LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm ĐàLạt - Bùi Minh Quốc

Bùi Minh Quốc: Đêm Chong Đèn Ngồi Nghĩ


Nếu hôm nay vì đọc tôi mà bạn lây khổ nạn

          Bạn có oán tôi không?

          Xin được cảm thông

          Và xin được hy vọng

          Thơ tôi còn chút nào ấm nóng

          Dù một chữ một câu giúp bạn vững lòng.

Đoạn thơ trên là lời dẫn vào tập thơ mang tên "Thơ Vụt Hiện Trong Phòng Thẩm Vấn" của nhà thơ Bùi Minh Quốc. Trong cuộc chiến 30 năm đối đầu Quốc-Cộng Bùi Minh Quốc và bằng hữu của ông đã đi vào chiến tranh bằng tất cả nhiệt tình của tuổi trẻ. Nếu như chúng ta đã từng nhỏ lệ khóc thương, đã từng hãnh diện trước những hy sinh của Trần Văn Đương, Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Ngọc Bích trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam thì hôm nay chúng ta hãy cùng bước vào tâm tư của những đồng bào ở bên kia chiến tuyến. Những tấm lòng của những người con cùng tổ quốc, để hiểu, để cảm thông và để cùng nhau hàn gắn những vết thương của quá khứ.

Bùi Minh Quốc là một thi sĩ nổi tiếng rất sớm, ngay từ hồi học Trung học. Bài thơ "Lên Miền Tây" cổ võ việc đưa thanh niên đi khai phá vùng đất mới đã được đảng và nhà nước tạo điều kiện phổ biến rộng rãi, thậm chí đưa ngay vào chương trình giáo khoa phổ thông khi tác giả vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bùi Minh Quốc còn gắn liền với huyền thoại về sự hy sinh của văn nghệ sĩ cho kháng chiến chống Mỹ. Hai vợ chồng Bùi Minh Quốc và Dương Thị Xuân Quý tình nguyện vào Nam chiến đấu khi đứa con đầu lòng vừa 16 tháng tuổi.

          Giữa chừng hai trận đánh

          Nhìn sao trời lấp lánh

          Lại nhớ mắt con cười

 

          Anh hiểu lắm em ơi

          Một người mẹ lên đường ra trận

          Vượt muôn đỉnh Trường Sơn

          Còn trăm lần dễ hơn

          Vượt qua nỗi nhớ con thăm thẳm

                   (Ở Đầu Kia Chiến Hào)

 

Chúng ta hãy đọc một đoạn nhật ký của nhà văn Xuân Quý:

"Ly, con mẹ.

Ngày 9/5/1968

Ly con mẹ tròn 17 tháng. Một ngày đẹp và thân yêu làm sao. Ly ơi, ngày hôm nay ở Mễ có nắng không? Con còn ở Mễ hay đã ra Hà Nội rồi? Mẹ đang ở giữa rừng, rừng tràn ngập ánh nắng và bừng sáng lên như chúc mừng con thân yêu. Mẹ nghĩ đến con ngay từ lúc mở mắt ra. Mẹ thầm nhủ một mình: Hôm nay con ta đã 17 tháng rồi. Con đã lớn lên một tháng mà mẹ không biết. Một tháng qua con sống ra sao hả Ly? Con có khoẻ không? Có bị sốt, bị đi tiêu chảy hay không? Chắc con quên mẹ rồi. Mẹ cũng mong con chóng quên mẹ đi để con đỡ nhớ. Còn mẹ lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con, nhớ con nhiều lúc tưởng như không chịu nỗi. Sáng nay có lần bỗng dưng mẹ hét to lên: Hôm nay con tôi tròn 17 tháng đây..."

Người mẹ thương nhớ con hết mực ấy đã không bao giờ được gặp lại đứa con thân yêu của mình nữa, chị đã ngã xuống tại chiến trường khu 5 một năm sau đó, khi mới ở tuổi 25.

Như đã nói ở trên Bùi Minh Quốc đi vào chiến tranh bằng lòng yêu nước nhiệt tình, bằng trái tim hăng say của tuổi trẻ. Bài Thơ Về Hạnh Phúc là nhan đề của bài thơ anh viết cho Xuân Quý, cho người bạn đời đã nằm xuống ở chiến trường Duy Xuyên. Đây là một bản tráng ca bi hùng, đầy đau thương, căm thù và khí phách của một thời kỳ lịch sử mà thanh niên, văn nghệ sĩ, trí thức miền Bắc, sẵn sàng hiến dâng ở tuyến đầu của tổ quốc không hề tiếc thân mình.

 

          Anh mất em như mất nửa cuộc đời

          Nỗi đau anh không thể nói bằng lời

          Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy

          Những viên đạn quân thù bắn em trong anh sâu xoáy...

 

          Nhớ chăng em cái mùa mưa đói quay đói quắt

          Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng

          Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng

          Môi tái ngắt mái tóc mềm đẫm ướt.

 

          Bao giốc cao em cần cù đã vượt

          Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh

          Em nói tới tương lai tươi thắm ngọt lành

          Em nói tới những điều em định viết

 

          Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép

          Con sông Giằng gầm réo miên man

          Nước lũ về... trang giấy nhỏ mưa chan

          Em vẫn viết, lòng dạt dào cảm xúc

          Và em gọi đó là hạnh phúc...

Nhưng cái tương lai tươi thắm ngọt lành mà nhà văn Xuân Quý mơ tới đã không bao giờ đến dù Cách mạng đã thành công, dù đất nước đã thống nhất. Chị không hề biết rằng nhiều năm sau chiến thắng, nhà thơ Bùi Minh Quốc, người bạn đời của chị đã đau đớn ngỡ ngàng trước hoàn cảnh mới của xã hội. Những con người, những mục đích, những mưu toan, những thảm cảnh tiêu biểu cho chế độ mới, hoàn toàn xa lạ với những gì anh chị đã khao khát và cống hiến để xây dựng.

                     Không có ai

                   Không có ai

          Có thể ngẩng nhìn trời

          Bình tâm mỗi sáng

          Khi những thằng đểu còn trong Đảng

          ...

          Đồng chí - tiếng ấm nồng máu đỏ

          Sao có lúc vang lên lạnh rợn thế này?

          Đồng chí - dao đã nằm ém nhẹm dưới lòng tay

          Mưu mô đã xong và mọi ngã đường đã giăng cạm bẫy

                   (Những ngày thường đã cháy lên)

 

Bao lớp người đã ra trận với tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" bao lớp người đã nằm xuống ở chiến trường không hề biết rằng máu xương của họ đổ xuống để dựng nên một chủ nghĩa xã hội nhất nguyên, độc đảng. Một đất nước đói nghèo tụt hậu quá xa so với thế giới và tầng lớp cán bộ hà lạm tham ô sống phè phỡn trên sự đói nghèo của đại khối đồng bào mình.

 

          Họ đâu ngờ

          Sau lưng mình là máu đẫm trồi lên

                   Chiếc ghế

          Có thằng con thoát chết vụ khui hầm

          Trở về ngồi chễm chệ

          Cái mặt nó bây giờ mới đạo mạo làm sao

          Nói năng đứng ngồi quan trọng

          Thâm tâm chỉ nghiền ngẫm cách nào

          Cho mỗi ngày chiếc ghế thêm cao

          Cao

                   Cao

                             Cao

          Đến tận chỗ không còn nghe tiếng cuộc đời oan trái

          Không còn thấy trên con đường gập ghềnh của tổ quốc đau thương

          Có người mẹ tóc bạc chân trần oằn lưng

                   Dưới chồng đơn khiếu nại

                             Nặng hơn dãy Trường Sơn

                                      (Mẹ Đâu Ngờ)

 

Bùi Minh Quốc không giống như những đảng viên khác, những người miệng tự nhận mình là "đầy tớ nhân dân" sau lưng chỉ nghĩ cách vơ vét cho đầy túi. Ông là một nhà thơ có lương tri, đã nhiều đêm trước ngọn đèn nhỏ ông tự nói với mình:

Giờ này, tôi lặng lẽ chong lên ngọn đèn nhỏ của trái tim mình. Hồi nào nhỉ, đã xa lắm rồi mà sao ngỡ như mới đây thôi, tôi cất tiếng hát từ lồng ngực trẻ, tự tiếp sức cho mỗi bước hành quân nặng nhọc mà thư thái vượt Trường Sơn: "Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình"

Với lửa ấy, tôi đã đi, đã đi, vực sâu, đèo cao, dốc hiểm, dặm này qua dặm khác, cố mau tới chiến trường. Vẫn với lửa ấy, tôi chong lên ngọn đèn nhỏ này, mỗi khi đêm xuống với trang giấy trắng, trắng rợn dưới ánh đèn. Viết gì đây?

Chong lên ngọn đèn của trái tim mình. Một mình tôi với đèn. Trang giấy trắng dưới ánh đèn càng trắng hơn đêm trước, trắng tinh một nỗi thách thức, Viết gì đây? Viết gì đây cho không hổ thẹn với ánh đèn này, cho không vấy bẩn ngòi bút này, trang giấy này?

            Chong lên ngọn đèn của trái tim mình. Một mình tôi với đèn. Trang giấy trắng dưới ánh đèn càng trắng hơn đêm trước, trắng tinh một nỗi thách thức, Viết gì đây? Viết gì đây cho không hổ thẹn với ánh đèn này, cho không vấy bẩn ngòi bút này, trang giấy này?

            Hơn 60 năm trước nhà văn Mikhain Bungakốp đã nói: "Không có một nhà văn nào có thể im lặng được. Nếu anh ta im lặng, thì có nghĩa đó không phải là nhà văn chân chính. Còn nếu nhà văn chân chính mà im lặng thì anh ta sẽ chết."

 

            Bùi Minh Quốc không im lặng, bằng ngọn lửa từ trái tim mình anh kêu gọi đồng đội của anh cùng đứng lên đòi lại tự do, đòi lại cái tương lai tươi thắm ngọt lành mà Đảng hứa hẹn ngày nào, đòi lại cái giá máu xương mà anh và bằng hữu đã đổ xuống cho dân tộc.

            Các anh - những người Tháng Tám

            Các anh đâu rồi? thấm mệt rồi chăng?

            Các anh nghĩ gì sau nếp nhăn vầng trán

            "Thế sự du du..." thật giả nhập nhằng!..

                        Có lẽ nào? có lẽ nào? lịch sử

                        Lại như con thò lò trong ván bài quỉ dữ

                        Máu nhân dân tuôn chảy đúc ngai vàng

                        Bạo chúa ngồi lem lẻm tụng nhân dân?

            Ơi em gái Trường Sơn mười tám tuổi

            Cùng đồng đội đêm nao truy điệu sống cho mình

            Và thế cứ dấn thân vào lửa dội

            Em nghĩ gì sau cặp mắt kiên trinh?

                        Em nghĩ tới tương lai tươi thắm ngọt lành?

                        Tương lai ấy bây giờ tôi sống dở

                        Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa

                        Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi

            Tôi bước đi trên đất nước nghẹn lời

            Các anh đâu rồi?

            Những người tháng Tám

            Chẳng nhẽ khoanh tay nhìn tấn trò bội phản

            Dân tộc này bị vỡ nợ Tự Do?

                        Dân tộc từng sống chết chẳng so đo

                        Quyết không làm nô lệ

                        Sao hôm nay người đành cam chịu thế

                        Mặc thân phận mình dưới ách tà gian

            "Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than"

            Câu hát cũ lòng tôi rỉ máu

            Kìa em gái Trường Sơn hiện hồn về nhìn tôi đau đáu

            Tháng tám ơi! Tháng Tám nước non mình

                        Tôi lại đi lầm lũi cuộc hành trình

                        Chỉ có thế thôi! Thơ

                                    Với cường quyền

                                                Đối mặt

                        Sống trong tôi là triệu người đã khuất

                        Đang thét đòi món nợ: Tự do

 

            Bùi Minh Quốc không phải chỉ phản kháng trong thơ. Khi tạp chí Lang-Bian mà anh làm Tổng biên tập bị gặp khó khăn, bị rút giấy phép vì nội dung cấp tiến. Bùi Minh Quốc đã cùng với nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự thực hiện một cuộc đấu tranh.

            Trong chuyến đi dọc đường đất nước, qua các tỉnh miền Trung, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, nhà thơ Hữu Loan đã làm một cuộc vận động dân chủ, kêu đòi tự do sáng tác, tự do báo chí, xuất bản, yêu cầu đổi mới thực sự, yêu cầu cách chức những cán bộ cao cấp tham ô trong Đảng.

            Các anh đã ra đến Hà Nội, gặp ban Bí Thư Trung Ương Đảng và các cơ quan trung ương để đấu tranh. Cuộc vận động với đầy đủ những kiến nghị của 5 hội văn nghệ, tuyên bố có 118 chữ ký của các văn nghệ sĩ, trí thức ở bảy tỉnh miền Trung. Cuộc vận động này diễn ra vào cuối năm 1988 đã được Trung ương Đảng báo động khắp toàn quốc, coi như một vụ "biểu tình chạy" của trí thức, hoạt động bè phái, tập dượt dân chủ để chống chế độ.

            Kết quả Bùi Minh Quốc nhận được sau cuộc vận động này là anh bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, bị cách chức chủ tịch hội văn nghệ. Dù vậy anh vẫn tiếp tục lên tiếng phản kháng những gì anh không chấp nhận, đặc biệt trong lãnh vực văn hoá văn nghệ.

Bùi Minh Quốc viết bài thơ nhan đề "Vào, Ra" để tặng một người bạn rời bỏ Đảng cũng như nói lên tâm tư của chính anh:

 

            Thủa ấy vào đây là chuốc mọi hiểm nguy

            Cho mọi người thực sống

            Và chính mình thực sống

            Giờ anh ra chẳng chút vấn vương gì

            Chốn nghiêm xưa, nay sặc mùi xôi thịt

            Xì xụp tín đồ thờ chỗ ngồi trên hết.

            Chỉ xót bao đời dân

            Cặm cụi tâm thành, biết được cảnh này chăng?

 

            Cuộc chiến tranh vừa qua đã để lại biết bao chia ly, mất mát. Người miền Nam cũng như người miền Bắc phía bên này hay phía bên kia đã có hàng triệu gia đình phải chịu đựng những mất mát lớn lao. Càng ngày những đảng viên Cộng Sản càng nhìn thấy ra rằng Đảng và nhà nước đã hy sinh xương máu dân tộc cho một chủ nghĩa ngoại lai, và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo, lạc hậu cho đất nước ngày nay. Những mâu thuẫn trong nội bộ đảng viên đã không còn là những mâu thuẫn của nội bộ. Sự mâu thuẫn đã nhanh chóng lan thành đối kháng giữa đại khối dân tộc và thiểu số giai cấp thống trị hiện đang nắm thực quyền trong Đảng Cộng Sản Việt Nam.

            Nhiều đảng viên và quần chúng đã thức tỉnh, họ xuất hiện càng ngày càng nhiều và đang chung lưng đấu cật cho một nước Việt Nam thực sự phồn vinh và hạnh phúc. Những Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Hoàng Tiến, Trần Khuê, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, ... chỉ là những người mà ta đã biết tên. Họ đã chọn một thái độ để "Cho mọi người thực sống và chính mình thực sống"./.


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ