LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Người Quan Sát

Một Quan Điểm Đáng Trân Trọng


Nhân đọc bài viết “Cần được xem xét lại”  trên web Thông Luận ngày 13/06/2006 của “người quan sát” do Phạm Đỉnh trích đăng, xin mạo muội nêu lên một số cảm nhận cá nhân sau đây:

Là một độc giả lâu năm của Thông Luận, mỗi khi đọc được một bài viết giá trị mà không thấy đề tên thật của tác giả, tôi thường có thói quen phán đoán tác giả của bài viết là ai? (là người hiện ở trong hay ngoài nước, tên tuổi của họ và những biến cố trong xã hội gắn liền với họ...). Từ sự phỏng đoán này để biết được lập trường quan điểm của họ và hiểu được tư tưởng của họ thể hiện lồng ghép qua bài viết đó.

Nội dung đáng quan tâm nhất là đoạn thư trả lời của “người quan sát” (NQS) đánh giá về cục diện phong trào dân chủ trong nước. Đúng như lời giới thiệu của Phạm Đỉnh, với những người từng đọc nhiều bài viết của các nhà dân chủ hàng đầu trong nước thì chẳng khó khăn gì đề nhận ra “người quan sát” là ai.

Khi đọc đoạn thư này, bỗng nhiên gợi nhớ cho tôi về một thư điện tử gửi anh Nguyễn Gia Kiểng và anh Đỗ Mạnh Tri được viết vào khoảng đầu năm 2000 mà sau này được nhiều người chuyển cho nhau tham khảo. Cũng với văn phong nhẹ nhàng, tinh tuý ấy; lối ví von dí dỏm mà thâm thuý; cách đặt vấn đề gián tiếp một cách khái quát nhưng cũng rất thực tế và cụ thể... quả thực một người có bút pháp như ông ở VN hiện nay không có được mấy người.

Chúng ta có thể thấy ngay điều đó khi đọc những lời dẫn nhập của ông, có lẽ đã là thói quen riêng, ông chẳng bao giờ trả lời vấn đề một cách trực tiếp cả. Ông viết: “Những thắc mắc của hải ngoại...mà một người thần kinh bình thường nào cũng phải đặt ra”. Đúng vậy, với những thắc mắc gợi ý mà ông “N” nêu ra trong đoạn thư hỏi, ngay từ những con chữ đầu tiên NQS đã không hề lảng tránh.

Thế nhưng, trong suốt đoạn thư ông viết sau đó, lại hầu như không đả động gì đến những gợi ý cụ thể của người nêu câu hỏi.

Là một người sống trong nước, chứng kiến khá đầy đủ về cục diện phong trào dân chủ, tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của NQS khi đánh giá về tình trạng dân chủ trong nước như “một bức tranh hỗn tạp và giàu tính thủ đoạn”. Mạo muội tác giả NQS, tôi xin diễn giải những hiểu biết của mình từ thực tế trong nước đã được ông khái quát một cách cô đọng trong đoạn thư như sau:

Qua 05 điểm mà NQS nêu lên để mọi người phân biệt đã gián tiếp đánh giá rất chính xác về những sai lầm mà các nhà dân chủ trong nước đang ngày một sa lầy.

Trong suốt thời gian qua, những người yêu dân chủ trong và ngoài nước đã chứng kiến khá nhiều tấn hài kịch về phong trào dân chủ, có thể lấy cái mốc đầu tiên là sự “ra đời” của “Hội chống tham nhũng”(tên đầy đủ là “Hội nhân dân VN ủng hộ Đảng chống tham nhũng”). Người ta đã trông đợi một tổ chức với đúng tên gọi của nó, mong đợi tổ chức này quy tụ được những con người có lương tâm trong sáng, nhân cách thanh cao để đáp ứng được mục tiêu mà hội và những người khởi xướng hô hào, kêu gọi. Thế nhưng hội này cũng chẳng đi đến đâu khi hai người được gọi là “đại diện” bị công an CSVN cho vào “nhà đá”. Phong trào dân chủ trong nước sau đó tiếp tục trồi sụt như những đợt thuỷ triều theo đúng với bản chất tự nhiên vốn có của nó. Các nhà dân chủ trong nước tạm lắng trong một thời gian để rồi tiếp tục chứng kiến những tấn hài kịch tiếp theo... sự ra đời của “Phong trào dân chủ Việt Nam” (PTDCVN, lúc đầu còn được đặt tên là “Phong trào dân chủ VN thống nhất”). Khi mới manh nha hình thành, PTDCVN cũng đã được long trọng hoan nghênh, và được chào đón nồng hậu bởi những tấm lòng vô tư trong sáng với đất nước. Có lẽ những người phát động cho PTDCVN đã khá khôn ngoan khi nắm bắt được nguyện vọng thiết tha của những người yêu dân chủ, bởi tâm lý “ngại va chạm” mà có rất ít người dám đứng lên nói ra tiếng nói lương tri ngay thẳng của mình. Khi PTDCVN “ra đời” với sự quảng bá quy mô, rầm rộ trên các phương tiện thông tin, nhất là trên mạng internet, nhiều người đã hết lời ca tụng và tiếp tục trông đợi... Thế nhưng, đúng như nhận xét của NQS “cần phân biệt sức mạnh thực chất của một phong trào với sự “đại ngôn”, rùm beng tuyên bố, những màn trình diễn đánh đúng khao khát của tình hình”... PTDCVN dần dẫn cũng bị mọi người nhận ra đó là thứ “dân chủ cuội”, xa rời thực tế và tự đào thải nó.

Sự xuất hiện bản “Tuyên ngôn dân chủ 2006” ngày 08/04/2006 trong bối cảnh nhiều người yêu dân chủ đã chán chường mệt mỏi, thêm vào đó là sự công bố bản “tuyên ngôn thứ 2” sau đó không lâu, khiến nhiều người cảm thấy ngán ngẩm khi nhìn nhận lại thực trạng phong trào dân chủ Việt Nam. Dù cho các nhà dân chủ trong nước có ra sức tuyên truyền để khoả lấp những tồn tại ung nhọt của phong trào dân chủ trong nước thì “một người thần kinh bình thường” (nói theo cách nói của NQS) cũng đủ để nhận ra rằng phong trào dân chủ trong nước đang rất rệu rã. Nhưng trong lúc này đây, những nhà dân chủ trong cuộc đã không tỉnh táo nhận ra khiếm khuyết của mình cho đúng với thực chất của nó, họ đã không những không nhìn nhận lại mình để chấn chỉnh mà còn hô hào cho sự “ra đời” một “sản phẩm” mới... “Khối 8406”. Đến lúc này thì sự ủng hộ chỉ còn là những người thiếu hiểu biết, những người quá cực đoan, hằn học với chế độ CS nên số lượng rất ít. Đa phần những nhà dân chủ thực thụ đã tỉnh táo đứng sang một bên, mặc cho đám cực đoan cứ việc hò hét cho khản giọng, tự tạo ra cho họ không khi sôi động nửa thực nửa hư. Các nhà dân chủ thực thụ thừa hiểu rằng làm chính trị như thế thì chẳng thể nào có kết quả được và cái danh sách dài dằng dặc những người ủng hộ cũng chỉ là những cái tên ảo được lồng ghép xen lẫn trong những cái tên, những gương mặt đã quá quen thuộc, không có ý nghĩa, không còn giá trị. Để “bảo vệ” cho các cái tên “ảo xen lẫn thực” khỏi sự “làm phiền” của chính quyền, người khởi xướng đã lấy thân mình ra để “hăm doạ”. NQS viết: “Khi “tướng” lâm nguy thì có hàng ngàn quân bảo vệ, thế mới là một phong trào có thật, trái lại chỉ lo khi một quân nào đó bị lâm nguy thì đích danh “tướng” phải tuyệt thực để bảo vệ thì...cũng là điều trái ngược lắm” quả là chí lý. Tôi chợt liên tưởng đến những tình tiết trong một cuốn tiểu thuyết mà tôi đã đọc thời còn trẻ: khi người con gái nọ quyết tâm đến với một người con trai nhưng bị cha mẹ cô ngăn cấm, cô ấy đã “doạ” đấng sinh thành của mình là “sẽ chết”, thế nhưng đấng sinh thành của cô đâu dễ dàng nhượng bộ (thời phong kiến mà), họ đã giam lỏng cô trong nhà, đợi tìm rể “môn đăng hộ đối” cho phù hợp với gia phong, đạo lý gia đình(thời điểm đó).

Gần đây nhất là sự “ra đời” (cũng vẫn là “sự ra đời”) của “Đảng Dân chủ VN” (còn gọi là “Đảng dân chủ XXI”). Đến nước này thì những người yêu dân chủ trong và ngoài nước đã quá chán nản với sự hô hào phô trương ấu trĩ kiểu “con nít”. Sự cho ra đời đã là một sự bất bình thường, những người đẻ ra nó lại càng ngớ ngẩn. Ông Tổng thư ký (TTK) là người khởi xướng, liền sau đó ôm ngay chức vụ cao nhất. Với chức danh tự phong, ông chỉ định các chức danh cho nội các (01 tướng và 03 lính) của ông, để tạo dấu ấn để đời, ông liền ra ngay một “quyết định” đầu tiên chỉ định bầu 15 “uỷ viên trung ương Đảng” (tôi vẫn chưa biết ông kiếm đâu ra thêm 11 người nữa, ở hải ngoại chăng), giao cho một người mà uy tín đang đứng sau một đứa bé ba tuổi đảm nhận chức danh “thường trực”... thật nực cười. Ngay cả anh chàng kỹ sư trẻ ở Sài Gòn cũng đã kịp nhận thức ra cái lố bịch này để giang ra, không liên can gì đến cái đảng dở hơi này nữa.

Nhiều người bảo rằng: mấy ông này thật không còn việc gì để làm nên bày ra nhóm này, nhóm kia, tổ chức này, tổ chức kia rồi cứ thế tâng bốc, ca ngợi nhau. Tỉ dụ như sau khi ông TTK đảng “Dân chủ VN” công bố phục hoạt đảng, “khối 8406” cũng muốn thể hiện mình bằng việc lên tiếng ủng hộ. Ngặt một nỗi, xưa này, qua 3-4 bản kháng thư của khối 8406, những người đứng tên đại diện cho khối lại sờ sờ có cái tên quen quen của ông TTK nọ, thế là để đỡ “ngượng” khối này đã “bốc” tên ông ra, nhưng sau đó trong bản kháng thư kế tiếp lại “nhét” tên ông TTK vào. Đến nay, có lẽ cái khối 8406 “ảo” này đã ý thức được sự kệch cỡm này nên vĩnh viễn gạch tên ông TTK ra khỏi danh sách khối 8406, để ông về rảnh rang mà lo cho cái đảng của ông.

Phỏng đoán về tuổi thọ của đảng “Dân chủ VN” của ông TTK, nhiều người cho rằng có lẽ nó sẽ không thọ hơn ông TTK là mấy. Bởi lẽ, đặt giả thuyết: sau khi ông TTK qua đời, mọi sự điều hành tổ chức đảng này sẽ được truyền lại cho ai? Ông nhà văn?- khó có thể vì ông nhà văn này chỉ quen làm “văn nghệ sỹ”, nay bắt ông phải làm chính khách chắc ông kham không nổi, mà hình như ông từng tuyên bố quan điểm của mình là chỉ đóng vai trò người ủng hộ chứ ông không màng gì đến chính trường cả... ông luật sư thì còn quá trẻ để có thể quy tụ quần chúng, xưa nay mọi người biết đến ông chỉ là “người được việc”, nghĩa là ông này chỉ phù hợp với các vai trò trợ lý, giúp việc chứ đứng đầu một cái gì đó thì xem ra  ông không có “cái tướng”, “cái mệnh” ấy... Vậy, còn lại ông giáo sư Sài Gòn, ông này hăng hái thật, thế nhưng sự hăng hái của ông, những người dân chủ trong nước nhìn nhận đó chỉ là tính hung hăng cá nhân, ông này chỉ được cái “to mồm”. Thế nhưng cái sự “to mồm” của ông gần đây xem ra không còn phát huy tác dụng được nữa, bởi những việc làm khuất tất của ông. Người ta cười xót xa khi nghĩ tới việc một con người mà uy tín đã ở mức tận cùng của cái sự “mất uy tín” lại đứng đầu một tổ chức đảng thì tương lai cái đảng ấy sẽ đi về đâu?

Xin được bàn thêm về những người đứng sau lưng ủng hộ đảng “Dân chủ VN”. Có lẽ ai cũng biết đằng sau ông TTK, ông Phó TTK là tổ chức đảng “Nhân dân hành động” do ông Nguyễn Sỹ Bình đứng đầu, hiện ở Mỹ. Hơn ai hết, những người yêu dân chủ ở hải ngoại sẽ là người có câu trả lời đúng nhất cho các vấn đề thắc mắc được nêu ra sau đây:

1-    Tại sao ông Nguyễn Sỹ Bình và ông Nguyễn Xuân Ngãi lại ra sức ủng hộ cho các hoạt động của “Phong trào dân chủ VN” và sau này là đảng “Dân chủ VN”? Liệu các ông này có thực sự muốn cho đảng “Dân chủ VN” mạnh hơn đảng “Nhân dân hành động” mà các ông này đã tạo dựng vào đeo đưổi lâu nay?

2-    Số tiền mà ông Ngãi, ông Bình bỏ ra để giúp đỡ ông TTK , Phó TTK và nội các của ông ta là rất lớn. Trước đây giúp ông Phó TTK trong một thời gian dài, rồi đến đưa ông TTK đi chữa bệnh, sau đó tiếp tục gửi cho ông... số tiền này là của cá nhân ông Bình+Ngãi? Của ngân sách đảng “Nhân dân hành động”? hay từ đâu mà có? Liệu các ông Bình + Ngãi còn có khả năng tiếp viện đến bao giờ?

3-    Một vấn đề nữa được đặt ra là: Liệu ông Bình + Ngãi có thực sự tin vào khả năng thành công của ông TTK và ông Phó TTK?

Tôi rất tâm đắc với cách ví von của NQS, cho rằng: phong trào dân chủ trong nước hiện nay đã bị một số người nhào nặn như “một chiếc xe lắp ráp vội vàng, không đồng bộ, sơn cho đẹp... rồi đẩy xuống đường đua”; và cách mô tả khối đoàn kết của phong trào dân chủ trong nước như “cây chưa mọc rễ đã vội đâm bông, kết trái tùm lum để hấp dẫn ong bướm”.Và tôi hoàn toàn nhất trí với đánh giá “Thật đáng tiếc, trong bối cảnh có nhiều hứa hẹn như thế thì một bộ phận trong những người dân chủ tiên phong, đầu não trong nước lại bị những sai lầm về sự non kém chính trị, về sự nóng vội vô nguyên tắc...”

 Đọc đoạn thư của NQS chúng ta càng cảm nhận được nỗi trăn trở của ông, cũng như những hoài nghi ông biểu lộ, giãi bày. Cá nhân tôi rất thán phục nhãn quan chính trị của NQS cùng lối viết đáng bậc “sỹ phu Bắc Hà” mà ông thể hiện trong từng câu, chữ. Mặc dù có thể khẳng định chắc chắn tên tuổi của NQS, tuy nhiên vì tôn trọng ý muốn giữ kín danh tính của NQS, tôi cũng xin không đề cập trực tiếp đến tên NQS để các bạn đọc khác khách quan hơn khi đọc các bài việt liên quan.

Rất cám ơn Thông Luận đã cho tôi cùng các độc giả yêu thích Thông Luận được giao lưu tư tưởng với những con người đầy trí tuệ, bản lĩnh của VN. Hy vọng Thông Luận sẽ luôn luôn và mãi mãi hội tụ được những tư tưởng lớn, quy tụ được những trí thức tâm huyết với tổ quốc, với dân tộc VN.

Đào Hùng Việt

26/1 Huỳnh Tấn Phát, Quận 7, TPHCM


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ