LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm ĐàLạt - Bùi Minh Quốc

Thư gửi QUỐC HỘI nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam


Kính thưa Quốc hội

            Chúng tôi, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự , là những người cầm bút, xin bày tỏ với Quốc hội một số ý kiến.

       Trong các ngày 28/3 và 31/3/1997 chúng tôi lần lượt bị Công an thành phố Đà lạt mời tới để gặp các sĩ quan của sở Công an tỉnh Lâm đồng . Sau gần ba tiếng đồng hồ căn vặn đủ điều về các bài viết, về các cuộc trả lời phỏng vấn của chúng tôi công bố trên các báo đài nước ngoài, và sau khi cho chúng tôi đọc một đoạn trong Quyết định số 893 ngày 20/7/1992 của Bộ Văn hóa thông tin, các sĩ quan Công an đã yêu cầu chúng tôi ký vào một văn bản mang tiêu đề “Biên bản về việc đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật “. Tại biên  bản , chúng tôi đã khẳng định nội dung các bài viết, bài nói của chúng tôi không liên quan gì đến việc vi phạm pháp luật.

       Qua thực tế các buổi bị buộc phải làm việc với Công an chỉ vì các điều mình viết và nói, chúng tôi đề nghị Quốc hội gấp rút rà soát lại các văn bản luật và dưới luật liên quan đến Dân quyền và Nhân quyền trong lĩnh vực tư tưởng và ngôn luận.

       Quyết định 893 ngày 20/7/1992 của Bộ Văn hóa thông tin quy định  ở điều 3 như sau :

    “ Những văn hóa phẩm có danh mục dưới đây trước khi xuất (ra nước ngoài) phải có văn bản xét duyệt đồng ý của thủ trưởng cơ quan ngành chủ quản ở cấp Bộ (ở Trung ương) hoặc cấp tỉnh (ở địa phương) có thẩm quyền quản lý nội dung văn hóa phẩm đó, cơ quan văn hóa có cấp phép để làm thủ tục hải quan :

        NHÓM A :

1) Các tài liệu, văn bản và ấn phẩm lưu hành nội bộ, tài liệu thuộc danh mục nhà nước.

2) Các loại tài liệu, văn bản, bài viết, các loại bản vẽ, bản đồ được ấn loát hoặc đánh máy, chép tay, in ronéo, photocopy hoặc sao chép bằng mọi kỹ thuật khác, nội dung thuộc mọi lĩnh vực, gửi hoặc mang theo người ra nước ngoài để in, để đăng báo, tạp chí, để phục vụ học tập, nghiên cứu, giảng dạy, báo cáo khoa học, tham luận trong hội nghị, hội thảo quốc tế ...

3) ...  

4) ...

      Chính là tại cơ quan Công an thành phố Đà lạt ngày hôm ấy, lần đầu tiên chúng tôi mới được biết tới một quy định như thế của Bộ Văn hóa thông tin liên quan đến công việc của mình, và của giới cầm bút nói chung !

     Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên trước quy định này.

     Khi Hiến pháp nước ta đã khẳng định Công dân có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận thì có nghĩa rằng người dân có toàn quyền viết lên nói lên mọi suy nghĩ riêng của mình, và họ chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung những điều họ viết, họ nói, thế thôi, còn việc họ muốn công bố những điều đó với ai và ở đâu là thuộc quyền của họ.

      Tác phẩm do tôi viết ra là thuộc quyền sở hữu của tôi, hiển nhiên quá rồi, và cũng quá hiển nhiên rằng tôi muốn tặng cho ai, gửi cho ai, công bố ở đâu là thuộc quyền của tôi, tại sao lại buộc tôi phải đem nộp cho ông cán bộ nhà nước xét duyệt trước khi gửi ra nước ngoài?

       Cơ quan An ninh không thể coi việc đăng tải hay bình luận của các đài và báo nước ngoài đối với một bài viết của một người trong nước như một bằng chứng về nội dung xấu của bài viết ấy, rằng nó để cho bên ngoài lợi dụng, vì rất nhiều bài viết hoặc bài nói của nhiều vị lãnh đạo Đảng và nhà nước ta rơi vào trường hợp ấy.

     Đất nước đã mở cửa, đang hàng ngày hàng giờ cố gắng hội nhập vào thế giới của thời đại thông tin, tại sao chúng ta còn duy trì những quy định quá lỗi thời, đẩy người cầm bút vào một  “cái rọ” quản lý cả đến bản thảo viết tay, cả những tham luận hội nghị, hội thảo quốc tế ? Chúng ta hãy hỏi những đồng nghiệp nhà văn, nhà báo, nhà khoa học các nước khác khi họ sang thăm hay giao lưu với chúng ta họ có bị mất quyền làm chủ đối với lời ăn tiếng nói của họ như vậy không ?

      Bộ Văn hóa thông tin quy định như vậy, nhưng thực tế những năm qua không ít người cầm bút ở Việt nam đã cho công bố tác phẩm ở ngoài nước trước khi công bố ở trong nước, không thông qua sự xét duyệt của cơ quan nhà nuớc. Tình hình đó chứng tỏ quy định của Bộ VHTT đã bị thực tiễn vượt qua một cách mặc nhiên , bởi quy định ấy vẫn nằm trong lề lối quản lý cũ , muốn quản lý sự giao lưu văn hóa tư tưởng của con người  giống như quản lý dạ dày họ bằng chế độ tem phiếu trước kia. Một kiểu quản lý lỗi thời phi dân chủ như vậy không thể làm nổi chức năng của một chuẩn mực pháp lý nghiêm túc, trái lại nó chỉ còn giữ vai trò như một công cụ để người ta đem ra gây khó dễ đối với một số người này, và lờ đi đối với những người khác.

     Chúng tôi cho rằng, quy định về danh mục 2 (nhóm A) trong điều 3 của quyết định 893 ngày 20/7/1992 của Bộ Văn hóa thông tin là trái với hiến pháp, trái với quyền Tự do ngôn luận của công dân, trái với Quyền Con người, đặc biệt khi đối chiếu với các điều 50,53,69, 146 của Hiến pháp và điều 19 của bản tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Việt nam đã long trọng ký kết và cam đoan thực hiện.

     Chúng tôi xin phát hiện sự vi phạm Hiến pháp như nêu trên với Quốc hội để Quốc hội xem xét và đề nghị sớm bãi bỏ quy định này.

     Chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội cho thành lập ngay TÒA ÁN HIẾN PHÁP để dân có một cơ quan có thẩm quyền nhận khiếu nại và xét xử các vụ vi phạm Hiến pháp.

                                                                                            Kính chào

                                                                                Đà lạt ngày 10 - 4 - 1997

                 Hà Sĩ Phu                              Bùi Minh Quốc                           Tiêu dao  Bảo Cự           

      4E Bùi thị Xuân, Đàlạt       3B Nguyễn thượng Hiền, Đàlạt       35 Nguyễn đình Chiểu, Đàlạt

              ĐT :  823510                ĐT : 821675 (bị cắt từ 7/4/97)        ĐT : 823779(bị cắt từ 7/4/97)


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ