LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

CHIA TAY Ý THỨC HỆ - PHỤ LỤC

  PHỤ LỤC 1 ( Phụ lục của bài Chia tay Ý thức hệ) 

Sơ bộ tập hợp Ý KIẾN ĐỘC GIẢ về những bài viết của  Hà Sĩ Phu

     Mục lục

                   A.  Lời  GIỚI THIỆU  trên một số tờ báo ở ngoài nước.

                        B. Những LÁ THƯ  trong và ngoài nước

                        C. Những tài liệu  PHÊ PHÁN 

                   D.  Những bài  BÌNH LUẬN . 

                    ( Sưu tập đây là sơ bộ, chủ yếu cho người đọc trong nước; mục đích để những người có ý kiến khác nhau nghe thấy tiếng nói của nhau , với  hy vọng có thể tiếp cận nhau mà bàn luận...)    

A. Lời giới thiệu trên một số  tờ báo ở ngoài nước.

 

1) Bulletin trimestrielle TIN NHÀ , N* 13 , Novemble 1993 , 54 avenue Léon-Blum ,92160 FRANCE .

 Tác phẩm mới :  Hà- Sĩ- Phu - Đôi điều suy nghĩ của một công dân       

            ' Lý lịch ' của tác giả để ngay ở đầu bài với tên, tuổi,  nghề nghiệp, chuyên môn , nơi ở . Hà Sĩ Phu ở đây trước hết  là  công dân  Nguyễn Xuân Tụ , sử dụng quyền công dân , nói lên ưu tư của mình trước hiện tình đất nước,từ quan điểm của một người làm khoa học. Tác giả gửi bài tiểu luận cho báo Nhân dân, Tuổi Trẻ, Tạp chí Cộng sản, Viện Marx-Lénine, Trường Nguyễn Ái Quốc... Chỉ một ' người gửi '  và' nơi gửi ' như vậy đủ nói lên thái độ của người trí thức. Và bài tiểu luận mặc nhiên mang tính cách của một chứng từ  mà TIN NHÀ thấy có bổn phận phải đưa tới bạn đọc, thân hữu và có trách nhiệm phổ biến rộng rãi, ít là tới ' những bạn bè quan tâm đến vấn đề lý luận ' như ý nguyện của tác giả.

   Những bài của Hà Sĩ Phu đều nhằm phê phán đường lối của Đảng cầm quyền và đề nghị lối thoát cho Việt Nam. Nhưng đặc điểm là tác giả dùng phương pháp khoa học và lý luận để rà soát đến tận gốc của vấn đề. Anh gọi là 'tư duy hệ thống'. Nói cách khác, anh đặt vấn đề một cách căn bản và toàn diện. Đi từ khoa học đến triết lý, đối chiếu Đông,Tây để suy nghĩ về bản chất con người và xã hội,về quy luật tiến hóa của nhân loại, từ đó đánh giá và vạch ra những sai lầm cơ bản của 'Chủ nghĩa Xã hội khoa học' .

     Đó là một công việc khá táo bạo và rộng lớn. Chắc khó tránh khỏi những sơ hở về lý luận cũng như trong nhận xét. Nhưng cũng là dịp để mọi người cùng nhau suy nghĩ, bàn luận. Đồng ý hay không đồng ý chưa quan trọng. Quan trọng là bỏ ra một bên những dị biệt, thù hận, chế ngự cảm xúc để có thể gặp gỡ và đặt vấn đề từ một quan điểm sáng sủa nhất : TRÍ TUỆ. Vì thật ra đối thoại là gì , nếu không phải là dắt tay nhau , ít ra cũng phải là bắt tay nhau, và dù có đấm đá cạnh tranh cũng vẫn tôn trọng  những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ  !   

2) Nguyệt san THÔNG LUẬN , số 65, tháng 11-1993, Association Vietnam Fraternité,  24 Square des Cottages, 91200 Athis-Mons, FRANCE.

 

SÁCH MỚI NHẬN ĐƯỢC-  Trân trọng giới thiệu  cùng quý độc giả :

                           * Hà Sĩ Phu :      Đôi điều suy nghĩ của một công dân.

       Nhà xuất bản TIN (54,Avenue Léon Blum, 93160 Antony, France) Paris 1993, 60 trang khổ lớn  A4 .

        Đây là TUYỂN TẬP một số bài viết của HÀ SĨ PHU ,gồm hai bài chính: "Dắt tay

nhau,đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ !" (đã đăng trên Thông luận số 60, tháng 5-1993) và "Đôi điều suy nghĩ của một công dân" (viết tháng 5-1993)được tác giả  ghi chú là tiếp theo bài "Dắt tay nhau" . Ngoài ra còn có một số bài khác ,như "Biện chứng  và Ngụy biện trong công cuộc đổi mới" và một số Câu đối , thơ ,và một bài phiếm luận nhan đề "Thằng Bờm". Lới tựa của nhà xuất bản TIN và của nhà thơ Bùi Minh Quốc (hiện cư ngụ tại Đà lạt) với nhan đề "Hà Sĩ Phu và tiếng nói của ông".

   Theo lời giới thiệu của Nam Long ở bìa sau, Hà Sĩ Phu tên thật Nguyễn Xuân Tụ ,

Phó Tiến sĩ Sinh học, sinh năm 1940 tại Bắc ninh, hiện cư ngụ tại Đà lạt (khu nhà tập thể của Viện Khoa học Việt nam, số 4E đường Bùi thị Xuân). Có thời kỳ ông làm phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Đà lạt của Viện Khoa học Việtnam,nhưng do đấu tranh với những việc làm không đúng trong khoa học của những người lãnh đạo,ông đã bị "vô hiệu hóa". Sau khi rời khỏi chức vụ, ông không được sử dụng theo đúng sở trường chuyên môn,nên phải cố gắng tự nghiên cứu trong những điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn. Hiện nay, để kiếm sống , bên cạnh công tác khoa học , ông còn phải đi làm bia thuê, nuôi nấm và...phụ bán quán, bưng phở...

3) TRĂM CON , N* 12 (VI-1993), CANADA.

LTS :  Hà Sĩ Phu được biết tới ở hải ngoại qua bài viết "Biện chứng và Ngụy biện trong công cuộc đổi mới". Bài này vạch trần sự ngụy biện của việc đồng nhất cái " lý tưởng XHCN" với cái thực tiễn xã hội đang có cho nên đổi mới mà không chấp nhận tự do tư tưởng và sinh hoạt dân chủ là giả dối. Bài này đã được đăng trên tạp chí Sông Hương số 31 tháng 8-9 /1989 và đăng lại trong tuyển tập Trăm hoa vẫn nở trên quê hương. Bài "Dắt tay nhau,đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuê"dưới đây của Hà Sĩ Phu xuất hiện trong nước vào năm 1988 và đã gây sôi nổi trong dư luận. Chúng tôi đã có ý định tìm kiếm văn bản này khi có cơ hội, nay nguyệt san Thông luận đã cung cấp cho chúng tôi một tài liệu quý, bàn đến những vấn đề của đất nước một cách thiết thực, TRĂM CON xin được đăng lại để phổ biến rộng rãi đến độc giả, xin cảm ơn tác giả và báo Thông luận.

4) DIỄN ĐÀN  FORUM , số 25(12-93) , Bp 50, 92340 Bourg-La-Reine, FRANCE.                                                   

                      Tài liệu :   HÀ SĨ PHU - Đôi điều suy nghĩ của một công dân. 

      Diễn Đàn nhận được bài viết Đôi điều suy nghĩ của một công dân ( tiếp theo bài Dắt tay nhau,đi dưới tấm bảng chỉ đường của Trí tuệ ) trong hè năm nay , chưa biết xử lý ra sao vì bài quá dài (47 trang đánh máy) thì nhận được tập phụ bản của báo Tin Nhà, in cả hai bài này và một vài văn bản khác của tác giả, cùng lời tựa của nhà xuất bản Tin và lời giới thiệu của nhà thơ Bùi Minh Quốc. Cả tập 60 trang in khổ A4 , giá bán 30 FF. Xin cảm ơn sáng kiến của Tin Nhà và trân trọng giới thiệuvới bạn đọc Diễn Đàn.

     Hà Sĩ Phu tên thật là Nguyễn Xuân Tụ, phó tiến sĩ Sinh học, công tác tại Viện Khoa học Việt nam (Đà lạt), nổi tiếng từ mấy năm nay qua bài viết năm 1988 Dắt tay nhau, đi dưới tấm bảng chỉ đường của Trí tuệ ,chưa bao giờ được xuất bản trong  nước nhưng đã hơn 30 lần bị đem ra "phê phán " trên các báo chí của đảng cộng sản Việt Nam !Đôi diều suy nghĩ...là phần tiếp theo của Dắt tay nhau...,trong đó tác giả trình bày những quan điểm triết học của mình về "bản chất con người và xã hội " ,về "quy luật tiến hóa xã hội ", về " tính cách Việt Nam" , và vài suy nghĩ về "lối ra" cho tình hình hiện nay.

 H.V.

5) THẾ KỶ 21 - tháng giêng 1994 - Westminster , CA 92684 , USA.

   ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ CỦA MỘT CÔNG DÂN , tuyển tập VĂN và THƠ  củaHHÀ SĨ PHU . Phụ bản Tin Nhà, nhà xuất bản Tin, Paris ,1993. Sách dày 60 tran  (khổ lớn) .

     Hà Sĩ Phu tên thật là Nguyễn Xuân Tụ , sinh năm 1940 tại Hà Bắc, phó tiến sĩ Sinh học ,từng làm việc tại Viện Khoa học Việt Nam, hiện...làm bia thuê, nuôi nấm và bán quán ,để sinh nhai .

     Tập sách mỏng nói trên gồm 3 bài viết lớn và một số giới thiệu, chú thích,dẫn giải, kèm theo một phụ lục những thơ và câu đối đầy ắp tư tưởng.

     Là người làm công tác khoa học , Hà Sĩ Phu trình bày vấn đề trong các bài viết của ông thật rành mạch,hợp lý (chữ miền Bắc quen dùng :lôgích). Nhưng không khô khan , vì đề cập những điều rất thiết thực, rất sát với đời sống mỗi người ViệtNam.

    Sở dĩ gọi " 3 bài viết lớn " vì những bài đó đã và đang gây tiếng vang lớn,rất lớn, cả ở trong lẫn ngoài nước.Điều trớ trêu là tiếng vang lớn ,mà âm gốc để tạo ra tiếng vang đó lại ít được biết đến : những bài viết của ông không được xuất bản . Nếu có, cũng không đầy đủ. Người ta biết đến tên ông, và "nghe nói" đến những bài viết qua hàng.. ... chục bài phê bình, đả kích đăng trên các báo (và sách nữa) ở trong nước.

   Nhà xuất bản Tin ở Paris có công thu thập những bài đó, in thành tập sách, và đó là tập sách cần có, phải có, trong các tủ sách của mỗi gia đình người Việt còn ưu tư  đến đấtnước, dân tộc. Một đoạn giới thiệu cỏn con trên trang báo này không đủ  nói hết những điều cần nói về Hà Sĩ Phu và những suy nghĩ của ông.

Liên lạc : ( Ở Pháp ) NXB Tin , 54 Ave. Léon Blum , 92160 Antony

 ( Ở Mỹ ) Thế Kỷ , P.O.Box 2054 - H39 - Westminster , CA 92684    

           B. Trích  những lá thư trong và ngoài nước.

1) Thư của Hội Nhà văn Việt nam :  

Hà nội ngày 4 tháng 7 năm 1989

Kính gửi  đồng chí Hà Sĩ Phu ! Ban chuẩn bị Đại hôi Nhà văn lần thứ  4 đã nhận được bài phát biểu của đồng chí  " Dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ " .Chúng tôi hoan nghênh sự tìm tòi mạnh dạn của đồng chí về những vấn đề xã hội đang rất nóng bỏng cũng như tấm lòng của đồng chí đối với Đại hội Nhà văn Việt nam sắp tới . Tuy nhiên thời gian ở Đại hội hạn hẹp sẽ rất khó có điều kiện để trình bày bài phát biểu này.Xin đề nghị với đồng chí gửi cho các tạp chí, các báo để bài phát biểu của đồng chí được ra mắt trước bạn đọc rộng rãi. Kính chúc đồng chí sức khỏe, tiếp tục những công trình nghiên cứu mới đóng góp cho đất nước.

        TM/Ban chuẩn bị Đại hội Nhà văn lần thứ 4

                                                                                    Xuân Thiều ( đã ký )                             

 

2) Thư của Tạp chí SÔNG HƯƠNG :   

                                                                                                Huế ngày 24 tháng 4 năm 1989

         Kính gửi anh Hà Sĩ Phu ! Chúng tôi đã nhận được bài "Dắt tay nhau..." của anh .

Đây là một bài viết tốt,thẳng thắn,mạnh dạn và trung thực, chắc chắn sẽ được bạn đọc ủng hộ. Chúng tôi sẽ sử dụng bài viết này trong số tới ( 39 ) (*) .Vậy chúng tôi kính báo để anh biết. Chúc anh khỏe, đóng góp cho SÔNG HƯƠNG chúng tôi những bài viết khác của anh.

_______________________TM Ban Biên tập, Biên tập viên Vương Hồng Nam.   (*)              Nhưng rồi Sông Hương  39 không đăng được bài này, phải thay bằng bài Biện chứng và Ngụy biện  trong công cuộc đổi mới !      

 

3) Thư của nhà văn Ma văn Kháng : 

                                                                                             Hà nội ngày 15/6/89

        ...Trong hoàn cảnh hiện nay, bài "Dắt tay nhau..." quý giá ấy, cố gắng ra được  ở những tờ báo, chưa cần là những chốn công luận có danh tiếng, là tốt và cần ...Mình nghĩ...đã làm sao sài nổi thức ăn siêu đẳng này ?Nói vậy thôi, ta vẫn cứ nên chờ...,Hay là cứ gửi thẳng bài ấy tới Tạp chí Cộng sản ?...

 

16/9/93 : Bài "Đôi điều suy nghĩ..." mình đọc ngay trong đêm đầu tiên nhận được.

Tuyệt ! Sâu sắc,có hệ thống logic chặt chẽ và lập được thành một lý thuyết ; ngoài ra là sự kín kẽ, chu đáo, trọn vẹn lý tình...

 

4) Thư của Chính Nghĩa (không rõ địa chỉ) :

                                                                                     Hà nội ngày 24 tháng 10 Quý dậu                                                                       

...Tôi được đọc bài "Đôi điều suy nghĩ..." đầy tâm huyết của anh theo con đường không chính thức và trao đổi với một số anh em trí thức, đã đi đến thống nhất nhận định rằng đây là một bài viết đầy nghiêm túc, có tinh thần xây dựng rất cao và rất văn hóa.Đấy là chưa tính đến khả năng là một công trình có tầm thế kỷ, một công trình có thể đi đến một bước ngoặt đổi đời cho cả 70 triệu sinh linh ,nếu được chấp nhận.                                                                          

   Tuy nhiên cần có những bước làm cơ bản và chắc chắn,  và cũng cần xem xét một số luận điểm và xu hướng. Mong có dịp tôi sẽ trình bày với anh sau. Nhưng trước mắt, theo tôi anh nên in thêm 2 bản, một gửi cho Tổng bí thư Đỗ Mười, một gửi Ủy ban Khoa học xã hội, cuối thư anh đề nghị cho mở hội thảo và cho chủ đề tài được mời một số khách tham gia hội thảo...

 

5) Thư của ông Hoàng phú Lộc, Springvale, Australia :

                                                                                                                Ngày 5/2/94

...Tôi chưa hề hân hạnh để quen biết ông. Nhưng điều này không hề là một cản trở đối với lòng ngưỡng vọng của tôi đối với ông. Bởi vì, trong chúng ta, mọi người Việt, ai mà không yêu mến và ngưỡng vọng một Nguyễn Trường Tộ, một Bùi Viện ngày xưa ?Mà Hà Sĩ Phu là một Trường Tộ ngày nay.Xin ông mãi mãi có một tấm lòng Nguyễn Trường Tộ.Cầu xin tổ tiên chúng ta gìn giữ ông mãi mãi...

 

6) Thư của ông Nguyễn Giao, San Diego, USA :

                                                                                            Ngày 10 tháng 4, 1994

        Tôi có dịp được đọc hai bài anh viết mà các thân hữu ở Paris ấn hành ( "Đôi điều

suy nghĩ của một công dân " ). Hai bài viết rất công phu, nội dung đã làm cho tôi phải suy nghĩ dù đã đọc đến cả 5 lần. Chúng tôi ở xa đất nuớc, rất hâm mộ những  tư tưởng cấp tiến như của anh...

 

7) Thư của ông Vũ văn Thanh , nguyên Chủ nhiệm bộ môn Mác-Lê trường Đại học

Dược khoa Hà nội :

                                                                                                      Hà nội 24/11/88.

       Chiều qua mình nhận được thư và bài viết của Tụ. (bài "Dắt tay nhau..." ).Vừa thú vị vừa kinh ngạc.Thú vị vì câu đối viếng đồng chí Trường Chinh (*) ,có dịp lên Viện Mác-Lênin mình sẽ đưa cho anh Đặng xuân Kỳ, trưởng nam của đồng chí Trường Chinh ; câu đối hay lắm, khái quát được cả cuộc đời, mà chữ nghĩa thì đúng nhà câu đối ! Kinh ngạc vì mình không ngờ Tụ lại có những ý tưởng rất sâu sắc về một lĩnh vực vốn không phải của mình.Đó chính là Trí tuệ.Người ta có thể có trí thức, là người trí thức, nhưng có trí tuệ lại là chuyện khác.

 

   Đứng trước hiện thực của đất nước và của thế giới XHCN, những người có lương tri ai mà không phải suy nghĩ, mà những người như thế thường có một tâm trạng rất phức tạp : bất lực,ngậm ngùi, thương cảm, tủi nhục...nhưng lại không chịu khoanh tay trước những thách đố mà hiện thực đã phơi bày ra trước mắt mọi người  một cách không che đậy gì nữa. Phải lý giải mọi nghịch lý,nếu không thì sống  không yên được. Mình cũng đang viết dở một công trình cho mình và cho sinh viên và cho những ai thấy cần trao đổi, tạm lấy tên là : "Phương pháp luận nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin trong tình hình đổi mới lý luận"...

......mình thấy cải tổ ở Liên xô cũng như đổi mới ở ta còn bất cập lắm, ấy là nói trên lĩnh vực tư duy lý luận. Nghĩ như vậy thật là to gan.Lại còn dám viết...Viết đến đây mình phải tủm tỉm cười một mình khi nghĩ đến Xuân Diệu "thà một phút huy hoàng rồi chợt tối, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm". Đời thế đó. Thời nào cũng có những đầu óc mơ mộng như vậy...                                                                            

...Vận mệnh của chủ nghĩa Mác-Lênin đang đặt ra, nó cần chứng minh tính khoa học và sức sống của mình không phải bằng kinh viện mà trong hoạt động thực tiễn của loài người hiện đại đang có trong tay mình cả một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật có tính huyền thoại hiện nay. Đặt vấn đề như thế,mình sẽ góp một số ý về bài viết rất hay của Tụ , với tinh thần là muốn Tụ tiếp tục suy nghĩ, viết và trao đổi:

- Các trang 1,2,3,4 rất hay ( bài "Dắt tay nhau..." 10 trang đánh máy ) , từ trang 5 đề cập đến vấn đề giai cấp thì nên sử dụng quan điểm của Mác về lịch sử loài người là lịch sử các hình thái Kinh tế-xã hội nối tiếp nhau,trong đó cái quyết định là lực lượng sản xuất mà cái lõi của lực lượng sản xuất là công cụ lao động, cái này gắn liền với con người và kỹ thuật do con người sử dụng ; cái gì cản trở nó thì nó sẽ phá vỡ theo quy luật phủ định biện chứng, chứ nó không phủ định sạch trơn...

- Muốn gỡ rối về lý luận, theo mình, không thể không đặt ra vấn đề thời đoạn của chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác có 3 giai đoạn : Mác , Mác Lênin , Sau Mác Lênin ( hiện nay) . ..

- Các trang sau phân tích rất hay, kèm theo một sơ đồ hệ thống rất sáng rõ tư tưởng người viết. Chỉ thêm gợi ý về tha hóa và quá trình tha hóa của con người hiện nay trong xã hội ta, mà hầu như ở trang nào cũng đã đề cập đến tuy không lấy tiêu đề là tha hóa. Mác phân tích rất sâu sắc sự tha hóa của giai cấp công nhân dưới chủnghĩa

Tư bản, mình sử dụng luận điểm đó để phân tích sự tha hóa trong xã hội ta .Nó không loại trừ bất kỳ ai, bất kỳ giai cấp nào : hệ thống đang làm tha hóa con người, con người chỉ tìm lại được chính mình khi tách ra khỏi hệ thống đó.Trong hệ thống đó ai cũng là thủ phạm đồng thời là nạn nhân, và thế là hòa cả làng, chẳng ai cảm thấy xấu hổ nữa, do đó càng trở nên ty tiện và tham lam hơn.

    ...Mình không ngán đời vì mình luôn có ý thức chống sự tha hóa để đem lại một cái gì đó cho đời ! Mới hay quy luật của muôn đời là "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" , đó là sự tự ý thức một cách tích cực của con người trong quá trình tha hóa và chống tha hóa . Đó là một thái độ kiểu Khuất Nguyên - hiện thực chứ không kinh viện-... Một học thuyết mới , nhưng đó là của những thiên tài , chứ không phải của số cộng những trí thức . Lịch sử đang kiên nhẫn chờ đợi một thiên tài như thế !...                                                                    -------------------------------------------------------------

(*) Câu đối của Hà Sĩ Phu viếng Chủ tịch Trường Chinh :  Một đời cách mạng  -  vần thơ đỏ   

                                                                                 Hai cuộc trường chinh- lớp sóng hồng

Sóng Hồng là bút danh của chủ tịch Trường Chinh . Câu đối có thể đọc ngược thành :

                                                                                 Vần thơ   đỏ   một đời cách mệnh !

                                                                            Lớp sóng  hồng  hai  cuộc trường chinh !

                                                                                                                                     

   C .  Danh mục những tài liệu phê phán bài " Dắt tay nhau..." :

( Những tài liệu này tổng cộng dài hàng trăm trang , nhưng điều thuận lợi cho việc tham khảo là  đều đã chính thức in và phổ biến rộng rãi  trong nước , nên ở đây tạm thời chỉ ghi

danh mục và xuất xứ những tài liệu chính )                                                                                           

1)   "Tấm biển chỉ đường" lộn ngược.

                                                       Thuận Thành , báo Nhân Dân ngày 25/6 và 26/6/1990.

2)   Đâu là cái nhìn tinh tường hơn Mác?

                                                       Thuận Thành , báo Tuổi Trẻ ngày 30/6 và 3/7/1990.

3)   Cái gì quyết định sự tiến hóa của nhân loại ?

                                       Lưu văn Kiền , báo Quân đội Nhân dân ngày 9/7 và 10/7/1990.

4)   Dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ là đi theo sự lãnh đạo đúng đắn của giai cấp công nhân và  đảng Cộng sản.

                                                       Quang Cận , báo Nhân Dân ngày..

5)   Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là kim chỉ nam của chúng ta.

                                Nguyễn văn Trung,phó Gs.triết. Tạp chí Giáo dục lý luận số 6 / 1990.

6)   Về cái gọi là "nghịch lý" của chủ nghĩa xã hội.

                                                       Hồ Văn . Tạp chí Giáo dục lý luận số 6 / 1990.

7)   Để tìm ra cái "điểm nút" trong mớ bòng bong.

                                                        Đỗ khánh Tặng. Tạp chí Giáo dục lý luận số 6 / 1990.

8)   Về cái gọi là "duy lý" và "duy lợi" .

                                                        Như Anh . Tạp chí Giáo dục lý luận số 6 / 1990.

9)   Trí tuệ và đấu tranh giai cấp trong lịch sử tiên hóa của nhân loại.

                                                       Lưu Văn. Tạp chí Giáo dục lý luận số 7 / 1990.

10)   Về vấn đề đấu tranh giai cấp.

                                                       Hoàng Văn. Tạp chí Giáo dục lý luận số 7 / 1990.

11)   Nêu cao tính chiến đấu chống mọi hoạt động phá hoại về tư tưởng.

                                              Ban văn hóa-tư tưởng Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam.

12)   Đề cương giới thiệu Dự thảo cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời

        kỳ quá độ. (trang 31).

                                                       Đào duy Tùng . Tài liệu lưu hành nội bộ.

13)   Về người trí thức trong " Đám cưới không có giấy giá thú ".

                                                      Lê thành Nghị . Báo Nhân Dân ngày ..

14)   Chủ nghĩa Duy lý đã lỗi thời .

                                                      Tạp chí Thông tin lý luận.

15)   Giới trí thức và vấn đề nhận thức trong chủ nghĩa xã hội (Trao đổi với tác giả

        bài "Dắt tay nhau..." ).

                                                    Vũ nhật Khải , PTS triết học . Tạp chí Cộng sản số 11-1990.

16)   Chủ nghĩa Mác-Lênin và học thuyết đấu tranh giai cấp trong bước đầu lịch sử

        cách mạng Việt nam.

                          Lê Sỹ Thắng , phó Giáo sư Viện Triết. Tạp chí Triết học số 3 tháng 9-1990.                                                                    

17)   Cơ sở của sự nhận chân các giá trị .

                            Nguyễn văn Huyên , PTS triết học . Tạp chí Triết học số 3 tháng 9-1990.

18)   Khủng hoảng , nghịch lý và một số bài học về nhận thức khoa học .

                                        Vũ văn Viên , PTS triết học  . Tạp chí Triết học số 3 tháng 9-1990. 

19)   Cái gọi là "Tấm biển chỉ đường của Trí tuệ" đi ngược với tư duy biện chứng

        của lý trí .

                                        Trần Đức Thảo , Giáo sư triết học . Tạp chí Cộng sản  số 2 /1991.                                                                     

20)   Học thuyết Mác-Lênin và thời cuộc .

                                            Nhiều tác giả , nhà xuất bản Sự thật , 1991 .

                                                                            ...vân...vân...                                                           

Ghi chú :       Thuộc phía những ý kiến phê phán , cần ghi nhận lời ông Nguyễn văn Giản

( đồn trưởng đồn Công an Lê đại Hành, Hànội ) phát biểu trước ông Hoàng Minh Chính, nguyên Viện trưởng Viện Triết : " Thằng Hà Sĩ Phu , khoa học cái gì ! "                                    

( Theo Thư ngỏ của ông Hoàng Minh Chính ngày 10-12-1993) . Kết luận này không thể là của cá nhân ông Giản , qua đây ta hiểu rõ thêm ý kiến chính thống.

.

.

     D .  Những bài bình luận khác , ở trong và ngoài nước :

1) Hà Sĩ Phu và tiếng nói của ông . (Bùi Minh Quốc).

 

( Trích ) :     Từ ít năm nay,bạn đọc bắt đầu chú ý đến cái tên Hà Sĩ Phu xuất hiện lác đác trên báo chí với một số bài chẳng hạn như THẰNG BỜM (Văn nghệ, tháng 4 -1990) BIỆN CHỨNG VÀ NGỤY BIỆN TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI (SôngHương,1989)...  và một số câu đối đăng rải rác đây đó vào các dịp Tết.

   Nhưng cái tên Hà Sĩ Phu gây chú ý hơn cả (trước hết trong giới trí thức) là với bài viết chưa được in, chỉ chuyền tay qua bản đánh máy hoặc sao chụp, mang tựa đề DẮT TAY NHAU, ĐI DƯỚI NHỮNG TẤM BIỂN CHỈ ĐƯỜNG CỦA TRÍ TUỆ   trong đó tác giả tập trung phê phán Chuyên chính Vô sản.

  Hà Sĩ Phu là ai mà to gan lớn mật làm vậy? Dám phê phán chủ nghĩa Mác-Lênin,lại phê ngay vào cái  'hòn đá tảng' của chủ nghĩa,một việc làm có thể phải gánh chịu những tai họa ghê gớm.

  Nếu sự ghi nhận của tôi không lầm thì ở nước ta - trên miền Bắc sau 1954 và trên cả nước sau 1975-  Hà Sĩ Phu là người đầu tiên bằng giấy trắng mực đen dám đụng vào 'vùng cấm chết người' này.

   Trong con mắt của không ít người đây là một việc làm láo lếu động trời đến mức có lúc người ta nghĩ rằng Hà Sĩ Phu không thể là một cá nhân đơn độc mà phải là một nhóm có mưu toan chính trị ngông cuồng.

 

    ...Sau khi bị ' nện ' bởi gần ba chục bài kể cả bài trong tài liệu chính thức từ cấp cao,sau khi gặp sự phiền hà với Bộ Nội vụ vì đến thăm nhà văn Dương Thu Hương tình cờ đúng lúc chị bị bắt, ông vẫn cứ lì lợm ngồi vào cái bàn gỗ mộc ngổn ngang những chai lọ ống nghiệm trong căn phòng chật chội thiếu ánh sáng mà tiếp tục trải lên trang giấy những suy nghĩ của mình. Ấy là " ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ CỦA MỘT CÔNG DÂN " ( tiếp theo bài DẮT TAY NHAU, ĐI DƯỚI NHỮNG TẤM BIỂN CHỈ ĐƯỜNG CỦA TRÍ TUỆ ) .

    Sự ương bướng lì lợm của ông còn bắt nguồn từ một cảm thức trách nhiệm, cảm thức tội lỗi trước số phận éo le và bi thảm của dân tộc ta, và cũng không chỉ riêng dân tộc ta. Cái cảm thức ấy chắc chắn tất cả những người trí thức nếu còn là trí thức chân chính, tất cả những người cộng sản nếu còn là cộng sản chân chính không thể không thấy ngày đêm đè trĩu lương tâm mình.

   Hơn một tỷ rưỡi người trên hành tinh này, phần đông là những người cùng khổ thất học và một số không ít trí thức, thậm chí là trí thức lớn của nhân loại cả Đông lẫn Tây, với lòng phẫn nộ sâu xa trước điều ác và niềm khao khát vô bờ về điều thiện, về bình đẳng dân tộc và công bằng xã hội , đã nhiệt thành đi theo chu nghĩa Mác-Lênin, "chủ nghĩa xã hội khoa học", nhiệt thành chấp nhận hy sinh hàng núi xương sông máu để rồi xây nên một hệ thống kinh tế và chính trị phản quy luật ,đối nghịch với sự phát triển, đối nghịch với tính người . Sự sụp đổ của các chế độ xã hội chủ nghĩa ở  Đông Âu, rồi Liên xô -thành trì cách mạng thế giới- là một bằng chứng hiển nhiên về sự trừng phạt khắc nghiệt lạnh lùng của quy luật .

    Trước tấn bi kịch khổng lồ này, chỉ là người còn một chút suy nghĩ, một chút yêu nước, yêu dân,yêu người cũng phải thấy cần ngồi ngay lại với nhau, đặt lên bàn cái chủ nghĩa ấy mà cùng xem xét lại.

    Chúng ta đã hằng đinh ninh rằng "chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn năm" !Nếu đến nay còn đinh ninh như thế,ắt ta chẳng sợ bất cứ địch thủ nào trong một cuộc phân tích phê phán công khai và dân chủ đối với chủ nghĩa !

    Vả lại lợi ích dân tộc luôn cao hơn mọi chủ nghĩa là cái vốn thuộc phạm vi ý thức của các cá nhân,các nhóm người trong cộng đồng dân tộc và nhân loại. Không thể tiếp tục đưa cả nhân loại vào cuộc thử nghiệm cho một chủ nghĩa mà sự phá sản trên thực tế đã quá rõ ! Tiếp tục cuộc thử nghiệm ấy bất luận vì động cơ gì là một tội ác không thể tha thứ !

       Nếu Đảng Cộng sản Việt nam đặt lợi ích dân tộc lên trên hết ắt Đảng sẽ sẵn sàng chờ đón,hoan nghênh sự đóng góp ý kiến của mọi người  đối với chủ nghĩa của Đảng ! Và nếu qua cuộc thảo luận ,tranh luận mà đi tới được sự chứng minh một cách thuyết phục rằng theo và áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin , chủ nghĩa xã hội là không yêu nước thì chắc chắn Đảng phải chọn Tổquốc chứ không thể chọn chủ nghĩa! Trình bày những suy nghĩ tâm huyết ấy của mình, tác giả Hà Sĩ Phu không làm gì khác hơn là tham gia cuộc thảo luận này, một cuộc thảo luận không thể không tiến hành nếu lợi ích dân tộc còn được đặt lên trên hết !

                                                                                                        B.M.Q. 19-8-1993

 

2) Hà Sĩ Phu và cuộc cách mạng bị đánh tráo ( Thanh Thảo ).

 

 ( Trích ) : ...Hà Sĩ Phu đã lặng lẽ đưa ra những bài viết của mình như những liều thuốc : thuốc tẩy, và vào loại cực mạnh.

   Có lẽ ban đầu Hà Sĩ Phu ,một nhà Sinh học ,cũng chỉ nghĩ những bài viết của mình là những kiến nghị, những phát biểu khiêm tốn của một công dân ưu thời  mẫn thế, còn nhiệt tình đóng góp, và phải thốt lên vì không đừng được, theo kiểu những nhà thơ hay nhạc sĩ lúc gặp hứng. Thế nhưng ,dần dà, có lẽ do nghiền ngẫm "hiện thật" , do đêm uống nhiều trà Bảo lộc hay bị muỗi đốt, không ngủ được, cộng với cách tư duy của một nhà khoa học, chuộng sự khách quan và ưa hệ thống, Hà Sĩ Phu đã đưa vào các bài viết của mình, ngoài phần gan ruột thực tình, ngoài nỗi đau nỗi lo như sờ thấy được, còn là những phát kiến, những suy luận hệ thống, và xuyên qua đó, là những dự báo. Chắc hẳn Hà Sĩ Phu chưa bao giờ nghĩ mình là nhàTriết học, anh chỉ muốn làm công tác khoa học trong lĩnh vực chuyên môn của mình, nếu như không có...

   Vâng,nếu như không có ...cuộc cách mạng bị đánh tráo ! Nếu như không cónhững "người dân nghèo thấp cổ bé họng sẽ bị cả hai cơ chế ràng buộc , kẻ có quyền có tiền sẽ lợi dụng được cả hai cơ chế để chơi tro 'bật tường' hoặc tro 'ú tim' , lúc núp dưới cơ chế này, lúc núp dưới cơ chế kia, không luật pháp nào trị nổi ! ".    Ở đây Hà Sĩ Phu đang nói tới " một hình thái Kinh tế-Xã hội mà hạ tầng là KINH TẾ THỊ TRƯỜNG và thượng tầng là XÃ HỘI CHỦ NGHĨA" , nghĩa là  "cùng một lúc xã hội chịu sự chi phối của hai cơ chế ngược nhau, lúc nào cũng chỉ 'rình' để phủ định nhau, và nếu kết hợp với nhau thì còn nguy hiểm hơn ! ".      

       Đó không phải là " mâu thuẫn biện chứng" mà là một nghịch lý đau lòng : " tất cả những cái mà CNXH khoa học muốn tránh thì chúng lại đang lù lù tiến đến, mặc dù ta không muốn công nhận. Đáng chú ý nhất là sự  sử dụng QUYỀN LỰC CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN  va CƠ CHẾ XHCN  để tích lũy tư bản , đây là điều kiện cực kỳ bất lợi cho người lao động nghèo, trước hết ở các lĩnh vực phi nông nghiệp,sau sẽ lan đến lĩnh vực nông nghiệp. Người lao động nghèo sẽ có cảm giác mình là đấu thủ đã yếu lại bị trọng tài  'giữ tay'(!), là đứa con bị chính bố mình trói lại cho thằng hàng xóm đánh túi bụi (!). Đang đi đến tình trạng : người đứng ra đại diện cho công nhân lại là người của phía chủ (!)( Đây là chủ thực, còn công nhân chỉ là chủ danhnghĩa). Và Hà Sĩ Phu đi đến một kết luận không thể khác : "Cuộc cách mạng bị đánh tráo và giai cấp vô sản tay trắng  là giai cấp bị phản bội trước tiên ! ".                                              

 

      Thực tế đã và đang diễn ra, bất chấp những ngôn từ hoa mĩ hay những cách che chắn điệu nghệ nào. Công nhân 'làm chủ' cho chủ trong nước đã khổ, làm thuê cho chủ nước ngoài (trong điều kiện như ở xã hội Việt nam) còn khổ hơn gấp bội. Và họ đã bắt đầu đình công nếu không muốn cam chịu bị bóc lột đến tận xương.

     Làm gì để bảo vệ người lao động, bảo vệ giai cấp CÔNG & NÔNG vốn là động lực của cách mạng, đã và đang được hết lời ca ngợi nhưng cũng đã và đang lún sâu vào cảnh bần cùng, thất nghiệp, bị 'thành thị hóa' theo kiểu 'lưu manh' ? Làm gì để những người lao động không bị ' làm chu ' như vậy nữa, đơn giản họ chỉ mong được làm người !...

 

    Nhà Triết học thì luôn phải khách quan, chỉ lần đến quy luật, không hề biết đến những vui buồn giận ghét hay đau xót tủi hổ ? Hà Sĩ Phu không như thế . Hay anh là một nhà Triết học kiểu mới ...

   ...Bởi duy sự thật ,nói lên sự thật ,nói lên quy luật , nhà khoa học tự nhiên  Ga-li-lê cũng đã là một nhà Triết học kiểu mới !

   Tôi không phải người lạc quan , nhưng tôi tin vào quy luật . Chắc Hà Sĩ Phu cũng có một niềm tin như thế . Tôi còn tin : Đã là sự thật ắt phải được nói ra,không từ miệng  người này thì từ miệng người khác. Như cái kim trong bọc, không tòi ra lúc này thì tòi ra lúc kia . Như quả cây không bị cưỡng bức sẽ dần chín dưới nắng mặt trời !Và một dân tộc ,muốn tồn tại ,không thể không có nền triết học của mình ,không thể không có những nhà Triết học của mình ! Tôi vẫn tin.

                                                                                                 Th.Th.  ( Chạp , Quý dậu )

 

3) Tác phẩm mùa thu : DẮT TAY NHAU ... (Nguyễn-Hữu Tấn-Đức)

Tin Nhà số 14 , Février 1994 .

 

( Trích ) :       ...Công dân Tú Xuân đơn thương độc mã, không ô dù, trải bày trên giấy

trắng mực đen đôi điều suy nghĩ của mình về những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Ông kêu gọi những bạn bè quan tâm đến vấn đề lý luận hãy dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ... Thường chỉ thấy các em thiếu sinh dắt tay nhau đi ăn kem,coi hát , hoặc tung tăng dắt tay nhau cắp sách 'đến tràng'...các cô cậu hớn hở dẫn nhau đi tắm biển Vũng Tàu,ngắm trăng Đà lạt , còn trịnh trọng hơn thì các bà các cụ bệ vệ dìu dắt nhau đi trẩy hội Chùa Hương...Ai đời lại dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường...,khác nào mấy chú bộ độ ngơ ngác vừa đổ bộ vào Sàigòn hoa lệ , hay mấy chàng 'boat-people' ngớ ngẩn trên đường phố quận Cam ! Mà biển chỉ đường của Trí tuệ là cái gì chớ ? Cả lối suy tư lẫn ngôn ngữ hình như chưa từng thấy trong truyền thống văn hóa và chính trị của người Việt . Đàng sau kiểu lý luận khô khan , lối hành văn chắc nịch , thỉnh thoảng thấy nhói lên một cơn phẫn nộ được đè nén,  leo lét một tia hy vọng...

 

4) Từ những " nghịch lý " xã hội chủ nghĩa của Hà Sĩ Phu đến những ngụy biện của các quan chức Đảng Cộng sản ViệtNam

Vũ thiện Hân - Thông luận 62 , tháng 7 +8 .1993

 

      Tôi thường không thích đọc các bài lý luận về xã hội chủ nghĩa như loại bài đăng trong Tạp chí Cộng sản , nhưng đúng là "ghét của nào trời trao của nấy" , anh bạn chủ nhiệm, cách đây hơn một tháng, trao cho tôi một tập tài liệu dày từ bên nhà gửi sang, gồm một số bài đả kích tiểu luận của Hà Sĩ Phu. Anh nói phải giới thiệu các bài này với độc giả . Thế là trong một tháng trời tôi ráng đọc cho hết, cho thật kỹ gần bảy chục trang để làm tròn công việc này .

 

     Khó khăn lớn đối với tôi là phải giới hạn trong khuôn khổ một bài báo ngắn. Nếu viết dài thì không những phiền cho ban biên tập vì thiếu chỗ đăng , hơn nữa có thể là sẽ không có người đọc vì tình hình trên lĩnh vực tư tưởng đã rõ ràng, hiển nhiên sau khi khối Liên xô tan rã . Bàn về những cái sai trái hay lố bịch của các bài viết đề cao chủ nghĩa Mác-Lênin của các cán bộ làm công tác tư tưởng cho Đảng thì thật dễ dàng , nhưng thiết nghĩ không có ích lợi gì . Do đó tôi xin sẽ không bàn luận đến các vấn đề như là đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản , nguyên tắc tập trung dân chủ , vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản , quy luật của chủ nghĩa Mác-Lênin ... mặc dù đó là nội dung , là căn bản lý luận của các bài viết đả kích Hà Sĩ Phu . Tính chất kinh điển,giáo điều và lỗi thời của các lập luận về những đề tài trên, tôi nghĩ người Việt Nam chúng  ta đã biết rõ vì đã phải nghe đi nghe lại qúa lâu và quá nhiều rồi .Có một điều tôi khó tưởng tượng được là những bài đó được viết vào những năm 90-91 , nghĩa là vào lúc Liên xô chưa sụp đổ nhưng khủng hoảng trong khối XHCN đã trầm trọng và chống đối của nhân dân các nước sống dưới chế độ Cộng sản là điều không thể phủ nhận được . Phải chăng ngay những quan chức lo về tư tưởng vào thời đó cũng không được biết hết tình hình bên ngoài ,hay họ cố tình nói dối để bảo vệ chế độ ?

 

     Để bài giới thiệu được rõ ràng , tôi xin lần lượt tóm tắt những ý chính bài viết của Hà Sĩ Phu cũng như của những người đả kích ông .

 

Trong bài viết Hà Sĩ Phu đã nêu lên chín nghịch lý của XHCN hiện thực ở Việt Nam :

 

   - Hệ thống "dân chủ gấp triệu lần" lại vướng mắc chính vấn đề dân chủ !

   - Hệ thống tiêu biểu cho Sự thật ( có các nhà xuất bản Sự thật, và chúng ta thường nói chỉ chúng ta mới có dũng cảm nói sự thật ) thì đang phải cố chữa cho được bệnh nói dối !

  - Hệ thống tiêu biểu cho triết học duy vật lại là điển hình của bệnh duy ý chí !

  - Hệ thống ưu việt (tức là tốt vượt hẳn lên) , tiêu biểu cho sự giải phóng Con người

thì lại không ưu việt về quyền Con người , luôn bị chỉ trích về quyền Con người !

  - Hệ thống tiêu biểu cho sự đề cao những giá trị tinh thần thì lại "xuống cấp những giá trị đạo đức" , đang cần làm lành mạnh trở lại những quan hệ xã hội và gia đình !

  - Hệ thống tiêu biểu cho tính nhân loại , tính tập thể thì lại xuất hiện nhiều ví dụ về tệ sùng bái cá nhân , tập trung quyền lực vào tay một người , lấy một người thay cho tất cả !

  - Hệ thống tiêu biểu cho sức sáng tạo của trí thức (xem "định nghĩa" của Lênin về chủ nghĩa Cộng sản và người Cộng sản) thì vấn đề trí thức lại cứ cộm lên như một hạt nhân của toàn bộ cái hiện thực cần phải cải tổ !

  - Chúng ta vẫn nói sự thắng thua giữa các chế độ rốt cuộc là ở năng suất lao động. Ta luôn nói về những 'thắng lợi to lớn' nhưng chính về năng suất lao động thì ta lại thua quá xa !

  - Hệ thống xã hội chủ nghĩa được mô tả là đầy sức sống , còn chủ nghĩa tư bản thì đang "giẫy chết" . Vậy mà , trong tất cả những trường hợp quốc gia bị chia cắt làm hai thì dù chia theo kiểu nào , nửa thuộc phía "giẫy chết" cũng có năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tốt hơn nửa kia !

 

       Sau những nghịch lý trên ,tác giả đã trích dẫn các giải thích kinh điển để nói rằng  những giải thích đó không đủ , không đúng , nên cần xem lại cả cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin . Hai luận điểm chính Hà Sĩ Phu đề cập tới trong bài viết của ông là con đường đấu tranh giai cấp và công cụ chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mác-Lênin .

 

    Về điểm thứ nhất Hà Sĩ Phu quan niệm rằng sự phân chia giai cấp theo Mác không bao hàm được hết xã hội ,vì chỉ dựa trên những tiêu chuẩn kinh tế , nghĩa là về quyền lợi ; trong khi Con người có ba căn cứ để xác định thái độ và hành động : tri thức , lòng tin và quyền lợi ! Ba yếu tố đó có khi tương phản , có khi thống nhất, phản ánh bản chất đa dạng của Con người . Tùy mức độ cao thấp của ba yếu tố đó, tác giả chia những con người trong xã hội thành "duy lý", "duy tín", hay "duy lợi" . Từ đó, qua phân tích tác giả nghĩ rằng nguyên nhân của nhiều nghịch lý XHCN là do tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp , để "duy lợi" lên trên "duy lý", nghĩa là để quyền lợi lên trên tri thức .

    Hà Sĩ Phu đưa ra rất nhiều ý kiến (phần nhiều trái ngược với quan điểm Mácxít) về tiến trình của lịch sử ( do gia tăng tri thức ) , về thực chất của cách mạng ( nâng cao chứ không chỉ lật đổ,cào bằng ) , về lý do "hủ hóa" của lãnh đạo ( thiếu tri thức nên duy lợi phi lý) . Tất cả những ý kiến đó đều biện minh cho vai trò của trí tuệ , của tri thức khoa học .

   Về chuyên chính vô sản , Hà Sĩ Phu đã chỉ cần khoảng một trang giấy để vạch rõ tại sao nguyên tắc đó áp dụng qua độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản sẽ tất  nhiên đưa tới tệ sùng bái cá nhân cực đoan , làm mất giá trị nhân đạo , để tính Thú khuynh loát tính Nhân trong xã hội . Sự NÓI DỐI và CHIẾM HỮU QUYỀN LỰC của thành phần lãnh đạo "duy lợi" vì thiếu tri thức  là hậu quả của sự trái ngược giữa lý tưởng tốt đẹp với một thực tế tồi dở , là hậu quả của một hệ thống tổ chức phản lại sự phát triển làm cuộc sống đói rách .

    Nói tóm lại , theo Hà Sĩ Phu , mục đích và phương tiện đã đảo lộn vị trí , nghĩa là nhân dân , dân tộc trở thành phương tiện để thực thi chủ nghĩa . Do đó tác giả chủ trương từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin để đi tìm một con đường khác "dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ " .

      Qua bài viết , Hà Sĩ Phu đã đề cập , phê phán gần như toàn bộ hệ thống lý luận của đảng cộng sản  cho nên mặc dầu bài của ông không được đăng trên báo chí , đã có nhiều người chuyền tay đọc , và vì vậy các cơ quan chính thức của đảng đã phản ứng bằng rất nhiều bài viêt đả kích , lên án .            

                                                                           *

    Tôi xin tóm tắt  để giới thiệu một số bài tiêu biểu , từ những bài ít nhiều có tính chất đối thoại , phê phán , đến những bài chỉ đe dọa , chụp mũ hay xuyên tạc .

 

  Bài tôi chọn đọc đầu tiên là bài của ông TRẦN ĐỨC THẢO ,giáo sư triết học,với nhan đề "Cái gọi là 'tấm biển chỉ đường của Trí tuệ' đi ngược với tư duy biện chứng của lý trí " .       Ông Thảo , trên cương vị một giáo sư Mácxít đã phê phán về phương pháp luận của Hà Sĩ Phu . Từ định nghĩa thế nào là toán lôgích , thế nào là biện chứng , thế nào là quy luật tiến hóa của lịch sử theo Lênin trong "bút ký triết học" , bài viết của ông là một bài giảng cổ điển về chủ nghĩa Mác. Lý do là vì : Hà Sĩ Phu dùng chữ không chính xác , chẳng hạn như  "bài toán lô gích xã hội" , "chủ nghĩa Duy lý với ý nghĩa khác quan điểm của Descartes"...Ông Thảo phê phán Hà Sĩ Phu lập luận siêu hình , trừu tượng , duy tâm , chung chung . Tôi có cảm tưởng là ông đã không hiểu (hay không chấp nhận ?) "thuật ngữ riêng" của Hà Sĩ Phu nên chỉ xét bài viết về hình thức chứ không về nội dung . Đọc bài của ông người ta cảm thấy CON NGƯỜI hình như bị mất đi trong cái tính GIAI CẤP của nó , trong khi bài của Hà Sĩ Phu chủ yếu nhấn mạnh tới CON NGƯỜI ,tới TRÍ TUỆ mà tác giả cho là động lực chính của tiến bộ . Những nghịch lý nêu ra bởi Hà Sĩ Phu bị ông Thảo coi chỉ là  " những mâu thuẫn động cơ trong đường lối đổi mới của đảng " . Bàn về Trí thức ,ông Thảo có viết : "...Nhà trí thức lớn nhất của dân tộc , chủ tịch Hồ chí Minh , chính là nhà cách mạng  giác ngộ cao nhất về lập trường quan điểm của giai cấp công nhân , nhà văn hóa , khoa học cao nhất..." . Thú thực , tôi không hiểu vai trò của nhận định này trong lý luận để đả phá Hà Sĩ Phu . Có những câu bắt buộc phải viết chăng , hay có lý do nào khác ? Nói tóm lại , người đọc cảm thấy tính chất khô cứng , phi thời gian tính trong lý luận củaông Thảo . Đối với ông ,có lẽ ngoài quan điểm Mác-Lênin về mọi chuyện thì không có gì đáng để  đặt thành vấn đề nữa !

 

    Bài thứ hai tôi xin giới thiệu là bài của ông Nguyễn văn Trung , phó giáo sư triết

học (không phải ông Trung giáo sư Đại học Văn khoa Sàigòn trước đây) với đề tài

" Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là kim chỉ nam của chúng ta ". Đầu tiên ông Trung trách Hà Sĩ Phu chỉ nói tới những mặt tiêu cực của xã hội  và quên...không cho ví dụ về những mặt tích cực. Tiếp đến ông cho là Hà Sĩ Phu có những sai lầm căn bản vì đã không dùng phương pháp luận khoa học là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử...điều mà Hà Sĩ Phu cố ý không dùng để cho "trí tuệ được vài phút hoàn toàn tự do". Ông Trung đồng ý với Hà Sĩ Phu về vai trò của trí tuệ,nhưng theo ông " đi theo con đường của trí tuệ là mơ hồ" vì chủ nghĩa Mác-Lênin"cũng là con đường của trí tuệ , của đỉnh cao trí tuệ nhân loại và sự phát triển của xã hộitrong thời ngày nay ". Trong đoạn cuối bài , ông Trung biện hộ cho Đảng bằng những lý lẽ mà Hà Sĩ Phu đã tóm tắt ngay từ đầu trong bài viết của mình và cho là không đủ để giải thích những nghịch lý XHCN. Tóm lại ông Trung đồng ý về vai trò của trí tuệ nhưng tin rằng Đảng sẽ nâng cao trình độ trí tuệ của đội ngũ cán bộ , đảng viên...trong khi Hà Sĩ Phu chứng minh rằng điều đó không làm được  nếu tiếp tục chuyên chính vô sản.

 

      Sau vấn đề phương pháp luận và vai trò của trí tuệ ở trên , tôi xin giới thiệu bài của Đỗ Khánh Tặng , chủ yếu về vai trò của giai cấp công nhân , với đề tài " Để tìm ra cái "điểm nút" trong mớ bòng bong " . Ông Tặng không đồng ý với quan điểm của Hà Sĩ Phu về lịch sử tiến hóa của nhân loại. Theo Hà Sĩ Phu thì tiến trình lịch sử phụ thuộc chính vào "dòng phát triển của tri thức nhân loại" chứ không phải vào đấu tranh giai cấp. Giai cấp bị trị thường không có khả năng nắm quyền lãnh đạo.       Cho rằng "Đến khi có cách mạng vô sản thì mới phát sinh một ngoại lệ , giai cấp công nhân là giai cấp bị trị lên lãnh đạo xã hội , và ngoại lệ này mới là niềm mơ ước của nhân loại " là lập luận tùy tiện. Để bác bỏ quan điểm trên , ông Tặng dùng khái niệm giai cấp vô sản hiện đại của Ăng-ghen , một giai cấp có trình độ cao,gồm nhiều công nhân trí thức ...

 

Ngưởi ta có thể đặt hộ Hà Sĩ Phu cho ông Tặng mấy câu hỏi , vì Hà Sĩ Phu không có quyền trả lời ở bên nhà. Đầu tiên là với tình trạng kinh tế xã hội lạc hậu từ trước tới nay , ở Việt nam có giai cấp công nhân hiện đại không? Mặt khác , dự đoán của Mác về cách mạng vô sản ở các nước tư bản tiên tiến nhất vì có giai cấp công nhân hiện đại nhất đến bao giờ sẽ xảy ra ? Phải chăng việc sử dụng các lập luận tự nhận là "khoa học" như vậy chỉ là cách để các quan lãnh đạo độc quyền , độc đoán , củng cố địa vị bằng cách đặt ở vị trí lãnh đạo mọi cấp , mọi mặt những đàn em trung kiên nhất theo tiêu chuẩn "hồng hơn chuyên" ? Chuyện này thật ra cũng đã cũ rồi. Chẳng hạn , sau khi ông Lê đức Thọ chết , người ta mới dám nói ra là tất cả xếp đặt từ Đảng đến nhà nước , trong mấy chục năm qua , đều do vây cánh của ông Thọ quản lý .

                                                                     

      Bài của Hồ Văn  " Về cái gọi là ' CÁC NGHỊCH LÝ '  của XHCN " thì không có gì mới trong lý luận. Như ông Trần đức Thảo , tác giả coi những nghịch lý là những mâu thuẫn thúc đẩy sự phát triển của các quá trình xã hội ; chỉ các nghịch lý của chế độTư bản "đã trưởng thành , thậm chí già nua" mới đòi hỏi phải thay đổi chế độ (!) . 

          Có một đoạn đáng lưu ý trong bài viết của Hồ Văn là đoạn về vấn đề trí thức :

" Trong độ ngũ Đảng 2,1 triệu đảng viên hiện nay có hơn 30% là trí thức. Các nhà trí thức lớn ngoài Đảng đều đi theo Đảng. Tóm lại , Đảng đã thu hút được hầu như toàn bộ, trí tuệ của dân tộc vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ". Có lẽ Hồ Văn hiểu trí thức là người học hết trung học , chứ không phải là thành viên của giới thí thức , văn nghệ sĩ , có tự do tư tưởng , sáng tạo , độc lập về xã hội và chính trị  như ở các nước dân chủ. Nhận định của ông hoàn toàn trái ngược với nhận xét của ông Phan đình Diệu , một trong những Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt nam.

Trong trả lời phỏng vấn của ông Stein Tonnesson , một nhà sử học Na-uy , vào đầu năm 1993 , ông Diệu , khi bàn về trí thức Việt nam đã kết luận " hiện nay Việt nam chưa có một giai cấp trí thức ". Tôi xin trích một vài dòng trong câu trả lời khá dài của ông Diệu để cho rõ hơn : " Trái ngược với nền giáo dục tại Pháp , chế độ XHCN đào tạo ra những chuyên viên hơn là những trí thức. Chúng tôi có nhiều nhà toán học , nhà vật lý học , nhà sinh học , kỹ sư...và bây giờ thêm nhiều nhà kinh tế.Nhưng chưa bao giờ họ được học để suy nghĩ về các vấnđề của xã hội. Đảng nghĩ hộ cho mọi người. Ý thức chính trị của các chuyên viên nói chung là yếu".( Diễnđàn số 20 , tr.10 ).

 

      Bây giờ tôi xin sang một loại bài khác , và xin bắt đầu bằng bài "Vấn đề đấu tranh giai cấp" do Hoàng Văn viết ; trong đó tác giả lặp đi lặp lại những lý luận thô thiển mà ông ta cho là của Mác-Lênin nên tôi không dám nhắc lại ở đây. Đặc điểm là bài để ở trong mục " Đối thoại-phê phán " của tờ báo lại chỉ gồm những vu cáo ,đe dọa trắng trợn , không có gì là đối thoại  phê phán cả . Tôi xin trích : " Nếu các nhà lý luận mới mà tự tách mình ra khỏi hàng ngũ những người lao động để biện hộ cho sự áp bức của những người bề trên ấy ,thì xin các nhà lý luận mới tha lỗi , chúng tôi cũng đành phải đối xử đúng mực với các vị như yêu cầu đòi hỏi của quy luật đấu tranh giai cấp mà thôi . Và trong cuộc đấu tranh vĩ đại này , chắc các vị cũng chẳng ưa gì lắm cái khí thế xông lên trời của quần chúng lao động ".

       Một đoạn khác : " ở nước ta , những nhà lý luận mới cũng đã ăn phải bả của kẻ thù , nên đã rùm beng hoặc ngấm ngầm đả kích lại Đảng ta , cho rằng Đảng ta áp dụng học thuyết về giai cấp và đấu tranh giai cấp nên để cho xã hội ta lộn ngược đầu (!) và nghèo đói (!) và sinh ra chuyên quyền độc đoán (!). Từ đó họ yêu cầu phải từ bỏ đấu tranh giai cấp , phải từ bỏ chuyên chính vô sản (!)".

 Về trình độ lý luận của Hoàng Văn , tôi xin trích một đoạn tiêu biểu : "Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế-xã hội đã nhận thấy rằng , gần như mọi sáng kiến mới đều là kết quả của những cuộc xung đột giữa công nhân và các nhà kinh doanh , rằng sau mỗi cuộc bãi công mới tương đối lớn , thì lại xuất hiện một loạt máy mới nào đó ". Xin miễn bàn.      

                                                                      

     Bài của Tam Giang với nhan đề " Trước hết là trí tuệ nào " là một bài viết nhảm nhí , không đứng đắn . Bài của Hà Sĩ Phu không được phép đăng , tác giả được Bộ Nội vụ mời 'tiếp kiến' , bị bao vây kinh tế , thế mà Tam Giang giả vờ như không biết , gọi Hà Sĩ Phu là " người tàng hình " , " người phát ngôn trong bóng tối " , có ý trách Hà Sĩ Phu thiếu can đảm , thiếu trách nhiệm , thiếu " tinh thần bình đẳng và trao đổi dân chủ ". Rõ là " vừa đánh trống vừa ăn cướp !". Không hiểu Tam Giang có ý niệm gì không về dân chủ và bình đẳng ?Hơn thế nữa , ngoài chuyện nói dối ,Tam Giang không ngần ngại xuyên tạc "Còn ở nước ta hiện nay lại xuất hiện một 'sĩ phu ở ẩn' đã tỏ ra chẳng những thiếu dũng cảm và trách nhiệm khoa học mà còn có thái độ cao ngạo hơn cả E.During vì đã coi nếp suy nghĩ của mọi người cùng thời là chưa lôgích , hay nói cụ thể hơn là đã coi mọi người khác là ngu dốt". Cách viết của Tam Giang thì có thể hơn cả Hoàng Văn ở tính "anh chị" , còn về mặt lý luận thì có le  "kẻ tám lạng, người nửa cân".

 

    Bài cuối cùng mà tôi muốn giới thiệu với bạn đọc là tài liệu 32 trang của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đảng CSVN , xuất bản tại Hà nội năm 1990 với nhan đề "Nêu cao tính chiến đấu , chống  mọi hoạt động phá hoại về tư tuởng". Tài liệu này tập trung các luận điểm để kết án các tư tưởng không "chính thống" , trong đó bài của Hà Sĩ Phu , mặc dù không được nêu tên , là mục tiêu chính. Đây là một tài liệu học tập chính trị cho đảng viên để chống lại các xu hướng đòi "đổi mới" chính trị mà Đảng gọi là đòi "dân chủ cực đoan" (!). Tính chất thống trị về tư tưởng , hay đúng hơn : công an trị về... tư tưởng ,toát ra ngay từ nhan đề của phần thứ nhất :

"Tình hình hiện nay trên lãnh vực an ninh tư tưởng".   Trong phần này Đảng khẳng định vai trò rất quan trọng của tư tưởng và liệt kê trong cả trang những kẻ thù , cho cùng vào một loại từ những Việt kiều đã dám ký những "tâm thư" , "thông điệp" , "thông báo" , đến hầu như toàn bộ những báo chí , tổ chức hải ngoại mà Đảng gán cho tội "do Đế quốc lãnh đạo và nâng đỡ "(!). Những nghịch lý XHCN theo Hà Sĩ Phu được trích đăng ở phần thứ hai dưới đề tài " Kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu thù nghịch , các quan điểm sai trái". Sau đó Ban tư tưởng văn hóa trung ương phán rằng những nghịch lý nêu ra bởi Hà Sĩ Phu chỉ là " những mâu thuẫn thường thấy , thường xảy ra và luôn luôn tồn tại ở mức độ,qui mô khác nhau trong xã hội ". Tiếp theo đó các quan chức tư tưởng viết  " Chúng ta có thể dẫn ra vô số nghịch lý , thí dụ như hệ thống triết học tiêu biểu cho thế giới quan khoa học , vôthần nhưng lại thừa nhận tự do tín ngưỡng ; hệ thống tiêu biểu cho việc giải phóng phụ nữ , nam nữ bình quyền , bình đẳng nhưng vẫn có những ông chồng đánh vợ..." Lập luận ngây ngô ở đây có thể giải thích được bằng nhiều cách. Cách đúng đắn nhất có lẽ là các quan chức cố tình lẫn lộn coi các nghịch lý tày trời của XHCN như là các trò đùa vừa để phù hợp với trình độ của đa số đảng viên vừa để lờ đi không nói tới nữa .

Nhưng cách viết đã bộc lộ tinh thần coi thường tự do tín ngưỡng , coi thường phụ nữ và có lẽ coi thường cả đảng viên chỉ vì họ là cấp dưới . Lối viết để "ngu hóa" đảng viên này vẫn do căn bệnh nói dối (nghịch lý thứ hai của Hà Sĩ Phu) vì nó hoàn toàn trái ngược với những lo âu thực sự của Đảng về những vấn đề tương tự thuộc lý luận , tư tưởng của XHCN . Thắc mắc , lo âu này bộc lộ rõ rệt trong bài nói chuyện (chắc không được phổ biến) của ông Đặng Quốc Bảo , trưởng ban khoa giáo trung ương , tại ban khoa giáo thành ủy ngày 26 tháng 5 năm 1988. Các phần nói về đấu tranh giai cấp , vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản...vẫn chỉ gồm những kinh điển , lý luận có vẻ khoa học nhưng dựa trên những căn bản hoàn toàn sai lệch. Đảng thấy cần phải "Chấn chỉnh và tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí và xuất bản". Đảng vẫn tự cho mình vai trò cách mạng tiền phong , với các đảng viên tiêu biểu cho những thành phần ưu tú nhất của dân tộc...Trong khi đó,càng chuyên chính lâu đời Đảng càng thoái hóa, trong Đảng bây giờ đa số là những kẻ thời cơ, lợi dụng. Tôi nghĩ là những điều đó đã hiển nhiên nên xin không bàn tới nữa .

 

   Bài "giới thiệu" trên đây tôi viết để bày tỏ lòng cảm phục đối với Hà Sĩ Phu và cũng là để "đền bù phần nào những thiệt thòi của tác giả" trên bình diện tư tưởng vì ông đã bị xuyên tạc , chụp mũ mà không có quyền được trả lời .

                                                                                                                      V.T.H

 

5) Đọc " đôi điều suy nghĩ " của Hà Sĩ Phu.

Phạm Ngọc Lân - Thông luận 66 - tháng 12.93

 

       " Tôi tên thật là Nguyễn Xuân Tụ , sinh ngày 22-4-1940 tại Hà Bắc , là phó tiến sĩ Sinh học , công tác tại Viện Khoa học Việt nam ". Một lời tự giới thiệu thật đơn giản, gần như mở đầu của một bản tự khai . Hà Sĩ Phu đưa nó ra như một tiền đề :  tôi đứng dưới ánh mặt trời để nói lên những điều tôi cho là phải , dù những điều đó có gây khó khăn phiền phức cho tôi .

   "Đất nước ta đang độ chuyển mình , cần sự góp sức chung lòng của mọi công dân. Tôi không có khả năng gì , cũng xin thành tâm đóng góp phần mình bằng đôi điều suy nghĩ . Trong mười điều nói ra , chỉ mong may mắn có một điều dùng được".

 

  Nhà xuất bản TIN ở Paris vừa cho ra đầu tháng 11 vừa qua tập tài liệu "Hà Sĩ Phu - Đôi điều suy nghĩ của một công dân " gồm bài chính vừa được viết vào những ngày tháng 5-1993 , cùng một số bài khác của Hà Sĩ Phu .

  Cách đây vài tháng Hà Sĩ Phu được đôc giả biết đến khi bài "Dắt tay nhau..."đượcphổ biến ở ngoài nước . Đầu đề của tiểu luận này gợi cho ta hình ảnh đôi trai gái dắt tay nhau dung dăng dung dẻ trên bờ hồ Xuân Hương của xứ Đà lạt thơ mộng là thành phố nơi tác giả cư ngụ . Nhưng dù hình ảnh đó có thực sự gợi ý để Hà Sĩ Phu dùng trong đầu đề chăng nữa thì chúng ta cũng không thể xem đây là một bản văn lãng mạn , vì tác giả thêm vào ngay sau đó  "đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ ". Trí tuệ với chữ T hoa báo hiệu trước khuynh hướng " duy ly" của tác giả.                                                                         

 

     Thật vậy, để đối lại cách phân cực "duy vật-duy tâm" mà người Cộng sản dùng làm nền tảng cho lý luận của họ , Hà Sĩ Phu đã phát minh ra các khái niệm "duylý - duy tín - duy lợi" : "Để phân định điều phải và quyết định thái độ cũng như hành động của mình , con người có ba thứ căn cứ : tri thức , lòng tin , và quyền lợi . Luôn lấy tri thức,lấy khoa học làm căn cứ , đó là chủ nghĩa DUY LÝ , cái gì trái với những quy luật khách quan mà mình nhận thức được thì không chấp nhận . Luôn lấy lòngtin làm căn cứ là chủ nghĩa DUY TÍN , cái gì trái với những điều mình tin, mình cho là thiêng liêng thì không chấp nhận. Luôn lấy lợi ích làm căn cứ là chủ nghĩa DUY LỢI , cái gì trái với lợi ích của mình hay của những người chung lợi ích với mình thì không chấp nhận".

                                                                       

    Người đọc có thể đồng ý hay không đồng ý với những ý kiến của tác giả , nhưng cách lý luận có lớp lang , đi đôi với một giọng văn nhẹ nhàng dễ đọc, có sức hấp dẫn , đã là một nguyên nhân thành công của Hà Sĩ Phu.

    Tác giả đặc biệt gợi được sự chú ý bằng cách nêu bật những điểm thật cụ thể để dùng trong lý luận của mình .  Bài " Dắt tay nhau..." mở đầu bằng chín nghịch lý giữa lý thuyết tuyệt hảo và thực tiễn tồi tệ trong chế độ xã hội chủ nghĩa : "Hệ thống dân chủ gấp triệu lần lại vướng mắc chính vấn đề dân chủ...". Trong bài " Biện chứng vàngụy biện trong công cuộc đổi mới"  sáu ngụy biện lại được nêu ra làmđiển hình ,và Hà Sĩ Phu kết luận : " Thiếu cái Tâm không thành người được , cứ giả thiết mọi người chúng ta đều đã có cái Tâm , nhưng để cái Tâm lên trên cái Trí thì lại hỏng việc !". Vẫn cái leimotiv "Trí tuệ" mà tác giả không bỏ lỡ cơ hội nhắc lại .

    Trở về với bài "Đôi điều suy nghĩ của một công dân" là bài nòng cốt trong tập tài liệu vừa được phổ biến , tác giả xác nhận đó là suy nghĩ khai triển thêm những gì đã trình bày trong bài "Dắt tay nhau..." được viết năm năm về trước . Như lời giới thiệu của nhà xuất bản TIN, nội dung "nhằm phê phán đườnglối của dảng cầm quyền và đề nghị lối thoát cho Việt nam" , " Đi từ khoa học đến triết lý , đối chiếu Đông , Tây để suy nghĩ về bản chất Con người và Xã hội , về quy luật tiến hóa của nhân loại , từ đó đánh giá và vạch ra những sai lầm cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học . Đó là một công việc khá táo bạo và rộng lớn , có lẽ quá rộng lớn . Chắc khó tránh khỏi những sơ hở về lý luận cũng như trong nhận xét . Nhưng cũng là dịp để mọi ngườicùng nhau suy nghĩ , bàn luận ." .

    Dù sao , các vấn đề nóng bỏng của xã hội Việt nam 1993 cũng được nêu ra , vẫn dưới dạng  "nghịch ly" . Một ví dụ điển hình : "Một hình thái kinh tế-xã hội mà hạtầng là Kinh tế thị trường và thượng tầng là Xã hội chủ nghĩa thì cùng một lúc xã hội chịu sự chi phối của hai cơ chế ngược nhau , lúc nào cũng chỉ 'rình' để phủ định nhau , và nếu kết hợp với nhau thì còn nguy hiểm hơn . Người dân nghèo thấp cổ bé họng sẽ bị cả hai cơ chế ràng buộc , kẻ có quyền có tiền sẽ lợi dụng được cả hai cơ chế để chơi trò 'bật tường' hoặc trò 'ú tim' , lúc núp dưới cơ chế này,lúc núp dưới cơ chế kia , không luật pháp nào trị nổi".

     Và Hà Sĩ Phu kết luận : "Tổ quốc ViệtNam là chung của mọi người Việt Nam ,không một lực lượng chính trị nào có thể độc quyền yêu Tổ quốc".

     Hà Sĩ Phu không chỉ viết văn chính luận mà còn làm câu đối , làm thơ , và viết văn trào phúng hoặc phiếm luận . Tập tài liệu của nhà xuất bản TIN cho chúng ta thưởng thức bài "Thằng Bờm" , một số thơ và câu đối :

                                  THAM  chai đít KHỈ , THÂN khéo trơ THÂN !

                                Bầy NHŨNG  tái mào GÀ , DẬU  khôn kín  DẬU  ?                     

                                                                                          (Câu đối Tết Quý Dậu)

 

       Bùi Minh Quốc , một nhà thơ cựu đảng viên cộng sản bị khai trừ , cũng sống tại

Đà lạt , đã có lời giới thiệu Hà Sĩ Phu : "Ông chẳng phải người to gan lớn mật, chẳng có một mảy may tham vọng chính trị , càng không phải là một người có mưu toan 'phục thù giai cấp, chống đối chế độ' ! Ông xuất thân thành phần Trung nông lớp dưới , trong Cải cách ruộng đất được chia ao , được đào tạo từ trung học trong nhà trường XHCN cho tới đại học , rồi trên đại học.". Nam Long, một người bạn khác viết nơi bìa sau của tài liệu :  Anh tuyên bố thẳng thừng : "Tôi dị ứng với 'chủ nghĩa Xã hội ' !" , và nhất quyết lựa chọn đến cùng tiếng nói của lương tri , bất chấp những vây hãm ,đe dọa, và cả mua chuộc !.

   Khi bài "Dắt tay nhau..." được phổ biến truyền tay trong nước năm 1988 , suốt một năm rưỡi trời các giáo sư triết học , các nhà chính trị, tuyên huấn...của Viện Triết , trường Nguyễn Ái Quốc , ban Tư tưởng văn hóa trung ương , báo Nhân Dân , Quân đội Nhân dân ... đã viết liền mấy chục bài và sách , tập trung phê phán . Hà Sĩ Phu đã chấp nhận hậu quả .

   Năm năm sau, tập tài liệu "Hà Sĩ Phu" ra đời sẽ gây phản ứng gì về phía đảng và chính quyền ? Hà Sĩ Phu bình tĩnh chờ đợi hậu quả , với khí phách của kẻ sĩ dám nói lên những điều mình nghĩ .

                                                                                                               P.N.L

 

6) Nhân đọc Hà Sĩ Phu

     Đỗ Mạnh Tri - bulletin trimestrielle  TIN NHÀ , N* 14 , Février 1994

 

     Đọc sách báo Việt Nam ít khi thấy hứng thú như đọc "Đôi điều suy nghĩ của một công dân" (nhà xuất bản Tin , Paris 1993) . Nội dung sâu rộng . Quan điểm và văn phong của tác giả , phương pháp và trình độ tác phẩm , gợi lên nơi người đọc một sự khoái trá tinh thần , một cảm giác nhẹ nhõm dễ thở . Có gì như một thứ không khí trên cao . Hà Sĩ Phu mạnh dạn đi từ khoa học sang triết lý , đối chiếu tư tưởng Đông Tây , bàn luận về bản chất Con người và Xã hội , về quy luật tiến hóa , để phơi bày một cách hệ thống và triệt để những sai lầm của chủ nghĩa xã hôi khoa học.

Làm thế là nêu lên một loạt vấn đề căn bản của nhiều lãnh vực . Và người làm triết học sẽ cự ở điểm này , người chuyên khoa học có thể bất đồng ở điểm khác...Kẻ thực tiễn thì bảo khối Cộng sản sụp đổ rồi , mất thì giờ lý luận làm gì về những sai lầm của Mác . Người ưa lý luận lại cho rằng thà đọc sách tây , sách mỹ đã phê phán học thuyết Mác từ thời ông bành tổ , vừa dồi dào , vừa sắc bén . Kể ra thì cũng không vô lý .

           Nhưng con đường mình phải đi chẳng ai thay mình được . Liên xô đã hết thời

nhưng tại Việt Nam  chủ nghĩa Cộng sản vẫn còn đó . Chuyện Mácxít giáo điều ngày nay ai còn nhắc tới ?,nhưng tại ViệtNam vẫn còn là chuyện thời sự . Mình chậm tiến không chỉ về mặt kinh tế , mà muốn theo kịp người lại ít khi có lối tắt.

     Những bài học của kẻ khác sẽ chẳng hữu ích gì nếu mình không tự mò mẫm tìm ra con đường của mình .Kinh nghiệm sống tựa như bó đuốc, chỉ soi cho người cầm đuốc. Nếu không thế thì nhân loại đã khôn ngoan hiền hậu lắm rồi , và sau Thế chiến 1 đã chẳng có Thế chiến 2 , sau hận Sông Gianh đã chẳng còn hờn Bến Hải,sau những biến động Đông Âu và Nga xô đã chẳng còn một Việt Nam tiền phong...chạy theo Trung Cộng !

     Sớm muộn rồi cũng phải coi lại từ nền móng. Muốn bước vào thời đại, cần phơi bầy bộ mặt thực của hiện tại, tìm ra căn nguyên, vẽ lên bản đồ quá khứ và có cái nhìn bao quát ra bên ngoài . Đây là trách nhiệm của mọi người, đặc biệt của đám trí thức. Dù muốn dù không , dù tài hèn sức mọn, trí thức vẫn là những người có trách nhiệm nhất trong công việc nhận thức, khảo sát,phê bình,đề nghị.

     Gần đây từ quốc nội vọng ra hải ngoại những tiếng vang càng ngày càng nhiều chứng tỏ có một sự can đảm và thức tỉnh nào đó . Sau những Nguyễn huy Thiệp , Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo,Phạm thị Hoài,Bảo Ninh...trong lĩnh vực sáng tác, đã thấy lác đác xuất hiện vài tên tuổi cũ hay mới trong lãnh vực lý luận như Hoàng Minh Chính,Lữ Phương, Hồ Hiếu,Hà Sĩ Phu...Hình như Hà Sĩ Phu là người có tư duy hệ thống hơn cả ( Nói hình như vì cái rừng sách báo Việt Nam hải ngoại cũng khá mênh mang và chuyện giao lưu văn hóa với quốc nội còn khá lệ thuộcvào may rủi).Phải chăng đã tới lúc có thể hình dung những cuộc trao đổi nghiêm chỉnh có tính cách lý luận và tương đối khách quan? Những bài viết của một Hà Sĩ Phu chẳng hạn có thể là một khởi điểm.

     Viết những dòng này, tôi không đi vào nội dung đã được Hà Sĩ Phu đem ra bàn luận. Chỉ xin đứng ngoài lề, bàn chuyện râu ria. Có lẽ cũng là một cách nhập đề ?

VÀI PHÚT TỰ DO

     Có thể bắt đầu bằng một bút hiệu : Tú Xuân-Hà Sĩ Phu ! Tự xưng là sĩ phu,khá bất ngờ. Mà lại sĩ phu Bắc Hà.Nhưng ông sĩ phu này không thuộc loại cây đa cây đề.Khoa bảng mới thường thường cấp tú . Tú Xuân. Tú như Tú Sụn ,Tú Mỡ ,Tú Xương...Khi những ông Nghè ông Cống biến chất thì những ông đồ làng liệu mà gánh vác giang san ; khi những tiến sĩ đã thành tiến sĩ giấy thì những ông phó tiến sĩ cũng phải cúi đầu lãnh nhận cái trọng trách mà bậc đàn anh đã quên lãng hay phản bội. Quốc gia hưng vong , thất phu còn hữu trách, huống hồ những kẻ dù sao cũng từng vào ra sân Trình cửa Khổng !

     Con tim sôi sục của một Nguyễn Chí Thiện đói lả trong tù phải gào lên thay cho những Chế Lan Viên ngồi ăn bánh vẽ là vậy. Cái đầu bốc lửa của Dương Thu Hương đốt thay,đốt cháy một rừng bút của Hội Quan Văn. Và phải tất cả nỗi buồn của Bảo Ninh để ta vượt qua những khải hoàn ca sắt thép, những thiên phóng sự đẫm máu chiến thắng, và tìm lại niềm vui đau đớn của tình người giữa tang thương đổ vỡ. Tú Xuân muốn làm sĩ phu? Được lắm. Ít ra có một người còn đủ tự trọng và đủ tinh thần trách nhiệm để không quịt nợ đèn sách.

     Một bút hiệu bất ngờ. Rồi một cái tít cố ý dài dòng : " Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ ". Nghe êm tai. Đây, thời Quốc âm giáo khoa thư,trẻ con dắt tay nhau tới trường : "Xuân đi học coi người hớn hở..." Đây, hè về ,em dắt tay anh trên bờ đê ,trâu xanh,lúa vàng,cò lả. Hay cụ Lê dắt tay cụ Mác, cụ Mao cầm tay bác Hồ? Công an tư tưởng dắt tay Tú Xuân? Còng tay nhau không biết chừng  trong cái thời buổi 'an ninh tư tưởng' và  'ổn định chính trị ' này. Yêu nhau chụp mũ (ấy-à) cho nhau , về nhà...

                 Nhưng 'đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ' , thì thật nghiêm chỉnh ,(khiến cho) một loạt kim chỉ nam bỗng nhiên thành khả nghi ! Những tấm biển chỉ đường của ý hệ,của chủ nghĩa thuộc loại nào? Thuộc loại nào những tấm biển chỉ đường của truyền thống, của tôn giáo?

    

     Một bút hiệu,một cái tít, rồi một câu mở bài trang trọng :

                                " Hãy để cho Trí tuệ được vài phút hoàn toàn tự do."

Đĩnhđạc như một lời tuyên chiến. Thì ra Trí tuệ,ở một thời điểm nào đó,tại một xứ sở nào đó, chưa từng được một phút tự do! Đúng hơn,đây là một tuyên ngôn sòng phẳng. 'Vài phút hoàn toàn tự do' đồng nghĩa với tự do . Thử mở toang cửa lồng xem, chớp nhoáng thôi, chim cất cánh! Chim đã cất cánh thì quê hương của chim là trời xanh. Trí tuệ cũng thế.Tìm đâu ra trí tuệ đóng cũi ? Chỉ có những con người vì lý do này hay lý do khác quay lưng lại trí tuệ. Ngủ dễ chịu hơn thức, nhất là khi thức có thể nguy hiểm cho tính mạng,hay ít ra cũng gặp phiền hà. Giả câm giả điếc cho xong ,rồi chín bỏ làm mười ,một câu nhịn chín câu lành...  thiếu gì lý lẽ để biện hộ cho một thứ triết lý cầu an nhiều khi cũng chỉ là một thủ đoạn cầu...ăn .

THÁI ĐỘ NGƯỜI TRÍ THỨC

    Hà Sĩ Phu viết :

       "Tôi nghĩ rằng, là một người Việt Nam có giáo dục, có văn hóa , không ai có thể cho phép mình tảng lờ, dấm dúi trong xó kiếm ăn một mình, mà phải đứng ra giữa nơi sáng sủa, nghiêm túc nói rõ ý kiến của mình với sự huy động cao nhất của ý thức trách nhiệm và trí tuệ !".

         Nói thế , trong lúc này tại Việt Nam , cần một sự can đảm tối thiểu ! Hà Sĩ Phu phê phán đường lối của chính quyền Viêt Nam. Thiếu gì người đồng ý về điểm đó. Ai cũng phê phán chính quyền (nghe đảng viên và cán bộ khi nói chuyện riêng) .

Nhưng có mấy ai đứng ra giữa nơi sáng sủa mà nói? Đọc báo Việt hải ngoại , thỉnh thoảng lại thấy một thám tử văn hóa tìm ra văn sĩ này, học giả nọ đã nói, viết những lời sâu xa chống chế độ toàn trị . Sâu đến nỗi nếu không phải nhà khảo cứu khó mà hiểu nổi. Xa đến nỗi phải là mọt sách mới tìm ra. Độc tài thì lộ liễu, gay gắt, mà chống độc tài thì kín đáo, vòng vo. Thà im lặng cũng chẳng ai nỡ trách .

    Cả nước Việt Nam chỉ có một người đáng gọi là triết gia theo nghĩa tây phương :

ông Trần đức Thảo. Thế mà sau khi bài "Dắt tay nhau...' được chuyền tay (từ 1988),người ta còn ép ông viết một bài dài để nện Hà Sĩ Phu. (Trần đức Thảo, "Cái gọi là 'Tấm biển chỉ đường của Trí tuệ' đi ngược với tư duy biện chứng của lý trí ", tạp chí Cộng  sản 1991,số2). Ông cho rằng tác giả cái bài cấm in này đã"không kể gì đến lô-gích biện chứng lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin". Chẳng hiểu ông thật hay đùa ?

Thử tưởng tượng một nhà thần học Kitô giáo phê phán chủ nghĩa Mác-Lê lại viện cớ rằng chủ nghĩa đó chẳng kể gì đến giáo lý công giáo ! Triết gia Trần đức Thảo theo chủ nghĩa Mác, đó là quyền tự do suy tư của mỗi người. Và nếu ông thực sự suy nghĩ một cách tự do để phê phán Hà Sĩ Phu thì cái trí tuệ xuất chúng của một đầu óc Việt nam trẻ tuổi đã có thời tranh luận tay đôi với Jean-Paul Sartre và làm giật mình giới trí thức Balê, hẳn sẽ cho người đọc những ánh sáng quý hóa.

    Tiếc thay,để chứng minh rằng tác giả bài "Dắt tay nhau..." "đã xác định một thứ  lý luận tầm thường" , ông đưa ra những nhận xét chi ly:  "Nói toán lô-gích thì có nghĩa là tác giả coi vấn đề xã hội như thuộc lĩnh vực của lôgích toán pháp, là hình thái phát triển của lôgích siêu hình máy móc ".

hoặc những phân tách lên lớp như :

        " Mỗi hệ thống hay liên hệ lịch sử biểu hiện trong chốc lát là chuyển biến trong bản thân nó : nó tồn tại và đồng thời không tồn tại ; nó là bản thân nó và đồng thời là cái khác.

   Như thế là ngay trong mỗi lát hiện tại của nó,do nó liên hệ toàn diện trong bản thân nó với những cái khác, nên nó tự vận động. Tức là một mặt thì nó biến mất về phía dĩ vãng : nó tồn tại và đồng thời không tồn tại, và cũng do đấy, thì, trong cùng cái lát hiện tại ấy, nó chuyển về phía tương lai : nó là bản thân nó và đồng thời là cái khác (...)  Đấy là nguyên lý biện chứng phổ cập."

 

   Giá Trần đức Thảo cứ tiếp tục giảng triết học cho học sinh như vậy còn hơn ; tuy không ăn nhằm gì so với bài viết của Hà Sĩ Phu , nhưng thôi cũng là thế bất đắc dĩ ,nói để khỏi phải nói ; và người đọc , đọc một đàng hiểu một ngả ; và những người từng thán phục ông còn có thể ngậm ngùi :"Chữ trinh còn một chùt này..."

    Nhưng không. Ông triết lý đùa để đấu tố thật :

            " Sai lầm cơ bản của bài Dắt tay nhau...là chỉ nhìn thấy các mâu thuẫn của xã hội ta ở trạng thái tĩnh , không trông thấy hoạt động giải quyết mâu thuẫn của Đảng và nhân dân kiên quyết thực hiện đổi mới trong ổn định chính trị. Do đấy mà tác giả chỉ hình dung toàn những sự đối lập xoay tròn , biến thành những nghịch lý theo lối siêu hình máy móc , tức là cứ diễn cái mặt tiêu cực của chúng, mà coi như không có lối thoát trong chủ nghĩa xã hội."

   Đảng và nhân dân , ổn dịnh chính trị , tiêu cực...Ngôn ngữ độc tài thành phạm trù triết học ,hay tư duy triết học tự chôn vùi dưới những tấng lưỡi gỗ của Mácxít khẩu hiệu ?

    Nếu như thế chưa đủ thì xin đọc tiếp :

             " Không phải từ những khó khăn trước mắt mà đã có đủ lý do để đảo lộn cả quan điểm lịch sử , đưa đến những luận quả giả tạo không thể lường được."

Luận quả thì chưa biết , nhưng hậu quả về cái gọi là quan diểm lịch sử thì ít ra bên Nga-xô từ 1917 và tại Việt Nam từ 1975,thì phải là người máy móc và siêu hình hoặc giả hình lắm mới không nhìn ra .

     Và nghĩ gì về lời quả quyết này :

              " Nhà trí thức lớn nhất của dân tộc, chủ tịch Hồ chí Minh, chính là nhà cách mạng giác ngộ cao nhất về lập trường quan điểm của giai cấp công nhân, nhà văn hóa , khoa học cao nhất ." ?

       Tôi đã trích hơi nhiều bài của Trần đức Thảo để khỏi nhắc tới những bài khác đã được tung ra cùng một lúc để đấu Hà Sĩ Phu , vì nó tiêu biểu cho thái độ  phải có hay không có của người trí thức . Trong một bài phỏng vấn truy điệu Trần đức Thảo, trên báo Văn Nghệ (2.6.93) ông Trần văn Giàu nói : "Khi qua Âu ảnh bênh vực đường lối của Đảng"  và ông khẳng định : " Đó là một trong những người có thể đại biểu cho trí thức Việt nam". Đâu là thái độ tiêu biểu của người trí thức trong lúc này ? Thật khó mà đồng ý với lời của Trần văn Giàu .Tiếc thay một đầu óc cỡ Trần đức Thảo , mặc dầu theo chủ nghĩa Mácxít, đã chẳng có chỗ đứng tại Việt Nam .

Thật ra chế độ này đã chôn ông từ lâu rồi . Một chính sách ác nghiệt đã không để con người của ông sánh kịp với tư duy của ông . Cuộc đời Trần đức Thảo tiêu biểu cho sự xuống cấp và nỗi đắng cay của những trí thức việt nam còn chút tự trọng .

     Trả lời một phóng viên báo ngoại quốc, ông Phan đình Diệu than rằng tại ViệtNam không có một tầng lớp trí thức . Tầng lớp thì không biết (và một tầng lớp như nho sĩ ngày xưa chưa hẳn có ích cho xã hội - khi thành tầng lớp tất có quyền hành, khi có quyềnhành..) , nhưng thiếu gì người có văn hóa, có giáo dục, thiếu gì người có đầu óc . Phiền là nơi con người , tuy đỉnh cao ở cái đầu , trọng tâm lại nằm đâu đó trong bụng , trong tim. Cứ xem Đảng dùng cái dạ dày để trị bọn nhà văn cứng đầu đủ biết hạ tầng có ảnh hưởng lớn đến thượng tầng. Nếu chiến dịch dạ dày không thành công, thì bắt bộ gan làm việc. Biết bao đầu óc sáng suốt, biết bao tâm hồn cao thượng sẵn sàng chịu đựng khổ nghèo , đủ dũng cảm để đón nhận mọi hy sinh nhưng cuối cùng bị cái sợ đánh gục . Bụng đã đói lại nhát gan thì bút 'sắt' cũng thành bút 'lông' thôi , và lúc đó Đảng thành công trong ý đồ biến trí thức thành "cục phân" theo như Mao khẳng định .

      Vậy thật đáng mừng thấy bên cạnh những đấu tranh của Phật giáo, những đòi hỏi của Công giáo, đương cất lên tiếng nói của những con người như Hà Sĩ Phu, Lữ Phương ,Bùi Minh Quốc...họ tiêu biểu cho một sự  có mặt không thể thay thế . Vì dù muốn dù không , người trí thức có bổn phận làm phát ngôn viên cho người dân ,

không phân biệt tôn giáo, chủ nghĩa . Tôn giáo cũng như chủ nghĩa, dù tốt đẹp mấy đi nữa ,đều cần được đưa ra đánh giá trước tòa án của Trí tuệ một cách tự do và trong tinh thần trách nhiệm. Lý tưởng, sự thật và lòng tin không khi nào sợ ánh sáng . Vai trò to lớn của các tôn giáo tại Việt nam không ai chối cãi . Vai trò trí thức của nhân dân cũng không thể ủy thác cho một linh mục hay một thượng tọa.Vì lòng tin không thể thay thế cho Trí tuệ.

MỘT VẤN ĐỀ THEN CHỐT : LẦM HAY LỖI ?(Trích)

   Nhưng Trí tuệ , điểm tựa thiết yếu của người trí thức là gì ? Có nhiều cách trả lời . Cách trả lời của Hà Sĩ Phu hình như gói ghém trong thuật ngữ DUY LÝ. Tuy nhiên từ "duy" ở đây không có nghĩa khai trừ và cần được hiểu một cách uyển chuyển.Tác giả dùng tri thức để soi rọi vấn đề . Nhưng đàng sau lối lý luận chắc nịch ,bàng bạc những cảm xúc mãnh liệt . Duy lý ở đây là một lựa chọn . Tác giả muốn để ra một bên những cảm xúc chính đáng , để gặp tha nhân trên bình diện khách quan nhất,và có lẽ , phải chăng nhất : bình diện của Khoa học và Lý luận . Cũng có thể hiểu : của Thực nghiệm và Lý trí .

     Tới đây , xin gợi một chuyện khá tế nhị nhưng khó tránh , vì nó cũng thuộc về cội nguồn : Trong bài Dắt tay nhau... viết năm 1988 , Hà Sĩ Phu tự hỏi : "Mọi điều rắc rối bắt nguồn từ đâu?". Năm năm sau, câu hỏi ấy thành "câu hỏi của thời đại "  trong bài Đôi điều suy nghĩ của một công dân : Tại sao có sự sụp đổ của các thể chế xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên xô , một "sự sụp đổ có tính cách cội nguồn ,triệt để và toàn cục ". Câu trả lời của Hà Sĩ Phu khá phức tạp , nhưng chủ yếu là vì " chủ nghĩa xã hội khoa học còn thiếu khoa học , chưa nhận thức đúng quy luật , do làm sai quy luật nên kết quả mới lộn ngược so với khát vọng." . Những sai lầm của học thuyết Mác-Lênin có tính cách cơ bản . Sai lầm cơ bản thì sụp đổ toàn cục .

NGHỊCH LÝ BỀ MẶT

            Nhưng vấn đề là kết quả có thật lộn ngược so với khát vọng không? Có thật là một chế độ Cộng sản như tại Việt nam " chứa đựng quá nhiều nghịch lý , nếu chưa muốn nói cấu thành bởi nghịch lý" không ? Hay biết đâu lại chẳng hoàn toàn hợp lý ? Chẳng hạn "Hệ thống dân chủ gấp triệu lần lại vướng mắc chính vấn đề dân chủ" là một nghịch lý , nhưng chỉ nghịch lý khi hệ thống đó và những người hay tập đoàn dùng nó coi dân chủ là mục tiêu phải tiến tới . Nhưng  có thể nghĩ rằng dân chủ là mục tiêu của các chế độ cộng sản ? Khi kết quả lộn ngược với những mục tiêu và khát vọng  được đề ra , biết đâu những mục tiêu và khát vọng thực sự đeo đuổi lại chẳng phải  đã được thực hiện ? Nói cách khác , khi bàn về thực chất của chế độ cộng sản có nên dừng lại ở bình diện lý trí, khoa học và đặt trọng tâm vào tính cách sai lầm của chế độ? Cho rằng có sai lầm từ căn bản, gốc rễ thì vấn đề căn bản chắc gì nằm ở chỗ sai hay đúng, khoa học hay phi khoa học? Thiết tưởng cái nhìn khoa học, kể cả khoa học rất ít khoa học như khoa học xã hội là cần,nhưng chưa đủ. Và có lẽ chưa đi vào cốt lõi .

KHOA HỌC, SAI LẦM VÀ LẼ SỐNG CHẾT

Thời xưa Ga-li-lê bị tòa án Giáo hội Roma bó buộc chối từ khám phá khoa học của ông ,tuy khổ tâm lắm,ông vẫn phủ định điều ông biết không thể phủ định. Cử chỉ ấy đáng cảm phục . Vì không phải ông nhượng bộ trước tòa án mà mặt trời sẽ quay chung quanh trái đất ! Người ta 'tử vì đạo' chứ có ai lại 'tử vì khoa học' bao giờ ?

Khác với chủ nghĩa Mác , vấn đề của Ga-li-lê là vấn đề thuần túy khoa học. Nếu có đụng chạm đến một tôn giáo , thì hoàn toàn không phải lỗi Ga-li-lê mà là lỗi của tôn giáo đó. (Một số chức sắc kitô giáo thời Ga-li-lê đã lẫn lộn tôn giáo và khoa học, cụ thể, họ coi Kinh thánh như một cuốn sách khoa học).

       Sự thật khách quan sớm muộn mọi người sẽ nhìn nhận , và nhìn nhận hay không điều đó trước hết lệ thuộc vào lý trí, vào sự hiểu biết của con người. Hơn nữa , nếu một chân lý khách quan bị cả nhân loại phủ định cũng không có gì là tai hại. Mãi tới thế kỷ 18 mới có khoa học nguyên tử. Cũng chẳng sao. Nhưng có những chân lý, những giá trị rất chủ quan chỉ có thể có và tồn tại nếu có những con người sẵn sàng khẳng định và bênh vực bằng chính mạng sống mình. Chỉ có một cách chứng minh, rằng con ngưòi là một bản thể tự do ,đó là sống và chết một cách tự do , sống và chết cho tự do . Lẽ sống chết của con người không phải là chuyện khoa học . Có thể là chuyện Trí tuệ (nếu hiểu Trí tuệ như ánh sáng soi tỏ lòng người, thứ ánh sáng mà nhiều nhà hiền triết và nhà tôn giáo xưa nay coi như dấu vết hoậc dấu ấn nơi con người của một cái gì vừa sâu thẳm nơi lòng người vừa vượt xa kiếp người) nhưng không thể là chuyện của lý trí thuần lý luận , khách quan và khoa học .

   Biết bao người đã hy sinh cho chủ nghĩa Mác-Lê , nhưng cũng bao nhiêu người là nạn nhân của chủ nghĩa đó ; một  sự kiện này đủ chứng tỏ khoa học ở đây , nếu có , chỉ là phụ. Và những sai lầm về khoa học của Mác không phải là nguyên do chính của những tội ác tại các nước cộng sản. Học thuyết nào cũng có chỗ lầm. Người tạo ra nó càng có tài thì hình như cái lầm càng lớn. Và thật ra cái lầm đó , trong bản chất của nó, cũng chẳng có gì tai hại. Lấy một thí dụ: Mác cũng như Hegel , Auguste Comte là những đầu óc lớn. Thế mà cả ba đều 'đọc' lịch sử một cách khôi hài, vì cả ba đều viết những cuốn sách dày cộm để chứng minh rằng lịch sử trải qua nhiều giai đoạn, như một đứa trẻ sinh ra,khôn lớn dần và cuối cùng đạt tới đích mỹ mãn ,toàn vẹn , và cái điểm đích của lịch sử ấy không phải là ai khác mà chính là tác giả của học thuyết kia. Ba người ba cách , ông nào cũng cho mình là người chấm dứt lịch sử . A.Comte tự coi là tiên tri , là giáo chủ của một đạo mới,đạo của tuổi nhân loại trưởng thành , tuổi khoa học . Hegel thì cho rằng thời điểm của thần linh đã tới vả thể hiện nhãn tiền với triết học của ông . Còn Mác thì đinh ninh rằng Tư bản đương giẫy chết trước mắt ông ! . 'Lập thân tối hạ thị văn chương ' là vậy ! Phải công nhận bọn trí thức có nhiều tật đáng ghét. Tất nhiên không vì thế mà không kính phục những hệ thống tư tưởng của những đầu óc thiên tài. Họ có cái lầm tolớn nhưng cũng nhờ họ mà đường vào chân lý mới không bị tắc nghẽn .

 Ngày nay vẫn có nhiều người chuộng tư tưởng Hegel , Mác hay A.Comte ,và nhiều loại tư tưởng khác. Họ cũng vẫn có thể lầm lẫn như các bậc thày của họ. Nhưng những Lênin , Trotsky, Stalin , những Mao ,những (...)...và đủ loại Castro , khi áp dụng học thuyết của Mác họ có lầm không ?

      Thiết tưởng khi ta chê Đảng Cộng sản lầm chính là lúc ta lầm .

ÁC TÂM : ĐỘNG LỰC CĂN BẢN

      Hàng triệu sinh linh bị sát hại trong suốt ba phần tư thế kỷ bên Nga-xô chẳng lẽ chỉ là hậu quả của một sự sai lầm? Tại Việt nam,trước 1975, ngoài Bắc, chiến dịch tố khổ : con tố cha , vợ tố chồng ; cải cách rồi sửa sai ; rồi Nhân văn Giai phẩm ; cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh...Sau 1975 , vào Nam lại cố tái phạm những sai lầm đã phạm ở ngoài Bắc. Như vậy không thể nói là lầm .Lầm gì mà lầm mãi và những người trực tiếp lãnh đạo những vụ lầm tai ác đó thay vì bị trừng phạt lại cứ được thăng chức và tiếp tục lãnh đạo ?Ngạn ngữ nói :'Errare humanum est, perse -verare diabolicum'. Con người, ai cũng có thể lầm , nhưng ngoan cố trong cái lầm thì thật quái quỷ. Khi chủ động muốn lầm thì không là lầm nữa,mà là tội ác.Và ác tâm khi đã chiếm đoạt con người thì lý trí trở thành dụng cụ đắc lực cho ác tâm.

... ... Ngay quyền lợi cũng không phải là động lực chính yếu. Người chỉ tìm quyền và lợi tất dùng lý trí để củng cố quyền lợi , họ sẽ tính toán hơn thiệt và biết nghĩ tới quyền lợi tha nhân. Có đi có lại. Người ích kỷ không đáng sợ ,vì ích kỷ họ phải nghĩ đến người khác... ...Và để hiểu rõ điều này không cần học nhiều. Kẻ thất học cũng thấy ngay đâu là quyền lợi của mình và có dư trí sáng để biết rằng cách hữu hiệu nhất để củng cố quyền lợi của mình là biết nghĩ tới quyền lợi kẻ khác ...

Những sai lầm...là cái mặt nạ của ác tâm , của những bản năng điên rồ và đen tối nơi con người... ...                                                                                              

ĐÊ TIỆN HÓA CON NGƯỜI

       ...Thể chế Cộng sản không chỉ cào bằng mà ...hạ thấp xuống...Cứ như có một sức                                                                     mạnh, một động lực nào đó làm đê tiện hóa con người và xã hội ; vì thế mà những con người có tư cách cứ bị loại ra khỏi guồng máy Đảng và Nhà nước .

Một ý tưởng khác , mà tôi cho là thành kiến ,thường gặp nơi người Việt nam,nhất là những người chống cộng mạnh : để phê phán Đảng Cộng sản , họ nói rằng cộng sản ngu , ít học , nhà quê , dùng người nhà quê...? Thiết tưởngnếu ngu mà trụ được bằng ấy năm trời cũng phải thông minh lắm , ít ra là thông minh trong cách tổ chức chiến tranh và nắm giữ quyền lực . ...Nếu chỉ cần ít học là được trọng dụng thì số đảng viên đã đông gấp bội ; nhưng không phải vậy . Có một thứ não trạng được trọng dụng , đó không phải não trạng bần cố nông , cũng chẳng phải não trạng công nhân nghèo , mà là não trạng bần tiện... ..., có khả năng cao trong việc phá sản tinh thần và đê tiện hóa nếp sống xã hội ... ( ! )...Đảng không dùng người nghèo, Đảng dùng người hèn. Đối với đám có học cũng y như vậy. Theo ông Bùi Tín kể, ông Nguyễn Khắc Viện nói  chuyên chính...vô học ;... ... Hà Sĩ Phu nói lưu manh hóa ; có lẽ đê tiện hóa đúng hơn .

KÍCH THÍCH GHEN TUÔNG VÀ THÙ HẬN

... ... Khẩu hiệu "Vô sản toàn thế giới hãy kết hợp lại " rất đáng sợ ; nó kích thích hận thù và ghen tị ,khơi dậy những tình cảm thấp kém của lòng người . Có lẽ chưa một thể chế nào trong lịch sử đã tận dụng những tình cảm đó cho bằng chế độ cộng sản . Chế độ này đã đem lại cho lòng ghen ghét và thù hận một chiều sâu , một độ dày đáng thán phục trên bình diện mỹ học .

                                                                       

... ...Trong thực chất, nếu bỏ ngoài những khẩu hiệu,lý luận, ý hệ và mọi biện minh để chỉ nhìn vào những hành động và kết quả đã có tại các nước thuộc khối cộng sản nhất là trong thời kỳ thịnh hành của khối , ta không thể không rùng mình nghĩ tới một thứ ma lực ghê sợ làm bằng chính con người , bằng trí tuệ và tâm can con người ,... (để) giày xéo và triệt hạ con người ! Nhân loại trong hoàn cảnh này không khác một con thiêu thân tàn ác và hèn hạ. Thật phi lý ! Phi lý của con người ? Phi lý của lịch sử ? Dân tộc Việt nam đương là hiện thân của phi lý đó .

DÙNG KHÁT VỌNG CHÍNH ĐÁNG LÀM MỒI CHO BẢN NĂNG TỒI TỆ .

    Trên đây là một khía cạnh mà tôi cho là khía cạnh 'ma quái' của chế độ cộng sản.

Nói vậy là tôi đánh giá một chế độ , chứ không phải đánh giá những con người Cộng sản . Và qua chế độ Cộng sản , nhận diện khả năng tự diệt của giống người mà chế độ này đã thực hiện tới một mức độ không ngờ . Cũng nên thêm rằng khía cạnh đó hiện nay có thể coi là đã hết thời . Đảng Cộng sản vẫn còn nắm quyền tại một số nước ,vẫn cố giữ thể chế độc tài , nhưng không còn hoài bão gì về y thức hệ.

...Lại còn phải thêm rằng chế độ cộng sản có những khía cạnh khác khả quan hơn nhiều . Đứng về phía những cá nhân , thiếu gì những người Cộng sản cao thượng, giàu lý tưởng ! Đứng về mặt xã hội , phải công nhận rằng chủ nghĩa Mác-Lê đã xuất hiện như một tia hy vọng của Thế kỷ 20 trước khi biến thành ác mộng. Hàng triệu triệu con người bị chà đạp đã tìm thấy nơi Đảng Cộng sản ý nghĩa cuộc đời và động lực đấu tranh . Vô số những dân tộc bị áp bức đã từng coi chủ nghĩa Mácxít như chìa khóa mở cửa vào tương lai. Nhưng những khát vọng chính đáng ấy , ngay từ buổi đầu đã chỉ làm mồi đốt cháy thêm ngọn lửa thù hận và dần dần biến thành chất liệu nuôi dưỡng những bản năng tồi tệ nguy hiểm nhất của con người. Thường tình, mỗi xã hội đều vận dụng những bản năng không tốt nơi con người để chuyển nó vào những mục tiêu khả quan và hữu ích cho nếp sống chung . Chế độ Cộngsản làm ngược lại.                                                                  

KẾT LUẬN : TIẾN HÓA ? BI QUAN ? LẠC QUAN ?

    Mác muốn dạy ta một chân lý lịch sử , một quy luật tiến hóa gắn liền với một phương thức đấu tranh để lịch sử đi tới . Chẳng riêng gì Mác. Từ Condorcet đến Bergson , từ Hegel đến Teilhard de Chardin , toàn những đầu óc lỗi lạc,mỗi người một kiểu , nhưng tất cả đều mường tượng lịch sử như một con đường tiến về phía trước theo chiều xa hoặc chiều cao . Rồi khoa học lại chỉ cho ta cái quy trình tiến hóa từ hạt bụi đến các vì sao , từ khoáng vật đến động vật , từ loài giun loài dế đến loài người , khác nào một mũi tên , mỗi ngày thẳng tiến , mỗi ngày thăng tiến...

  Nhưng chắc gì ? Biết đâu lịch sử ,như một thi hào nói , chẳng là câu chuyện do một thằng điên kể , đầy ô trọc , ầm ầm sát khí và chẳng có nghĩa lý gì ?

  Nói thế không phải bi quan , mà là xác nhận một thực tại . Hiển nhiên khoa học kỹ thuật phát triển mạnh . Nhưng ngoài ra có gì phát triển nơi con người ? Thế kỷ này có kém gì thế kỷ trước vế tội ác ? Lại hơn các thế kỷ trước về những phương tiện tối tân để làm việc ác .

    Nhìn chiều dài của tiến hóa , hạt bụi đã đi tới con người , còn con người đi về đâu ? Chẳng có quy luật nào cả , chẳng có đại lộ nào xây sẵn . Mà nếu có quy luật,con người vẫn còn khả năng làm phản quy luật. Bằng chứng là sau 75 năm xã hội chủ nghĩa và hết Liên-xô, nhân loại còn dư khả năng và trí tuệ để bày chuyệnkhác.                                                                                                                                              

Coi hiện trạng thế giới ngày nay đủ rõ . Tại Việt nam , Đảng Cộng sản đương tàn lụi nhưng sau đó ? Tương lai ai vẽ ra trước được !

    Số là...con người tự do ! Mà tự do không phải là quy luật. Tự do là trách nhiệm của con người . Chính vì thế lịch sử sẽ luôn luôn bi đát .

    Hà Sĩ Phu viết :

   " Tôi cũng toan xé bài viết này đi , vì thấy : nghĩ gì , nói gì cũng đều vô nghĩa cả !Nhưng chợt nhìn vào những thứ mình đang ăn đang mặc hàng ngày , nhìn vào cuốn sách đang xem , tôi tự biết mình là kẻ đã được ăn chịu ở Quán Đời này quá nhiều ,nếu thản nhiên rũ áo ra đi thì hóa ra thằnh ăn quịt , giữa buổi kinh tế thị trường ! Nên đành phải nói tiếp câu chuyện Trần tục ."

    Đã cho rằng nghĩ gì , nói gì cũng đều vô nghĩa cả mà vẫn can đảm nghĩ và nói ,là một hành động có ý nghĩa . Một cử chỉ trân trọng với đời , với ý nghĩa cuộc đời : cử chỉ của lòng tin ,tin vào con người ! Và chừng nào còn tin vào con người , còn có quyền  lạc quan !

                                                                                                            Đ. M .T

 

7) Une praxis de la Liberation ( Les voix de Phung-Quan , Bui-Minh-Quoc, Ha-Si-Phu , Ho-Hieu et Hoang-Minh-Chinh )

                                                                                       HỒ-ĐỈNH , Bulletin Tin Nhà , N* 14 , Février 1994

 

... ...HA-SI-PHU :  Phung-Quan a pris la parol pour Bui-Minh-Quoc. A son tour,celu-ci

a pris la plume pour Ha-Si-Phu . Le poète salue le combat d' avant-garde de ce professeur de Biologie devenu "commentateur critique" du "Marxism-Léninism scientifique" au Vietnam.  C'est un combat intellectuel ,presque solitaire, mené avec perséverance pour l'abolition de la 'dictature du prolétariat'.

    Qui est Ha-Si-Phu, se demande le poète,pour avoir une tell audace ? Oser critiquer le marxism-léninism et le critiquer dans son fondement même !...'Entreprisequi risque de lui causer d'horribles malheurs...'

       " Si je ne m'abuse, affirme encore Bui-Minh-Quoc, depuis 1954 au Nord Vietnam  et dans tout le pays depuis 1975, Ha-Si-Phu  est le premier qui,manifestement et par écrit, a oser pénétrer dans cette zone de danger de mort."

En septembre 1988, bien avant les événements mondiaux de 1989, Ha-Si-Phu adressa à la revue Công-san ('Communisme',organe de réflexion théorique du PVC), à l'Institut  Marx-Lénine, à l'École Nguyên-Ai-Quoc et aux amis interessés par les problèmes de methodologie logique un petit mémoire intitulé : Marcher la main dans la main sous les panneaux indicateurs de l'Intelligence. Le pouvoir interdit naturellement la publication de cet article. Il commanda par contre plus de trente contre-critiques et mises en garde sévères .

      Avec beaucoup d'humour et de clarté ,en utilisant nombre d'images pittores -ques et de comparaisons originales , l'auteur présente les contradictions extrêmes entre l'idéal proclamé par le marxisme-léninisme et ses réalisations concrètes au Viêtnam .

       Le marxisme veut terminer l'ère de l'exploitation de l'homme par l'homme et de l'appropriation des biens par des particuliers ; il promet le développement social et la haute productivité , la démocratie et la liberté , le collectivisme et l'internationalisme , la science et le réalisme...Malheureusement , pour réaliser ce rêve grandiose , il a recours à la lutte des classes , mené par le prolétariat (alliance ouvriéro-paysanne). La dictature de ceux qui s'indentifient au prolétariat engendre le centralisme et la recherche effrénée des intérêts de classe dont les séquelles sont évidentes  : culte de

 la personnalité , volontarisme , rejet de toutes les normes générales  , mépris de l'intelligentsia etc...Tout cela est en pleine contradiction avec la promotion de l'intelligence ,de la démocratie ,de la liberté , des droits de l'homme et de la dignité humaine . Economiquement,cela entraine aussi la baisse    de la productivité et le sous-développement social .

     Devant cette situation désastreuse , le Parti communiste vietnamien tente une réforme strictement limitée à l'économique et concentre encore plus en ses mains tout le reste du pouvoir en proclamant une fausse rénovation , une fausse démocratie dans l'ordre politique et idéologique .

     Pour conclure , l'auteur lance un appel pour l'abolition du 'culte' du marxisme-léninisme et pour un renouveau en conformité avec les normes générales de l'humanité qui  "comme l'histoire le prouve , continue à avancer , la main dans la main , sur la route du progrès , sous les panneaux indicateurs de l'Intelligence".

     Sur sa lancée, Ha-Si-Phu adresse à ses amis ,en mai 1993 , un nouveau mémoire encore plus volumineux , intitulé Quelques réflexions d'un citoyen où , toujours avec humour et une rigueur scientifique exceptionnelle , corroborée par des élé-   ments comparés des philo -sophies orientale et occidentale sur l'homme et la société, sur l'évolution et le progrès etc..., il mène une critique systématique des erreurs du  socialisme scientifique marxiste . Il propose de l'abandonner purement et simplement et de réintégrer allègrement l'humanité en marche .

     Cette réintégration est devenue un fait incontournable . Mais l'auteur déplorela manière 'asiatique' de ce retour . 'Les Partis des Blancs' en Europe amorce un franc retour en arrière , au risque de bouleverser tout l'ordre hiérachique : les derniers deviennent les premiers . 'Les Partis des Jaunes' en Extrême-Orient s'entêtent dans l'affirmation qu'on contenue toujours à aller de l'avant , tout en entamant le retour en demi-cercle ,gardant ainsi côute que côute toute la hiérachie existante , au prix d'une immense perte de temps et d'énergie...

 

8)  Xích tay đối thủ rồi thách đấu

              Thành Tín - MẶT THẬT , nhà xuất bản SAIGON PRESS 1993, Irvine, CA 92716, USA    

 

    Vào quãng cuối năm 1990 dưới trang 3 của báo Nhân Dân đăng một bài luận văn dài hơn 3000 chữ với đầu đề :" Đi dưới bảng chỉ đường của trí tuệ là đi theo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản !".

    Bài báo ký tên Quang Cận. Nhà 'lý luận' quân sự trứ danh kể trên lại xuất trận ?

Bài báo nhằm bác bỏ một bài báo khác có đầu đế là :" Dắt tay nhau , đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuê ( hay : Thử giải bài toán lôgích xã hội , mọi điều rắc rối bắt nguồn từ đâu ?)", bài báo ký tên Tú Xuân Hà Sĩ Phu .

      Đây là một bài báo không được đăng báo. Tác giả lần lượt gởi đăng một số báo lớn , kể cả Ban chuẩn bị Đại hội Nhà văn lần thứ 4 , nhưng chẳng có một lời hồi âm ngoài một công văn của Hội Nhàvăn Việtnam , từ chối khéo rằng :" Tuy nhiên, thời gian ở Đại hội hạn hẹp rất khó có điều kiện để trình bày phát biểu này ".

    Ở báo Nhân Dân chắc hẳn ban chính trị có nhận được bài này, nhưng đã xếp vào hồ sơ của những 'bài báo đen' 'chống Đảng' !

  Tú Xuân  Hà Sĩ Phu là ai ? Đó là một sĩ phu Bắc Hà , phó tiến sĩ Sinh học Nguyễn Xuân Tụ , ở viện Khoa học ViệtNam ,đang công tác tại một cơ sở của viện đặt ở ĐàLạt , nhà anh ở 4E đường Bùi thị Xuân . Anh viết bài báo này vào tháng 9 năm 1988.

     Không nơi nào nhận đăng bài báo dài 10 trang đánh máy này , Hà Sĩ Phu liền nghĩ ra cách phổ biến khá nguy hiểm cho anh : phô-tô-cốp-pi bản đánh máy , gởi cho bè bạn thân quen , có ghi rõ nơi gửi là : ...bạn bè , nhửng người hiểu biết, quan tâm và có trách nhiệm , để xin ý kiến trao đổi.

      Đây là một bài báo rất thú vị , của một trí thức có chiều sâu suy nghĩ , tự tin , có trình độ nghiên cứu, lại hóm hỉnh. Một con người quý , hiếm ,có tư duy độc lập .

     Trong lời mở đầu tác giả cho mình là đã "cả gan lạm bàn chuyện quốc gia đại sư" và nhấn mạnh : "Những điều này nói ra hôm nay đã là quá muộn".

     Câu đầu bài viết là :"Hãy thử để cho Trí tuệ được vài phút hoàn toàn tự do, xem nó có thể mách bảo ta điều gì ?".

     Đó là :

     Hệ thống mà ta đang khảo sát chứa đựng quá nhiều 'nghịch ly' , nếu chưa muốn nói là cấu thanh bởi toàn những 'nghịch lý' . Những 'nghịch ly' ấy là :

   - Hệ thống " dân chủ gấp triệu lần " lại vướng mắc chính vấn đề dân chủ !                                                                      

   - Hệ thống tiêu biểu cho sự thật , có các nhà xuất bản sự thật , thì đang phải cố chữa bệnh nói dối !

   - Hệ thống ưu việt tiêu biểu cho sự giải phóng con người thì không ưu việt về quyền con người !

   - Hệ thống tiêu biểu cho Nhân loại , cho tính tập thể thì lại xuất hiện nhiều ví dụ về tệ sùng bái cá nhân !

   - Hệ thống tiêu biểu cho sức sáng tạo của trí thức thì vấn đề trí thức lại cứ cộm lên

như một hạt nhân của toàn bộ cái hiện thực cần phải cải tổ !

  - Chúng ta vẫn nói sự thắng thua giữa các chế độ rút cuộc là ở năng suất lao động,

nhưng cài đó thì ta lại thua quá xa !

  - Hệ thống XHCN được mô tả là đầy sức sống , còn chủ nghĩa Tư bản thì đang "giãy chết", vậy mà trong tất cả các trường hợp quốc gia bị chia cắt làm hai thì dù chia theo kiểu nào , nửa thuộc phía "giãy chết" cũng có năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tốt hơn nửa kia !...

     Tác giả phê phán chủ nghĩa Mác về hai luận điểm cơ bản là "đấu tranh giai cấp"

"chuyên chính vô sản" , và phân tích tình hình xã hội theo 3 quan niệm duy lý ,duy tín và duy lợi .

     Tác giả nêu bật ý nghĩa của Trí tuê , của tri thức , yếu tố năng động nhất ở con người , mà con người lại là yếu tố năng động nhất của sức sản xuất xã hội.

     Trong phê phán chế độ hiện thời , Hà Sỹ Phu có nhận xét thâm thúy , ngay thật ,vạch trần sự phi lý của nó : "Chủ nghĩa bình quân gắn chặt với tư tưởng lật đổ. Khi chưa có thì muốn lật đổ để cào bằng , cào bằng được rồi lại muốn giầu hơn người khác , lật đổ vua nhưng rồi mình lại làm vua !".                                                                      

     Tác giả lên án chủ nghĩa cơ hội , thái độ bạc nhược quay mặt đi một cách vô trách nhiệm , ngậm miệng ăn tiền , trì hõan , thậm chí độc ác , lì lợm ,cố thủ của một số gọi là trí thức, và nhận xét : "Trong bức tranh chung về sự tha hóa, cái bệnh chung nói dối cứ như con bạch tuộc ôm ghì lấy xã hội, chẵng để cho ai thoát ra".

 

     Tôi trích ra khá nhiều , và vẫn còn muốn trích thêm để bạn đọc hiểu rõ về một trí thức sớm "dấn thân" theo kiểu của mình , điềm tĩnh , rỉ rả phê phán những sai lầm đã qua một cách sâu sắc riêng của mình , một cách thật thâm thúy, và đồng thời chỉ ra lối thoát là nhìn thẳng vào sự thật , chấm dứt sự lừa dối , trở về với sự thông minh ,với trí tuệ . Rất mong bài viết từ năm 1988 ấy sớm đến được với bạnđọc trong và ngoài nước nguyên vẹn để bạn đọc thưởng thức một suy nghĩ mới , và hiểu rằng ở trong nước đang có những bộ óc cần mẫn sáng tạo rất đáng trân trọng và tin cậy . Ví dụ của anh về đôi giày với người chủ lau bóng đôi giày ấy, kẹp nách  rồi vấp ngã , chân tóe máu vẫn ôm ấp đôi giày , quả là một ví dụ cười ra nước mắt .

     Ban tư tưởng và văn hóa lúc ấy do hai ông Trần Trọng Tân và Thái Ninh cầm đầu lập tức cho những cây bút được họ coi là nổi danh nhất phang cho Hà Sỹ Phu những trùy nặng trên báo Nhân Dân , Quân đội Nhân dân và Tuổi trẻ , lên án tác giả là : có dụng ý xấu, bôi đen chế độ , đả kích vào Đảng ; là : đưa ra những quan điểm mơ hồ và mỵ dân về duy lý , duy tín và duy lợi ; là : mang tâm lý thất bại chủ nghĩa và bi quan , bối rối trước thời cuộc ; rồi còn là : ăn phải bả luận điệu của đế quốc...Nghĩa là mọi thứ mũ .                                                                     

    Cách làm trong "đổi mới" vẫn theo một lối cũ , rất cũ . Đó là hô hoán toáng lênđối tượng định 'phang' , thế nhưng lại giấu rất kỹ không để công luận biết được những luận điểm của bài báo ấy, cấm chỉ sự lưu truyền và tịch thu mọi bản đang được truyền tay , coi đó là tài liệu phản động , đồ quốc cấm !

     Đây phải nói thẳng ra là cách làm theo lối "ăn gian", khinh thị công luận,có tính chất hèn nhát, không cho đối thủ của mình được trình bày chính kiến ! Họ sợ tranh luận công khai . Họ đã mất hẳn tự tin và tự biết trước là họ đuối lý .

      Trận đấu này dù sao so với thời Nhân văn Giai phẩm cũng có khác . Đó là vài bài báo phản bác viết sơ sài , bôi bác , tác giả không một ai có chút uy tín nào , trừ bài của Quang Cận đăng trên báo Nhân Dân là độc giả còn có người biết đến cái tên. Nhưng bài báo này đã mang lại cho tác giả "phần thưởng" xứng đáng,sự khinh thị và chê cười . Một cậu học trò phổ thông con bạn tôi đọc xong , liền nói ngay vớitôi trước mặt bố :" Họ cứ nói lấy được , lại cả vú lấp miệng em đây . Sao họ không đăng bài của ông ấy để mọi người biết và đánh giá. Lên án thế này thì thật vô tích sự ! Chú cố tìm cho cháu mượn bài của ông Sĩ Phu Bắc Hà này chú nhé !Cháu muốn đọc lắm ! Lúc ấy ai có lý mới rõ được !". Chú học trò sinh năm 1975 , lúc ấy mới 15 tuổi mà đã khôn thế đấy !

 

     Tất nhiên là phó tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ bị hành đủ kiểu . Sự trả thù của cơ chế không phải là thường ! Anh bị chụp mũ, bị xỉ vả , bị bôi nhọ ở Hà nội, Sàigòn, ĐàLạt. Vợ con anh bị chỉ trỏ , thầm thì , khinh miệt bởi một số kẻ cơ hội . Anh không được tín nhiệm như trước ở cơ quan . Cuộc sống gia đình khó khăn , anh phải mở một quán giải khát bình dân, bán nước chè, thuốc lá , bánh kẹo để sinh sống . Họa vô đơn chí, anh vừa bị một tai nạn nhỏ , trượt chân ngã,trẹo cả cẳng .Anh chịu đựng sự đối xử xấu chơi của cơ chế với niềm tin của một trí thức chân chính .

                                                                      

     Gần đây anh sử dụng quyền tự vệ , sao thêm bài viết của anh và những người lên án anh để cho công luận rộng đường suy xét . Họ im lắng. Họ cố quên !                                                                      

     Ở bất cứ nước nào có tự do báo chí và tự do ngôn luận , ắt hẳn chuyện in bài của cả hai phía đã được thực hiện ngay từ đầu . Nhân dân, người đọc báo, công luận xã hội sẽ là trọng tài công minh , đáng tin cậy nhất .

    Hơn thế nữa, ở một xã hội có luật pháp , anh Tú Xuân Hà Sĩ Phu có thể phát đơn kiện về những bài báo đã xuyên tạc , vu cáo, chụp mũ anh , và những Trần Trọng Tân , Thái Ninh , Quang Cận đều phải đính chính trên báo chí công khai , ngay trên báo nào mà họ đã vu khống ,phải xin lỗi và còn phải đền tiền bồi thường danh dự cho anh Hà Sỹ Phu. Cái thời Đảng là luật pháp,ngồi xổm trên luật pháp sẽ qua,đang qua, đang trôi dần vào dĩ vãng...

    

9) Les intellectuels viêtnamiens contre le fantôme de l'Oncle Hô .

                                        Murray Hiebert - Far Eastern Economic Review (Hong Kong)

                                                                       Courrier International - N* 164 - ASIE p.25

(Une chape de plomb continue de peser sur le Vietnam communiste. A l'approchedu congrès du parti unique , les intellectuels attisent les feux de la contestation .Dans leurs pamphlets photocopiés, ils exigent l'abandon de l' Idéalisme de l'Oncle Hô et l'Instauration des libertés démocratiques.)

                                                                    

   ...... Le professeur de biologie Nguyen Xuan Tu , qui signe sous le pseudonyme Ha-Si-Phu - "Héroique professeur du Hanoi"-  formule une autre critique dans un

pamphlet de 76 pages : le marxisme-léninisme s'est montré l'incapable de réconcilier la nation , de construire une société démocratique et une économie de marché ".

     "Nous devons abandonner cette théorie étrangère qui n'est pas adaptée à notre pays... de manière à apaiser nos rancoeurs internes , à promouvoire le developpement du pays et à nous donner les moyens de mettre la nation en phase avec l'environnement interna -tional ", poursuit M.Tu .

    "Certains craignent que l'abandon de tout idéalisme nous condamne immediatement au chaos !",  avance-t-il , disignant sans le nommer le gouvernement , qui prétend qu'une réforme politique compromettrait la stabilité et les modestes résultas écononomiques obtenus par le pays depuis 1986 , époque à laquelle les premières réformes d'inspiration libérale ont été adoptées. " Si le cas , il nous fautnous résigner à l'esclavage et renoncer à l'idée d'être jamais indépendants." .

                                                                                                                    ... ... ...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                     Phụ lục 2:    

 

            HỒI ỨC VỀ CUỘC KHỦNG BỐ CHỦ NGHĨA XÉT LẠI Ở VIỆT NAM                      

                                                                                                                         Lê Xuân Tá       

                                                           --------------           Diễn đàn số 27 (2-94),tr.20-23.         -------------

Lê Xuân Tá là bút danh của một cán bộ trong nước, nhân dịp ghé qua Nga,đọc thư ngỏ của ông Hoàng Minh Chính đăng trên Diễn đàn số 23,đã gửi chúng tôi bài này Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài của ông,coi đó là một chứng từ chân thực vê các ông Bùi Công Trừng và Hoàng Minh Chính, về vụ đàn áp xét lại ở Ủy ban Khoa học Nhà nước trong thập niên 1960. Riêng phần đầu nói về cuộc đấutranh trong nội bộ cấp lãnh đạo Đảng Lao động Việt nam về chiến lược miền Nam,vì không phải là chứng từ trực tiếp,chúng tôi xin coi đó là một giả thuyết cần được kiểm chứng.

                                       ----------------------- Xin thành thật cảm ơn tác giả.------------------------

                                                                                                   *

   Bức thư ngỏ của ông Hoàng Minh Chính.đăng trên Diễn đàn số 23 (tháng 10-93) vừa qua nhắc tôi nhớ tới một tấn thảm kịch lớn trong lịch sử Việtnam.

    Cải Cách RuộngĐất,vụ án Nhân văn-Giai phẩm,các cuộc cải tạo tư sản ở Bắc và Nam, cuộc hợp tác hóa nông nghiệp...đó đều cũng là những mảng tối của lịch sử. Nhưng dù sao cũng đã được phơi bày.

    Nhưng vụ khủng bố chủ nghĩa xét lại thì không.Cả nạn nhân cả thủ phạm lẫn dư luận vẫn còn im lặng. Mặc dầu,tiếc thay đó lại là một trong những mảng tối lớn nhất,trong đó chứa ựng đông đặc bản chất của chủ nghĩa cộngsản, của bộ máy Đảng và cũng chứa đựng cả nhiều yếu tố quy định số phận của đất nước Việt nam.

   Tôi rất hoan nghênh Diễn đàn đã làm diễn đàn cho những tiếng nói như thế.Tiếp lời ông Hoàng Minh Chính,tôi xin kể thêm một số điều xungquanh vụ việc này.

   Tôi tốt nghiệp ngành hóa ở Liên xô về vào đầu những năm 60,làm việc tại UBKH nhànước. Lúc đó ngành khoa học xã hội cũng thuộc Ủy ban này.UBKHNN lúc đó đã trở thành dinh lũy của chủ nghĩa xét lại và là đối tượng trungtâm của chiếndịch thanh trừng.Tôi lúc đó làm công tác thanh niên của cơ quan, tuy không tới mức ở trong cuộc như ông Chính,nhưng cũng đã nghe và nhìn thấy nhiều điều lớn nhỏ.

   Cái nền của cuộc đụng độ này là sự đối lập và thù nghịch của ĐCSVN với ĐCSLX Sự đối lập đó bắt đầu xuất hiện ngay từ năm 1956 với đại hội 20 của ĐCSLX và tạm chấm dứt vào năm 1979 với việc Trungquốc tấn công VN.Trong 23 năm đó,mức độ đối lập và thù nghịch có khác nhau tùy giai đoạn,nhưng thực bụng thì lúc nào cũng là đối lập và thù nghịch.

   Từ 1956 đến 1960 là giai đoạn hòa hoãn và tự vệ.Đại hội 20 của ĐCSLX là một gáo nước lạnh dội vào toàn ĐCSVN.Tiếp đó là vụ công nhân Balan biểu tình ở Poznan,đặc biệt những sự biến ở Hungary với Imre Nagy đã làm rung động hệ thống thần kinh chính trịViệt nam. Không có sự  rung động đó,thì không biết đến bao giờ mới có chuyện 'phát hiện' sai lầm CCRĐ và sửa sai. Tất cả những yếu tố kể trên đã làm suy yếu quyền uy của Đảng. Những lực lượng bất bình và phê phán tưởng là đãđến lúc vùng lên.Vụ Nhân văn-Giai phẩm ra đời trong bối cảnh đó.Nó bị đàn áp rasao thì sáchbáo đã nói nhiều rồi.Trong những năm này ĐCSVN tuy 'tức đến tận cổ' vẫn phải đấudịu với LX để còn xin viện trợ,để được yên bề xử lý các chuyện đối nội.

   Từ sau 1960 thì tình hình đã khác.Ông Lê Duẩn đã làm Tổng bí thư, ông Lê đứcThọ đã nắm Ban tổ chức Trung ương.Ông Trường Chinh được phục hồi trong Bộ chínhtrị,phụ trách lý luận và tư tưởng...Trên vũ đài quốc tế,Trung quốc đã công khai tuyên chiến về quan điểm với Liên xô.Cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Bành Chân,trưởngđoàn Trung quốc,với Khrouch -tchev tại hội nghị các đảng Cộngsản tại Bucarest năm 1961 đánh dấu sự phân liệt không bao giờ hàn gắn được nữa trong phong trào Cộng sản quốc tế.Vết nứt này đã ngày càng mở rộng,kéo dài,phân chia toàn bộ thế giới Cộng sản và phân chia tất cả các đảng viên cộng sản.Trên cục diện thế giới,phía theo Liênxô đông hơn hẳn và thái độ khá dứt khoát.Phía theo TQ thì ít hơn,mức độ và tháiđộ lại rất khác nhau.Cuba thì chống LX trong bụng,nhưng cái bụng lại được nuôi bằng đồng rúp,nên đành 'ngậm miệng ăn chè'.Anbani thì do Khouchtchev định lật đổ Hodja mà không lật được,nên Hodja đã phát động cả nuớc lao vào cuộc chửi rủa LX.Bắc Triều tiên thì vừa thân TQ vừa lệthuộc lợi ích vào TQ,nên sự phân liệt nội bộ không đáng kể;phái của bà Phác chính Ái,lúc ấy là chủtịch Đảng,được thanh toán rất nhanh và không ai còn biết đến bà ta ra sao nữa.Còn ở TQ,thành lũy của chống xét lại,thì đương nhiên chủ nghĩa xét lại không mọc lên được.(Sau này,thời Cách mạng văn hóa,họ đưa Lưu thiếu Kỳ ra đấu như "tên xét lại lớn nhất",thực ra là vu oan cho ông ta.Ông ta cũng mao-ít không kém gì Mao.Tôi còn nhớ năm 1963,ôngvà vợ ông là bà Trương quang Mỹ sang thăm VN với dụng ý là làm thay đổi cán cân lực luợng giữa phe thân LX và phe thân TQ ở VN.Ông đem theo bao nhiêu viện trợ,và cái đến ngay với chúngtôi lúc ấy là "bánh mì bác Lưu":trước đây chúng tôi mỗi sáng đi làm ăn một ổ bánh mì 1 hào,từ đó ăn một ổ bánh mì y như vậy chỉ có 5 xu..)

   Còn ở VN,thì sự phân liệt phức tạp hơn nhiều.Kèm theo sự phân liệt quan điểm,có gửi gắm những âm mưu thanh trừng đã ấp ủ từ trước đó rất lâu.Từ 1961,đài BắcKinh nói tiếng Việt phát ra rả những bài chống Liên xô.Những brochures của TQbằng tiếng Việt được rải khắp Việt nam.Những thứ này cùng với "bánh mì bác Lưu"đã củng cố phái thân TQ.Phái thân LX thì không có phương tiện truyền thông đại chúng,không có nhiều sách báo tiếng Việt.Họ chủ yếu dựa vào trí tuệ và lập luận. Vảchăng,họ bao gồm những trí thức cấp tiến,có kiến thức rộng và trung thực với lẽ phải,họ ít gắn với những lợi ích trực tiếp và cụ thể như phái thân TQ.

   Tuy nhiên,cho đến trước nghị quyết 9 (tháng 11-1963) thì cuộc phân liệt chưa mang tính chất 'bất cộng đái thiên'.Trong các cơ quan,trong mỗi gia đình, hàng ngày chúng tôi vui vẻ tranh luận về đủ các vấn đề,từ bom nguyên tử đến vụ VịnhCon Lợn ở Cuba,từ chính sách trồng ngô của Krouchtchev đến lý thuyết con hổ giấy của Mao...Vợ chồng cũng bất đồng, cha con cũng bất đồng,nội bộ cơ quan cũng bất đồng. Song sự bất đồng đó chưa căng thẳng, chưa ai kết tội gì cho ai.Lúc này,không biết từ đâu xuất hiện câu vè mà trẻ con hát lải nhải trên các hè phố:

            "Ông Liênxô,Bà Trung quốc.Ông đi guốc,Bà đi giầy.Ông nhảy giây,Bà đá bóng..."

Câu vè này cũng biểu hiện được tính chất 'tào lao'của cuộc tranh luận.Mà đến nay nhìn lại thấy quả thực như ông Hoàng Minh Chính nói,cả hai phía đều đã bị lịchsử vượt rất xa rồi.

  Tuy nhiên,trong hệ thống các quan điểm lúc đó,có một quan điểm mà đối với VN không viển vông chút nào.Đó là quan điểm về chiến tranh và hòabình.Cuộc đụng độ về vấn đề này chính là cốt lõi của cuộc đấu tranh và cũng chính nó đã làm cho cuộc tranh luận tự do về lý thuyết chuyển sang cuộc thanh trừng. Thời đó,Krouchtchev đưa ra thuyết chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau,vì khi kỹthuật quân sự đã đạt tới bom hạt nhân thì chiến tranh sẽ không để lại người thắng trận. Mao thì đưa ra thuyết "Con hổ giấy", cho rằng Mỹ không đáng sợ,Mỹ là con hổ bằng giấy.Mao còn biện luận: về chiến thuật thì Mỹ rất nguy hiểm nhưng về chiến lược thì Mỹ là con hổ giấy,không đáng sợ,có thể dùng chiến tranh nhân dân để tiêu diệt con hổ giấy đó.Đối với VN lúc đó,đây quả là vấn đề quan trọng số 1, vì nó quyết định đường lối với miền Nam:đánh để giải phóng hay đấu tranh hòa bình...Phái thân LX không muốn phát động chiến tranh vũ trang giảiphóng miền Nam,vì sẽ vô cùng hao tổn máu xương của cải,tàn phá đất nước,mà chưa chắc đã giải quyết được chuyện thắng bại trên chiến trường Việt nam vì cục diện chiến tranh Việt nam tùy thuộc cục diện quốc tế.Tôi được nghe những cán bộ cấp cao hồi đó kể lại rằng chính các ông Hồ chí Minh,Võ nguyên Giáp,Nguyễnvăn Vịnh,Ung văn Khiêm là thiên về xu hướng này, tuy các ông không dám công bố công khai,vì như vậy có thể bị đối phương chụp ngay cho cái mũ "phản bội sự nghiệp giảiphóng dân tộc".Trong dư luận cán bộ lúc đó,người ta còn đồn rằng ông Hoàng Minh Chính đưa ra chủ trương hai nước Việt nam cùng song song tồn tại trong thi đua hòa bình (Tôi xin lỗi bác Chính,nếu đây là lời đồn thất thiệt.Tôi cũng rất mong bác viết một bài để làm rõ thực hư). Nhiều người trong đó có tôi,bắt đầu thấy kính trọng ông Hoàng Minh Chính là từ đấy...Chúng tôi biết nếu phát động chiến tranh thì sự nghiệp khoa học của cả thế hệ chúng tôi sẽ bị ném vào khói lửa,tuylúc đó tôi chưa hề hình dung được cuộc chiến tranh kéo dài đến thế,gây ra nhiều vết thương đến thế và chiếnthắng của nó vừa đắt,lại vừa chóng thối rữa đến thế...

 

   Còn phái chủ chiến thì lập trường của họ có những nguyên nhân sâu xa và phức tạp hơn chứ không phải chỉ do lòng yêu nước và tinh thần giải phóng dân tộc.Cácông Lê Duẩn và Lê đức Thọ đều là những người nuôi mộng bá vương từ lâu.Nhưngsuốt thời kỳ chống Pháp,họ không có vaivế gì cả,họ chưađược ngồi vào"chiếu trên" . Họ ấp ủ ý chí và tìmkiếm cơ hội. CCRĐ và chỉnh đốn tổchức đã làm cho Tổng bí thư Trường Chinh lẫn trưởng ban tổ chức trung ương Lê văn Lương bị ra khỏi "chiếu".Ông Hồ chí Minh đã có ý định đưa Võ Nguyên Giáp lên chức Tổng bí thư,và vì lẽ đó ông Giáp đã được phân công đứng ra thay mặt Đảng thừa nhận sai lầm CCRĐ trước quốc dân tại một cuộc mít tinh lớn ở sân vận động Hàng Đẫy. Chính ý định này làm cho hai con hổ khát quyềnlực vốn gầmghè nhau là Lê Duẩn và Lê đức Thọ quyết định liênminh lại với nhau.Ở Đạihội Đảng lầnthứ 3,họ đã thắng.Họ được ngồi vào chiếu trên. Nhưng chiếu đó vẫn còn nhiều bậc mũ cao áo dài,tuy về chức sắc trong Đảng không phải là cao,nhưng uy thế thì họ vẫn chưa lấn át được.Khát vọng của Lê Duẩn là phải làm một cái gì hơn cả Điện Biên Phủ,để vượt trội cả Hồ chí Minh lẫn Võ nguyên Giáp. Khátvọng đó được Lê đức Thọ đồng tình.Lập trường chủ chiến có nguồn gốc sâu xa như vậy.

 

  Ông Lê Duẩn là "cụ Hồ của miền Nam",là người hiểu miền Nam và có uy tín ở miền Nam hơn bất cứ ai trong bộ chínhtrị lúc đó.MiềnNam là diểm mạnh nhất của Lê Duẩn .Nếu không phát động được cuộc chiến tranh ở miền Nam,thì cả Lê Duẩn lẫn Lê đứcThọ đều chưa nắm được thế thượng phong trên vũ đài chính trị của Hà nội.Tháng 11-1960,Lê Duẩn phát động phong trào đồng khởi,đặt cả nước và toàn ban lãnh đạo Đảng ở thế "đã rồi".Lý luận về "hổ giấy"là một sự viện trợ rất quan trọng.Nhưng cũng phải mất 3 năm,phái chủ chiến mới chiếm được ưu thế. Trong số các đối thủ của họ, có những nhân vật mà dù sao cũng đã đi vào lịch sử như Hồ chí Minh,Võ nguyên Giáp,nên họ không dễ đương đầu.Họ đã sử dụng hai chiến thuật: chiến thuật phân hóa và chiến thuật"việc đã rồi".Hai chiến thuật này đã được họ sử dụng rất tài tình không những trong nội bộ Đảng,mà cả trong việc vừa chống LX vừa bòn rút được viện trợ của LX,cả trong toàn bộ cuộc chiếntranh với Mỹ.Trên cả 3 mặt trận họ đều thắng "oanh liệt"! Trong cuộc đấu tranh nội bộ,hai chiến thuật này được vận dụng như sau: nhân cái cớ có luật 10-59 của Ngô đình Diệm, họ phát động phong trào đồng khởi,cho rằng nếu không vùng lên thì máy chém của Ngô đình Diệm sẽ chặt hết đầu các chiến sĩ cách mạng.Lúc đó cả những người lưỡng lự với đấu tranh vũ trang cũng không dám phản đối.Phản đối là phản cách mạng,là phản quốc. Những tuyên bố của ông Hồ chí Minh trong thời kỳ này cho thấy họ đã phânhóa được phái chủ hòa.Khi đã trói taytrói chân được những đối thủ đáng gờm nhất bằng thái độ lừng chừng,họ mới quyết định giáng đòn chí mạng vào số còn lại,tuy trung kiên hơn nhưng lại kém trọng lượng hơn.Đòn đánhnày ,đến lượt nó,lại có tác dụng răn đe và vô hiệu hóa các vị lừng chừng.Đó là thực chất của chiến dịch khủng bố chủ nghĩa xét lại.

   Chiến dịch này được mở màn vào tháng 11-1963,với Hội nghị trung ương lần thứ 9.Đến lúc này phái chủ chiến thân Mao đã có phần ưu thắng.Số chủ hòa đã bị phân hóa và cô lập.Các lực lượng đối lập công khai chỉ còn thiểu số.Họ quyết định mở cuộc tấn công bằng một loạt trận càn quét thô bạo,trước hết là trong trí thức(để bịt miệng),sau đó là trong quân đội(để tước vũ khí),và cuốicùng mới là trong Ban chấp hành trung ương Đảng (để chặt những cái đầu).                                                                                        

   Chiến dịch đánh vào trí thức được chọn trận địa là Ủy ban Khoa học Nhà nước.Đây là nơi mà số thân LX chiếm đa số.Trong đó có những nhân vật đáng gờm như Bùi công Trừng, Hoàng Minh Chính là những người mà xét cả về thành phần giai cấp lẫn thành tích cách mạng đều không thể quy kết một tội lỗi gì.

 

  Về ông Hòang Minh Chính,tôi có thể kể lại hai điều mắt thấy tai nghe:

   - Một lần chúng tôi tổ chức Đại hội Thanh niên tiến công vào khoa học,chúng tôi mời ông tới dự và huấn thị,vì ông đã từng là bí thư trung ương Đoàn Thanh niên toàn quốc và đương thời ông lại là ủy viên Đảng đoàn (của UBKHNN,chú thích của tòa soạn).Sau khi chúng tôi kiêu hãnh đọc một báo cáo về các côngtrình khoa học của các cán bộ trẻ,ông Chính lênhuấn thị.Ngay câu đầu ông dội cho cả hội trường một gáo nước lạnh:"Về các thành tích mà các đồng chí vừa kể ra,Đảng rất hoan nghênh và khen ngợi...

Nhưng có một điều mà các đồng chí chưa chứng minh được với Đảng:các thành tích đó có thực là do Đoàn Thanh niên làm nên không?  Nếu nói đó là thành tựu của các nhà khoa học trẻ thì tôi đồng ý. Nhưng nói là nhờ có tổ chức Đoàn thanh niên lãnh đạo thì tôi chưa tin.Ở bao nước trên thế giới xưanay, họ không tổ chức Đoàn Thanhniên như của các đồng chí mà họ vẫn có rất nhiều nhà bác học trẻ lỗi lạc. Thế thì các đồng chí căn cứ vào đâu để nói rằng chỉ có Đảng,có Đoàn Thanh niên mới có những thành tích đó...".Chúng tôi tiu nghỉu,choáng váng.Nhưng sau phút choáng váng đó,định thần lại tôi thấy có lẽ ông Chính nói đúng.Dù bị một gáo nước lạnh nhưng tôi cảm phục ông.Ông đã góp một phần giác ngộ cho tôi.

   - Có một buổi chiều chủnhật,tôi đi cùng một ông cũng ở cấp cao ngang cấp ông Chính(dạo đó chúng tôi hay có những buổi bát phố như vậy).Đến ngang cửa hàng báchhóa phố hàng Bài,gặp hai ông Hoàng Minh Chính và Dương Bạch Mai đang đi lại .Ông 'sếp' của tôi dừng lại chào hỏi,rồi nói:"Này Chính ạ,cậu nên régler bớt cái lập trường prosovietique của cậu đi, đây là chuyện vì đoàn kết trong cơ quan mà mình thành thật khuyên cậu...".Ông Chính cướp lời: "Không phải là chuyện theo hay không theo LX,mà là theo hay không theo phong trào cộng sản quốc tế,theo hay không theo lẽ phải.Là thằng ngu thì không nói làm gì.Nhưng nếu là thằng trí thức mà không đủ can đảm bảo vệ chân lý,thì cái đầu của nó còn dùng để làm gì nữa?".Ông Dương Bạch Mai,lúc đó đứng hơi xa,bước lại gần,nói với ông "sếp" của tôi:

    "Các cậu nói đoàn kết,nhưng các cậu có hiểu rằng chính các cậu đã gây mất đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế không?Nếu chúng mình kêu gọi cậu hãy đoàn kết với đa số phong trào cộng sản quốc tế thì cậu thấy thế nào?". Cuộc đối thoại bất phân thắng bại,rồi mỗi người đi một ngả.Được độ mươi bước,tôi ngoái đầu nhìn lại,hai ông lững thững đi tiếp vào đám đông của buổi chiều chủ nhật đã xế nắng,bỗng đã mơ hồ cảm thấy một cái gì không lành lặn đang chờ đón quãng đời của các ông.

 

   Còn ông Bùi Công Trừng,phó chủ nhiệm UBKHNN,nhưng lại là bí thư đảng đoàn,chức vụ cao nhất về Đảng trong cơ quan.Ông Trừng cũng là người ăn to nói lớn,nổi tiếng bộc trực. Hồi đó các viện đều ở trong ngôi nhà lớn 39 Trần Hưng Đạo,nên chúng tôi có dịp được mục kích những cuộc đấu khẩu.

 Tôi được nghe chị Ngô Tấn Nhơn (chị làm việc ở chỗ văn phòng ông Trừng)kể lại: hồi họp hội nghị trung ương 9,ông Trừng lên diễnđàn biện luận quyết liệt cho phe thân LX.Ông Hồ đã rungchuông để ngắt lời,mà ông Trừng dám cả gan cầm cả bàn tayông Hồ lẫn quả chuông ấn xuống bàn và nói tiếp...

  Bản thân tôi chỉ được mục kích một trường hợp.Đó là vào khoảng giữa năm 1963,ông Trừng đứng giữa một đám đông tại cửa hội trường lầu 2 cơ quan,la ó om xòm,tay chống ba-toong (ông bị trẹo cột sống từ hồi ở tù),một tay khoắng loạn lên trời la lớn:"Các anh lúc nào cũng leo lẻo ngoài miệng rằng vẫn đoàn kết với LX.Trong nội bộ thì các anh dạy cho cán bộ phải nghi kị LX,coi LX như kẻ thù.Các anh chỉ biết yêu đồng rúp thôi.Thực chất của chính sách đối ngoại dó là tử tế trước mặt lõ c...c sau lưng.Với cái đường lối này,sẽ đẩy lùi 20 năm  tiến hóa nữa.                                                                                          

.Khi đó thằng Trừng này chết rồi,nhưng đến đó sẽ thấy nó nói là đúng...".Sau đó tôi tò mò hỏi đầu đuôi thì được biết như sau:hồi đó ông Lê Duẩn chủ trương xây dựng một nền kinh tế tự hoàn chỉnh,hướng nội. Ông Trừng chủ trương kinh tế mở,dựa vào phân công lao động quốc tế và thế mạnh của nông sản nhiệt đới,lấy xuất khẩu mà tạo vốn ban đầu nhập thiết bị hiện đại hóa đất nước.Ông cho đăng quan điểm này trên tờ báo Kinh tế mà ông là chủ nhiệm.Bỗng có lệnh trên tịch thu số báo này.Ông Lê Duẩn phêphán ông Trừng là muốn "biến VN thành cái vườn chuối của thế giới...".Đến nay thì rốt cuộc ĐCSVN đã làm đúng theo ông Trừng.Cái sai của ông có lẽ là ở con số 20 năm.Sự chậm trễ đã dài hơn.Nếu kể từ đại hội 20 của ĐCSLX 1956 đến đại hội 6 của ĐCSVN vào 1986 đưa ra chiến lược kinh tế mở thì đã mất trọn 30 năm ... Và ông còn một cái sai trầmtrọng nữa : chế độ độc tài cộngsản thường tiểu nhân hơn các chếđộ độctài khác:nó có thể nhặt lại ý kiến của ông,nhưng bản thân ông thì nó không bao giờ phục hồi danh dự cả.

   Trong khuôn khổ một bài viết,không thể nào kể hết về từng nhân vật.Nhưng để có một bức tranh cân đối,có lẽ nên dành ít dòng cho một nhân vật chống xét lại.Cũng như trong mọi chiến dịch thanhtrừng trước đây và sau này,thủ pháp chủ yếu của giới lãnh đạo cộng sản là dùng những phần tử dốt nát và thấp hèn nhất làm công cụ tiên phong.Chúng tôi gọi đó là đòn "thả chó ngao".Ở UBKHNN lúc ấy,khi mở chiến dịch học tập Nghị quyết 9,bỗng chúng tôi thấy xuất hiện một nhân vật tên là Lê Duy Văn.Ông này vốn là một cán bộ của Ban Tổ chức trung ương.Không có học vấn,không có bằng cấp và chuyên môn gì. Bỗng được cử về làm bí thư đảng ủy cơquan,tức là trực tiếp chỉ huy trận tấn công vào dinh lũy của chủ nghĩa xét lại.Tôi thường nghĩ : sự ngu muội và thấp hèn tự nó thường không thể gây ra tội ác.Nhưng nếu nó được trao cho quyềm lực rồi cấy vào đó chất men ghen tị và căm thù,thì nó trở thành quỷ nhập tràng. Nó sẽ nhanh chóng ý thức được rằng cái đe dọa quyền lợi của nó chính là trí tuệ,học vấn,văn hóa và văn minh.Rút cuộc những thứ nàyđã bị tấncông và chà đạp bằng một sự căm hờn điên cuồng và man rợ.Có lẽ đây là thứ độc dược mà chủ nghĩa cộng sản đã dùng để tiêu diệt hết kẻ thù này đến kẻ thù khác (cải cách ruộngđất là thế,các đợt thanhtrừng của Staline ở Nga là thế,tạo phản của Hồng vệ binh là thế,Khơ me đỏ là thế...Làm sao coi đó là chuyện cá biệt ngẫu nhiên được!).Nhưng rồi may thay,lại cũng chính thứ độc dược đó đã kết tụ lại thành những thứ sỏi mật,sỏi thận,sơ gan cổ chướng trong lục phủ ngũ tạng của chế độ cộng sản,làm cho chế độ này không ai đánh cũng tự chết (mà có khi không ai đánh thì nó tự chết nhanh hơn).

   Cái ông Lê Duy Văn này là một trong vô vàn thí dụ điển hình về độc dược.Nếu trong một trật tự bình thường,ông ấy có thể là một cần vụ ngoan ngoãn cho các ông Trừng,ông Chính... Nhưng trong thế trận bát quái này,ông ta trở thành tàn ác và hung bạo không kém gì chó ngao.Sự dốt nát đã lên ngôi để phán bảo tất cả.Tôi còn nhớ biết bao lần"lên lớp"của ông Văn trên hội trường.Đại để ông ta nói những chuyện như sau:Vừa qua,đoàn đại biểu Đảng ta đi hội đàm với ĐCSLX ,các đồng chí về cho biết rằng trên các bàn bày rất ít lê táo và hoa qủa.Điều đó chứng minh rằng nông nghiệp của LX gần đây bị sa sút nặng nề do quan điểm kinh tế sai lầm. ..Một lần khác ông nói:"Các đồng chí đừng có sùng bái hàng hóa LX,gần đây các cơ quan điều tra của chúngta phát hiện ra rằng các máymóc,vật dụng của LX gửi sang bao giờ cũng có một bộ phận nào đó lắp sai,hoặc cố tình làm hỏng,để cho chúngta không thể sử dụng lâu dài được." ...Ông Văn này không biết một chữ tiếng Nga nào nhưng đã thản nhiên tuyên bố:"Các đồng chí đọc Lênin cũng phải cảnh giác.Nhiều người cũng trích Lênin,tập nọ tập kia,nhưng có phải thế là họ đúng đâu.Bây giờ có hai thứ Lênin. Lênin xuất bản năm 1932,và 1936,loại bìa nâu mới là Lênin thật.Còn gần đây,LX mới xuất bản Lênin toàn tập loại bìa xanh là phải cảnh giác.Đảng ta chưa có điều kiện thẩm tra hết, nhưng đã phát hiện thấy nhiều chỗ không đúng với tư tưởng của Lênin..."!!!

   Vậy mà không hiểu sao,hồi đó mỗi lần chúng tôi họp chi bộ,họp chi đoàn,họp công đoàn,ai ai cũng nhắc đến:"anh Văn đã nói rằng...","theo chỉ thị của anhVăn thì...".Trong khiđó,những Bùi Công Trừng, Hoàng Minh Chính bị coi như một thứ "ma gà",không mấy ai dám đến gần. Gặp nhau ở cơ quan cũng không dám chào hỏi chuyện trò.Trông các ông ấy lúc đó thật xót xa:khinh mạn nhưng ngơ ngác,cô độc và câm nín...Ít lâu sau,điều phải đến đã đến.Hoàng Minh Chính và một loạt nhà khoa học khác bị bắt.Ông Trừng bị quảnthúc tại nhà cho đến chết.Ông Minh Tranh(nhà Sử học,sau đó làm giám đốc nhà xuất bản Sự thật,can tội chodịch bừa bãi nhiều sách của LX,điều này chưa thấy nói trong thư ngỏ của ông Hoàng Minh Chính) đã bị đưa đi cải tạo ở Nam hà...Tất cả các cán bộ và sinh viên đang học (các ngành khoa học xã hội,chú thích của tòa soạn) ở LX đều bị gọi trở về để khỏi bị đầu độc tư tưởng. Mọi việc tiếp xúc với chuyên gia LX đều phải theo quy chế đốingoại chặt chẽ.Mọi thư từ gởi đi và nhận từ LX đều phải báo cáo lãnh đạo...

   Trong suốt chiến dịch chống xét lại,cơ quan chúng tôi có một không khí kinh hoàng không khác gì lắm so với một cái làng trong thời cải cách ruộng đất.Ai cũng nơm nớp sợ bị bắt,bị để ý.Tự nhiên xuất hiện một bọn người xu nịnh trắng trợn,mở mồm là chửi LX,chửi Krouchtchev. Những trí thức tự trọng thì im lặng và né tránh y như con cái nhà phú nông,địa chủ thời CCRĐ...

  Nhưng lạ thay chẳng mấy lâu sau khi nghiền nát các lựclượng xét lại,xác địnhđược địa vị bá chủ,vào mùa thu năm 1967 đùng một cái chúngtôi nghe Đảng ủy phổ biến rằng trong dịp đồng chí Kossyguine sang thăm VN,haiĐảng đã thông cảm với nhau trên nhiều vấnđề. Rồi tháng 11 năm đó,ông Lê Duẩn đi dự kỷniệm 50 năm Cách mạng tháng 10 ở Moscou, chúng tôi sửng sốt khi nghe ông tuyên bố :"Liênxô là Tổ là Tổ quốc thứ nhì của tôi".Lúc này Mỹ đã đưa quân ồ ạt vào miền Nam.Cường độ chiến tranh lên rất cao.Đảng rất cần tiền và vũ khí để đánh Mỹ.Trong khi vẫn nhốt chặt những người thân LX ở trong tù và nơi quản thúc,Đảng đã trắngtrợn làm thân trở lại với LX và với đồng rúp.Tôi bỗng nhớ tới địnhnghĩa của ông Trừng về đường lối đối ngoại của Đảng.Hình ảnh hơi tục,nhưng không khéo lại đúng.

   Xin trở lại một chút với ông Lê Duy Văn.Ông ấy rời khỏi cơ quan lúc nào tôi không nhớ,mà cũng không ai nhắc tới ông ta nữa.Mãi đến năm 1981,nhân vào Saigon,tôi mới tình cờ hội ngộ ông ta trong dịp tôi đến khánh thành trường trung học ở Tân bình.Tôi thấy ông đến dự liên hoan.Hóa ra ông đi theo bà vợ tên là Nguyệt làm hành chính của trường.Người ta kể rằng ông đã bị kỷ luật vì tội mất đoàn kết và tham nhũng nhà cửa gì đó,lại còn bị khai trừ đảng vì giả mạo giấy tờ kết hôn với người cháu họ.Nay ông hay lân la đến dự các cuộc liên hoan để kiếm cốc bia..Trong cuộc liên hoan này,chính tôi đã mắt thấy tai nghe điều sau đây:khi ôngđịnh bắt tay một anh tên là Sanh (cán bộ cũ của UBKHNN),anh này rụt tay lại và nói:"Tôi không bắt tay anh đâu,tay anh dơ lắm".Ông Văn bẽn lẽn rút tay lại,ngồi xuống bàn,cầm cốc bia uống thản nhiên.Không khéo thuyết quả báo cũng có lúc đúng.

  Thôi,dài quá mất rồi!Bài này là để hưởng ứng bài của ông Hoàng Minh Chính,nên tôi xin kết luận bằng vài lời nhắn với bác Chính:

  Thưa bác,quả là đời bác chịu những tổn thất rất lớn,và càng đau xót vì tổn thất đó lại gây ra bởi chính những con đẻ của thứ chủ nghĩa mà bác đã nguyện hy sinh cho nó.

  Nhưng nếu "xét lại" một lần nữa,thì thấy bác cũng có được an ủi phần nào.Bác thì đã được trả lại tự do,vẫn sống,lại ngồi viết đơn kiện.Còn các ông Lê Duẩn,Trường Chinh,Lê đức Thọ đều đã chết cả rồi.Tôi nghe một chị bạn dạy ở trường thương nghiệp Hà nội mới sang Moscou kể lại:năm ngoái,lúc chưa qua giỗ đầu của ông Thọ,tại cái mả bằng đá cẩm thạch có cả bia và ảnh của ông ở hàng bên phải nghĩa trang Mai Dịch,có tới hai lần bị ai đó đổ xọt phân lên trên!

          Vậy thưa bác Chính,không khéo ông trời cũng có mắt và cũng đi theo chủ nghĩaxét lại của bác chăng ?

                                                                                                                                Moscou,11.1993

                                                                                                                                   LÊ XUÂN TÁ

 

 

PHỤ LỤC 3                              DI CẢO CHẾ LAN VIÊN

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------                   

                                                   BÁNH VẼ

                                      Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ

                                      Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn

                                       Cầm lên nhấm nháp.

                                       Chả là nếu anh từ chối

                                       Chúng sẽ bảo anh phá rối

                                       Đêm vui.

                                       Bảo anh không còn có khả năng nhai

                                       Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...

                                       Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?

                                       Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn

                                       Như không có gì xảy ra hết

                                       Và những người khác thấy anh ngồi,

                                       Họ cũng ngồi thôi

                                       Nhai ngồm ngoàm...

                                                  (Mới ở dạng phác thảo, rút trong tập nháp Prométhée SG,

                                              công bố trên Văn học và Dư luận, 8-1991, Nxb Tp HCM)

 

 

                                                        TRỪ ĐI

                                         Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ

                                         Có phải tôi viết đâu? Một nửa

                                         Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết đi rồi !

                                         Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,

                                         Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.

                                         Tôi giết cái cánh sắp bay...trước khi tôi viết

                                          Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ

                                         Và giết luôn Mặt trời lên trên biển,

                                          Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể

                                          Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế

                                          Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.

                                          Và thơ này rơi đến tay anh

                                           Anh bảo đấy là tôi ?

                                           Không phải !

                                           Nhưng cũng chính là tôi - Người có lỗi !

                                           Đã giết đi bao nhiêu cái

                                                    có khi không có tội như mình !

                                                                                (Di cảo chưa xuất bản)

 

                                                      AI ?  TÔI ?

                                             Mậu thân 2.000 người xuống đồng bằng

                                            Chỉ một đêm, còn sống có 30,

                                            Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?

                                            Tôi !

                                                     Tôi -người viết những câu thơ cổ võ

                                          Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi lúc xung phong

                                          Một trong 30 người kia ở mặt trận về sau mười năm

                                          Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

                                          Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ

                                          Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ !

                                          Ai chịu trách nhiệm vậy? Lại chính là tôi!

                                          Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời

                                                                                  Tôi ú ớ !

                                          Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm

                                                                                   Mà tôi xấu hổ !

                                          Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay

                                                           giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

                                           Giữa buồn tủi chua cay

                                                             tôi  có thể cười !...

                                                                                                        1987

                                                                               ( Rút trong Sổ tay thơ, tập 5)

 

 

 

                                                                                              PHỤ LỤC 4                              

 

                                               MỘT SỐ THƯ VÀ LỜI PHÁT BIỂU

                                 CỦA CÁC CÁN BỘ CỘNG SẢN LÃO THÀNH

                                            GỬI  TRUNG  ƯƠNG  ĐẢNGVÀ TOÀN DÂN

                                                                                 *

1/ Ông NGUYỄN KHẮC VIỆN:     BƯỚC VÀO CUỘC KHÁNG CHIẾN MỚI !

          Làm gì đây?                         

     Xin dành cho các bạn trẻ hơn giải đáp câu hỏi nóng bỏng ấy một cách thiết thực. Ở tuổi

80 tôi chỉ tự hỏi: Nói gì đây ? Nói làm sao cho người này không oán trách, kẻ kia không mỉa

mai.

    Không đâu, tôi không bám lấy kiểu cuồng tín chống Tư bản, tôi không kêu gọi nổi loạn, cũng chẳng hề mong ước trở lại cách làm ăn đã từng đưa chúng ta đến gần bờ vực thẳm, cũng chẳng hề chia sẻ niềm lạc quan được chỉ định  của bên này, hay chủ nghĩa hư vô cay cú của bên kia.

   Tôi chỉ nói : Tư bản, hoàn toàn đồng ý.

   Mở đường cho Tư bản trong nước phát triển, mở cửa cho Tư bản ngoài vào, đồng ý !

   Tôi chỉ kêu gọi : Dè chừng !

   Bản chất Tư bản là man rợ.

   Cái đầu tầu Tư bản sẽ kéo nước ta lên, không cho phép ai ngủ gà ngủ gật, sẽ lay chuyển bao nhiêu ngôi thứ. Tốt thôi !

   Nhưng dè chừng!

   Bản tính man rợ Tư bản  sẽ bóc lột ai cúi đầu cho họ bóc lột, đàn áp giết hại ai cản trở việc làm ăn của họ, sẽ mua chuộc tham quan ô lại, lừa bịp kẻ ngu dại.

   May cho chúng ta là Tư bản bao giờ cũng thực tế, thực dụng. Họ không bao giờ cuồng tín,

không bao giờ tử vì đạo. Bóc lột, đàn áp, giết hại, mua chuộc, lừa lọc chỉ khi nào làm được. Gặp địch thủ quá mạnh, họ nhượng bộ mưu đồ bày keo khác. Mềm nắn rắn buông.

    Phải tạo ra một sức mạnh làm đối trọng với sức hùng mạnh của Tư bản. Trước kia chúng ta đã dựng nên một Mặt trận dân tộc, nhân dân, quốc tế rộng lớn chống Đế quốc ngoại xâm.

Chúng ta đã tiến hành mấy cuộc kháng chiến trường kỳ, nhiều mặt. Để chống lại Tư bản man rợ, không để nó tác oai tác quái, nay phải dựng nên một Mặt trận cũng Dân tộc, Nhân dân, Quốc tế còn rộng hơn, tiến hành một cuộc kháng chiến mới, lâu dài hơn, đa dạng hơn. Mới mong hạn chế được tham nhũng, bảo vệ được môi trường, giảm nhẹ bất công xã hội, phân hóa giầu nghèo, giữ gìn được thuần phong mỹ tục, phát huy tình người, tôn trọng quyền phụ nữ, trẻ em, các nhóm thiểu số. Một cuộc kháng chiến nhiều mặt, với báo chí, tivi, sách vở,phim ảnh, thành lập đủ thứ hội đoàn đình công, biểu tình, với lá phiếu bầu cử, phát triển khoa học nhân văn. Không bỏ sót ngóc ngách nào. Trong nước, ngoài nước, đứng ở bất cứ

vị trí nào cũng có thể tham gia.

    Chỉ có khác là kháng chiến lần này, chúng ta không cần đến súng đạn. Và lần này, Mác cũng là thày dẫn đường với câu: Một tư tưởng được thâm nhập đại chúng biến thành một lực

lượng vật chất.

    Chúng ta sẽ làm cho tư tưởng dân chủ, công bằng xã hội, tinh thần quốc tế, tình nghĩa giữa

người và người thâm nhập vào đại chúng. Kỹ thuật hioện đại trao cho chúng ta đầy đủ phương tiện làm việc này, biến Tư bản man rợ thành Tư bản văn minh.

    HÃY CÙNG NHAU BƯỚC VÀO CUỘC KHÁNG CHIẾN MỚI !

                                                                                                    Hà nội tháng 6/ 1993

                                                                                                       Nguyễn khắc Viện

 

                                                                         ***

2/ Thư của Ông NGUYỄN TRUNG THÀNH:

                                                                             Hà nội, ngày 3 tháng 2 năm 1995

                       Kính gửi       -        Đồng chí Tổng Bí thư

                                            -        Các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư

                                            -        Các Cố vấn Ban chấp hành TW

                                            -        Các đồng chí Trưởng ban Tổ chức TW,

                                                     Ban Nội chính TW, Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ.

                                            -        Các đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm soát tối cao, Chánh án Tòa án tối cao.

        ĐỀ NGHỊ :   Cứu 32 Đảng viên bị xử trí oan khuất gần 30 năm nay trong cái gọi là "Vụ án tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo Chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài".

    1.   Tôi là NGUYỄN TRUNG THÀNH, nguyên là cán bộ thuộc Ban TỔ CHỨC TW (1951-1988), nguyên là Vụ trưởng Vụ BẢO VỆ ĐẢNG (1962-1988), nguyên là Ủy viên thường trực tiểu ban BẢO VỆ ĐẢNG TRUNG ƯƠNG (1977-1979) và CHUYÊN VIÊN giúp BanTổ chức Trung ương về công tác Bảo vệ Chính trị nội bộ, nay đã về hưu, được xếp Chuyên viên 9.

     Tôi đã tham gia các công tác sau đây :

     -  Giúp phát hiện và sửa chữa những sai lầm trong Chỉnh đốn Tổ chức, Cải cách ruộng đất đợt 4 và đợt 5 (1955-1956).

     -  Giúp Trung ương xem xét về mặt chính trị của các cán bộ dự kiến vào Trung ương, ở các kỳ đại hội III , IV , V , VI và kiện toàn bộ máy các cơ quan Nhà nước.

     -  Giúp thẩm tra 10 cán bộ cấp cao có bị nghi vấn về chính trị.

     -  Góp phần và trực tiếp phát hiện và giải quyết một số Vụ án sai, bắt oan nhiều cán bộ,

        đảng viên vô tội.

  2.   Từ năm 1963, tôi được phân công giúp việc cho Ban Bí thư, Ban Tổ chức TW, theo rõi và làm một phần trong các Vụ án nói trên trong nhiều năm với sự phối hợp của các đồng chí:

      Trần Hữu Đắc (Ủy ban Kiểm tra TW), Trần Quyết - Cục trưởng, Hoàng Thao,phó Cục trưởng và các cán bộ thuộc Bộ Công an nay là Bộ nội vụ, Kinh Chi- cục trưởng (Tổng cục Chính trị).

    Trong hàng chục năm trước đây, do chỗ chỉ được biết từng bộ phận riêng lẻ của tài liệu, nên tôi vẫn tin rằng các kết luận của Bộ Chính trị và của Trung ương đối với Vụ án là đúng đắn, là chính xác.

  3.   Gần đây, do có nhiều đơn khiếu nại liên tục của những người bị xử trí và thân nhân trong Vụ án, do có thư đề nghị của nhiều cán bộ Đảng viên, và theo chỉ thị của trên, đồng chí NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG trưởng ban bảo vệ Chính trị Nội bộ có giao cho tôi nắm lại toàn bộVụ án để báo cáo với Ban Bí thư TW.Trong hơn một năm qua,tôi có điều kiện và đầy đủ thời gian, nghiên cứu lại toàn bộ các hồ sơ tài liệu của Vụ án, đi sâu phân tích các tài liệu, so sánh đối chiếu các tài liệu điều tra, các lời khai cung , các biên bản những cuộc họp của Ban chỉ đạo Vụ án, các đơn khiếu nại trước và nay..v.v...

   4.   Qua nghiên cứu lại một cách tỉ mỉ, nghiêm túc, và thận trọng, tôi nhận thấy một cách có căn cứ rằng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng trước đây khi kết luận về Vụ án đã tin vào

những báo cáo của Ban chỉ đạo Vụ án. Những báo cáo đó đã không dựa vững chắc trênnhững cơ sở khách quan có thật, mà chỉ dựa vào một số lời khai (bản thân những lời khai này có nhiều mâu thuẫn giữa người này với người khác và giữa lời khai trước và sau của cùng một người) mà không được xác minh cẩn thận. Hơn nữa, lời khai của can phạm khi đang bị công an bắt giữ, không có giá trị pháp lý đích thực. Ngay lúc công bố kỷ luật, có người đã chối không công nhận kết luận. Sau này hầu hết họ và thân nhân đều khiếu oan.

    Do báo cáo của Ban chỉ đạo thiếu những cơ sở chứng cứ, nên các kết luận của Bộ Chính trị và của Trung ương đều thiếu căn cứ xác thực.

  5.   Từ việc phân tích, đối chiếu các tài liệu điều tra và các bản khai cung, rõ ràng không thể quy cho những người đã bị bắt về những tội: chống Đảng, chống Nhà nước, có tổ chức, có cương lĩnh, cung cấp tình báo cho nước ngoài..vv...

   Nhiều đồng chí bị bắt đã phạm một số sai lầm so với những quy định trong Điều lệ Đảng,

nhưng họ không phạm tội so với những điều khoản pháp luật.

   Trong những người bị bắt,bị xử trí, phần lớn là cán bộ cao cấp, trung cấp (4 ủy viên trung ương, 1 thiếu tướng thứ trưởng, 4 vụ trưởng, 3 đại tá). Một số là cán bộ hoạt động trước cách mạng tháng 8/1945, đã bị thực dân Pháp bắt và cầm tù nhiều năm.

 

   6.   Với sự thôi thúc của lương tâm hàng ngày hàng giờ bị cắn rứt, tôi cho rằng vấn đề cấp bách hàng đầu hiện nay là phải khẩn thiết giải oan cho những đồng chí đã bị bắt và bị xử trí oan. Điều đó chỉ có lợi cho uy tín của Đảng, cho sự đoàn kết trong và ngoài Đảng, cho sự ổn

định chính trị hiện nay. Đảng ta chính đại quang minh đã từng thừa nhận khuyết điểm trước

toàn dân, đã sửa chữa nhiều vụ án bắt oan sai, và qua đó đã vững mạnh lên.

 

   7.   Các vấn đề cấp bách thuộc quyền lợi cần giải quyết ngay cho số đồng chí bị bắt và xử trí oan là :

        - Xếp một mức lương thỏa đáng với từng trường hợp, làm căn cứ định lương hưu, và

được truy lĩnh từ tháng 1/1994.

        - Với những người đã tham gia cách mạng trước tháng 12/1944, được hưởng các chế độ ưu đãi, thâm niên hiện hành,thâm niên quân đội.

        - Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể hoặc cấp nhà hoặc bổ sung diện tích, hoặc giúp

cơi nới cải tạo nơi ở.

       - Được hưởng chế dộ khen thưởng tương ứng.

       - Hòa nhập vào sinh hoạt các Hội- Đoàn tương ứng (nhà tù, hưu trí,câu lạc bộ, hội Cựu

chiến binh..vv...)

    8.   Để xác định lại những nhận xét trên đây của tôi, và cũng để thẩm tra lại toàn bộ công việc điềy tra và xử lý Vụ án trước đây, tôi đề nghị với Bộ Chính trị cho lập ra một Ban thẩm tra vụ án nói trên, qua đó rút ra những bài học cho Đảng ta sau này. Tôi xin sẵn sàng phục vụ vô điều kiện.

                                                                          *

     Với lòng trung thực,với ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ Đảng và bảo vệ sinh mệnh chính trị của Đảng viên, tôi tha thiết kính mong Bộ Chính trị, Ban Bí thư có những quyết định dứt khoát để sớm cứu các đồng chí bị xử trí oan trước lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Bác Hồ và 50 năm Cách mạng tháng Tám.

                                                                                         Kính

Nơi ở: 10 C , dốc Ngọc hà, phòng 201+202                    NGUYỄN TRUNG THÀNH

Điện thoại: 258261 / 3746                                                 (đã ký)

 

3/ Ông TRẦN ĐỘ :

 Hà nội ngày 3, tháng 1 năm 1995

 Kính gửi  Anh Đỗ Mười, tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN

Các đồng chí trong Bộ Chính trị

Các đồng chí  Trung ương ủy viên

Tôi có được đọc một bản văn kiện chuẩn bị cho hội nghị trung ương lần thứ 8 về vấn đề

" Xây dựng và hoàn thiện nhà nước...".Đây thật là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Lâu nay ta đã quan tâm khá nhiều đến sinh hoạt dân chủ trong Đảng và trong xã hội, các cơ quan đã xử lý một số việc thể hiện xu thế 'dân chủ hóa' của Đảng và nhà nước ta.Đó là điều đáng mừng

. Nhưng khi tôi đọc văn kiện thì tôi thấy sự kiểm điểm và nhận định tình hình tỏ ra rất tản mạn và vụn vặt, nhiều mâu thuẫn nhau. Và xét ra tinh thần của người soạn thảo không quan tâm gì đến hiến pháp, nhất là đoạn 2 điều 4 của hiến pháp : "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và luật pháp", Bộ Chính trị cũng là một tổ chức của Đảng.

     Đây là một vấn đề rộng lớn, phức tạp có quan hệ đến nhiều vấn đề lý luận, nguyên tắc và tâm tư tình cảm của nhân dân.

     Ở đây với trách nhiệm một đảng viên, tôi chỉ xin gấp rút phát biểu ý kiến về hai vấn đề

căn cốt và cơ bản để góp ý với ban Chấp hành trung ương.

    Đó là:

A. Vấn đề thứ nhất: NHÀ NƯỚC TA LÀ NHÀ NƯỚC GÌ ?

    Cần phân biệt khái niệm 'Đảng lãnh đạo' và 'Đảng cầm quyền'.

    'Đảng cầm quyền' đồng nhất với 'Đảng trị'. Đảng cầm quyền thì cơ quan Đảng là cơ quan nhà nước, điều khiển, sai bảo cơ quan nhà nước, quyết định và lựa chọn cán bộ và tổ chức

nhà nước. Các cơ quan nhà nước giải quyết việc đều phải xin ý kiến Đảng. Như thế là Đảng

toàn trị.

    'Đảng lãnh đạo'thì phải có nhà nước tương đối độc lập. 'Đảng lãnh đạo' phải bảo đảm cho

bộ máy nhà nước có hiệu lực, dân chủ và thực hiện được dân làm chủ. Như vậy phải có một

nhà nước dân chủ pháp quyền.

     Đó mới thật là nhà nước do dân vì dân và của dân. Không thể để trở thành nhà nước của Đảng do Đảng và vì Đảng. Văn kiện có nói : "Đại hội giữa nhiệm ký đề ra: Một trong những nhiệm vụ chủ yếu hiện nay là tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt nam." Câu ấy và những câu về tính chất nhà nước trong Hiến pháp 92 (điều 2 , đoạn 8) còn có giá trị không?

     Nhưng tiếp sau đó văn kiện lại viết: "Một nhà nước ...như vậy về thực chất là nhà nước

Chuyên chính Vô sản. Trong nội bộ Đảng cần được khẳng định rõ ràng." Vậy là ta làm Chuyên chính Vô sản và chỉ biết với nhau trong Đảng, còn không cho dân biết. Một nhà nước thế nào mà dân không biết, không làm, không công nhận, không kiểm tra được thì có còn là của dân , vì dân, do dân nữa không?

    Nếu ta quyết định thực hiện Vô sản chuyên chính thì phải sửa hiến pháp, để dân thảo luận và dân đồng ý thì ghi vào Hiến pháp, như thế mới có cơ sở pháp lý đàng hoàng.

    Đây là một vấn đề nguyên tắc quan trọng cơ bản quan hệ đến toàn dân,không thể tùy tiện.

 

B. Vấn đề thứ hai là vấn đề ĐẢNG LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC :

     Trong văn kiện dự thảo có ý định quy định chính thức cách lãnh đạo cụ thể trong mối quan hệ giữa Bộ chính trị của Đảng và các cơ uan cao nhất của nhà nước. Nếu theo những quy định như vậy thì lại vi phạm hiến pháp một điểm to nữa. Vì như thế thì các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cao nhất không còn cao nhất nữa, không còn khả năng giám sát lẫn nhau nữa. Vì Bộ chính trị, ban Bí thư và bộ máy của Đảng trở thành một siêu nhà nước và thực hiện thống nhất cả ba quyền lập pháp, hành pháp,tư pháp cao nhất không có bất cứ một sự giám sát nào. Và như thế là Đảng thực hiện Chuyên chính Vô sản một cách thực sự và nhân danh giai cấp Vô sản (như Lênin nói).   

      Phải trở lại bàn quan niệm 'Đảng lãnh đạo' nhà nước hay chính quyền, lãnh đạo những gì

và lãnh đạo thế nào? Làm thế nào để nhà nước là của dân, do dân, vì dân một cách thực sự và trong thực tế. Muốn thế Đảng phải trở thành nơi tụ hợp v à thu hút toàn bộ trí tuệ trong xã hội, bàn và quyết định những vấn đề phương hướng đường lối, chính sách cơ bản và được toàn dân biết rõ và ủng hộ. Rồi các cơ quan nhà nước (cả ba mặt) đều dùng quyền hạn và quyền lực của mình thực hiện một cách độc lập và có giám sát.

     Phải có một sự cải cách cơ bản chế độ bầu cử và ứng cử , bảo đảm chọn được các nhân tài thực sự, không chỉ là kêu gọi tăng thêm thành phần không Đảng trong các cơ quan dân cử , và hô hào khuyến khích tự do ứng cử.

    Cần phải dứt khoát lựa chọn một trong hai tư tưởng chỉ đạo sau đây:

        a) Hoặc thực hiện chuyên chính Vô sản , mà Đảng là đại diện và nhân danh.

        b) Hoặc thực hiện một nhà nước dân chủ pháp quyền, một nhà nước của dân, do dân, vì

dân.

         Không thể cứ nói nửa nọ nửa kia, nhập nhằng và không thể chỉ ghi trong nghị quyết của Đảng mà phải thể hiện rành mạch trong Hiến pháp được toàn dân công nhận.

*

   Tôi thấy đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng có liên quan đến vận mệnh của dân tộc, đất

nước, nếu không có sự lựa chọn rõ ràng dứt khoát thì chưa nên bàn và chưa có Nghị quyết.

   Đây là tâm huyết của một đảng viên lâu năm đã gần trọn đời đấu tranh chio Đảng, nghĩ về Đảng và đất nước. Mong các đồng chí lưu ý.

                                                                                                            Trần Độ

4/ O. LE-HOĂNG-HA:  SUY NGHĨ VỀ CHỦ NGHĨA MÁC

 Hồng Hà

(Chánh văn phòng Bộ Công an)

  Chủ nghĩa Mác xét cho đến cùng là sản phẩm của châu Âu thế kỷ 19 với  hai đặc trưng: chủ nghĩa Tư bản sơ kỳ và cách mạng công nghiệp lần thứ nhất , với tất cả sự kế thừa những thành tựu về tư duy và những hạn chế có tính chất khu vực và lịch sử.   Mỗi khu vực,quốc gia trên thế giới do những điều kiện lịch sử,kinh tế,văn hóa,tư tưởng mà hìnhthành ra những học thuyết của mình. Tuyệt đối không thể coi chủ nghĩa Mác là một cái gì đúng cho 5 châu 4 biển, không thể coi là đỉnh cao khoa học của loài người.

   Vì vậy xét trong tổng thể, Các Mác vẫn có mặt vĩ đại : phê phán và khái quát những thành tựu tư tưởng của khu vực Tây Âu , vừa chịu những hạn chế cả về không gian lẫn thời gian.   Xét trong tổng thể,sự vận động của thế giới từ giữa thế kỷ 19 tới nay đã không chứng minh cho những nhận định và quan điểm của Mác, nếu chúng ta đồng ý lấy thực tế vận động của xã hội  và lấy thực tiễn trong hai thế kỷ qua (l'évolu tion réelle et la pratique) làm tiêu chuẩn , căn cứ để kiểm nghiệm sự đúng sai của chủ nghĩa Mác.

    Dù có những yếu tố đúng, nhưng chủ nghĩa Mác có những sai lầm cơ bản :

1) Lấy sự phân tích một khúc phát triển của chủ nghĩa Tư bản ở giai đoạn sơ kỳ để khái quát những đặc trưng của CNTB ,và dựa vào đó dự đoán xu thế diệt vong tất yếu của CNTB là sai !

2) Sự phát hiện cái gọi là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là sai !

3) Dự đoán về sự phân hóa 2 cực giầu nghèo "Tư bản-vô sản" trong xã hội Tư bản là sai !

4) Lý luận về đấu tranh giai cấp và sự tất yếu của Chuyên chính Vô sản  như quy luật phổ biến là sai !

5) Lý luận về 5 hình thái Kinh tế-Xã hội, 5 phương thức sản xuất là sai !

6) Lý luận về 2 cơ sở  kinh tế và xã hội  của Cách mạng XHCN là sai !

7) Lý luận về tính phổ biến tất yếu của bạo lực cách mạng là sai !

8) Lý luận về thặng dư giá trị là sai !

9) Lý luận về đặc trưng phi hàng hóa của CNXH là sai !

10) Lý luận về nhu cầu tất yếu phải  xóa bỏ chế độ tư hữu là sai !

11) Lý luận về chủ nghĩa Đế quốc là giai đoạn tận cùng và giẫy chết là sai !

12) Lý luận về thời đại quá độ trên phạm vi toàn thế giới ( hội nghị 81 đảng CS) là sai !

13) Lý luận về nguyên tắc phân phối  trong chế độ XHCN là sai !

14) Nêu lên 9 quy luật phổ biến trong các nước xây dựng CNXH là sai !

15) Tự hạn chế trong hai khái niệm " CNTB" & "CNXH" đối với sự phát triển là sai !

16) Lý luận về nhà nước là sai !

17) Triết học Mác chỉ phản ánh được một số mặt của sự phát triển xã hội. Khi tuyệt đối hóa nó như  đỉnh cao nhất, khoa học nhất, đầy đủ nhất thì trở thành sai lầm nguy hiểm !

18) Không thể coi CNXH của Mác là khoa học vì chưa có thực tiễn, chưa được kiểm nghiệm !

19) Cả 3 bộ phận cấu thành và 3 nguồn gốc của chủ nghĩa Mác tuy có chứ đựng nhiều nhân tố hợp lý, đúng đắn nhưngđều rất hạn chế,rất phiến diện ! Nhưng khi đã được sùng bái mùquáng thì chủ nghĩa Mác trở thành có hại hơn là có lợi , trở thành lực lượng kìm hãm xã hội, phá hoại xã hội !

20) Không nên đặt chủ nghĩa Mác thành quốc giáo (théorie d'état), khinh rẻ, tàn sát,triệt hạ các tôn giáo khác, các hệ tư tưởng khác ! Làm thế thì cơ bản là gây họa cho dân tộc, chia rẽ dân tộc, kìm hãm  sự phát triển của xã hội !

      Như vậy có thể tóm tắt : Chủ nghĩa Mác có nhiều phát hiện trong việc nghiên cứu xã hội Tư bản và cách mạng công nghiệp thời sơ kỳ của thế kỷ 19 ở châu Âu. Đó là những hạt ngọc quý, đặc biệt là tinh thần phê phán toàn bộ gia tài tư tưởng của lịch sử Tây phương.

    Nhưng cách tâng bốc, tuyệt đối hóa chủ nghĩa Mác là đỉnh cao nhất,duy nhất khoa học , cách quốc giáo hóa , coi những nguyên lý đó là quy luật phổ biến chỉ cần được vận dụng vào từng nước là hoàn toàn sai lầm , gây tai họa cho sự phát triển của các dân tộc !

 Lê  H.H

 

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ