LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Người Quan Sát

Mấy điều chợt gợi để suy nghĩ

(Thư gửi bác sĩ Phạm Hồng Sơn)


Góp phần vào cuộc thảo luận

----------------------------------------

        Kính gửi ông Lê Hồng Hà                                

       Cuộc điện đàm ngày 10-3-2007 của ông với các ông Hà Sĩ Phu và Bùi Minh Quốc khiến nhiều người quan tâm. Cùng với bài viết mới đây của ông Bùi Tín nhận định về tình hình chung…, cuộc chuyện trò ấy cho thấy việc cùng nhau trao đổi một cách hệ thống về những vấn đề quan trọng của đất nước đã thành nhu cầu không thể “nhịn” được. Nhu cầu ấy thực ra đã nung nấu từ lâu. Nhiều cuộc trao đổi như vậy trước đây nay nên được “bạch hóa” nếu thấy nó đóng góp được cho nhu cầu này.

Tôi xin nhờ các cơ quan truyền thông gửi tới ông bức thư tôi gửi cho bác sĩ Phạm Hồng Sơn

ngày 4-tháng 11-năm 2006, khi bác sĩ PHS mới được trả tự do, mong góp một phần nhỏ vào cuộc thảo luận chung rất có ý nghĩa này.

          Người quan sát

 

                                  Mấy điều chợt gợi để suy nghĩ

  (Thư gửi bác sĩ Phạm Hồng Sơn)

  Ngày 04- tháng 11-năm 2006

    Trong thư, bác sĩ có hỏi nhận xét của tôi về cục diện đấu tranh dân chủ hiện nay…Trên tinh thần cởi mở để cùng nhau suy nghĩ, tôi cứ nói những ý kiến chủ quan của mình.

    Từ sau chuyến đi Mỹ chữa bệnh của cụ HMC, cục diện đấu tranh dân chủ bắt đầu một sắc thái mới. Nhiều tổ chức đua nhau xuất hiện. Cách thức xuất hiện khá giống nhau : Đều nương theo một sức mạnh đã có trước ( hoặc là phong trào dân chủ cả nước nói chung, hoặc là những tên tuổi đã có tiếng từ trước) để tuyên bố thành lập một tổ chức mới. Nhưng sự “nương theo” ấy chỉ là mượn danh để xuất hiện, xuất hiện cho nhanh như một sự nổ bùng chứ không có thực chất. Kết quả trước hết là khối dân chủ trung kiên ban đầu (chưa thành tổ chức) bị phá tung ra, thành rời rạc.

    Song song với quá trình tưởng chừng “lớn nhanh như thổi ấy” là quá trình phân ly, tách dần nhau ra vì càng ngày càng nhiều thành viên sáng lập thấy cái vừa thành lập ấy không phải của mình. Tách ra đầu tiên là TK, rồi HMC …nhưng dần dần những NKT, HT, PN, NCK…đều muốn có một cái gì đích thực là của mình (hoặc một tờ báo, hoặc một tổ chức). Những người tạm thời đi với nhau do tình thế , nhưng mỗi người vẫn ngầm chờ dịp lập cơ đồ riêng. Bên cạnh đó xuất hiện thêm rất nhiều nhân vật mới, đều muốn làm thủ lĩnh cả.

Ngay đến cái danh nghĩa bao trùm nhất là Liên minh thì cũng xuất hiện hai Liên minh (của PN-NVL ở Trung và Nam, và Liên minh của NKT ở Bắc. Người đọc có thể thấy Hai liên minh khác nhau cả về văn bản, về nhân sự và về kế hoạch) giống như tình trạng hai tuyên ngôn trước đây.

    Đáng lẽ phải giữ được khối trung kiên ban đầu làm hạt nhân để làm cái “bộ lọc” (như ý kiến của Người quan sát trước đây), từ đó phát triển dần ra một cách vững chắc, nay cái “bộ lọc” ấy bị vỡ vụn ra, mỗi mảnh tự phồng ra và “lọc” theo kiểu riêng mình, và có còn là “mình” nữa hay không thì có trời biết.

   Sự bột phát rùm beng và loạn như thế gây ra 3 hiệu ứng :

* một số dân chúng đang phẫn uất, nay thấy có ngọn cờ phất lên thì hướng về đó, mỗi người, mỗi nơi thì nhìn thấy một ngọn cờ khác nhau.

* sự ủng hộ của bên ngoài cũng rộ lên, theo những thiên hướng khác nhau, ý đồ khác nhau.

* và đặc biệt là Công an có được cơ hội bằng vàng  lách vào những kẽ hở để tách phong trào ra, và tung ra những quân cờ của mình, hoà chung vào phong trào bát nháo ấy, tạo những ngọn cờ của mình, chiếm lĩnh lấy thị phần chủ đạo trong cái thị trường dân chủ.

Từ cục diện ấy toát lên hai điều phải suy nghĩ :

- Trong cái thị trường dân chủ hiện nay dứt khoát đang có mặt 3 loại dân chủ :

     *một là dân chủ tử tế nhưng nóng vội,

     *hai là mưu đồ cá nhân hoặc phe đảng muốn theo đà dân chủ để lập cơ đồ riêng của mình      

     *ba là dân chủ cuội của người cầm quyền.

Biết chắc là có cả 3 loại, nhưng nhận diện cho rõ loại nào ra loại ấy mới là vấn đề, mà nhận diện chưa rõ đã vội ứng xử thì coi chừng rước lấy tai vạ. Chính quyền lúc đầu định diệt các mầm tổ chức ấy, song bàn tính lại họ thấy những mầm mống kiểu khua chiêng múa trống ấy khó gây được nguy hiểm gì, diệt mạnh thì mang tiếng, chi bằng tương kế tựu kế tung ra những ngọn cờ của mình để chi phối, phá rối và nắm cổ cái thị trường dân chủ bát nháo ấy thì sẽ rất hữu ích sau này (Còn muốn diệt thì diệt lúc nào chẳng được).

- Trước tình hình mọc ra các tổ chức, các phong trào rất “sôi động” ấy người ta thường đưa ra những câu hỏi để chất vấn thái độ của anh : Tại sao anh không ủng hộ bản tuyên ngôn ấy, tổ chức ấy, hoặc việc làm ấy ? Chẳng lẽ anh không tán thành những mục tiêu chính đáng ấy, nội dung tốt đẹp ấy, phương pháp hợp lý ấy ư? Hay là anh ghen tỵ? Hay là anh vẫn lo sợ bị đàn áp chứ gì?

Những người đưa ra những câu hỏi ấy không hiểu một điều rằng : Những mục tiêu, nội dung, phương pháp được tuyên bố ấy chưa phải là điều quan trọng nhất. Trong những giai đoạn đầu, câu hỏi quan trọng quyết định trước tiên là : Ai là người đứng ra hô hào việc ấy, tin cậy được không ,đằng sau là lực lượng nào, thế lực nào? Còn tuyên bố thì ai chẳng nói những điều hợp lý, tốt đẹp? Lực lượng Cuội có thể còn tuyên bố xanh rờn hơn tất cả đấy. Chỉ ở những giai đoạn sau, khi đã có lực lượng rồi thì những chủ trương cụ thể mới ngày càng có ý nghĩa quyết định thành bại.

                                                                     *

  - Ở bên ngoài cũng có đủ 3 loại dân chủ như ở trong nước nhưng còn đa dạng hơn, mạnh mẽ hơn và cũng nguy hiểm hơn , và đều tìm cách tác động vào trong nước. Sản phẩm Công an cũng có ở cả bên ngoài, thậm chí còn phong phú và nguy hiểm hơn ở trong nước, thậm chí chính họ là kẻ kích động và khơi mào,tác động vào trong nước, tạo ra “ngọn cờ” ở trong nước để hút tất cả sinh lực dân chủ vào đấy.

Trong sự “ganh nhau” (đây là chữ tôi viết riêng với bác sĩ thôi !) ra tuyên ngôn trước đây, và “ganh nhau” tuyên bố thành lập liên minh hiện nay đều có vai trò rất quan trọng của những nhân tố từ bên ngoài ấy. Sự đánh giá sai tình hình, khinh địch, lạc quan tếu, tưởng bở đang là nguy cơ trực tiếp của phong trào dân chủ.

- Sự đàn áp ở trong nước cũng có 3 dạng : đàn áp quyết liệt (quyết liệt ra mặt và quyết liệt ngầm), đàn áp cầm chừng để giữ tay không cho phát triển, và đàn áp giả vờ để tô điểm cho ngọn cờ của họ.

Cho nên mới có những điều mâu thuẫn tưởng như rất vô lý: thành lập hẳn tổ chức đối lập, có văn phòng, có phương tiện truyền thông đàng hoàng thì tồn tại được, trong khi có người chỉ vào “Cafê Internet” thôi đã bị bắt giam, có người chỉ nói năng ôn hoà (rất nội bộ, không đối lập) thì dứt khoát không được nối điện thoại, bị hạn chế đi lại và bị theo rõi quanh năm. Có người thành lập hẳn tài khoản ở ngân hàng và kêu gọi bên ngoài góp tiền vào thì không bị hành gì cả, trong khi có người mới được bạn bè gửi cho 100 đô la đã bị quy là nhận tiền nước ngoài để chống nhà nước. Nhìn cục diện dân chủ có vẻ sôi động hiện nay thì tưởng như dân chủ sắp đến trong tầm tay, người cầm quyền đã phải lùi, nhưng nghiên cứu những chủ trương, chính sách và việc làm cụ thể của ĐCS (về an ninh, về chính trị-tư tưởng) thì căn bản vẫn lỳ như cũ, thậm chí còn chặt chẽ hơn trước. 

ĐCS đã phân biệt được cái gì có thể nới rộng ra hết cỡ và cái gì là cốt tuỷ phải giữ để giữ độc quyền thống trị, nghĩa là CSVN đã tìm được đáp số cho bài toán giữ độc quyền thống trị trong điều kiện hoà nhập toàn cầu hóa, nói riêng thì cũng có nghĩa là đã tìm được sự đồng thuận của Mỹ trong bài toán này (Chờ gì nhiều trong chuyến thăm sắp tới của Bush?). Câu hỏi : “Anh đoán bao giờ ta sẽ có dân chủ” (Có người đoán năm 2007, người đoán 2008!) là một câu vô nghĩa. Bởi trong bối cảnh lịch sử ấy, chỉ có thể cọ sát và “lấn dần” nhau trong một xã hội dân sự đang dần dần hình thành, sẽ không thể có đột biến gì đột ngột về chất để coi đó là cái mốc cho nền dân chủ.

Rất có thể rồi đây trong Quốc hội sẽ có những “đại biểu” đối lập để làm cảnh (trong đó có cả đối lập thật và đối lập giả) , nhưng nếu là đối lập thật thì phải bị “vặt hết rễ”. Có thể vẫn có một cái cây còi cọc, cũng nở vài bông hoa làm cảnh, nhưng mọc ra rễ nào là bị vặt ngay rễ đó. Cứ cung cách dân chủ bằng tuyên ngôn, bằng bảng hiệu mà không có thực chất trong quần chúng ắt sẽ dẫn đến thứ đối lập trên thượng tầng, “đối lập xôi thịt” đó.

- Trở lại những tiêu chí căn bản ban đầu để xét đoán một tổ chức, một phong trào, cụ thể là : ai chủ xướng, người ấy gốc gác từ đâu, đáng tin cậy không, đằng sau là thế lực nào? Muốn trả lời cần có thông tin đầy đủ về toàn bộ quá trình của người ấy, tư cách cá nhân, sự vững vàng hay đầu hàng khi bị tù tội (nhưng đừng quên con người là phức tạp,không nên đơn giản một chiều), thông tin về sự phân hoá trong Đảng CS, thông tin về diễn biến phức tạp của các nhân vật và tổ chức ở hải ngoại, thông tin về các thế lực quốc tế đang tìm cách gây ảnh hưởng vào Việt nam. Thiếu thông tin thì sẽ suy đoán chủ quan rất nguy hiểm. Muốn có một môi trường thông tin thuận lợi, toàn diện thì phải duy trì một không khí bình thường, cơ bản vẫn phải ở thế hợp pháp, đối lập cực đoan sẽ bị cô lập và sẽ chỉ có thông tin phiến diện một chiều. 

   Rõ ràng là chỉ có tấm lòng và dũng cảm thì rất không đủ. Phải có đầy đủ thông tin và sự hiểu biết, vừa hiểu biết về diễn biến toàn cầu vừa hiểu biết và trải nghiệm thực tế về tính đặc thù của chế độ CS, đặc biệt là CS Việt nam. Tức là phải rất Trí tuệ và rất Thực tiễn! Thứ chính trị salon, chính trị kinh viện không bổ ích gì. Tấm lòng và sự dũng cảm ngây thơ cũng là uổng phí!

- Nhìn sâu vào những khó khăn đặc thù và những yếu kém tạm thời của phong trào dân chủ là để tránh những sai lầm, nhất là những “sai lầm chết người” không cho phép sửa chữa. Chứ không phải để quên đi hay đánh giá thấp những những thành quả đã đạt được, những thuận lợi cơ bản và những vốn quý đã và đang xuất hiện. Phá vỡ được tình trạng im lặng một chiều, phá vỡ được tình trạng ổn định dối trá là một thắng lợi rất căn bản, tạo tiền đề đi tiếp. Và những sai biệt do tính cách dân tộc và do lịch sử để lại cho thấy cuộc vận động dân chủ cho Việt nam phải đi từ nhiều “mũi” , nhiều kiểu, nhiều lực lượng khác nhau, khó có thể gom làm một cho nhất quán, điều cần thiết là làm sao cho sự đa dạng đó không chống lại nhau. Và đối sách của những người chống dân chủ có lẽ cũng không thể là diệt dân chủ mà chỉ lừa sao cho những người dân chủ chống lại nhau, tự làm mất sức mạnh của mình.

Sự đào thải của lịch sử đối với chủ thuyết CS, sự hỗ trợ của quốc tế và nhất là hỗ trợ của khối người Việt ở hải ngoại, sự toàn cầu hoá và vũ khí Tin học-Internet, sự thức tỉnh và đấu tranh bền bỉ của những người trong lòng chế độ nhiều năm nay, sự bừng tỉnh và dấn thân của một bộ phận tuổi trẻ hiện nay…là những vốn liếng vô cùng quý giá. Nhưng nếu không biết cách, cứ làm bừa thì sẽ phung phí những vốn quý giá ấy.

Trong tương lai gần, phải chờ sau hội nghị APEC mới có thêm dữ kiện để phán đoán.

   Tóm lại, một phương pháp như đã nói trên là phương pháp giành dân chủ bằng con đường CHUYỂN HOÁ chứ không thể lật đổ, “thay thế từng phần” chứ không  thể “thay thế trọn gói”. Theo ý tôi, cơ sở lịch sử của phương pháp ấy đã được diễn giải khá rõ trong 2 bức thư của HSP gửi các ông Đỗ Mạnh Tri và Nguyễn Gia Kiểng đầu năm 2000.

Một dân tộc rất thông minh, rất khôn ngoan nhưng không có “Tư tưởng” nên luôn sai lầm về chiến lược, bù lại rất tài tình về chiến thuật. “Chữa cháy” rất tài.

Định đưa dân tộc tiến hoá bằng con đường CS là một sai lầm chiến lược tai hại. Nhưng khi chiến lược ấy bị đổ bể toàn cầu thì ĐCSVN sau những năm choáng váng đã tìm ra con đường “chữa cháy”, sửa chữa nhưng vẫn “vơ vào” chứ không thành tâm gì.

Một chủ nghĩa đã bị thời đại đào thải tất nhiên về bản chất nó mâu thuẫn với nhân loại nói chung và mâu thuẫn với dân tộc nói riêng. Nhưng bản tính “khôn lỏi” đã giúp cho ĐCS chuyển được hai mâu thuẫn ấy từ bản chất đối kháng trở thành không đối kháng. ĐCS chẳng những ngã giá thoả thuận ngầm được với cộng đồng quốc tế mà hầu như đã “ngã giá” được trong một cuộc “thoả thuận ngầm” vô hình với cả các giai tầng bị trị. Hai cựu thù (Việt Mỹ) tìm được một cân bằng để thoả thuận thì đã có nhiều ví dụ, nhưng thủ phạm và nạn nhân mà thoả thuận ngầm được với nhau thì quả là hiếm có. (Trong môi trường Việtnam cả giới thống trị và bị trị đều có cùng một sự “khôn lỏi” giống nhau, nên vô tình gặp nhau ở sự đồng thuận tệ hại ấy).

Vì không còn xảy ra mâu thuẫn một mất một còn nên cũng không thể nổ bùng ra một cái gì lớn lao. Mâu thuẫn không khoan nhượng nếu còn thì cũng chỉ ở những quy mô nhỏ, không đủ sức bùng ra thành toàn cục. Nhưng giải quyết mâu thuẫn kiểu chữa cháy ấy không bao giờ triệt để mà cứ lùng bùng lai rai mãi, cứ lai rai mà cùng túc tắc đi lên, nhưng không bao giờ hài hoà, vẫn luôn có cá lớn nuốt cá bé. Cuộc đấu tranh sẽ không có người thắng kẻ bại rạch ròi, mà “úm ba la ba ta cùng thắng”, dẫu cho chiến thắng của người này có thể gấp 1 triệu lần chiến thắng của người kia. Người kiếm được miếng ăn đầu tắt mặt tối với nhà “Vô sản” tỷ phú sướng như vua đều thắng lợi cả. Tính thực dụng, thiển cận, ăn xổi đã khiến cho giai tầng lao động bị trị vừa lòng với sự “ổn định” rất bất công ấy.

    Việc xuất hiện một tổ chức đối lập ở Việt nam CS đáng lý là một quả bom, đáng lý nếu xuất hiện thì phải biến thành một vụ “Thiên an môn”, nhưng với cung cách ứng xử Việt nam thì nghịch lý vẫn có thể tồn tại, điều vô lý vẫn có thể đến dễ dàng như một trò chơi, và kết cục thì quả bom ấy nếu còn tồn tại thì cũng không còn là bom nữa, như một quả bom giữa đống bùn nhão thôi.Dù là bom nguyên tử thì vào trận địa Việt nam nó cũng biến tính, mọi thứ chính quy khi vào Việt nam cũng phải du kích hoá hết. Việc vào WTO buộc cung cách bùng nhùng ấy phải biến đổi ở một vài bình diện , nhưng nhìn chung nó vẫn lẩn quất trong tâm thức Việt nam còn rất lâu dài.

     Trong cục diện dân chủ lùng bùng ấy, vai trò của những người CS lương thiện, thức tỉnh, tiến bộ (kể cả trong lòng giới cầm quyền, tuy ít nhưng quan trọng) là một đề tài rất lớn, đòi hỏi người dân chủ một nhận thức đầy đủ và một ứng xử khoa học, linh hoạt,thực tế. Lực lượng “đối lập trung thành” ấy rất quan trọng, có thể gây được những hiệu quả không nhỏ nếu lực lượng dân chủ chân chính lớn mạnh và thúc đẩy được họ, hậu thuẫn được cho họ, tiếp tay được cho họ.

    Cuộc vật lộn giữa dân chủ và chống dân chủ ở Việtnam có thể ví như hai hai đấu thủ cứ túm thắt lưng mà vật nhau, sẽ không có cú knock-out, chỉ thắng nhau bằng “tính điểm”. Tuy quấn lấy nhau nhưng cả hai đang vật nhau trên một tấm “băng truyền” , mà tấm băng truyền thì cứ lạnh lùng chuyển cả đoàn người một chiều đi về hướng dân chủ, không có chuyện quay ngược. Vậy thì dù muốn hay không , xã hội cũng sẽ có dân chủ, không có lý gì để bi quan, vấn đề là tốc độ, nhịp điệu và những diễn biến cụ thể. Nếu sức ép của lực lượng dân chủ yếu, để cho người cầm quyền tự thích nghi và chủ động thu xếp thì nền dân chủ ấy cũng chẳng ra gì. Điều đáng lo  là làm sao cho sự cách biệt giàu nghèo không đến nỗi khắc nghiệt (mong cho được như các nước tư bản Bắc Âu, Dân chủ Xã hội), và xã hội ra khỏi được cái đại hoạ lưu manh hoá, mà đã trông thấy nó đang lù lù trùm lên dân tộc. Nếu để giới cầm quyền tự thu xếp đi vào dân chủ thì cũng là dân chủ nhưng với hai hạn chế rất đáng tủi nhục ấy.

 

     Mấy ý kiến rông rài, mạnh dạn viết ra để cùng nhau suy nghĩ, có điều gì lỗ mãng xin được lượng thứ.

                                                                            Ngày 4 tháng 11 năm 2006

                                                                                      Người quan sát

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ