LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm ĐàLạt - Mai Thái Lĩnh

Tự do báo chí, tự do ngôn luận và xã hội dân sự


Mai Thái Lĩnh trả lời phỏng vấn của đài RFA, chương trình 9:00 tối ngày 29-05-2008

(Phóng viên Gia Minh thực hiện)

Hôm nay, cuộc đối thoại thường niên Việt - Mỹ về nhân quyền khai diễn tại Hà Nội. Trước đó 20 ngày, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài gòn đã tới gặp nhóm trí thức tại Đà Lạt để ghi nhận những quan tâm cùng những đề nghị của nhóm này về tình hình Việt Nam. Nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh là một trong những người có mặt tại cuộc gặp Tổng lãnh sự Kenneth J. Fairfax cho biết một số thông tin liên quan cũng như những đề nghị trước tình hình đất nước. (Gia Minh ghi nhận)

Ông Mai Thái Lĩnh : Về cuộc viếng thăm này thì thật ra cũng là hơi bất ngờ đối với anh em chúng tôi. Theo như ông Fairfax nói lại là do ông biết được chúng tôi là những người có bài viết trên Internet về những vấn đề có liên quan đến tình hình Việt Nam cho nên nhân chuyện đi thăm Đà Lạt, ông có ghé thăm anh em chúng tôi.

Gia Minh : Hẳn nhiên là khi đến thăm thì ngoài chuyện hỏi thăm sức khỏe,  thì những điều quan trọng nhất mà ông (ấy) trao đổi là điều gì, thưa ông?

Ông Mai Thái Lĩnh : Điều thứ nhất là ông (ấy) cũng muốn biết qua về tình hình hiện nay của anh em chúng tôi cũng như những ý kiến của chúng tôi về hiện tình của đất nước. Những đề tài mà anh em chúng tôi bàn là xung quanh những vấn đề như : thứ nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, thứ hai là làm sao đế mọi người dân Việt Nam có thể bảo vệ được quyền lợi của mình, thực hiện được các quyền của người dân. Chúng tôi là những người cầm bút. Từ lâu - khoảng từ cuối thập niên 1980, chúng tôi đã phát biểu nhiều về vấn đề tư tưởng. Cho nên đề tài (tập trung) xung quanh những vấn đề đó là chính.

Gia Minh : Phía bên ông Kenneth Fairfax – Tổng lãnh sự Mỹ, thì ông ấy có đề nghị những hỗ trợ gì để quý ông có thể phát triển được những điều quý ông đã đưa ra lâu nay?

Ông Mai Thái Lĩnh : Hiện nay thì vẫn chưa có ý kiến gì cụ thể. Chúng tôi có nêu nhận xét là : so với trước, hiện nay chúng tôi có thể trình bày được ý kiến của mình, chứ không gặp khó khăn lắm như trước. Nhưng tình hình ở Việt Nam thì thực tế cho đến nay, số người sử dụng Internet cũng không có bao nhiêu. Còn về phương diện báo chí công khai và các điều kiện để người dân phát biểu ý kiến của mình thì cũng còn hạn chế. Điều chúng tôi mong muốn là làm sao để mọi người dân Việt Nam có thể phát biểu ý kiến của mình, báo chí được tự do hơn chứ không bị ràng buộc bởi những điều kiện như hiện nay.

Gia Minh : Được biết rằng sắp có cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, thì điều mong muốn của bản thân ông - cũng như của những người cùng chí hướng (với) ông là như thế nào, thưa ông?

Ông Mai Thái Lĩnh : Trong tất cả những bài viết của chúng tôi đều thể hiện quan điểm rằng (trong) cuộc đấu tranh của những người Việt Nam nói chung - cũng như của giới trí thức có quan tâm đến những vấn đề của đất nước nhằm để làm sao mọi người dân đều có được quyền làm chủ, thì cuộc đấu tranh đó là do nhân dân trong nước, do tất cả những người trí thức có quan tâm đến vấn đề, cho nên nỗ lực chủ quan của trong nước là chính. Còn đối với sự hỗ trợ của bên ngoài, của chính phủ các nước hoặc của người Việt ở hải ngoại thì chúng tôi cũng rất hoan nghênh. Thực ra, về cuộc đối thoại về nhân quyền chúng tôi cũng chưa rõ là có tác dụng đến mức nào. Nhưng điều mong muốn của chúng tôi là làm thế nào… thật ra ở Việt Nam, cái thường được gọi là xã hội dân sự - tức là những tổ chức không phải của Nhà nước, do chính người dân lập nên để bảo vệ quyền lợi của mình hoặc để nói lên tiếng nói của mình, thì hiện nay ở Việt nam không phát triển bao nhiêu hết.

Điều chúng tôi mong muốn là :

Thứ nhất, làm sao thật sự có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Và thứ hai là làm sao để tất cả các đoàn thể, các tổ chức của nhân dân,… người dân họ có những nhu cầu sinh hoạt bình thường hoặc họ (thấy cần) phải họp nhau lại, hình thành tổ chức để bảo vệ quyền lợi của mình, thì tôi nghĩ rằng những cái đó trong thời gian sắp tới phải được phát triển. Bởi vì đất nước đã chấm dứt chiến tranh từ lâu, đã vài chục năm rồi, nhưng những sinh hoạt đó của người Việt Nam cũng không được bình thường. Ngay cả những tổ chức như Hướng đạo… trước 1975, ở Việt Nam là một tổ chức rất lớn, nhưng theo như tôi biết thì hiện nay cũng không được chính thức hoạt động.  Mà tổ chức Hướng đạo là một tổ chức hoạt động phi chính trị, nhằm mục đích giáo dục thanh niên, vậy mà cho đến nay theo tôi được biết là cũng chưa được chính thức hoạt động … Có cho phép hoạt động nhưng không công khai, không chính thức, và cũng bị kiểm soát rất nhiều. Mà trong hoàn cảnh của đất nước đang cần sự phát triển thì chúng tôi nghĩ các đoàn thể của nhân dân, những tổ chức như là công đoàn - tức là tổ chức do người công nhân lập ra để bảo vệ quyền lợi của họ, thì chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải cho phép những điều đó.

Từ trái qua phải : Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Tướng Trần Độ, Hà Sĩ Phu,

Trần Minh Thảo, Mai Thái Lĩnh. Ảnh kỷ niệm chụp tại Đà Lạt vào năm 1995.

Gia Minh : Quý ông đã từng viết, đã từng trình bày, nhưng mà có được nghe ngóng đến đâu không ạ?

Ông Mai Thái Lĩnh : Hiện nay chúng tôi thấy tình hình cũng chưa thay đổi được nhiều lắm. Ví dụ như báo chí. Hiện nay báo chí vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, ngay trong việc tham gia chống tham nhũng hoặc tham gia phát biểu về các vấn đề của đất nước. Thì tôi thấy vài trăm tờ báo cũng …thật ra cũng là báo của Nhà nước, của đoàn thể này, đoàn thể kia thì cũng là của Nhà nước, chưa có báo chí tư nhân. Và như vậy thì người dân cũng chỉ (nhận) được những thông tin hạn hẹp.

Ở Việt Nam chưa có chế độ kiểm duyệt báo chí, nhưng thật ra hầu hết các tờ báo đều phải tự kiểm duyệt. Vì nhân sự trong đó cũng đều do bên Đảng và Nhà nước bố trí vào, cho nên họ không bao giờ dám đi ra ngoài quỹ đạo, tự họ họ kiểm duyệt hết. Tôi thấy tình hình như vậy cũng không được tốt lắm, nhất là trong lúc chính Đảng và Nhà nước cũng chủ trương chống tham nhũng. Tôi thấy công cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có hiệu quả gì; một phần là do báo chí chưa được tự do, một phần khác là do các cơ quan có liên quan chưa làm được tốt.

Gia Minh : Cám ơn ông.

Nhóm Thân hữu Đà Lạt biên tập, dựa theo băng ghi âm của đài RFA.

 


LÝ LUẬNN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ