay che khuất mặt trời ‘ sự thật. Nhưng nguyên nhân thực chất là do chính sách cướp đất cũng như đàn áp tín ngưỡng của người thiểu số đã làm cho người thiểu số phải đứng dậy chống đối quyết liệt. Những thành phần khác trong xã hội cũng đều là nạn nhân của chính sách sai lầm của Ðảng Cộng sản mà khi ‘ tức nước vỡ bờ ‘ thì Ðảng Cộng sản mới nhìn thấy. Nếu Cộng sản không đủ sáng suốt để sửa sai những khuyết điểm sai lầm thì e rằng sẽ có lúc quá muộn để duy trì cái chế độ toàn xây dựng trên sự bất công, oan trái.
Hà sĩ Phu là một con người, ngoài trí tuệ sáng láng bao la, còn có một con tim nhạy cảm. Những bài viết của ông được coi là những tiếng chim’ báo bão ‘. Ông không tô hồng cũng như bôi đen bức tranh xã hội hiện tại mà diễn tả rất đúng và chính xác những gì đang xảy ra và dự đoán một cách khoa học về những gì sắp và sẽ xảy ra. Thực tế phũ phàng và sần sùi của bức tranh xám xịt của xã hội đã xác nhận những suy nghĩ của Hà sĩ Phu là hiện thực.
Hãy đọc những nhận xét của những cựu quan chức Cộng sản về tình hình xã hội hôm nay và những triệu chứng của sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ Cộng sản Việt Nam để thấy họ chỉ nhắc lại sự suy luận của Hà sĩ Phu đã viết ra trên giấy trắng mực đen từ nhiều năm trước.
Mai chí Thọ, nguyên Ðại tướng và Bộ trưởng Công an, ủy viên Bộ chính trị, em ruột của Lê đức Thọ đưa ra nhận định:
‘ Lúc nào ta chỉ đề cao đấu tranh theo kiểu địch thì ta đều thất bại như cải cách ruộng đất, cải tạo XHCN. Khi có chính quyền thì Ðảng ta xa rời quần chúng; nói độc quyền lãnh đạo, rồi độc quyền cách mạng luôn ! Bây giờ ta giành hết, không cho ai làm cả, một mình một chợ ! Ðiều này là chết ! Về hòa hợp dân tộc, sau giải phóng, cái hay là không có giết một ai(*) ( !)nhưng bắt đi cải tạo lâu quá, làm nhiều gia đình tan tác, vợ đi lấy chồng, con gái đi bán bar. Mình có thấy trách nhiệm ở đó không? Có chiến thắng rồi, chiếm lĩnh toàn quốc rồi là coi khẩu hiệu ‘ hòa hợp dân tộc ‘ là hết rồi; đáng lẽ phải thả họ sớm hơn, động viên họ tham gia xây dựng đất nước, vì trong họ có nhiều người giỏi chuyên môn. Hàng ngàn nhà ở cũ của viên chức chế độ cũ thì giải quyết thế nào ? Ðây không thuần túy là vấn đề nhà ở, mà là vấn đề chính trị. Ở Tây nguyên, nổi lên vụ cấm đoán đạo Tin Lành vì cho là liên hệ với Mỹ, Fulro, cái đó không nên; Tin Lành ở miền xuôi, miền Nam,miền Bắc được hoạt động, Tây nguyên bị cấm là dễ rối lắm ! Những điểm nóng về dân tộc, tôn giáo mà không sửa là nguy !
Ý kiến của ông Phan minh Tánh, nguyên Trưởng ban dân vận trung ương Ðảng :
‘ Dân tộc là mãi mãi, tôn giáo là lâu dài ! Xu thế thế giới : dân tộc là toàn cầu hóa, tôn giáo là chính trị hóa. Vấn đề dân tộc cực lớn, ta có trên 1 triệu với 13 dân tộc, tình hình đang có biến động. Ở Tây Bắc, Tây nguyên, Tây nam bộ đều đang có chuyện các dân tộc di cư, bỏ trống vùng biên giới trọng điểm, di dân đến quá 4% số hộ dân là có vấn đề rồi ! Vấn đề dân tộc nghiêm trọng là dễ rã ngay quốc gia ! Các mâu thuẫn bây giờ ghê gớm lắm ! Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, nhưng hiện nay lại đi làm thuê cho chủ trong nước, chủ ngoài nước ! Trí thức nước ta đã già, số trẻ ra sao ? Mâu thuẫn chủ yếu bây giờ là sự va chạm giữa nhân dân lao động với chính quyền. Do quan liêu, hách dịch, tham nhũng nên mâu thuẫn với nhân dân. Ðây là vấn đề nóng bỏng. Chính quyền giải quyết không tốt là mất ! Có thể đường lối, chính sách không sai, nhưng thi hành sai thì cũng chết ! Ðảng mắc nhiều khuyết điểm rất nặng nề, không lo sửa thì chẳng bao lâu nữa Ðảng sẽ mất quyền lãnh đạo ! ‘
Ý kiến của ông Dương đình Thảo, nguyên Thường vụ thành ủy, Trưởng ban tư tưởng văn hóa, Giám đốc sở thông tin văn hóa:
‘ Tôi cho rằng Ðảng ta đã mắc nhiều khuyết điểm rất nặng nề, phải kiểm điểm nghiêm túc, tôi có cảm giác chẳng bao lâu nữa Ðảng mất quyền lãnh đạo ! Bây giờ có những cái chuyển biến không lường trước nữa. Lý tưởng Cộng sản bị phai nhạt, chỉ tiền thôi ! Bây giờ người ta đâu có lý tưởng gì nữa ! Bây giờ là đồng tiền không tình nghĩa. Ðồng lương thực tế không đủ sống, mặt trái kinh tế thị trường thật sự phát triển, là những rào cản nguy hiểm cho hòa hợp toàn dân. Ăn hiếp dân từ tay khóm trưởng, tổ trưởng; mấy ông bộ chính trị cũng viết thư tay xin can thiệp nhưng chỉ là đóng kịch, họ chỉ giữ vẻ đạo mạo trên tivi, trong hội trường Ba đình.
Ý kiến ông Trần bạch Ðằng, nguyên Bí thư thành ủy Sài gòn:
‘ Nghị quyết không có gì mới, chỉ lặp lại một số khẩu hiệu ! Thực tiễn thì thay đổi dữ dội, tình hình ngày càng xấu đi, mà ta cứ lắp đi lắp lại như con két ( con vẹt). Chúng ta không dám nhìn vào sự thật, cứ phán như cũ, thì đó là triệu chứng của sự sụp đổ !
Mắc gì trong thời gian rất ngắn chúng ta tặng cả chục cái huân chương Sao Vàng ? Làm như trăn trối vậy ! Tức là sắp chết đến nơi, chia gia tài đi ! Kỳ cục, không sao hiểu nổi ! Bây giờ ngay trong Ðảng không đoàn kết với nhau, nói gì đến đoàn kết bên ngoài ! Khổ là mất đoàn kết vì tiền, vì địa vị, thằng cha này ngồi chỗ này, thằng cha nọ ngồi chỗ kia ! Tất cả chi phối toàn bộ cái rối loạn trong nội bộ Ðảng ! Ðiều đó hết sức nguy hiểm, là chết thôi. Quốc Hội của mình cũng đủ thứ chuyện ! Người ta nói tư bản nó dở, nhưng cái gì nó cũng đưa ra, còn mình thì dấu ! Sao chỉ kết tội Bùi quốc Huy là thiếu trách nhiệm, trong khi trong tài liệu và căn cứ báo chí đưa ra thì ông này cũng là tay tổ.
Vấn đề rất lớn là huy động tài năng, nhưng tài năng là cái gì ? Rốt cuộc tài năng chỉ là thằng nào nịnh giỏi, thằng nào bợ đít hay, dạ dạ vâng vâng, chí phải chí phải thì thằng đó là tài năng.’
Ý kiến của ông Trần trọng Tân, nguyên Trưởng ban tư tưởng và văn hóa trung ương Ðảng:
‘ Cần chú ý đến tâm trạng xã hội của những nạn nhân do sai lầm của những chính sách của Ðảng. Cái tâm trạng này còn nặng lắm, nhất là nạn nhân của chánh sách cải tạo, nạn nhân của các loại oan sai.., mình phải nói cho khéo, cho thấu đáo. Tại sao Trung quốc họ dám làm, họ sửa đến mức mà ai bị oan thì được khôi phục hết, khôi phục danh dự đến các chế độ. Công khai hóa hết mà sửa, sửa đâu ra nghị quyết đó, rất được lòng dân. Còn dám đề xướng cho giới văn nghệ viết lên thành tiểu thuyết, thành phim nói rõ những sai lầm của Ðảng, để cho những người Cộng sản kế tục không thể phạm phải những sai lầm ấy
Ðáng lẽ điều chính trị đầu tiên là phải bênh dân chứ ! Mà khi chính quyền làm oan cho người ta thì anh phải đứng ra quyết liệt bênh người bị oan chứ ! Sao ta lại để cho dân oan đi khiếu kiện thân cô thế cô! Bây giờ dân bị oan, không thấy mấy ông Cộng sản đâu hết ! Người đảng viên Cộng sản có lương tâm phải xông vô bảo vệ dân. Nhưng nay lại có 19 điều cấm, không cho đảng viên làm!
Ở Thủ Ðức có một nhà máy thải đồ ô nhiễm xa xung quanh, dân kêu than mấy cũng mặc, hết chịu nổi, dân xông vào đập, thành bạo loạn cục bộ, lúc đó lại can thiệp ! Ở Hà Tây, để đến mức dân rào luôn một thôn, dựng cả chuông, xây dựng làng chiến đấu.. Cho nên phải giải quyết vấn đề dân bị oan, bị áp lực bóc lột, dân bị chính quyền chèn ép, áp bức. Nếu cứ giữ 19 điều cấm là..chết !’
Phải nhận thấy một điều là những lời lên tiếng trên đây rất đúng với thực tế xã hội hiện nay. Có điều họ chỉ lên tiếng khi không còn giữ chức vụ. Khi còn chức quyền thì họ nín khe để giữ ghế và quyền lợi. Ðiều này khác với tướng Trần Ðộ, ngay trong khi còn nắm giữ chức vụ ‘ Trưởng ban văn hóa tư tưởng ‘ ông đã có những thay đổi phù hợp với lối sống dân chủ. Ông được ghi nhận đã nói câu ‘ Nhân dân Việt Nam đủ trưởng thành để chọn món ăn tinh thần cho mình, không cần Ðảng chọn hộ ‘ . Người ta quý mến Trần Ðộ một phần là vì ông đã thẳng thắn có những hành động cổ súy cho dân chủ trong khi có quyền trong tay chứ không như những quan chức nói trên, chỉ lên tiếng phê phán những sai lầm của chế độ khi về vườn. Dù sao, những lời báo độâng của những quan chức trên là những lời báo động thực. Thế nhưng với guồng máy độc đoán, cứng ngắt Ðảng cũng không sửa đổi được gì cho đến ngày tự sụp đổ vì những cơ cấu kềnh càng của bộ máy nhà nước; bệnh quan liêu, tham nhũng đã đến hồi hết thuốc chữa.
Những lời báo động đó đã được Hà sĩ Phu gióng lên từ lâu, nhưng Ðảng không coi đó là những đóng góp chân thành trong chuyện dựng xây đất nước của một công dân có trách nhiệm mà coi đó là những tư tưởng phá hoại, phản động để rồi ra biện pháp tù đày giam hãm quản chế nhà lý luận thiên tài có cái tâm trong sáng này.
Ngoài những sai lầm trong chuyện an dân trị nước, Ðảng còn phạm một tội ác tày trời nữa là bán nước cho Trung Cộng. Hiệp định biên giới ký trong lén lút âm thầm dưới thời Lê khả Phiêu làm thiệt hại cả đất lẫn biển làm người dân trong và ngoài nước vô cùng phẫn nộ. Quốc hội toàn những ông nghị gật bất tài hèn hạ còn thua thời Pháp thuộc nên không có một biện pháp nào ngăn chặn tội ác động trời này . Các sử gia như Trần quốc Vượng, Phan huy Lê, Ðinh xuân Lâm và Hà văn Tấn cùng bộ máy thông tin đều im như thóc mấy năm nay. Trần bạch Ðằng thì lại còn vô liêm sỉ và ghê tởm hơn nữa khi lên tiếng bênh vực cho tội ác bán nước của Ðảng Cộng sản Việt Nam khi cho rằng Ải Nam Quan là của Tàu nên chuyện Cộng sản Việt Nam trả lại Ải Nam Quan cho Tàu là chuyện ‘ Châu về hợp phố ‘ , không có bán nước dâng đất gì cả. Nhà học giả Hán Nôm Trần Khuê, trong một bài viết nhan đề ‘ Ðối thoại với ông Trần bạch Ðằng về Ải Nam Quan ‘ đã lên tiếng cho rằng nếu Hiệp định Biên giới quả không có điều gì mờ ám, khuất tất, và theo ông Trần bạch Ðằng cũng ‘ chẳng phải bí mật quốc gia gì cả ‘ thì tại sao có sự giấu kín, không công khai đưa tin ngay, thậm chí cũng không dám đưa ra Quốc Hội để bàn bạc và biểu quyết ? Ông Khuê chê trách ngay đến cả giáo sư - anh hùng Trần văn Giàu cũng ngoảnh mặt làm ngơ và có làm hai câu thơ để mỉa mai một đám trí thức hèn hạ bạc nhược đã im thin thít trước tội ác bán nước của Ðảng Cộng sản Việt Nam:
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
Sử xanh phủ nhận sạch trơn rồi
Ông Khuê nhận định đúng là kỷ cương phép nước, đạo lý ông bà đến hồi lộn xộn, đảo điên. Lãnh thổ đất đai của Tổ tiên từ ngàn xưa để lại, trước đây binh lửa bao phen mà một tấc đất không hề suy suyển. Thế mà giữa buổi yên bình, Ðảng Cộng sản Việt Nam lại để mất đi hàng ngàn cây số vuông đất, hàng chục ngàn cây số biển. Thật là kỳ quái không tưởng tượng nổi ! Có lẽ Ðảng Cộng sản đã đến hồi mạt vận nên mới phạm vào tội ác bán nước này. Ngày xưa, khi giương lên ngọn cờ chống xâm lược, Ðảng đã quy tụ được hầu hết toàn dân. Ngày nay, với tội ác bán nước, Ðảng chắc chắn sẽ bị toàn dân nguyền rủa và đào thải. Hà sĩ Phu không đào sâu nhiều đến chuyện bán nước trong những bài viết mà chỉ chú ý đến vấn đề Cộng sản Việt Nam nô lệ ý thức hệ, tôn thờ chủ nghĩa Mác quá đáng đến độ quên mất bản sắc dân tộc của mình. Từ nô lệ ý thức hệ đến chuyện làm nô lệ, dâng đất bán biển cho ngoại bang là một chuyện tất yếu đã xảy ra. Và chuyện này còn kéo dài nếu con Hồng, cháu Lạc không đứng lên để ngăn chận một cách quyết liệt.
Trần Khuê cũng như Phạm quế Dương hiện đang bị cầm tù vì tội tham gia ‘ Hội Nhân Dân chống tham nhũng ‘ và vì đã lên tiếng công khai tố cáo tội ác bán nước của nhà cầm quyền Bắc Bộ Phủ. Nói như Tiêu Dao Bảo Cự thì, ‘ Ðàn áp Hà sĩ Phu và những người đấu tranh cho tự do dân chủ là biểu hiện của sự thoái hóa,đi ngược dòng lịch sử, là dấu hiệu suy yếu của một chế độ không còn chính nghĩa để tồn tại ‘ ( 1)
Qua bao triều đại thăng trầm trong lịch sử đã cho thấy là mọi quyền lực phải từ dân mà ra và vận nước cũng thế. Vận nước vinh quang hay tủi nhục, dài hay ngắn tùy vào người dân. Người lãnh đạo biết hợp tác và đoàn kết với dân thì vận mệnh của triều đại mình sẽ được kéo dài, nếu không thì sẽ bị sụp đổ không sớm thì muộn. Sự đoàn kết toàn dân và phẩm chất tài năng và đức độ của giới lãnh đạo là những yếu tố để kéo dài chế độ. Tiếc rằng giới lãnh đạo Cộng sản ngày nay, vì quá u mê tôn thờ chủ nghĩa, tài hèn đức mỏng, nên đã không đoàn kết được toàn dân vì có những chính sách sai lầm và lại phạm thêm tội ác bán nước nên ngày sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Cái hèn của giới lãnh đạo Cộng sản là chỉ biết tôn thờ mà không dám phê phán chủ nghĩa Mác để tìm ra cái đúng cái sai . Chủ nghĩa Mác là một chủ nghĩa được khai sinh từ thế kỷ 19 và cho đến nay đã có những sai lầm nghiêm trọng đến độ phá sản đối với bài toán phát triển và xây dựng đất nước ở thời điểm hiện nay. Phải nhớ rằng lịch sử là một cuộc vận động có ý thức của con người, dù có những tình cờ trong lịch sử nhưng đó chỉ là yếu tố phụ chứ tư tưởng chính trị chỉ đạo và những cuộc vận động chính trị mới là điều kiện mấu chốt làm nên lịch sử .
Toàn bộ những bài viết của Hà sĩ Phu đã phân tích rất đúng tình hình rối ren và bùng nhùng của đât nước và tiên đoán rất chính xác những gì sẽ xảy đến cho quê hương Việt Nam. Những tư tưởng của Hà sĩ Phu cần được những người đấu tranh hôm nay học tập thật kỹ càng để làm hành trang lên đường giải cứu quê hương. Phần thơ và câu đối của ‘ ông đồ già ‘ tinh thông Hán học Hà sĩ Phu cũng giúp ta thấy rõ thêm bức tranh nhầy nhụa, bất công, khôi hài, cười ra nước mắt của xã hội hiện tại. Chính luận của ông đi sâu vào óc phán đoán suy diễn của người đọc, còn thơ văn câu đối của ông lại đánh động trái tim. Cần phải có sự phối hợp hài hòa giữa bộ óc và trái tim thì con người mới có những hành động đúng đắn, chính xác, ích quốc lợi dân.
Hà sĩ Phu từng du học ở Tiệp Khắc trước đây. Thế giới đã nhìn thấy Tiệp Khắc xảy ra cuộc cách mạng Nhung, thay đổi chế độ Cộng sản bằng một chế độ dân chủ một cách êm ái không có một giọt máu đổ. Ðược như thế vì trình độ dân trí của người Tiệp Khắc cao. Hà sĩ Phu nỗ lực tâm trí viết những bài chính luận, bài thơ, câu đối để mong đồng bào ruột thịt mình có một trình độ nhận thức cao hầu có những hành động đúng có lợi cho nước, cho dân. Cụ Phan chu Trinh ngày xưa cũng đã từng hô hào dân trí trong cuộc đấu tranh giành độc lập từ tay người Pháp. Tuy nhiên, trình độ của dân Việt không giống như trình độ của dân Tiệp nên nếu ngày mai đây có chuyện đổi đời thì khó có cuộc cách mạng Nhung êm ái, hiền hòa như đã từng xảy ra ở đất nước Tiệp, nơi Hà sĩ Phu đã lưu trú , mà sẽ diễn tiến xảy ra một cách bi hùng, mạnh mẽ mà ngục sĩ Nguyễn chí Thiện đã tiên đoán trong bài trường thi bất hủ ‘ Ðồng lầy’ được viết cách đây trên 30 năm:
‘ ... Bình minh tới, bình minh sẽ tới
Cờ vô đạo đương ngang trời phất phới
Tôi vẫn mơ chân lý tận xa vời
Tới lùa tan ngàn vực tối trên đời
Trong hào quang dữ dội hiển linh !
Báo hiệu bình minh sét nổ
Ôi, ghê sợ cả một trời phẫn nộ
Cả một trời đau khổ khôn lường
Ðã bao ngày nén xuống thảm thương
Dưới tận đáy đồng lầy tủi hổ
Sẽ trào dâng như sóng gầm thác đổ
Bọn quỷ yêu sẽ tới ngày tận số
Xác lũ bây hoen ố cả nền trời
Kèn tự do đắc thắng nơi nơi
Khai mạc bình minh khôi phục cuộc đời.
Ôi tôi sống và tôi chờ đợi
Ngày triệu triệu trái tim bùng nổ tung trời!
.....
( Ðồng lầy ( 1972) )
Quân sư Nguyễn Trãi có để lại câu nói khá hay khi nhận xét về sự xuất hiện của các sĩ phu các thời đại trong lịch sử Việt Nam:
Dẫu cường nhược có lúc khác nhau
Nhưng hào kiệt thời nào cũng có
Hà sĩ Phu là một hào kiệt của thời đại hôm nay và cùng với những bậc sĩ phu hào kiệt khác đang dấn thân tranh đấu cho nền dân chủ và tự do của đất nước. Với tài năng xuất chúng và lòng yêu nước, yêu đồng bào vô biên, chắc chắn họ sẽ làm nên được lịch sử. Nếu có sự hỗ trợ nhiệt tình của đồng bào quốc nội và hải ngoại vào công cuộc đấu tranh chung thì chắc chắn lịch sử sẽ sang trang và mở ra một viễn cảnh huy hoàng tươi đẹp cho quê hương Việt Nam yêu dấu.
Hà sĩ Phu là một biểu tượng của trí tuệ sáng láng, của lòng yêu nước thương dân nồng nàn và là hiện thân của một nhân cách đáng quý của một bậc sĩ phu hào kiệt hôm nay.
Lawndale,
một chiều hôm có nhiều nắng quái vàng vọt, xanh xao đầu tháng 6 năm 2004
Trần viết Ðại Hưng
____________________________________________________________________
( 1) Trích từ bài viết ‘ Hà sĩ Phu, biểu tượng của trí tuệ và tự do tư tưởng ‘ của Tiêu Dao Bảo Cự.
(*) Mai chí Thọ cho là chuyện giam cầm cải tạo không giết một ai ! Ðây là một sự nói dối kinh tởm.


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ