LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm ĐàLạt - Mai Thái Lĩnh

Xã hội dân sự là gì?


Khái niệm “xã hội dân sự”

Căn cứ vào một trong những định nghĩa mới nhất, thì xã hội dân sự  là một khái niệm dùng để chỉ lĩnh vực của những hành động tập thể mang tính tự nguyện xoay quanh những lợi ích, mục tiêu và giá trị được chia sẻ. [1]

Trong mối quan hệ giữa một bên là cá nhân, gia đình và bên kia là nhà nước, xã hội dân sự đóng vai trò trung gian. Mặc dù một số lý thuyết gia thuộc trường phái tự do kinh tế (economic liberalism) muốn xếp thị trường vào lĩnh vực của xã hội dân sự, nhưng xu hướng chung của phần lớn các nhà khoa học xã hội là phân biệt giữa xã hội dân sự và thị trường. Như vậy, xã hội dân sự,  nhà nướcthị trường là ba lĩnh vực khác nhau, mặc dù có quan hệ đan xen với nhau. Trong thực tế, xã hội dân sự thường bao gồm nhiều hình thức tổ chức đa dạng : từ các hội từ thiện có đăng ký, các tổ chức tôn giáo, các hội nghề nghiệp (professional associations), các công đoàn, các nhóm tự giúp (self-help groups)[2] cho đến các phong trào xã hội, các hiệp hội của các nhà kinh doanh (business associations), các nhóm bênh vực (advocacy groups) [3], v.v…

Theo tài liệu của Trường Kinh tế Luân Đôn (LSE) [4] thì thuật ngữ “xã hội dân sự” mặc dù rất thịnh hành trong các thế kỷ 18 và 19, đã bị bỏ quên trong một thời gian khá dài, hay nói đúng hơn, chỉ còn là đối tượng quan tâm của các nhà sử học. Trong vòng nửa thế kỷ, các ngành khoa học xã hội ở phương Tây chỉ lưu tâm đến hai lĩnh vực : thị trường và nhà nước, tựa hồ như con người sống trong một thế giới chỉ có hai khu vực. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Trung và Đông Âu nằm ngoài khả năng dự báo của các nhà khoa học xã hội, và đó là một lý do hết sức quan trọng khiến cho xã hội dân sự trở thành chủ đề trung tâm của các ngành khoa học xã hội ở phương Tây trong vài chục năm gần đây. Cũng từ đây, người ta bắt đầu chú ý đến một khu vực thứ ba nằm giữa thị trường và nhà nước, bao gồm những thiết chế xã hội không phù hợp với cách nhìn lưỡng cực “nhà nước-thị trường”, ví như : các hội tự nguyện, các tổ chức từ thiện, các quỹ tài trợ và các tổ chức phi-chính phủ, v.v…

Mặt khác, việc trở lại với chủ đề xã hội dân sự cũng giúp cho các nhà khoa học xã hội ở phương Tây từ bỏ định kiến về những khái niệm “thị trường” và “nhà nước” hoàn toàn độc lập, không có liên quan gì đến các xã hội và các nền văn hóa bản địa. Điều này giúp họ thấy được những mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và văn hóa, làm thay đổi cách nhìn đối với các nước thuộc thế giới thứ ba. Riêng trong phạm vi của các nước tiên tiến, người ta cũng chú ý nhiều hơn đến vai trò của xã hội dân sự trong việc hoạch định đường lối chính sách, mà tiêu biểu là cuộc Đối thoại Dân sự (Civil Dialogue) do Liên hiệp châu Âu (EU) tổ chức vào thập niên 1990.

Thực tế lịch sử cho thấy trong việc xây dựng một thể chế dân chủ nhằm bảo đảm đầy đủ các quyền tự do căn bản cho mọi người trong xã hội, người ta có thể xây dựng được một hệ thống chính trị tương đối hợp lý, tương đối ưu việt, nhưng vẫn không thể đạt đến một nhà nước tuyệt đối hoàn hảo. Một nhà nước hoàn thiện, toàn bích vẫn là một hình mẫu “lý tưởng“ không bao giờ có thể đạt tới, quyền lực chính trị không bao giờ có thể hoàn toàn trong sạch; do đó sự tồn tại của một xã hội dân sự độc lập với nhà nước vẫn là một giải pháp tốt nhất để bảo đảm cho vai trò làm chủ của người dân. Một nhà nước thật sự dân chủ không thể là một nhà nước toàn năng, bao biện, can thiệp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà phải biết tự hạn chế phạm vi quyền hạn của mình và giành cho xã hội dân sự một địa vị xứng  đáng. Bằng cách đó, quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự mới có thể là quan hệ hài hòa, hợp tác với mục tiêu chung là phục vụ cho công ích nhưng cũng đồng thời bảo đảm các quyền tự do căn bản của người dân và của con người nói chung.

Khái  niệm “xã hội dân sự” áp dụng vào Việt Nam

Chế độ chính trị đang tồn tại ở Việt Nam là một chế độ toàn trị (, totalitarisme) thoát thai từ chuyên chính vô sản. Cho đến nay, mặc dù về kinh tế Việt Nam đã tiến những bước dứt khoát sang hướng kinh tế thị trường, nhưng về chính trị hầu như chưa có những thay đổi căn bản. Đảng cộng sản sau hơn hai thập niên “đổi mới” vẫn là một Đảng độc quyền, lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối.

Một trong những đặc điểm của hệ thống chính trị “chuyên chính vô sản” là Đảng cộng sản đóng vai trò trung tâm, chi phối toàn bộ các sinh hoạt xã hội. Đảng là quyền lực tối cao, điều khiển hai nhánh khác là nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Như vậy Đảng không những nắm Quốc hội, Chính phủ, bộ máy tư pháp, công an, quân đội mà còn nắm tất cả các tổ chức quần chúng như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Công đoàn,v.v… Nói cách khác, Đảng vừa nắm nhà nước, vừa nắm xã hội dân sự. Trong hoàn cảnh đó, cần phải tìm một định nghĩa thật chính xác, khoa học để xác định thế nào là một tổ chức phi-chính phủ (non-governmental organization, N.G.O.) nếu không muốn rơi vào tình trạng mơ hồ, lẫn lộn .

Không kể đến những trường hợp đảng viên tham gia vào các tổ chức phi-chính phủ với tư cách cá nhân, điều cần làm rõ hơn cả là “sự lãnh đạo của Đảng” đối với các tổ chức này. Chính vì Đảng luôn luôn muốn vươn cánh tay rất dài của mình để can thiệp vào xã hội dân sự cho nên người ta thường chứng kiến những hiện tượng hết sức kỳ quái, những hoàn cảnh dở khóc dở cười. Như trường hợp một số vị lãnh đạo Đảng ở cấp tỉnh hay cấp huyện sau khi về hưu vẫn tiếp tục “cống hiến” bằng cách đảm nhiệm các chức vụ trong các tổ chức của xã hội dân sự như: hội trưởng hội làm vườn hay chủ nhiệm câu lạc bộ trồng hoa, hội trưởng hội võ thuật hoặc trưởng ban bảo trợ đội bóng đá, v.v… Thậm chí cả chuyện tang ma, nhiều khi Đảng cũng không chịu để yên cho người dân mà vẫn “tận tình” can thiệp. Và trong hầu hết mọi trường hợp, những đảng viên tiến hành những sự can thiệp “mất lòng dân” đó hoàn toàn không phải do ý muốn cá nhân mà là do sự phân công của “tổ chức”.

Ở Việt Nam, quyền lực của Đảng là quyền lực tuyệt đối, không bị thách thức bởi bất cứ quyền lực nào khác - kể cả nhà nước. Để thực hiện quyền lãnh đạo của mình, Đảng đã tùy tiện đặt ra những quy định hết sức kỳ quái như : hiệu trưởng một trường đại học tư, chủ nhiệm một hiệp hội nghiên cứu khoa học, thậm chí lãnh đạo của một tổ chức từ thiện, v.v…phải là đảng viên. Trong trường hợp cần phải dành vị trí ấy cho những nhân vật “không - đảng” nhưng lại có uy tín, thì Đảng giả vờ nhượng bộ để được tiếng là tôn trọng hiền tài, “cởi mở” đối với trí thức. Nhưng mặt khác, Đảng lại tìm cách cài cho bằng được một vài đảng viên vào cơ quan lãnh đạo hay ban chấp hành của tổ chức đó để bảo đảm “sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng”. Do đó, sự xuất hiện của một đảng viên, một tổ đảng hay một chi bộ trong một tổ chức của xã hội dân sự không thể coi là chuyện bình thường, bởi vì đó có thể là bước đầu tiên trong quá trình làm “biến chất“ tổ chức đó thành một thứ tổ chức nhà nước hoặc nửa-nhà nước nhằm bảo đảm “sự lãnh đạo của Đảng”.

Chúng ta có thể nêu ra hai trường hợp để hiểu rõ thêm về các tổ chức được mệnh danh là phi – chính phủ. Trường hợp thứ nhất là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (thường gọi tắt là Mặt trận). Bất cứ ai đã từng tham gia hoặc trực tiếp điều hành Mặt trận đều biết rõ đây là một tổ chức của Đảng, ăn lương của Đảng và phục vụ cho Đảng. Mặt trận không do ai bầu ra bằng phiếu kín mà hình thành bằng con đường “hiệp thương”, một cách thức sắp xếp mà quyền chủ động thuộc về Đảng. Số lượng ủy viên Mặt trận thì rất đông và thuộc nhiều thành phần, nhưng phần lớn đều là những người tham gia đi họp “xuân thu nhị kỳ”, vô thưởng vô phạt, quyền rơm vạ đá. Riêng bộ phận thường trực điều hành Mặt trận lại bao gồm những người được lựa chọn rất cẩn thận và được chỉ đạo trực tiếp bởi một ban của Đảng có tên là Ban Dân vận (hoặc Ban Dân vận - Mặt trận). Mặt trận thường đóng vai trò mang tính hình thức, không có quyền lực thực chất, đến nỗi nhiều cán bộ Mặt trận gọi đùa đó là cơ quan “đưa Mặt ra chịu Trận”. Nhưng khi cần thiết, Mặt trận lại được trao trách nhiệm rất lớn, thực hành những công tác rất quan trọng như : tổ chức các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, trong đó có việc chọn lựa các ứng cử viên, sắp xếp ứng cử viên vào các đơn vị bầu cử, tổ chức bỏ phiếu và kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử, v.v… Tất nhiên, quyền và trách nhiệm đó không phải của bản thân Mặt trận mà chỉ là quyền lực của Đảng được thực hiện thông qua Mặt trận.

Trong thực tế, đã từng có không ít “ứng cử viên” bị người dân địa phương phản đối về tư cách đạo đức hoặc chê bai về trình độ nhưng vẫn được ứng cử và trúng cử dễ dàng vì được Mặt trận “di dời” nhẹ nhàng sang một đơn vị bầu cử khác – nơi mà cử tri không biết ất giáp gì về nhân thân và thành tích công tác của đương sự. Ngược lại, mỗi khi Đảng muốn gạt bỏ một ứng cử viên vì một lý do nào đó thì Mặt trận cũng dễ dàng loại trừ người đó bằng cách lặng lẽ “vận động” cử tri gạch tên trên lá phiếu bầu hoặc gọn ghẽ hơn nữa, “vận động” quần chúng trong tổ dân phố hay trong cơ quan bác bỏ tư cách ứng cử viên của đương sự ngay từ vòng ngoài. Phương thức “Đảng cử, dân bầu” đó làm người dân chán ngấy, nhưng do không thể thay đổi được tình hình nên mỗi khi bị bắt buộc đi bỏ phiếu thì họ thường làm qua loa chiếu lệ để tránh rắc rối với chính quyền. Với những thủ thuật quen thuộc đó, các cuộc bầu cử đáng lẽ phải nghiêm túc, trung thực lại biến thành trò chơi trong tay Đảng, mà tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm chính là cơ quan “đưa Mặt ra chịu Trận”.

Vào giữa năm 2006, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng “Viện Những vấn đề phát triển” ( VIDS) nhận định : “Theo quan niệm đó thì ở Việt Nam Mặt trận Tổ quốc là tổ chức xã hội dân sự lớn nhất, bao gồm các đoàn thể (công đoàn, phụ nữ, thanh niên, nông dân...), hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ...”[5] 

Mệnh đề “Mặt trận Tổ quốc là tổ chức xã hội dân sự lớn nhất” là một mệnh đề phi khoa học, không căn cứ vào thực tế. Mệnh đề này che giấu một sự thật : Mặt trận không phải là một tổ chức do chính người dân lập ra, cũng không sống bằng cách tự gây quỹ hay do dân đóng góp, mà là một cơ quan do Đảng lập ra, sống bằng ngân sách của nhà nước và được điều hành bởi những cán bộ do Đảng bổ nhiệm. Nói cách khác, Mặt trận chính là một cơ quan nhà nước hoặc nửa – nhà nước nấp dưới hình thức của xã hội dân sự và có tham vọng bao trùm toàn bộ xã hội dân sự.

Trường hợp thứ hai là công đoàn. Công đoàn trên thế giới là tổ chức do công nhân lập ra để bảo vệ quyền lợi của chính họ. Cán bộ công đoàn sống nhờ vào quỹ do công nhân đóng góp hoặc tạo ra. Các công đoàn cơ sở kết hợp lại thành tổ chức công đoàn cấp trên, thậm chí có quy mô toàn quốc và có quan hệ quốc tế, nhưng công đoàn không phải là tổ chức của nhà nước. Ở một số nước (như Hoa Kỳ), công đoàn hoạt động hoàn toàn phi-chính trị. Ở một số nước khác (như ở Anh và các nước Bắc Âu), các tổ chức công đoàn lớn thường là chỗ dựa của các đảng dân chủ -xã hội trong cuộc cạnh tranh để giành các ghế đại biểu trong Quốc hội hay trong các hội đồng dân cử ở địa phương. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, công đoàn vẫn giữ quy chế độc lập với nhà nước, và trong một mức độ nào đó, độc lập cả với đảng chính trị mà nó ủng hộ (mặc dù đây là những đảng chính trị trong một môi trường chính trị tự do cạnh tranh chứ không phải là một Đảng độc quyền về mặt chính trị). Nói cách khác, công đoàn thuộc phạm vi của xã hội dân sự.

Riêng ở Việt Nam, công đoàn có nguồn gốc từ các công hội đỏ, thực ra không sinh ra từ nhu cầu tự nhiên của công nhân (nhu cầu bảo vệ quyền lợi của công nhân) mà sinh ra từ nhu cầu chính trị (giúp Đảng cộng sản giành chính quyền). Do đó sau khi thành lập chuyên chính vô sản, các công đoàn chỉ làm nhiệm vụ giúp cho Đảng và chính quyền quản lý, kiểm soát công nhân chứ không phải để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Các cán bộ công đoàn không trưởng thành từ phong trào đấu tranh của công nhân mà do Đảng bổ nhiệm; họ thường xuất thân từ “cán bộ phong trào” (tức cán bộ hoạt động trong các đoàn thể do Đảng lập ra như Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ,…) hoặc là cán bộ điều động từ các cơ quan chính quyền, cơ quan Đảng, thậm chí từ quân đội và công an. Cần nói thêm là ở Việt Nam, tư cách đảng viên là một thứ chìa khóa vạn năng (passe-partout). Một khi đã là đảng viên thì có thể làm được bất cứ nghề gì, giữ được bất cứ chức vụ nào!

Mang danh công đoàn nhưng thực chất là một tổ chức chính trị của Đảng, và vì Đảng độc quyền nắm quyền lực chính trị cho nên công đoàn trở thành một thứ tổ chức nhà nước hoặc nửa – nhà nước (người dân thường gọi nôm na là công đoàn “quốc doanh”). Đó là lý do giải thích tại sao từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, hàng loạt các cuộc đình công xảy ra đều là đình công bất hợp pháp. Lý do rất đơn giản : công nhân bất tín nhiệm công đoàn và cán bộ công đoàn “chính thức”, trong khi họ lại không được quyền thành lập công đoàn và bầu ra những người đại diện cho mình. Do đó, phong trào công đoàn thiếu hẳn những người hay tổ chức có đủ thẩm quyền và uy tín để đại diện cho công nhân trong việc điều đình với giới chủ.

Như vậy, ở Việt Nam, khái niệm “tổ chức phi-chính phủ” (nongovernmental organization, N.G.O.) là một khái niệm mơ hồ, không rõ nghĩa. Một tổ chức phi-chính phủ nhưng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì cũng chỉ là một tổ chức chính quyền trá hình hoặc là một tổ chức nửa – chính quyền trá hình. Cần phải thay thế bằng một định nghĩa khác : một tổ chức phi-chính phủ thật sự phải là một tổ chức vừa phi-chính phủ, vừa phi-đảng.

Đã đến lúc cần phải điều chỉnh lại câu khẩu hiệu : “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Bởi vì nếu cái gì cũng do Đảng lãnh đạo thì nhân dân còn cái gì để làm chủ? Để nhân dân có thể làm chủ, Đảng phải tự hạn chế sự lãnh đạo của mình và cho phép xã hội dân sự được phục hoạt dưới sự quản lý của Nhà nước. Nhưng Nhà nước phải quản lý xã hội dân sự bằng pháp luật công khai, rõ ràng, đặt dưới sự giám sát của người dân chứ không phải bằng một thứ pháp luật tùy tiện, được “vận dụng” một cách co giãn bởi một thiểu số nắm quyền lực.

Cho phép phục hồi xã hội dân sự chính là tiêu chí đánh giá “thiện chí” của Đảng cộng sản trong thực tâm dân chủ hóa đất nước. Bằng không thì từ ngữ “của dân, do dân và vì dân” chỉ là sự dối trá, một sự dối trá có dụng ý nhằm che đậy dã tâm tước đoạt các quyền tự do căn bản của người dân và bảo vệ cho một bộ máy nhà nước tham nhũng - một bộ máy nhân danh nhân dân để đè đầu cưỡi cổ nhân dân.

Để chuyển hóa một chế độ toàn trị trong đó xã hội dân sự đã bị ”chính trị hóa” đến mức tối đa thành một chế độ thật sự dân chủ, chúng ta phải tiến hành một quá trình “phi-chính trị hóa” xã hội dân sự. Quá trình đó là sự khởi đầu thật sự cần thiết nhằm nâng cao dân trí, tập dượt cho người dân cách thức làm chủ bản thân, làm chủ xã hội. Dân trí chỉ có thể được nâng cao trong quá trình thực hiện dân quyền (tức là quyền công dân và quyền con người, ngày nay chúng ta thường gọi là nhân quyền). Và thực hiện dân quyền chính là bước tập dượt để chuyển đổi một thể chế mà Đảng làm chủ trở thành một thể chế trong đó dân làm chủ. Đó chính là cốt lõi của “tư tưởng Phan Châu Trinh” được vận dụng vào điều kiện mới, hoàn cảnh mới.

Con đường nâng cao dân trí, thực hiện dân quyền đó chính là con đường phục hoạt xã hội dân sự dựa trên nguyên tắc : cái gì là của dân, phải trả lại cho người dân!

Đà lạt, 19.8.2008

MAI THÁI LĨNH


[1] Định nghĩa của Trung tâm Xã hội Dân sự (Centre for Civil Society, CCS) thuộc Trường Kinh tế Luân Đôn  (LSE) :

http://www.lse.ac.uk/collections/CCS/what_is_civil_society.htm

[2] Nhóm tự giúp (self-help group) là một tổ chức được hình thành bởi những người có cùng chung một vấn đề hay có cùng một hoàn cảnh, tập hợp nhau lại để cùng nhau góp vốn hay thu thập thông tin và hỗ trợ, chăm sóc lẫn nhau. Một trong những nhóm tự giúp nổi tiếng là Hội Những người nghiện rượu Nặc danh (Alcoholics Anonymous) ra đời ở Hoa Kỳ trong thập niên 1930.

[3] Nhóm bênh vực hay nhóm biện hộ (advocacy group) là một nhóm vận động xã hội nhằm hỗ trợ cả về vật chất lẫn về mặt pháp lý cho những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống (vd : người tàn tật, người bị bệnh tâm thần, v.v…).

[4] Trường Kinh tế Luân Đôn (London Economic School, LSE) do Hội Fabian thành lập vào năm 1895, ngày nay thuộc hệ thống của Viện Đại học Luân Đôn (University of London). Đây là một trong những trường hàng đầu thế giới về kinh tế học và các khoa học xã hội. Trong số các cựu giáo sư và cựu sinh viên của trường, có 15 người đoạt giải Nobel và hơn 40 người là nguyên thủ quốc gia hay đứng đầu các chính phủ  trên thế giới. Cố Tổng thống J.F. Kennedy của Hoa Kỳ và nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu của Singapore đã từng học ở trường này.

[5] “Đừng sợ xã hội dân sự”, Tuổi Trẻ Online, Chủ Nhật, 21/05/2006.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=138839&ChannelID=3

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ