LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Mai Thái Lĩnh

Sự hình thành của phong trào dân chủ - xã hội ở Thuỵ Điển


Mai Thái Lĩnh

Thông thường, khi nói đến mô hình Thuỵ Điển, có người xem đó là chủ nghĩa xã hội dân chủ (democratic socialism), nghĩa là một hình thức của chủ nghĩa xã hội được thực hiện bằng con đường dân chủ. Cũng có người đánh giá đó là một con đường thứ ba, đứng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, được gọi tên là con đường dân chủ - xã hội (social democracy).

Nhưng dù đánh giá bằng cách nào, người ta cũng phải thừa nhận là con đường đó đã thành công trong việc đưa Thuỵ Điển từ chỗ là một quốc gia nhỏ bé, kém phát triển ở châu Âu bước vào con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vươn lên thành một quốc gia có mức sống cao vào bậc nhất trên thế giới. Đặc biệt đáng ca ngợi là con đường đó diễn ra trong hoà bình, tránh được nội chiến và những biến động lớn trong xã hội, giữa lúc cả thế giới sống trong lò lửa chiến tranh hoặc ngập chìm trong bầu khí đầy hận thù của cuộc đấu tranh giai cấp. Mặc dù phạm phải sai lầm kể từ thập niên 1970, do đó không thích ứng được với giai đoạn “toàn cầu hoá” vào cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21, mô hình dân chủ - xã hội Thuỵ Điển cũng là một bài học đáng cho chúng ta quan tâm nghiên cứu. Rất tiếc là từ trước đến nay, ở nước ta chưa có công trình nghiên cứu nào trình bày một cách đầy đủ về mô hình này. Bài tiểu luận này là một nỗ lực nhỏ để bổ sung cho sự thiếu sót đó.

*

Phần I

Nghị viện trong lịch sử chính trị của Thuỵ Điển

Có thể nói toàn bộ công cuộc cải cách về chính trị ở Thuỵ Điển trong vài thế kỷ qua được thể hiện một cách tập trung nơi một thiết chế chính trị mà chúng ta thường gọi là Quốc hội hay Nghị viện. Trong tiếng Thuỵ Điển, thiết chế ấy được gọi là Riksdag (xét về mặt ngữ nguyên, danh từ này có nghĩa là  “Ngày của Vương quốc” hay “Hội nghị của Vương quốc”)[1].

Mầm mống của chế độ nghị viện đã có ở Thuỵ Điển ngay từ thời xa xưa. Vào thời đại văn hoá bộ lạc của vùng Scandinavia (mà các nhà sử học thường gọi là thời đại Viking), các thành viên của một thị tộc (clan) có nghĩa vụ phải trả thù khi người thân của họ bị giết hay bị gây thương tích. Do đó, cần thiết phải có một cơ cấu làm trọng tài để giảm thiểu các hận thù trong bộ lạc, tránh tình trạng hỗn loạn vô chính phủ trong cộng đồng xã hội. Cơ cấu đó được gọi là “hội nghị” (thing hay ting, assembly), tức là cuộc họp bao gồm tất cả những người dân tự do trong một địa phương, từ cấp làng xã (härad, hundred)[2] cho đến cấp tỉnh (land, province). Như vậy là có cả một hệ thống các hội nghị, hội nghị cấp dưới có đại diện ở hội nghị cấp trên. Mọi tranh chấp được giải quyết tại hội nghị, mọi quyết định chính trị cũng diễn ra ở các hội nghị. Nơi tiến hành hội nghị thường là địa điểm công cộng dành cho việc thực hành các nghi lễ tôn giáo và trao đổi hàng hoá. Hội nghị họp định kỳ để ban hành luật, bầu các tù trưởng (hoặc vua) hoặc để xét xử dựa theo luật pháp. Đó là một thứ luật pháp bất thành văn được ghi nhớ và kể lại bởi một nhân vật được gọi là “người diễn giải luật pháp“ hay “người phát ngôn của luật pháp” (law speaker), đóng vai trò của một quan toà. Người phát ngôn này thường cùng với tù trưởng (hay nhà vua) chủ trì những cuộc thương lượng của hội nghị. Trong thực tế, hội nghị thường chịu ảnh hưởng chế ngự của những thành viên có thế lực nhất trong cộng đồng; nhưng xét về mặt lý thuyết, quy tắc chung là “mỗi người một phiếu”. Những tập quán của nền dân chủ nguyên thuỷ, dân chủ trực tiếp đó có ảnh hưởng sâu xa đến nền chính trị của Thuỵ Điển sau này.

Xét về mặt lịch sử, nền quân chủ ở Thuỵ Điển hình thành từ các thế kỷ 11-12 và được hoàn chỉnh trong các thế kỷ 13-14, gắn liền với việc truyền bá đạo Ki-tô (Christianity, christianisme) vào Bắc Âu. Do ảnh hưởng của tập quán dân chủ thời bộ lạc, nền quân chủ Thuỵ Điển lúc mới hình thành là một chế độ quân chủ tuyển cử (elective monarchy, monarchie élective), nghĩa là vua được chọn thông qua bầu cử. Những vị vua đầu tiên được bầu thường là những thủ lĩnh quân sự; quyền lực của họ còn bị hạn chế bởi tập tục, bởi chế độ tự quản của các cộng đồng làng xã. Trong phạm vi của các tỉnh truyền thống, các hội nghị “thing” có quyền công nhận hay từ khước quyền lực của hoàng gia trên lãnh thổ của họ. Mãi đến khi chế độ quân chủ đi vào giai đoạn hoàn chỉnh, quyền lực của các hội nghịthing” mới dần dần giảm bớt để nhường bước cho các bộ máy thư lại (bureaucracies) và các“hội đồng” (råd, councils) chịu ảnh hưởng của giới quý tộc và tăng lữ.

Kể từ thế kỷ 12, cuộc đấu tranh giữa các vương triều đối địch nhau cũng như những xung đột nội bộ bên trong các triều đại đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của một đẳng cấp quý tộc quân sự theo kiểu Âu châu. Trong cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa đẳng cấp này với nhà vua, cả nhà vua lẫn đẳng cấp quý tộc đều muốn lợi dụng danh nghĩa của cả cộng đồng và tìm cách lôi kéo quần chúng về phía mình. Chính trong quá trình đấu tranh giằng co đó mà Nghị viện ra đời, với tư cách là một công cụ chính trị để tạo ra chính nghĩa, đồng thời cũng là một cơ cấu để cân bằng quyền lực giữa nhà vua với giới quý tộc.

Các nhà sử học thường cho rằng Nghị viện đầu tiên ở Thuỵ Điển ra đời vào thế kỷ 15, trong thời kỳ của Liên hiệp Kalmar (Kalmar Union, Union de Kalmar). Sự hình thành của Liên hiệp diễn ra vào cuối thế kỷ 14, vào lúc Đan Mạch trở thành vương quốc giàu mạnh nhất ở Bắc Âu. Người đóng vai trò chủ chốt trong việc hợp nhất vùng Bắc Âu trong một Liên hiệp Vương quốc là Nữ hoàng Margaret của Đan Mạch.

Có nhiều lý do khiến cho Margaret có đủ tư cách đóng vai trò thống nhất các vương quốc ở Bắc Âu. Là con gái của Vua Đan Mạch Valdemar Atterdag (Valdemar IV), vào năm 6 tuổi (1359) Margaret đính hôn với con trai thứ của Vua Thuỵ Điển Magnus Eriksson tên là Haakon. Cuộc hôn nhân này được dàn xếp vì Magnus muốn nhờ vả sự giúp đỡ của Đan Mạch nhằm đối phó với giới quý tộc trong nước đang chống lại ông. Haakon là người được chọn thừa kế ngôi vua ở Na Uy và đến năm 1362 được bầu làm Vua Thuỵ Điển (cùng nắm giữ vương quyền, vì lúc này Magnus vẫn còn nắm quyền ở Thuỵ Điển). Đám cưới diễn ra vào năm 1363, lúc này Margaret mới lên 10 tuổi.

Năm 1363, giới quý tộc Thuỵ Điển do bất mãn với Magnus Eriksson đã đến cầu viện Quận công Albert của Mecklenburg (Albert II of Mecklenburg). Abert đánh bại Magnus, được bầu làm Vua Thuỵ Điển, chấm dứt triều đại Folkung (Folkungar) ở Thuỵ Điển. Magnus phải chạy sang lánh nạn ở Na Uy và qua đời tại đó vào năm 1374. Con trai ông là Haakon vẫn giữ vững được Vương quốc  Na Uy và đến năm 1370, hoàng hậu Margaret sinh hạ một con trai, đặt tên là Olaf.

Sau khi vua cha là Valdemar IV qua đời (1375), Margaret thành công trong việc vận động để con trai bà được thừa kế ngai vàng ở Đan Mạch. Haakon mất vào năm 40 tuổi (1380), trong khi hoài bão khôi phục lại vương quyền ở Thuỵ Điển vẫn chưa thực hiện được. Như vậy là Olaf thừa kế ngôi vua ở cả hai nước Đan Mạch và Na Uy. Lúc này Olaf chỉ mới được 10 tuổi, do đó quyền nhiếp chính vẫn nằm trong tay Margaret. Khi Olaf đủ tuổi trưởng thành (15 tuổi), Margaret cùng con trai dự định tiến hành chiến tranh để đòi lại ngôi vua Thuỵ Điển từ tay Albert; nhưng chưa kịp thực hiện thì Olaf đột ngột qua đời vào năm 17 tuổi (1387). Margaret nắm quyền nhiếp chính của cả hai nước Đan Mạch và Na Uy. Do không có người nối dõi, bà nhận đứa cháu trai 6 tuổi là Erik của Poremania (Erik of Pomerania) làm người thừa kế. Về danh nghĩa, Margaret vẫn là hoàng hậu của Thuỵ Điển bị soán ngôi, do đó bà tìm cách liên kết lực lượng với giới quý tộc Thuỵ Điển đang bất mãn với Albert để đòi lại ngôi vua. Năm 1388, quý tộc Thuỵ Điển thừa nhận Margaret là người trị vì chính đáng của Thuỵ Điển và năm sau, lực lượng của Margaret đánh bại quân của Albert, bắt sống được ông này. Cuộc chiến vẫn tiếp tục kéo dài, mãi đến 1398 quân của Margaret mới chiếm được Stockholm.

Do sự vận động của Margaret, năm 1397, cháu trai của bà là Erik của Pomerania (Erik of Pomerania) được bầu làm vua của cả ba vương quốc Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển. Từ đó hình thành nên Liên hiệp Kalmar, bao gồm tất cả các nước ở Bắc Âu (Phần Lan vào lúc đó vẫn còn là một phần của Thuỵ Điển). Lúc lên ngôi, Erik mới 16 tuổi, do đó Margaret vẫn nắm quyền nhiếp chính và thực sự  là người trị vì Liên hiệp vương quốc cho đến khi mất[3]

Trong suốt thời gian trị vì, Margaret vẫn được người dân Thuỵ Điển ngưỡng mộ. Sau khi bà qua đời (năm 1421), vương quyền lọt vào tay Erik của Pomerania. Ông này thực hiện những chính sách đối nội không được lòng dân Thuỵ Điển, mặt khác chính sách ngoại giao hiếu chiến của ông đã dẫn đến một cuộc phong toả kinh tế tiến hành bởi Liên đoàn Hanse[4]. Năm 1434, một cuộc nổi dậy của nông dân và thợ mỏ đã nổ ra ở Bergslagen (miền trung Thuỵ Điển) dưới sự lãnh đạo của Engelbrekt Engelbrektsson. Vị lãnh tụ khởi nghĩa này liên minh với giới quý tộc để chống lại Vua Erik. Vào năm 1435, giới quý tộc triệu tập một hội nghị toàn quốc tại thị trấn Arboga để bàn bạc và quyết định các công việc chung của cả nước. Hội nghị đã phong cho Engelbrekt làm tổng chỉ huy quân sự của vương quốc. Trước sức ép này, Erik phải nhượng bộ, đồng ý thay đổi chính sách để được tiếp tục công nhận là vua của Thuỵ Điển. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc nổi dậy đã lan tràn sang tận Đan Mạch và Na Uy, khuyến khích các kẻ thù của Erik chống lại ông. Năm 1438, Erik phải tỵ nạn ở Gotland và sau đó, lần lượt bị phế truất ở cả ba vương quốc.

Hội nghị tại Arboga vào năm 1435 thường được coi như Nghị viện đầu tiên của Thuỵ Điển. Có thể coi hội nghị này như một sáng kiến của giới quý tộc nhằm tạo ra đối trọng đối với quyền lực của nhà vua.

Mặc dù trở thành tổng chỉ huy quân đội, Engelbrekt vẫn không thể đương đầu với giai cấp quý tộc - vốn chỉ muốn lợi dụng sức mạnh của cuộc nổi dậy; do đó ông phải rút lui dần vào hậu trường và bị một nhà quý tộc ám sát vào ngày 4.5.1436 tại một bán đảo trên hồ Hjälmaren. Engelbrekt được hậu thế đánh giá như một trong những vị anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử Thuỵ Điển. Cuộc nổi dậy của ông đánh dấu sự thức tỉnh của tinh thần dân tộc, mở đầu cho một quá trình đấu tranh dẫn đến nền độc lập của Thuỵ Điển vào đầu thế kỷ 16, làm tan rã Liên hiệp Kalmar, mà người có công đầu là Gustav Vasa (1496(?)-1560).

Sau khi Thuỵ Điển trở thành một vương quốc độc lập, Gustav Vasa lên ngôi vào năm 1523, mở đầu cho triều đại Vasa, với danh hiệu  Gustav I. Mục tiêu của ông là thiết lập một nước Thuỵ Điển có chủ quyền. Công việc đầu tiên của Gustav là củng cố uy quyền đối với những lực lượng đã giúp ông lên ngôi. Ông đã đánh bại  nhiều âm mưu của giới quý tộc và đè bẹp các cuộc nổi dậy của nông dân. Năm 1527, để giải quyết khó khăn về tài chính, ông triệu tập Hội nghị các đẳng cấp tại Västerås và thành công trong việc thuyết phục Hội nghị này ra nghị quyết tịch thu tài sản của Giáo hội Công giáo La Mã. Song song với việc này, ông khuyến khích hoạt động của các nhà cải cách tôn giáo thuộc phái Luther, dẫn đến việc đoạn tuyệt với Giáo hội La Mã. Giáo hội Luther ở Thuỵ Điển được công nhận là giáo hội của nhà nước (state church) - một địa vị vẫn còn được duy trì đến tận năm 2000. Sau khi thành công trong việc củng cố quyền lực và phục hồi kinh tế, Gustav lại triệu tập Hội nghị các đẳng cấp vào năm 1544 để công nhận quyền thừa kế ngôi vua của dòng họ Vasa.

Việc Gustav Vasa lợi dụng Hội nghị của các đẳng cấp để gây áp lực đối với giới quý tộc đã dẫn đến kết quả là: Nghị viện từ chỗ là một tổ chức không chính thức đã từng bước trở thành một tổ chức chính thức đại diện cho cả bốn đẳng cấp lớn trong xã hội Thuỵ Điển (quý tộc, tăng lữ, thị dân nông dân). Trong thập niên 1540, danh từ “riksdag” được sử dụng để gọi tên thiết chế này và kể từ đó cho đến giữa thế kỷ 19, Nghị viện ở Thuỵ Điển được gọi là Nghị viện của các Đẳng cấp (Ståndsriksdagen, Riksdag of the Estates, Riksdag des états).

Trong số bốn đẳng cấp thì nông dân là lực lượng đông đảo nhất. Không giống với các nước châu Âu khác, chế độ nông nô không bao giờ du nhập được vào Thuỵ Điển; do đó nông dân ở Thuỵ Điển (bao gồm cả Phần Lan) là nông dân tự do. Điều này khiến cho nông dân trở thành một lực lượng chính trị, mặc dù không đóng vai trò quyết định nhưng lại có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong xã hội.

 

Dưới thời cai trị của Gustav Vasa, chính quyền được tổ chức lại với sự giúp đỡ của các nhà hành chính người Đức. Bộ máy hành chính mới với tính chất tập trung cao độ đã đạt tới một mức độ hiệu quả chưa từng có.

 

Sau khi Gustav I qua đời (1560), người con trưởng của ông lên ngôi với danh hiệu là Erik IV. Em trai kế (cùng cha khác mẹ) của ông là quận công John ở Phần Lan muốn thi hành một chính sách ngoại giao độc lập. Erik muốn hạn chế uy quyền của John nên bắt giam ông vào năm 1561. Sau khi được trả tự do, John câu kết cùng em trai út là Charles tiến hành lật đổ Erik vào năm 1568. Năm sau, Nghị viện công nhận John là Vua Thuỵ Điển với danh hiệu là John III (Jean III); để đổi lại, nhà vua phải có những nhượng bộ đáng kể đối với giới quý tộc. Như vậy là nguyên tắc thừa kế ngôi vua mà Gustav Vasa đã buộc Nghị viện thừa nhận trên lý thuyết, đã bị bác bỏ trong thực tế. Nền quân chủ Thuỵ Điển từ nay về sau tuy vẫn là một nền quân chủ thừa kế (hereditary monarchy) nhưng không thể bỏ qua sự phê chuẩn của Nghị viện mà các đẳng cấp (nhất là giới quý tộc) có ảnh hưởng đáng kể.

Về chính sách tôn giáo, John có thiện cảm với Công giáo La Mã, vì hoàng hậu Catherine vốn là một công chúa người Ba Lan theo Công giáo. Ý định cải thiện mối quan hệ với La Mã đã gây ra sự bất bình trong giới tăng lữ của Thuỵ Điển. Sự chống đối này càng tăng sau khi John mất (1592), người con trai trưởng của John là Sigismund Vasa trở thành người thừa kế ngôi vua. Là một tín đồ Công giáo thuần thành, Sigismund thừa kế ngai vàng của người cậu để trở thành Vua Ba Lan vào năm 1587. Nỗi lo ngại về khả năng Sigismund có thể đưa Thuỵ Điển trở lại với Công giáo La Mã đã khiến cho đại đa số dân Thuỵ Điển chống lại Sigismund. Chú của Sigismund là Charles (quận công của Södermanland, người trước đây ủng hộ John chống lại Erik IV) trở thành người lãnh đạo cuộc vận động nhằm bảo vệ đạo Tin Lành ở Thuỵ Điển. Năm 1583, ông tìm cách triệu tập một hội nghị tôn giáo ở Uppsala, tại đó giới tăng lữ đã thông qua một bản tuyên bố xác định dứt khoát Thuỵ Điển là một quốc gia theo đạo Tin Lành Luther. Năm 1594, Sigismund được tấn phong là Vua Thụy Điển với điều kiện hứa bảo vệ đạo Luther ở Thuỵ Điển. Nhưng sau khi Sigismund trở lại Ba Lan thì vào năm 1595, Nghị  viện họp tại Söderköping bầu Charles làm nhiếp chính. Mâu thuẫn nổ ra giữa Charles với một bộ phận quý tộc trung thành với Sigismund, và Charles thẳng tay đàn áp những người này. Sigismund đem quân tiến đánh Thụy Điển nhưng không thành công. Sau khi đánh bại đạo quân của Sigismund tại Stångebro vào năm 1598, Charles vận động Nghị viện phế truất ông này vào năm 1599. Năm 1604, Charles lên ngôi với vương hiệu là Charles IX.

Điều đáng lưu ý là trong cuộc vận động để chống lại Sigismund, càng về sau Charles càng không thể  trông cậy vào giới quý tộc; do đó ông phải dựa vào tăng lữ và các đẳng cấp bên dưới, và như vậy, một cách không ý thức, ông đã làm cho Nghị viện có được tầm quan trọng mà nó chưa từng có trước đó trong lịch sử Thuỵ Điển.

Là người nắm quyền thật sự ở Thuỵ Điển kể từ 1599 và làm vua trong thời gian 7 năm (1604-1611), Charles IX đã biến Thuỵ Điển thành một nước quân chủ thiên về quân sự. Chính sách đối ngoại dựa trên chiến tranh mà ông là người mở đường đã để lại dấu ấn trên đường lối ngoại giao của Thuỵ Điển trong hơn một thế kỷ sau đó. Qua đời vào năm 1611 giữa lúc cuộc chiến tranh Kalmar với Đan Mạch mới bùng nổ, Charles IX đã để lại cho con trai ông – Gustav Adolf, một gánh nặng chiến tranh và một cuộc khủng hoảng thể chế nghiêm trọng.

Gustav Adolf lên ngôi vua vào năm 16 tuổi (1611), lấy hiệu là Gustav II Adolf (Gustave Adolphe)[5]. Nhà vua trẻ này chứng tỏ những tài năng khác thường trong vai trò của một chính khách cũng như  trong vai trò của một thủ lĩnh quân sự. Ông được đánh giá là nhà vua được lòng dân nhất trong lịch sử Thuỵ Điển. Từ lúc khởi đầu triều đại của ông cho đến năm 1718, Thuỵ Điển vươn lên như một quốc gia hùng mạnh, trở thành một trong những cường quốc ở châu Âu. Đó là giai đoạn được gọi là Đế quốc Thụy Điển (Swedish Empire), hay còn gọi là Thời  kỳ Vĩ đại (The Age of Greatness). 

Khi Gustav II Adolf lên ngôi, đất nước đã bị lôi kéo vào những cuộc chiến tranh với Đan Mạch, Nga và Ba Lan. Ông tìm cách kết thúc chiến tranh với Đan Mạch và Ba Lan, và tập trung vào cuộc xung đột với Nga. Năm 1617, sau những thắng lợi trên chiến trường, ông đạt được hoà ước Stolbova, qua đó khống chế con đường vào biển Baltic của nước Nga.

 

Năm 1621, Gustav Adolf tấn công quân Ba Lan ở Livonia và giành được thắng lợi vào năm 1629. Với Thoả ước Ngừng bắn Almark, Thuỵ Điển nhận được Livonia và quyền đánh thuế nhập khẩu ở các bến cảng chính của Baltic. Năm 1630, Gustav chỉ huy đạo quân đáng sợ nhất của thời đó đổ bộ lên miền bắc nước Đức, tham gia vào cuộc Chiến tranh Ba Mươi Năm (Thirty Year’s War) dưới danh nghĩa bảo vệ đạo Tin Lành nhưng thực chất là để chặn đứng sự bành trướng của dòng họ Habsburg về phía biển Baltic. Vào năm 1631, tại Breitenfeld, quân Thuỵ Điển đã đánh bại các đạo quân của Bá tước von Tilly, vị tướng lừng danh của Bavaria. Nhưng sau một loạt trận đánh ở miền Nam nước Đức, Gustav Adolf tử trận tại Lützen (Saxony) vào ngày 6.11.1632.

Vế mặt đối nội, vào lúc mới lên ngôi, ngoài việc phải đối phó với ba cuộc chiến tranh, Gustav Adolf còn phải giải quyết một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về thể chế chính trị. Trong giai đoạn đầu, nhà vua buộc phải có những nhượng bộ quan trọng đối với giới quý tộc mà lãnh tụ là quan tể tướng (chancellor, chancelier) Axel Oxenstierna. Tuy nhiên, vốn là một người có khả năng hoà giải, ông đã biết tổ chức một sự cộng tác có hiệu quả giữa hoàng gia, quan tể tướng và đẳng cấp quý tộc, nhờ đó nhiều cải cách về quân sự, hành chính và kinh tế được tiến hành.

Về danh nghĩa Hội đồng Cơ mật (Riksråd, Privy Council)[6] vẫn là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; nhưng dần dần thực quyền được chuyển giao cho nhà vua. Từ chỗ là một tổ chức đại diện của đẳng cấp quý tộc, Hội đồng Cơ mật dần dần trở thành một bộ máy thư lại (bureaucracy) điều khiển các cơ quan chính quyền quan trọng nhất, dựa theo sở thích của nhà vua. Nhưng thay vì giải tán Nghị viện các đẳng cấp như phần lớn các nước châu Âu, Gustav Adolf đã thể chế hoá Nghị viện thành một thiết chế chính thức. Sắc lệnh về Nghị viện năm 1617 đã biến Nghị  viện từ  một tổ chức lộn xộn và thay đổi thất thường thành một nghị viện có giá trị, hội họp và quyết định công việc dựa theo luật pháp. Nhà vua bảo đảm quyền của các đẳng cấp được tham gia vào quá trình làm luật và được tham khảo ý kiến đối với mọi vấn đề đối ngoại. Nhà vua là người đưa ra sáng kiến, nhưng các đẳng cấp có quyền phản bác các biện pháp của chính quyền. Bản thân nhà vua đã chủ trì 11 kỳ họp của Nghị viện, tập trung vào việc tìm ra các phương án hỗ trợ cho gánh nặng ngày càng tăng của chiến tranh.

Sau khi Gustav Adolf tử trận, người thừa kế duy nhất là công chúa Christina - lúc đó chưa đầy 6 tuổi. Một hội đồng nhiếp chính của giới quý tộc cao cấp dưới sự lãnh đạo của Tể tướng Axel Oxenstierna nắm quyền cho đến năm 1644, tức là lúc công chúa đủ tuổi trưởng thành. Nhờ tài tổ chức cũng như khả năng ngoại giao khôn khéo, Oxenstierna đã đạt được hai mục tiêu quan trọng mà Gustav Adolf nhắm tới lúc sinh thời: tập hợp những tín đồ Tin lành ở Đức dưới sự bảo hộ của Thuỵ Điển, đồng thời biến vùng bờ biển của nước Đức cạnh biển Baltic thành một đầu cầu quân sự.

 

Năm 1643, quân Thuỵ Điển đang trú đóng ở Đức đã tấn công Đan Mạch. Cuộc chiến ngắn ngủi này kết thúc bằng hoà ước Brömsebro ký vào năm 1645, theo đó Đan Mạch phải nhường lại cho Thuỵ Điển các đảo trên biển Baltic như Gotland và Ösel (Saaremaa), cũng như các tỉnh Jämtland và Härjedalen ở biên giới Na Uy. Hoà ước Westphalia kết thúc cuộc Chiến tranh Ba Mươi Năm vào năm 1648 đã đem lại cho Thuỵ Điển vùng Tây Pomerania, cảng Wismar, các giáo khu Bremen và Verden. Những lãnh thổ mới đó cho phép Thuỵ Điển kiểm soát được ba dòng sông chính ở miền bắc nước Đức - sông Oder, sông Elbe và sông Weser, đồng thời đe doạ Đan Mạch từ phía lục địa. Vào giữa thế kỷ 17, Thuỵ Điển vuơn lên thành một cường quốc quân sự khống chế vùng biển Baltic và là một trong những quốc gia rộng lớn nhất châu Âu, với một lãnh thổ rộng gấp đôi lãnh thổ của Thuỵ Điển hiện nay[7].

Sự cân bằng về quyền lực giữa hoàng gia, Hội đồng Cơ mật (giới quý tộc) và các đẳng cấp đã được thể chế hoá trong hiến pháp được ban hành vào năm 1634[8], hai năm sau khi Gustav Adolf qua đời. Sự cân bằng này vẫn được duy trì trong thời gian Nữ hoàng Christina chấp chính (1644-1654) cũng như dưới thời của Vua Charles X Gustav (1654-1660)[9]. Tuy nhiên, thế cân bằng này đã bị thay đổi vào cuối thế kỷ 17, dưới triều của Vua Charles XI (1660-1697).

Charles XI lên ngôi lúc mới 5 tuổi, sau khi vua cha là Charles X Gustav đột ngột qua đời trong một chiến dịch ở Đan Mạch. Trong thời gian hội đồng nhiếp chính đứng đầu là tể tướng Magnus Gabriel De la Gardie nắm quyền, giới quý tộc cao cấp chi phối đời sống chính trị của đất nước. Khi Charles XI được 17 tuổi (năm 1672), nghĩa là đủ tuổi để nắm quyền, hội đồng nhiếp chính vẫn tiếp tục kiểm soát chính sách ngoại giao. Chính họ đã lôi kéo đất nước vào cuộc chiến tranh Hà Lan (1672-1678) bằng chính sách liên minh với Vua Louis XIV của Pháp. Mãi đến khi quân Thuỵ Điển bị đánh bại tại Fehrbellin vào năm 1675, nhà vua mới toàn quyền kiểm soát quân đội và chính quyền. Sau khi Thuỵ Điển đánh bại được quân Đan Mạch vào năm 1678 khiến nước này từ bỏ ý đồ chiếm tỉnh Skåne và ký hoà ước Lund (1679), cuộc chiến tranh Hà Lan cũng kết thúc bằng các hiệp ước Nijmegen (1678–79), qua đó Thuỵ Điển giữ được gần như toàn bộ các vùng đất chiếm hữu ở Đức.

Với sự giúp đỡ của các cố vấn mới, Charles XI củng cố quyền lực của hoàng gia. Ông đã lợi dụng sự bất mãn của dân chúng đối với sự yếu kém của giới quý tộc trong thời gian nhiếp chính để lôi kéo giới tăng lữ và các đẳng cấp bên dưới về phía mình. Nghị viện họp vào tháng 10 năm 1680 đã quyết định tập trung quyền lực cho nhà vua. Kể từ nay, nhà vua không còn bị ràng buộc bởi hiến pháp mà chỉ dựa vào luật pháp và quy chế, và không bị bắt buộc phải tham khảo ý kiến của Hội đồng Cơ mật (Privy Council) trước khi quyết định. Hội đồng Cơ mật đổi tên từ Hội đồng của Vương quốc (Riksråd, Council of the Realm) thành Hội đồng của Hoàng gia (Kungligt råd, Royal Council). Các thành viên hội đồng không còn là người cộng sự mà trở thành bầy tôi trung thành của nhà vua.

Mặt khác, Charles XI cũng thành công trong việc thu hồi các đất đai của triều đình đã bị mất vào tay đẳng cấp quý tộc, một điều mà cả Nữ hoàng Christina lẫn Vua Charles X chưa làm được. Khoảng cuối triều đại của Charles XI, tài sản của triều đình đã được nâng từ 1% lên đến 30% tổng số quỹ đất ở Thuỵ Điển và Phần Lan. Nguồn thu nhập tăng thêm đã cho phép thiết lập một ngân quỹ ổn định đủ để trả lương cho một đội quân đánh thuê 25.000 người, một bộ máy hành chính có khả năng kiểm soát cả giáo hội lẫn các trường học, một quân đội chính quy 40.000 người và một hạm đội có khả năng đương đầu với Đan Mạch.

Có thể nói dưới thời trị vì của Charles XI, chế độ quân chủ ở Thuỵ Điển đã trở thành nền quân chủ tuyệt đối (absolute monarchy). Mặc dù nhà vua vẫn thừa nhận quyền của nhân dân Thuỵ Điển thông qua Nghị viện - thể hiện ở việc tham khảo ý kiến của Nghị viện đối với những vấn đề quan trọng, nhưng trong thực tế vai trò của Nghị viện hoàn toàn bị chi phối bởi nhà vua. Nghị viện hầu như chỉ làm công việc chuẩn y các sắc lệnh của nhà vua. Quyền lực của giới quý tộc bị hạn chế đến mức tối đa.

Mặt khác, việc củng cố bộ máy thư lại (bureaucracy) dưới chế độ quân chủ tuyệt đối cũng có tác dụng tích cực đối với Nghị viện. Chính trong giai đoạn này đã hình thành nên các uỷ ban (committee) của Nghị viện và các hoạt động của Nghị viện cũng được thể chế hoá qua các quy chế thành văn. Điều này đã tạo điều kiện cho Nghị viện trong các giai đọan sau này hoạt động một cách có hiệu quả hơn.

Vào lúc Charles XI qua đời (tháng 4.1697), Charles XII mới được 15 tuổi. Có thể nói ông là nhà vua đầu tiên và cũng là duy nhất của Thuỵ Điển sinh ra dưới chế độ quân chủ tuyệt đối. Mặc dù Charles XI đã chuẩn bị sẵn một hội đồng nhiếp chính để giúp cho con trai trị quốc, nhưng các uỷ viên của hội đồng đều lo ngại, không muốn cạnh tranh quyền lực với nhà vua trẻ; do đó họ triệu tập Nghị viện vào tháng 11 năm 1697 để tuyên bố nhà vua đủ tuổi chấp chính.

Thấy nhà vua còn quá trẻ, và hy vọng vào sự bất mãn của giới quý tộc Thuỵ Điển đối với chế độ quân chủ tuyệt đối, một số đối thủ như  Augustus II , vua Ba Lan (đồng thời là tuyển hầu [10] vùng Saxony), Sa hoàng Peter I của nước Nga và Frederick IV, vua Đan Mạch - Na Uy, đã liên minh với nhau để tấn công Thuỵ Điển vào mùa xuân năm 1700, khởi đầu cuộc Đại chiến Bắc Âu (Great Northern War, 1700-1721).

Charles XII là một ông vua từ nhỏ đã được huấn luyện rất kỹ và có tài về quân sự. Lúc đầu, Charles XII còn nhờ sự giúp đỡ của các tướng lãnh và các cố vấn lão thành do vua cha để lại, nhưng từ năm 1702, ông trở thành cấp trên của hầu hết các sĩ quan trong quân đội Thuỵ Điển và bắt đầu nắm quyền quyết định về chính trị. Trong vòng vài năm, ông đã trở  thành một tướng lãnh và nhà chính khách có bản lĩnh. Nhưng mặc dù là một người giàu khả năng về chiến thuật, Charles lại thiếu tầm nhìn chiến lược và sự khôn ngoan về chính trị. Ông đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đàm phán trong thế mạnh để đạt được các hoà ước có lợi cho Thuỵ Điển, và thường bị chi phối bởi quan điểm cá nhân, nhiều khi chỉ nhằm trả  mối hận đối với kẻ thù.

Những chiến dịch đầu tiên đã đem lại thắng lợi cho Thuỵ Điển. Sau khi đánh bại quân Đan Mạch, buộc Vua Frederick phải rút khỏi liên minh chống Thuỵ Điển và ký hoà ước Traventhal vào tháng 8 năm 1700, Charles chuyển sang tấn công Nga và Ba Lan. Quân Thuỵ Điển đánh bại quân Nga tại Narva vào tháng 11 năm 1700. Nhưng thay vì tiếp tục truy đuổi quân Nga và chấp nhận lời đề nghị thương lượng của Ba Lan, Charles lại tấn công quân của Augustus II (tuyển hầu của Saxony đồng thời là Vua Ba Lan), nhằm mục đích thay ngôi vua Ba Lan bằng một người thân cận với Thuỵ Điển. Năm 1704, Nghị viện Ba lan dưới áp lực của Thuỵ Điển đã truất ngôi của Agustus và tuyên chiến với Nga; Augustus phải chạy trốn về Saxony. Năm 1706, Charles tấn công Saxony, buộc Augustus phải ký hoà ước Altranstädt, chính thức từ bỏ ngôi vua Ba Lan và thừa nhận Stanisław Leszczyński là Vua Ba Lan. Việc Charles XII chậm tấn công quân Nga đã giúp cho Peter I có đủ thời gian củng cố lực lượng, nhất là xây dựng cứ điểm Saint Petersburg (Sankt Petersburg) và hạm đội Baltic.

Năm 1707, Charles mới bắt đầu quay sang tấn công nước Nga. Vào năm 1708, cuộc hành quân đến Moscow (Moskva) đã không đạt kết quả như mong muốn. Chiến thuật “tiêu thổ kháng chiến” của Peter I (Peter Đại đế) làm cho quân Thuỵ Điển mệt mỏi và để tránh mùa đông khắc nghiệt sắp đến, Charles phải chuyển hướng sang Ukraina. Mùa xuân 1709, quân đội Thuỵ Điển bị tiêu hao sức lực đã bị đánh bại thảm hại tại Poltava (tháng 8 năm 1709). Charles đem tàn quân chạy trốn sang Bender (Bendery, nay thuộc Moldova, lúc đó thuộc lãnh thổ của đế quốc Ottoman). Tại đây, ông lập một doanh trại và lãnh đạo đất nước “từ xa”.

Charles XII tìm cách thuyết phục Vua Thổ Ahmed III khai chiến với nước Nga. Vương quốc này cũng đã vài lần khai chiến với Nga. Nhưng sau khi quân Nga thất bại tại sông Prut vào năm 1711, Sa hoàng chịu ký hoà ước, trả lại pháo đài Azov cho Thổ và huỷ bỏ một số căn cứ sát biên giới. Vua Ahmed cảm thấy bớt lo ngại về hiểm hoạ từ Nga, trở nên lơ là với Charles, thậm chí khó chịu về sự có mặt của ông trên lãnh thổ Ottoman. Trong khi đó, các kẻ thù cũ của nhà vua lợi dụng sự vắng mặt của ông để chiếm lại các lãnh thổ đã mất: Hanover chiếm Bremen và Verden, Đan Mạch chiếm Holstein-Gottorp, Phổ dòm ngó vùng Pomerania, Augustus II chiếm lại ngôi vua ở Ba Lan, còn nước Nga thì sau khi chiếm được các vùng chiếm đóng của Thuỵ Điển trên bờ  biển Baltic đã tiến hành xâm lược Phần Lan.

Tháng 11 năm 1714, Charles rời bỏ lãnh thổ Ottoman để về nước. Bằng cách giả trang làm một sĩ quan cấp thấp của Đức, ông bí mật băng ngang qua châu Âu trên lưng ngựa. Trải qua một cuộc hành trình thần tốc 14 ngày đêm, Charles đến được cảng Stralsund ở vùng Poremania thuộc Thuỵ Điển (ngày nay thuộc lãnh thổ của nước Đức). Tại  đây, trong hơn một năm trời, ông chỉ  huy cuộc phòng thủ chống lại liên quân Đan Mạch, Phổ và Saxony, và chỉ chịu rời bỏ nơi đây vài ngày trước khi thành phố này thất thủ. Ông đặt chân đến Lund trên bờ biển nam Thuỵ  Điển vào tháng 12 năm 1715, nghĩa là 15 năm sau khi rời đất nước lên đường chinh chiến. Charles tiếp tục chuẩn bị cho một giai đoạn tiếp của cuộc chiến. Ông vừa mở các cuộc đàm phán, đồng thời huy động một đạo quân 60.000 người để tìm cách giành thắng lợi trên chiến trường. Tháng 9 năm 1718, ông chỉ huy chiến dịch xâm lược miền đông-nam Na Uy, nhưng bị trúng đạn và tử trận trong khi công kích Pháo đài Fredriksten[11] ở gần Christiana (Oslo) vào ngày 30.11.1718.  

Charles XII chết đi không có người thừa kế trực tiếp. Ngôi vua trở thành đối tượng tranh chấp giữa người em gái của ông là quận chúa Ulrika Eleonora và người cháu trai là Charles Frederick, quận công của Holstein-Gottorp[12]. Giới quý tộc, đứng đầu là bá tước Arvid Horn, đã lợi dụng điều này để nắm lại quyền lực. Sau khi Ulrika đồng ý từ bỏ chế độ quân chủ tuyệt đối (được ban hành từ năm 1680), Nghị viện công bố bà là Nữ hoàng Thuỵ Điển vào năm 1718 và đến năm 1720, bà nhường ngôi cho chồng là Frederick I. Chính quyền mới đã thành công trong việc chấm dứt chiến tranh, nhưng với một cái giá rất đắt. Nước Phổ chiếm một phần Pomerania, Hanover chiếm Bremen và Verden. Với hoà ước Nystad (1721), Thuỵ Điển phải nhường lại Ingria, Estonia, Livonia và một phần bán đảo Karelia của Phần Lan cho nước Nga. Từ đó về sau, nước Nga trở thành cường quốc khống chế vùng Baltic, trong khi Thuỵ  Điển nhanh chóng rơi xuống vị trí hàng thứ hai.

Có thể nói thời đại của chế độ quân chủ tuyệt đối đã dọn đường cho giai đoạn thường được gọi là “Thời đại Tự do” (Age of Liberty). Trước hết, sự thất bại của đường lối dùng chiến tranh để đi tìm sự vĩ đại (greatness, grandeur) dưới hai triều vua Charles XI và Charles XII đã dẫn đến tâm lý chán ngán chiến tranh trong nhân dân. Mặt khác, dưới thời Charles XII, nhà vua đi chinh chiến xa đất nước quá lâu (15 năm), giao quyền nhiếp chính cho em gái là Ulrika; chính điều này đã giúp cho giới quý tộc dần dần chi phối được đời sống chính trị của đất nước. Vì vậy dưới thời của Ulrika (1718-1720) và Frederick I (1720-1750), cán cân quyền lực lại dao động một lần nữa, nghiêng về phía bốn đẳng cấp lớn trong xã hội.

Theo các luật lập hiến ban hành trong những năm 1720-1723, quyền lực giờ đây nằm trong tay các đẳng cấp (estates). Các đẳng cấp nhóm họp thường xuyên trong Nghị viện (Riksdag), và cơ quan này chỉ định ra Hội đồng của Vương quốc (tức Hội đồng Cơ  mật) – hành xử như một cơ quan hành pháp. Tại Hội đồng, nhà vua được dành cho hai phiếu nhưng không có quyền quyết định. Tại Nghị viện, các quyết định được thực hiện trong một “Uỷ ban Mật” (Secret Committee) mà nông dân (đẳng cấp thứ tư) không được quyền tham gia. Các phiên họp công khai của các đẳng cấp trong Nghị viện được dành cho các bài phát biểu và các cuộc tranh luận.

Có thể nói trong Thời đại Tự do, Thuỵ Điển đã đạt được những thành tựu đáng kể. Mặc dù bị xáo trộn thường xuyên, giai đoạn này được đánh dấu bằng những tiến bộ về xã hội và văn hoá. Nhiều danh nhân trong khoa học cũng xuất hiện trong thời kỳ này như Anders Celsius (nhà thiên văn học, tác giả của hệ thống đo nhiệt độ bách phân), Carl Linnaeus (Carolus Linnaeus, còn được gọi là Carl von Linné, nhà thực vật học, tác giả của hệ thống phân loại thực vật và động vật mang tên ông) hay Emmanuel Swedenborg (nhà khoa học, triết học, đồng thời cũng là nhà thần học Ki-tô-giáo) ,v.v…

Về mặt chính trị, trong giai đoạn này, một hệ thống lưỡng đảng được phát triển với hai đảng được biết dưới những biệt danh “Mũ mềm” (“Caps”) và “Mũ cứng” (Hats)[13]. Cả hai đảng đều theo chủ nghĩa trọng thương (mercantilism)[14], nhưng đảng Mũ mềm có đường lối ôn hoà, thận trọng hơn.

Đảng “Mũ mềm”, mà nhân vật tiêu biểu là Arvid Horn (hai lần được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Cơ mật) nắm quyền lực cho đến năm 1738. Họ tiến hành một chính sách ngoại giao thận trọng, tách khỏi nước Pháp, thân với nước Anh và không gây hấn với nước Nga. Từ 1738 đến 1765, quyền lực lọt vào tay đảng “Mũ cứng”, đảng này liên kết với Pháp để chống lại nước Nga. Chiến tranh với Nga (1741-1743) và với Phổ (1757-62) không đem lại thành công. Đảng Mũ cứng dự định biến Thuỵ Điển thành một cường quốc kinh tế lớn, nhưng chính sách kinh tế và chi phí chiến tranh đã dẫn đến lạm phát và sụp đổ tài chính. Tại Nghị viện triệu tập vào năm 1765, đảng Mũ cứng bị thất bại, chỉ chiếm được 10 ghế trên 100 ghế của Uỷ ban Mật (Secret Committee), số ghế còn lại đều lọt vào tay đảng Mũ mềm. Đảng Mũ mềm tiến hành rà soát lại ngân sách, giảm bớt chi tiêu, làm giảm được công nợ của quốc gia và tăng cường được kho bạc của nhà nước. Ngoài ra họ cũng thực hiện được một số cải cách, trong đó có việc ban hành đạo luật đầu tiên về tự do báo chí vào năm 1766[15]. Về đối ngoại, đảng Mũ mềm tăng cường quan hệ với Nga để tạo ra một đối trọng với Pháp.

Trong 31 năm trị vì (1720-1751), Frederick I thật sự là một ông vua không có quyền lực; phần lớn thời giờ của ông được dành cho chuyện săn bắn và chuyện yêu đương. Mặc dù có con với tình nhân, Frederick lại không có con với hoàng hậu Ulrika. Sau khi Ulrika qua đời (1741), vào năm 1743 Nghị viện đã chọn Adolf Frederick làm người thừa kế ngôi vua. Việc chọn lựa này có động cơ riêng. Adolf Frederik là người thuộc dòng họ Holstein-Gottorp, đã từng là người quản lý của Holstein-Kiel trong thời gian 1739-1745. Holstein-Kiel cũng là nơi sinh và nơi cư trú suốt thời niên thiếu của quận công Charles Peter Ulrich (cháu ngoại của Peter Đại đế của nước Nga). Tháng 11 năm 1742, vào lúc 14 tuổi, Peter được người dì ruột là Nữ hoàng Elizabeth của nước Nga chọn làm thái tử kế vị. Peter được đưa sang Nga, đổi tên là Pyotr Fyodorovich, và cải đạo theo Chính thống giáo. Đảng Mũ cứng (Hats) – lúc này đang khống chế chính trường Thuỵ Điển, hy vọng việc lựa chọn Adolf Frederik sẽ giúp cải thiện các điều kiện để ký hoà ước với nữ hoàng Elizabeth của nước Nga nhằm chấm dứt cuộc chiến giữa hai nước[16].

Năm 1751, sau khi Frederick I qua đời, Adolf Frederick lên ngôi, khởi đầu triều đại của dòng họ Holstein-Gortorp, kéo dài 67 năm với bốn đời vua. Trong phần lớn thời gian trị vì của ông (1751-1771), quyền lực nằm trong tay của Nghị viện. Ông đã hai lần toan tính thoát ra khỏi sự kiểm soát của Nghị viện nhưng không thành công. Trong lần “đảo chính” thứ hai, (1768-1771), với sự hỗ trợ của thái tử Gustav, ông đã lật đổ được đảng Mũ mềm (chủ trương thân-Nga và thân-Phổ) trong Nghị viện, nhưng đảng Mũ cứng sau khi chiến thắng đã bội ước, không chịu tăng cường quyền lực của nhà vua như đã hứa.

Trong ba thập niên cuối thế kỷ XVIII, do các cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như do  sự đối kháng giữa các đẳng cấp với nhau, cộng vào đó là nạn tham nhũng, ưu thế của các đẳng cấp dần dần yếu đi, tạo điều kiện cho việc thay đổi cán cân quyền lực, và lần này ưu thế lại nghiêng về phía vương quyền.

Thái tử Gustav lên ngôi vào năm 1771 với vương hiệu là Gustav III. Lúc đầu, ông tìm cách làm trung gian để hoá giải các xung đột giữa các phe phái trong Nghị viện nhưng không thành công. Đảng Mũ mềm (Cats) lúc đó đang nắm quyền lực tại Nghị viện âm mưu biến ông thành một ông vua bù nhìn. Tháng 8 năm 1772, Gustav thành công trong việc thực hiện một cuộc đảo chính “không đổ máu”. Nghị viện họp vào ngày 21.8.1772 đã thông qua hiến pháp mới nằm thay thế cho hiến pháp năm 1720, qua đó tăng cường quyền hành cho nhà vua và giảm bớt quyền lực của Nghị viện. Trong những năm sau đó, Gustav III thực hiện nhiều cải cách theo chiều hướng tiến bộ như : bãi bỏ biện pháp tra tấn trong khi điều tra, tu chỉnh Luật về Người nghèo [17], khoan dung tôn giáo đối với người Do Thái và người theo Công giáo La Mã, tự do thương mại, củng cố hải quân, cải cách tiền tệ, tôn trọng tự do báo chí, v.v…

Nhưng những cải cách của Gustav III lại gây ra bất mãn trong giới quý tộc. Nghị viện được triệu tập vào năm 1786 đã bác bỏ hầu hết các chính sách cải cách của Gustav. Tính cách hoà nhã và cách cai trị hiệu lực của nhà vua cũng không đủ để làm thoả mãn các phái chỉ trích ông, vì vậy ông tìm cách xoa dịu những bất mãn trong các vấn đề nội địa bằng một chính sách ngoại giao hiếu chiến. Lợi dụng việc Nga đang sa lầy trong cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ, ông tuyên chiến với Nga vào năm 1788 nhằm chiếm lại các tỉnh ở Phần Lan. Cuộc chiến gặp khó khăn, một phần vì sự tham chiến của Đan Mạch để hỗ trợ cho Nga, phần khác do sự phản bội của một nhóm sĩ quan thuộc giới quý tộc Thuỵ Điển. Trong thời gian chiến tranh, nhóm này (có tên là Liên đoàn Anjala, Anjala League) đã gửi một lá thư cho Nữ hoàng Catherine II của Nga để đề nghị thương lượng.

Gustav lợi dụng sự phản bội này để kích thích lòng yêu nước ở Thuỵ Điển. Ông triệu tập Nghị viện vào năm 1789, qua đó kêu gọi sự ủng hộ của ba đẳng cấp bên dưới (tăng lữ, thị dân và nông dân) để chống lại đẳng cấp quý tộc. Với sự hỗ trợ của ba đẳng cấp này, Gustav cải cách hiến pháp nhằm tăng cường quyền lực của nhà vua. Quyền lực của Hội đồng Cơ mật bị tước đoạt để giao lại cho nhà vua. Tuy nhiên, cùng lúc đó, ba đẳng cấp bên dưới lại thực hiện một điều vượt ra ngoài ý muốn của nhà vua; đó là việc huỷ bỏ trong thực tế tất cả các đặc quyền của giai cấp quý tộc (nghĩa là giới quý tộc không còn có những đặc quyền nắm giữ bất cứ chức vụ nào trong bộ máy hành chính cũng như đặc quyền chiếm hữu đất đai). Nhà vua cũng giải quyết được cuộc chiến tranh với nước Nga, tránh được sự thảm bại hoàn toàn. Sau chiến thắng vang dội của hải quân tại Svensksund (tháng 7 năm 1790), Gustav chấm dứt cuộc chiến bằng một hoà ước được ký kết vào tháng 8 năm đó.

Vào khoảng năm 1791, Gustav III dự định thành lập một liên minh của các nước quân chủ ở châu Âu nhằm chống lại cuộc cách mạng Pháp đang phát triển như vũ bão ở lục địa này. Nhưng giới quý tộc Thuỵ Điển vẫn tiếp tục chống đối quyết liệt với nhà vua, và một âm mưu của quý tộc đã được nhen nhóm. Vào ngày 16.3.1792, nhà vua bị một nhà quý tộc là đại uý Jacob Johan Anckarström (cựu sĩ quan trong đội vệ binh hoàng gia) bắn trọng thương khi ông đến dự một buổi dạ vũ hoá trang tại Nhà hát Nhạc kịch Hoàng gia. Hai tuần sau, nhà vua qua đời, để lại ngai vàng cho con trai là Gustav IV.

Là một người duyên dáng và có trí tưởng tượng phong phú, Gustav III nổi tiếng là một mạnh thường quân của giới nghệ sĩ đương thời. Ông là người thành lập Hàn lâm viện Thuỵ Điển vào năm 1786 và đã hỗ trợ mạnh mẽ cho giới sân khấu ở Thuỵ Điển. Vở nhạc kịch opera đầu tiên được trình diễn bằng tiếng Thuỵ Điển đã diễn ra vào năm 1773 và Nhà hát Nhạc kịch Hoàng gia được mở cửa vào năm 1782. Bản thân Gustav cũng là một nhà soạn kịch. Do những hoạt động về văn hoá cũng như những thành tựu về chính trị, triều đại của ông thường được gọi là Thời đại Khai sáng của Thuỵ Điển (Swedish Enlightment), hay Thời đại Khai sáng của Gustav (Gustavian Enlightenment). Đường lối cai trị của ông được gọi là đường lối độc tài sáng suốt (enlighted despotism).

Gustav IV lên ngôi vào năm 1792 sau khi vua cha bị ám sát. Lúc này ông mới 13 tuổi, nên quyền nhiếp chính thuộc về người chú là Charles, quận công của Södermanland. Mặc dù thời gian nhiếp chính chấm dứt vào năm 1796, nhưng do bị ám ảnh bởi cao trào khủng bố cách mạng của phái Jacobins ở Pháp, Gustav IV trì hoãn việc lên ngôi. Mãi đến năm 1800, khi các cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính và nông nghiệp đòi hỏi phải triệu tập Nghị viện, Gustav IV mới chịu đăng quang. Không giống như cha ông, Gustav IV là một người sùng đạo và mê tín. Ông coi các biến cố ở Pháp là sự xúc phạm đến trật tự đạo đức. Ác cảm sâu xa đối với các nhà cách mạng và đối với Napoleon được thể hiện qua chính sách ngoại giao của ông. Quan trọng nhất là quyết định tham gia vào một liên minh chống lại Napoleon vào năm 1805. Khi Nga liên minh với Pháp vào năm 1807, Gustav vẫn cố chấp giữ vững lập trường, mặc dù điều đó có nghĩa là Nga sẽ tấn công vào Phần Lan. Tình hình càng nghiêm trọng khi Đan Mạch đứng về phía nước Pháp, tuyên bố chiến tranh với Thuỵ Điển vào năm 1808. Vương quốc này bị đẩy vào thế cô lập, với những kẻ thù ở phía đông, phía nam và phía tây. Quân đội Thuỵ Điển không bảo vệ được đất nước, quân Nga tiến tới tận Umeå ở miền bắc Thuỵ Điển.

Trong hoàn cảnh ấy, một số quan chức và sĩ quan có xu hướng tự do thuộc đạo quân ở phía tây đã thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ nhà vua vào ngày 13.3.1809. Phe đảo chính tuyên bố bác bỏ quyền thừa kế của gia đình Gustav IV; họ buộc nhà vua và cả gia đình phải rời Thuỵ Điển để sống lưu vong. Ngày 5.6.1809, quận công nhiếp chính là Charles (chú của nhà vua) lên ngôi với danh hiệu là Charles XIII, sau khi đã thừa nhận một hiến pháp mới với xu hướng tự do, được phê chuẩn bởi Nghị viện trong cùng ngày.

Là một người kém tài năng và thiếu kiên quyết, ngay từ lúc nắm quyền nhiếp chính, Charles XIII đã để quyền hành lọt vào tay các cố vấn, do đó sau khi được bầu làm vua, ông thật sự chỉ đóng vai trò của một người thay thế tạm thời và không có cách nào can thiệp vào quá trình dân chủ hoá đã đặt ông lên ngai vàng. Nhóm đảo chính muốn có một nền hoà bình nhanh chóng và trả giá ít nhất, nhưng họ không thể cứu được Phần Lan. Vào tháng 9 năm 1809, một hoà ước đã được ký kết: Thuỵ Điển đầu hàng, nhường Phần Lan và đảo Åland (ở đông-bắc Stockholm) cho nước Nga.

Luật Công cụ điều hành Chính quyền (Instrument of Government) năm 1809 chịu ảnh hưởng sâu sắc của nguyên tắc chia tách các quyền lực (separation of powers), mà tư tưởng chủ đạo là việc phân lập giữa các quyền lực lập pháp, tư pháp và hành pháp. Sự phân chia quyền lực giữa Nghị viện và Nhà Vua được quy định rõ, đồng thời toà án và các cơ quan công quyền (public authorities) được ban bố quy chế độc lập. Luật Nghị viện (Riksdag Act) đầu tiên – quy định các thủ tục hoạt động của Nghị viện, cũng được ban hành vào năm 1810. Cùng với Luật Thừa kế Ngôi vua (ban hành năm 1810), các đạo luật nói trên được coi là luật cơ bản (grundlagar, fundamental laws), hợp thành Hiến pháp của Thuỵ Điển (thường được gọi là Hiến pháp 1809) được áp dụng mãi cho đến năm 1974, mặc dù được tu chỉnh nhiều lần theo thời gian.

Thuỵ Điển là nước đầu tiên trên thế giới thành lập Cơ quan Thanh tra của Quốc hội (Justitieombudsmannen, viết tắt là JO)[18]. Từ chỗ là một cơ quan giúp Nghị viện kiểm tra, giám sát các hoạt động của bộ máy hành pháp, JO đã nhanh chóng trở thành nơi mà các công dân có quyền gửi đơn khiếu nại về các hành vi sai trái của bộ máy hành chính hay các viên chức nhà nước. Kinh nghiệm này về sau được nhiều nước áp dụng  và danh từ “ombudsman” trong tiếng Thuỵ Điển trở thành một danh từ chung có mặt trong từ điển của nhiều thứ tiếng trên thế giới[19].

Vua Charles XIII trị vì từ 1809 đến 1818. Vì Charles XIII không có con, nên vấn đề thừa kế được đặt ra. Với sự thoả thuận của Đan Mạch, Hoàng thân Christian August của Augustenborg (lúc đó đang là phó vương của Na Uy) được bầu làm thái tử và lấy vương hiệu là Charles August (Carl August). Charles August nguyên là chỉ huy trưởng của quân đội Na Uy trong chiến dịch kháng cự chống lại cuộc xâm lược của Thuỵ Điển trong những năm 1808-1809. Uy tín rất lớn của ông ở Na Uy được coi như một yếu tố thuận lợi giúp cho Thuỵ Điển nắm được vùng đất này. Đằng sau quyết định chọn Charles August là những ý đồ về một liên bang Scandinavia; giải pháp này được Đan Mạch ấp ủ, và được cả Napoléon ủng hộ.

Thế nhưng Charles August mất đột ngột vào năm 1810, và vấn đề thừa kế ngai vàng lại được đặt ra một lần nữa. Vị vua già Charles XIII và phần lớn hội đồng muốn bầu anh trai của người vừa mất là Hoàng thân của Đan Mạch: Frederick Christian II, quận công của Augustenborg. Nhưng các sĩ quan trẻ và các công chức, vốn là những người ái mộ Napoleon và muốn Thuỵ Điển liên minh với nước Pháp, lại chọn nguyên soái Jean-Baptiste Bernadotte, một vị tướng trong quân đội của Napoleon. Tháng 8 năm 1810, Nghị viện bầu Bernadotte làm thái tử của Thuỵ Điển.

Bernadotte đặt chân đến Thuỵ Điển vào tháng 10 năm 1810, đổi tên là Charles John, nhanh chóng trở thành người lãnh đạo thật sự của nền chính trị Thuỵ Điển. Sau khi Charles XIII mất vào năm 1818, Charles John lên ngôi vua với vương hiệu Charles XIV John. Xuất thân là một thành viên của phái Jacobins trong cách mạng Pháp, nhưng khi lên làm vua Thuỵ Điển ông lại theo đuổi một chính sách hoàn toàn bảo thủ. Quyền lực của vua, mà hiến pháp giao cho ông, được khai thác hết giới hạn; và các bộ trưởng được tuyển chọn trong số tay chân của ông, bất chấp ý kiến của nghị viện.

Phái đối lập lúc này là phái tự do (liberals). Trong thập niên 1820, phái này thường xuyên  gia tăng những đòi hỏi cải cách, và 1830 là năm mà quan điểm của phái tự do tạo ra một bước đột phá. Ở Thuỵ Điển, điều này được thể hiện bằng việc thành lập một tờ nhật báo. Aftonbladet (Evening Press, Báo Buổi chiều) trở thành tờ báo hàng đầu của phái tự do đối lập, với Lars Johan Hierta là chủ bút (tổng biên tập). Đồng thời, chính sách cai trị độc đoán của nhà vua, được thực hiện thông qua Magnus Brahe - người cận thần đầy quyền lực, trở nên ngày càng dứt khoát hơn. Cuộc đấu tranh của phái bảo thủ chống lại phái tự do đang lớn mạnh đạt đến cực điểm vào cuối thập niên 1830, được đánh dấu bởi những hành động chống lại tự do báo chí và những bản án kết tội phản bội. Những hành động đàn áp này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của phái tự do cũng như những cuộc xuống đường biểu tình của quần chúng.

Tuy nhiên, cuối cùng thì áp lực của phe đối lập cũng buộc nhà vua phải nhượng bộ. Vào năm 1840, Nghị viện – mà đa số thuộc phe đối lập, đã tiến hành cuộc “cải cách ở các bộ”, nghĩa là giờ đây các bộ trưởng trở thành người đứng đầu của bộ liên quan, chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Một cải cách có ý nghĩa quan trọng khác là việc ban hành một nền giáo dục cưỡng bách vào năm 1842. Khi Charles XIV John mất vào năm 1844 và được thay thế bởi con trai ông là Oscar I (trị vì 1844-59), giai đoạn cải cách theo chiều hướng tự do hoá đã đạt được sức mạnh của nó.

Cải cách quan trọng nhất là việc ban hành quyền tự do kinh doanh (free entreprise) vào năm 1846, có nghĩa là xoá bỏ các phường hội; thay thế vào đó là các công ty thương mại và công nghiệp hoạt động tự do. Đồng thời, độc quyền về thương mại mà các thành phố đã nắm giữ từ thời Trung Cổ cũng bị bãi bỏ. Cuối cùng, với việc ban hành một quy chế vào năm 1864, tự do kinh doanh hoàn toàn trở thành hiện thực. Một số cải cách khác theo chiều hướng tự do hoá cũng được ban hành: quyền bình đẳng về thừa kế giữa nam và nữ (1845), quyền của những người phụ nữ không lập gia đình (1858), một bộ luật hình sự nhân đạo hơn (1855-64), quyền tự do tôn giáo (1860), và chính quyền tự quản của địa phương (1862). Một bước có ý nghĩa khác là quyết định vào năm 1854 buộc nhà nước phải có trách nhiệm trong việc xây dựng và quản lý các đường sắt chính. Cuộc cách mạng năm 1848 đã có ảnh hưởng trên toàn châu Âu. Tại Thuỵ Điển, đã có những rối loạn xảy ra ở Stockholm. Điều này khiến cho Vua Oscar I - một người có sáng kiến trong nhiều cải cách nêu trên, trở nên bảo thủ hơn.

Tuy nhiên sau khi Oscar I được thay thế bởi người con trai là Charles XV (trị vì 1859-72), thì quyền lực trong thực tế dần dần chuyển sang tay của Hội đồng Cơ mật (Privy Council), được đặt dưới sự lãnh đạo của bộ trưởng tài chính - Nam tước Johan August Gripenstedt và bộ trưởng tư pháp - Nam tước Louis De Geer.

Louis De Geer (1818-1896) xuất thân là một luật sư. Từ 1858 đến 1870, ông là quốc vụ khanh phụ trách ngành tư pháp. Là đại diện của giới quý tộc, ông tham gia vào Nghị viện các Đẳng cấp từ năm 1851. Cuộc cải cách hệ thống đại diện do ông tiến hành đã được Nghị viện thông qua vào tháng 12.1865 và được hoàng gia phê chuẩn vào ngày 22.6.1866. Nghị viện của các đẳng cấp, đại diện cho bốn đẳng cấp lớn trong xã hội (quý tộc, tăng lữ, thị dân và nông dân) bị giải tán và thay bằng một nghị viện mới: Nghị viện Thuỵ Điển (Sveriges Riksdag, The Swedish Riksdag), với một hệ thống lưỡng viện gồm hai viện có quyền ngang nhau.

Các thành viên của Viện thứ nhất được bầu cử gián tiếp bởi các hội đồng quản hạt (hội đồng tỉnh, county councils) và hội đồng đô thị ở các thành phố và thị trấn lớn. Chỉ có những người đủ tư cách mới được tham gia ứng cử, dựa trên tiêu chuẩn về tuổi tác, thu nhập và tài sản. Tiêu chuẩn ứng cử khiến cho Viện thứ nhất mang dáng dấp của một Thượng viện (Upper Chamber) đại diện cho các đại địa chủ và các nhà doanh nghiệp trong công nghiệp và thương mại.

Các thành viên của viện thứ hai (Hạ viện) được chọn lựa bằng bầu cử trực tiếp từ nhân dân. Tuy nhiên, để được quyền bỏ phiếu, cần phải hội đủ một tiêu chuẩn kinh tế nào đó như sở hữu một bất động sản (tài sản cố định) hay đóng một khoản thuế dựa trên thu nhập được đánh thuế hàng năm. Chỉ có những nam công dân đủ 25 tuổi được quyền tham gia bầu cử. Những hạn chế này khiến cho chỉ có 21 % số đàn ông trên 21 tuổi ở Thuỵ Điển đủ tư cách để tham gia bầu cử Hạ viện.

Quyền bầu cử (right to vote) vì vậy trở thành một đề tài tranh cãi. Từ thập niên 1860, một cuộc tranh cãi sôi động đã diễn ra xung quanh đề tài “quyền bầu cử”, và những đòi hỏi về quyền phổ thông đầu phiếu (universal suffrage) ngày càng ầm ĩ.

Về phía hành pháp, cũng có những cải tiến quan trọng. Hội đồng Cơ mật từng bước trở thành một Chính phủ thật sự. Do chỗ nhà vua vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa trực tiếp nắm quyền hành pháp, cho nên nội các không có chức Thủ tướng. Chỉ có hai vị bộ trưởng phụ trách bộ tư pháp và bộ ngoại giao được gọi là Bộ trưởng của Nhà nước hay Quốc vụ khanh (Statsminister, Minister of State). Kể từ năm 1876, Quốc vụ khanh phụ trách Tư pháp trở thành người đứng đầu Nội các và Louis De Geer được coi như vị Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thuỵ Điển (1876-1880).

Như vậy, có thể nói vào khoảng giữa thập niên 1860, ở Thuỵ Điển đã hình thành nên một nền dân chủ đại nghị do công lao đấu tranh của những người theo chủ nghĩa tự do (liberalism), do sự thoả hiệp giữa giới quý tộc với giai cấp tư sản đang lên nhằm đáp ứng nhu cầu tự do hoá, dân chủ hoá đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho Thuỵ Điển đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, theo kịp đà phát triển chung của các nước tiên tiến trên thế giới.

Nhưng nền dân chủ này vẫn chỉ là một nền dân chủ hạn hẹp, bởi vì quần chúng rộng rãi chưa được tham gia vào nó. Nói theo ngôn ngữ của những nhà mác-xít, đó chỉ là một nền “dân chủ tư sản”. Để có thể trở thành một nền dân chủ thật sự, một chế độ đại nghị thật sự, còn cần phải trải qua một quá trình đấu tranh không kém phần gian khổ nhằm đem lại quyền lực thật sự cho Nghị viện Thuỵ Điển.

Các nhà sử học thường đánh giá rằng một số phong trào quần chúng như: Phong trào Kiêng rượu (Temperance Movement), phong trào “Các Giáo hội Tự do” (Free Churches) và các phong trào công đoàn vào những thập niên cuối thế kỷ 19 đã có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của nền dân chủ ở Thuỵ Điển. Các phong trào này đã giúp cho nhân dân học tập được các phương pháp hội họp, ghi chép các biên bản hay viết các kiến nghị, biết biện luận để bảo vệ quan điểm của mình và học cách tiếp xúc với cơ quan công quyền. Cùng với các đảng phái chính trị, các phong trào này đã giúp đem lại quyền phổ thông đầu phiếu cho nhân dân Thuỵ Điển và biến quốc hội trở thành cơ quan quyền lực cao nhất trong đời sống chính trị ở Thuỵ Điển.

Như vậy, mặc dù đã có những mầm mống dân chủ từ lâu đời, quá trình dân chủ hoá ở Thuỵ Điển chậm hơn so với một số nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Cho đến cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, nền dân chủ “tư sản” mới hình thành và chưa được mở rộng thành nền dân chủ của toàn dân. Do đó, mặc dù du nhập chậm hơn so với chủ nghĩa tự do (liberalism), chủ nghĩa xã hội (socialism) đã đến với Thuỵ Điển trong khi sự nghiệp dân chủ hoá chưa hoàn thành. Vấn đề đặt ra đối với những người dân chủ-xã hội Thuỵ Điển là : có tham gia vào sự nghiệp dân chủ hoá đó hay không? Tham gia với tư cách nào: trở thành nhân tố chủ yếu hay chỉ đóng vai trò thứ yếu? Có tiếp tục duy trì và phát triển chế độ đại nghị hay từ bỏ nó để tiến hành một cuộc cách mạng chính trị, cách mạng xã hội theo hướng lật đổ thể chế hiện tồn?

*


[1] Danh từ riksdag hiểu theo nghĩa đen là “ngày của toàn quốc” (riks : national, của quốc gia, dag : day, ngày), dùng để chỉ một cuộc họp của tất cả các đại biểu trên toàn Vương quốc Thuỵ Điển.

[2] Härad (Hundred) có nghĩa là một trăm. Có thể hiểu là một đơn vị quân đội gồm 100 người hay một khu đất đủ cho 100 gia đình cư trú (bách gia).

[3] Tên của Nữ hoàng Margaret trong tiếng Đan Mạch là Margrethe. Mặc dù trên danh nghĩa Margrethe chỉ là thái hậu nhiếp chính, nhưng trong lịch sử Đan Mạch bà vẫn được coi là một nữ hoàng thực thụ với danh hiệu là Margrethe I (Margaret I, Marguerite Ire) để phân biệt với Nữ hoàng Margrethete II  hiện nay (lên ngôi năm 1972).

[4] Hanse là một từ trong tiếng Đức vào thời trung cổ có nghĩa là “hiệp hội”, “phường hội”, ở đây dùng để chỉ một hiệp hội của các thương gia buôn bán trong cùng một khu vực. Liên đoàn Hanse (Hanseatic League, Ligue hanséatique) là một tổ chức được thành lập bởi các thành phố ở miền bắc Đức và các cộng đồng thương gia Đức ở nước ngoài nhằm bảo vệ các quyền lợi thương mại hỗ tương của họ. Liên đoàn này chế ngự các hoạt động thương mại ở bắc châu Âu từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15.

[5] Gustav Adolf còn được biết một cách rộng rãi dưới cái tên La-tinh-hoá Gustavus Adolphus. Ông còn được gọi là Gustav Adolf Đại đế, và là nhà vua duy nhất trong lịch sử Thuỵ Điển được gọi là Đại đế. Những phát kiến quân sự của ông được nhiều nhà quân sự đời sau quan tâm, nhất là Carl von Clausewitz và Napoléon Bonaparte.

[6] Hội đồng Cơ mật còn được gọi là Hội đồng Tối cao của Thuỵ Điển (High Council of Sweden). Trong tiếng Thuỵ Điển, Riksråd có nghĩa là Hội đồng của Vương quốc (Council of the Realm). Hội đồng Cơ mật chính là tiền thân của Nội các hoặc Chính phủ trong các giai đoạn sau này.

[7] Diện tích Thuỵ Điển lúc đó là 440.000 km2, rộng hơn 18.000 km2 so với lãnh thổ của Đế quốc Đức vào đầu thế kỷ 20.

[8] Theo tài liệu của Nghị viện Thuỵ Điển thì những luật lệ thành văn quy định cách thức điều hành đất nước đã có từ giữa thế kỷ 14, nhưng mãi đến năm 1634 mới có một đạo luật đầu tiên có giá trị tương tự như một bản Hiến pháp, được gọi là Luật “Công cụ điều hành Chính quyền” (Instrument of Government). Xem: http://www.riksdagen.se

[9] Christina thực sự  nắm quyền vào 1644. Nhưng do bản tính phóng khoáng, không muốn làm vua, bà  giao quyền thừa kế cho người anh họ là Charles X Gustav. Sau khi cải đạo theo Công giáo La Mã, bà thoái vị vào năm 1654, sống quãng đời còn lại ở Pháp và Ý, tập trung vào việc bảo trợ cho các hoạt động văn học – nghệ thuật. Lúc còn làm nữ hoàng, bà đã từng mời nhà triết học René Descartes đến tận Stockholm để dạy triết học cho bà và Descartes đã qua đời tại đây vào năm 1650.

[10] Tuyển hầu (elector): là một vương công ở Đức có quyền tham gia bầu cử hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh (The Holy Roman Empire). Theo quy định vào  khoảng năm 1273 (được xác nhận bởi  Sắc lệnh Vàng năm 1356), có 7 người có quyền bầu cử hoàng đế. Về sau có bổ sung thêm vài người nữa. Trong thực tế, từ khi dòng họ Habsburg ở Áo giành quyền làm hoàng đế, quyền bầu cử ngày càng trở nên kém giá trị.

[11] Pháo đài Fredriksten là một cứ điểm chiến lược được xây dựng ở thị trấn Frederikshald (ngày nay  đổi tên là Halden). Pháo đài Fredriksten đã phi quân sự hoá từ đầu thế kỷ 20.

[12] Holstein là một lãnh địa của bá tước (county) từ đầu thế kỷ 13, và đến thế kỷ 15 trở thành một lãnh địa của quận công (duchy) thuộc Đế quốc La Mã Thần thánh (The Holy Roman Empire, tên của đế quốc Đức thời trung cổ). Lâu đài Gottorp là nơi cư trú của dòng họ cai trị vùng đất này. Schleswig là một lãnh địa của quận công thuộc Đan Mạch. Hai lãnh địa này nằm cạnh nhau và gắn bó với nhau vì hận thù và vì các quan hệ hôn nhân; đây cũng là vùng tranh chấp lâu dài và phức tạp nhất giữa Đức và Đan Mạch. Danh từ Holstein-Gottorp (hoặc Schleswig-Holstein-Gottorp) là cách gọi tắt của cụm từ “Quận công của Holstein và Schleswig, cư ngụ tại Gottorp”. Ngày nay, miền bắc của Schleswig thuộc về Đan Mạch trong khi miền nam của lãnh địa này sáp nhập với Holstein thành bang Schleswig-Holstein của nước Đức.

[13] Cap là cách gọi tắt của Nightcap : mũ mềm đội khi đi ngủ. Tên “Mũ mềm” là do phái Mũ cứng gọi, có ý chê phe đối thủ là mềm yếu, rụt rè, về sau mặc nhiên được chấp nhận như một tên gọi.

[14] Chủ nghĩa trọng thương là một lý thuyết kinh tế có từ rất sớm ở châu Âu ủng hộ tích cực cho việc thiết lập các thuộc địa nhằm cung cấp nguyên liệu và thị trường và làm giảm bớt sự phụ thuộc của quốc gia mình vào các nước khác.

[15] Người có công đầu trong việc thông qua đạo luật tự do báo chí này là Anders Chydenius (1729-1803). Chydenius là một giáo sĩ, một nhà triết học khai sáng, thành viên của Nghị viện các Đẳng cấp, thường được coi là  người khai sinh ra chủ nghĩa tự do (liberalism) ở Thuỵ Điển.

[16] Tháng 1 năm 1762, Peter lên ngôi lấy vương hiệu là Peter III (Pyotr III). Do lập trường thân-Phổ và dự định đưa nước Nga vào cuộc chiến với Đan Mạch nhằm chiếm lại Schleswig cho Holstein – Gottorp (quê hương ông), Peter III bị vợ là Catherine lật đổ vào tháng 6 năm 1762, và sau đó bị giết chết tại nơi giam giữ. Catherine lên ngôi, trở thành Nữ hoàng Catherine II của nước Nga.

[17] Luật về người nghèo (Poor Law) là một hệ thống cung cấp phúc lợi xã hội (trợ cấp cho người nghèo) trước khi có Nhà nước Phúc lợi (Welfare State). Xuất hiện đầu tiên ở Anh và xứ Wales từ thế kỷ 16.

[18] Dịch đầy đủ là: Cơ quan của các Uỷ viên Tư pháp và Hành chính của Quốc hội (Office for the Parliamentary Commissioner for Judiciary and Civil Administration).  

[19] Như vậy, ngay từ đầu thế kỷ 19, “thanh tra” ở Thuỵ Điển đã độc lập với ngành hành pháp, và tính chất độc lập này ngày càng tăng lên, song song với việc tăng cường quyền lực của Nghị viện Thuỵ Điển. Điều này hoàn toàn khác hẳn với chức năng “thanh tra” giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở nước ta hiện nay (hoàn toàn lệ thuộc vào hành pháp, mà hành pháp thì lại hoàn toàn lệ thuộc vào một đảng chính trị độc quyền nắm quyền lực).  Có thể nói tình trạng “huyện bênh xã, tỉnh bênh huyện, trung ương bao che cho địa phương” ở nước ta chính là hậu quả của việc không thực hiện nguyên tắc “tam quyền phân lập”.

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ