LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm ĐàLạt - Bùi Minh Quốc

Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cùng toàn thể các đồng nghiệp trong Hội


Bùi Minh Quốc

Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cùng toàn thể các đồng nghiệp trong Hội

(Kính nhờ báo Văn nghệ, báo Nhân dân và các báo đài trong ngoài nước công bố giùm)

 

Đà Lạt ngày 10 tháng 12 năm 2007


Ngay sau khi Quốc vụ Viện Trung Quốc vừa phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa nhằm trực tiếp quản lý các quần đảo trên biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối, một số trí thức Việt Nam mà sớm nhất là tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà báo Bùi Thanh, các nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Viện, Lynh Bacardi, Thận Nhiên, Trần Tiến Dũng, nhạc sĩ Tuấn Khanh, họa sĩ Trịnh Cung đã bày tỏ thái độ, coi đây là hành động ngang ngược, bất chấp lẽ phải, chà đạp lên sự thật lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo ấy.

Sáng ngày 9 tháng 12.2007, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhân dân ta, gồm cả giới trẻ và các bậc cao tuổi, đã tập hợp hàng trăm người biểu tình một cách ôn hoà, trật tự trước Đại Sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc để cùng đồng thanh khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Tôi trân trọng thông tin đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cùng toàn thể hội viên trong Hội ta về tấm gương thể hiện lòng yêu nước của các trí thức văn nghệ sĩ và nhân dân ta như vừa nêu trên để bày tỏ sự đồng tình và hoan nghênh của cá nhân tôi, đồng thời tôi mong muốn:

  • Ban Chấp Hành Hội Nhà văn Việt Nam sớm có tuyên bố chính thức về vụ việc này;

  • Tất cả các nhà văn hội viên sớm có tiếng nói độc lập của mình (cá nhân hoặc tập thể), không cần chờ văn bản của Ban Chấp hành Hội.

  • Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cần liên hệ ngay với nhà nghiên cứu Nguyễn Q Thắng để xuất bản ngay cuốn Hoàng Sa, Trường Sa với công pháp quốc tế được ông dày công soạn thảo mà giá trị đã được nguyên Trưởng ban Biên giới Lê Minh Nghĩa khẳng định và giới thiệu từ lâu nhưng không được cấp giấy phép để xuất bản. (Địa chỉ nhà nghiên cứu Nguyễn Q Thắng: 61/420A Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh).

Chủ nghĩa bành trướng trong giới cầm quyền Trung Quốc không bao giờ tự lùi bước, tự mất đi, nó là mối họa trường kỳ đối với dân tộc Việt Nam ta cùng các dân tộc Đông Nam Á, và ngay cả với chính nhân dân Trung Quốc. Mấy chục năm qua, trong sinh hoạt văn hoá của nhân dân ta thiếu vắng hẳn các công trình nghiên cứu và tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài này, thậm chí các cuộc chiến tranh chống bọn diệt chủng Khmer Đỏ ở Campuchia, bọn bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, ở Biển Đông, với xương máu của hàng vạn bộ đội và nhân dân ta, cũng vô cớ (một cách cố ý) bị biến thành đề tài cấm kỵ, khiến sự thật lịch sử dần bị vùi lấp. Tại sao lại có một chủ trương thiếu văn hoá, đi ngược lại lợi ích dân tộc như vậy? Vấn đề hết sức nghiêm trọng này cần sớm được làm rõ, mà Hội Nhà văn Việt Nam là nơi cần phải có tiếng nói sớm nhất.

Nhân dịp này, xin gửi đến Ban Chấp hành cùng toàn thể đồng nghiệp bài thơ tôi viết trong chuyến đi thăm các tỉnh biên giới phía bắc tháng 11 năm 2001:


Tiếng máu biên cương

Tổ quốc còn đau món nợ Tân Trào
Con nghe buốt dọc biên cương tiếng máu
Tiếng người xưa truyền muôn đời con cháu
Một tấc giang sơn không được để hao mòn.

Tân Trào 10.11.2001
Bản Giốc 24.11.2001


Kính thư

Bùi Minh Quốc
03 Nguyễn Thượng Hiền Đà Lạt
ĐT: 063-815459 * 0918007842

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ