LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG PHÁT HIỆN MỚI TỪ MỘT PHIÊN TÒA

Tiêu Dao BẢO Cự

   Phiên toà ngày 22/8/96 xử Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu và Nguyễn Kiến Giang đã được dư luận trong và ngoài nước bình luận nhiều. Dù nội dung phiên tòa bị bưng bít , nhưng qua những thông tin tối thiểu và kết quả chính thức được Thông tấn xã Việt nam thông báo, dư luận chung đều đánh giá đó là một phiên toà lúng túng, bất công và không hiệu quả như nhà nước mong muốn.

     Sau phiên toà một số thông tin mới được tiết lộ giúp chúng ta phát hiện thêm một số vấn đề mới rất hữu ích cho tình hình chung.

     Trường hợp Hà Sĩ Phu bị bắt thế nào là một điều bí ẩn mãi cho đến khi ra toà, Hà Sĩ Phu mới có dịp công khai nói ra. Trong lúc đi xe đạp trên đường phố Hà nội, ông đã bị hai người đi xe honda chèn ngã và định giật lầy túi xách. Ông đã la lên “ăn cướp,ăn cướp!” . Lập tức có Công an đến can thiệp ngay. Nhưng thay vì bắt kẻ cướp, công an lại đưa ông về đồn, khám xét túi xách, tìm thấy trong đó cái gọi là “tài liệu bí mật”, tức bức thư của ông Võ văn Kiệt gởi Bộ Chính trị ngày 9-8-96. Sau đó công an bắt giữ ông luôn.

     Như thế vấn đề đã rõ và người dân miền Bắc không lạ gì “trò cinéma” cổ lỗ sĩ này, nhưng người ta ngạc nhiên khi đã đến thời kỳ đổi mới, mở cửa rồi mà bổn cũ vẫn còn được diễn lại.Thì ra đổi mới cũng không phải dễ dàng. Có nhiều ngón nghề cũ vẫn phải xài lại. Đây cũng là một loại “bí mật của nhà nước”, vì từ khi bị bắt, Hà Sĩ Phu không được nói ra và vợ ông hai lần vào thăm cũng không được hỏi chồng, nhiều lần hỏi công an nhưng công an từ chối không chịu trả lời.

    Khi ông Chánh án hỏi “trình độ văn hoá” của Hà Sĩ Phu, Hà Sĩ Phu trả lời “ Tôi không biết trình độ văn hoá của tôi ra sao, trình độ này khó mà nói được. Nhưng chắc ông hỏi về học vấn thì tôi có học vị Phó tiến sĩ Sinh học tại nước Cộng hoà XHCN Tiệp khắc”. Thật là cách nói châm biếm kiểu Hà Sĩ Phu không lẫn vào đâu được. Thế nhưng vị Chánh án lại gặng hỏi : “Như thế anh đã học hết lớp 10 chưa?” . Toàn thể cử toạ của phiên toà nghiêm trọng này (mà hầu hết đều là người của nhà nước) đều không nhịn được, phải cười ồ.

    Có người ngạc nhiên không hiểu tại sao nhà nước lại bố trí một Chánh án như thế để chủ toạ phiên toà xử 3 nhà trí thức nổi tiếng về lý luận. Thật ra đây là một hiện tượng đáng mừng. Người ta nhớ lại phiên toà xử Hoàng Minh Chính- Đỗ Trung Hiếu, cách Hoàng Minh Chính đối đáp với Chánh án một cách kẻ cả, át giọng đến nỗi người nghe nhiều khi không biết ai xử ai. Sau đó mọi người còn biết đến lá thư của ông Hoàng Minh Chính gửi hai ông Chánh án sau khi ông hết hạn tù, yêu cầu hai điều :

- Công khai hoá toàn bộ hai phiên toà xử ông bằng cách cho các nhà báo, các nhà nghiên cứu và bất cứ ai cũng đều được tự do tiếp cận các băng ghi âm và băng hình mà toà án đã ghi lại từ A đến Z.

- Công dân Hoàng Minh Chính sẵn sàng tranh luận công khai với ông Chánh thẩm Nguyễn Quang Đẩu đã ngồi ghế Chánh án toà sơ thẩm tại Hà nội ngày 8-11-95, và thẩm phán Vũ khắc Xương ngồi ghế chánh án toà phúc thẩm tối cao kiêm chung thẩm ngày 18-12-95.

 (Cuộc tranh luận nhằm làm rõ sự thật về tính hợp pháp hay phi pháp của hai phiên toà kể trên. Toàn bộ chi phí cuộc tranh luận đó công dân Hoàng Minh Chính tự nguyện đảm nhận hết).

    Có lẽ sau sự việc này, các thẩm phán tử tế không ai dám ngồi ghế Chánh án phiên toà xử Lê Hồng Hà-Hà Sĩ Phu- Nguyễn Kiến Giang vì sợ sẽ biến thành trò cười cho thiên hạ. Chỉ có thẩm phán hỏi Hà Sĩ Phu “học hết lớp 10 chưa” thuộc loại điếc không sợ súng” mới đủ tầm cỡ chủ toạ phiên toà này thôi.

    Phiên toà có 3 luật sư biện hộ  cho hai ông Hà Sĩ Phu và Lê Hồng Hà. ông Nguyễn Kiến Giang tự biện hộ. Các luật sư cũng như ông Nguyễn Kiến Giang đều tập trung phân tích hai vấn đề : không có gì gọi là tài liệu bí mật và không có ai cố ý tiết lộ bí mật nhà nước. Các lý lẽ nêu ra đều hết sức thuyết phục.

     Thái độ của ba ông Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang đều hết sức đàng hoàng, đĩnh đạc, đều khẳng định mình vô tội và bác bỏ những luận điệu buộc tội do công tố đưa ra.

     Sau phiên toà, giới thạo tin cung đình cho biết Ban tư tưởng văn hoá trung ương đã gửi cho Bộ Chính trị một báo cáo về phiên toà với hai nhận định quan trọng :

- Chưa có phiên toà nào các luật sư lại biện hộ một cách hăng hái, nhiệt tình như phiên toà này.

- Các lý lẽ buộc tội nêu ra đều “đầy sức không thuyết phục” .

    Thật là ý nghĩa.Từ xưa, dưới chế độ này, có luật sư nào dám hăng hái biện hộ cho các bị cáo bị kết tội phản động về chính trị? Có mà om xương. Và các lý lẽ của luật sư, bị cáo thì “đầy sức thuyết phục”, trong khi công tố buộc tội lại “đầy sức không thuyết phục” ! Hà Sĩ Phu khi biết được chắc rất thú vị với trò chơi chữ này.

   Như thế, phiên toà ngày 22-8-96 xử 3 ông Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang thật là một hiện tượng đáng mừng.Đây thật sự là một bước tiến của dân chủ. Trong phiên toà xử những người bất đồng chính kiến với chế độ này, công lý và sức mạnh thuộc về các bị cáo chứ không thuộc về toà án của nhà nước. Đúng như dư luận chung đã nhận định, phiên toà lúng túng, lố bịch và không hiệu quả như nhà nước mong muốn.

   Tốt nhất là hãy công khai hoá mọi chuyện, thực hiện nhà nước pháp quyền, thực hiện công lý của nhân dân chứ không phải công lý của nhà nước độc tài. Chỉ có một chế độ dân chủ thực sự mới đưa quốc gia đến tiến bộ và phồn vinh, trong đó những người trí thức tài năng và nhiệt tâm với đất nước như  Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang, Hoàng Minh Chính, Đỗ Trung Hiếu và nhiều người khác nữa sẽ góp phần xứng đáng của mình chứ không phải mất bao nhiêu thời gian vào ngồi trong nhà đá.

                                                        Đà lạt cuối tháng 9-1996

                                                            Tiêu Dao BẢO Cự


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ

i