LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Người Quan Sát

Thư Hỏi - Thư Trả Lời


Kính thưa đại huynh,

Mới ngày hôm qua, tại San Jose đã có một cuộc họp báo do Bs NXNgãi tổ chức, chính thức công bố sự phục hoạt của đảng Dân Chủ. Hải ngoại đang có nhiều thắc mắc, vì không biết:

(1) sự liên hệ giữa đảng Dân Chủ với Phong trào Dân chủ do ông HMC thành lập;

(2) sự liên hệ giữa đảng Dân Chủ với Khối Tuyên ngôn Tự do Dân chủ 2006 ra sao;

(3) quan diểm giữa Lm NVLý và các vị khác trong Khối Tuyên ngôn Tự do Dân chủ về đảng Dân Chủ ra sao;

(4) sự liên hệ giữa Gs HMC với Gs TK, giữa Gs HMC với Lm NVLý, giữa Lm NVLý và Gs TK;….

Xin làm ơn làm sáng tỏ những thắc mắc nói trên để hải ngoại có thể nắm vững tình hình chung.

Đa tạ,

Ng.

 

THƯ TRẢ LỜI

 

Kính gửi anh Ng.

Những thắc mắc ở hải ngoại mà anh vừa nêu thật chí lý mà một người thần kinh bình thường nào cũng phải đặt ra . Điều ấy giải thích vì sao những người dân chủ tỉnh táo trong nước đã linh cảm và tiên lượng ngay từ đầu , và giữ thái độ đứng ngoài những hiện tượng bên ngoài có vẻ rất sôi động mới đây.

Tình hình đúng là đã có thay đổi. Nhưng trước tình thế mới, tất cả những yếu tố trong cuộc cạnh tranh như Đảng CSVN (trong đó quan trọng là Công an), chính phủ Mỹ và các chính phủ khác, những tổ chức và hội đoàn rất khác nhau ở hải ngoại và trong nước, những nhà dân chủ chân chính và dân chủ cơ hội…đều có thể nhạy bén trước cơ hội mới và tung ra những chiêu, những tổ chức, những quân bài của mình. Anh nọ chui vào trong anh kia, anh nọ đội lốt anh kia, mượn tay anh kia, vô hiệu hoá anh kia, chiếm đoạt anh kia, tiêu diệt anh kia.

Trong một bức tranh hỗn tạp và giàu tính thủ đoạn như trên thì những suy nghĩ đơn giản như “Méo mó, nhưng có hơn không, cứ mọc ra được là thắng lợi rồi”, “Cứ lên tiếng mạnh là ta ủng hộ”, “Cứ mọc ra đi rồi tu chỉnh sau”, “miễn sao chống lại cái hiện tại là tốt rồi”, “những người dân chủ sao không ủng hộ nhau”, “cái gì dính dáng ít nhiều đến CS đều không tốt, càng chống CS mạnh thì càng tốt” …v…v… cần được xem xét lại. Phải am hiểu cụ thể từng tình huống, từng con người, từng chi tiết cụ thể, và luôn đặt ra những tình huống ngược lại để sàng lọc. Nếu không rất dễ tưởng bở, rất dễ mắc lừa. Cứ ào ào là cực kỳ nguy hiểm. Tất nhiên đa nghi quá thì bỏ sót những sự xuất hiện mới đáng quý, nhưng cũng có khi “thà không có còn hơn”, có khi nông nổi hành động là nối giáo cho giặc.

Tôi xin nêu mấy điều cần phân biệt , không nên nhầm lẫn:

1- Cần phân biệt sức mạnh thực chất của một phong trào với sự “đại ngôn” , rùm beng tuyên bố, những màn trình diễn đánh trúng khao khát của tình hình, những sự ồ ạt ủng hộ nhất thời (kể cả ủng hộ của những người có danh tiếng bên ngoài) ... Kẻ cơ hội và kẻ phá hoại cũng biết nắm thời cơ còn nhanh tay hơn những người chân chính.

2- Cần phân biệt số lượng (trong đó có cả những “số lượng ma” được tạo dựng) với chất lượng thật của những thành viên trong một phong trào.

3- Cần phân biệt một xu hướng chống đối, một “anh hùng” chống đối với một xu hướng dân chủ ,một nhà dân chủ. Hai chất lượng này khác nhau rất xa.

4- Cần phân biệt một biểu tượng đáng quý mến với một thủ lĩnh có năng lực lãnh đạo. Tất nhiên cũng cần phân biệt sự nông nổi nhẹ dạ hay nóng vội với tính cơ hội , và nhất là sự nham hiểm của những cạm bẫy được hoạch định.

5- Cần phân biệt những hành động yêng hùng xôm trò, những hoạt động trình diễn, những lời tuyên bố, với bản lĩnh thật và đức độ thật của một con người mà cả quá trình thử thách lâu dài mới xác minh được.

Tất cả đều đòi hỏi sự am hiểu cụ thể, chi tiết, sàng lọc, loại trừ. Chỉ đứng từ xa, chỉ nhìn khái quát và cứ chiều theo ước vọng chủ quan một chiều thì dễ mắc lừa. Người hăng hái cực đoan mà nhiều nhược điểm thì dễ bị người ta “tương kế tựu kế” để khai thác triệt để đấy anh ạ. Có người làm một việc cứ tưởng mình làm theo bản lãnh và chí hướng sắt đá của mình trăm phần trăm, thế mà vô tình đang đi vào một cạm bẫy do một bàn tay vô hình đã tính toán tác động từ xa vô cùng tài tình. Nếu có tỉnh ra thì cũng đã muộn.

Mọc thêm ra một tổ chức, một hành động mới, một quan hệ mới, một nhân vật mới cũng là con dao hai lưỡi.Rất đáng mừng khi nó là một bước phát triển, một sự mở rộng đoàn kết, nhưng ngược lại cũng có thể là một sai lầm nối giáo cho giặc, xé nát khối đoàn kết đã có, du nhập vào trong lòng những “Trojan horse”.

Hình thành những tổ chức “Dân chủ cuội”, những tổ chức chống đối trá hình đã là bài bản của Công an CS từ nhiều năm nay, bây giờ là lúc họ triển khai tác dụng. Trong một tổ chức cuội như thế có những người của công an, có người chống cộng, có người dân chủ, chẳng những không nguy hiểm gì với ĐCS mà còn là đầu mối tập trung những người chống đối để tiện việc thường xuyên theo rõi và khi cần thì dễ dàng tóm gọn; nó là chỗ thu hút sự chú ý và chi viện của bên ngoài vào một tổ chức rởm mà không chú ý ủng hộ những yếu tố khác thực sự có hại cho ĐCS. Tức là CA thì lợi đơn lợi kép, còn phong trào dân chủ thì mất cả chì lẫn chài..

Đối với một chiếc xe lắp ráp vội vàng, không đồng bộ thì cách phá hoại nó tốt nhất là sơn nó cho đẹp rồi cho ngay xuống đường đua , nổ máy phóng với tốc độ cao. Dẫu người bên đường có trầm trồ ngắm nghía thì cũng chỉ phóng được một quãng là bánh xe một đường, tay lái một nẻo. Càng được cổ vũ càng phóng nhanh và càng mau tự huỷ. Người quá nhiệt tình nóng vội lại trúng mưu một kẻ phá hoại.

*

Tình hình “bùng nổ” vội vàng và lộn xộn vừa qua tự nhiên bắt những người quan sát phải biết sàng lọc, phân biệt thứ nào ra thứ nấy. Nếu những người trung kiên biết sáp lại thành một khối, làm trụ vững chắc, bàn bạc kỹ lưỡng rồi triển khai một cách bài bản thì sự sàng lọc những “yếu tố xấu” không mấy khó khăn, nhưng nếu tự ý làm bừa, làm ẩu, vô nguyên tắc, sẵn sàng đạp lên những mối quan hệ cũ để đuổi theo những mối quan hệ mới, tự đánh mất sức mạnh của mình, thì tình hình sẽ rối tung cả lên, không biết dựa vào đâu mà sàng lọc. Thế là trúng kế của kẻ phá hoại, kẻ phá hoại được biếu không những chiến thắng mà không cần ra tay. Chỉ cần một việc làm bừa, phá vỡ cái hạt nhân cố kết trung kiên tin cậy ban đầu là việc sàng lọc trở nên cực kỳ khó khăn, phong trào có nguy cơ tan vỡ. Muốn hình thành tổ chức mà lại làm việc kiểu vô tổ chức, anh hùng cá nhân, thì chỉ thành trò cười thôi anh ạ .

Do chủ quan nóng vội và vô chính trị nên rất nhiều việc ta đã làm ngược, ví dụ :

- Như trên đã nói, việc không quan tâm củng cố vững chắc đoàn kết bên trong mà vội du nhập thêm nhân tố ngoài là một điều làm ngược. Chỉ có mấy người mà mọc ra bao nhiêu tổ chức với tên tuổi rùm beng, chồng chéo lẫn nhau. Như cây chưa mọc rễ đã vội đâm bông kết trái tùm lum để “hấp dẫn ong bướm”.

- Cốt lõi của thắng lợi thực chất là tương quan lực lượng, dù giới trí thức có châm ngòi , có phác hoạ được đường lối để làm nền, thì lực lượng căn bản vẫn là sức nổi dạy của quần chúng. Muốn đẩy mạnh phong trào quần chúng phải xuất phát từ các quyền lợi về đời sống. Người dân chủ phải âm thầm thâm nhập vào các phong trào đó như những người vô danh, như chính từ trong quần chúng, chứ không phải như một chính khách nổi danh đứng vào để chụp ảnh. (Nghĩ rằng phương pháp nào của người cộng sản đã dùng thì dứt khoát ta không dùng nữa , ta phải khác họ, là một suy nghĩ cực đoan ấu trĩ và dại dột).

- Khi “tướng” lâm nguy thì có hàng ngàn quân bảo vệ, thế, mới là một phong trào có thật, trái lại chỉ lo khi một “quân” nào đó bị lâm nguy thì thì đích danh “tướng” phải đứng ra để bảo vệ thì cũng là điều trái ngược lắm (mặc dù tinh thần ấy của ông “tướng” là rất cao, nhưng “quân” đâu cả mà “tướng” phải làm việc ấy?).

- Rất nhiều động tác chỉ có thể làm vào giai đoạn sau cùng tức là khi sắp giành toàn thắng thì ta lại đem thực hiện ngay từ khi mới khai sinh, là hoàn toàn lộn ngược.

Sự nôn nóng, lạc quan tếu, tưởng thắng lợi sắp đến nơi, hoặc chỉ cần vài cuộc biểu tình lớn, một số người dám “quyết tử” là xong… là do ảnh hưởng cái nhìn từ các biến động ở Đông Âu, thậm chí cái nhìn từ các nước đã có đời sống cao, đã có dân chủ. Ở Việt nam, ý thức dân chủ của xã hội nói chung còn yếu lắm (xin nhắc lại: tinh thần chống đối và ý thức dân chủ là hai thứ khác nhau rất xa). Không nâng được tầm dân trí thì “bão táp cung đình” theo kiểu gì cũng chẳng qua là chia lại xôi thịt thôi. Mà dân trí là thứ phải tự sinh nở từ trong máu thịt của dân tộc, ngày này qua ngày khác, không phải là thứ sống sượng cấy ghép vào một sớm một chiều mà thành đâu.

*

Song, nhìn toàn cục, phải nhận rằng tình hình đấu tranh dân chủ đã có những bước phát triển thật đáng mừng : Sự chán ghét cái gọi là “chủ nghĩa Xã hội Mác Lênin” đã lan tràn trong toàn dân và cả đội ngũ cán bộ, thậm chí trong cả một bộ phận khá lớn đảng viên (nhưng chán ghét là một chuyện, có quyết tâm lật đổ nó đi hay không lại là chuyện khác). Trên thế giới đã có văn bản quốc tế của Hội đồng châu Âu lên án chủ nghĩa Cộng sản như một tai họa của thế giới. Ở trong nước thì phong trào đấu tranh của Công nhân , nông dân đòi quyền dân sinh công khai và đông đảo hơn trước. Lực lượng trẻ đã vào cuộc với tính ưu việt của sức trẻ, của sự hăng hái, thông minh và nhiều sáng kiến. Giới trí thức vốn gắn với Đảng đã có nhiều người thức tỉnh muốn làm một điều gì đó có ích thay cho cuộc sống phải đạo bấy lâu nay. Sự ủng hộ của thế giới bên ngoài vẫn tiếp tục phát triển.

Thật đáng tiếc, trong một bối cảnh có nhiều hứa hẹn như thế thì một bộ phận trong những người dân chủ tiên phong, đầu não trong nước lại bị những sai lầm về sự non kém chính trị, về sự nóng vội vô nguyên tắc … để cho chủ nghĩa cơ hội-anh hùng cá nhân xen vào, mở đường cho những thủ đoạn phá hoại xâm nhập hoành hành, xé nát lực lượng. Tự đánh mất sức mạnh hạt nhân của mình nên đúng lúc có thể đứng lên thì lại không đứng lên được, gượng xông lên thì loạng choạng như kẻ say rượu. Thật là uổng phí. Nếu không, tình hình dân chủ đã có thể tiến lên một bước rất vững chắc.

Quốc sách chống dân chủ là “phá ngọn cờ” thì quả thực họ đã thành công một phần quan trọng. Hiện nay cái nổi lên thành “đầu não”, thành ngọn cờ, chưa tương xứng với sự phát triển của tình hình, mà việc sửa chữa và thanh lọc đã trở nên không đơn giản.

Không ai tự biết hết được mọi điều, ai cũng phải chọn những người đáng tin cậy để tham khảo. Việc chọn này đúng thì thành công, chọn sai thì tan vỡ cơ đồ.

Mấy lời tâm huyết bộc bạch với anh, hy vọng từ nhãn quan đó sẽ giải đáp được những thắc mắc mà anh đã nêu ra và hy vọng giải đáp cả những điều sắp đến. Cái khó là làm sao mở rộng được để phát triển mà không bị nhân tố nguy hiểm chui vào, không bị mắc mưu.

Tôi xin nêu những điều mà tôi cho là có tính nguyên tắc để cùng suy nghĩ, chứ chưa muốn kết luận khẳng định một điều gì. Vì khi tôi đã ý thức được sự rắc rối của tình hình thì chắc hẳn tôi không dám vội vã chốt chặt một điều gì cả.

Vì những lý do tế nhị, nhạy cảm, tôi không muốn và không thể nói gì cụ thể hơn được.

 

1/6/2006 .

Kính thư,

 

Người quan sát


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ