LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Ăn tết chữ cùng với Hà Sĩ Phu

Đặng Mi Lộc

Văn Hoá-Nghệ Thuật: Ăn tết chữ cùng với Hà Sĩ Phu
Đăng ngày 29/01/2006 lúc 17:26:57 CST
Đề tài: Văn hóa

 

1 Giao thừa năm nay, tôi được ít phút giây yên tĩnh để thưởng lãm mấy câu đối tết của Tú Xuân Hà Sĩ Phu. Đã thành một thói quen từ mấy năm nay, cứ gần đến tết thì anh em bạn làng chữ nghĩa lại được đọc ít câu đối tết của ông Tú Xuân.

Kể cũng là một cái thú, bao lâu nay xã hội thay đổi quá, dưới thời bao cấp thì chính sách giáo dục lệch lạc, bộ môn Tiếng Việt chỉ là nơi dạy "chữ nghĩa Mao hoá"; qua thời đổi mới thì giáo dục lại càng rớt lại quá xa phía sau so với nhu cầu đuổi theo tăng trưởng kinh tế và những hệ luỵ văn hoá của nó. Trong khung cảnh xã hội như thế thì chữ nghĩa rẻ như bèo, nên từ nhà trường đến xã hội đã xao nhãng quá lâu chuyện giữ cho tiếng Việt trong sáng, nói gì đến chuyện phát huy những nét đẹp tinh tế của tiếng Việt. Còn mấy ai thưởng thức những cái thú chơi chữ trong ngày xuân ngày tết?

Thú chơi chữ? Thật thế. Đấy là một thú vui của người xưa còn lưu lại. Chẳng là truyền thống văn học cổ vẫn chú trọng luật đối bên cạnh những lề luật về niêm về vần. Riêng về luật đối thì cũng đã phát triển khá sâu rộng để sinh ra loại văn biền ngẫu (mà phổ thông nhất là thể phú và văn tế), trong đó mỗi câu văn là một liên đối hai vế đối nhau chan chát. Đọc những bài phú hay những bài văn tế nổi tiếng là một cái thú. Trong đời sống hằng ngày nơi thôn dã hay chốn phồn hoa đều không thiếu thú chơi chữ, nhiều thời gian thì thơ hay phú, ít thì cũng phải có đôi câu đối làm vui. Kho tàng giai thoại văn học còn lưu lại nhiều câu đối vào những dịp quan, hôn, tang, tế.

Một điều kiện để chơi chữ là phải có… chữ. Đúng hơn, phải nói là người chơi chữ cần nắm vững những tính cách phong phú của chữ nghĩa tiếng Việt để có thể biến hoá nó trong ngữ cảnh. Không nắm vững những tính cách đó thì câu đối sẽ nhạt phèo.

2 Nói về nghệ thuật chơi chữ trong câu đối thì Hà Sĩ Phu sử dụng nhiều thủ pháp khác nhau, nhưng đại khái không ngoài những nghệ thuật liên quan đến chữnghĩa của chữ.

Năm nay, Hà Sĩ Phu tặng bạn văn khắp nơi mấy câu đối như sau:

1 Gặp cúm gia cầm, Gà biệt xứ
Đến thời lục súc, Chó lên ngôi!

Về mặt dùng từ thì đều là những tiếng dễ hiểu, bình thường, chẳng có gì khúc mắc cả. Chỉ có một từ lục súc là có ý nghĩa: "lục súc" gợi cho ta hình ảnh sáu con vật trong một truyện nôm cổ Lục súc tranh công (thế kỉ XIX), chúng tranh cãi nhau để tranh thắng về chỗ đứng, vai vế của mình so với đồng bọn. Đây là lối dùng từ liên nghĩa. Từ một sự kiện thuộc về hiện thực xã hội trong năm qua (cúm gia cầm làm tiêu số gà nuôi ở trong nước), HSP nghĩ đến năm mới, năm của một con vật trong mười hai con giáp, mà cũng là một con vật trong số sáu con gia súc tranh cãi với nhau trong một tác phẩm văn học; rồi từ đó ông liên tưởng đến một hiện thực rộng lớn hơn, ở đó cũng có những “con vật” thật sự thì chẳng có gì hay ho, đặc sắc, nhưng lại lớn tiếng tranh nhau để giành phần hơn, có thể là miếng ăn lớn hơn, chỗ ngồi rộng mát hơn, và… quyền lực cũng lớn hơn! Bọn chúng tranh giành nhau, sát phát nhau, thật chẳng ra gì, thật là đồ lục súc! Người ta có thể khẽ nhếch mép cười nhẹ khi liên tưởng đến không khí tranh giành quyền lực trước đại hội đảng CS X, thấy cũng có vẻ hao hao giống. Đấy là lối “nói xỏ”, lối chơi chữ khá “khăm”.

Câu đối thứ nhì:

2 Bảy món cầy tơ, mấy chú vện vằn đang khởi “sắc”
Một bầy chó đẻ, ba quân í oẳng sắp lên “hương”!

Câu đối này cũng không có từ nào khó hiểu cả. Thủ pháp chơi chữ trong câu đối trên là ghép một số từ liên quan đến loài chó: cầy tơ, vện vằn, chó đẻ, í oẳng. Cũng có thể phải thêm hai chữ sắchương là nói đến màu sắc cháy vàng và hương vị thơm tho khi người ta thui thịt chó.

Về ý nghĩa thì vế trên và vế dưới đều nói về một hoạt cảnh thui chó để sửa soạn cho bảy món thịt cầy. Nếu thế thì chẳng có gì đáng nói. Cái hóm hỉnh ở đây lại là một liên tưởng khác: cảnh ồn ào bát nháo của một nơi thui chó cũng na ná như cảnh tượng đấu đá giữa một đám lưu manh, cũng í oẳng, gấu ó như một bầy “chó đẻ” (nghe như một tiếng chửi thề!). Đám người này là ai thế? Một hội đồng của những kẻ thậm thụt như lũ chuột? Một đám mafia? Một đám quan chức tham nhũng ở một xứ sở độc tài nào đó trên đời này? Có thể lắm!

3 Trung thành ra phết, mà ăn bẩn
Nô lệ thò đuôi, chẳng biết dơ!

Về mặt chữ thì cũng không có chữ nào khó cả. Về mặt nghĩa thì năm chó mà đặc tả những tính cách của chó Việt Nam như trên thì thật là chính xác. Chó Việt Nam ăn bẩn là thường, không biết sợ dơ bao giờ; chó thì rất trung thành, hết lòng vì chủ. Đó là mặt nghĩa cụ thể, nghĩa đen. Nâng lên bậc nghĩa bóng, nghĩa liên tưởng thì có thể nhận ra nụ cười hóm hỉnh của ông Tú Xuân khi “đặc tả” những thuộc tính của lũ quan tham lại nhũng thời xưa cũng như thời nay: não trạng nô lệ, ăn bẩn không biết sợ, và trung với chủ ngày nào còn được cho ăn ngập mặt. A! Có lẽ anh Tú Xuân lại lỡm đám quan chức lưu manh rồi đây!

3 Ngoài ba câu đối hoàn chỉnh trên đây, năm nay, Hà Sĩ Phu cũng ra thêm mấy vế đối hóm hỉnh khác và mời mọi người tham gia trò chơi đối lại. Câu thứ nhất là:

1 Năm Khuyển, vừa khuyên vừa hỏi

Nghệ thuật chơi chữ ở đây gồm có mấy yếu tố sau:

(1) “chiết tự” (chẻ chữ ra làm nhiều phần nhỏ): chữ khuyển gồm có phần âm khuyên + phần thanh điệu hỏi. Muốn đối lại vế đối của ông thì cũng phải dùng thủ pháp chiết tự để cho cân xứng. Nhưng không phải chỉ có chiết tự, vì mỗi chữ của cả câu vẫn có ý nghĩa của chúng;

(2) về ý nghĩa, câu trên là một phát biểu về hiện thực: năm 2006 –theo lịch Tàu- là năm con chó, vậy thì dùng chữ “khuyển” là phải rồi. Chưa hết ý đâu; người ra vế đối còn tỏ ý rằng năm con chó này cần chúng ta khuyên nhủ nhau, nếu cần thì cứ hỏi han nhau, thậm chí chất vấn nhau cho tỏ tường mọi chuyện...

Câu thứ hai là:

2 Hoa đào cho sắc mừng năm Chó!

Câu này cũng dùng lối chiết tự theo kiểu của chữ quốc ngữ (cho + sắc = chó), và lối dùng từ đồng âm có ý nghĩa. Cả câu đều có ý nghĩa: hoa đào nở là tạo màu sắc tươi đẹp để chào đón năm Chó.

Câu thứ ba:

3a Đào của xứ hoa cho sắc để mừng...năm Chó đấy
3b Anh mê đào của xứ hoa, năm Chó say đào, mê mẩn vì đào cho sắc đấy

Vế đối 3a là một câu đối "song quan", liền một mạch; trong khi vế 3b là một câu dài, cắt làm ba đoạn, trong lối văn biền ngẫu gọi là “câu cách cú”; về từ ngữ thì có ba chữ đào, một chữ chó, và một chữ chó thứ nhì nằm dưới dạng chiết tự (cho sắc).

Cả ba câu đều có lối chơi chữ quen thuộc trong nghệ thuật đối: chiết tự. Có khác chăng là ngày xưa các cụ thường chẻ một chữ nho làm thành những mảng nhỏ, chẳng hạn: muốn nói đến chữ “hồ” thì nhà văn có thể nói “cổ nguyệt” (vì theo chữ nho hồ = cổ +nguyệt) [1]. Đối với chữ quốc ngữ thì chiết tự quen thuộc là lối “đánh vần”: cho + sắc = chó, khuyên + hỏi = khuyển.

4 Nghề chơi chữ quả là công phu. Công phu vận dụng hết các ngóc ngách của việc biến báo lối dùng chữ kể đã nhiều rồi; nhưng công phu dùng chữ không thôi chưa phải là đủ, nếu câu đối không cho thấy được chút tâm sự, tâm trạng của người làm câu đối.

Về mặt này, có thể nói đến hai mặt của một tính cách của những câu đối tết của Tú Xuân: nét hóm hỉnh cười cợt của một người thích đùa trước những cái lố bịch của một thời “bùn nhão” [2]. Câu đối nào của ông cũng có hai mặt nội dung này. Cho nên có thể là ông mở đầu câu đối bằng một sự kiện rất tầm thường, vô thưởng vô phạt (chẳng hạn câu đối 1 năm nay: thời buổi cúm gia cầm khiến gà biệt tăm biệt tích), nhưng vế đối sẽ là một bất ngờ với nội dung rất hiện thực của con người và của thời thế mà ông đang sống từng ngày từng giờ với nó (thời chó má trong đó có đủ thứ gấu ó, tranh chấp quyền lực rất bẩn thỉu). Cái mô hình nội dung đó khá thống nhất ở mọi câu đối, không chỉ năm nay, mà cả những năm trước.

Ở đây có thể thấy tác dụng của câu đối: dùng ngôn ngữ văn học để kêu lên những tiếng bất bình của con người trước thời thế (“bất bình tắc minh”). Đó là cách ông Tú Xuân sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình trong một tình thế mà mọi thứ quyền tự nhiên của con người bình thường đã bị tước đoạt hết cả rồi [3] .

Ở chừng mức này thì dường như ông có lí: khi mà mọi thứ của con người đã bị nén xuống quá lâu và quá sâu, thì sự vùng dậy của ngôn từ có sức bật của một vật bị nén đã lâu nay bật lên, có sức công phá [4].

5 Ngày xưa các ông đồ nho ăn tết chữ là dùng cái đẹp của ngôn từ để nói lên tâm cảnh của mình trong ngày đầu năm. Bây giờ ăn tết chữ cùng với ông Tú Xuân HSP mà sao lòng không thanh thản được? Tâm sự ngổn ngang, không bình yên? Có phải vì thời thế bây giờ trần trụi quá, "chó đẻ" quá mà nó ra nông nỗi ấy? Mua vui với ông được một vài giây lát mà "sầu ở lại", lâu dài.

Đặng Mi Lộc


Cước chú

[1] Có lẽ là một lệ ngoại hiếm hoi khi một nhà nho làm câu đối chiết tự theo lối chữ quốc ngữ mà không phải là chữ quốc ngữ. Đó là câu đối chữ hán, tương truyền là của cụ Bùi Bằng Đoàn làm để tặng một người đi lính cho Pháp trở về sau khi thế chiến I chấm dứt, được quan Pháp cho làm việc ở toà sứ:

Tiếp tiệp hoan hoàn, tê ư tư sắc tứ
Binh bình sự sứ, hát ô hô huyền hồ!

(Nghĩa: nhận được tin thắng trận, vui vẻ mà về, được quan tây phong sắc phẩm hàm; xong việc nhà binh là ở toà sứ, kêu to lên: ô hô, treo cung rồi.).

Nét độc đáo của lối chơi chữ ở đây là cụ Bùi dùng năm tiếng cuối của mỗi vế theo lối đánh vần chữ quốc ngữ thời đầu thế kỉ XX, nhưng lại là năm chữ nho có ý nghĩa hẳn hoi. Lối chơi chữ nước đôi như thế có lẽ nay đã ít ỏi lắm rồi –nếu không nói là mai một.

[2] HSP: "... tuy bề ngoài thay đổi rất nhiều mà về căn bản thì xã hội vẫn như dẫm chân tại chỗ, dẫm chân tại chỗ mà vẫn lục đục không yên, không yên mà vẫn không thể bứt ra thành một cái gì khác về chất được. Ðã vậy, tính khôn vặt và những khát khao thực dụng của ''con người Việt nam sau chiến tranh'' đang cùng với sự chuyên chính rất xảo quyệt của giới cầm quyền tạo ra một trạng thái cân bằng bùng nhùng không dễ gì phá vỡ được, vì những yếu tố ấy quyện vào nhau khá khắng khít. Trong đám ''bùn nhão'' ấy mọi người dù lem luốc nhưng vẫn kiếm được ăn, vẫn có không ít sự béo bở thật và béo bở ảo vọng, không ít những hương hỏa phải cố giữ lấy.

Trong đám ''bùn nhão'' ấy, (tôi dùng chữ bùn nhão để chỉ một trạng thái vật lý vô định hình), mọi mâu thuẫn đều nhoè nhoẹt đi, mọi áp suất đều được xì van, mọi sự cố nếu có xảy ra rồi cũng dễ dàng tắt ngấm. Ðám đông tự soi vào nhau và thấy mặt mũi mình cũng chẳng kém ai (vẫn thấy chân dung mình là: rũ bùn đứng dậy sáng loà!), nên chẳng thấy có gì lớn cần thay đổi cả!" (Hà Sĩ Phu, “Thư HSP gửi NGK”, th 3.2000)

[3] HSP: "Khi những kẻ ăn cắp lại chi phối luật pháp, lại độc chiếm hết diễn đàn để giảng đạo đức (tất nhiên là đạo đức giả), thì người mất cắp đành phải chửi thôi. Những phụ nữ chịu nhiều tầng ràng buộc nhất chỉ còn cách tự vệ ấy để quyết thực hiện quyền ngôn luận,” tự do báo chí” của mình…" (HSP, “Văn hoá chửi”)

[4] HSP: "Đến một lúc ta lại khám phá ra rằng, trong các cụm từ gồm những yếu tố ngược nhau, chống nhau kia toát lên một ẩn ức : Dường như người nói phải khẳng định một giá trị mà biết chắc là sẽ rất nhiều người muốn phủ định. Hơn thế, người nói dường như biết mình là thiểu số, là không chính thống, nhưng lại tin chắc sự thật và cái đúng nằm ở phía mình. Ngôn ngữ được phát ra trong một tương quan tranh chấp." (HSP, "Sức nén của ngôn từ")

 

Re: Ăn tết chữ cùng với Hà Sĩ Phu (Điểm: 0)
by (Doc gia) ngày 30/01/2006 lúc 05:42:00 CST

Thấy ông Hà Sĩ Phu ra mấy câu đối khá thú vị, tôi xin được góp vài câu đối đối lại như sau:

Câu 1: Năm khuyển vừa khuyên vừa hỏi
Xin đối là: Đỗ Mười tám mươi phải huyền

(TBT Đỗ Mười vốn dốt đặc cán mai nhưng lại tham quyền cố vị, nhưng … trời có mắt, nên không may đến tuổi 80 bị treo chức (huyền), cho về vườn tiếp tục hoạn lợn.

Câu 2: Hoa đào cho sắc mừng năm Chó
Xin đối là: Xử tội Hô huyền treo cổ Hồ!

(HCM là một tội đồ của dân tộc nên rất xứng đáng bị nhân dân xử tội treo cổ)

Câu 3: Đào của xứ hoa cho sắc để mừng…năm Chó đấy
Xin đối là: Hạm gộc thành Hồ kiết nặng khó tiêu chú Kiệt ơi!

(Khi làm bí thu thành uỷ thành Hồ, Võ Văn Kiệt ăn bẩn quá nhiều nhưng không biết điều với các hạm khác ở chóp đỉnh quyền lực, nên bị giáng chức)

Có câu thứ tư là: Vẫn nghề giai cấp đấu tranh, lê mác lại mài cho sắc nhỉ
Xin đối là: Quen thói cậy mạnh hiếp yếu, giang hồ mà ngán câu hỏi ư ?

(Bọn Đại Hán thường vẫn dùng kế “lấy thịt đè người”. Những lãnh tụ đại Hán thời nay như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào (GiangHồ)vẫn quen xử ức VN phải nhượng biển cắt đất biên giới cho chúng, nhưng (biết đâu) chúng lại sợ bị cật vấn (câu hỏi)!

Kim Khôi
NC - USA

Bản quyền © 1988-2006 Thông Luận
 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ