LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Hà Sĩ Phu, biểu tượng của trí tuệ và tự do tư tưởng


Hà Sĩ Phu, Sĩ Phu Bắc Hà, Sĩ Phu nào? Ai là Sĩ Phu? Khi nói chuyện với Hà Sĩ Phu về ý nghĩa của bút hiệu này, bạn bè thường nêu ra nhiều cách giải thích nhưng anh chỉ cười, không xác nhận. Tuy nhiên, trong bút hiệu đó nhất định có lý tưởng và hình ảnh của kẻ sĩ đích thực trong truyền thống văn hoá phương Đông. Đó là người trí thức hoài bão mang trí tuệ và tài năng của mình ra phục vụ cho đời, cho đất nước.

    Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ đến với tạp chí Langbian và Hội Văn nghệ Lâm đồng ở Đà lạt từ năm 1988 với các bài thơ ngắn ký bút hiệu Tú Xuân. Đó là những bài thơ trữ tình hay châm biếm với giọng điệu hơi cổ của một nhà Nho.

    Đây cũng là điều hơi lạ làm bạn bè thích thú vì anh vốn là một nhà khoa học tự nhiên. Anh tốt nghiệp phó tiến sĩ sinh học ở Tiệp khắc vá công tác ở phân viện Đà lạt của Viện Khoa học Việt nam.

     Thời gian này anh là Viện phó của Phân viện này. Do đấu tranh với những việc làm không đúng trong khoa học của những người lãnh đạo ở đây, anh bị vô hiệu hoá, cho ngồi chơi xơi nước.

     Anh không thể hoạt động khoa học được, mặc dù trong lĩnh vực chuyên môn của mình, anh đã có công trình  được quốc tế thừa nhận và ứng dụng. Anh đã cố gắng tự làm việc ở nhà nhưng làm thế nào nghiên cứu có hiệu quả được khi phải làm phòng vô trùng trên trần nhà vệ sinh và để chai lọ thí nghiệm trên đầu giường ngủ trong một căn nhà tối tăm chật chội.

     Với đời sống khó khăn, ứng dụng khoa học của anh chỉ còn là nuôi nấm và đi làm bia thuê cho tư nhân. Anh còn phải phụ bán quán cho vợ. Thỉnh thoảng tôi đến thăm, thật buồn cười và đau lòng thấy anh bán hàng, lóng ngóng thối tiền lẻ cho mấy đứa bé mua bánh kẹo và ngẩn ngơ không biết một món hàng tạp hóa giá bao nhiêu. Chưa kể có lúc anh còn cặm cụi đóng sách cho thuê truyện và phụ bưng phở cho vợ bán.

     Sự bế tắc trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên đã đưa anh chuyển hướng sang nghiên cứu khoa học xã hội.

     Tháng 9-1988 bạn bè gần gũi đã chia sẻ với anh những suy nghĩ đầu tiên trong bài “Dắt tay nhau. đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ”. Bài viết sau đó được hoàn chỉnh và phổ biến trong giới bạn bè. Với một bài viết ngắn gọn chỉ có 10 trang, anh tập trung phân tích những nghịch lý trong chế độ Xã hội chủ nghĩa, một chế độ tự nhận là ưu việt nhất nhưng lại làm những điều tồi tệ nhất, hoàn toàn trái ngược với những điều rêu rao. Anh kết luận bài viết bằng cách yêu cầu quay ngược các tấm biển chỉ đường của chế độ, và kêu gọi hãy “dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ”.

    Thật lạ lùng, trong một xã hội độc quyền tư tưởng, độc quyền chân lý, độc quyền ngôn luận, độc quyền thông tin báo chí, bài viết 10 trang của Hà Sĩ Phu không được đăng ở đâu lại lan truyền đi khắp nơi trên đất nước, đến tận Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam, gây nên một chấn động lớn.

   Lập tức, nhà cầm quyền tung ra một chiến dịch để phê phán, bôi nhọ bài viết và tác giả. Trong vòng hơn 2 năm có hơn 30 bài đăng trên các loại báo chí của trung ương và địa phương, và cả sách, mổ xẻ đả kích bài viết của anh. Người ta đã huy động nhiều nhà nghiên cứu lý luận, phê bình của chế độ, kể cả giáo sư triết học Trần đức Thảo để làm công việc trấn áp này. Người ta còn nói trong các hội nghị cán bộ, thông báo trong các bản tin nội bộ, đưa cả vào trong các văn bản chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 7. Anh như một võ sĩ bị trói tay để cho một đám đông đối thủ tha hồ quần thảo. Tuy nhiên, càng về sau, người ta nhắc đến tựa bài viết và tên của anh như một bóng ma đe doạ chế độ, dù có người chưa hề được đọc bài viết và họ cũng chưa biết gì về anh. Dù thế, Đại hội Đảng lần thứ 7 cũng phải lấy khẩu hiệu “Trí tuệ, Dân chủ, Đổi mới, Đoàn kết” , đưa Trí tuệ lên hàng đầu và chính thức thừa nhận liên minh công-nông-trí.

     Mặt khác những người tiến bộ và tâm huyết cũng nhanh chóng chuyền tay nhau bài viết này mặc dù vào thời điểm đó sự thông tin, sao chụp tài liệu còn rất khó khăn. Bài viết ngắn nhưng đầy sức nặng đã có tác dụng lớn, lay động nhận thức và lương tri của nhiều đối tượng, nhất là trí thức, kể cả một số đảng viên và những người bình thường.

    Ma văn Kháng trong tiểu thuyết “ Đám cưới không có giấy giá thú” đã đưa nội dung bài viết này vào thành tư tưởng của một nhân vật trong tác phẩm. Trong cuốn tiểu thuyết “Nửa đời nhìn lại” (viết từ 1988 đến 1992) tôi cũng đã đưa Hà Sĩ Phu thành một trong 3 nhân vật có bút hiệu hay tên thật ngoài đời vào tác phẩm của mình (hai nhân vật kia là nhà thơ Hữu Loan và giáo sư Nguyễn Bạt Tuỵ). Tôi hy vọng nếu tác phẩm của tôi được xuất bản, trường hợp của Hà Sĩ Phu và hai người kia sẽ được ghi nhận và lưu giữ lâu dài trong lòng người đọc nếu họ vẫn còn bị vây bủa trong sự bưng bít của chế độ.

     Tháng 4-1991, vụ rắc rối trực tiếp đầu tiên đến với anh là lúc anh ra Hà nội đến thăm Dương Thu Hương đúng vào lúc Dương Thu Hương đang bị khám nhà và bắt giữ. Anh cũng đã bị bắt và một viên chức cao cấp của Bộ nội vụ đã thẩm vấn anh trong suốt 10 ngày liền nhưng rồi anh được thả. Sau đó anh về Đà lạt và bị Công an Lâm đồng theo rõi giám sát chặt chẽ.

     May mắn thay, trong một dịp tình cờ, bài “Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ” được đưa ra nước ngoài, và lần đầu tiên, tháng 5-1993, được chính thức công bố trên tờ Thông luận ở Pháp và sau đó nhiều báo khác ở hải ngoại đã đăng lại. Lập tức người đọc ở hải ngoại, nhất là trí thức, kể cả du học sinh Việt nam ở các nước Đông Au, nhanh chóng hưởng ứng bài viết của anh, và tên tuổi anh đã bắt đầu ra khỏi vòng rào kiềm toả của nhà cầm quyền Việt nam, được thế giới biết đến.

     Được đông đảo bạn bè và người đọc khắp nơi cổ vũ, anh tiếp tục viết “ Đôi điều suy nghĩ của một công dân” (Nhà xuất bản Tin, Paris, xuất bản mùa thu 1993, trong đó có in lại bài “Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ” và một số câu đối, thơ và mấy bài chính luận ngắn).

     “Nội dung những bài của Hà Sĩ Phu đều nhằm phê phán đường lối của Đảng cầm quyền và đề nghị lối thoát cho Việt nam. Nhưng đặc điểm là tác giả dùng phương pháp khoa học và lý luận để rà soát đến tận gốc của vấn đề. Anh gọi là tư duy hệ thống. Nói cách khác, anh đặt vấn đề một cách căn bản và toàn diện. Đi từ khoa học đến triết lý, đối chiếu Đông – Tây để suy nghĩ về bản chất con người và xã hội, về quy luật tiến hoá của nhân loại, từ đó đánh giá và vạch ra những sai lầm cơ bản của Chủ nghĩa Xã hội khoa học” (Tựa của NXB Tin).

     Mới đây, tháng 8-1995, anh lại cho công bố bài “ Chia tay Ý thức hệ” dưới dạng bản thảo, đào sâu thêm suy nghĩ của mình về những vấn đề đã đặt ra từ hai bài trước.

    “ Theo điều tôi nhận thức được thì…bản chất của dòng tư tưởng Mác-Lê về xã hội là dòng tư tưởng Phong kiến phục hưng, cộng với ảo tưởng Cộng sản nguyên thuỷ (hoặc ảo tưởng nô lệ) trong cơn khủng hoảng tăng tốc của nền Văn minh công nghiệp.

… Trào lưu Cộng sản đã xuất hiện như một tất yếu lịch sử và vô cùng chính đáng, nhưng phải nhận rằng đó chỉ là một nấc thang văn hoá thấp của tiến trình đấu tranh bất tận cho Quyền Con người. Muốn tìm lối ra lại phải bắt đầu từ cái nhìn Văn hoá, ở tầm văn hoá cao hơn.

… Nếu đủ tầm văn hoá, chúng ta sẽ làm cho Ý thức hệ ấy một dấu son để lại. Bằng không, nếu chúng ta không đủ tầm văn hoá, Ý thức hệ sẽ được chia tay trong uất hận, hoặc ngược lại, cứ len lén rút lui khỏi lịch sử không một lời tuyên bố, như một kẻ khôn vặt hay một tên đại bịp nào đó ra đi, không trống không kèn, để lại trên non nước này một món nợ.

… Không biết một khi đã nhận rõ xu thế của Thời đại và nguyện vọng của nhân dân, thì một Đảng Cộng sản trưởng thành từ phong trào Dân tộc, giữa lúc đang nắm quyền trong tay, liệu có thể vì Dân tộc mà vứt bỏ tấm bình phong, công khai từ bỏ chế độ Phong kiến Đảng trị đầy đặc quyền đặc lợi, để chủ động chuyển sang một thể chế thật sự tiêu biểu cho tính thống nhất Dân tộc và đa nguyên Dân chủ hay không?

… “Đổi mới” là gì? Nếu không phải là cả một Dân tộc thức tỉnh, tự vượt qua mình mà đi lên?

   (Trích Lời mở đầu và Thay lời kết của bài Chia tay Ý thức hệ).

   Tôi có hân hạnh cùng với bạn bè gần gũi nhất của Hà Sĩ Phu ở Đà lạt đọc và tham gia ý kiến vào bản thảo các bài viết của Hà Sĩ Phu khi các dòng chữ anh mới viết còn nóng hổi trên mặt giấy.

    Hà Sĩ Phu có phong cách hành văn rất đặc sắc : ngắn gọn, khúc triết nhưng thâm trầm,đôi khi châm biếm cay độc kiểu sĩ phu Bắc Hà, có lúc hùng tráng hay bàng bạc chất thơ trữ tình. Anh viết văn chính luận nhưng đọc rất lôi cuốn.

    Điều quan trọng hơn làtư tưởng độc lập, sáng tạo và triệt để trong các bài viết của anh. Anh không lệ thuộc kinh điển, ít trích dẫn kiểu “tầm chương trích cú”. Anh lý giải mọi vấn đề dưới ánh sáng của Trí tuệ và Lương tri của một người trí thức chân chính đi tìm chân lý, gạt bỏ sang bên mọi định kiến, ràng buộc bất cứ ở đâu tới.

    Các bài viết của Hà Sĩ Phu ngày càng được đông đảo bạn đọc hưởng ứng. Thư từ của nhiều người không quen biết ở trong và ngoài nước gởi tới bày tỏ cảm tình và sự ngưỡng mộ đối với anh tới tấp bay đến căn nhà bé nhỏ của anh ở số 4E Bùi thị Xuân Đà lạt.

    Đài, báo nước ngoài thường xuyên phát thanh, đăng tải các bài viết và nhắc nhở đến tên anh như một trí thức cấp tiến hàng đầu. Nhà cầm quyền hầu như không thể chịu nổi. Tên anh thường được nêu ra trong các thông báo nội bộ của Đảng về vấn đề diễn biến hoà bình và có lúc anh đã được nêu lên hàng đầu trong danh sách của những người có tư tưởng phản động nguy hiểm.

     Cuối tháng 11-1995 Hà Sĩ Phu ra Bắc thăm quê và gia đình, Công an Hà nội theo rõi sát anh trong những ngày này, và đến 5-12-1995 đã bắt giữ anh tại một địa điểm đến nay chưa ai biết. 17g30 ngày 6-12-95 Công an Lâm đồng đã thực hiện lệnh khám nhà của Công an Hà nội, lục soát nhà anh tại Đà lạt cho tới 4 giờ sáng ngày 7-12-95, lấy đi hơn 3000 trang tư liệu và một số đĩa vi tính, băng vide1o, cát-xét.

     Chị Thanh Biên, vợ anh, đã làm đơn và đến sở Công an Lâm đồng phản kháng. Mấy ngày sau, thông qua Công an Lâm đồng, Công an Hà nội mới chính thức thông báo cho chị Thanh Biên biết việc bắt giữ Hà Sĩ Phu với tội danh “có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật của nhà nước”.

     Thật là khôi hài! Hà Sĩ Phu tức Nguyễn Xuân Tụ, một cán bộ khoa học 55 tuổi đã về hưu, sức khoẻ ốm yếu, đủ thứ bệnh tật, lại có khả năng chiếm đoạt cái gì bí mật của nhà nước Xã hội chủ nghĩa hùng mạnh đang cai trị trên đất nước Việt nam! Rõ ràng là ngược lại, nhà nước đang chiếm đoạt tự do của công dân Hà Sĩ Phu. Một điều nghịch lý của chế độ kiểu anh đã phân tích trong bài “Dắt tay nhau…” nhưng cực kỳ nghiêm trọng và hài hước lại đang được chứng minh cụ thể và vận vào chính bản thân anh. Nhà nước cũng muốn chơi chữ và chơi khăm cây bút châm biếm Hà Sĩ Phu chăng?

      Tội nghiệp chị Thanh Biên, người bạn đời của Hà Sĩ Phu.Cả hai anh chị đều đã có một đời vợ, đời chồng nhưng không có con riêng, và ly hôn. Đến nay, sau gần 10 năm về chắp vá cho nhau, hai người vẫn không có con. Trong nỗi buồn đó, họ chia sẻ và chăm sóc nhau tha thiết, tận tình. Anh đã từng vất vả lo cho chị khi chị bị bệnh nặng phải về Sài gòn giải phẫu. Chị tảo tần với chiếc quán tạp hoá bé nhỏ và chăm lo cho chồng từng miếng ăn thức uống, tạo mọi điều kiện và ủng hộ chồng trong công việc nghiên cứu, viết lách, dù chị biết đó là một công việc nguy hiểm. Nhiều lúc chị phải nhốt anh trong nhà, khoá cửa bên ngoài để anh yên tĩnh viết, không bị quấy rầy.

     Sau khi bị khám nhà, thức suốt một đêm căng thẳng làm việc với hơn mười công an, qua điện thoại chị báo tin cho tôi trong tiếng đầy nước mắt. Giờ đây chị đã đóng cửa nhà ra Hà nội tìm cách thăm nuôi chồng, nhưng sau 3 tuần anh bị giữ, công an Hà nội vẫn chưa cho chị gặp mặt chồng. Chị viết thư vào cho biết, ở Hà nội chị cảm thấy rất đơn độc vì chung quanh ai cũng lo lao vào làm ăn kinh tế. Chị định nếu phải ở lại Hà nội lâu dài, chị sẽ phải đi làm thuê cái gì đó để có điều kiện thăm nuôi và đòi thả tự do cho chồng.

    Trước đây, khi nói chuyện với bạn bè thân về vợ và gia đình, Hà Sĩ Phu thường lẩy Kiều đùa rằng “Nghĩ mình công ít tội nhiều”. Đó cũng là tâm trạng thực của chúng tôi, những kẻ bị coi là “bẻ nạng chống trời”, chỉ mang lại cho gia đình nỗi lo âu phiền muộn hơn là niềm vui và những tiện nghi vật chất như bao nhiêu người đàn ông khác.

    Đối với tôi, và chắc cũng như nhiều bạn bè thân thiết khác của Hà Sĩ Phu, và cả những người ngưỡng mộ anh, lên tiếng về việc Hà Sĩ Phu bị bắt là tình cảm, lương tri và trách nhiệm, dù ở trong nước việc lên tiếng đó có thể phải trả giá.

     Làm thế nào có thể im lặng khi Hà Sĩ Phu, một người trí thức chân chính, chỉ vì phát biểu tư tưởng của mình về những vấn đề quan trọng của đất nước và thời đại một cách ôn hoà, đầy tâm huyết lại phải chịu tù đầy?

     Những người Cộng sản tự cho là đã được lịch sử giao phó sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước. Thực ra những người Cộng sản đã giành được quyền đó trong một giai đoạn lịch sử và đã có những đóng góp nhất định cho đất nước (dù cũng có những người không thừa nhận sự đóng góp này). Tuy nhiên, việc nắm quyền lãnh đạo đó không phải một lần là mãi mãi. Những người lãnh đạo phải ngang tầm với đất nước và được sự chấp nhận của đa số nhân dân. Nếu không thế, sớm hay muộn, nhất định những người lãnh đạo không xứng đáng sẽ bị loại bỏ. Lịch sử rất công bình và nghiêm khắc. Bao nhiêu triều đại, chế độ đã hưng phế theo thời gian. Làm sao những người Cộng sản có thể cứ tự mãi hô muôn năm?

     Liên xô là cái nôi của chế độ Cộng sản, là nước đứng đầu hùng mạnh của hệ thống Xã hội chủ nghĩa toàn thế giới, sau 75 năm đã xụp đổ tan tành trên đất nước Xô viết đa số nhân dân đã không còn chấp nhận chế độ Cộng sản, tại sao những người Cộng sản Việt nam vẫn “bảo hoàng hơn vua”, vẫn còn cố nêu lên định hướng Xã hội chủ nghĩa khi chưa rõ hình thù nó như thế nào? Tại sao, như Hà Sĩ Phu nói, những người Cộng sản qua sông rồi vẫn cứ vác thuyền trên vai mà đi, không chịu can đảm tuyên bố chia tay Ý thức hệ, một Ý thức hệ ngoại lai tuy có một số đóng góp cho đất nước trong một giai đoạn, nhưng cũng đã tàn phá đất nước đến tận cùng?

     Những người Cộng sản Việt nam muốn độc quyền chân lý, độc quyền yêu nước nhưng điều đó không thể được. Bộ máy thông tin tuyên truyền báo chí hùng hậu của cả chế độ không trấn áp nổi bài viết 100 trang của Hà Sĩ Phu nên phải dùng tới bạo lực nhà tù . Trấn áp không phải lúc nào cũng chỉ đưa tới sợ hãi mà còn tạo ra sự căm phẫn và phản kháng. Cai trị bằng sự sợ hãi không phải là một phương cách lâu bền. Tất cả mọi chế độ độc tài trên thế giới này đều đã thử nghiệm và cuối cùng đã thất bại. Những người Cộng sản, trong một giai đoạn, từng đấu tranh cho độc lập dân tộc và công bằng xã hội tất phải thấu hiểu hơn ai cả về điều này.

    Tôi tin trong những người Cộng sản đang cầm quyền hiện nay vẫn có những người có lương tri và thực tâm yêu nước. Tôi tin trong những người trí thức của bộ máy cầm quyền, những nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo của hệ thống văn học nghệ thuật, thông tin báo chí nhà nước hiện nay vẫn có những người thật sự muốn có tự do sáng tạo, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí và xuất bản. Những người này sẽ lên tiếng và bày tỏ thái độ về trường hợp Hà Sĩ Phu vì Hà Sĩ Phu đã trở thành một biểu tượng của Trí tuệ và Tự do tư tưởng đang bị vùi dập.

    Dù đất nước Việt nam vẫn còn nghèo nàn lạc hậu, dù đang thời kinh tế thị trường, con người nhất định không phải chỉ là con vật kinh tế. Dù Đông hay Tây, dù với đặc thù nào, một quốc gia nói tôn trọng Nhân quyền mà không tôn trọng tự do tư tưởng và các quyền dân chủ của nhân dân thì thực chất chỉ coi con người như con vật, nói gì đến việc xây dựng chiến lược con người.

     Hà Sĩ Phu tin vào quy luật của lịch sử và không chấp nhận thái độ đứng bên lề hay ngồi chờ. Anh tin vào con người và trí tuệ nên đã dồn hết tinh lực và tâm huyết vào các bài viết của mình. Anh cho rằng việc nâng cao nhận thức của quần chúng là vấn đề cơ bản để chuyển biến tình thế về lâu về dài. Anh  dấn thân nhưng không làm chính trị chuyên nghiệp. Anh chỉ là lý luận, bày tỏ quan điểm, phân tích tình hình một cách sáng suốt, sắc bén và can đảm. Anh đề nghị những giải pháp, lối thoát cho dân tộc và cho cả Đảng Cộng sản đang cầm quyền chỉ vì thật sự đau lòng và ưu tư cho vận nước. Hà Sĩ Phu là biểu tượng của Trí tuệ, tự do tư tưởng trong thời kỳ mới của đất nước và thời đại.

    Đàn áp Hà Sĩ Phu và những người đấu tranh cho tự do dân chủ là biểu hiện của sự thoái hóa, đi ngược dòng lịch sử, là dấu hiệu suy yếu của một chế độ đã không còn chính nghĩa để tồn tại.

                                                          Đà lạt, cuối tháng 12-1995

                                                                 Tiêu dao BẢO CỰ

 

 

 

 

 

 

                                 NHỮNG PHÁT HIỆN MỚI

                         TỪ MỘT PHIÊN TÒA

 

   Phiên toà ngày 22/8/96 xử Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu và Nguyễn Kiến Giang đã được dư luận trong và ngoài nước bình luận nhiều. Dù nội dung phiên tòa bị bưng bít , nhưng qua những thông tin tối thiểu và kết quả chính thức được Thông tấn xã Việt nam thông báo, dư luận chung đều đánh giá đó là một phiên toà lúng túng, bất công và không hiệu quả như nhà nước mong muốn.

     Sau phiên toà một số thông tin mới được tiết lộ giúp chúng ta phát hiện thêm một số vấn đề mới rất hữu ích cho tình hình chung.

     Trường hợp Hà Sĩ Phu bị bắt thế nào là một điều bí ẩn mãi cho đến khi ra toà, Hà Sĩ Phu mới có dịp công khai nói ra. Trong lúc đi xe đạp trên đường phố Hà nội, ông đã bị hai người đi xe honda chèn ngã và định giật lầy túi xách. Ông đã la lên “ăn cướp,ăn cướp!” . Lập tức có Công an đến can thiệp ngay. Nhưng thay vì bắt kẻ cướp, công an lại đưa ông về đồn, khám xét túi xách, tìm thấy trong đó cái gọi là “tài liệu bí mật”, tức bức thư của ông Võ văn Kiệt gởi Bộ Chính trị ngày 9-8-96. Sau đó công an bắt giữ ông luôn.

     Như thế vấn đề đã rõ và người dân miền Bắc không lạ gì “trò cinéma” cổ lỗ sĩ này, nhưng người ta ngạc nhiên khi đã đến thời kỳ đổi mới, mở cửa rồi mà bổn cũ vẫn còn được diễn lại.Thì ra đổi mới cũng không phải dễ dàng. Có nhiều ngón nghề cũ vẫn phải xài lại. Đây cũng là một loại “bí mật của nhà nước”, vì từ khi bị bắt, Hà Sĩ Phu không được nói ra và vợ ông hai lần vào thăm cũng không được hỏi chồng, nhiều lần hỏi công an nhưng công an từ chối không chịu trả lời.

    Khi ông Chánh án hỏi “trình độ văn hoá” của Hà Sĩ Phu, Hà Sĩ Phu trả lời “ Tôi không biết trình độ văn hoá của tôi ra sao, trình độ này khó mà nói được. Nhưng chắc ông hỏi về học vấn thì tôi có học vị Phó tiến sĩ Sinh học tại nước Cộng hoà XHCN Tiệp khắc”. Thật là cách nói châm biếm kiểu Hà Sĩ Phu không lẫn vào đâu được. Thế nhưng vị Chánh án lại gặng hỏi : “Như thế anh đã học hết lớp 10 chưa?” . Toàn thể cử toạ của phiên toà nghiêm trọng này (mà hầu hết đều là người của nhà nước) đều không nhịn được, phải cười ồ.

    Có người ngạc nhiên không hiểu tại sao nhà nước lại bố trí một Chánh án như thế để chủ toạ phiên toà xử 3 nhà trí thức nổi tiếng về lý luận. Thật ra đây là một hiện tượng đáng mừng. Người ta nhớ lại phiên toà xử Hoàng Minh Chính- Đỗ Trung Hiếu, cách Hoàng Minh Chính đối đáp với Chánh án một cách kẻ cả, át giọng đến nỗi người nghe nhiều khi không biết ai xử ai. Sau đó mọi người còn biết đến lá thư của ông Hoàng Minh Chính gửi hai ông Chánh án sau khi ông hết hạn tù, yêu cầu hai điều :

- Công khai hoá toàn bộ hai phiên toà xử ông bằng cách cho các nhà báo, các nhà nghiên cứu và bất cứ ai cũng đều được tự do tiếp cận các băng ghi âm và băng hình mà toà án đã ghi lại từ A đến Z.

- Công dân Hoàng Minh Chính sẵn sàng tranh luận công khai với ông Chánh thẩm Nguyễn Quang Đẩu đã ngồi ghế Chánh án toà sơ thẩm tại Hà nội ngày 8-11-95, và thẩm phán Vũ khắc Xương ngồi ghế chánh án toà phúc thẩm tối cao kiêm chung thẩm ngày 18-12-95.

 (Cuộc tranh luận nhằm làm rõ sự thật về tính hợp pháp hay phi pháp của hai phiên toà kể trên. Toàn bộ chi phí cuộc tranh luận đó công dân Hoàng Minh Chính tự nguyện đảm nhận hết).

    Có lẽ sau sự việc này, các thẩm phán tử tế không ai dám ngồi ghế Chánh án phiên toà xử Lê Hồng Hà-Hà Sĩ Phu- Nguyễn Kiến Giang vì sợ sẽ biến thành trò cười cho thiên hạ. Chỉ có thẩm phán hỏi Hà Sĩ Phu “học hết lớp 10 chưa” thuộc loại điếc không sợ súng” mới đủ tầm cỡ chủ toạ phiên toà này thôi.

    Phiên toà có 3 luật sư biện hộ  cho hai ông Hà Sĩ Phu và Lê Hồng Hà. ông Nguyễn Kiến Giang tự biện hộ. Các luật sư cũng như ông Nguyễn Kiến Giang đều tập trung phân tích hai vấn đề : không có gì gọi là tài liệu bí mật và không có ai cố ý tiết lộ bí mật nhà nước. Các lý lẽ nêu ra đều hết sức thuyết phục.

     Thái độ của ba ông Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang đều hết sức đàng hoàng, đĩnh đạc, đều khẳng định mình vô tội và bác bỏ những luận điệu buộc tội do công tố đưa ra.

     Sau phiên toà, giới thạo tin cung đình cho biết Ban tư tưởng văn hoá trung ương đã gửi cho Bộ Chính trị một báo cáo về phiên toà với hai nhận định quan trọng :

- Chưa có phiên toà nào các luật sư lại biện hộ một cách hăng hái, nhiệt tình như phiên toà này.

- Các lý lẽ buộc tội nêu ra đều “đầy sức không thuyết phục” .

    Thật là ý nghĩa.Từ xưa, dưới chế độ này, có luật sư nào dám hăng hái biện hộ cho các bị cáo bị kết tội phản động về chính trị? Có mà om xương. Và các lý lẽ của luật sư, bị cáo thì “đầy sức thuyết phục”, trong khi công tố buộc tội lại “đầy sức không thuyết phục” ! Hà Sĩ Phu khi biết được chắc rất thú vị với trò chơi chữ này.

   Như thế, phiên toà ngày 22-8-96 xử 3 ông Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang thật là một hiện tượng đáng mừng.Đây thật sự là một bước tiến của dân chủ. Trong phiên toà xử những người bất đồng chính kiến với chế độ này, công lý và sức mạnh thuộc về các bị cáo chứ không thuộc về toà án của nhà nước. Đúng như dư luận chung đã nhận định, phiên toà lúng túng, lố bịch và không hiệu quả như nhà nước mong muốn.

   Tốt nhất là hãy công khai hoá mọi chuyện, thực hiện nhà nước pháp quyền, thực hiện công lý của nhân dân chứ không phải công lý của nhà nước độc tài. Chỉ có một chế độ dân chủ thực sự mới đưa quốc gia đến tiến bộ và phồn vinh, trong đó những người trí thức tài năng và nhiệt tâm với đất nước như  Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang, Hoàng Minh Chính, Đỗ Trung Hiếu và nhiều người khác nữa sẽ góp phần xứng đáng của mình chứ không phải mất bao nhiêu thời gian vào ngồi trong nhà đá.

                                                        Đà lạt cuối tháng 9-1996

                                                            Tiêu Dao BẢO CỰ

 

 

 

 

 

 

                 HÀ SĨ PHU VÀ NHÂN CÁCH CỦA

     NGƯỜI TRÍ THỨC DÁM SỐNG TRUNG THỰC

 

Hà Sĩ Phu viết không nhiều. Ba tiểu luận triết học-chính trị của ông chỉ khoảng 200 trang mà nhiều người đã biết : Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ,  Đôi điều suy nghĩ của một công dân và Chia tay Ý thức hệ. Sự sâu sắc, tính trí tuệ, tính thuyết phục, tính triệt để, tính tiền phong thể hiện rõ trong nội dung những bài viết. Vì thế nhiều người, đặc biệt là giới trí thức trong và ngoài nước đã chia sẻ, kính phục và ngưỡng mộ ông.

    Uy tín và tình cảm công chúng dành cho ông ngày một cao. Trong nước, những bài viết của ông dù bị cấm đoán vẫn được nhân bản, chuyền tay nhau đọc ngày càng nhiều. Ở hải ngoại, toàn tập tác phẩm của ông được xuất bản, các cơ quan truyền thông giới thiệu về ông một cách rộng rãi và giới trí thức tìm đọc, ngưỡng mộ ông ngày càng đông đảo. Việc ông bị bắt, bị đưa ra toà xét xử đã làm dấy lên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong nước và nhiều nơi trên thế giới. Lúc ông hết hạn tù được trả tự do, bạn bè đã đi đón ông, ở Hà nội từ trại giam, rồi ở Sài gòn và Đà lạt với hoa và tình cảm nồng nhiệt. Bạn bè ở nhiều nước gọi điện về chia vui

và hỏi thăm sức khoẻ, các đài báo nước ngoài liên tục phỏng vấn và đưa tin. Đó là sự kiện chưa từng có ở đất nước này mấy chục năm qua.

    Hà Sĩ Phu có được những điều trên trước hết là do giá trị tư tưởng của ông. Mặt khác không kém phần quan trọng là do nhân cách và thái độ hành xử của ông trước những tình huống hiểm nghèo để giữ vững quan điểm và cách sống của mình. Đó là đức tính và khí phách của kẻ sĩ chân chính phương đông. : Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. Đó là cách vượt qua thử thách của người trí thức trung thực trong hoàn cảnh Việt nam hiện nay mà sự lựa chọn và cách sống, về một mặt, còn khó khăn hơn trong thời kỳ chiến tranh ác liệt.

     Từ khi công bố bài viết đầu tiên “Dắt tay nhau…” năm 1988, Hà Sĩ Phu đã trải qua nhiều thử thách. Năm 1991 ở Hà nội, lúc đến thăm Dương Thu Hương, ông đã bị gọi thẩm vấn suốt 10 ngày.Năm 1993, vụ một người bạn mượn tài liệu của ông đi photo ở Đà lạt ông cũng bị gọi lên thẩm vấn. Như mọi người đã biết, bài viết của ông bị báo chí nhà nước liên tục đả kích trong mấy năm liền. Ông thường xuyên bị giám sát và đôi khi được “tranh thủ” bằng cách tặng quà trong dịp tết, mời đi ăn với cán bộ lãnh đạo của ngành Công an. Dù thế, ông vẫn tiếp tục viết, tiếp tục dòng tư tưởng trào sôi của mình trước vận nước.

     Những bài viết của ông, ban đầu có tính cách lý luận cơ bản, mang tính tổng kết chung, nhưng dần dần khi đi vào những vấn đề cụ thể, cần phải đụng chạm đến cá nhân một số người lãnh đạo, ông cũng đã không do dự mặc dù đã có bạn bè khuyên là việc đó rất nguy hiểm.

    Từ khi bị bắt, cho đến lúc ra toà, vào trại giam và ngay cả khi được trả tự do, ông vẫn thường xuyên đối diện với những thử thách ngày càng gay gắt.

     Lúc mới bị bắt, người ta hỏi ông có phải viết vì muốn nổi tiếng không, ông trả lời : Tư tưởng triết học tôi ôm ấp mấy chục năm qua, nếu nội dung không có giá trị thì người viết ra muốn nổi tiếng cũng không được mà chỉ là một thằng hề, nếu nội dung có giá trị thì không muốn nổi tiếng cũng không được. Người ta hỏi bài viết của ông gửi cho ai, ông đáp : Tư tưởng là phải có giao lưu. Tôi tiếc không có điều kiện để in 70 triệu bản cho 70 triệu người Việt nam nên xin đừng hỏi tôi gửi cho ai. Khi lần đầu vợ vào thăm, ông cảm động ứa nước mắt nhưng đã trấn tĩnh ngay , nói với công an : Tôi khóc vì thương vợ tôi chứ không phải Hà Sĩ Phu khóc với Công an đâu nhé!

     Lúc ra toà, nơi quyết định số phận của cá nhân, thái độ của bị cáo sẽ bộc lộ bản lĩnh, nhân cách và khí phách của con người, không ai che dấu được.

    Khi nghe bản cáo trạng buộc tội ông đã có hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật của nhà nước”, ông bình luận một cách mỉa mai : Tôi nghe và hình dung thấy mình có dáng dấp của một tên gián điệp đột nhập vào cơ quan lưu trữ của Nhà nước, uy hiếp người bão vệ và bẻ khoá để lấy tài liệu. Ay thế mà bây giờ toà lại cải tội danh thành “cố ý tiết lộ bí mật nhà nước”, tuỳ tiện như thế là tự mâu thuẫn và chứng tỏ việc trên chỉ là vu cáo.

    Khi nói lời cuối cùng trước phiên toà, ông đã tố cáo việc bắt ông là một kịch bản vụng về, tố cáo quá trình tố tụng không đảm bảo nguyên tắc và luật pháp như cố tình trì hoãn việc mời luật sư ( ông chỉ được gặp luật sư 10 phút trước phiên toà), không trao cho ông các văn bản đúng thời gian quy định.

    Chủ toạ phiên toà đã cắt lời ông và hỏi có tính cách gợi ý : Có phải anh định nói mong toà xét xử công minh không? Đây là câu hỏi mà ông hiểu, và sau này có người xác nhận, là tuỳ cách trả lời của ông mà ông sẽ được trả tư do ngay hay phải ở tù thêm 3 tháng. ( Vì trước đó Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án 9 tháng đến một năm tù, để hợp pháp hoá việc  ông đã bị tạm giam 9 tháng ). Tuy nhiên, phản ứng của ông hoàn toàn trái ngược với ý muốn của chủ toạ phiên toà. Trước hết, ông phản đối chủ toạ đã cắt lời bị cáo trong lời nói sau cùng (điều đó sai luật).Tiếp đó ông nói : Việc xử nặng hay hay nhẹ đối với tôi không phải điều quan trọng. Vấn đề là tôi phải nói sự thật, phải là một người trung thực!

     Chủ toạ còn hỏi ông có nguyện vọng cá nhân gì không. Ông trả lời : Tôi không có nguyện vọng gì về cá nhân, nhưng ngay từ khi mới bị bắt, tôi chỉ có nguyện vọng là đất nước đang cần đoàn kết để xây dựng thì đừng nên gây ra những tổn thất không đáng có.

     Sau này, khi về trại giam, một tù thường phạm biết chuyện đã bảo ông nói thế làm gì cho thiệt thòi. Ông đáp: Một câu nói ở nơi đó có giá trị hơn một trăm câu ở nơi khác. Ba tháng chứ hơn nữa tôi vẫn nói.Ông đùa thêm : Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp !

    Ở trại giam có một chuyện tưởng như đơn giản nhưng làm ông rất khó nghĩ. Trại tổ chức cho phạm nhân làm báo tường và yêu cầu ông tham gia viết bài. Thật oái oăm. Người đã viết “Chia tay Ý thức hệ”, đòi những người cầm quyền từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản, sẽ viết gì trong tờ báo tường của trại giam xã hội chủ nghĩa này. Và trại giam không phải là chỗ có thể đùa được. Cuối cùng ông nói : Tôi là người có tư tưởng phi mácxít nên không thể viết gì phù hợp với báo tường của trại giam xã hội chủ nghĩa (các trại giam phải đem báo tường đi thi để chấm giải!). Tuy nhiên tôi  cũng có khiếu viết chữ, tôi sẽ đảm nhận trình bày toàn bộ phần hình thức thật đẹp cho tờ báo.

     Ông dự tính nếu bị ép quá hay bị đối xử thô bạo ông sẽ tuyệt thực để phản đối và đưa ra lời tuyên bố “Người cầm bút chỉ có thể viết trong tự do!”. Nhưng việc đó rồi cũng qua.

     Và bây giờ, khi ông đã trở về căn nhà bé nhỏ của mình ở 4E Bùi thị Xuân Đà lạt, tình hình không phải đã dễ dàng. Ông vẫn bị giám sát chặt chẽ, và nhiều báo –đài nước ngoài liên tục gọi điện thoại về phỏng vấn. Ông sẽ không nói hay sẽ nói gì. Có những việc mà người ngoài, nhất là hải ngoại, khó thông cảm được. Ở một đất nước như Việt nam hiện nay, đấu tranh cho tự do không phải là tự do muốn nói gì thì nói. Nói thế nào để Hà Sĩ Phu vẫn là Hà Sĩ Phu mà nhà nước không xem là khiêu khích, và bạn bè khắp nơi trên thế giới không đánh giá sai hoặc hiểu lầm. Đó không chỉ là nghệ thuật mà chính là trí tuệ và nhân cách.

     Có lẽ tôi đã viết khá nhiều về Hà Sĩ Phu, nhưng tôi vẫn còn muốn viết về ông, và vẫn chưa viết hết những điều tôi đã hiểu và cùng ông chia sẻ.

    Thực ra , ông chỉ là một người trí thức trung thực, luôn băn khoăn về vận nước, và muốn đem trí tuệ của mình góp phần soi sáng đường đi của đất nước. Ông phát biểu ý kiến của mình thẳng thắn, nhưng ôn hoà.

     Hà Sĩ Phu , cũng chỉ đơn giản có thế !.

                                                                                               Tiêu Dao BẢO CỰ

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ