LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm ĐàLạt - Bùi Minh Quốc

'Nhà văn phải lo cho dân chủ hóa đất nước'


 
 
 
Nhà thơ Bùi Minh Quốc
Nhà thơ Bùi Minh Quốc muốn tính độc lập về tổ chức của các đoàn thể phải được luật hóa
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, nhà thơ Bùi Minh Quốc, người mang quan điểm phê phán hệ thống chính trị hiện nay, nói văn nghệ sĩ không thể lảng tránh vấn đề dân chủ hóa.

Là người gắn liền với sự hy sinh và chiến đấu của văn nghệ sĩ miền Bắc trong cuộc chiến Việt Nam, ông Bùi Minh Quốc lại trở thành một trong những tiếng nói đòi tự do, dân chủ trong cao trào Đổi mới sau 1986.

Vì những bài viết của mình, ông mất chức Chủ Tịch hội Văn Nghệ tỉnh Lâm Ðồng và bị chính quyền quản chế trong mấy năm.

Trả lời phỏng vấn của Lê Quỳnh, BBC Việt ngữ, ông Bùi Minh Quốc, hiện ở Đà Lạt, cho biết đời sống của ông hiện nay đã dễ chịu hơn.

Bùi Minh Quốc: Cuộc sống của tôi trong hơn một năm qua đỡ hơn nhiều so với mấy năm trước. Thỉnh thoảng có vài trục trặc về điện thoại, hoặc là đi đâu thì phải khai báo tạm trú, tạm vắng. Cũng có khi mình đi, chả ai hỏi gì. Cũng có đợt như năm ngoái, tôi ra Hà Nội nhân đầy tháng cháu nội. Nhưng khi ấy trùng với Apec, nên ra đến bến xe, lại phải quay lại chỗ công an phường khai tạm vắng. Nhưng rồi tôi cũng đi được.

Thú vị nhất, cách đây hai ngày, hôm 4-6, tôi được mời đi dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội nhà văn, tổ chức cho khu vực phía Nam ở TP. HCM. Tôi đi 300 cây số từ Đà Lạt xuống dự, mục đích cũng để gặp anh em, và muốn có vài phút để phát biểu.

BBC:Khi ông đến, ban tổ chức có biết ông sẽ phát biểu không ạ?

Ông Bùi Minh Quốc phát biểu tại buổi lễ hôm 4-6

Khoảng 9h kém 20 tôi đến thì gặp anh Lê Văn Thảo, Phó Chủ tịch Hội phụ trách phía Nam. Tôi bảo: Ông để cho mình 10 phút phát biểu nhé. Ông Thảo nét mặt cũng hơi căng, trả lời người ta đăng ký hết rồi. Tôi bảo thế thì bây giờ tớ đăng ký. Cuối cùng Lê Văn Thảo bảo thôi, mấy việc này phải để Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội) quyết định.

Tôi vào nhà khách chờ. Đến khi anh Hữu Thỉnh đến, anh em bắt tay. Tôi mới nói ngay: Thỉnh để mình phát biểu ít phút. Hữu Thỉnh vui vẻ, vâng vâng, ông cứ phát biểu.

Thú thực tôi cũng không nghĩ họ sẽ sắp xếp cho mình. Sau phần nghi lễ, báo cáo, đến phần phát biểu của các nhà văn. Người đầu tiên lên bục là Nguyễn Quang Sáng; lúc anh ấy đang nói thì Lê Văn Thảo đến chỗ tôi nói “ông chuẩn bị nhé.” Chờ mãi rồi cũng đến lượt mình, và tôi là người cuối cùng phát biểu hôm ấy.

BBC:Khi lên, ông đề cập một số vấn đề như dân chủ và vai trò của nhà văn. Cụ thể, ông đã nói như thế nào, thưa ông?

Trước hết tôi hoan nghênh ban tổ chức đã có chuyển biến khi cho tôi lên phát biểu. Tôi xin nói một ít về những kỷ niệm với Hội, mà có một chi tiết tôi nhớ mãi. Đó là năm 1959, lúc ấy tôi 19 tuổi, được mời đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn miền Bắc. Nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tổng thư ký lúc đó, đọc báo cáo, trong đó anh Thi nói: Muốn làm văn, trước hết phải làm người. Làm người là cái gốc của sự làm văn.

Câu ấy của anh Thi khắc vào tâm khảm tôi cho đến bây giờ. Những năm sau tôi vào chiến trường, rồi gặp anh Nguyên Ngọc. Trong tùy bút Mùa xuân đại thắng viết trước Mậu Thân, anh Nguyên Ngọc có một câu tôi rất tâm đắc. Anh viết: “Cuộc chiến đấu của chúng ta là cuộc chiến đấu để làm người.” Anh Nguyên Ngọc đã nhân rộng câu nói của anh Nguyễn Đình Thi. Anh Thi chỉ nhắc đến các nhà văn, còn anh Ngọc đã khái quát cuộc chiến đấu của toàn dân ta là cuộc chiến đấu để làm người. Qua từng trải của tôi và đồng đội, tôi thấy chúng ta chiến đấu để giải phóng dân tộc đồng thời cũng để giành lấy quyền làm người.

Trong lễ kỷ niệm 50 năm này, tôi muốn nói những nhà văn chúng ta đã từng dấn thân để giải phóng dân tộc, bây giờ phải tiếp tục vì sự nghiệp dân chủ hóa đất nước. Anh Nguyễn Minh Châu, trong lá thư gửi nhà thơ Nguyễn Trung Thu trước khi mất, viết: “Làm thằng nhà văn Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách.” Tôi thấy chúng ta phải đưa chữ dân chủ lên hàng đầu trong mục tiêu xây dựng đất nước.

Nhân có mặt chị Hà ở đây (bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP HCM), tôi đề nghị chị Hà nói lại với Thành ủy ý kiến của tôi như thế. Tức là ba chữ Dân chủ hóa, Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa phải kẻ panô, áp phích thật to trên khắp nước để người dân mình hàng ngày nhìn thấy. Không có dân chủ, thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ dễ méo mó, không bền vững, không lành mạnh.

Một điều nữa tôi muốn nói: Các nhà văn ngày nào cũng lên tiếng về đạo đức xã hội xuống cấp. Nhưng phải nhìn lại bản thân đạo đức nhà văn bây giờ thế nào? Đem đến cho độc giả các giá trị nhân văn nhưng trong khi đó, chúng ta sống ngược lại các giá trị đó thì không thể chấp nhận được.

Và điều cuối cùng, tôi muốn nhắc lại một vấn đề tôi đã nói nhiều lần, tức là vấn đề tự do lập hội. Quốc hội đã thảo dự luật về hội, đã sửa đến lần thứ 13 mà vẫn chưa thông qua được. Vì vẫn tồn tại khuynh hướng, mang tiếng là luật về hội nhưng thực ra muốn thủ tiêu quyền tự do lập hội của công dân. Tôi xin nhắc lại ý kiến tôi đã nói cách đây 12 năm, tức là, nếu nhà nước thích có hội của mình thì cứ bỏ tiền ra nuôi cái hội quốc doanh đó. Anh em nhà văn nào không thích cái hội quốc doanh ấy thì phải để cho người ta lập hội riêng. Dứt khoát phải thực thi quyền tự do lập hội của công dân.

BBC:Và sau khi phát biểu xong, ông có nhận được phản hồi từ các đại biểu dự lễ không?

Anh em đến chia sẻ. Đến giờ ăn trưa, Hữu Thỉnh mang chai rượu tây đến bàn tôi, rót và cụng ly. Tôi nghĩ chắc như thế là anh ấy tỏ thái độ chia sẻ ý kiến của tôi. Mấy anh em khác cũng nói rất nhất trí với tôi.

BBC:Việc ông được quay trở lại sinh hoạt với Hội cũng là tin vui. Nhưng nhiều người cũng thắc mắc không biết việc đấu tranh và việc sinh hoạt ở Hội có mâu thuẫn với nhau hay không?

Tôi xin đính chính một điều: Không có vấn đề quay lại. Vì tôi không bao giờ ra khỏi Hội cả. Tôi vẫn luôn là hội viên. Trong thực tế, có nhiều chuyện không rõ ràng. Có trường hợp họ in cuốn sách về Hội, không có tên tôi. Lẳng lặng họ cứ gạt tên mình ra thế thôi. Nhiều anh em cũng chán cái hội nhà văn, bảo tôi chán quá, chỉ muốn ra. Tôi thì thế này, tôi đấu tranh để có quyền tự do lập hội. Mặt khác tôi luôn ở trong hội để chiến đấu.

Ví dụ có những buổi sinh hoạt, tôi quyết định đi dự là để có cơ hội phát biểu, chứ không phải đi chơi, uống ba cốc bia rồi về. Tôi nghĩ tôi có mặt trong Hội để chiến đấu, xây dựng cho cái hội nó tốt hơn, đồng thời tôi đòi phải có quyền tự do lập hội. Sau này có hội mới, ai thích thì vào, ai vẫn thích hội cũ thì ở lại, chẳng có vấn đề gì. Như thế đời sống xã hội mới sinh động được, mới đúng là một xã hội công dân.

Đấu tranh từ bên trong hệ thống

BBC:Bây giờ ở Việt Nam, khi nói lên tiếng nói công khai, người ta nói ra được đến mức độ nào?

Chính thức mà nói thì không ai ngăn cản. Hồi tháng Ba, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến Hội đồng lý luận trung ương, cũng nhắc lại ý là phải tôn trọng những ý kiến khác biệt. Chính thức thì như thế.

Nhưng trong thực tế, các cuộc sinh hoạt đều có sắp đặt. Ai muốn phát biểu, tham luận đều phải nộp trước văn bản. Đại hội nhà văn chẳng hạn, tham luận phải đưa lên cho đoàn chủ tịch duyệt. Ai mà kiên quyết giành lấy diễn đàn, nói vo ngay lúc ấy, thì vẫn có thể nói được. Nhưng anh chị em trí thức ở ta hình như chưa quen kiểu sinh hoạt như thế, thành ra cứ lẳng lặng chấp nhận việc duyệt trước như vậy.

Nếu mọi người kiên quyết giành lấy quyền được nói, sẽ thay đổi được cách sinh hoạt. Những tiếng nói thẳng sẽ ngày càng được cất lên và người ta không thể ngăn cản được nữa.

BBC:Nhưng người ta có muốn hay dám thay đổi không, thưa ông?

Những người trong giới gánh vác việc dân việc nước hiện nay hầu hết không muốn thay đổi nếp cũ. Nhưng vẫn có một số anh em có tâm huyết muốn thay đổi. Số ấy còn yếu, còn ít. Phải có sức ép, hậu thuẫn của số đông.

BBC:Những người có cùng quan điểm như ông cho rằng văn nghệ sĩ không thể lảng tránh chính trị. Nhưng hình như nhiều văn nghệ sĩ hiện nay không muốn bàn đến chính trị. Viết, nói về những chủ đề khác, thậm chí nói về tình dục, lại dễ dàng được nói hơn, được quan tâm hơn.

Tâm lý e ngại, sợ sệt vẫn còn. Không thể một sớm một chiều thoát khỏi tâm lý ấy. Phải từng bước bứt ra. Bao giờ cũng phải có một bộ phận mạnh dạn, tạo ra những tiền lệ mới, dần dần sẽ khá lên. Từng người phải làm một cái gì đấy, nhỏ thôi. Mỗi ngày mình nói được một điều đúng lẽ phải với người thứ hai, mình thấy vui trong lòng, như thế sẽ góp phần thay đổi xã hội.

BBC:Trong những hoạt động của ông, ông tự xem mình là người đấu tranh ở bên trong hay bên ngoài hệ thống? Nhiều nhà bất đồng chính kiến muốn đứng ở bên ngoài, tách khỏi hệ thống này. Lại có người nghĩ rằng nếu mình ở bên trong, đấu tranh sẽ dễ dàng hơn. Ông thuộc về quan điểm nào?

Tôi luôn là người đứng trong hệ thống này, với tư cách một người đã từng dâng hiến tuổi trẻ của mình để giải phóng dân tộc, xây dựng nên cái hệ thống chính trị hiện nay. Nhưng bây giờ tôi thấy hệ thống chính trị hiện nay phải thay đổi.

Tôi đấu tranh để thay đổi nó với tư cách một người như thế. Những tệ hại hiện nay làm mình đau, trước hết là vì những cố gắng, dâng hiến của mình lại đem đến hậu quả không được như ý. Nên tôi đấu tranh như một người đứng bên trong hệ thống và muốn thay đổi nó.

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ