LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Hà Sĩ Phu         Mừng lễ Giáng sinh - Chào Xuân Kỷ Sửu – 2009

Câu đối Tết năm TRÂU-2009 

*****

Lại khóc lại cười với Trâu

      Chẳng bao lâu lại đến Tết con Trâu.

Lạ thật, sao con Trâu lại đi ngay sau con Chuột? Một anh “nhỏ bằng cái nhắt”, khôn lỏi, “chúa thằn lằn” về khoản mẹo vặt và lừa đảo, lúc luồn sâu lúc leo cao, lúc nào cũng thập thò, gây đủ điều tai hại, mà sinh sản cực nhanh, càng bí mật vụng trộm càng đẻ nhiều, nên bị xếp vào loại lưu manh chúa tể. Tiếp theo ngay là một bác to đùng, ngu trung, to đầu mà dại. Cũng “có sừng có sỏ” rất oai, mà bị cái “thằng người” khôn ngoan nó “vặt”nó “dziệt” (1) , lúc sang phải, lúc sang trái, chỉ bằng một sợi dây thừng xỏ mũi. Rồi ta ngộ ra một điều: hai con giáp này xếp liền nhau là phải, bên cạnh anh ngu trung y như rằng xuất hiện lũ lưu manh, lợi dụng, khai thác (mà các nhà chính trị vẫn gọi là bọn cơ hội). Hai thứ này cộng sinh.

 

 Ai chẳng thuộc mấy câu Ca dao về con Trâu:

             Trâu ơi ta bảo trâu này

       Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

            Cày cấy vốn nghiệp nông gia

       Ta đây trâu đấy ai mà quản công ?  

            Bao giờ cây lúa còn bông

       Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

 

  Thật là một bài ca nhân ái. Người và vật đã biết dựa nhau mà sống, bởi hiểu rằng “trong lẽ phải, có người có ta”! Ông chủ mà thương đày tớ, sẻ chia quyền lợi với nhau như một kiểu “nhà nước phúc lợi” ở mấy nước văn minh ! Hơi văn rõ ra một giọng đàm phán, thuyết phục để có đồng thuận, chứ không lấy nghĩa vụ ra mà áp đặt.

 

     Nhưng sự đời đâu chỉ có thế.

    Đây, một bài ca dao khác về con Trâu:

 

                       Ngày thường mày ở với tao
              Đến khi mày yếu thì tao tuyệt tình
                      Thịt mày nấu cháo nuôi binh
              Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa
                      Sừng mày tao tiện con cờ
                 Cán dao, cán mác, lược thưa, lược dày…(2)

   

    Một phác họa sao mà sâu cay. Khi sống đã cống hiến hết mình cho chủ. Yếu sức rồi bị giết đã đành, nhưng từng mảnh xác vẫn phải được mài giũa để trang sức cho chủ. “Nuôi binh, dao, mác…” là phục vụ chiến tranh. “Chùa, tụng kinh…” là vẻ thánh thiện tôn giáo. “Trống” chiêng lễ hội, “lược thưa lược dày…” là phục vụ văn hóa và đời sống. Ôi, vắt kiệt nhau đến thế là cùng. Tôi cứ ngậm miệng mà cười : Sao kiếp Trâu lại có thể nhiều vinh quang đến thế? Vậy mà khi chụp ảnh Trâu nghệ thuật thì người ta cứ bỏ cái Ách ra, để cho Trâu “toét miệng” ra cười, quên cả cái Ách như một “sắc phục” không thể thiếu của loài trâu.  

    Nghĩ đến con Trâu, có lúc thì thương, thì bùi ngùi, có khi thì ơn, thì phục, có khi lại giận, lại trách, lại ghét trâu điên, ghét thói trâu buộc ghét trâu ăn, lại tàn nhẫn bảo ngu thì đáng đời, gảy đàn vào tai cũng phí …

    Thế rồi lại khóc, lại cười với Trâu mà làm Câu đối Tết.

 

                                                                 HSP

------------------------------------------

    (1) Lệnh điều khiển trâu (vùng trung du Bắc bộ) : vặt=vrắt=sang phải,

          dziệt=sang trái.

    (2) Từ cổ gọi là lược thưalược bí.

    Có thể tham khảo thêm ở link của Hà Phương Hoài:

   http://e-cadao.com/cadaodoor.htm , http://e-cadao.com/cadaosearch.asp 

 

                             CÂU ĐỐI

 

                          CHUỘT ĐI – TRÂU TỚI

  - CHUỘT tạm rút, hang sâu còn dưới đất, chui bồ, rúc cót,

                                            coi chừng lũ CHUỘT rất khôn ! 

  - TRÂU đang về, ách nặng vẫn trên vai, xỏ mũi, quất roi,

                                            yên phận kiếp TRÂU là khổ !

                                               

 

                                BẰNG-TRẮC NĂM TRÂU

   - Cày bừa xong mổ thịt tế thần, thần phúc thần tài,

                                             đừng ban xuống những quân…

                                                                        PHẢN TRẮC !    

   - Ve vuốt để lột da bưng trống, trống con trống cái,

                                                    hãy vang lên  một  lẽ …

                                                                       CÔNG BẰNG !    

 

                      Vịnh con TRÂU và anh mọt sách

                      -   Đã khệ nệ BỤNG to chứa SÁCH !

                      -   Sao ngu đần ÁCH nặng đeo VAI ?

     ( Dạ dày trâu bò có 4 ngăn, ngăn thứ 3 có nhiều nếp gấp gọi là sách)

 

                                  Nỗi sợ của TRÂU

          - Xẻ thịt tế thần, thấy lễ hội, kinh hồn chú NGHÉ !

       - Lột da bưng trống, nghe tiếng dùi, bạt vía đàn TRÂU !

 

                                       TRÂU hỏi NGƯỜI

  - Lũ trâu đây yên phận cấy cày, thế sự dẫu vô tình,

                   nghe “Vặt-dziệt” cũng quen đường “phải-trái” ! (1)

  - Những kẻ nọ mang danh tổ quốc, biên cương đang hữu sự,

                          việc “mất-còn” không biết lẽ “tồn-vong” ?

 =========================

    (1) Lệnh điều khiển trâu (Bắc bộ) : vặt=vrắt=sang phải, dziệt=sang trái.

 

               Mời đối !

Mời đối 1: (đón năm Trâu)

 * Đón bác TRÂU chớ gảy đàn cầm, bác là bậc có sừng có sỏ !

          (GHI CHÚ: Đây vốn là một vế đối tiễn năm Trâu 1985, nay thiết nghĩ nếu đưa ra mời để các quý thi hữu đối lại chắc sẽ có nhiều ý tứ, bởi còn nguyên tính thời sự. Vẫn là câu tục ngữ: “Đàn cầm mà gảy tai trâu”!).

 

Mời đối 2: (hỏi TRÂU, nhớ cái “lề đường bên phải”)

  *  Mặt cũng lớn, tai cũng to,

                                    đường phải trái sao để người dắt mũi ?

 

Mời đối 3 : (hỏi TRÂU, về cái thú nhai lại)       

   * Nhai lại mãi, vẫn toàn Rơm với Cỏ ?

 

Mời đối 4: (Bảo chú Nghé con)

  *  Nghé cỏn (2) chớ  nghe

                                        ông nghẻ ông nghè

                                                                  mà đe hàng tổng !

    -------------------------------------------                                             

      (2) Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa (Hồ Xuân Hương)                                               

 

                                        Xuân bất tái lai

                           ( Tết con Trâu nhớ về Hà nội )

                          Đất đã nảy trăm phường địa tặc

                          Trời lại hành một trận thiên tai

                          Chuột dẫu rút, lưu manh còn đó

                          Trâu đang về…vẫn ách trên vai ?

                        Than/cười rằng… Xuân bất tái lai ! (3)

                                                               HSP 

 

                  (3) Chữ rằng: Xuân bất tái lai (Hồ Xuân Hương)

 

 

 

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ