LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm ĐàLạt - Mai Thái Lĩnh

Langbian hay Lâm Viên, vẫn là Nhân Kiệt (Đỗ Hữu)


 

     Lời nói đầu: Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Đường (www.lenduong.net) xin trân trọng giới thiệu đến quý vị bài viết "Langbian hay Lâm Viên, vẫn là Nhân Kiệt". Từ thành phố cao nguyên Đà Lạt, chúng ta đã biết đến các nhân vật phản kháng như Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự hay Bùi Minh Quốc, nhưng ít người được nghe đến tên Mai Thái Lĩnh. Trong đợt khủng bố tháng 5/2000 vừa qua, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã bắt giam ông cùng ông Hà Sĩ Phu. Nhận xét về Mai Thái Lĩnh, Đỗ Hữu ghi rằng: "Rất có thể Mai Thái Lĩnh là người hiểu rõ bản chất côn đồ, cho nên trong bấy

năm qua ông "phục kích" ngay trong lòng địch. Ông âm thầm nối kết, đưa tin, âm thầm vận động... Mãi cho đến khi trận chiến sắp tàn, ông mới nổi lên giữa lòng Langbian Đà Lạt." Và phải chăng trận chiến sắp tàn, sắp tàn để đem lại một tương lai tươi sáng cho dân tộc? Mong thay. Xin cám ơn tác giả Đỗ Hữu đã cho biết nhiều chi tiết về sinh hoạt phản kháng từ thành phố cao nguyên này, và cám ơn anh Tưởng Năng Tiến đã chuyển đến Mạng Lưới Lên Đường bài viết này. Được biết tác giả Đỗ Hữu là cộng tác viên của báo Việt Luận (Úc Châu) và bài viết này đã được đăng tải đầu tiên trên cơ

quan truyền thông này. 

     Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị. MLTTVNLĐ

     Đỗ Hữu

Có một lần lên Đà Lạt, chiều đó mưa, trời buồn buồn và khá rét so với khí nóng ở Sài Gòn, ngang đèo Prenn tôi buộc miệng: "Đà Lạt là do ông Yersin tìm ra à." Anh bạn tôi đi cùng xe đang lim dim, choàng dậy càm ràm: "Đà Lạt nó có từ đời  nào, ông Yersin ổng chỉ develop thôi chớ tìm ra mẹ gì."

Anh bạn đúng. Còn cái địa danh Đà Lạt, sau đó lục lọi tìm được tờ Revue Indochine số 180 (10/2/1944, trang 23) trong đó có đoạn viết: "Ở tại chỗ của cái hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lat đã chảy qua và người ta đã gọi suối này là Đà lạt (Da hay dak tiếng mọi nghĩa là nước) và không hiểu lý do gì mà người ta đã thay thế danh xưng Việt Nam là Cam Ly." Như vậy cứ theo me-xừ Cunhac trong bài báo này thì Đà Lạt có nghĩa là nước của người Lát hay suối của người Lat.

Trên con suối này có hai ngọn núi kêu là Langbian, hay Lang Bian, hay Lâm Viên. Người kinh ta gọi là núi Bà. Nhưng mớI đây tôi lại được đọc một tờ báo nói Langbian còn được gọi là Lãng Uyên.

"Người Kinh đến Lâm Đồng có lẽ trong khoảng cách đây 200 năm, chung sống khá êm đẹp với tộc dân Langbian mà ngày nay trong các truyện cổ, trong các di tích, địa danh ở cao nguyên Langbian, Dran, Djirinh, B'lao còn lưu giữ. Đến cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Thông (1927-1884) lên tìm hiểu thám

hiểm Langbian để xây dựng khu kháng chiến chống Bạch quỷ (Pháp) ở đây. Có nhiều bằng chứng xác nhận Nguyễn Thông đã lên Đà Lạt, tiếp xúc với các dân tộc bản địa, tạo được một đội quân Tây Nguyên chống Pháp. Nguyễn Thông có vẽ sơ lược ngọn Langbian với chữ Hán là Lãng Uyên."

Đoạn văn trên trích trong tờ Langbian số 1, tháng 10 năm 1987.

Langbian là tạp chí của Ban vận động Hội văn nghệ Lâm Đồng. Tờ báo ra được ba số thì bị... im! Im không có nghĩa là chết. Nó chỉ im thôi và người ta hiểu là do Đảng biểu im.

Trong số 1 không thấy ghi tên chủ bút chủ nhiệm. Số 2 và số 3 có ghi ở bìa trong: "Chịu trách nhiệm xuất bản: Bùi Minh Quốc". Bùi Minh Quốc lúc đó là phó ban vận động Hội văn nghệ Lâm Đồng. Và trong ba số báo liên tiếp, lẽ tất nhiên ông là người đứng mũi chịu sào.

Như những xuất hiện khác của một số nhà văn mới sau Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986), việc thành lập Ban vận động Hội văn nghệ Lâm Đồng ngay sau Đại hội (tháng 2/1997) là sự hưởng ứng với đường lối văn nghệ đổi mới. Nó cho thấy sự nhạy bén của người cầm bút trong nước trước các biến chuyển về chủ trương của Đảng. Đồng thời, sự ra mắt của Ban vận động cũng cho thấy tính thời cơ của cấp lãnh đạo, trong trường hợp này là lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vào thời điểm đó. Chẳng hạn, trong buổi ra mắt ban vận động có phó bí thư thường trực tỉnh Lâm Đồng, chủ tịch Mặt trận Tổ quồc Việt Nam tỉnh. Rồi sau một năm "vận động", khi Hội Văn nghệ Lâm Đồng (hết còn "Ban vận động") chính thức ra mắt (22/1/1998), có rất nhiều "đồng chí" tầm cỡ đến dự. Đặc biệt là có cả ông Trần Độ, lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban văn hóa văn nghệ Trung ương. Ông Độ đã dành trọn buổi tối 22 tháng 1 để nói về nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, tức nghị quyết về công tác văn hoá văn nghệ.

Có lẽ trong bầu không khí "phấn khởi" của một năm sau khi theo chính sách đổi mới, những người dự hội nghị thành lập Hội văn nghệ Lâm Đồng chắc không hề nghĩ chỉ vài năm sau, tướng Trần Độ bị khai trừ khỏi Đảng, rồi đến lượt Bùi Minh Quốc, rồi Hà Sĩ Phu và mới đây là Mai Thái Lĩnh bị cầm tù.

Từ những diễn biến đó người ta rút ra được ít nhất một điều là khi lãnh đạo nới tay thì sự thật xuất hiện. Và khi Đảng siết lại thì thêm một phòng tuyến mới được thành hình. Phòng tuyến đó, cho đến nay, vẫn còn trong thế nghiêng ngửa giữa một bên là bạo quyền ráng cầm cự quyền lực, và một bên là trí thức băn khoăn mệnh nước.

Trận tuyến ấy mới thoạt nhìn thì có vẻ như Đảng vẫn đang ở thế thượng phong, nhưng thật ra, nếu chúng ta nhìn khắp loạt trận địa trước khi chú mục vào trận tuyến văn hóa, thì chính Đảng đã co về thế thủ.

Ở mặt trận kinh tế, khi nền kinh tế "ưu việt" xã hội chủ nghĩa chỉ còn có chữ "việt" (chạy) thì Đảng ra sức kêu gọi nước ngoài đầu tư, xin Mỹ ký hiệp ước thương mãi, nhả "chủ quyền lãnhthổ" từng bước như bằng các đề nghị dọ dẫm cho phép Việt kiều mua nhà trong nước. Từng bước một, Đảng đã biết phải tôn trọng luật chơi khi thò bút ký vào hiệp định, mày mò vào sân chơi thị trường hối đoái, mày mò vào sân chơi mạng điện tử. Những bước chân chập chững đi một bước thụt nửa bước đủ để dân trí Việt Nam từ từ tiến lên, nghĩa là chân diện ngu dân và độc tài từng bước bị khám phá, nghĩa là quyền cai trị từng bước mất chính nghĩa. Cho nên không lấy làm lạ là trong khi xây dựng nước trong thời bình, Đảng vẫn ra sức cổ động, đánh bóng lại hào quang thời chiến. Bởi lẽ Đảng cầm quyền nhờ chính nghĩa chiến tranh. Hết chiến tranh, chính nghĩa ấy không còn vì Đảng bất lực trong thời bình. Như vậy là từ khi chịu làm kinh tế thị trường (dù) theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng đã không cách nào cưỡng lại trào lưu tự nhiên của kinh tế thị trường là rất "đố kị" độc tài. Cho nên mới lần lượt vào tròng các hiệp ước thương mại, lần lượt ép mình vào luật chơi. Và như thế, lần lượt bỏ mất tính Đảng. Và như thế, vô hình trung Đảng đã dùng gậy kinh tế thị trường để đập gậy định hướng xã hội chủ nghĩa. Gậy ông đập lưng ông.

Ở mặt trận văn hóa, Đảng còn bị "kẹt đạn" hơn nữa. Các lý luận mác-xít bị bóc vỏ sau Đại hội VI với những trí thức cứng cỏi như Hà Sĩ Phu. Bất đắc dĩ Đảng phải nặng lên cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" với tiêu lịnh cho Ban Tư tưởng Văn hóa là "không có tư tưởng cũng viết cho thành có tư tưởng, cứ lấy ngay những mẩu chuyện về đời Bác mà... nhồi lên". Giải pháp cùng đường ấy được "hải, lục, không quân" yễm trợ bằng bài tủ bạo lực. Vừa khen bác "coi trọng trí thức" vừa bắt bớ trí thức, vừa khen bác "cần kiệm liêm chính" vừa hối mại quyền thế. Nói chung là Đảng quá rối rắm. Trong sự rối rắm thì một ngườI nhát gan thường hay phát ngôn tào lao, thí dụ như Ả Q, còn một kẻ vũ phu thì ưa cắn bậy. Cho nên mới lúng túng vừa bắt vừa thả những khuôn mặt trí tuệ của đất nước. Như Hà Sĩ Phu,

Mai Thái Lĩnh.

Hà Sĩ Phu đã được nhiều người biết tới. Riêng Mai Thái Lĩnh, nhà văn, với nhiều người còn là một khuôn mặt ẩn kín. Ông chỉ bắt đầu được chú ý đến khi ông bị bắt hồi cuối tháng 5/2000 vừa qua. Chỉ riêng việc này thôi cũng đủ là chứng nhân ông là ai, bởi trong các chế độ độc tài, chỉ những người

lương thiện mới bị bắt.

Mai Thái Lĩnh viết trên Langbian số 2, tháng 2/1988 với tiểu luận "Độ trong suốt của một nền dân chủ". Ông ghi chú dướI bài viết là tháng "12/1987", như vậy là sau Đại hội VI một năm, sau khi "tính công khai bước đầu được mở rộng ở nước ta", như lời vào bài của ông.

Do tính công khai mới bắt đầu, cho nên bài viết của Mai Thái Lĩnh còn dùng nhiều "ẩn dụ", sử dụng khéo léo "bàn đạp" là nghị quyết Trung ương 05, là văn học Sô Viết, để dẫn ngườI đọc đến đoạn cuối bằng những dòng tố cáo bản chất dân chủ tập trung mạnh mẽ. Nổi bật nhất, và có lẽ đây cũng là cách

được các nhà văn trong nước dùng nhiều nhất do hoàn cảnh chính trị xã hội, là dùng nghị quyết để phê phán nghị quyết, là kiểu gậy ông đập lưng ông.

Mai Thái Lĩnh tự đặt câu hỏi mà chính Đảng hỏi: Phải chăng việc mở rộng tính công khai làm suy yếu Nhà nước? Phải chăng việc mở rộng tính công khai làm suy yếu bộ máy Nhà nước, tạo cơ sở cho kẻ địch lợi dụng, như một số người quan niệm?

Rồi ông tự trả lời: Không. Tính công khai không làm suy yếu Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nó giúp Đảng phát hiện những khâu yếu kém trong bộ máy Nhà nước, thậm chí cả trong bộmáy của Đảng nữa. Nhờ nó, dân giúp Đảng phát hiện những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất; những kẻ bất tài, kém năng lực; những kẻ vô trách nhiệm; bọn ăn cắp, tham ô...

Dường như là Mai Thái Lĩnh đang "địch vận" Đảng, "dụ" Đảng ra khỏi hang để phơi mình dưới ánh sáng mặt trời, và... nện cho một gậy! Ông dứt: "Đành rằng đấu tranh cho chân lý là khó khăn, là đòi hỏi sự hy sinh, không tránh khỏi tổn thất. Những kẻ nào vịn vào khó khăn, ngại hy sinh, tổn thất mà từ

bỏ trách nhiệm của mình trước xã hội, kẻ đó sẽ bị lịch sử phán xét."

Câu dứt của ông thoạt như một lời kêu gọi tầng lớp trí thức, nhưng lạ thay, nó lại ám chỉ luôn cả Đảng. Tự dưng ông nói đến hy sinh -- hy sinh trong đấu tranh để bảo vệ tính công khai, ông lại nói đến tổn thất. Như một tiên liệu về những bắt bớ, giam cầm, tra khảo đang chờ đón những người như ông.

Qua số Langbian thứ 3, cũng là số cuối cùng, phát hành tháng 5/1988, Mai Thái Lĩnh đánh tiếp, với bài "Văn nghệ và Sự thật". Bài này có "tính xung phong" hơn, với phần mở trực tiếp ngay với chủ nghĩa giáo điều: "... trên con đường tiếp cận sự thật, văn nghệ sĩ chân chính đã phải đụng đầu với cái bóng đen của chủ nghĩa giáo điều."

Và Mai Thái Lĩnh bắt đầu phân tích chủ nghĩa giáo điều cũng một cách rất khéo léo, là núp dưới nhãn quan của văn học nghệ thuật. Sau khi đã dàn trận văn nghệ, ông đánh mạnh vào chủ nghĩa cộng sản:

"... không thể giải thích chủ nghĩa giáo điều chỉ như một căn bệnh ấu trĩ của những người cộng sản. Nguồn gốc sâu xa của nó, chính là chủ nghĩa quan liêu. Các nhà quan liêu cần đến chủ nghĩa giáo điều để bảo vệ đặc quyền đặc lợi đã giành được, bảo vệ bộ máy quan liêu đứng trên nhân dân. Ngược lại,

các nhà giáo điều dựa vào bộ máy quan liêu để tăng thêm sức nặng cho những "chân lý bất biến" mà họ nắm giữ độc quyền. Chừng nào mà chủ nghĩa quan liêu chưa bị quét sạch thì chủ nghĩa giáo điều vẫn còn cơ hội để tồn tại và phát triển. Phải chăng vì thế mà trong thực tế, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều gắn liền một cách hữu cơ với cuộc đấu tranh để mở rộng dân chủ, phát huy một cách đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân lao động dưới chế độ mới?"

Trong cả ba số Langbian, đây là lời phê phán mạnh mẽ nhất được "cung kính" gửi đến Bắc Bộ Phủ. Mai Thái Lĩnh mô tả đầy đủ bản chất quan liêu và giáo điều của người cộng sản, ông phóng bản-chất quan liêu lên màn ảnh rộng cho mọI người cùng thấy, rằng "nó" chính là "bộ máy quan liêu để tăng

thêm sức mạnh cho những chân lý bất biến mà họ nắm giữ độc quyền." Đó không phải là lời diễn suy mà nằm ngay trong lời văn cương trực của ông, bởi một lẽ rõ ràng rằng ai là ngườI hô lên khẩu hiệu "Chủ nghĩa mác Lê-nin bách chiến bách thắng"? Chính nó! Chính nó coi chủ nghĩa Mác là "chân lý bất biến". Ai cần đến "chủ nghĩa giáo điều để bảo vệ đặc quyền, đặc lợi giành được?" Chính nó. Nó luôn thổi phồng thành tích chiến tranh để bảo vệ chính nghĩa cầm quyền, nghĩa là bảo vệ đặc quyền đặc lợi giành được nhờ xương máu nhân dân.

Ở một đoạn sau, Mai Thái Lĩnh còn gay gắt hơn: "Đã có một thời, để nhấn mạnh chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa hiện thực phê phán, người ta đã thiên về một phía, nhấn mạnh yếu tố ca ngợi mà xem nhẹ yếu tố phê phán. Xu hướng này dựa trên quan niệm nang tính chất siêu hình cho rằng dưới xã hội chủ nghĩa, mọi sự sẽ diễn ra tốt đẹp..."

Xã hội chủ nghĩa, như thế, dưới cái nhìn sắc xảo của Mai Thái Lĩnh, đã hiện hình tơi tả. Tất không phải Mai Thái Lĩnh là người đã phát hiện ra điều này. Cái khó khăn và đáng kính là ở chỗ ông lột áo lãnh đạo ngay trong điều kiện khắt khe đang sống dưới chế độ độc tài. Ông đã như một số nhà văn khác mà ông đã nhắc trong bài viết này, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phùng Gia Lộc, Trần Văn Thủy... đã phê phán sự ù lỳ, bao cấp, kể cả bao cấp tư tưởng. Và cuối cùng, kêu lên:

"Vấn đề còn lại là tài năng, tính trung thực và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ."

Chỉ riêng lời kêu gọi "lòng dũng cảm" thôi cũng thấy cái chế độ vừa mới bắt ông cay nghiệt đến chừng nào, bởi lẽ không có chế độ nào khác mà trong đó, nhà văn lại cần đến lòng dũng cảm. Có lẽ chỉ cần làm cái công thức nhỏ: lòng dũng cảm + tài văn = nhà văn dưới chế độ độc tài. Đó là cái công thức toàn vẹn nhất mô tả đầyđủ bản chất chế độ, bởi văn tài không nào có đủ, như người ta thấy văn tài cũng có Trần Mạnh Hảo, cũng có Phạm Tiến Duật, cũng có Trần Bạch Đằng... Nhưng sau đó, do thiếu một đơn vị là "lòng dũng cảm", các văn tài trở thành văn nô.

Có lẽ phải lấy làm lạ là tại sao Nhà nước Việt Nam bắt ông Mai Thái Lĩnh... trễ như vậy! Lẽ ra phải... túm ông ngay từ khi xuất hiện trên Langbian, hoặc cũng làm khó dễ cỡ... xe đụng hay bị... côn đồ hành hung như các trường hợp khác.

Rất có thể Mai Thái Lĩnh là người hiểu rõ bản chất côn đồ, cho nên trong bấy năm qua ông "phục kích" ngay trong lòng địch. Ông âm thầm nối kết, đưa tin, âm thầm vận động... Mãi cho đến khi trận chiến sắp tàn, ông mới nổi lên giữa lòng Langbian Đà Lạt.

Đà Lạt đã nổi tiếng từ những Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Bảo Cự. Những người đó đã khiến Đà Lạt không phải chỉ làvùng đất thơ mộng mà còn là nơi hội tụ anh tài. Trong ý nghĩa đó thì Hà Sĩ Phu, vân vân... đã "khai sinh" ra Đà Lạt. Và đến hôm nay, nói như người bạn, Mai Thái Lĩnh đã develop Đà Lạt để làm thêm một trận tuyến công khai.

Đỗ Hữu

9/6/2000


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ