LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm ĐàLạt - Mai Thái Lĩnh

Ông Mai Thái Lĩnh bị tạm hoãn xuất cảnh


Ở một thế kỷ nọ chim sẻ nắm quyền chi phối bầu trời. Chúng chỉ biết bay xuống sân mổ thóc nên không hiểu nổi chim Hồng chim Hộc bay cao bay xa để làm gì, bèn ra lệnh khóa đôi cánh của loài chim đó. Chim Hồng chim Hộc cười bảo: Ta bay cao đâu phải chỉ do đôi cánh. Thế rồi hai vị chúa tể về bay này hóa phép thành các nhà Điện toán, chế ra đôi cánh Internet thiên thần, chuyên giúp những loài bị phép cấm bay. Loài người không có cánh, cũng nhờ thế mà được ăn theo. Vì thế ngày nay ta dùng động từ “lướt Web” là để tưởng nhớ động thái “lướt cánh” của chim Hồng chim Hộc ngày xưa vậy. 

                                                                                       Hà Sĩ Phu

Thư khiếu nại của ông Mai Thái Lĩnh về việc bị tạm hoãn xuất cảnh

Sáng ngày 10.7.2009, tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Mai Thái Lĩnh chuẩn bị lên máy bay để đi du lịch thăm thân nhân tại Hoa Kỳ và Canada thì bị Đồn Công an Cửa khẩu chặn lại không cho phép xuất cảnh và “tạm thu” hộ chiếu. Bauxite Việt Nam xin đăng thư của ông Mai Thái Lĩnh gửi ông Bộ trưởng Bộ Công an cùng những tài liệu liên quan để bạn đọc hiểu thêm về vụ việc này.

1) Thư khiếu nại của ông Mai Thái Lĩnh

Đà Lạt ngày 15.7.2009

Kính gửi: Ông Bộ trưởng Bộ Công an Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Đồng kính gửi:

- Ông Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
- Ông Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
- Ông Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Kính thưa Quý Ông,

Tôi là: MAI THÁI LĨNH, sinh năm 1946 tại Lâm Đồng, nhà giáo nghỉ hưu, nhà nghiên cứu độc lập, nhà báo tự do; hiện đang cư trú tại số nhà 31 đường 3 Tháng 2, Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng;

Kính gửi lá thư này đến Quý Ông để nhờ giải đáp một số thắc mắc như sau:

Sáng ngày 10.7.2009, tại sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đã chuẩn bị lên máy bay để đi du lịch thăm thân nhân tại Hoa Kỳ và Canada thì bị Đồn Công an Cửa khẩu lập biên bản không cho phép tôi xuất cảnh và “tạm thu” hộ chiếu số B3037780 mang tên tôi, dựa trên “khoản 6, điều 21, Chương IV tại Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/08/2007 của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam” (xem bản sao biên bản đính kèm). Nội dung của khoản 6, điều 21 đó là: “Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:… 6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.”

Cũng căn cứ vào nội dung của Nghị định nói trên, việc quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 6 Điều 21 thuộc thẩm quyền của ông Bộ trưởng Bộ Công an (xem điểm d, khoản 1, điều 22 của Nghị định).

Khoản 2 của điều 22 cũng quy định như sau: “Các cơ quan có thẩm quyền nêu tại các điểm a, b, c, d, khoản 1 Điều này khi quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an, nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh, để thực hiện. Khi hủy bỏ quyết định đó cũng phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an để thực hiện.”
Tôi xin được giải đáp một số thắc mắc có liên quan:
1) Ngày 1.4.2009, khi ông Nguyễn Lê Minh, Phó Trưởng Phòng, thừa lệnh Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, ký vào hộ chiếu số B3037780 mang tên tôi, rõ ràng là: công dân Mai Thái Lĩnh không thuộc diện “công dân Việt Nam chưa được xuất cảnh” quy định tại khoản 6, điều 21 của Nghị định.
Vậy vì lý do gì mà đến ngày 10.7.2009, tôi lại bị xếp vào diện những người chưa được phép xuất cảnh vì “lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”? Tự xem xét những việc làm trong thời gian đó để có thể bị quy vào nội dung trên, tôi thấy chỉ có việc ký tên vào bản kiến nghị bauxite do giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn và giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng chủ xướng (tôi là người ký tên thứ 37 trong danh sách 135 người ký đợt đầu tiên). Đề nghị ông Bộ trưởng vui lòng trả lời câu hỏi: Phải chăng việc tôi tham gia đấu tranh để dừng dự án bauxite tại Tây Nguyên là lý do khiến tôi bị xếp vào diện “những người chưa được phép xuất cảnh”? Nếu không vì lý do đó thì vì lý do nào khác?
2) Xin Quý Ông vui lòng giải đáp: “thời hạn chưa được xuất cảnh” (như quy định của khoản 2 điều 22 nói trên) trong trường hợp của tôi là bao lâu? Và đến khi nào Bộ Công an hủy bỏ quyết định đó? Tôi nay đã 63 tuổi, nếu một lúc nào đó cần phải khẩn cấp ra nước ngoài để chữa bệnh thì tôi phải xử trí thế nào?
3) Khoản 3 điều 22 có quy định: “Cơ quan nào quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh.” Tại sao trong trường hợp của tôi, Bộ công an không hề thông báo cho tôi bằng văn bản mà lại “thông báo” một cách đột ngột như vậy? Tôi đang bị điều tra về “tội phạm” gì, hoặc vì “lý do an ninh” gì ghê gớm đến mức Quý Ông hoàn toàn giữ kín quyết định thu hồi hộ chiếu cho đến tận phút chót – nghĩa là khi tôi chuẩn bị bước lên máy bay, khiến tôi trở tay không kịp, gây ra sự sửng sốt và lo âu trong gia đình tôi và cả gia đình của những người thân của tôi tại hải ngoại?
4) Khoản 4 của điều 22 quy định: ”Người quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.” Vậy ai là người chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại về vật chất, tình cảm và tinh thần mà gia đình tôi và tất cả những người thân của tôi phải gánh chịu? Trong trường hợp tôi cần kiện người này thì kiện ở đâu và ai là người xét xử?
Kính mong Quý Ông vui lòng giải đáp sớm những câu hỏi nêu trên, để tôi có thể giải thích cho người thân và bạn bè hầu giải tỏa những ưu tư thắc mắc nhân vụ tôi bị đối xử một cách tùy tiện, bất nhất và kém phần lịch sự vào sáng ngày 10.7.2009 vừa qua ngay tại phi trường lớn nhất của đất nước – một cửa ngỏ mang tính tiêu biểu của quốc gia đối với kiều bào và khách quốc tế.
Xin kính chào Quý Ông. Kính chúc Quý Ông sức khỏe và sự sáng suốt.
Kính thư,
MAI THÁI LĨNH (đã ký tên)

2) Biên bản tạm hoãn xuất cảnh do Đồn Công an Cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất lập

 

3) Hộ chiếu của ông Mai Thái Lĩnh

 

 

4) Visa của ông Mai Thái Lĩnh do hai Tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ và Canada cấp

Visa do Tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ cấp

Visa do Tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ cấp


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ