LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm ĐàLạt - Bùi Minh Quốc

Thư gửi bạn


“Thư gửi bạn” của Bùi Minh Quốc

Ông à,

Nghe thiên hạ xôn xao bàn tán dữ quá, tôi vừa tìm đọc được bài ông Nguyễn Huy Thiệp viết (mà ông Trần Mạnh Hảo bảo là chửi) về tình trạng các đồng nghiệp trong Hội Nhà văn Việt Nam, rồi lại đọc bài ông Trần Mạnh Hảo chửi ông Nguyễn Huy Thiệp, đâm mất ngủ, chả biết chia sẻ cùng ai, đành trở dậy viết thư cho ông đây.

Những điều ông Nguyễn Huy Thiệp nói thực ra chẳng có gì mới, chỉ có cái mới là bài của ông được đăng, như thể báo hiệu một sự cởi mở, chứ không như trước kia. Cách đây gần hai chục năm, ông Hà Sĩ Phu đưa ra nhận định về cái lối sống hai mặt đã trở nên một tập tính phổ biến của con người, nhất là người nhà nước, trong xã hội ta (ngồi cơ quan nói A, bước ra khỏi cổng cơ quan nói A thành B), về tình trạng tổng khủng hoảng nhân cách, và cố gắng tìm hiểu tới tận những nguyên nhân cội nguồn ở mặt trái của căn tính dân tộc. Bài của ông Hà Sĩ Phu không những không được đăng để mọi người cùng tha hồ nhận xét, phê phán, mà ông lại bị phê bằng tù đầy và quản chế. Sau ông Hà Sĩ Phu một thời gian thì ông Nguyễn Duy làm thơ: "Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng / Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn", "Tí cán bộ, tí lưu manh, tí điếm", "Chính khách mở mồm thằng nọ con kia"... Hú vía, ông Nguyễn Duy chắc là nhờ lớn mạng hoặc là nhờ sự phù hộ của nàng thơ nên thoát hiểm, mừng rỡ kêu: "Một phen thoát chết là may lắm rồi!"

Mấy năm gần đây trên mặt báo có khá nhiều bài của các giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ, lên tiếng đầy lo âu về sự xuống cấp đạo đức kể từ cấp cao mà nhân dân đã tổng kết từ xa xưa "thượng bất chính hạ tắc loạn". Giáo sư Tương Lai nhắc lại lời cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói với giáo sư Phan Đình Diệu về sự thiếu vắng lòng trung thực. Không biết thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi nói điều đó với giáo sư Phan Đình Diệu, có nhớ rằng mấy chục năm trước, tác giả bài thơ tuyệt vời về lòng trung thực "yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét", nhà thơ Phùng Quán đã bị đầy đoạ như thế nào?

Tôi nghĩ cũng chỉ vì muốn thúc đẩy nền văn chương nước nhà mà ông Nguyễn Huy Thiệp đặt ra vấn đề về con người nhà văn đương đại, trước hết là nhân cách nhà văn, trong đó lòng trung thực là yếu tố hàng đầu. Tôi chỉ hơi tiếc ông Thiệp nói năng bằng cái giọng kẻ cả quá (thói quen của những người vĩ đại chăng?), lại rất sơ hở khi đụng đến lý luận nên dễ bị quy là chửi và bị suy là có động cơ chửi có thưởng. Dù sao, từ ý kiến ông Thiệp, anh chị em nhà văn chúng mình nên bình tĩnh cùng nhau thảo luận xem tìng trạng nhân cách của mình hiện nay nó ra sao, phải không ông?

Và không phải chỉ giới nhà văn. Tôi cho rằng cả dân tộc ta, nếu muốn mở mày mở mặt với thiên hạ, không thể không làm - mà phải làm ngay - một cuộc tự thẩm xét những mặt tệ hại trong căn tính của mình.

Các nhà văn bây giờ mà chửi nhau là ngu hết cỡ, dại hết cỡ.

Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện tiếu lâm hiện đại nhân dân ta sáng tác và lưu truyền đã lâu về ngôi nhà tập thể nhiều tầng không có phòng vệ sinh, mà thấy hiện ra trước mắt cái cảnh thiên hạ đổ xô xúm xít chen nhau xem trò ở tầng dưới bọn nhà văn "ỉa vào mồm nhau" nên quên mất một trò đáng xem hơn nhiều: bọn ở tầng trên vừa ỉa xuống đầu bọn tầng dưới vừa xông vào "bóp dái hất cẳng nhau".

Ông có nhớ chuyện ấy không?

Chúc ông đừng mất ngủ.


Đà Lạt, đêm 9-4-2004

 Bùi Minh Quốc


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ