LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

QUÂN TỬ VÀ TIỂU NHÂN

Nền văn hóa Khổng giáo đã có một ảnh hưởng lớn lao đến lề lối sinh hoạt của những quốc gia Á đông trong suốt mấy ngàn năm. Khổng tử không còn nằm trong giới hạn đất nước Trung Hoa mà đã coi như vị thầy có ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội bên ngoài Trung Hoa. Aûnh hưởng Khổng giáo được coi là khá sâu đậm ở Á châu, đặc biệt ở Việt Nam vì Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ hơn một ngàn năm. Khổng tử tuy không phải là một giáo chủ nhưng được xưng tụng là vị thầy của muôn đời ( vạn thế sư biểu) bởi những điều hay lẽ phải ngài dạy cho con người đối xử với nhau cũng như những bổn phận của công dân đối với quê hương, đất nước. Một trong những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Khổng giáo là những tiêu chuẩn đề ra để đánh giá loại người nào là Quân tử và loại người nào bị coi là tiểu nhân. Đại khái tất cả những đức tính tốt đẹp, cao thượng, đáng quý trọng đều thuộc về quân tử; ngược lại tất cả những gì nhỏ mọn, tầm thường, thấp hèn đều thuộc về tiểu nhân. Nhân loại kể từ ngày có mặt trên mặt đất đã trải qua từ thời kỳ đồ đá, đồ đồng và riêng tại Việt Nam hiện giờ đang ở trong thời kỳ “ đồ đểu”. Mọi sự gian trá, lật lọng được nhà nước coi như một quốc sách để trị dân và người dân Việt Nam sống trong chế độ Cộng sản hầu như không còn sống với con người thật của mình mà phải dối trá, mánh mum để tồn tại. Nguyễn chí Thiện có mấy câu thơ cực hay để diễn tả lối sống dối trá cùng cực trong chế độ Cộng sản, “ Nếu phải sống lại thời đồ đá. Cũng còn hơn gấp vạn gấp ngàn. Cái thiên đường đói khổ miên man. Toàn giết chóc,tù lao, dối trá.” (1)Nhà lý luận Hà sĩ Phu đã phải lên tiếng báo động là đất nước Việt Nam đang trải qua thời kỳ “ tổng khủng hoảng nhân cách “ một cách trầm trọng, đã tạo ra những cách sống lừa dối , giả dối, nịnh hót, ích kỷ cá nhân, thờ ơ với đời, với xã hội. Chuyện nghèo đói của một quốc gia có thể khắc phục trong một thời gian bằng những kế hoạch kinh tế thực dụng, nhưng cuộc khủng hoảng nhân cách là một loại khủng hoảng tệ hại mà muốn khắc phục được nó không thể chỉ bằng những chỉ thị, những nghị quyết hay những lời rao giảng đạo đức mà đây là một chuyện làm văn hóa dài lâu có thể kéo dài vài thế hệ. Cốt lõi của nền văn hóa Khổng giáo đặt trên sự phân biệt giữa quân tử và tiểu nhân nên chuyện đào sâu ý nghĩa của hai loại người này sẽ tạo ra sự căn bản cho chuyện đào tạo một lớp người dân quân tử có lòng tự trọng, có liêm sỉ, khí khái và đồng thời phê phán loại trừ đám tiểu nhân sâu dân, mọt nước để làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, xã hội được yên ổn thái bình thịnh trị hơn. Có nhìn đến sự tệ hại, ghê tởm của “ con người mới xã hội chủ nghĩa “ hôm nay ở Việt Nam thì mới thấy chuyện đào sâu tìm hiểu quan niệm và cách ứng xử của người quân tử và tiểu nhân của Khổng giáo không phải là chuyện làm lỗi thời, vô bổ cho thời đại ngày nay.
Chữ Quân tử lúc đầu trỏ hạng quí tộc, cầm quyền, trị dân. Tiểu nhân là dân thường. Khổng tử cho rằng người cầm quyền phải có đức, do đó mà quân tử còn có nghĩa là người có đức dù cầm quyền hay không. Chữ tiểu nhân cũng vậy, có hai nghĩa: dân thường , hoặc người cầm quyền nhưng thiếu đức. Người quân tử chăm chú vào việc gốc, gốc mà vững thì đạo đức sinh ra. Hiếu, để là cái gốc của đức Nhân. Ở trong nhà, người quân tử thì hiều thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc bề trên, thận trọng lời nói mà thành thực, yêu khắp mọi người và gần gũi người nhân đức, làm được như vậy rồi mà còn dư sức thì sẽ học văn. Ngoài ra người quân tử chuyên chú vào sự trung tín, không kết bạn với những người không trung tín. Người quân tử làm chính trị thì dùng đức để cảm hóa dân như sao Bắc đẩu ở một nơi mà các ngôi sao khác hướng về, có nghĩa là thiên hạ theo về cả.
Chịu ảnh hưởng luân lý Khổng Mạnh nên người Việt Nam cũng bày tỏ cách hành xử đúng đắn của trai và gái theo khuynh hướng quân tử như sau
Trai thì trung hiếu làm đầu
Gái thì tiết hạnh là câu trau mình
( Lục vân Tiên )
Trung hiếu tiết hạnh đó cũng là cách ứng xử của người quân tử ở Việt Nam và quan niệm này cũng không xa cách lắm với quan niệm quân tử do Khổng tử đề ra. Cách trị dân của người quân tử là tránh dùng chính lệnh để dắt dẫn dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Dùng đạo đức để giáo hóa và dắt dẫn dân, dùng lễ giáo để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà lại theo đường chính. Điều này cho thấy khó có thể cai trị một xã hội bằng những luật lệ, nghị định cứng ngắc vì khi người dân không biết xấu hổ, họ sẽ dùng trăm phương ngàn kế để luồn lách và tránh né luật pháp do nhà nước đề ra.
Cách đây vài năm, khi qua thăm Việt Nam, Thủ tướng Singapore là Lý quang Diệu đã nhận xét là nạn tham nhũng ở Việt Nam đã vượt qua phạm trù đạo đức. Có nghĩa là ở Việt Nam bây giờ người tham nhũng không còn biết mắc cỡ, không cảm thấy áy náy lương tâm khi làm những chuyện sai trái, móc ngoặt. Có đề ra những hình phạt nghiêm khắc để trừng trị bọn tham nhũng thì chỉ có tác dụng nhỏ đối với bọn tham nhũng sợ tù tội, chết chóc nhưng lại không có hiệu quả đối với những kẻ tham nhũng không còn biết mắc cỡ, thẹn thùng khi đục khoét tài sản của nhà nước, của nhân dân. Cái lối sống xã hội chủ nghĩa đặt nặng vấn đề vật chất lên trên vấn đề tinh thần đã dần dần đào tạo ra một tầng lớp cán bộ tham nhũng mà không còn biết ngượng ngùng e thẹn. Phần hồn, phần liêm sỉ của con người dần dà bị chủ nghĩa Cộng sản tiêu hủy đi nên họ không còn biết e thẹn, ngượng ngùng khi làm việc xấu như tham nhũng. Hồ chí Minh nói, “ Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. “ Tiếc rằng con người xã hội chủ nghĩa là một con người không còn biết liêm sỉ, không còn biết mắc cỡ khi ăn cắp của công, tham nhũng nên chủ nghĩa xã hội sẽ không bao giờ xây dựng được.
Truyện Tam quốc chí đã cho thấy Lưu Bị, Khổng Minh coi như đại diện cho lớp người quân tử, làm việc gì cũng căn cứ trên căn bản đạo đức, chữ tín và điều nhân nghĩa. Lưu Bị đã nhiều lần từ chối những chuyện làm có lợi cho mục đích khôi phục lại cơ nghiệp nhà Hán nhưng lại bất nghĩa, vô đạo đức. Lưu Bị có thể coi là một mẫu người quân tử trong khi hạng tiểu nhân có thể đưa ra một nhân vật điển hình là tên gian hùng Tào Tháo. Hành động gì Tào Tháo cũng đặt vấn đề quyền lợi ích kỷ cá nhân lên trên hết và bỏ qua những gì có liên quan đến danh dự, đạo đức, nhân nghĩa. Gian hùng ngày xưa là Tào Tháo, gian hùng ngày nay có thể nói đến cáo già Hồ chí Minh. Hồ chí Minh đã đổi cái quan niệm trung hiếu của người quân tử thời xưa thành cái quan niệm trung hiếu của người cán bộ Cộng sản là “ Trung với Đảng, hiếu với dân.” Cứ nhìn những cán bộ Cộng sản trong chiến dịch cải cách ruộng đất mang những cụ già ra đấu tố, lăng nhục, hành hạ thì cũng đủ thấy cái “ hiếu” của cán bộ Cộng sản của Hồ chí Minh đối với dân như thế nào! Những nguyên tắc ứng xử của người quân tử trong Nho giáo như “ Lễ, nghĩa, liêm, sỉ “, giữ mình thì khiêm cung, thờ vua thì kính cẩn, nuôi dân thì có ân huệ, sai dân thì hợp tình, hợp lý. Hồ chí Minh cũng rút tỉa từ tinh thần đó và dạy dỗ cán bộ của ông là “ cần, kiệm liêm chính, chí công vô tư “ . Tiếc rằng cái cơ cấu nhà nước Cộng sản đã không là môi trường để người cán bộ Cộng sản thực hành đức tính cần,kiệm liêm chính mà trái lại là môi trường béo bở để cán bộ đục khoét tài sản của nhà nước, của nhân dân. Người cán bộ Cộng sản hôm nay đã không được dạy dỗ tinh thần liêm sỉ, tự trọng của người quân tử trong Nho giáo nên dính líu vào tham nhũng mà không hề áy náy lương tâm. Giờ đây tham nhũng đã trở thành quốc nạn và có nguy cơ giật sập chế độ và vì không có cơ cấu giám sát hữu hiệu nhằm chế tài tham nhũng nên tham nhũng giờ đây được coi như căn bệnh bất trị, ngày đêm tàn phá cơ cấu nhà nước Cộng sản cho đến mục nát và vấn đề sụp đổ cơ cấu này chỉ là vấn đề thời gian.
Một đặc điểm nữa của người quân tử là hòa hợp mà không a dua, kẻ tiểu nhân a dua mà không hòa hợp. Người quân tử giao tiếp với người thì giữ niềm hòa lạc nhưng chẳng đồng tình trong việc quấy, kẻ tiểu nhân giao tiếp với người thì đồng tình trong việc quấy nhưng chẳng giữ niềm hòa lạc. ( Quân tử hòa nhi bất đồng. Tiểu nhân đồng nhi bất hòa. ). Chủ trương của người quân tử , chẳng hạn về vấn đề chính trị hay tôn giáo, cho dù có khác với người thì cũng không đả kích người, vẫn tìm cách hợp tác với người ( vì hai bên cùng đeo đuổi một mục đích cả) mà không thay đổi chủ trương của mình ( bất đồng); kẻ tiểu nhân thì đồng lõa “ cắt máu, ăn thề “ trong chuyện làm việc ác, nhưng sự bất mãn, chống đối vẫn ngấm ngầm tiềm tàng trong đó, và sẽ cấu xé đấu đá nhau khi kết qủa “ ăn không đồng, chia không đều”. Tiểu nhân có hùn hạp, cộng tác với nhau thì chung qui cũng là để tranh giành vật chất, quân tử thường hợp tác với nhau cho những mục tiêu hướng thượng, an nước lợi dân. Quân tử thường hướng lên cao ( đạo đức) mà mong đạt tới, kẻ tiểu nhân hướng xuống thấp ( tài lợi) mà mong đạt được ( Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt). Hơn nữa, người quân tử thư thái mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không thư thái.
Nguyễn công Trứ ngày xưa cũng có những câu thơ trong bài “ Hàn nho phong vị phú “ nói về người quân tử khá hay, “ Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no. Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.” . Nói chung, người quân tử thường ăn không cầu no, ở chẳng cần sửa sang nhà đẹp, làm việc gì cũng chăm chỉ, nói lời gì cũng cẩn thận, thường tìm đến người có đạo đức để học hỏi mà sửa mình; có như vậy mới có thể gọi là người học giả vậy.) ( Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị học giả dã- ( Luận Ngữ ) ) .
Người quân tử thường quan niệm “ tri hành hợp nhất “, lời nói phải đi đôi với việc làm và phải tôn trọng lời nói ( quân tử nhất ngôn ). Chỉ có những kẻ tiểu nhân mới dè bỉu cái thái độ tôn trọng lời nói của người quân tử, “ Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn.” Quân tử khôn ở đây chỉ là một dạng tiểu nhân láu cá, lật lọng mà thôi. Người quân tử lấy làm thẹn khi nói nhiều mà làm ít nên thường rụt rè về lời nói mà gắng sức về việc làm ( Quân tử sĩ kỳ ngôn nhị quá kỳ hành).
Đã là người quân tử thì luôn luôn tự răn mình: Khi còn trẻ, khí huyết chưa định ( thân thể chưa phát triển đủ), nên răn về sắc dục; tuổi tráng niên, khí huyết cương cường, nên răn về tranh đấu; về già, khí huyết đã suy, nên răn về tính tham). Kẻ tiểu nhân thì không quan tâm đến chuyện rèn luyện cá tính con người, cho dù trẻ hay già thì chỉ hành động theo tài lợi, dù chuyện này bị những người chung quanh chê trách, khinh bỉ.
Nói đến những tính chất tốt đẹp của người quân tử thì không thể không đề cập đến hạng người “ ngụy quân tử”. Ngụy quân tử ăn nói, làm bộ hành động như quân tử nhưng đó chỉ là những phô trương dối trá bên ngoài thôi, thực chất loại “ ngụy quân tử” này mang bản chất ti tiện, xấu xa của tiểu nhân. “ Ngụy quân tử” đóng vai quân tử cũng chỉ với mục đích lường gạt, dối trá cho tài lợi của mình. Sự nhân nghĩa thành thật thật sự không bao giờ có mà chỉ là thái độ “ giả nhân, giả nghĩa “mà thôi. Cho nên “ ngụy quân tử “ cũng là một dạng khác của tiểu nhân mà phải tinh ý lắm người ta mới nhìn ra được. Hồ chí Minh là một mẫu “ ngụy quân tử “ điển hình. Hồ đã giết cả trăm ngàn dân vô tội trong cuộc cải cách ruộng đất và vô số ngụy quân, ngụy quyền trong những nhà tù cải tạo, thế mà Hồ luôn đóng vai là một ông tiên, một nhà lãnh đạo luôn quan tâm lo lắng đến phúc lợi của nhân dân. Chắc ai cũng còn nhớ đến câu nói “ thương dân “ nổi tiếng của Hồ chí Minh, “ Một ngày mà nhân dân chưa đủ cơm ăn áo mặc là Bác ăn không ngon, ngủ không yên.” Hồ chí Minh là một diễn viên đại tài, ông khá thành thạo với những màn chảy nước mắt cá sấu khi có nhu cầu diễn vai ướt át, sầu thảm đó. Ông không có lòng thương dân chân thành, lòng thương dân chỉ ở đầu môi chót lưỡi của ông thôi. Ông đã huấn luyện và đào tạo ra một thế hệ cán bộ “ ngụy quân tử” giả nhân, giả nghĩa để đạt cho được cứu cánh chính trị của mình.
Ở Việt Nam vào thế kỷ thứ 18 và 19 có xuất hiện một tầng lớp “ sĩ phu” có thể coi như tập hợp những người quân tử. Họ tụ tập với nhau và giương cao ngọn cờ ủng hộ vua ( phong trào Cần Vương) và chống quân Pháp xâm lược. Những người sĩ phu này nói chung là những người có nền học vấn cao, đôi khi xuất thân từ giới khoa bảng như các cụ Phan bội Châu, Phan chu Trinh nhưng sẵn sàng từ bỏ bổng lộc triều đình để làm một người dân yêu nước đứng lên tranh đấu khi đất nước bị xâm lăng. Họ là những người có khí khái, có tư cách, có lòng yêu nước nồng nàn và sẵn sàng hy sinh khi dấn thân tranh đấu cho nền độc lập nước nhà. Họ tuy không thành công nhưng đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng toàn dân về một mẫu người quân tử thời đại. Phải nhớ rằng hạng quân tử sĩ phu nếu chỉ dũng cảm mà không hợp nghĩa lý thì làm loạn; kẻ tiểu nhân chỉ dũng cảm mà không hợp nghĩa lý thì làm trộm cướp ( Quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa vi đạo). Cho nên người ta coi những sĩ phu quân tử tham gia phong trào Cần vương để cứu nước là những người yêu nước đáng kính; còn có những ta những bọn băng đảng tập họp nhau lại để nổi loạn như giặc Châu Chấu, giặc Cờ Đen được nhân dân đánh giá như một bọn thổ phỉ, cướp bóc không hơn không kém vì chuyện nổi loạn không nhằm mục đích chống lại quân xâm lược mà chỉ với mục đích lợi nhuận cho bè đảng phe phái mình mà thôi. Rõ ràng là có sự khác biệt như thế. Cộng sản thường phê phán chế độ phong kiến và những cơ cấu phong kiến như triều đình, quan lại nhưng phải nhận thấy rằng chế độ phong kiến Việt Nam trong thế kỷ 18, 19 đã sản sinh ra một thế hệ sĩ phu giàu lòng yêu nước,có tư cách đáng kính mà chế độ Cộng sản không thể nào có được. Có lẽ giới sĩ phu này vẫn hằng tâm niệm “ Kiến nghĩa bất vi, vô dũng d㠓 ( Thấy việc nghĩa mà không làm thì không có dũng ) . Đứng trước cảnh nước mất nhà tan, triều đình bị ức chế, người sĩ phu lúc đó cảm thấy có bổn phận đứng lên để cứu nước, cứu dân vì họ không thể chấp nhận mang tiếng hèn nhát. Chế độ Cộng sản chỉ đào tạo ra được những mẫu cán bộ theo chủ nghĩa “ duy lợi” và bất cố liêm sỉ, không có được cái tư cách tối thiểu của một con người. Đám cán bộ hư hỏng, mất tư cách chuyên nghề bóc lột, tham nhũng phản nước hại dân này sẽ là nguyên nhân làm cho chế độ Cộng sản sụp đổ một ngày không xa. Đám cán bộ thối nát này hành động xằng bậy vì chúng không có được lề lối suy nghĩ của một người sĩ phu, quân tử. Bao nhiêu công lao rèn luyện của tên gian hùng tiểu nhân Hồ chí Minh đã đào tạo ra một lớp cán bộ “ mặt người dạ thú “ và khi được lùa thả ra thì đám cán bộ này thành một lũ âm binh gây họa cho đời mà chế độ sản sinh ra chúng cũng không còn điều khiển được.
Người quân tử luôn tự nhắc nhở mình, “ Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất “ ( Phú qúy rồi thì không dâm dật, có nghèo khó cũng không nao núng, thay đổi, bị đe dọa bằng võ lực cũng không khuất phục). Hơn nữa, người quân tử khi khốn cùng thì cố giữ tư cách của mình, kẻ tiểu nhân khi khốn cùng thì phóng túng làm càn, làm bậy. Người quân tử luôn lấy nghĩa làm gốc, theo lễ mà làm, nói năng khiêm tốn, nhờ thành tín mà nên việc, lúc nào cũng nghiêm trang giữ lập trường mà không tranh với ai, hòa hợp ( cọng tác ) với mọi người mà không bè đảng. Kẻ tiểu nhân phân nhiều do không được giáo dục nên cứ hành động theo bản năng, theo quyền lợi nên thường thất bại. Nhân bất học, bất tri lý. Chỉ vì không được học nên bọn tiểu nhân thường không hiểu thấu chuyện đời để rồi rốt cuộc hành động sai trái, xằng bậy.
Trong bài viết “ Tầm văn hóa thấp của trào lưu Cộng sản” nhà lý luận thiên tài Hà sĩ Phu đã phân tích rất chi li, thấu đáo về vị trí của người quân tử trong xã hội Cộng sản. Tại sao Cộng sản lại sổ toẹt khái niệm người quân tử và tại sao thành phần được gọi là quân tử lại quá sức hiếm hoi như trăng sao đêm ba mươi trong xã hội Cộng sản? Hà sĩ Phu đã dẫn giải từ nguồn gốc sâu xa sự thiếu vắng của mẫu người quân tử trong xã hội Cộng sản như sau. “
“ Nền đạo đức vô sản thâu nạp đủ điều đạo đức của Nho giáo, từ Trung, Hiếu, Đức, Tài, Lễ, Nghĩa, đến Cần, Kiệm, Liêm, Chính, đến Chính tâm tu thân, đến kế hoạch trăm năm trồng người, đến điều lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ, đến Dân là gốc, coi cán bộ là nô bộc của dân, dĩ bất biến ứng vạn biến..tất cả đều đã có trong sách vở Nho giáo. Duy có chữ Quân Tử là cái tử tế nhất của Nho giáo thì ta tránh hẳn. Các nhà lý luận viện cớ rằng Quân Tử là tầng lớp bóc lột nên ta không học.
Nếu phạm trù Nhân, Thiện, Đức còn mang tính lý tưởng, hoặc còn chung chung, trừu tượng, thì phạm trù Quân Tử đưa thiện-ác vào tới con người cụ thể, thái độ ứng xử cụ thể. Mỗi tình huống ấy là một cuộc thử thách quyết liệt: anh nói anh “ thiện”, anh “ đạo đức” thì anh thể hiện ra đi, quyết định lấy một thái độ ứng xử đi; hoặc là hành động một cách Quân Tử, hoặc là hành động một cách Tiểu Nhân! Bài học về Quân Tử thiết thực lắm. Quân Tử rất gần với Trượng Phu và Thượng Võ. Người ta thua trận, người ta nằm trong tay anh rồi, anh làm gì người ta cũng phải chịu, thì anh sẽ đối xử thế nào? Hoặc là anh học người xưa, đem tất cả sổ sách thù hận đốt đi để coi nhau như anh em, hay anh lục đống hồ sơ cũ ra, bới lông tìm vết để phân biệt đối xử?
Anh có mọi quyền lực trong tay, anh muốn nói gì, nói cả ngày cũng được, thì anh có nhường một tờ báo, một diễn đàn cho người khác trình bày tiếng nói của họ hay không? Anh nắm hết mọi sức mạnh trong tay, muốn bày đặt cái gì cũng được, thì anh có dành cho Nhân Dân một Hội Đồng để giúp anh thu thập tiếng nói của Dân, hay anh lại tìm cách đưa Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy sang phụ trách luôn “ Hội Đồng Nhân Dân” cho nhất quán? Anh có quyền ký một chữ thì người khác có nhà ở, vậy anh có thắng nổi cái lòng tham của con người, dám trọng nghĩa khinh tài mà từ chối mấy lạng vàng đút lót để dành cái nhà ấy cho một thầy giáo nghèo được không?
Bởi nó cụ thể như thế nên đạo đức giả thì dễ nhưng Quân tử giả thì không dễ chút nào, thiệt đến quyền lợi sát sườn ngay! Người Cộng sản thích chơi trò “ đạo đức “ nhưng không dám chơi trò “ Quân tử “ . Chủ nghĩa phong kiến so với ngày nay thì vô cùng tồi tệ, nhưng thời thịnh trị nó đã cung cấp cho loài người rất nhiều Người Lớn, là nhờ có một tinh thần Quân Tử. Dùng đạo đức, con người vẫn có thể lừa cả mình,nhưng khi trong lòng đã cất tiếng Quân Tử thì con người phải đối diện với chính lương tâm nó, không trốn vào đâu được.
Quân Tử thì phải Chính Danh! Có người bảo Chính danh là thủ đoạn của bọn thống trị nhằm phân biệt ngôi thứ. Không đúng! Công bằng hay không là ở chỗ định danh, định nội hàm của Danh, chứ khi định Danh rồi thì phải theo Danh mà làm! Danh một đàng, Thực một nẻo thì đại loạn.
.. Dân mình có thói khôn vặt: Nói thế mà không phải thế! Nói “ dzậy” mà không phải “ dzậy”, nên khi gặp chủ nghĩa Mác-Lê thì tâm đắc vô cùng, cả hai đều thích nhân danh nhưng không thích Chính Danh.
Trong cuốn “ Đề cương giới thiệu Dự thảo cương lĩnh Xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội trong thời kỳ quá độ “ ( tức Cương lĩnh của Đại hội Đảng lần thứ 7) có câu “ Nguyên tắc thứ nhất nói về xây dựng Xã hội chủ nghĩa, tuy không dùng chữ Chuyên chính vô sản, nhưng nội dung của nó vẫn quán triệt bản chất Chuyên chính vô sản” ( Sách đã dẫn trang 15). Có lẽ do quá quen với phương pháp luận Mác-xít, nên người viết câu ấy không cảm thấy tính Tiểu nhân trong đó. Thử hỏi tại sao thế: Nếu thấy Chuyên chính vô sản là hay thì phải công khai bảo vệ luận điểm ấy, nếu thấy là dở thì phải thực tâm từ bỏ, chứ ngoài mặt nói với dân không có Chuyên chính mà nội bộ Đảng thì lại dặn nhau: Cứ Chuyên chính mà làm! Thì chẳng Quân Tử tí nào? Điều nói dối ấy đã làm dân mất lòng tin, đã đành, nhưng trong Đảng thì đấy chính là sự dạy nhau nói dối, và Đảng viên sẽ dùng cách ấy để ứng xử với Đảng: Nghị quyết nói thì cứ để Nghị quyết nói, mình có cách “ vận dụng” của mình, Nghị quyết “ dzậy” mà không phải “ dzậy”!
Người Việt Nam muốn ra người Quân tử đã khó, người Cộng sản Việt Nam muốn ra người Quân tử lại càng khó hơn. Bởi thế tôi thật kính trọng thái độ Quân tử của tướng Trần Độ khi ông viết cho Đảng dòng sau đây, “ Cần phải dứt khoát chọn một trong hai tư tưởng chỉ đạo: Hoặc thực hiện Chuyên Chính vô sản, mà Đảng là đại diện và nhân danh. Hoặc thực hiện một Nhà Nước Pháp quyền, một Nhà Nước của Dân, do Dân, vì Dân. Không thể cứ nói nửa nọ nửa kia nhập nhằng. “
Quân tử lại gắn với Liêm Sỉ. Liêm Sỉ là biết tự xấu hổ, trước hết là với lương tâm mình. Bậc trượng phu không được lấy nể vì Nghĩa lớn mà bước qua điều Sỉ nhỏ. Hoàng Diệu, Phan thanh Giản, Nguyễn tri Phương tuy không có tội, nhưng xấu hổ vì không làm tròn nhiệm vụ giữ thành nên quyết tự vẫn. Càng là bậc đàn anh thiên hạ, lòng tự Sỉ càng phải lớn. Có khi đời tha cho mình mà mình không tha cho mình được… Ở ta, người Cộng sản làm hỏng việc thì tìm cách chuồn lên ghế cao hơn( mà lại chuồn được!). Chuyện ấy, địa phương nào cũng có, Trung ương lại càng điển hình. Phải chăng vì bài ca “ lợi quyền” kia đã ngấm vào xương thịt? Để riễu cái thói đạo đức giả nhưng lại vô sỉ, bám ghế tới cùng, người dân nhại lời các quan chức thế này,” Ông không ham chức quyền, ông chỉ ham phục vụ, ông quyết ở lại làm đầy tớ của dân! Đứa nào ngăn không cho ông phục vụ, ông đánh bỏ mẹ .”
Khi viết những bài lý luận chính trị, Phó tiến sĩ sinh học Nguyễn xuân Tụ lấy bút hiệu là Hà sĩ Phu. Hà sĩ Phu có nghĩa là sĩ phu đâu rồi? Ông lên tiếng kêu gọi vì ông không thấy tầng lớp sĩ phu xuất hiện ở đâu cả trong chế độ Cộng sản. Tầng lớp sĩ phu quí giá của thời trước dần đà mai một vì nền văn hóa xã hội chủ nghĩa bây giờ chỉ đào tạo ra một lớp người tuy có học nhưng vô liêm sỉ, không óc, không tim, dửng dưng trước nỗi đau đồng loại trong một xã hội nhầy nhụa như một nồi cám heo. Những chí làm trai tang bồng hồ thỉ với ước mong bạt núi lấp sông, những chuyện nợ nước thù nhà chỉ còn là dư âm của một thời đã qua. Hà sĩ Phu nặng lời phê phán những kẻ có chút chữ nghĩa trong người nhưng cam tâm sống nhục trước cảnh hoang tàn đau đớn khắp non sông như sau, “ Kẻ có dũng thì ngu dốt, kẻ có trí tuệ thì hèn, kẻ có trí có dũng thì láu cá vị kỷ bất nhân. Giữa một nhân loại phơi phới dân chủ hôm nay mà chỉ biết biểu tình vì khó khăn đời sống, học hành chỉ cốt để lập nghiệp cá nhân, làm trí thức mà cứ xum xoe không dám xa rời bổng lộc! Mấy tấm gương trí thức can đảm hiện nay mới chỉ như muối bỏ bể. Với kẻ thù bên ngoài thì sẵn sàng liều chết, với kẻ bề trên bên trong thì sẵn sàng thông cảm và khuất phục. Đảng tìm đâu ra trên thế gian này một Nhân dân “ lý tưởng” như thế ! Nhưng nói cho công bằng thì Nhân dân này do lịch sử để lại cũng chỉ một phần, phần lớn là do công “ tôn tạo” của Đảng, nhân dân chỉ là sản phẩm bất khả kháng, quy tội cho dân là vô nghĩa ). Lịch sử nước mình là vậy. ( Trích trong bài “ Thư gửi ông Đỗ mạnh Tri, báo Tin Nhà ( Tháng 3/2000) ). Hà sĩ Phu đã nhận xét đúng vì những người sĩ phu quân tử đấu tranh cho dân chủ tự do hôm nay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, lui tới cũng chỉ mấy tên Hà sĩ Phu, Nguyễn thanh Giang, Hoàng Tiến, Nguyễn đan Quế, Phạm hồng Sơn, Lê chí Quang, Nguyễn vũ Bình…, Trần Khuê..vv.. Cứ xem chuyện Việt Cộng dâng đất và biển cho Trung Cộng trong những ngày qua mà giới sĩ phu quân tử Việt Nam miệng câm như hến thì cũng đủ thấy giới sĩ phu quân tử ngày nay ở Việt Nam bạc nhược, hèn yếu như thế nào. Số người công khai lên án chuyện bán nước của Việt Cộng cũng chỉ lui tới vài chục người. Nói chung giới trí thức Việt Nam hiểu hết những vấn đề tệ hại đang xảy ra cho nhân dân và đất nước, nhưng vì nồi cơm quyền lợi bổng lộc hiện tại mà họ giả đui, giả điếc và thờ ơ với sự thống khổ của đồng bào, quay mặt trước sự an nguy của đất nước. Đây là một thái độ hèn yếu đáng khinh bỉ và nguyền rủa lên án. Dĩ nhiên cũng có những sĩ phu can đảm đáng quý trọng như Hà sĩ Phu, Nguyễn thanh Giang đã dấn thân nhập cuộc tranh đấu dù phải trả giá bằng sự tù tội, giam cầm. Hy vọng với thời gian và tình thế ngày càng chín mùi, sẽ có thêm nhiều sĩ phu quân tử nhảy vào cuộc, biến cuộc đấu tranh từ những tiếng nói đơn lẻ thành một lực lượng có tổ chức quy củ để từ đó mới mong có đủ sức mạnh vận động quần chúng quật ngã bạo quyền Cộng sản hiện tại. Sau cái chết của tướng Trần Độ mới đây, những người đấu tranh đã công khai thành lập hội đòi dân chủ tự do để đương đầu với bạo quyền.
Sau khi chiến thắng miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, bạo quyền Hà Nội đã có một chính sách thật thâm độc dã man để trả thù những người ngã ngựa miền Nam. Khi kêu gọi tập trung cải tạo, họ cho báo chí loan những lời đường mật như, “ Cách mạng luôn khoan hồng”, “ Cách mạng không đánh người ngã ngựa”. Họ còn ra thông báo cho những người trình diện cải tạo đem theo 2 tuần lương thực với chủ tâm đánh lừa chuyện cải tạo chỉ kéo dài trong vòng 2 tuần. Khi đã đưa được những người ngã ngựa vào tù, họ hành hạ bằng cách bắt lao động cực nhọc và cho ăn thật ít để người cải tạo phải chết dần mòn. Thời gian cải tạo rêu rao là 2 tuần kéo dài ra bất tận. Sau này số được tha về cũng thuộc loại “ thân tàn ma dại “. Cộng sản đã hiện nguyên hình là những tên tiểu nhân hèn hạ, trả thù người bại trận một cách tàn nhẫn. Chúng không học được câu “ dĩ trực báo oán “ của người quân tử khi đối diện với chuyện ân oán, hận thù. Chúng đã mất đi một cơ hội bằng vàng vô cùng quý báu để hòa hợp và hòa giải quốc gia. Lý do là khi đắm mình trong một chủ nghĩa chỉ kêu gọi chuyện chém giết hận thù là chủ nghĩa Mác, những người Cộng sản Việt Nam đã trở thành những tên cuồng tín, đã tắm máu đồng bào máu đỏ da vàng trong sự hận thù để tôn thờ chủ nghĩa. Ngay khi vừa chiếm được Sài gòn vào tháng 4 năm 1975, những người Cộng sản đã đuổi tất cả những thương bệnh binh của phe miền Nam trong Tổng y viện Cộng Hòa ra ngoài dù nhiều người còn đang điều trị bệnh tình trầm trọng. Khi làm chuyện bất nhẫn này, Cộng sản không còn đáng gọi là tiểu nhân hèn hạ nữa mà phải gọi bọn chúng là loài súc sinh khốn nạn, không còn biết cách xử sự của con người dành cho con người, đối xử tàn nhẫn và độc ác đối với những người đang bệnh hoạn đau đớn, chứ chưa nói đến tình đồng bào máu đỏ da vàng ruột thịt dành cho nhau. Sự sụp đổ của Liên xô và Đông Âu năm 1991 làm chúng bàng hoàng lo sợ. Thay vì cải cách dân chủ để cho đất nước đi lên, chúng lại càng bám chặt vào cái chủ nghĩa Mác không tưởng, phản khoa học đã bị nhân loại đào thải bằng cách gia tăng sự đàn áp để cố mong giữ vững ngôi vị thống trị của chúng. Nhưng rồi sự tranh đấu của những nhà thức giả được coi như là những sĩ phu quân tử thời đại hôm nay như một vết dầu loang và càng ngày càng tăng thêm sức mạnh, hứa hẹn sẽ tung ra những đòn ngoạn mục để quật đổ cái bộ mấy cầm quyền thô bạo, tàn ác của một bọn tiểu nhân trung ương đầu sỏ. Một bộ máy mà Trần Độ đánh giá trong nhật ký Rồng rắn của ông là “ tàn bạo còn hơn Tần thủy Hoàng và dã man còn hơn chế độ phát-xít của Hitler”.
Đất nước sẽ có ngày mai khi tầng lớp sĩ phu quân tử hôm nay cùng toàn dân đứng dậy lật đổ bạo quyền. Khi hòa bình được tái lập lại, nền giáo dục của một nước Việt Nam tương lai sẽ là một nền giáo dục đề cao và xiển dương những đức tính của người quân tử và vạch ra cùng phê phán những thói hư tật xấu của bọn tiểu nhân. Một nền văn hóa tốt sẽ sản sinh ra một lớp sĩ phu quân tử có đủ cả tài lẫn đức để phục vụ đất nước, đồng thời không tạo điều kiện cho bọn tiểu nhân sinh sôi, nẩy nở. Nhân nào sẽ sinh quả nấy và đây chính là một định luật bất biến trong dòng lịch sử biến hóa khôn lường.

Lawndale, một sáng mùa thu mát mẻ, trong sáng đầu tháng 9- 2002
TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG
(1) Trích trong” Những ghi chép vụn vặt “ của tập thơ “ Hoa địa ngục”.


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ