LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Mai Thái Lĩnh

Sự hình thành của phong trào dân chủ - xã hội ở Thuỵ Điển


Phần III

Đảng Dân chủ - Xã hội (SAP) và chế độ đại nghị ở Thuỵ Điển

Vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, Thuỵ Điển vẫn còn là một trong những nước chậm phát triển ở châu Âu, xét cả về mặt kinh tế lẫn về mặt chính trị. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới diễn ra ở nước Anh từ 1760 đến 1830. Tại Pháp, công nghiệp hoá bắt đầu từ ngành dệt dưới thời Đế chế I (1804-1814) và thực hiện bước quyết định trong thời gian 1840-1860. Còn ở Thuỵ Điển, mãi đến thập niên 1870 quá trình công nghiệp hoá mới bắt đầu. Về mặt chính trị, mặc dù Nghị viện ở Thuỵ Điển có một lịch sử lâu đời nhưng cho đến năm 1865, nó vẫn còn là Nghị viện của bốn đẳng cấp, mà quyền lực thật sự nằm trong tay nhà vua và giới quý tộc. Chế độ nông nô chưa hề tồn tại ở Thuỵ Điển, do đó nền quân chủ ở đây tìm được sự ủng hộ mạnh mẽ của nông dân, nhất là dưới những vương triều của các “minh quân”. Điều này đã làm cản trở sự hình thành của các đảng chính trị theo kiểu hiện đại. Các “đảng” như Mũ cứng và Mũ mềm thực chất chỉ là các xu hướng chính trị khác nhau trong nội bộ giới thượng lưu, xa cách và nằm ngoài tầm tay của quần chúng.

Cuộc cải cách chính trị năm 1866 đã thay Nghị viện Đẳng cấp bằng một Nghị viện kiểu mới gồm hai viện, tạo điều kiện cho sự hình thành chế độ đại nghị theo kiểu hiện đại. Tuy vậy, trong thời kỳ đầu sau cuộc cải cách, nền dân chủ ở Thuỵ Điển cũng chỉ hạn chế ở mức độ mà các nhà mác-xít thường phê phán là “dân chủ tư sản”. Mặc dù một vài tầng lớp xã hội bị suy giảm quyền lực (trong đó có giới tăng lữ), cuộc cải cách vẫn tiếp tục bảo tồn sức mạnh của các lực lượng bảo thủ trong xã hội và trì hoãn sự phát triển của một phong trào dân chủ - tự do có tổ chức. Do áp dụng quy chế bầu cử dựa trên mức thuế (census suffrage), chỉ có khoảng 5% số dân được tham gia bầu cử Hạ viện, toàn bộ nữ giới và những người nghèo bị loại ra khỏi sân chơi chính trị[1]. Trong thực tế, mặc dù Louis De Geer được coi như một  nhà tự do (liberal), cuộc cải cách của ông chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho một liên minh quyền lực giữa giới thư lại (viên chức Nhà nước), các đại điền chủ và các nhà tư sản công nghiệp.

Mặc dù vậy, sự ra đời của Nghị viện mới ở Thuỵ Điển cũng tạo ra môi trường chính trị thuận lợi hơn cho sự hình thành các đảng phái chính trị kiểu hiện đại. Năm 1867, một đảng chính trị được hình thành ở Hạ viện có tên là Đảng Lantmanna (Lantmannaparti, Ruralist Party, Đảng Nông thôn) - một tập hợp của các đại điền chủ và tiểu điền chủ, nhưng không có một hệ tư tưởng rõ rệt. Đảng này khống chế chính trường Thuỵ Điển cho đến cuối thế kỷ. Năm 1888, đảng này bị chia rẽ thành hai phe: Đảng Lantmanna cũ (Old Lantmanna Party) chủ trương tự do thương mại và Đảng Lantmanna mới (New Lantmanna Party) chủ trương bảo hộ mậu dịch. Mãi đến năm 1895, hai đảng này mới tái hợp nhất với tên cũ và sau đó, gia nhập vào phái bảo thủ[2].

Song song với Đảng Lantmanna, chủ nghĩa tự do cũng từng bước phát triển ở Thuỵ Điển, thông qua các nhà tự do độc lập (không đảng phái). Năm 1900, những dân biểu theo chủ nghĩa tự do trong Hạ viện thành lập Đảng Liên minh Tự do (Liberala Samlingspartiet, The Liberal Coalition Party). Hai năm sau (1902), một tổ chức có quy mô toàn quốc hợp tác với đảng Tự do được thành lập có tên là Frisinnade Landsföreningen[3].

Phái bảo thủ có một lịch sử lâu đời ở Thuỵ Điển, nhưng lại không có tổ chức thống nhất. Mãi đến năm 1904 mới ra đời tổ chức chính trị quan trọng đầu tiên của phái bảo thủ, có tên là Tổng Liên đoàn Tuyển cử (Allmänna valmansförbundet, General Electoral League). Đây là một liên minh của các nhóm và các tổ chức chính trị có xu hướng bảo thủ trong Nghị viện, nhằm đối phó với sự lớn mạnh của phái tự do và phái dân chủ - xã hội[4]. Như vậy, sự thành lập của đảng SAP vào năm 1889 chính là yếu tố kích thích sự tập hợp của các phái chính trị quan trọng nhất ở Thuỵ Điển. Ba phái dân chủ - xã hội, bảo thủ tự do là ba xu hướng chính trị chủ yếu chi phối chính trường Thuỵ Điển mãi cho đến thập niên 1980.

Ngoài ra, do giai cấp nông dân ở Thuỵ Điển chưa từng bị nô dịch bởi chế độ nông nô và sớm được tham gia “Nghị viện của các Đẳng cấp”, cho nên họ có một tổ chức chính trị riêng, mặc dù xuất hiện muộn hơn một chút. Trên đây chúng ta đã thấy sự xuất hiện của Đảng Lantmanna. Nhưng mặc dù có tên là Đảng Nông thôn, đảng này trong thực chất không phải là một đảng của nông dân (agrarian party). Tổ chức chính trị đầu tiên đại diện thật sự cho quyền lợi của nông dân xuất hiện vào năm 1913, có tên là Liên hiệp Nông dân (Bondeförbundet, Farmer’s Union), chủ yếu thu hút giới tiểu điền chủ. Năm 1915, xuất hiện một tổ chức khác của nông dân có tên là Hiệp hội Nông dân toàn quốc (Jordbrukarnas Riksförbundet, National Association of Farmers). Năm 1922, hai tổ chức này hợp nhất với nhau, vẫn lấy tên là Liên hiệp Nông dân (Bondeförbundet, Farmer’s Union), thường gọi là Đảng Nông dân (Farmer’s Party)[5].

Vấn đề đặt ra cho đảng SAP là: có chọn dân chủ như một mục tiêu song song với mục tiêu chủ nghĩa xã hội  hay không? Đây là một vấn đề nan giải đối với tất cả các đảng xã hội chủ nghĩa ở châu Âu lúc đó, và là đề tài tranh cãi trong lòng Quốc tế II. Như chúng ta đã biết, ngay từ cuối thế kỷ 19, trong lòng Quốc tế II đã phát sinh mâu thuẫn giữa hai xu hướng “cải cách” và “cách mạng”.

Mâu thuẫn này được thể hiện trên hai vấn đề: lý luậnsách luợc đấu tranh. Trong nội bộ Đảng SPD (Đức), vấn đề nảy sinh xung quanh các luận điểm của Eduard Bernstein, thường được gọi là chủ nghĩa xét lại (revisionism, révisionnisme). Mặt khác, trong lòng phong trào xã hội chủ nghĩa ở Pháp, cuộc tranh cãi lại diễn ra trên bình diện thực tiễn xung quanh một vấn đề cụ thể hơn: những người xã hội chủ nghĩa có thể cộng tác với một chính phủ tiểu tư sản đến mức độ nào? Ở Pháp, vào tháng 6 năm 1899, sự kiện Alexandre Millerand - một nhà lãnh đạo của phái xã hội chủ nghĩa tham gia vào chính phủ Waldeck-Rousseau đã gây ra tranh cãi dữ dội trong lòng cánh tả nước Pháp. Phái của Jean Jaurès ủng hộ việc Millerand tham gia vào chính phủ này trong khi phái của Jules Guesde kiên quyết phản đối. Cả hai vấn đề nêu trên của đảng Đức và đảng Pháp đã trở thành đề tài tranh cãi trong lòng phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới, đặc biệt là tại Đại hội Paris (23 - 27.9.1900) và Đại hội Amsterdam (14 - 20.8.1904) của Quốc tế II.

Tại Đại hội Paris (năm 1900), cuộc đấu tranh bất phân thắng bại giữa quan điểm chính thống của phái đoàn Đức - đứng đầu là Karl Kautsky, với quan điểm cải cách của phái đoàn Pháp mà đại diện là Jean Jaurès sau cùng đã dẫn đến một nghị quyết mang tính thoả hiệp (thường được gọi là nghị quyết “cao-su”). Một mặt, nghị quyết  xác định việc một nhà xã hội chủ nghĩa tham gia vào một chính phủ tư sản chỉ là một giải pháp mang tính “chiến thuật” chứ không phải là vấn đề “nguyên tắc”, và tỏ ý không tán thành “kinh nghiệm nguy hiểm” này. Thế nhưng, nghị quyết không bác bỏ hoàn toàn, mà chỉ khuyến cáo rằng: chỉ có thể áp dụng kinh nghiệm đó “nếu như đại đa số thành viên của đảng xã hội chủ nghĩa tán thành hành động đó, và nếu vị bộ trưởng xã hội chủ nghĩa còn nhận được sự uỷ nhiệm của đảng ấy.”

Vào năm 1903, tại Đại hội toàn quốc của Đảng SPD (Đức) họp ở Dresden, phái chính thống đã thành công trong việc thông qua một nghị quyết “cứng rắn”, thể hiện lập trường chống chủ nghĩa xét lại. Tại Đại hội Amsterdam của Quốc tế II (năm 1904), vấn đề lại nổ bùng ra một lần nữa. Phái đoàn Đức - đứng đầu là August Bebel, muốn đại hội biểu quyết tán thành nghị quyết Dresden. Nổ ra cuộc tranh luận giữa Jean Jaurès (Pháp) và August Bebel (Đức). Mặc dù bài phát biểu của Jaurès tỏ ra rất thuyết phục trong khi phát biểu của Bebel bộc lộ nhiều yếu kém, đa số đại biểu dự Đại hội lại biểu quyết chấp thuận nghị quyết Dresden. Như vậy là tại kỳ đại hội này, đường lối cứng rắn của phái chính thống đã thắng đường lối cải cách.

Trong thực tế, những cuộc tranh cãi ấy vẫn không được giải quyết một cách triệt để: mâu thuẫn giữa hai đường lối cách mạng và cải cách vẫn tiếp tục âm ỉ trong lòng Quốc tế II cũng như trong lòng mỗi đảng xã hội chủ nghĩa[6], tiếp tục gây rạn nứt trong lòng phong trào cánh tả thế giới.

Riêng tại Thuỵ Điển, việc phái cải cách nắm được ưu thế trong phong trào dân chủ - xã hội đã giúp cho phong trào cánh tả ở đây giải quyết được những vấn đề nêu trên một cách dễ dàng hơn. Hjalmar Branting vốn là một nhà hoạt động chính trị xuất thân từ phái tự do. Về mặt tư tưởng, ông tiếp thu chủ nghĩa tự do (liberalism) trước khi đến với chủ nghĩa xã hội (socialism). Vì vậy, ông đã nhanh chóng tán thành các quan điểm xét lại của Bernstein trong khi ở một số nước khác, các nhà xã hội chủ nghĩa còn lao vào các cuộc tranh cãi lý luận ồn ào xung quanh những luận điểm này. Mặt khác, về sách lược, ngay từ khi còn là một nhà tự do, ông đã luôn luôn mong muốn cộng tác với phái xã hội chủ nghĩa; vì vậy khi đã trở thành một nhà xã hội chủ nghĩa, ông luôn tìm cách liên minh với phái tự do. Sự hợp tác là rất cần thiết, vì mỗi bên có ưu thế riêng. Trong khi sức mạnh của phái dân chủ - xã hội là các tổ chức quần chúng - nhất là các công đoàn, thì thế mạnh của phái tự do là ảnh hưởng của các nhân vật trí thức có quan hệ với giới thượng lưu và có uy tín trong xã hội.

Kể từ đầu thế kỷ 20, ảnh hưởng của phái Tự do ngày càng mở rộng, mở ra khả năng cạnh tranh với phái Bảo thủ trong việc thành lập chính phủ. Vào năm 1905, cuộc khủng hoảng của Liên hiệp Thuỵ Điển – Na Uy đã tạo điều kiện cho Đảng Tự do lần đầu tiên đứng ra thành lập chính phủ.

Vấn đề Na Uy vốn có một lịch sử lâu dài. Mặc dù bị ép buộc phải gia nhập vào Liên hiệp Thuỵ Điển – Na Uy từ năm 1814, nhân dân Na Uy vẫn mong muốn được độc lập. Do sự nhượng bộ của Thuỵ Điển, ngay từ khi mới gia nhập Na Uy đã có hiến pháp riêng, Nghị viện riêng (Storting) và chính phủ riêng, chỉ có Vua và chính sách ngoại giao là của chung hai nước. Nói cách khác, Vương quốc Na Uy mặc dù chưa được độc lập, nhưng đã được hưởng chế độ tự trị. Lịch sử của Na Uy trong suốt thế kỷ 19 được ghi dấu bởi cuộc đấu tranh nhằm khẳng định tính độc lập của vương quốc này đối với Thuỵ Điển bên trong Liên hiệp, cũng như để phát triển một nền văn hoá Na Uy mang tính hiện đại. Kể từ thập niên 1880, cuộc đấu tranh giành độc lập tập trung vào đòi hỏi thành lập một cơ quan ngoại giao riêng của Na Uy để tham gia vào các vấn đề đối ngoại. Vào khoảng cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, cuộc xung đột này càng trở nên gay gắt. Thuỵ Điển đòi hỏi bộ trưởng ngoại giao của Liên hiệp phải là người Thuỵ Điển, trong khi phía Na Uy lại yêu cầu có cơ quan lãnh sự riêng. Sự bất đồng ngày càng tăng, quân đội Thuỵ Điển được triển khai; và đế đáp lại, người Na Uy cũng tăng cường lực lượng quốc phòng của họ.

Cuối cùng thì vấn đề lãnh sự đã kích hoạt sự xung đột giữa hai nước. Trong khi quá trình đàm phán gặp bế tắc thì phía Na Uy quyết định hành động đơn phương: Nghị viện Na Uy thông qua một đạo luật thành lập một cơ quan lãnh sự riêng của Na Uy. Khi nhà vua (tức Vua Thuỵ Điển, đồng thời là Vua của cả Liên hiệp) phủ quyết đạo luật này, chính phủ của Christian Michelsen từ chức. Vào ngày 7.6.1905, trong tình thế nhà vua không thể thành lập một chính phủ mới, Nghị viện Na Uy đã tuyên bố “Liên hiệp với Thuỵ Điển bị giải tán bởi vì Nhà vua đã chấm dứt nhiệm vụ với tư cách là Vua của Na Uy.” Nghị viện Thuỵ Điển từ chối thông qua quyết định đơn phương này. Dưới áp lực về quân sự, Na Uy đồng ý tiến hành đàm phán. Thuỵ Điển đòi hỏi thương thuyết với điều kiện chỉ giải tán Liên hiệp nếu một cuộc trưng cầu dân ý chứng tỏ cả vương quốc đều đồng ý với quyết định đó. Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 8 năm 1905. Với 368.392 phiếu thuận, 184 phiếu chống, nhân dân Na Uy thể hiện nguyện vọng giải tán Liên hiệp để đạt được nền độc lập. Một thoả thuận đã đạt được tại Karlstad vào tháng 9 năm 1905 với sự nhượng bộ của cả hai bên. Liên hiệp Thuỵ Điển – Na Uy chính thức giải tán trong hoà bình, và Na Uy trở thành một Vuơng quốc độc lập dưới một chế độ quân chủ lập hiến.

Điều đáng nói là ảnh hưởng của “vấn đề Na Uy” đối với chính trường của Thuỵ Điển. Chủ trương của cánh hữu ở Thuỵ Điển là tìm cách duy trì Na Uy trong lòng Liên hiệp Vương quốc, kể cả bằng biện pháp quân sự. Cả hai phái tự do và dân chủ - xã hội đều ủng hộ mạnh mẽ việc Na Uy được tách ra khỏi Liên hiệp một cách hoà bình. Thậm chí Đảng SAP còn tổ chức một cuộc phản kháng chống lại việc động viên quân trừ bị và tổ chức tổng đình công để phản đối chiến tranh. Thái độ của nhà vua tương đối mềm dẻo, muốn giải quyết vấn đề bằng đàm phán hơn là dùng biện pháp quân sự.

Khi vấn đề “lãnh sự riêng của Na Uy” được đặt ra, Thủ tướng của chính phủ đương nhiệm là Erik Gustaf Boström, một nhà chính trị xuất thân là một điền chủ thuộc Đảng Lantmanna. Tháng 3 năm 1905, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán với phía Na Uy, Boström từ chức, nhường chức Thủ tướng cho bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ của ông là Johan Ramstedt. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt của Ramstedt là giải quyết cuộc khủng hoảng của Liên hiệp Vương quốc. Cùng với Thái tử lúc đó là Gustav, ông đã vạch một kế hoạch cho phép Na Uy được rời khỏi Liên hiệp với điều kiện không có sự can thiệp của Nghị viện Na Uy. Tuy nhiên, kế hoạch không đạt kết quả mong muốn vì Nghị viện Na Uy đã đơn phương giải tán Liên hiệp vào ngày 7.6.1905. Ramsted đề nghị với Nghị viện Thuỵ Điển giao quyền cho Chính phủ của ông để điều đình với phía Na Uy về các điều khoản nhằm giải tán Liên hiệp. Thế nhưng một uỷ ban mật của Thượng viện dưới sự điều khiển của Christian Lundeberg đã bác bỏ đề nghị của Chính phủ, dẫn đến việc Ramsted và toàn bộ Nội các phải từ chức – một điều chưa từng xảy ra kể từ khi ban hành Hiến pháp 1809.

Sau khi Ramsted từ chức, Christian Lundeberg được Vua Oscar II chỉ định thành lập chính phủ mới. Lundeberg vốn là lãnh tụ của một đảng bảo thủ ở Thượng viện có tên là Đảng Đa số Bảo hộ Mậu dịch (Protectionist Majority Party). Chính phủ do ông thành lập vào tháng 8 năm 1905  là một chính phủ “đoàn kết dân tộc” (national coalition government) có nhiệm vụ giải quyết cuộc khủng hoảng của Liên hiệp Vương quốc. Trong số các thành viên của chính phủ liên minh này, có mặt Karl Staaff, đại diện cho Đảng Tự do. Vào tháng 9 năm 1905, Chính phủ của Lundeberg đạt được thoả thuận với phía Na Uy về việc giải tán Liên hiệp. Sau khi giải quyết xong cuộc khủng hoảng về Liên hiệp, Lundeberg tìm cách duy trì chính phủ liên minh để giải quyết một nhiệm vụ mới: vấn đề phổ thông đầu phiếu. Không tìm được sự ủng hộ của Nghị viện, Lundeberg từ chức Thủ tướng vào tháng 11 năm 1905. Người được nhà vua chỉ định thành lập chính phủ mới chính là Karl Staaff.

Karl Staaff (1860 – 1915) là người đầu tiên của Đảng Tự do đứng ra thành lập chính phủ kể từ khi đảng này thành lập vào đầu thế kỷ 20. Xuất thân là một luật sư, ông tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh đòi quyền phổ thông đầu phiếu. Năm 1905, ông trở thành lãnh tụ của Đảng Tự do (lúc đó có tên là Đảng Liên minh Tự do, Liberala Samlingspartiet, The Liberal Coalition Party). Là Thủ tướng của Thuỵ Điển trong hai nhiệm kỳ (1905-06 và 1911-14), ông đã thực hiện một số chính sách xã hội như: cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhà giáo, thông qua một đạo luật về giải quyết các tranh chấp lao động, trợ cấp của chính phủ cho các trung tâm tìm việc làm, thực hiện trợ cấp cho người già, phúc lợi xã hội trong công nghiệp và tăng cường hỗ trợ cho các quỹ bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế.

Từ trước khi Đảng Tự do thành lập chính phủ, giữa hai phái tự do và dân chủ - xã hội đã liên minh trong các cuộc vận động bầu cử và phối hợp hoạt động tại quốc hội. Về phía phái dân chủ - xã hội, người đóng vai trò quan trọng để nối kết liên minh chính là Hjalmar Branting. Nhờ sự hỗ trợ của phái tự do, bảy năm sau khi thành lập Đảng SAP (năm 1896), Branting đã đắc cử vào Hạ viện và trở thành đại biểu quốc hội đầu tiên thuộc phái dân chủ - xã hội. Năm 1906 ông trở thành người lãnh đạo của đảng đoàn tại nghị viện (party’s parliament group) của SAP và đến năm 1908, ông được đại hội đảng bầu vào chức vụ chủ tịch đảng.

Trong nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên của Karl Staaf (1905-1906), sự hợp tác giữa hai phái Dân chủ - xã hội và Tự do không được thuận buồm xuôi gió. Dưới áp lực của đòi hỏi cải cách chính trị, đã xảy ra sự va chạm giữa hai bên do sự khác biệt về lập trường chính trị và phương pháp đấu tranh. Staaff đặc biệt khó chịu vì các hoạt động bên ngoài nghị trường của SAP và các hoạt động phản chiến quá mạnh của họ. Vào năm 1906, ông đưa ra một đạo luật nhằm trừng phạt những hành vi kích động biểu tình và tuyên truyền phản chiến, dẫn đến kết quả một số đảng viên dân chủ - xã hội phải vào tù. Điều này làm cho nhiều đảng viên SAP tức giận, nhất là cánh tả trong đảng – là những người chịu ảnh hưởng của phái Spartacus ở Đức và phái Bolshevik ở Nga. Tuy nhiên, mặc dù giữ một lập trường ôn hoà hơn so với phái dân chủ-xã hội, Staaff vẫn không thể tranh thủ được sự ủng hộ của phái trung-hữu (center-right) đang chiếm đa số tại Quốc hội, do đó dự án về quyền phổ thông đầu phiếu của ông bị Thượng viện bác bỏ. Sau khi đề nghị bầu cử lại Hạ viện bị nhà vua (Oscar II) từ chối, Staaff từ chức. Arvid Lindman, một nhà lãnh đạo của phái bảo thủ có lập trường ôn hoà, đứng ra thành lập chính phủ.

Arvid Lindman (1862–1936) xuất thân là một sĩ quan hải quân. Rời quân ngũ sau mười năm phục vụ (1882-1892), ông được phong cấp Đề đốc (Rear Admiral, tương đương tướng hai sao) trong lực lượng dự bị của hải quân vào năm 1907. Là một trong những nhà công nghiệp nổi tiếng đương thời, ông đã từng lãnh đạo Televerket (Tổng cục viễn thông của Thuỵ Điển). Bắt đầu sự nghiệp chính trị với chức vụ bộ trưởng hải quân và thượng nghị sĩ vào năm 1905, về sau ông trở thành lãnh tụ của phái Bảo thủ tại Hạ viện.[7]

Là một nhà bảo thủ có lập trường ôn hoà, vào năm 1907, Lindman đề xuất một giải pháp thoả hiệp. Dự án của ông ban hành quyền phổ thông đầu phiếu cho tất cả nam giới trên 24 tuổi trong các cuộc bầu cử ở hạ viện, ngoài ra cũng có sự thay đổi trong quy chế bầu cử Thượng viện. Branting phản đối dự án này vì không đem lại quyền bỏ phiếu cho phụ nữ và những thay đổi trong thủ tục bầu cử Thượng viện vẫn còn giành nhiều lợi thế cho các doanh nhân giàu có. Mặc dù bị phái dân chủ-xã hội và một thiểu số thuộc cánh tả của Đảng Tự do phản đối, khối đa số của Đảng Tự do đã ủng hộ cho dự luật. Và như vậy, một bước quan trọng của quá trình dân chủ hoá nền chính trị Thuỵ Điển đã được thực hiện do chính phái Bảo thủ, bởi vì phái này hy vọng cuộc cải cách sẽ giúp họ ngăn chặn được những đòi hỏi cấp tiến hơn của cánh tả. Đạo luật này (có hiệu lực từ 1909), cho phép tất cả nam công dân đủ 24 tuổi được quyền tham gia bầu cử Hạ viện. Mặc dù còn hạn chế do các quy định về thu nhập[8], cuộc cải cách cho phép khoảng 19 % dân số tham gia bầu cử Hạ viện. Như chúng ta sẽ thấy, cuộc cải cách tuy chưa trọn vẹn, nhưng sẽ tác động rất lớn lên tình hình chính trị của Thuỵ Điển về sau.

Cho đến cuối thập niên 1900, quan hệ giữa hai phái dân chủ - xã hội và tự do vẫn còn chưa được cải thiện. Tháng 8 năm 1909, nổ ra xung đột giữa chủ doanh nghiệp và công nhân. Sau một loạt các cuộc tranh chấp và đình công, giới chủ doanh nghiệp ra lệnh đóng cửa (lock-out) một loạt nhà máy; phía Liên hiệp Công đoàn (LO) phản ứng bằng cách ra lệnh tổng đình công, lôi kéo khoảng 300 ngàn công nhân tham gia. Cuộc tổng đình công này (được coi là dài ngày nhất tính cho đến lúc đó) cuối cùng dẫn đến thất bại, công nhân phải chấp nhận nhiều điều kiện của giới chủ. Cuộc tổng đình công gây thêm căng thẳng giữa hai phái, hai nhà lãnh đạo là Staaff và Branting công khai phê bình lẫn nhau. Tình hình tiếp tục trì trệ mãi cho đến năm 1911, khi cuộc bầu cử thúc đẩy hai phái trở lại cộng tác với nhau. Hậu quả của cuộc cải cách về quyền bầu cử của Lindman vào lúc này bắt đầu phát huy tác dụng: Đảng Tự do giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử năm 1911. Vua Gustav V (lên ngôi vào tháng 12 năm 1907) mặc dù không muốn nhưng vẫn phải yêu cầu Staaff thành lập một chính phủ mới vào tháng 10 năm 1911. Về phía Đảng SAP, họ công khai tuyên bố ủng hộ chính phủ của Đảng Tự do, chừng nào đảng này còn theo đuổi một chương trình cải cách về chính trị.

Trong nhiệm kỳ thứ hai (1911-1914), mặc dù đi theo một đường lối tế nhị hơn để tránh làm gay gắt thêm những bất đồng trong Đảng Tự do, Staaff vẫn không tránh khỏi sự xung đột với giới thống trị đương thời ở Thuỵ Điển, vốn còn nặng xu hướng bảo thủ, bảo hoàng và phản - dân chủ. Ngay sau khi nhậm chức, vào tháng 12 năm 1911 chính phủ của Staaff từ chối cấp ngân sách cho một dự án chế tạo một chiến hạm tuần duyên kiểu mới - trị giá 12 triệu đồng kronor, đã được chính phủ tiền nhiệm thông qua. Điều này đã làm bùng lên ra một phản ứng mạnh mẽ chưa từng thấy ở Thuỵ Điển – do phái bảo thủ phát động với sự hỗ trợ của nhà vua. Cánh hữu đã thực hiện được một cuộc quyên góp lớn chưa từng có trong lịch sử Thuỵ Điển tính cho đến lúc đó: chỉ trong hơn ba tháng, cuộc quyên góp đã thu được 15 triệu đồng kronor, và chính phủ Staaff đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, đồng ý nhận tiền và đặt hàng đóng chiếc tàu nói trên, mang tên là Sverige (hạ thuỷ vào tháng 5 năm 1915).

Đầu năm 1914, một sự kiện thứ hai xảy ra khiến Staaff phải từ chức Thủ tướng. Vào lúc này, vấn đề ngân sách quân sự trở thành nóng bỏng, vì cuộc Chiến tranh Thế giới I đang đến gần. Ngày 6.2.1914, phe bảo thủ đối lập huy động một cuộc biểu tình hơn 30 ngàn nông dân đòi hỏi tăng cường  ngân sách chiến tranh. Vua Gustav V, vốn thường xuyên xung đột với chính phủ theo đường lối chủ hoà của Đảng Tự do, đã tuyên bố ủng hộ lập trường của những người biểu tình khi họ kéo đến sân của Dinh Stockholm. Khi Thủ tướng Staaff đề nghị nhà vua ngừng phát biểu và ngừng khuyến khích các cuộc biểu tình chống chính phủ, nhà vua trả lời rằng ông “không muốn tự tước bỏ quyền tự do bày tỏ ý kiến đối với nhân dân Thuỵ Điển.” Chính phủ Staaff từ chức và toàn bộ nghị sĩ của Đảng Tự do ở cả hai viện của Quốc hội đã phát hành một bản tuyên bố báo động rằng hệ thống chính quyền đang lâm nguy và kêu gọi nhân dân Thuỵ Điển bảo vệ quyền làm chủ của họ. Phái bảo thủ và Hội Liên hiệp Nông dân lên án phái Tự do đã đặt chế độ nghị viện lên trên an ninh quốc gia, và kêu gọi nhân dân dồn nỗ lực để giải quyết vấn đề quốc phòng. Nhà vua chỉ định Hjalmar Hammarskjold thuộc phái Bảo thủ thành lập chính phủ mới, nhưng căng thẳng vẫn tiếp tục khi thảo luận vấn đề chi phí quốc phòng. Hạ viện bị giải tán để tổ chức bầu cử lại.

Đúng vào ngày Karl Staaff từ chức, Branting viết bài trên tờ Social-Demokraten ca ngợi thái độ dũng cảm của ông. Nhưng về phía phái bảo thủ, trong cuộc bầu cử mùa xuân năm 1914, họ đã phát động một chiến dịch bôi nhọ quy mô nhằm vào cá nhân Staaff, mô tả ông như một kẻ phá huỷ truyền thống của xã hội Thuỵ Điển. Giới nhà giàu ở thủ đô Stockholm thậm chí còn mua các gạt tàn thuốc lá tạo hình giống khuôn mặt của ông để có thể dụi điếu thuốc lá vào hai mắt. Cuộc bầu cử năm 1914 đem lại thất bại lớn cho Đảng Tự do.

Vào tháng 6, cuộc tranh chấp đột ngột dừng lại do chiến tranh bùng nố ở châu Âu, dẫn đến việc ngân sách quốc phòng được thông qua với một vài điều chỉnh để làm yên lòng phái Tự do. Cuối cùng thì chỉ có phái Dân chủ - xã hội kiên quyết bỏ phiếu chống, về phía phái Tự do chỉ có 24 nghị sĩ từ chối bỏ phiếu để phản đối. Cuộc khủng hoảng này (thường gọi là Cuộc khủng hoảng ở Sân Hoàng cung, The Courtyard Crisis) là lần cuối cùng một vị vua Thuỵ Điển can thiệp trực tiếp vào hoạt động chính trị của Nghị viện.

Cùng với cuộc đấu tranh để mở rộng quyền bầu cử, số đại biểu dân chủ - xã hội trong Nghị viện tăng lên. Nếu từ năm 1896 đến năm 1902, Branting là đại biểu dân chủ - xã hội duy nhất trong Hạ viện thì từ năm 1902,  số lượng của đảng viên SAP trong Hạ viện ngày càng tăng dần theo thời gian. Năm 1902, SAP có 4 dân biểu trên tổng số 230 ghế tại Hạ viện; năm 1903: 13 ghế; 1908: 34 ghế; 1911: 64 ghế. Trong cuộc bầu cử năm 1914, mặc dù Đảng Tự do bị thất bại nặng nề, nhưng Đảng SAP lại giành được thêm một số ghế tại Hạ viện. Vào tháng 11 năm 1914, Branting thuyết phục được đại hội Đảng SAP chấp nhận về nguyên tắc sự hợp tác với các đảng phái chính trị khác trong việc thành lập chính phủ, và như vậy đã phá bỏ được một rào cản quan trọng trên con đường đấu tranh giành quyền lực trong khuôn khổ của chế độ đại nghị.

Cuộc đấu tranh cho quyền phổ thông đầu phiếu vẫn được phái tự do tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Nils Edén (1871-1945). Là một tiến sĩ sử học giảng dạy tại Đại học Uppsala từ năm 1899, Edén được bầu vào Hạ viện từ năm 1908. Năm 1912, khi Staaff giữ chức Thủ tướng, Edén trở thành thủ lãnh của nhóm dân biểu Đảng Tự do tại Hạ viện. Sau khi Staaff mất (1915), Edén trở thành lãnh tụ của Đảng Tự do. Trong đảng, Edén thuộc về cánh hữu; ông có lập trường gần với phái hữu trên các vấn đề quốc phòng. Nhưng Edén lại không tán thành quan điểm của nhiều nhà tự do xuất thân từ phong trào “kiêng rượu” và phong trào ”giáo hội tự do”, tập hợp xung quanh Carl Gustaf Ekman.

Cả hai Đảng Tự do và Dân chủ - Xã hội giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử vào tháng 9 năm 1917. Sau khi Johan Widén - một nhân vật có xu hướng ôn hoà trong phái bảo thủ, không thành công trong việc lập chính phủ, Nils Edén được nhà vua đề nghị đứng ra thành lập chính phủ. Edén đã thành lập một chính phủ liên minh giữa hai Đảng Tự do và Dân chủ - Xã hội, Đảng SAP giữ bốn ghế bộ trưởng với Hjalmar Branting trong chức vụ bộ trưởng tài chính. Như vậy là Đảng SAP lần đầu tiên tham gia chính quyền, mặc dù chỉ mới giữ vai trò thứ yếu, phụ thuộc.

Chính phủ Edén nhậm chức vào tháng 10 năm 1917. Tình hình thế giới, đặc biệt là các nước xung quanh, diễn biến nhanh chóng. Tháng 11, Đảng Bolshevik cướp chính quyền ở Nga. Tháng 12, Phần Lan tuyên bố độc lập và sang đầu năm 1918 nội chiến nổ ra ở nước này. Cuối tháng 10 – đầu tháng 11 năm 1918, khi cuộc Chiến tranh Thế giới I bước vào những ngày cuối cùng, cuộc binh biến của Hải quân Đức nổ ra tại quân cảng Kiel và một tuần sau, Hoàng đế William II (Wilhelm II) buộc phải thoái vị; nước Cộng hoà Weimar thành lập. Riêng tại Thuỵ Điển, những tin đồn về “khởi nghĩa”, “cách mạng” khiến nhà vua phải áp dụng các biện pháp kiểm soát để phòng ngừa binh lính nổi dậy làm binh biến. Chính trong tình hình đó, các thế lực bảo thủ đã nhượng bộ trước yêu cầu dân chủ hoá, đồng ý thông qua dự án cải cách quy chế bầu cử của Thủ tướng Edén. Chế độ phổ thông đầu phiếu (universal suffrage) được chính thức ban hành vào giữa năm 1919[9] và bắt đầu áp dụng vào năm 1921. Tuổi đi bầu là 23 tuổi, và nữ giới được hưởng quyền bầu cử như nam giới. Quy định này sẽ cho phép khoảng 54 % dân số được hưởng quyền bầu cử.

Sau khi giải quyết xong vấn đề quyền phổ thông đầu phiếu thì sự cộng tác giữa hai đảng trong liên minh bắt đầu gặp khó khăn trong việc hoạch định các chính sách về kinh tế. Bị tác động bởi sự hình thành của một đảng cộng sản do những người dân chủ - xã hội ly khai (tháng 5 năm 1917), đảng SAP không dám bỏ rơi chủ trương quốc hữu hoá và một số biện pháp cấp tiến khác, trong khi đó đảng Tự do lại chia sẻ chủ trương của phái Bảo thủ về một hệ thống kinh tế tự do.

Khi Thủ tướng Edén từ chức vào tháng 3 năm 1920, Hjalmar Branting đứng ra thành lập chính phủ mới. Đây là chính phủ đầu tiên mà toàn bộ thành viên đều thuộc phái dân chủ - xã hội, mặc dù vẫn còn là một chính phủ thiểu số (minority government). Do chương trình về kinh tế bị phe đối lập tấn công mạnh mẽ, trong cuộc bầu cử tháng 9 năm 1920, Đảng SAP bị mất 10 ghế tại Hạ viện, Branting phải từ chức. Tuy vậy, việc lập một chính phủ của cánh hữu vẫn gặp khó khăn. Vua Gustav V chỉ định Gerhard Louis De Geer[10] thành lập một chính phủ để tạm thời chấp chính trong khi chờ đợi cuộc bầu cử quốc hội tháng 10 năm 1921. Nhưng chính phủ này không được sự ủng hộ của cả phái tả lẫn phái hữu, cho nên cũng chỉ tồn tại được 121 ngày (27.10.1920 – 23.2.1921) để nhường chỗ cho một chính phủ lâm thời khác (từ tháng 2 đến tháng 10 năm 1921) của Oscar von Sydow, một chính trị gia bảo thủ không đảng phái.

Vào tháng 10 năm 1921, lần đầu tiên một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ được tiến hành, do việc áp dụng quy chế phổ thông đầu phiếu. Đảng Dân chủ - Xã hội giành thắng lợi lớn với 39,4 % số phiếu, chiếm 93 trên tổng số 230 ghế ở Quốc hội. Branting trở lại lập chính phủ mới, và trở thành vị Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử  Thuỵ Điển được bầu cử một cách thật sự dân chủ. Là Thủ tướng ba nhiệm kỳ (tháng 3.1920 – tháng 10.1920, tháng 10.1921 – tháng 4.1923, tháng 10.1924 – tháng 1.1925), ông đã đưa Thuỵ Điển gia nhập vào Hội Quốc Liên vào năm 1921. Cũng trong năm này (1921), Branting đoạt giải Nobel Hoà bình do những công lao đóng góp cho Hội Quốc Liên. Tháng 1 năm 1925, ông từ chức vì lý do sức khoẻ, chức vụ Thủ tướng được giao lại cho Rickard Sandler – cũng thuộc Đảng SAP. Qua đời vào lúc 65 tuổi  (tháng 2 năm 1925), Hjalmar Branting được coi là người mở đường cho đảng dân chủ - xã hội Thuỵ Điển đạt được quyền lực chính trị hoàn toàn bằng con đường dân chủ.

Sự kiện Đảng SAP tham gia chính phủ liên minh và tiến đến tự mình thành lập chính phủ diễn ra song song với sự phân hoá trong hàng ngũ những người dân chủ - xã hội. Sự phân hoá này có liên quan đến sự phát triển của xu hướng cách mạng trong lòng Quốc tế II - dưới sự lãnh đạo của nhóm Spartacus của Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg ở Đức và phái Bolshevik của Lenin ở Nga.

Thành phần chủ yếu của cánh tả trong Đảng SAP là những nhà dân chủ - xã hội thuộc thế hệ trẻ, mà nhân vật trung tâm là Zeth Höglund (1884 – 1956). Tham gia Đảng SAP từ năm 1904, Höglund là người lãnh đạo Liên đoàn Thanh niên Dân chủ - Xã hội Thuỵ Điển (Socialdemokratiska Ungdomsförbundet, Social Democratic Youth League) và nổi tiếng là một nhà hoạt động phản chiến. Cùng với một số đảng viên SAP cùng thế hệ như Fredrik Ström (1880-1948), Ture Nerman (1886-1969), Karl Kilbom (1885 – 1961), Höglund đã tập hợp thành phái cách mạng trong lòng Đảng SAP. Ngoài ra, họ cũng lôi kéo được một số nhân vật có tiếng tăm thuộc thế hệ lớn tuổi như Carl Lindhagen (1860–1946), một luật sư giữ chức thị trưởng của Stockholm và Kata Dalström (1858–1923), một nhà văn nữ xuất thân từ giới thượng lưu và là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào ban chấp hành trung ương Đảng SAP từ 1900.

Năm 1915, Zeth Höglund và Ture Nerman đã được Đảng SAP cử tham dự Hội nghị của những người xã hội chủ nghĩa chống chiến tranh ở Zimmerwald (Thuỵ Sĩ) và sau khi dự hội nghị, Höglund đã gặp riêng Lenin trong một quán rượu ở Bern (Thuỵ Sĩ). Tháng 4 năm 1917, sau cuộc Cách mạng Tháng Hai ở Nga, trên đường từ Thuỵ Sĩ trở về nước Nga, Lenin ghé ngang Stockholm; vào lúc đó Höglund đang bị tù vì các hoạt động chống chiến tranh. Lenin được Ture Nerman, Fredrik Ström and Carl Lindhagen đón tiếp nồng hậu. Các nhà dân chủ - xã hội cánh tả Thuỵ Điển còn dẫn Lenin vào một siêu thị và mua tặng nhà lãnh tụ Bolshevik một bộ quần áo mới để mặc cho tươm tất khi trở về nước Nga. Mặc dù dự định viếng thăm Höglund tại nhà tù không thực hiện được, Lenin đã gửi một bức điện thăm hỏi sức khoẻ của Höglund. Ngày 6.5.1917, Höglund được trả tự do sau 13 tháng giam giữ; đích thân Lenin và Zinoviev thay mặt Trung ương Đảng Bolshevik ký tên trên một bức điện tín để chúc mừng “người chiến sĩ kiên cường chống chiến tranh đế quốc và người toàn tâm toàn ý ủng hộ Quốc tế Thứ Ba”.[11]

Lập trường của Hjalmar Branting và Đảng SAP hoàn toàn trái ngược với lập trường của nhóm dân chủ - xã hội cánh tả. Branting hoàn toàn ủng hộ cuộc Cách mạng Tháng Hai năm 1917 ở Nga, nhưng ông ủng hộ phái Menshevik và chủ trương bảo vệ chính quyền hợp pháp của Kerensky. Do đó khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra, ông công khai lên án việc phái Bolshevik cướp chính quyền. Ngược lại, việc Đảng SAP tham gia vào chính phủ của Nils Edén cũng bị cánh tả trong đảng coi là một hành động “phản bội giai cấp”, thoả hiệp với “giai cấp tư sản”.

Do sự đối lập về lập trường, đầu năm 1917 nhóm cánh tả trong Đảng SAP ly khai khỏi đảng. Đến tháng 5 năm 1917, nhóm Höglund thành lập Đảng Dân chủ - Xã hội Cánh tả (Sverges Socialdemokratiska Vänsterparti, Swedish Social Democratic Left Party, viết tắt là SSV) với lập trường ủng hộ phái Bolshevik ở Nga và chủ trương tiến hành một cuộc cách mạng cộng sản ở Thuỵ Điển. Đảng này có khoảng 20 ngàn đảng viên, có một tờ báo tên là Politiken (Chính trị). Gia nhập vào SSV còn có cả Liên đoàn Thanh niên Dân chủ - Xã hội, về sau đổi tên thành Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Thuỵ Điển (Sveriges Kommunistiska Ungdomförbund, Young Communist League of Sweden), tiền thân của tổ chức Cánh tả Trẻ (Ung Vänster, Young Left) ngày nay. Đảng SAP phải lập một tổ chức thanh niên dân chủ - xã hội khác để thay thế.

Hjalmar Branting (trái) và Zeth Höglund (phải)

(nguồn : Wikipedia)

Từ tháng 12 năm 1917 đến mùa xuân năm 1918, Höglund cùng với Karl Kilbom (và sau đó là Carl Lindhagen) đến Petrograd để gặp gỡ những người Bolshevik nhằm bày tỏ lập trường ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga. Höglund được hội kiến với Lenin tại điện Smolny, phát biểu trước một cử toạ 10 ngàn người tại Petrograd và được viếng thăm nhiều nơi trên nước Nga (những người cộng sản Thuỵ Điển là một trong những nhóm quốc tế đầu tiên viếng thăm nước Nga Xô-viết). Mùa hè năm 1921, Höglund cùng với Fredrik Ström tham dự Đại hội lần thứ ba của Quốc tế Cộng sản (Comintern) ở Moscow. Do sự thuyết phục của ông, Đảng Dân chủ - xã hội Cánh tả Thuỵ Điển chấp nhận 21 điều kiện của Lenin để gia nhập Quốc tế Cộng sản (tức Quốc tế III), đổi tên đảng thành Đảng Cộng sản Thuỵ Điển (Swedish Communist Party, Sveriges Kommunistiska Parti, SKP). Một số đảng viên không chấp nhận 21 điều kiện đã rời bỏ đảng hoặc bị khai trừ khỏi đảng, trong đó có Carl Lindhagen - thị trưởng của Stockhom[12]. Höglund được bầu vào Uỷ ban Chấp hành của Quốc tế Cộng sản vào năm 1922.

Tuy nhiên, từ sau khi Lenin chết (tháng 1 năm 1924), quan hệ giữa những người cộng sản Thuỵ Điển thuộc thế hệ đầu tiên đối với Quốc tế Cộng sản ngày càng xấu đi. Tháng 8 năm 1924, do bất đồng về các chính sách của Quốc tế Cộng sản và cho rằng tổ chức này bị chi phối quá nhiều bởi Moscow, Höglund và một số đảng viên theo ông rời bỏ Đảng Cộng sản Thuỵ Điển (SKP) để thành lập một đảng cộng sản độc lập với Quốc tế Cộng sản. Đảng này tập hợp được khoảng 5 ngàn đảng viên, đến năm 1926 gia nhập trở lại Đảng SAP. Việc Höglund rời bỏ đảng cộng sản, chỉ trích Stalin và sau đó trở lại với SAP đã khiến Stalin không hài lòng. Mặc dù thành phố Leningrad (tức Saint Petersburg)[13] đã từng có một con đường đặt tên Zeth Höglund, nhưng sau khi chủ nghĩa Stalin đăng quang ở Nga, tên đường đã bị thay đổi. Trong khi đó, đảng viên “ly khai” Höglund trở về vẫn được đối xử bình đẳng (từ 1940 đến 1950, ông giữ chức Thị trưởng của Thủ đô Stockholm).

Tương tự như Höglund, hầu hết những người cộng sản Thuỵ Điển thuộc thế hệ đầu tiên đã từng tham gia thành lập đảng cộng sản, sau khi “vỡ mộng” vì chủ nghĩa Stalin, đều trở về với Đảng Dân chủ -xã hội (SAP). Trước hết là Fredrik Ström, người bạn thân thiết của Höglund từ thời sinh viên. Là người đứng đầu Cơ quan liên lạc với Tây Âu của Quốc tế Cộng sản đặt tại Stockholm trong những năm 1919-20, Ström thường xuyên đến Liên Xô để họp hành. Năm 1921, ông tham dự Đại hội lần thứ ba của Quốc tế Cộng sản họp tại Moscow. Nhưng đến năm 1926, do bất đồng ý kiến với chủ nghĩa Stalin, Ström quay trở lại với Đảng SAP.

Một số người vẫn còn vương vấn với đảng cộng sản, nên trở về muộn hơn. Khi Zeth Höglund ly khai vào năm 1924, Ture Nerman và Karl Kilbom vẫn ở lại với Đảng SKP. Ban lãnh đạo lúc này bao gồm Karl Kilbom và Nils Flyg. Nhưng những bất đồng nảy sinh giữa Kilbom và Stalin, càng về sau càng trở nên gay gắt. Năm 1927, Karl Kilbom đề ra chủ trương thành lập một “mặt trận bình dân” (popular front) nhằm hợp tác với những người dân chủ - xã hội cấp tiến chống lại chủ nghĩa phát–xít. Chủ trương này được sự ủng hộ của Togliatti, lãnh tụ cộng sản Ý. Nhưng Stalin bác bỏ ý kiến của Kilbom và ủng hộ ý kiến của lãnh tụ cộng sản Đức Ernst Thälmann - người vốn coi Kilbom như kẻ thù. Ngược với quan niệm của Kilbom và Togliatti, Stalin phát triển quan niệm về “chủ nghĩa phát-xít xã hội” (Social fascism), nghĩa là coi những người dân chủ - xã hội cũng là một loại phát-xít, cũng tồi tệ chẳng kém gì bọn phát-xít!

Mùa thu năm 1929, dưới sự chỉ đạo của Stalin, một bộ phận thiểu số theo Stalin trong Đảng Cộng sản Thuỵ Điển - đứng đầu là Hugo Sillén, đã làm “đảo chính”, khai trừ khối đa số (tức là những không theo Stalin) ra khỏi đảng. Trong số những người bị khai trừ có cả Karl Kilbom, Nils Flyg và Ture Nerman. Khối thiểu số theo Sillén (thường được gọi là Sillénare) chiếm trụ sở và kho lưu trữ của đảng, nhưng khối đa số theo Kilbom (thường được gọi là Kilbommare) vẫn còn giữ được tờ báo Politiken (lúc này đổi tên là Folkets Dagblad Politiken). Dưới sự lãnh đạo của Karl Kilbom, khối đa số ly khai hình thành một đảng cộng sản độc lập với Quốc tế III; đến năm 1934 đảng này lấy tên là Đảng Xã hội chủ nghĩa (Socialistiska partiet, Socialist Party). Như vậy là hình thành hai đảng cộng sản - đảng ly khai và đảng chính thống, nhưng đảng ly khai lại đông đảo hơn đảng chính thống! Năm 1937, Nils Flyg làm “đảo chính”, trục xuất lãnh tụ đảng Karl Kilbom ra khỏi Đảng Xã hội chủ nghĩa; sang năm sau (1938), Karl Kilbom trở về với Đảng Dân chủ - Xã hội (SAP).

Cũng vào năm 1937, Ture Nerman từ Tây Ban Nha trở về, sau khi đã chứng kiến cảnh hỗn loạn ở Barcelona, nơi mà các phe phái trong cánh tả (phái đệ tam theo Stalin, phái đệ tứ theo Trotsky và phái “vô chính phủ”,…) bắn giết lẫn nhau bất chấp kẻ thù chung trước mắt là phe phát-xít. Nils Flyg mời mọc Nerman ở lại Đảng Xã hội chủ nghĩa, nhưng ông này cảm thấy chán ngán, nên tự nguyện rời bỏ đảng. Sau hai năm bơ vơ không có đảng cộng sản nào để theo, lại mất ghế trong Quốc hội, vào năm 1939, chọn đúng ngày Quốc tế Lao động 1.5, Ture Nerman trở lại với Đảng SAP.

Số phận của Đảng Xã hội chủ nghĩa sau khi Kilbom ra đi (tức là đảng của Nils Flyg) là một số phận kỳ lạ. Trong Chiến tranh Thế giới lần II, do đường lối chống Liên Xô, Nils Flyg ngả dần về phía thân phát-xít. Sau khi Nils Flyg chết (1943), đảng này chỉ tồn tại thêm một vài năm rồi sau cùng cũng tan rã (1948).

Như vậy là những người cộng sản đầu tiên ở Thuỵ Điển, sau khi đã “vỡ mộng” vì chủ nghĩa cộng sản trong hiện thực, đã lần lượt kẻ trước người sau trở về dưới mái nhà dân chủ - xã hội (SAP) của mình. Điều lạ lùng là cho đến cuối đời, họ vẫn tự nhận là người cộng sản, vẫn còn mang trong tâm khảm những hình ảnh đẹp về Cách mạng Tháng Mười Nga, về Lenin và Đảng Bolshevik. Zeth Höglund sau khi trở về với SAP vẫn tự nhận mình là người cộng sản cho đến khi mất vào năm 1956. Ông luôn luôn bảo vệ các quan điểm của Lenin trong khi chỉ trích kịch liệt chủ nghĩa Stalin. Trường hợp của Ture Nerman cũng vậy. Kể từ năm 1953 (67 tuổi), ông rút lui khỏi chính trường, sống ẩn dật với gia đình cho đến khi mất (1969). Ông có một căn nhà ở Blidö, một hòn đảo nhỏ ở gần Stockholm, và phía trước nhà ông vẫn cắm một lá cờ Xô-viết với hình búa liềm trên nền đỏ, mặc dù về mặt nhận thức, ông đã có nhiều thay đổi trong cách nhìn đối với Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và khối NATO. Một trường hợp đáng nhắc đến là Otto Grimlund (1893–1969), người đã cùng với nhà xã hội chủ nghĩa người Thuỵ Sĩ Fritz Platten tổ chức chuyến đi của Lenin từ Thuỵ Sĩ trở về nước Nga (băng qua Đức và Thuỵ Điển) vào năm 1917 và cũng là đại diện của nhóm cánh tả Thuỵ Điển tại Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản vào năm 1919. Trở về với Đảng SAP vào khoảng 1930, trong khi cực kỳ lên án chủ nghĩa Stalin, Grimlund vẫn tự nhận mình là một người cộng sản suốt đời. Trong phòng làm việc của ông, vẫn treo trên tường một tấm ảnh có chữ ký của Lenin.

Sự phản kháng của những người cộng sản Thuỵ Điển thuộc thế hệ đầu tiên đối với chủ nghĩa Stalin có thể là một nguyên nhân quan trọng khiến cho vai trò của đảng cộng sản chính thống ở Thuỵ Điển (tức SKP, Sveriges Kommunistiska Parti, Swedish Communist Party) bị suy yếu.

Kể từ thời Hugo Sillén nắm quyền lãnh đạo, Đảng Cộng sản Thuỵ Điển (SKP) tăng cường đường lối “đấu tranh giai cấp”[14], kiên quyết không cộng tác với Đảng SAP. Chủ trương thân Liên Xô của Đảng SKP kéo dài cho đến giữa thập niên 1960. Khi Stalin qua đời (1953), đảng này vẫn chính thức tổ chức tưởng niệm vị “bạo chúa cộng sản” này. Khi cuộc nổi dậy Hungary nổ ra vào năm 1956, mặc dù có sự tranh cãi trong đảng nhưng sau cùng lãnh đạo đảng vẫn chọn lập trường ủng hộ Liên Xô.

Năm 1964, C.H. Hermansson được bầu làm chủ tịch đảng. Là một người có nền tảng văn hoá hàn lâm, Hermansson tìm cách chuyển hướng tư tưởng của đảng về phía chủ nghĩa cộng sản châu Âu (Eurocommunism)chủ nghĩa xã hội nhân dân kiểu Scandinavia (Scandinavian Popular Socialism.) Tại Đại hội năm 1967, mặc dù đã có đề xuất đổi tên đảng thành Đảng Cánh Tả, dứt bỏ chủ nghĩa cộng sản nhưng do phái thân Liên Xô còn mạnh, cuối cùng đảng chọn giải pháp thoả hiệp: đổi tên là đảng Cánh Tả-Cộng sản (Vänsterpartiet Kommunisterna, VPK, Left Party-the Communists).

Năm 1968, khi Liên Xô can thiệp vào Tiệp Khắc, VPK là đảng đầu tiên ở Thuỵ Điển lên án Liên Xô. Đảng tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài Toà đại sứ Xô-viết ở Stockholm, với sự tham dự và phát biểu của Hermansson. Hành động phản đối cuộc xâm lăng của Liên Xô này quả là hiếm thấy nơi các đảng cộng sản ở phương Tây. Năm 1990, sau khi hệ thống cộng sản sụp đổ, đảng VKP đổi tên là Đảng Cánh Tả (Vänsterpartiet, Left Party) và thôi không còn là đảng cộng sản. Năm 1998, đảng Cánh Tả đạt kết quả bầu cử cao nhất trong lịch sử (12% tổng số phiếu trên toàn quốc), nhưng trong những kỳ bầu cử sau đó, kết quả bị giảm dần (2002: 8,3 %, 2006: 5,85%).

Như vậy, sự phân hoá của phong trào dân chủ - xã hội ở Thuỵ Điển vào năm 1917 không trầm trọng như nhiều nơi khác ở châu Âu (như Nga, Đức và Pháp). Ưu thế vượt trội của phái cải cách so với phái cách mạng đã giúp những người dân chủ - xã hội Thuỵ Điển vượt qua được thử thách đó, và tiếp tục lớn mạnh để về sau trở thành đảng chính trị lớn nhất ở Thuỵ Điển.

Trở lại tình hình Thuỵ Điển vào những năm đầu thập niên 1920 : sau chính phủ liên minh đầu tiên, sự cộng tác giữa hai phái dân chủ - xã hội và tự do bị đổ vỡ, một phần do mục tiêu chung giữa hai bên (đấu tranh cho quyền phổ thông đầu phiếu) đã đạt được, phần khác do sự khác biệt về đường lối giữa hai bên khiến cho họ không thể tìm ra mục tiêu chung cho giai đoạn kế tiếp. Hơn thế nữa, trong nội bộ của phái Tự do bắt đầu có sự phân hoá. Do ảnh hưởng của những đảng viên xuất thân từ phong trào “Kiêng rượu” và phong trào “Các Giáo hội Tự do”, chủ trương cấm rượu bằng pháp luật dần dần trở thành một chủ trương lớn, mặc dù trong đảng vẫn có một số người không tán thành. Năm 1923, phái thiểu số (không tán thành cấm rượu) tách ra, thành lập Đảng Tự do Thuỵ Điển (Sveriges Liberala Parti, The Liberal Party of Sweden), do Eliel Löfgren lãnh đạo. Phe đa số còn lại vẫn nắm được tổ chức Frisinnade Landsföreningen, đến năm 1924 đổi tên thành Đảng Nhân dân Tự do (Frisinnade folkpartiet, Freeminded People's Party), Carl G. Ekman trở thành người lãnh đạo của tổ chức này. Mối quan hệ giữa Ekman và phái Dân chủ - Xã hội không tốt đẹp như những lãnh tụ của phái Tự do trước đây, càng làm cho sự cộng tác giữa hai bên trở nên khó khăn. Kể từ khi Carl Gustaf Ekamn từ chức vì tai tiếng xung quanh vụ phá sản của tập đoàn Kreuger (Kreuger Crash) vào tháng 8 năm 1932, vai trò của phái Tự do bị suy giảm. Mặc dù hai đảng tái hợp thành đảng Nhân dân (Folkpartiet, People's Party) vào năm 1934, phái Tự do không còn tìm lại được giai đoạn hoàng kim của thập niên 1920. Ngày nay, Đảng Nhân dân (còn gọi là Đảng Nhân dân - Tự do, Folkpartiet liberalerna, People's Party - Liberals ) đứng vào hàng thứ tư trong số các đảng chính trị ở Thuỵ Điển.

Sau khi liên minh với Đảng Tự do bị tan vỡ, đảng SAP đã đi tìm một đồng minh khác. Từ đầu thập niên 1930, họ tìm cách liên minh với đảng Nông dân - tức Liên hiệp Nông dân (Bondeförbundet, Farmers' Union). Khối “liên minh công nông” này (nhất là trong các giai đoạn 1936-1945 và 1951-1957) đã tạo điều kiện cho Đảng SAP giữ được vai trò lãnh đạo ở Thuỵ Điển trong một thời gian khá dài. Nếu tính từ tháng 9 năm 1932 đến tháng 10 năm 2006, Đảng SPD cầm quyền 65 năm trên tống số 74 năm. Nếu chỉ tính riêng thời gian từ tháng 9 năm 1932 cho đến tháng 10 năm 1976, Đảng SAP cầm quyền liên tục suốt 44 năm, chỉ trừ một thời gian ngắn 3 tháng (19.6.1936 - 28.9.1936). Đó là những kỷ lục độc nhất vô nhị trong các nền chính trị dân chủ đa đảng.[15]

*

Nhìn lại toàn bộ quá trình hình thành của phong trào dân chủ - xã hội Thuỵ Điển, chúng ta thấy chế độ dân chủ không phải là sản phẩm của một lực lượng chính trị duy nhất mà là thành quả của nhiều lực lượng, nhiều phe phái chính trị khác nhau, thậm chí có lập trường chính trị khác biệt với nhau. Nếu chế độ “dân chủ tư sản” hình thành vào giữa thế kỷ 19 là thành quả của giai cấp tư sản và những thành phần cấp tiến trong đẳng cấp quý tộc thì việc mở rộng nền dân chủ đó thành nền dân chủ của toàn dân là thành quả chung của hai phái Tự do và Dân chủ - Xã hội. Có thể nói, Thuỵ Điển là một trong những trường hợp độc đáo trên thế giới, nơi mà sự hình thành về mặt tổ chức của phong trào tự do[16] và phong trào dân chủ - xã hội diễn ra gần như đồng thời. Sự phối hợp giữa hai trào lưu này đã chi phối chính trường Thuỵ Điển từ cuối thế kỷ 19 cho đến đầu thập niên 1920, với mục tiêu chung là mở rộng nền dân chủ tư sản thành nền dân chủ của toàn dân, biến chế độ đại nghị từ chỗ còn là hình thức, thiểu số trị thành một chế độ dân chủ chân chính, tạo điều kiện cho tất cả các giai cấp, các tầng lớp xã hội đều có thể làm chủ về mặt chính trị.

Ngoài ra, cũng phải kể đến sự đóng góp của phái nông dân, bởi vì nếu không có sự ủng hộ của họ thì nền dân chủ ở Thuỵ Điển không thể thoát khỏi nguy cơ từ phía tả (cộng sản) hay phía hữu (phát-xít). Đó là chưa kể đến những nhân vật thức thời, có tư tưởng cởi mở trong phái bảo thủ, mà tiêu biểu là Arvid Lindman, lãnh tụ của phái bảo thủ có xu hướng ôn hoà. Đó là một nhân vật được đánh giá là một nhà lãnh đạo chính trị kiểu mới. Là một chính khách xông xáo, dám tiếp xúc trực tiếp với cử tri, hoạt động năng động trong nhiều lĩnh vực của công nghiệp và thương mại, ông cũng là một nhà hoà giải, biết tìm kiếm một chính sách thoả hiệp với các đối thủ chính trị của mình. Lindman chính là người tiến hành cuộc cải cách về quyền phổ thông đầu phiếu lần thứ nhất vào năm 1907. Là một nhà chính trị thuộc phái bảo thủ, nhưng ông kiên quyết bảo vệ các nguyên tắc của chế độ dân chủ và cực kỳ lên án chủ nghĩa Quốc xã (Nazi) và chủ nghĩa phát-xít. Chính nhờ những người như ông mà phái hữu ở Thuỵ Điển không ngả theo xu hướng phát–xít.

Mặt khác, chúng ta cũng thấy nổi bật lên sự khác biệt căn bản giữa những người dân chủ - xã hội với những người cộng sản. Mặc dù có chung nguồn gốc, nhưng do sự chọn lựa khác nhau, hai phái này đã dần dần tách ra, đi theo hai hướng khác nhau. Phái dân chủ - xã hội tìm cách gắn liền mục tiêu xã hội (chủ nghĩa xã hội) với mục tiêu dân chủ, thậm chí coi trọng dân chủ hơn chủ nghĩa xã hội. Do coi trọng dân chủ, do đấu tranh trong khuôn khổ của chế độ đại nghị, họ buộc phải xem xét lại nội dung của chủ nghĩa xã hội. Thay vì quốc hữu hoá, các nhà dân chủ - xã hội Thuỵ Điển đã cho phép sở hữu tư nhân tồn tại; từ rất sớm, họ đã điều hành một nền kinh tế hỗn hợp (mixte economy), không xoá bỏ kinh tế thị trường mà chỉ tác động vào thị trường bằng các chính sách kinh tế vĩ mô. Thay vì quốc hữu hoá, tấn công vào quyền sở hữu tư nhân, Đảng SAP chọn phương pháp sử dụng thuế để xây dựng “Nhà nước Phúc lợi” (Welfare State), làm giảm bớt sự bất bình đẳng về kinh tế trong xã hội. Quan trọng hơn là việc Đảng SAP từ chỗ là đảng của giai cấp dần dần trở thành đảng của dân tộc. Họ quan tâm đến nhân dân và quốc gia Thuỵ Điển nhiều hơn là “nghĩa vụ quốc tế”. Với một số lượng kiều dân đông đảo tại Hoa Kỳ và một địa thế sát nách Liên Xô, Thuỵ Điển giữ một lập trường “đứng giữa” hai cường quốc, và điều này đã ảnh hưởng đến toàn vùng Bắc Âu khiến cho vùng này trở thành một địa bàn không bị tác động nhiều bởi cuộc chiến tranh lạnh.

Như vậy, bí quyết thành công của Đảng Dân chủ - Xã hội Thuỵ Điển chính là ở chỗ ngay từ đầu, họ đã chấp nhận con đường đấu tranh cho chế độ đại nghị. Thay cho đấu tranh giai cấp là sự hoà giải, thoả hiệp giữa các giai cấp. Thay cho đấu tranh một mất một còn, không khoan nhượng là đấu tranh dựa trên sự tôn trọng các nguyên tắc dân chủ. Thực chất của con đường dân chủ - xã hội ở Thuỵ Điển chính là sự nhân nhượng, hoà giải giữa các giai cấp, các phe phái chính trị khác nhau. Kinh nghiệm của Thuỵ Điển chứng minh một quốc gia nhỏ bé dựa trên chế độ dân chủ vẫn có thể phát triển một cách ổn định, theo đuổi một đường lối độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ cường quốc nào. Đó chính là một sự ổn định thật sự tạo điều kiện cho sự phát triển chứ không phải một sự ổn định giả tạo chỉ nhằm che đậy cho sự chuyên quyền, tham nhũng. Đó là sự đoàn kết thật sự dựa trên sự chấp nhận các ý kiến khác nhau chứ không phải là sự đoàn kết giả dối, che đậy sự thống trị của một đẳng cấp sống dựa vào đặc quyền đặc lợi nhưng lại nấp dưới chiêu bài “của dân, do dân và vì dân”.

Nhiều nhà nghiên cứu, do ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx, đã đặt nặng lĩnh vực kinh tế - vật chất, cho rằng sự khác nhau giữa cộng sản và dân chủ - xã hội là trên lĩnh vực kinh tế. Điều đó không sai, nhưng không giải thích được bản chất của vấn đề. Thực ra, sự khác nhau giữa dân chủ - xã hội và cộng sản chính là ở chỗ: người dân chủ - xã hội đã đưa thêm một mục tiêu khác bên cạnh mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Đối với họ chủ nghĩa xã hộidân chủ là hai mục tiêu song song, gắn bó với nhau, và khi cần thiết phải chọn lựa, phải đặt mục tiêu dân chủ, tự do lên trên mục tiêu bình đẳng. Chính vì tôn trọng tự do, dân chủ mà Đảng SAP phải thay đổi nội dung của chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, những người cộng sản lại đặt chủ nghĩa xã hội (mà đỉnh cao là chủ nghĩa cộng sản) thành mục tiêu cao nhất, tất cả các mục tiêu khác đều phải phụ thuộc vào đó. Đối với người cộng sản, dân chủ chỉ là một phương tiện, một phương pháp để đạt đến chủ nghĩa xã hội, ngoài phương tiện đó còn có phương tiện khác: chuyên chính vô sản (mà cốt lõi là bạo lực cách mạng). Ở những nước có thể áp dụng chuyên chính vô sản, người cộng sản sử dụng bạo lực cách mạng để nắm và giữ chính quyền, bắt ép nhân dân phải “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” lên chủ nghĩa xã hội (hoặc chủ nghĩa cộng sản) dựa vào một mô hình mà họ đã dày công tưởng tượng ra. Một khi không tiến lên chủ nghĩa xã hội được, vấp phải thất bại, thì họ quay lại kinh tế hỗn hợp, thậm chí sẽ quay lại chủ nghĩa tư bản không kiểm soát nhưng vẫn khư khư ôm lấy chuyên chính vô sản (độc quyền chính trị), không chịu buông quyền lực ra, mà điển hình là trường hợp Trung Quốc và Việt Nam. Ở những nước dân chủ phương Tây, những người cộng sản không thực hiện được chuyên chính vô sản nên đành phải đấu tranh trong khuôn khổ hợp pháp, nhưng họ vẫn không coi dân chủ là mục tiêu mà chỉ coi đó như phương pháp, phương tiện. Họ không quan tâm đến việc cải tiến chế độ dân chủ (dù là thể chế tổng thống hay thể chế đại nghị), bởi lẽ họ cho đó là chế độ chính trị giả dối của giai cấp tư sản nhằm che đậy sự bóc lột quần chúng lao động. Nhưng về mặt chiến thuật, họ cũng tham gia vào các cuộc đấu tranh giành các quyền dân sinh, dân chủ nhằm lôi kéo quần chúng, do đó tạo ra sự ngộ nhận cho rằng họ là người dân chủ.

Là một đảng coi dân chủ, tự do là mục tiêu, Đảng SAP không thể lợi dụng thời gian nắm quyền lâu dài để tăng cường ảnh hưởng trong quân đội hay xây dựng bộ máy công an nhằm sửa đổi hiến pháp, duy trì độc quyền chính trị của mình. Đầu thập niên 1970, dưới thời của Thủ tướng Olof Palme, Đảng SAP đã thực hiện một cuộc cải cách hiến pháp, biến Nghị viện Thuỵ Điển thành Quốc hội một viện (unicameral parliament). Năm 1974, một bản “Công cụ điều hành Chính quyền” (Regeringsformen, Instrument of Government) mới được ban hành, thay cho bản năm 1809. Văn bản này, cùng với “Luật Thừa kế Ngai vàng” (Successionsordningen, The Act of Succession) năm 1810, Luật Tự do Báo chí (Tryckfrihetsförordningen, The Freedom of the Press Act) năm 1766 và Luật cơ bản về Tự do Ngôn luận (Yttrandefrihetsgrundlagen, The Fundamental Law on Freedom of Expression) mới được thông qua năm 1991, là bốn đạo luật cơ bản (grundlagarl, fundamental laws) làm thành Hiến pháp Thuỵ Điển hiện hành.

Căn cứ vào bản “Công cụ điều hành chính quyền” mới, Vua Thuỵ Điển vẫn còn là nguyên thủ quốc gia (The Head of State), nhưng một số quyền hành trước đây thuộc về nhà vua nay được trao lại cho Chủ tịch (Talman, The Speaker) của Quốc hội. Đặc biệt quan trọng là vai trò trung tâm trong việc hình thành chính phủ mới sau mỗi kỳ bầu cử.

Trong cuộc bầu cử đầu tiên sau khi có Hiến pháp mới (năm 1976), lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ, đảng SAP đã thất cử. Đảng Trung tâm (tức Đảng Nông dân trước kia, đã từng là đồng minh thân cận của Đảng SAP) đứng ra thành lập một chính phủ liên minh, cùng với Đảng Ôn hoà (tức Đảng Bảo thủ) và Đảng Nhân dân (tức Đảng Tự do). Kể từ đó đến nay, mặc dù vẫn là đảng lớn nhất ở Thuỵ Điển, SAP không còn gặp thuận lợi như trước kia nữa. Một mặt, Đảng Ôn hoà (Moderate Party) lột xác, từ chủ nghĩa bảo thủ ngả dần sang chủ nghĩa tự do để trở thành một đảng theo đường lối bảo thủ - tự do (liberal conservatism) và giành được vai trò lãnh đạo của phái đối lập. Mặt khác, ngoài các đảng phái có nguồn gốc lâu đời, đã xuất hiện thêm hai đảng mới là Đảng Dân chủ - Kitô giáo (Kristdemokraterna, Christian Democrats; thành lập năm 1964 và vào được Nghị viện từ 1985) và Đảng Xanh (Miljöpartiet de Gröna, The Green Party; thành lập vào năm 1981 và vào được Nghị viện từ 1988). Hiện nay ở Thuỵ Điển có đến 26 đảng chính trị đăng ký hoạt động trên quy mô toàn quốc, nhưng do quy định về số phiếu tối thiểu (4%) cho nên chỉ 7 đảng có mặt tại Nghị viện.

Trong khoảng một thập niên trở lại đây, dần dần hình thành hai liên minh chính trị. Liên minh cánh tả là một liên minh lỏng lẻo bao gồm: Đảng Dân chủ - Xã hội SAP, Đảng Xanh và Đảng Cánh Tả. Trong thời gian 1998-2006, để có thể thành lập được chính phủ, Đảng SAP phải tìm sự hỗ trợ của Đảng Cánh Tả và Đảng Xanh. Về phía phái hữu, một liên minh trung  - hữu (center-right) hình thành vào năm 2004, có tên là Liên minh vì Thuỵ Điển (Allians för Sverige, Alliance for Sweden) bao gồm 4 đảng: Ôn hoà (tức Đảng Bảo thủ trước đây), Trung tâm (tức Đảng Nông dân), Nhân dân (tức Đảng Tự do) và Dân chủ Ki-tô-giáo. Mặc dù cương lĩnh của họ vẫn còn nhiểu điểm khác biệt nhau, cả bốn đảng cùng thoả thuận một cương lĩnh tranh cử chung. Vào tháng 10 năm 2006, liên minh này đã thắng cử và hiện đang cầm quyền tại Thuỵ Điển. Như vậy chế độ đại nghị ở Thuỵ Điển từ một hệ thống đa đảng (multi-party system) trong đó đảng SAP giữ địa vị ưu thế đang chuyển biến dần theo chiều hướng của một hệ thống liên minh tả - hữu, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đảng phái, tạo điều kiện cho người dân có quyền lựa chọn, đồng thời tiếp tục bảo đảm được sự ổn định chính trị cho quốc gia này. Sự chuyển hoá này sẽ làm lành mạnh một nền chính trị ít nhiều bị thoái hoá do tình trạng nắm quyền quá lâu của một đảng cánh tả.

Một số người đánh giá sự sa sút của Đảng SAP như một sự thất bại của con đường thứ ba, hoặc như một sự thất bại của chủ nghĩa xã hội và là một thắng lợi của chủ nghĩa tư bản. Trong thực tế, sự cạnh tranh giữa phái hữu và phái tả ở Thuỵ Điển không dẫn đến sự xoá bỏ mô hình “Nhà nước Phúc lợi” như người ta tưởng, mà là một sự điều chỉnh mô hình này nhằm biến “Nhà nước Phúc lợi” (Welfare State) thành một “Xã hội Phúc lợi” (Welfare Society). Việc Đảng SAP mất độc quyền chính trị xét về góc độ của chế độ dân chủ đại nghị chưa hẳn đã là điều xấu mà có thể là một điều tốt.

Thay lời kết

Trong khi tìm hiểu về phong trào dân chủ - xã hội tại Thuỵ Điển, liên hệ đến tình hình Việt Nam, người viết không thể không nghĩ đến những ý kiến của Phan Châu Trinh, nhà dân chủ - xã hội đầu tiên của nước ta vào cuối năm 1925, không bao lâu trước khi ông qua đời:

Là một người đứng về phía cánh tả, luôn luôn mong muốn xây dựng một phong trào cánh tả mạnh mẽ ở nước ta, Phan Châu Trinh lại thừa nhận sự cần thiết của cánh hữu. Như ông nhấn mạnh, một chế độ dân chủ cần phải có cả hai đảng - tả và hữu, bởi vì “… nếu cái đảng tả chiếm số nhiều mà cầm quyền trong nước, thì đảng hữu xem xét chỉ trích, cho nên có muốn làm bậy cũng khó lắm.” Một người đấu tranh cho cánh tả mà lại thừa nhận sự cần thiết của một đảng cánh hữu nhằm ngăn ngừa đảng cánh tả “làm bậy”, đó quả là một trường hợp “xưa nay hiếm”. Cuộc khủng hoảng của mô hình Thuỵ Điển hiện nay – một mô hình đã từng được xem là mẫu mực của chủ nghĩa xã hội dân chủ (democratic socialism), cho thấy ý kiến của Phan Châu Trinh là hoàn toàn chính xác. Không có mô hình kinh tế - xã hội nào có thể là đúng mọi thời, mọi lúc, vì vậy sự hiện diện của một đảng đối lập cánh hữu trong một chế độ mà cánh tả chiếm ưu thế là điều hoàn toàn cần thiết, chẳng khác nào sự cần thiết của một đảng đối lập cánh tả trong một thể chế bị phái hữu chế ngự.

Điều đáng thán phục hơn hết là ngay từ thời đó, Phan Châu Trinh đã nhận định rằng nước Việt Nam ta không nên nóng vội xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà phải xây dựng chế độ dân chủ cho vững mạnh trước đã. Theo ông: “Một người dân trong nước cũng như bọn học trò trong trường học, phải có thứ lớp, phải tuần tự mà tiến tới, phải qua lớp dưới mới lên lớp trên, không bao giờ nhảy lớp được”. Do đó, nước ta phải từ gia đình luân lý (tức chế độ quân chủ - chủ nghĩa gia trưởng) tiến lên quốc gia luân lý (tức chế độ dân chủ - chủ nghĩa quốc gia), rồi từ quốc gia luân lý mới tiến lên xã hội luân lý (tức chủ nghĩa xã hội) được.

Ông kết luận như sau: “Thế thì chúng ta cũng phải bước qua cái nền quốc gia luân lý trong đôi ba mươi năm đã, rồi mới có thể mong tiến lên xã hội luân lý được.”[17]

Tại sao phải “đôi ba mươi năm”? Đấy chính là thời gian cần thiết để một chế độ dân chủ đa nguyên đi vào nền nếp ổn định. Chưa có dân chủ thật sự, không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Bởi vì chỉ có chế độ dân chủ mới tạo điều kiện cho người dân sử dụng lá phiếu của mình để đánh giá tính hiệu quả, tính ưu việt của một mô hình kinh tế - xã hội. Và cũng chỉ có chế độ dân chủ mới tạo ra được cái “cơ chế” cho phép sữa chữa, điều chỉnh hay thậm chí thay đổi mô hình ấy cho phù hợp với tình hình tiến hoá của nhân loại.

Gần một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga làm rung chuyển thế giới. Quãng thời gian đó tưởng cũng đủ để chúng ta thấy rõ giữa “lời khuyên” của Phan Châu Trinh và “lời dạy” của Lenin, đâu mới là con đường mà những người Việt Nam yêu nước cần phải noi theo?

                                                                                                                 

                                                            Nhân kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7.11.1917 – 7.11.2007)

                                                                                               Đà Lạt tháng 11 năm 2007

                                                                                                       Mai Thái Lĩnh      

 

Tài liệu tham khảo

- "Sweden",  Encyclopædia Britannica Library from Encyclopaedia Britannica 2005 Deluxe Edition CD-ROM. Copyright © 1994-2003 Encyclopædia Britannica, Inc. (phần lịch sử “History of Sweden” do các tác giả Lennart T. Norman, Henrik Enander, Gudmund Sandvik và Jörgen Weibull viết).

- Histoire de la Suède (bản tiếng Pháp, dựa vào Encyclopédie Hachette) đăng trên website “Memo, Voyager à travers l’histoire”, URL: http://www.memo.fr/

- Các tư liệu về Thuỵ Điển và lịch sử Thuỵ Điển trong Đại bách khoa toàn thư mở Wikipedia (Wikipedia, the free encyclopedia) - bản tiếng Anh và tiếng Pháp,

URL: http://www.wikipedia.org/

- Các tư liệu của Quốc hội Thuỵ Điển trên website “Sveriges Riksdag”,

URL: http://www.riksdagen.se/

- Hal Smith, The Early Swedish Socialists: Utopianism, Lassalleanism, Marxism, Revolutionism, Reformism (Early SAP Final Copy),

URL: http://rakovsky.freehomepage.com/custom2_1.html

(Cần lưu ý là tài liệu này được đăng trên một website của vùng Đông Âu, vì vậy nhiều địa danh có khác so với các ngôn ngữ gốc la-tinh; vd: Erebru thay vì Örebro, Vesteros thay vì Västerås, v.v…)

- Håkan Blomqvist, Den röda tråden. Arbetarrörelsens historia - en alternativ översikt, Stockholm: Roda Rummet, 1989; bản dịch tiếng Anh của Daniell Brandell có nhan đề: The Red Thread (Sợi chỉ đỏ),

URL: http://www.marxists.org/history/international/social-democracy/sweden/red-thread.htm

- Các tư liệu khác về phong trào dân chủ - xã hội Thuỵ Điển (Swedish Social Democracy) đăng trên website “Kho Lưu trữ Mác-xít trên Internet” (Marxists Internet Archive),

URL: http://www.marxists.org

- Tiểu sử của Hjalmar Branting (giải Nobel Hoà bình năm 1921) trên website chính thức của Quỹ Nobel (The Official Web Site of the Nobel Foundation),

URL: http://nobelprize.org/nobel_prizes/peace/laureates/1921/branting-bio.html

- Histoire de la IIe  Internationale

URL: http://www.minkoff-ditions.com/histoire/pages/histoire de la iie internationale.htm

- A. T. Lane, Biographical Dictionary of European Labor Leaders, Greenwood Press, 1995 (mục tiểu sử của Hjalmar Branting)

- Sheri Berman, The Social Democratic Moment: Ideas and Politics in the Making of Interwar Europe, Harvard University Press, 1998

- Ken Polsson, Chronology of Sweden, Last updated: 2007 November 3

URL: http://www.islandnet.com/~kpolsson/swedhis/


[1] Sau cuộc cải cách năm 1866, do những quy định về tài sản hay mức thuế phải đóng hàng năm, chỉ có 21 % số nam công dân trên 21 tuổi được tham gia bầu Hạ viện (tuổi có quyền bầu cử là 25). Xem “The History of Riksdag”, http://www.riksdagen.se/templates/R_Page 798.aspx

[2] Năm 1912, Đảng Lantmanna sáp nhập với Đảng Tiến bộ Quốc gia để trở thành Đảng Nông dân và Tư sản (Lantmanna- och borgarepartie, Farmer and Bourgeoisie Party ), tổ chức này về sau lại sáp nhập vào Tổng Liên đoàn Tuyển cử (General Electoral League) - tiền thân của Đảng Ôn hoà (tức Đảng Bảo thủ) hiện nay.

[3] Tạm dịch là: Hiệp hội Toàn quốc những người có Tư tưởng Tự do, The Freeminded National Association. Frisinnade Landsföreningen chính là tiền thân của đảng chính trị ngày nay có tên là Đảng Nhân dân (Folkpartiet, People's Party), hay còn gọi là Đảng Nhân dân - Tự do (Folkpartiet liberalerna, People's Party - Liberals ).

[4] Tổ chức này về sau đổi tên thành Tổ chức Toàn quốc của Phái Hữu (Högerns riksorganisation, National Organization of the Right, 1938-1952), Đảng phái Hữu (Högerpartiet, The Right Party,1952–1969). Ngày nay là Đảng Liên minh Ôn hoà (Moderata samlingspartiet, The Moderate Coalition Party) hay gọi tắt là Đảng Ôn hoà (Moderaterna, The Moderates).

[5] Đảng Nông dân lúc đầu đi theo phái bảo thủ, nhưng về sau trở thành đồng minh của Đảng SAP (nhất là trong thời gian 1936-1945 và 1951-1957). Từ năm 1957, đổi tên là Đảng Trung tâm (Centerpartiet, Center Party) và ngả dần sang phía hữu.

[6] Tuỳ theo từng nước, từng vùng, các đảng xã hội chủ nghĩa lúc đó thường có tên là xã hội chủ nghĩa (socialist) hoặc dân chủ-xã hội (social democrat), hoặc lao động (labor).

[7] Arvid Lindman trở thành lãnh đạo của Tổng liên đoàn Tuyển cử  (tổ chức lớn nhất của phái Bảo thủ) trong thời gian 1912-1935. Hai lần làm Thủ tướng (1906-1911 và 1928-1930), ông mất vào ngày 9.12.1936 tại Anh trong một tai nạn máy bay.

[8] Để có thể được hưởng quyền bỏ phiếu, phải có thu nhập trên 2000 kronor.

 

[9] Theo tài liệu của Quốc hội Thuỵ Điển, chế độ phổ thông đầu phiếu được ban hành vào ngày 24.5.1919.

[10] Gerhard Louis De Geer (1854-1935) còn được gọi là Louis De Geer con (Louis De Geer Jr., Louis De Geer fils), là con trai của Bá tước Louis De Geer (1818-1896) - người được coi là Thủ tướng đầu tiên của Thuỵ Điển. Ông  là một nhà tự do không đảng phái.

[11] Cần lưu ý là bức điện sử dụng tên gọi  “Quốc tế III” trong lúc Quốc tế Cộng sản chưa chính thức thành lập.

[12] Năm 1923, cùng với một số đảng viên Đảng Dân chủ - Xã hội Cánh tả (SSV) ly khai, Carl Lindhagen trở về lại với Đảng Dân chủ - Xã hội (SAP).

[13] Trong lịch sử phát triển, Saint Petersburg (trong tiếng Nga là Sankt Petersburg) đã từng đổi tên là  Petrograd (1914–24), Leningrad (1924–91), trước khi phục hồi lại tên cũ vào tháng 6 năm 1991, sau kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý ở quy mô thành phố.

[14] Trong tiếng Thuỵ Điển, đường lối này được gọi là đường lối “Giai cấp chống giai cấp” (Klass mot Klass, Class against class).

[15] Trên thế giới, chỉ có hai đảng có thể sánh với Đảng SAP, tuy thành tích không lớn bằng. Đó là Đảng Lao động Na Uy (Det norske Arbeiderparti, Norwegian Labour Party, viết tắt là DNA) – cũng là một đảng dân chủ - xã hội, và Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản ( Liberal Democratic Party, viết tắt là LDP)- một đảng cánh hữu.

[16] Phong trào tự do (liberalism) có từ rất sớm, nhưng phong trào tự do có tổ chức (organized liberalism)

thì lại hình thành muộn hơn. Đây là đặc điểm chung của phong trào tự do ở nhiều nước trên thế giới. Ở Pháp, phong trào đó lại được gọi tên là chủ nghĩa cấp tiến (radicalisme).

[17] Tham khảo : Mai Thái Lĩnh, “Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh, Phần II : Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội",  talawas, 26.2.2007. Cần lưu ý là Phan Châu Trinh dùng chữ “đảng” trong mối liên hệ đến hệ thống chính trị của nước Pháp thời đó, do đó chữ “đảng” không chỉ có nghĩa là “một đảng” mà còn có nghĩa là “một liên minh chính trị gồm nhiều đảng”.

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ