LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Tôi bày tỏ
Nhật ký trong những ngày bị quản chế 1996 –1998

Tiêu Dao Bảo Cự trong những ngày viết nhật kí Tôi bày tỏ


Tuần lễ căng thẳng đầu tiên - Giai đoạn 1


Thứ hai 11/11/96

4 giờ chiều, tôi và Bạch Yến - vợ tôi, về đến nhà. Chúng tôi đi từ Sài Gòn về Ðà Lạt bằng xe đò mất 7 giờ, rất mệt nhọc. Chúng tôi đã đi Sài Gòn 3 hôm trước để Yến kiểm tra lại vết mổ cắt bỏ tử cung năm ngoái vì có dấu hiệu tiền ung thư. Do thời tiết thay đổi, chúng tôi đều bị cảm cúm, sổ mũi và mấy hôm ở Sài Gòn đi lại nhiều, ngủ ít, lại thêm hai chuyến xe đò lên về quãng đường 300 cây số nên càng mệt.

Vừa rẽ vào đầu hẻm, một em học trò nhà hàng xóm chạy theo gọi Yến: “Cô ơi cô, mấy hôm nay ông A đến tìm cô đó.” (A là công an khu vực phụ trách khu phố tôi ở.) Yến hỏi lại A đến tìm có việc gì nhưng em không biết, chỉ thấy A đến nhiều lần và hỏi thăm các nhà hàng xóm về tin tức của chúng tôi.

Chúng tôi mở cửa vào nhà, chưa kịp cất hành lý thì A và một công an khác còn trẻ từ đâu đến tiếp ngay. A giới thiệu công an trẻ mới ra trường về nhận công tác tại phường nên A đưa đi cho quen địa bàn. Vào nhà thăm hỏi mấy câu xong, A đưa cho tôi xem lệnh truy nã có ảnh của 7 tên tội phạm đang hoạt động trên địa bàn thành phố, nói là để nhân dân trong phường biết, đề cao cảnh giác. Sau đó A đưa ra một phong bì của Công an Thành phố Ðà Lạt gởi cho tôi yêu cầu tôi ký nhận. Tôi mở ra đọc ngay: CA TP/ÐL mời tôi lên làm việc lúc 8g ngày 12/11/96. Lý do: “Về một số bài viết mang tên ông”.

A đưa được giấy mời xong có vẻ nhẹ người, cùng với công an trẻ cáo từ ra về. (Hôm sau tôi được biết trong mấy ngày qua A rất lo lắng và đã tìm hỏi về tôi và Yến mỗi ngày ở các nhà hàng xóm cũng như ở trường của Yến. Một nguồn tin khác cho biết có người ở Sài Gòn cũng được lệnh tìm tôi trong mấy ngày đó.)

Chúng tôi vừa bàn bạc vừa dọn dẹp qua loa nhà cửa rồi đi nằm nghỉ vì đã quá mệt. Yến thiếp đi ngay nhưng tôi vẫn cố thức, vừa xem phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên vừa suy nghĩ. Ðây là bộ phim Mỹ nhiều tập chúng tôi rất thích, mỗi ngày Ðài Truyền hình Việt Nam phát một tập từ 18g - 18g45. Khác với các loại phim Mỹ thông thường, truyện của bộ phim này giản dị nhưng tinh tế, sâu sắc, tính giáo dục cao và bàng bạc chất nhân văn. Kịch bản viết chặt chẽ, các diễn viên người lớn cũng như trẻ em đóng rất đạt, nhiều đoạn cảm động làm ứa nước mắt. Hầu như tập nào cũng hấp dẫn, xem không chán dù đã được chiếu hơn 100 tập.

Xem phim xong, tôi đánh thức Yến dậy để ăn chút bánh mì ngọt mang từ Sài Gòn lên và uống ly sữa. Chúng tôi tiếp tục bàn về cách ứng phó trong buổi làm việc với CA ngày mai và khả năng sắp tới. Tôi cố chống mỏi mệt để kiểm tra lại máy vi tính và thu xếp các tài liệu cho vào một chiếc cặp trước khi đi ngủ.


Thứ ba 12/11/96

Buổi sáng dậy đã hơn 6 giờ, chỉ kịp làm vệ sinh cá nhân, uống ly sữa rồi chở Yến đến trường trước 7g. Yến có 4 tiết dạy sáng nay. Sau đó tôi đến nhà Mai Thái Lĩnh, một bạn thân tâm huyết ở đây để trao đổi trước khi đến làm việc với CA. Chiều hôm qua tôi cũng đã gọi điện báo cho Lĩnh và Bùi Minh Quốc biết qua sự việc. Nhà Lĩnh nằm trên một đường phố chính ở khu trung tâm, có cửa hiệu bán sách. Tôi chạy xe chầm chậm rẽ qua đường, đến trước hiệu sách. Hiệu sách còn đóng cửa và một cô gái giúp bán sách đến làm việc đang đứng đợi trước cửa. Tôi mải mhìn và chào cô gái khi xe băng ngang nửa đường thì một người đàn ông chạy xe Vespa rất nhanh từ phía sau phóng tới đâm vào xe tôi rồi chạy luôn. Tôi và xe ngã ngang xuống đường. Tôi không bị thương, chỉ đau nhẹ ở đầu gối. Tôi vội vàng nhặt sách, dựng xe lên, đạp nổ máy đi theo một đường khác vào cửa sau nhà Lĩnh, không quan tâm đến người đi đường đang đứng lại nhìn vì tôi đang vội.

Gặp Lĩnh lúc 7g30. Chúng tôi nói chuyện khoảng 15 phút, phán đoán tình hình chung quanh việc CA mời làm việc này. Lý do mời đã nói rõ người ta quan tâm đến chính bài viết, tức là tư tưởng của tôi chứ không phải những lý cớ khác. Có lẽ gần đây báo đài đăng bài và nói về tôi hơi nhiều, kể cả các đài VOA, BBC phát thanh về Việt Nam nên nhiều người biết. Sau chuyện Hà Sĩ Phu bị bắt và đưa ra tòa xử, tôi là người phản ứng mạnh và nhiều lần nhất, chưa kể những bài viết và trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài khác. Có việc hơi khác thường là CA TP/ÐL làm thay vì CA tỉnh Lâm Ðồng như các lần trước. Phải chăng đây là sự thay đổi chiến thuật, làm có tính cách thăm dò và thận trọng hơn, chặt chẽ hơn, từ thấp lên cao để tránh sơ hở. Bước đầu là tìm hiểu, răn đe rồi lúc nào sẽ bắt giam, truy tố.

8g kém 15, tôi rời nhà Lĩnh đi ra phố tìm chỗ photocopy tờ giấy mời để sử dụng sau này. Còn sớm nên 3, 4 chỗ vẫn chưa có người làm. Cuối cùng, một nơi có người mới đến làm việc. Anh ta đang quét dọn, chuẩn vị máy móc và bảo tôi đợi. Ðã hơn 8g, tôi sốt ruột nhưng đành phải cố chờ. Anh ta vừa chạy máy vừa nhìn tôi một cách soi mói. Làm được hai tờ đầu, anh ta xem qua tỏ vẻ như không vừa ý, lấy để xuống phía dưới và làm thêm 4 tờ khác theo yêu cầu của tôi. Tôi biết rõ trò này, Các nơi photo một số là cơ sở của CA, một số khác bị buộc phải theo dõi, giữ lại bản sao và báo cáo cho CA những trường hợp nghi ngờ. Việc sao giấy mời này không quan trọng nên tôi không quan tâm và vội trả tiền đi ra. Tôi đến cơ quan CA trễ 15 phút so với quy định trong giấy mời.

Giấy mời do B, lãnh đạo CA TP/ÐL ký, yêu cầu đến gặp một cán bộ tên C. Cơ quan lúc này đã tấp nập người, cả cán bộ CA và nhân dân đến giải quyết công việc. Trụ sở CA nằm ngay bên phải của nhà thờ Chánh Tòa, còn gọi là nhà thờ Con Gà, thánh đường xưa và đẹp nhất của thành phố. Tôi đưa giấy mời cho trực ban. Một cán bộ CA xem giấy mời xong mời tôi ngồi ở ghế đợi rồi đi vào trong. Lát sau, một cán bộ CA khác đi ra hỏi và hướng dẫn tôi đi qua một khu nhà khác, vào một căn phòng nhỏ bên trong. Anh ta mời tôi ngồi, rót nước và tự giới thiệu là C. C hơi thấp, khá mập mạp, có râu cằm lún phún. Vừa uống hớp nước, một cán bộ khác bước vào, đến bắt tay tôi. C giới thiệu đó là B, lãnh đạo CA TP/ÐL. B còn trẻ, khoảng gần 40, người nho nhã, mặt trắng trẻo và khá thông minh. Cả hai đều mặc thường phục và thắt cà vạt nghiêm chỉnh.

B lại mời tôi uống nước, hỏi xã giao vài câu rồi vào đề ngay: Thời gian gần đây, CA biết có một số bài viết và trả lời đài, báo nước ngoài mang tên tôi nên mời tôi đến để hỏi rõ xem những bài đó có phải đúng là của tôi không.

Tôi hỏi vặn lại:

“Nhưng anh phải cho tôi biết là những bài nào, nội dung cụ thể ra sao mới có thể xác nhận là của tôi hay không.”

Anh ta cũng không vừa:

“Chúng tôi là cơ quan an ninh, có nhiệm vụ hỏi anh chứ không phải anh hỏi chúng tôi. Những việc anh đã làm dĩ nhiên anh biết rõ nên anh cứ nói trước đi, tôi sẽ chứng minh cho anh sau là chúng tôi biết gì về anh.”

Tôi hiểu đó là thủ thuật của CA và cù cưa với anh ta cũng vô ích nên tôi quyết định nói thẳng:

“Với tư cách là một công dân quan tâm đến những vấn đề của đất nước, tôi đã viết nhiều bài bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình. Khi viết, tôi ghi rõ tên họ, bút hiệu, địa chỉ, số điện thoại một cách công khai, không có gì giấu giếm. Tôi cũng đã trả lời khi các đài, báo nước ngoài phỏng vấn. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về các bài viết và ý kiến của mình.”

Tôi đã đối đáp với B suốt buổi sáng. C ghi biên bản. Toàn bộ nội dung tóm tắt tôi đã xác nhận như sau:

Cuốn tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại tôi có cho anh Phạm Ngọc Lân, anh vợ của tôi, là Việt kiều ở Pháp về thăm nhà năm 1993, đọc và mang đi Pháp. Tôi cũng đồng ý nếu có nhà xuất bản nào ở nước ngoài muốn xuất bản tôi sẽ chấp nhận. Sau đó, NXB Thế Kỷ ở Mỹ đã xuất bản năm 1994.

Một số bài tiểu luận về chính trị và văn nghệ như “Thư ngỏ gởi những người Cộng sản Việt Nam”, một số bài chung quanh vụ Hà Sĩ Phu bị bắt và đưa ra xét xử... Những bài này tôi chỉ gởi cho một số bạn bè, người quen đọc. Việc các đài, báo nước ngoài sử dụng những bài này tôi không thể biết được hết vì thiếu thông tin.

Tôi có trả lời phỏng vấn một số đài, báo nước ngoài qua điện thoại như đài VNCR ở Mỹ, báo Thiện ChíTự Do ở Ðức, báo Tao Ðàn ở Tiệp Khắc. Riêng báo Diễn Ðàn ở Pháp, do ông Ðoàn Giao Thủy - cộng tác viên của báo, là Việt kiều về thăm nhà, gặp tôi trực tiếp phỏng vấn.

Cuối cùng, B đưa ra một số bản photocopy từ các báo bài viết của tôi, yêu cầu tôi xem và ký xác nhận vào từng bài đúng là nội dung do tôi viết, gồm có:

 
  1. Thư gởi ông Phan Ðình Diệu (đăng trên báo Diễn Ðàn)
     
  2. Trầm tư từ thung lũng
     
  3. Nói chuyện với Tiêu Dao Bảo Cự (do Ðoàn Giao Thủy thực hiện)
     
  4. Hòa giải hòa hợp và giao lưu văn học (đăng trên báo Thông Luận)
     
  5. Thư ngỏ gởi những người Cộng sản Việt Nam
     
  6. Hà Sĩ Phu, biểu tượng của trí tuệ và tự do tư tưởng
     
  7. Mẫu bìa, lời tựa, lời bạt và mục lục của cuốn tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại do Thế Kỷ xuất bản năm 1994.
Tôi đã đọc lại biên bản thẩm vấn và ký xác nhận vào các tài liệu trên. Trong biên bản, C ghi nhiều chỗ không chính xác tôi yêu cầu sửa lại và ký xác nhận vào các chỗ sửa. Riêng câu trả lời cuối cùng, không biết do không hiểu ý tôi lúc tôi nói chuyện với B hay cố tình viết theo ý mình, C viết đại ý: Tôi (tức Bảo Cự) chỉ gởi những bài viết của mình cho bạn bè và góp ý xây dựng Đảng chứ không dám gởi cho báo chí nước ngoài vì tôi biết những bài tôi viết báo chí và nhà xuất bản trong nước sẽ không đăng.

Câu này sai ý tôi và phần cuối vô nghĩa, tôi cũng không thể sửa văn của anh ta mà không bỏ đi toàn bộ, do đó tôi yêu cầu tôi tự viết lại bổ sung phía dưới như sau:

“Tôi cho rằng những tác phẩm, bài viết của tôi nhằm trình bày những suy nghĩ của mình về các vấn đề chung của đất nước, trao đổi với bạn bè và những người có quan tâm, phần nào có góp ý cho Đảng. Những tác phẩm, bài viết này có thể có ý kiến khác hoặc trái với quan điểm của Đảng và nhà nước nhưng đó là quyền tự do của người công dân đã được hiến pháp ghi nhận”.

Tôi biết công an luôn ép cung và ghi lời khai theo tinh thần “bị can đã thành thật khai báo và cúi đầu nhận tội” nhưng tôi không phải là người dễ bị khuất phục.

Buổi trưa tôi về nhà lúc gần 12g. Vợ tôi cũng mới ở trường về. Yến kể cho tôi nghe lúc gần trưa Mai Thái Lĩnh đến nhà không gặp Yến nên đến trường tìm. Yến đã giao chìa khóa cho Lĩnh, chỉ chỗ để chiếc cặp tài liệu của tôi để Lĩnh về lấy. Sau đó, Lĩnh lại đến trường trả chìa khóa và mang chiếc cặp đi gởi nơi khác. Chúng tôi tạm yên tâm về việc đó. Có chuyện này là do buổi sáng khi gặp Lĩnh, Lĩnh hỏi tôi trong nhà còn có tài liệu gì không, tôi nói còn một ít và định sẽ giấu đâu đó trong nhà. Lĩnh khuyên nên chuyển đi nơi khác vì để trong nhà không an toàn khi công an khám xét. Do đó, tôi nói gần trưa nhờ Lĩnh đến gặp Yến nói lại chuyện đó. Có lẽ do Lĩnh ngại sau khi thẩm vấn xong có thể công an dẫn tôi về để khám xét nhà luôn nên Lĩnh đã đến sớm và giúp vợ tôi làm chuyện đó.

Tôi thuật lại sơ lược nội dung làm việc với công an buổi sáng cho vợ tôi nghe. Chúng tôi chưa kịp ăn trưa, học sinh học thêm với vợ tôi ở nhà đã đến. Yến qua phòng học dạy học trò. Tôi nằm nghỉ một tí rồi ngồi ghi lại tóm tắt buổi làm việc với công an.

2g30 chiều, tôi lên CA TP/ÐL làm việc tiếp. Vẫn những câu hỏi về các bài viết. Còn những bài nào nữa, gởi cho ai, đăng báo nào, trả lời phỏng vấn đài nào, thời gian nào? B hỏi kỹ đối với từng người tôi gởi những bài nào. Tôi trả lời đã gởi bài cho bạn bè thân và những người quen biết.

 
  • Ðà Lạt có Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh.
     
  • Sài Gòn có Nguyễn Ngọc Lan.
     
  • Hà Nội có Phan Ðình Diệu.
     
  • Huế có Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Gần đây, chủ yếu tôi gởi những bài liên quan đến việc Hà Sĩ Phu, những bài cũ không nhớ rõ. B khá tinh nhạy, gặng hỏi có nhiều bài tôi không nói gởi cho ai tại sao vẫn lọt ra báo chí nước ngoài. Tôi nói tất cả các bài đều có gởi nhưng không thể nhớ rõ gởi cho ai được vì quá nhiều và thời gian quá lâu. Dĩ nhiên tôi còn gởi cho nhiều người khác nhưng không cần thiết phải nói hết và chỉ nói những người mà CA có biết cũng không làm gì được họ. Vả lại đây là quyền cá nhân, tôi có thể không cần trả lời.

Ðặc biệt B hỏi kỹ về Ðoàn Giao Thủy. Người đó làm gì, ở nước nào về, về ở đâu, gặp tôi mấy lần, thời gian bao lâu, nói chuyện gì...? Tôi nói tôi chỉ biết đại khái Ðoàn Giao Thủy là Việt kiều ở Pháp về, làm công tác nghiên cứu khoa học, thời sinh viên có tham gia hoạt động phản chiến, là cộng tác viên của báo Diễn Ðàn. Tôi chỉ gặp ÐGT nói chuyện một lần, ÐGT giao cho tôi mấy câu hỏi phỏng vấn ghi trên giấy. Tôi trả lời trên giấy và hôm sau ÐGT đến lấy rồi đi ngay. Tôi không biết ÐGT ở khách sạn nào và không nhớ chính xác ngày nào. B chất vấn tôi tại sao gặp người lạ lần đầu mà không tìm hiểu và đề phòng. Tôi nói tôi không phải là CA điều tra, người ta đã đọc tác phẩm của tôi, biết địa chỉ nên khi về nước đến thăm, người ta nói sao tôi biết vậy, tôi chẳng cần đề phòng và cũng chẳng sợ gì. Tôi trả lời phỏng vấn và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình, thế thôi.

Cuối buổi làm việc, B đưa thêm hai bản photo bài viết nữa yêu cầu tôi ký xác nhận: “Hà Sĩ Phu và cuộc hành trình gian nan của dân tộc”, “Những phát hiện mới từ một phiên tòa”. Tôi chú ý thấy hai bài này có điểm khác với các bài trước. Các bài trước đều photo từ báo nước ngoài nhưng hai bài này lại đánh máy vi tính, và về hình thức không giống với bài tôi đã đánh máy vi tính và in ra vì chữ to hơn, số trang nhiều hơn và không ghi số trang trên đầu như bản của tôi. Ðiều này làm nảy ra nghi vấn: Họ đã sử dụng một bản của tôi đánh máy nhưng sợ lộ nguồn gốc nên không photo mà đánh máy lại. Ở Ðà Lạt, tôi chỉ đưa cho một số người hạn chế và như thế có thể có người đã cung cấp cho CA. Nếu tôi dùng phương pháp loại suy, tôi có thể tìm ra được người đó là ai. CA làm việc rất có nghề nhưng óc phân tích của tôi có lẽ cũng không chịu kém. Tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ về vấn đề này.

Khoảng 5g30 chiều, lúc sắp sửa kết thúc biên bản thẩm vấn, bỗng B đi ra ngoài một lúc rồi vào đặt thêm vấn đề mới.

B nói: “Anh hãy nói cho tôi nghe về chiếc cặp”. Tôi giật mình biết có sự cố nhưng vẫn làm bộ thản nhiên hỏi lại: “Anh nói chiếc cặp gì tôi không hiểu”. B xoay quanh vấn đề này rất lâu:

“Bộ anh không dùng cặp hay sao? Lâu nay anh sử dụng cặp gì?”

“Từ 8 năm nay tôi không dùng cặp.”

“Có chắc không?”

“Chắc chứ. Lúc còn ở Bảo Lộc, làm công tác Mặt trận, tôi thường xuyên đi họp, báo cáo, giảng bài nên dùng cặp để đựng tài liệu. Còn từ khi lên Ðà Lạt làm ở Hội Văn nghệ tôi không dùng cặp nữa.”

“Thế chiếc cặp cũ của anh loại gì, hình thù và màu sắc ra sao?”

“Ðó là một chiếc cặp giả da cá sấu, hình chữ nhật, màu đen, có hai khóa phía mặt trước.”

“Vậy vợ anh có dùng cặp không? Cặp của vợ anh như thế nào?”

“Có. Vợ tôi có chiếc cặp kiểu phụ nữ, hình chữ nhật, màu tím hoa cà và có hoa văn trang trí.”

B nhìn tôi một lúc rồi gặng hỏi:

“Có thật sự anh không dùng cặp không?”

Tôi đáp một cách cứng cỏi, chắc nịch:

“Chắc chắn. Từ 8 năm nay tôi không dùng cặp.”

B bỏ đi ra ngoài, nói để cho tôi tiếp tục suy nghĩ.

Thực tế là tôi mới có một chiếc cặp. Một người bạn đã cho tôi hồi hè lúc tôi về Sài Gòn. Tôi để lại cho các con nhưng các con tôi không sử dụng vì không thích hợp. Mới rồi tôi về Sài Gòn thấy chiếc cặp để trong xó bụi bám nên đem lên khi nào cần sử dụng. Vừa lúc CA gởi gíấy mời đi làm việc, tôi bỏ một số tài liệu quan trọng vào đó định đưa đi cất nơi khác. Chắc chắn đó là chiếc cặp mà vợ tôi đã đưa cho Lĩnh mang đi, nhưng khi tôi nói với B là 8 năm nay tôi không dùng cặp nữa cũng là sự thật.

Một lúc sau, B lại vào hỏi:

“Anh đã suy nghĩ kỹ chưa?”

“Tôi chẳng có ý kiến gì khác.”

“Vậy tôi nói cho anh rõ hơn. Ðó là một chiếc cặp da màu đen, có quai xách, có khóa số, hình chữ nhật. Anh nghĩ thế nào?”

Anh ta nói quá chính xác về chiếc cặp mới đựng tài liệu của tôi, nhưng tôi nghĩ chưa chắc CA đã lấy được chiếc cặp, có thể họ mới chỉ nhìn thấy khi theo dõi nên tôi vẫn không thừa nhận gì.

B khá thông minh, anh ta đổi câu hỏi:

“Anh nói anh không dùng cặp, tôi tạm tin như thế. Nhưng trong nhà anh có chiếc cặp nào như vậy không?”

Tôi im lặng. B tiếp:

„Ðồ vật trong nhà anh, anh phải biết chứ. Trừ cây kim, sợi chỉ của vợ có khi anh không biết. Tôi cũng vậy. Nhưng một vật to như cái cặp kia lẽ nào anh không biết.“

Tôi thật khó trả lời anh ta mà không nói dối nên vẫn tiếp tục giữ im lặng.

B bỏ ra, lát sau lại vào. Anh ta vẫn tỏ ra kiên nhẫn nhưng đưa ra một đòn mới:

„Bây giờ tôi nói rõ cho anh biết. Mai Thái Lĩnh đã được mời lên làm việc và hiện đang ngồi ở phòng bên kia. Lĩnh đã thừa nhận tất cả. Vậy anh hãy nhận đi để khỏi gây khó khăn cho Lĩnh.“

B nói như thế, tôi hiểu CA đã biết về chiếc cặp nhưng chưa chắc đã lấy được. Tôi dự định chỉ thừa nhận khi trông thấy chiếc cặp trước mắt. Tôi vẫn nói cứng:

„Tôi không thừa nhận gì cả vì buổi sáng tôi ngồi làm việc với các anh ở đây suốt buổi. Chuyện gì xảy ra ở nhà tôi làm sao biết được.“

„Tôi đồng ý là anh không chứng kiến chuyện đó nhưng lẽ nào buổi trưa anh về vợ anh lại không nói cho anh biết một chuyện quan trọng như thế.“

„Buổi trưa tôi về trễ, vợ tôi cũng đi dạy về trễ, chưa kịp ăn uống, học sinh học thêm ở nhà đã đến nên chúng tôi chưa chuyện trò gì nhiều.“

B bắt bẻ:

„Anh nói vô lý. Buổi sáng trước khi lên đây làm việc, thì giờ ít nhưng tôi biết anh đã ghé qua anh Lĩnh. Anh đã bàn bạc với anh Lĩnh những gì và anh đã nhờ anh Lĩnh làm việc gì?“

„Chúng tôi là bạn bè thân nên chia sẻ với nhau mọi chuyện, nhất là trong trường hợp này chúng tôi lại càng cần gặp nhau. Chúng tôi chỉ trao đổi với nhau về mục đích việc CA mời và dự đoán khả năng sắp tới. Tôi chỉ gặp Lĩnh 15 phút và không nhờ Lĩnh làm việc gì cả.“

„Anh nói anh là bạn thân của Lĩnh vậy anh không nên gây khó khăn cho Lĩnh vì việc của anh. Nếu anh không nhận, Lĩnh phải chịu trách nhiệm về việc này.“

B đánh đòn tâm lý và ly gián này khá tốt. Dĩ nhiên tôi sẽ không gây khó khăn cho Lĩnh, khi cần tôi sẽ nhận hết về mình nhưng lúc này thì chưa vì tôi vẫn hi vọng CA chưa lấy được chiếc cặp.

B hỏi tiếp nhưng tôi vẫn nói quanh co. Lúc đó khoảng 19g30, B ra ngoài mang vào cho tôi và C hai ly cacao, hai chiếc bánh ngọt và thêm một chiếc bánh mì kẹp thịt cho tôi. Anh ta nói vì làm việc quá giờ đói bụng nên mời tôi dùng tạm. B đi ra ngoài nói để tôi ăn uống và suy nghĩ tiếp. C mời, tôi chỉ uống ly cacao và nói chuyện linh tinh với C vài câu. C mệt mỏi đến góc phòng ngồi kiếm tờ báo đọc. Tôi cởi giày co chân lên ngồi xếp bằng để thiền theo phương pháp yoga của Ananda Marga.

Tôi đọc thầm câu Mantra (một loại thần chú hay châm ngôn bằng tiếng Sanskrit) của bài thiền thứ hai có nghĩa là “Mọi vật đều là biểu hiện của Ðấng Tối cao”. Câu Mantra này giúp tôi sáng suốt và mở rộng lòng yêu thương. Sau đó tôi thiền bài thiền thứ nhất, rút tâm trí ra khỏi ngoại cảnh, khỏi cơ thể và cuối cùng tôi chỉ còn là một điểm ý thức nhỏ bé hòa nhập vào Ý Thức Vũ Trụ Vô Biên. Tôi không suy nghĩ về hiện tại hay lo nghĩ gì nữa mà chìm đắm trong một hiện hữu siêu thoát mênh mông.

Khoảng nửa tiếng sau, B vào đánh thức tôi dậy. Anh ta nói Lĩnh đã nhận tất cả và anh ta sắp cho tôi xem chiếc cặp nhưng anh ta muốn tạo cơ hội cho tôi thừa nhận trước. Tôi chẳng buồn trả lời. B lại đi ra.

Tôi đứng dậy làm vài động tác Asanas (một loại Yoga thể dục) để thư giãn chân tay vì tôi đã ngồi trên ghế làm việc hơn một ngày. C nhìn tôi không nói gì, lại tiếp tục đọc báo. Anh ta có vẻ chán nản nhưng tôi thì không. Tôi sẵn sàng chờ đợi và chờ đợi một cách thoải mái, không sốt ruột. Cái gì phải tới sẽ tới. Thế thôi.

Khoảng hơn 22g, B lại vào. Anh ta có vẻ đắc thắng nhưng chỉ lộ một ít ra mặt. B chìa cho tôi tờ giấy:

“Anh xem có phải đây là chữ viết của anh Lĩnh không?”

Tôi cầm tờ giấy có nét chữ quen thuộc của Lĩnh. “Bản tường trình theo yêu cầu của cán bộ công an”. Lĩnh kể rõ chi tiết đến nhà, đến trường gặp vợ tôi như thế nào rồi về nhà mở khóa, qua các phòng đến lấy chiếc cặp ra sao, tỉ mỉ đến từng động tác. Một chi tiết mới: Lĩnh gởi chiếc cặp ở nhà Huỳnh Nhật Hải (tức Tấn, nguyên là tỉnh uỷ viên dự khuyết đã tự ý ra khỏi Đảng khoảng 7 năm trước. Hải là bạn thân của Lĩnh.

B mỉm cười:

“Bây giờ anh nghĩ sao?”

Tôi cũng cười:

“Còn gì mà nghĩ nữa. Nhưng anh nên nhớ tôi không nói dối anh nhé. Lúc chiều tôi đã nói sự thật nhưng chỉ có một nửa. Quả thực tôi chưa bao giờ dùng chiếc cặp này vì nó hoàn hoàn mới.”

B nhăn mặt:

„Hồi chiều tôi cũng đã nghĩ là anh cố ý chơi chữ tôi nên thay vì hỏi “dùng” tôi đã hỏi lại anh là “có” nó hay không.“

Anh ta đưa ra một tờ giấy trắng:

„Bây giờ anh hãy viết bản tường trình về chiếc cặp đi.“

Tôi cầm lấy giấy và ngoáy bút viết ngay. Tôi xác nhận chiếc cặp là của tôi. Lĩnh không biết gì về chiếc cặp và trong cặp có những gì. Tôi cũng không nhờ Lĩnh lấy cặp. Có lẽ vợ tôi ngại để cặp trong nhà sẽ bị khám xét nên đã nhờ Lĩnh mang đi. Lĩnh không có trách nhiệm gì trong việc này.

Tôi ký tên và giao cho B. Anh ta vội vã mang đi, chắc để trình cho ai đó. Lát sau anh ta trở lại mời tôi đi theo sang một phòng lớn gần đó, trên cửa có bảng đề “Phòng họp”.

Phòng rộng, có chiếc bàn lớn ở giữa, trên để chiếc cặp, chung quanh ngồi đầy người. Vừa bước vào tôi đã thấy vợ tôi ngồi gần cửa. Yến mặt hốc hác, đội chiếc mũ len vàng nhạt, quay nhìn tôi cố gượng mỉm cười và gật đầu chào. Lĩnh ngồi phía hàng ghế bên kia. Có lẽ hơn 10 người chăm chú nhìn tôi bước vào.

B đưa tôi sang phía bên kia bàn ngồi vào ghế khoảng giữa. Có ai đó hỏi:

“Ðây có phải là chiếc cặp của anh không?”

“Phải.” Tôi đáp ngay

“Vậy anh tự tay mở nó ra.”

Tôi cầm lấy chiếc cặp, mọi người đổ dồn mắt vào. Một người cầm máy camera bên kia bắt đầu quay. Một người mặc sắc phục CA đeo cấp hiệu thiếu tá đứng gần tôi né người ra xa như sợ bom nổ. Tôi bóp hai chiếc nút và kéo hai quai nhưng chiếc cặp không mở.

Tôi nói:

“Ðây là khóa số. Tôi để nguyên mã số khi đóng lại nhưng có lẽ ai đó chạm vào đã làm nó thay đổi. Tôi nhớ mã số là 4-4. Ðể tôi xem lại.’’

Các con số trên khóa quá nhỏ và đèn không đủ sáng tôi không nhìn thấy. Tôi yêu cầu lấy kính trong chiếc xắc mang theo, đeo vào và điều chỉnh hai vòng số. 4-4. Tôi bóp hai nút nhỏ, chiếc cặp mở ra nhẹ nhàng.

Một người nào đó nói lớn:

“Yêu cầu anh lấy các thứ trong đó ra.’’

Cặp có 4 ngăn. Tôi lấy đồ ra. Có hai cuốn sách. Mấy tờ báo, mấy cuốn vở và khá nhiều bài viết, tài liệu của tôi đã in vi tính hoặc đánh máy chữ. Người cầm máy camera quay liên tục ở nhiều góc độ. Sau đó người ta yêu cầu tôi cầm từng thứ lên và đọc tựa đề từng cái một. Một người viết biên bản ghi vội vàng theo lời tôi đọc rồi sau đó chăm chú viết lại. Người ta cũng yêu cầu tôi ký xác nhận vào từng tờ, ghi rõ ngày tháng, tên họ khi xác nhận. Tôi làm việc này khá lâu nhưng người ghi biên bản còn mất thì giờ nhiều hơn, phải mất gần 2 giờ mới xong. Lúc kết thúc biên bản để mọi người có trách nhiệm và liên quan ký vào, anh ta đọc có tất cả 39 mục. Biên bản được photo ngay làm 4 bản, 1 bản giao cho tôi giữ.

Những gì tôi đã viết để trong chiếc cặp này gồm có:

- Cuốn tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại, bản in từ Mỹ gởi về còn mới toanh. Cuốn này ban sáng tôi nói với B là đã đánh mất.

- Các bài tiểu luận, trả lời phỏng vấn, truyện ngắn, bút ký đã đánh máy, in, đăng báo hoặc mới viết trong vở:
 
  1. Thư ngỏ gởi một người bạn nhà văn
     
  2. Hà Sĩ Phu và cuộc hành trình gian nan của dân tộc (báo Thiện Chí 9/96) 
     
  3. Những phát hiện mới từ một phiên tòa
     
  4. Thư gởi một người bạn Việt kiều
     
  5. Từ một hiện tượng, suy nghĩ về công tác xuất bản
     
  6. Gian nan và bền bỉ (Góp ý với Thử thách và hi vọng - Dự thảo cương lĩnh chính trị dân chủ đa nguyên của nhóm Thông Luận)
     
  7. Thư ngỏ gởi những người Cộng sản Việt Nam
     
  8. Hòa giải hòa hợp và giao lưu văn hóa
     
  9. Hành trình trăm năm (Truyện ngắn đăng trong tạp chí Thế Kỷ 21, 6/96)
     
  10. Tổ quốc và lòng yêu nước (đăng trong Thông Luận 7/96)
     
  11. Người nằm chết trên đồi (truyện ngắn đăng trong tại chí Hợp Lưu, Xuân Ất Hợi 1995)
     
  12. Ðọc thơ Ðông Trình, suy nghĩ về văn nghệ, chính trị và sám hối
     
  13. Ðà Lạt nhìn từ những ngọn gió (thư từ Việt Nam viết cho đài VNCR 4/96)
     
  14. Tình hình phân hóa ở xã hội Việt Nam hiện nay - 5/96
     
  15. Cảm xúc Sài Gòn mùa hạ - 6/96
     
  16. Câu chuyện về văn hóa tốc độ - 7/96
     
  17. Năm học mới và vấn đề giáo dục - 9/96
     
  18. Về những cơn bão lũ - 10/96;
     
  19. Tham nhũng và chống tham nhũng - 11/96
     
  20. Trả lời phỏng vấn đài Diễn Ðàn Dân Chủ 3/2/96
     
  21. Trả lời phỏng vấn Ðoàn Giao Thủy
     
  22. Dàn bài phác thảo tiểu thuyết Thung lũng trầm tư
     
  23. Dàn bài phác thảo tiểu thuyết Trên đỉnh thanh xuân
     
  24. Ðà Lạt trăm năm, tản mạn về cái đẹp và nỗi đau (bút ký)
     
Ngoài ra còn có:

 
  • Tạp chí Hợp Lưu Xuân Ất Hợi 1995
     
  • 4 số tạp chí Thông Luận 12/95 và 2-3-4/96
     
  • 1 tờ Thiện Chí 5/96
     
  • 3 tờ báo Người Sài Gòn, tiếng nói của nhân dân thèm tự do ngôn luận số 17-7/96, 19-8/96, 21-9/96;
     
  • 1 tập gồm những bài giới thiệu phê bình cuốn tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại đăng trên các báo ở Mỹ, Pháp, Úc và trên đài RFI
     
  • Một số bài của các tác giả khác photo từ các báo nước ngoài
     
  • Hai lá thư riêng
Biên bản xác nhận và kiểm tra đồ vật, tài sản bị thu giữ này có 3 cán bộ CA chủ trì lập biên bản ký là đại diện Sở Công an tỉnh, Cơ quan An ninh Ðiều tra và Công an TP/ÐL, ngoài ra còn có đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP/ÐL, Mai Thái Lĩnh, Bạch Yến là người chứng kiến và tôi là người có đồ vật bị thu giữ.

Trong thời gian đợi lập xong biên bản, Yến ngồi đối diện với tôi phía bên kia bàn tỏ ra rất mệt mỏi rồi bỗng ôm bụng kêu đau bao tử. Tôi nói với B: “Nhà tôi bị đau, đề nghị anh tìm chỗ cho nhà tôi nằm nghỉ một lát”. B mở cửa hông đi ra phía sau tìm người đưa vợ tôi đi nghỉ. Yến cố đứng lên đi qua ngồi ở ghế trống cạnh chỗ tôi. Tôi cầm lấy tay vợ. Tội nghiệp Yến. Ngày hôm nay thật quá sức em. Sau mấy ngày đi Sài Gòn về chưa kịp nghỉ ngơi lấy lại sức, hôm nay phải dạy học suốt ngày rồi lại bị CA mời đi làm việc cho đến tận khuya không ăn uống gì. Mắt Yến trũng sâu, thâm quầng, má hóp lại nhưng em cầm chặt tay tôi và nhìn trìu mến vào mặt tôi như muốn an ủi. B vào với một nữ CA để đưa vợ tôi đi nằm nghỉ. Yến không muốn rời tôi nhưng tôi khuyên em nên đi nghỉ một lúc vì buổi làm việc chắc sẽ còn dài.

Trong khi chờ đợi, chỉ có người mặc sắc phục mang cấp hiệu thiếu tá và tôi là tươi tỉnh, những người khác đều uể oải ngáp dài. Nói chuyện với tôi, anh ta bảo nhờ thiền và luyện khí công nên khỏe mạnh. Anh ta hỏi tôi phương pháp thiền Yoga như thế nào. Tôi giải thích sơ qua, anh ta nói cũng không khác với phương pháp anh ta luyện tập bao nhiêu. Tôi nói với Lĩnh: “Lĩnh cảm phiền nghe. Quá nhiệt tình với bạn nên gặp rắc rối”. Lĩnh cười lắc đầu nói “Có gì đâu”. Những người khác đi ra đi vào cho đỡ sốt ruột. Yến đi nghỉ một lúc cũng đã trở lại ngồi cạnh tôi. Tôi khuyên Yến bán thiền cho đỡ mệt. Yến nghe lời ngồi nhắm mắt tĩnh tâm.

Sau khi mọi người ký biên bản, tưởng đã xong, không ngờ B và mấy cán bộ CA mời Lĩnh sang phòng khác làm việc tiếp, hơn nửa giờ sau mới trở lại. Không hiểu họ làm gì mà thấy Lĩnh có vẻ rất lo lắng.

Vẫn chưa hết. B nói với tôi và Yến: “Bây giờ mời anh chị cùng đi với chúng tôi về nhà để làm việc tiếp”. Yến ngạc nhiên: “Còn làm gì nữa?” B cười bí mật: “Về nhà anh chị sẽ biết. Xong rồi anh chị ở nhà nghỉ ngơi luôn.”

Mọi người kéo ra khỏi phòng. Người ta đã chuẩn bị 3 chiếc ô tô và 1 Honda. Lúc đó đã là 1g sáng ngày 13/11/96. Yến đòi đi chung Honda với tôi nhưng các cán bộ CA không chịu, bắt phải cùng đi ô tô với họ. Họ cũng không để tôi tự lái Honda mà cho một người khác lái, tôi ngồi sau. Hai ô tô đi trước, đến xe Honda của tôi, một Honda khác của CA đi kèm và một ô tô đi sau cùng.

Ðoàn xe nối đuôi chạy vòng khách sạn Palace rồi dọc theo hồ Xuân Hương để về hướng nhà tôi. Ðêm lạnh và mù sương. Tôi kéo mũ áo khoác trùm đầu. Mặt hồ vẫn lấp lánh phản chiếu ánh đèn của phố xá ở khu trung tâm, lặng lẽ và lạnh lẽo vô cùng trong đêm khuya khoắt. Một cảm giác lạ lùng dâng lên trong lòng tôi, hình như có chút thoáng buồn. Tôi thốt nhớ một đêm xa xưa cách đây 30 năm, thời sinh viên, lúc tôi được xe cảnh sát đưa từ trại tạm giam của Ty Cảnh sát Huế đến gặp viên tướng Tư lệnh vùng sau 6 tháng bị giam vì tội tranh đấu. Cũng vào một đêm khuya, trời mờ trăng, xe chạy ngang qua trường Ðại học Sư phạm nơi tôi theo học, ngang qua chiếc cầu trắng thân yêu, dọc theo dòng sông Hương trữ tình đã bao lần chứng kiến cuộc tình đầu thơ mộng của tôi. Hình như tôi cũng đã thoáng buồn nhưng lại dạt dào một hạnh phúc cô đơn khó tả. Ðêm nay tôi lại có cảm giác đó nơi một phút giây kỳ diệu của cuộc sống.

Ðoàn xe đậu lại trước hẻm nhà tôi. Mọi người lục tục xuống xe. Tôi và Yến đi vào trước để mở cổng. Mọi người vào theo. Ðứng trước cửa nhà tôi định mở khóa nhưng B ngăn lại. Anh ta nói tôi đưa chìa khóa cho Lĩnh để Lĩnh “diễn lại hiện trường” lúc vào nhà tôi cho camera quay. Tội nghiệp Lĩnh phải lâm vào hoàn cảnh này. Vào nhà Lĩnh còn phải tiếp tục vai diễn bất đắc dĩ mở cửa các phòng đến nơi lấy chiếc cặp. Song song với việc quay camera, cán bộ CA còn làm biên bản. Người ngồi đứng chật căn nhà bé nhỏ của tôi, một số đứng ngoài hàng hiên. Ngoài các cán bộ CA của tỉnh và thành phố, ở trước nhà tôi còn có 2 cán bộ CA phường và 2 cán bộ khu phố, tổ chờ sẵn cùng vào chứng kiến việc lập biên bản.

Cán bộ đại diện Cơ quan An ninh Ðiều tra nói với tôi: “Vì một số bài viết của anh in bằng máy vi tính nên chúng tôi có trách nhiệm kiểm tra luôn máy vi tính của anh.” Một cán bộ CA khác, chắc là chuyên viên về vi tính, bảo tôi bật điện khởi động máy và thao tác theo lệnh của anh ta. Anh ta xem hết các ổ đĩa, các thư mục, kêu một người khác chụp mấy tấm ảnh trên màn hình rồi tuyên bố máy tính của tôi có chứa nội dung liên quan đến các bài viết nên cần thu giữ để nghiên cứu. Anh ta cũng yêu cầu tôi đưa các đĩa mềm và đĩa CD ROM để trong hộc tủ ra để làm biên bản thu giữ. Yến phản đối vì đó là những đĩa CD ROM dạy Anh văn của Yến nhưng họ nói kiểm tra xong sẽ trả lại.

Viên thiếu tá đứng cạnh bàn lật một tập tài liệu để ngay trước mặt, thấy mấy bài tiểu luận chính trị, trong đó có bài của tôi nên cũng yêu cầu thu giữ. Vậy là phải niêm phong 3 thứ: CPU của máy vi tính, các đĩa mềm và đĩa CD ROM, tập tài liệu. Mỗi thứ khi niêm phong đều có chữ ký của tôi và của B. Lại còn phải làm biên bản cho mọi người ký.

Tôi nói: “Các anh làm việc cẩn thận quá.” Cán bộ An ninh Ðiều tra đáp ngay: “Không cẩn thận anh kiện thì sao. Vụ xử Hà Sĩ Phu rõ ràng như vậy mà anh còn viết không ra gì.” Tôi nói: “Vụ xử Hà Sĩ Phu là vô lý chứ đâu có rõ ràng. Nhưng tôi hơi đâu kiện các anh. Tôi chỉ có ý kiến thôi.” Viên thiếu tá chen vào: “Ý kiến bằng cách viết bài gởi cho đài, báo nước ngoài chứ gì.” Qua những câu nói đó và cách làm việc, tôi thấy lần này CA làm việc rất cẩn thận, cố không để sơ hở. Chắc họ sợ dư luận và có phần nào ngán các bài viết của tôi.

Cuối cùng khi mọi người ký xong biên bản kết thúc công việc, đồng hồ nhà tôi chỉ đúng 3g sáng. B yêu cầu tôi sẽ lên trụ sở CA TP/ÐL làm việc tiếp lúc 9g. Các cán bộ CA đều bắt tay tôi trước khi ra về, có phần vui vẻ là khác. Kể cũng hay cái cảnh tượng này.

Tôi và Yến thở phào đóng vội các cửa nhảy lên giường nằm. Lúc này Yến đã hơi hồi phục đôi chút. Yến sôi nổi kể cho tôi nghe chuyện làm việc với CA từ chiều. Mới nói vài câu bỗng Yến nhỏ giọng: “Không chừng họ đặt máy nghe lén trong nhà đó”. Tôi trấn an: “CA ở đây chắc chưa hiện đại đến mức đó đâu”. Tuy nhiên chúng tôi vẫn nhỏ giọng nói chuyện.

Yến kể chiều hôm trước khi tôi đang ở trên CA TP và Yến vừa dạy học xong thì có hai cán bộ CA đến hỏi. Họ bắt Yến phải thuật việc Lĩnh đến gặp và lấy cặp tài liệu như thế nào. Yến chối băng là không biết gì cả. Cật vấn mãi không được họ đành bỏ đi. Khoảng một giờ sau, lúc Yến đang dọn dẹp nhà cửa, CA khu vực A đến đưa giấy mời Yến lên CA phường làm việc và chở Yến đi bằng Hon đa của anh ta. Ðến trụ sở CA phường, hai cán bộ CA đã đến nhà gặp Yến chờ sẵn ở đó. Họ tự giới thiệu là cán bộ CA tỉnh. Qua những gì họ nói, Yến biết việc Lĩnh làm đã bị lộ nhưng nhất định không chịu khai gì cả. Yến đòi gặp tôi rồi mới chịu nói. Họ thúc ép mãi, Yến vừa mệt vừa tức gục xuống bàn khóc, không chịu ký biên bản và cũng không viết bản tường trình theo họ yêu cầu.

Ðến tối, họ đành phải hứa đưa Yến lên CA TP gặp tôi. Họ gọi xe ô tô đến, có một nữ CA kèm đưa Yến lên xe. Ðến nơi, Yến thoáng thấy tôi đi qua nhưng họ không cho gặp mà đưa vào một phòng để làm việc. Khi đi qua phòng họp lớn, Yến nhìn vào thấy Lĩnh đang ở trong đó với chiếc cặp để trên bàn. Ở đây làm việc với Yến là một cán bộ Công an Ðiều tra mặt đen ngồi thẩm vấn, nhưng B và viên thiếu tá mặc sắc phục đi ra đi vào chỉ đạo. Họ cũng cật vấn Yến đủ chuyện, hỏi tôi có nhờ Lĩnh không, Yến nhờ Lĩnh hay Lĩnh tự ý đến lấy chiếc cặp. Tại sao Lĩnh có chìa khóa vào nhà? Do tôi dưa phải không? Họ cũng có thể truy tố Lĩnh về tội vào nhà tôi lấy trộm đồ, sẽ làm sứt mẻ tình cảm giữa chúng tôi và gia đình của Lĩnh. Rồi họ cũng dùng đòn tâm lý để tác động, nói Lĩnh đã nhận hết rồi không nên giấu giếm nữa. Sau đó họ đưa cho Yến xem tờ tường trình của Lĩnh. Yến thấy Lĩnh viết trong bản tường trình là Yến đã nhờ Lĩnh đem chiếc cặp đi cất. Vì không muốn gây rắc rối cho Lĩnh nên Yến quyết định nói rõ mọi việc với cán bộ CA và ký vào biên bản. Sau đó họ đưa Yến vào phòng họp có Lĩnh và nhiều người đang ngồi.

Tôi nói đùa: “Thế mới là chia sẻ và phải nếm mùi cho biết. Từ nay tha hồ có chuyện CA để kể.” Chúng tôi thiếp ngủ lúc gần 4g sáng.


Thứ tư 13/11/96

Chúng tôi đang ngủ mê mệt thì có tiếng chuông điện thoại. Yến choàng dậy cầm lấy máy. Tôi bật đèn xem đồng hồ. Mới 6g sáng. Chúng tôi vừa chợp mắt được 2 tiếng. Bùi Minh Quốc gọi điện hỏi thăm tình hình vì chiều hôm trước khi mới nhận được giấy mời của CA tôi đã điện báo cho Quốc biết ngay. Tôi thuật lại tóm tắt chuyện ngày hôm qua và Quốc hứa sẽ giữ liên lạc thường xuyên.

Chúng tôi định ngủ tiếp nhưng không ngủ được dù cảm thấy rất mệt. Chúng tôi nằm trên giường nói chuyện. Khoảng 7g lại có điện thoại. Ðinh Quang Anh Thái ở đài VNCR từ Mỹ gọi. Thái nói đã nghe tin về việc của tôi. Tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao Thái biết tin nhanh như vậy. (Buổi chiều gặp Quốc nói chuyện tôi mới biết hôm qua tình cờ một anh bạn ở Mỹ gọi về cho Quốc, Quốc nhân tiện báo tin luôn và chắc người đó đã báo lại cho Thái.)

Thái hỏi thăm sức khỏe và tinh thần của tôi. Tôi nói tôi hơi mệt và đang bị cảm cúm nhưng tinh thần vẫn vững vàng. Tôi thuật lại tóm tắt tình hình CA làm việc hôm qua cho Thái. Thái hỏi tôi có đồng ý thông tin rộng rãi chuyện này cho thính giả đài VNCR và bạn bè, các cơ quan thông tin hải ngoại không. Tôi đồng ý. Thái hỏi tôi có nhắn nhủ gì. Tôi nói tôi mong rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ ở khắp mọi nơi vẫn tiếp tục nhưng khôn ngoan và hiệu quả hơn, bằng những phương tiện hòa bình. Thái hứa sẽ gọi về cho tôi thường xuyên và chúc tôi vững vàng.

9g tôi lên CA TP làm việc tiếp. B và C, hai cán bộ CA thẩm vấn tôi hôm qua nói hôm nay sẽ kiểm tra máy vi tính của tôi nhưng trước hết yêu cầu tôi trả lời hai vấn đề bằng cách viết tường trình:

 
  1. Tại sao tôi biết nhiều báo chí nước ngoài đăng bài của tôi mà tôi không nói rõ?
     
  2. Tại sao tôi không thừa nhận chuyện chiếc cặp ngay từ đầu?
B nói thêm là anh ta thừa nhận tôi rất thẳng thắn và công khai nhưng tại sao trong hai chuyện này tôi lại không nói thật. B đưa giấy bút và tôi viết luôn:

 
  1. Tôi biết có nhiều báo chí nước ngoài đăng bài của tôi nhưng tôi không thể biết hết vì thiếu thông tin. Một số báo có gởi bản photo bài đăng cho tôi nhưng không phải báo nào cũng làm vậy. Trong nhất thời tôi không thể nhớ hết.

     
  2. Về tài liệu để trong nhà tôi có khả năng tiêu hủy vì tôi có một buổi chiều và một đêm trước khi lên CA kể từ lúc nhận giấy mời. Tài liệu này phần lớn là bài viết của tôi nên tôi tiếc. Vả lại tôi không cho đây là tài liệu gì ghê gớm và chủ quan nghĩ là CA không khám nhà ngay. Việc Lĩnh đến lấy chiếc cặp hoàn toàn bất ngờ đối với tôi, tôi cũng chưa tin CA đã thu được và quyết định chỉ thừa nhận khi chính mắt trông thấy nó.
Ngoài các lý do trên, một nguyên nhân quan trọng khác là do tôi còn băn khoăn và mâu thuẫn. Một mặt, tôi muốn công khai hóa mọi chuyện, để các tài liệu trong nhà vì xem đó là quyền của người công dân. Mặt khác, tôi biết quan niệm và cách hành xử pháp luật của Nhà nước trong thực tế sẽ bất lợi cho tôi.

Tôi viết nhanh, ký vào bản tường trình đưa cho C. Sau đó B vào mời tôi qua phòng vi tính để làm việc. Sau thủ tục mở tang vật bị thu giữ, tôi được mời ngồi điều khiển máy vi tính theo lệnh của một chuyên viên CA. Làm việc liên tục đến 13g30 không tìm thấy gì. Các cán bộ CA đành làm biên bản trả lại CPU và các đĩa cho tôi. Biên bản viết xong, trước khi ký, có điện thoại từ trên chỉ đạo xuống yêu cầu tạm giữ lại các đĩa CD ROM để ngày mai kiểm tra kỹ hơn.

Tôi nhận lại CPU và các đĩa mềm mang về nhà. Trên đường về ngang qua hồ Xuân Hương, tôi gặp Bùi Minh Quốc đang chở Yến đi ngược chiều. Yến nói Quốc đến thăm tôi và Yến nhờ Quốc chở lên tìm tôi ở trụ sở CA vì thấy quá trễ tôi vẫn chưa về. Chúng tôi quay về nhà nói chuyện.

Quốc và tôi thống nhất nhận định tình hình. Sau vụ Hà Sĩ Phu, Nhà nước vẫn không dập tắt được tiếng nói đối lập. Tôi là người đã phản ứng nhiều và mạnh mẽ nhất nên Nhà nước phải tính đến một biện pháp. Lần này họ sẽ đánh thẳng vào vấn đề tự do tư tưởng chứ không quanh co chuyện hình sự như Hà Sĩ Phu nữa. Ðiều này bộc lộ chỗ yếu của họ, buộc họ phải công khai vi phạm nhân quyền. Cũng có thể họ dựa vào các luật lệ nào đó để buộc tội tôi như tàng trữ tài liệu bất hợp pháp, phản động; tuyên truyền chống đối chế độ XHCN, cao nhất là âm mưu kích động lật đổ... Nhưng tất cả cũng không che giấu được việc đàn áp dân chủ, vi phạm nhân quyền.

Quốc về. Tôi đưa Quốc ra cổng. Tình cờ gặp một người quen cùng khu phố. Anh ta nói hôm qua điện thoại của anh ta bị cúp nên lên bưu điện hỏi. Một người quen ở bưu điện đã nói cho biết là có công văn chính thức của CA yêu cầu cắt điện thoại toàn bộ khu vực tôi ở vì lý do an ninh. Vì thế Yến đã mấy lần gọi lên CA hỏi về tôi và gọi đi nơi khác đều không được.

Buổi tối mệt mỏi, chúng tôi mở video xem phim cho bớt căng thẳng. Bộ phim Những con chim nép mình chờ chết chúng tôi mướn cả tuần nay chưa kịp xem. Ðây là một bộ phim tuyệt vời chúng tôi đã xem một lần mấy năm trước nhưng muốn xem lại. Nhân vật Ðức Cha Ralph giải thích cho bé Meggi: Những con chim cất lên tiếng hót tuyệt vời nhất là lúc nó đâm bổ xuống đầu gai nhọn, máu từ tim tứa ra và nó cất lên tiếng hát. Con người muốn có hạnh phúc cũng phải có những giây phút quyết định mình cần phải làm gì.

Cuộc tình Ðức Cha Ralph với Meggi thật lạ lùng, bi tráng, vượt qua mọi khuôn khổ của đời thường, của tôn giáo, âm vang mãi trong lòng tôi.


Thứ năm 14/11/96

Yến đi dạy. 8g tôi lên CA làm việc tiếp. B xin lỗi muốn làm phiền tôi về nhà cho mượn lại CPU vì CPU của cơ quan bận làm việc khác, vả lại chưa cài các đĩa CD ROM của tôi nên khó kiểm tra, phải làm mất nhiều thời gian. Tôi nghĩ đó là lý do nhưng cũng có thể họ muốn kiểm tra CPU của tôi một lần nữa dù họ đã lỡ trả. Tôi biết chắc CPU của tôi không có gì nên tôi đồng ý. Tuy nhiên tôi yêu cầu để buổi chiều làm việc vì sợ buổi sáng làm không xong, giữa chừng phải niêm phong phiền phức. B đồng ý, hẹn 13g30 tôi mang máy lên.

Tôi về nhà tranh thủ thời gian ghi nhật ký. Bùi Minh Quốc gọi điện báo tin mới: D, lãnh đạo Cục A25 Bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng của Bộ Nội vụ mới đến Ðà Lạt gọi điện mời Quốc 14g lên Sở CA gặp. Quốc trả lời không thích không khí ở Sở CA nên đề nghị gặp ở nhà. D nói cần phải gặp ở Sở vì có việc liên quan đến Quốc. Quốc đồng ý.

Quốc cũng báo là tối hôm qua có Lê Phan ở Luân Ðôn gọi điện về cho tôi hỏi thăm, nhưng điện thoại tôi có tín hiệu “bị cắt vì không trả tiền điện thoại”. Lê Phan đã gọi cho Quốc nhờ nhắn lại.

Buổi chiều tôi mang CPU lên CA, làm việc từ 14g-17g. CA mời một chuyên viên vi tính dân sự ở ngoài đến kiểm tra. Vẫn không có gì. Lại làm biên bản trả đồ vật bị thu giữ.

Buổi tối, Thanh Biên vợ Hà Sĩ Phu ở Hà Nội gọi điện về. Biên hỏi thăm tình hình của tôi vì đã nghe Quốc báo. Tôi nói đùa có thể tôi sẽ thay phiên cho Hà Sĩ Phu. Biên cho biết đang chuẩn bị đưa HSP ra tù và yêu cầu CA giúp đưa xe từ trại giam Thanh Xuân ra thẳng sân bay để về luôn Ðà Lạt vì đường từ Thanh Xuân ra Hà Nội rất xấu, có đoạn lại vắng vẻ, sợ không an toàn. Tôi nói nếu CA không đồng ý thì nên nhờ bạn bè giúp, dùng loại xe nào tốt nhất để đưa HSP về an toàn. Có thể không cần nhờ CA mà tự mình lo lấy cũng được.

Tôi gọi điện cho Lĩnh. Chi Minh, vợ Lĩnh nhận điện nói Lĩnh đi vắng. Tôi trấn an Minh. Minh nói tại chị Yến cả, rồi xin lỗi đang bận cúp máy. Hôm qua Quốc có đến tìm Lĩnh nhưng Minh nói là Lĩnh đi vắng và yêu cầu Quốc đừng gọi điện. Thế là Lĩnh bị khống chế rồi. Trong vụ cái cặp của tôi, Lĩnh quá nhiệt tình và thiếu cảnh giác nên sơ suất. Vợ tôi cũng không suy nghĩ chín chắn. Yến tự trách mình đã góp phần gây ra sự việc có hại cho tôi, làm cho vụ của tôi thêm nặng nề và tự dưng lại giao nộp toàn bộ tài liệu cho CA. Tôi an ủi Yến và khuyên không nên tự dằn vặt. Mọi việc đều có nguyên nhân của nó. Cái gì phải đến sẽ đến. Có chuyện chiếc cặp tôi lại càng phải dứt khoát, quyết định công khai hóa mọi chuyện khi đối đầu với Nhà nước phi dân chủ này.

Tôi thông cảm với Lĩnh khi mấy ngày rồi Lĩnh không điện hỏi thăm tôi. Lĩnh đã bị du vào một tình thế khó xử và chắc đã bị CA khống chế bằng cách nào đó cũng như gây sức ép đối với vợ Lĩnh. Có thể Lĩnh đang rất khổ tâm. Chỉ có điều đáng tiếc là trong hoàn cảnh khó khăn như thế này, Lĩnh lại bị vô hiệu hóa. Trong số những bạn bè tâm huyết gần gũi, chỉ còn trông cậy ở Quốc.

Tôi gọi điện tiếp cho Huỳnh Nhật Hải (tức Tấn), người được Lĩnh gởi chiếc cặp. Tấn có vẻ giật mình. Tôi nói đùa tôi vẫn bình yên vì CA đang bận “ngâm cứu” tài liệu của tôi. Tôi hỏi việc thu chiếc cặp ở nhà Tấn như thế nào. Tấn nói đích thân Ð, lãnh đạo Sở CA Tỉnh đến làm việc yêu cầu Tấn giao chiếc cặp, có làm biên bản. Tấn nói vắn tắt rồi hẹn lúc khác gặp, xong cúp máy.

Vợ tôi gọi điện báo tin cho các con ở Sài Gòn và nói chúng yên tâm. Chúng tôi không muốn báo sớm sợ tụi nó lo.


Thứ sáu 15/11/96

Chiều hôm qua, sau ngày làm việc, B bảo tôi tạm nghỉ mấy hôm để CA nghiên cứu hồ sơ của tôi rồi sẽ báo làm việc tiếp.

Sáng nay Quốc hẹn đến tôi để thuật chuyện gặp D, lãnh đạo Cục A25 Bộ Nội vụ. Quốc kể: Mới đầu D thăm hỏi chuyện gia đình, sáng tác có vẻ thân mật rồi đổi giọng trách Quốc sao lại thông tin chuyện của tôi ra ngoài khi CA đang tiến hành điều tra. D nói tôi vi phạm pháp luật, viết bài đả kích chế độ một cách thậm tệ và phê phán CA nặng nề, lại còn viết cả chương trình chính trị. D cho Quốc thiếu thông tin về tôi, không biết hết các bài tôi viết và các mối quan hệ của tôi. D chủ ý ly gián và gián tiếp răn đe Quốc không được can thiệp vào chuyện của tôi.

Quốc nói thẳng tôi là một cựu kháng chiến, cựu Đảng viên, là bạn chiến đấu nhiều năm của Quốc và Quốc rất hiểu rõ về tôi. Quốc bác bỏ những luận điểm của D. Quốc khẳng định tôi chỉ là người tự do tư tưởng và đấu tranh cho dân chủ. Việc D gặp Quốc đã không có kết quả như D mong muốn.

Quốc và tôi trao đổi về khả năng sắp tới cũng như những việc cần làm trong hai trường hợp tôi bị bắt hay chưa bị bắt.

Ðang nói chuyện với Quốc thì Phạm Ngọc Lân, anh của vợ tôi ở Mỹ gọi về. Chúng tôi cùng nghe điện thoại qua speakerphone. Lân nói hay tin trễ vì mới nghe Trần Thanh Hiệp báo lại. Trần Thanh Hiệp sẽ chuẩn bị một thông cáo về việc của tôi. Cuối tuần này, báo Người Việt ở Nam Cali làm lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, có mời đông đảo đại diện báo chí, các hội đoàn nhiều nước về dự. Trong dịp này, người ta sẽ thông báo rộng rãi việc của tôi.

Lân cũng nói chuyện vài câu thăm hỏi với Quốc. Quốc không dè dặt gì trong việc này. Quốc tỏ ra cứng cỏi và dấn thân nhiều hơn tôi nghĩ vì có dạo Quốc có vẻ hơi thận trọng. Trong nguy nan mới biết đá vàng.

Nói chuyện về con cái, Quốc tỏ ý đau xót về việc con gái Hương Ly không hiểu anh. Hương Ly là con của Quốc với người vợ đầu, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, đã hi sinh trong chiến đấu. Trong chiến tranh anh không được gần, chăm sóc, chia sẻ với con. Bây giờ con lớn, trong một thời gian bị tác động xấu, đâm ra trách móc, oán anh. Thật đáng buồn. Trong một đất nước gọi là “Ðộc lập-Tự do-Hạnh phúc” này, bi kịch vẫn còn tiếp diễn đối với những người đã xả thân vì tổ quốc.

Buổi sáng Yến đi dạy nhận được một thư của Hoàng Tiến. Hoàng Tiến là nhà văn ở Hà Nội đã phản ứng sớm nhất về vụ Hà Sĩ Phu. Lần này Hoàng Tiến viết một bài dài về việc HSP bị bắt và dẫn chứng nhiều việc khác tố cáo Nhà nước vi phạm dân chủ và tuyên bố sẵn sàng chịu ngồi tù khi nói lên tiếng nói của mình. Ðiều này thể hiện một bước tiến trong phản ứng của trí thức Bắc Hà. Nghe Thanh Biên, vợ HSP kể Ma Văn Kháng và một vài nhà văn khác trước né tránh, nay cũng đã rủ nhau vô trại giam thăm HSP. Ðó là chuyện đáng mừng.

3g chiều, Nguyễn Gia Kiểng từ Pháp gọi điện về. Kiểng nói một số ý quan trọng chung quanh việc của tôi và tình hình chung:

 
  • Sẽ viết thư cho tổng thống Pháp

     
  • Sẽ thông báo rộng rãi tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam cho các nước tham dự hội nghị Francophone sắp tới ở Việt Nam

     
  • Nếu Nhà nước Việt Nam đưa tôi ra tòa, đó là trực diện đánh vào tự do tư tưởng, tình hình sẽ chuyển sang một cục diện mới. Tiếng nói của tôi lâu nay thực ra cũng là một cách rửa mặt mày cho chế độ, cho thấy chế độ cũng không đến nỗi quá tồi tệ vì vẫn còn những tiếng nói tự do. Nếu tôi bị đàn áp, Nhà nước đã tự bộc lộ bản chất xấu xa của mình và quốc tế cũng như Việt kiều không còn ai tin tưởng nữa để góp phần đầu tư xây dựng. Nhà nước khôn ngoan thì không nên đàn áp

     
  • Nếu tôi bị đàn áp, tôi sẽ trở thành một biểu tượng mới cho dân chủ. (Tôi trả lời Kiểng ngay là chỉ làm những gì cần làm chứ không muốn trở thành biểu tượng gì. Kiểng nói không phải tôi muốn hay không mà đó là do lịch sử đưa đẩy.)

     
  • Việc tôi gởi bài cho bạn bè, kể cả ở nước ngoài là quyền của tôi. Các báo đăng bài, các đài phỏng vấn là quyền của họ, không có gì để quy kết. (Dĩ nhiên về nội dung tôi chịu trách nhiệm điều mình nói.)

     
  • Trường hợp tôi bị bắt, Kiểng chúc tôi vững vàng và giữ gìn sức khỏe. Chuyện gia đình tôi nhất định bạn bè khắp nơi sẽ chăm lo;
5g chiều, một cô từ Úc gọi điện tự giới thiệu là Ngọc Hân, trưởng ban Việt ngữ đài Úc ở Sidney và là thông tín viên của đài VOA. Ngọc Hân nghe tin nên muốn phỏng vấn tôi về chuyện tôi bị CA thẩm vấn. Tôi đồng ý trả lời. Ngọc Hân hứa sẽ cho phát thanh ngay bài phỏng vấn trên đài Úc và gởi phát trên đài VOA vào đầu tuần tới.

5g30 chiều, Quốc điện nói có một việc thú vị, mời vợ chồng tôi lại chơi rồi ăn cơm tối bên đó luôn. Chúng tôi hơi ngần ngại vì trời sắp tối nhưng cuối cùng nhận lời đi. Chúng tôi vừa ra đường có cảm giác có đuôi bám theo. Sau nhiều lần thử, chạy nhanh, chậm, ngừng lại, chúng tôi khẳng định chắc chắn. Ðó là hai gã chở nhau bằng Honda, gã lái xe mặc áo khoác xanh đậm, có sọc trắng trên cánh tay. Khi chúng tôi đến cổng nhà Quốc thì hai gã theo dõi ngừng ở đầu đường.

Hóa ra việc thú vị Quốc nói là bài viết của Hoàng Tiến, Quốc cũng vừa mới nhận được. Cùng nhận định như tôi, Quốc cho rằng đây là một bước tiến mới của sĩ phu Bắc hà nên đã đi sao nhiều bản để phổ biến.

Chúng tôi ăn cơm vội vàng với vợ chồng Quốc rồi ra về. Vì đèn xe tôi hỏng, tôi phải mượn Quốc chiếc đèn pin. Kỳ lạ khi xe nổ máy đèn lại sáng. Ra đường, cái đuôi bám theo nhưng tôi đã cắt được khi chạy tới bùng binh trước chợ, theo một đường khác về nhà.

Buổi tối, con tôi ở Sài Gòn gọi điện. Hai con chúng tôi, Tiêu Dao và Trường Sơn, từ khi biết tin đã thay nhau gọi lên hỏi thăm bố mẹ. Tối nay Tiêu Dao gọi. Dao có ý nhắc nhở tôi khía cạnh pháp luật. Tôi nói cho con hiểu rằng hiện nay có những luật lệ đi ngược lại hiến pháp và ngay cả hiến pháp cũng có những điều đi ngược lại nhân quyền. Tôi chỉ chấp hành những luật lệ nào tôn trọng con người, còn những luật lệ nào chà đạp con người tôi phải đấu tranh xóa bỏ. Luật lệ không phải là cái gì thiêng liêng, toàn hảo mà do con người, chế độ đặt ra thôi.


Thứ bảy 16/11 và Chủ nhật 17/11/96

Trong hai ngày này, lợi dụng thời gian “hưu chiến” với CA, tôi tập trung viết nhật ký ghi lại những sự việc mới xảy ra nóng hổi mấy ngày qua.

Yến phát hiện điện thoại chúng tôi có sự cố. Khi thì gọi đi đường dài không được, khi nơi khác gọi về không được, có lúc gọi đi ngay trong thành phố cũng không được. Suốt ngày thứ bảy tất cả các nơi khác gọi về không được mà chúng tôi không biết. Ðến lúc gọi cho Quốc, Quốc mới nói cho biết và báo đêm thứ bảy Nguyễn Gia Kiểng ở Pháp gọi về cho tôi không được nên gọi cho Quốc để hỏi. Ngay lúc đó Quốc gọi cho tôi cũng không được.

Vậy là diễn ra “cuộc chiến” giữa Yến với tổng đài điện thoại suốt ngày chủ nhật. Ðến chiều, một nhân viên trực điện thoại mới đổi ca thú nhận có cơ quan nào đó đã ngăn điện thoại đường dài của tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu với bưu điện để hoặc là họ phải để điện thoại chúng tôi bình thường, hoặc nếu họ cắt theo lệnh của CA, phải xác nhận điều đó và trả lời chúng tôi bằng văn bản, buộc họ công khai vi phạm nhân quyền. Ðiện thoại là cách liên lạc duy nhất của chúng tôi hiện nay. Mấy ngày qua, chúng tôi cũng đã báo tin cho Nguyễn Ngọc Lan ở Sài Gòn, Trần Minh Thảo ở Bảo Lộc và Quốc Vĩnh, em tôi ở Sài Gòn cũng đã điện lên thăm hỏi.

Trong những ngày tới, nếu tôi bị bắt giữ, đó chỉ là sự cầm tù thân xác, tinh thần tôi nhất định sẽ hoàn toàn tự do và không bao giờ chịu khuất phục

Những ngày kế tiếp - Giai đoạn 2

Thứ hai 18/11/96

Buổi sáng Quốc đến nói chuyện thông báo mấy tin đáng chú ý:

 

  • Chiều hôm qua Quốc gặp Tấn. Tấn vừa nói chuyện với Lĩnh và thuật lại: Ð, lãnh đạo Sở CA tỉnh mới đến nhà gặp Lĩnh với thái độ có vẻ đấu dịu. Ð nói tài liệu trong cặp của Bảo Cự không có gì ghê gớm và CA Lâm Ðồng chỉ làm theo lệnh trên. Phải chăng đây là một bước xuống thang khi thấy khó thể làm gì mạnh hơn trong vụ này vì rõ ràng đây là một vụ trấn áp về tư tưởng và mới bắt đầu đã bị lộ ra ngoài, dư luận quốc tế đã lên tiếng nên cần phải hết sức dè dặt.

     
  • Tối chủ nhật, Nguyễn Gia Kiểng lại gọi điện cho tôi lần thứ ba không được, Kiểng gọi cho Quốc, Quốc nói rõ tình hình tôi bị ngăn điện thoại từ ngoài gọi về. Quốc đọc cho Kiểng thu toàn bộ bài viết của Hoàng Tiến.

     
  • Sau đó Quốc gọi điện cho Hoàng Tiến. Hoàng Tiến báo đã photo nhiều bản bài viết của mình để gởi cho bạn bè và cả một số báo chí. Hoàng Tiến còn nhờ Quốc chuyển giùm bài viết ra ngoài. Quốc cười nói đã làm rồi. Quốc cũng đã photo 30 bản bài viết của Hoàng Tiến để phổ biến ở đây.


Bài viết của Hoàng Tiến và thái độ, hành động của Quốc nhất định sẽ tác động đến nhà cầm quyền. Họ sẽ thấy rằng rất khó trấn áp tự do tư tưởng của trí thức, văn nghệ sĩ trong tình hình hiện nay. Nếu có thêm nhiều Bùi Minh Quốc và Hoàng Tiến khắp cả nước, chắc tình hình sẽ thay đổi.

Quốc đã giúp photo xong nhật ký tôi viết về một tuần căng thẳng. Thật nhẹ người. Dù sao những việc CA làm trong tuần qua cũng đã cung cấp tư liệu cho tôi viết mấy chục trang nhật ký, cũng là bút ký và chất liệu cho tôi viết tiểu thuyết sau này. CA lấy tài liệu của tôi nhưng lại cung cấp tư liệu cho tôi viết tiếp. Kể cũng hay.

Buổi chiều, tôi viết văn bản gởi cho Công ty Ðiện báo Ðiện thoại. Tôi nói rõ nếu có cơ quan nào yêu cầu Công ty ngăn điện thoại của tôi và Công ty chấp hành thì phải trả lời chúng tôi bằng văn bản cụ thể. Nếu không, chúng tôi sẽ nêu vấn đề lên các phương tiện truyền thông đại chúng và kiện Công ty lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền vì đã vi phạm hợp đồng và quyền tự do của người dân.

3g chiều, Yến dạy thêm xong, chúng tôi chuẩn bị đi đến Công ty Ðiện Báo Ðiện Thoại và ra phố mua sắm vài thứ. Vừa ra khỏi hẻm, chúng tôi nhận ra ngay có hai cái đuôi bám theo. Một Cup màu xám hai gã chở nhau và một Dream màu mận chín một gã đi riêng. Ba gã này làm thành một tổ đóng ngay trong nhà đối diện với hẻm nhà tôi. Nhà này có phòng khách vách kính từ trong nhìn ra rất rõ. Xe họ để bên hông nhà và khi thấy chúng tôi ra là họ phóng theo ngay.

Qua khỏi khúc quẹo một quãng, biết họ đang theo, tôi vòng xe lại. Bị bất ngờ, hai gã trước trờ tới đâm luôn vào một ngõ hẻm gần đó, gã đi sau quẹo sang một đường khác. Chúng tôi thấy rõ mặt của ba gã. Tuy thế sau đó cả ba vẫn bám theo mọi nơi chúng tôi đi cho đến khi về, dù họ biết là chúng tôi đã biết họ theo dõi. Coi bộ họ đánh giá tôi quan trọng quá. Y như trong ciné. Họ cố tìm ra cái gì đó nữa nhưng sẽ thất vọng thôi.

Chúng tôi đến Cty Ðiện báo Ðiện thoại yêu cầu gặp giám đốc. Giám đốc còn trẻ, tiếp chúng tôi rất lịch sự. Anh ta giải thích thuần túy về kỹ thuật, hứa sẽ cố gắng mời chuyên gia giải quyết trong tối nay. Tôi gặng hỏi nhưng anh ta không thừa nhận có cơ quan nào yêu cầu ngăn điện thoại của tôi. Trong khi giám đốc tiếp chúng tôi, có một người nào đó vào ngồi bàn kế bên đọc báo lắng nghe. Người đó không mang phù hiệu nhân viên bưu điện và tôi đoán chắc đó là CA.

Suýt nữa tôi quên ghi một việc quan trọng: Lúc 3g chiều, khi chúng tôi chuẩn bị đi, A, CA khu vực và một CA của Thành phố đến đưa cho tôi giấy mời. Ngày mai, thứ ba 19/11/96, lúc 8g, CA/TP lại mời tôi lên “làm việc tiếp về các bài viết của ông”.

Tôi đã sẵn sàng cho hiệp 2 của cuộc đấu.

Buổi tối Yến gọi điện cho các con ở Sài Gòn mới biết các con tôi đã gọi lên suốt ngày không được. Tuy vậy, sau khi gặp giám đốc Cty ÐBÐT về, chúng tôi nhờ mấy nơi thử điện thoại thấy tạm thông.

23g30 vừa mới chợp ngủ được nửa tiếng, Nguyễn Gia Kiểng ở Pháp lại gọi về. Như thế Kiểng đã gọi mỗi đêm. Kiểng thông báo đã họp một nhóm trí thức bên đó bàn về việc của tôi. Họ đã định ra một số biện pháp nhưng chưa thực hiện ngay, còn tùy thái độ của Nhà nước bên này, nếu Nhà nước dịu họ sẽ dịu, nếu Nhà nước làm căng, họ cũng sẽ căng. Một trong những biện pháp mạnh là sẽ kêu gọi tạm ngưng đầu tư về nước trong một thời gian, như thế Nhà nước sẽ thiệt hại hàng triệu đôla. Kiểng cũng nói một số việc đáng chú ý:

 
  • Một người trong nhóm chủ trương báo Người Sài Gòn mà Kiểng không quen đã gọi điện nói báo Người Sài Gòn và nhiều người ở Sài Gòn đã được biết về việc của tôi và muốn thông tin trên báo về việc đó.

     
  • Báo Người Sài Gòn cũng đã có bài viết “Gian nan và bền bỉ” của tôi góp ý với Dự án Chính trị Dân chủ Ða nguyên của nhóm Thông Luận, và cũng muốn đăng trên báo Người Sài Gòn. (Việc này thật khó hiểu vì tôi chỉ gởi bài đó cho Kiểng).

Người đó hỏi ý kiến Kiểng về hai việc trên. Kiểng cho rằng nên dè dặt, không nên làm cái gì có tính cách khiêu khích Nhà nước khi Nhà nước chưa có thái độ rõ rệt trong vụ của tôi.


Thứ ba 19/11/96

Buổi sáng tôi đưa Yến đến trường rồi lên làm việc với CA. Vừa ra khỏi hẻm, hai cái đuôi bám theo và hộ tống tôi từ xa cho đến CA/TP. Lại làm việc với B và C. B hỏi, C ghi biên bản. Tôi yêu cầu làm việc có giờ giấc. B đồng ý ngay, nói cũng định như thế. Chỉ làm mỗi buổi sáng từ 8 đến 11g, giải lao một lần, chiều nghỉ. Như thế cũng thoải mái.

B nói mục đích làm việc lần này là đi sâu vào từng bài cụ thể tôi đã viết, trình bày rõ các vấn đề: Viết thời gian nào, có tham khảo ý kiến của ai, tóm tắt nội dung, gởi cho ai trong và ngoài nước, đã đăng ở báo nào, in, đánh máy bằng phương tiện gì?

Buổi sáng này làm được 7 bài:

 
  1. Thư ngỏ gởi những người Cộng sản Việt Nam
     
  2. Hà Sĩ Phu và cuộc hành trình gian nan của dân tộc
     
  3. Hà Sĩ Phu, biểu tượng của trí tuệ và tự do tư tưởng
     
  4. Những phát hiện mới từ một phiên tòa
     
  5. Ðọc thơ Ðông Trình, suy nghĩ về văn nghệ, chính trị và sám hối
     
  6. Tổ quốc và lòng yêu nước
     
  7. Ðà Lạt trăm năm: Tản mạn về cái đẹp và nỗi đau

Tất cả tôi đều nói thẳng vì tôi đã viết và làm một cách công khai. Có một vấn đề làm tôi phân vân: Vì bài “Tổ quốc và lòng yêu nước” tôi viết nhằm góp ý với bài viết của Nguyễn Gia Kiểng “Một cách nhìn cuộc chiến”, nhưng trong tài liệu của tôi không có bài này, lúc B hỏi tôi đọc bài đó ở đâu, tôi đành nói đọc ở nhà Nguyễn Ngọc Lan. Tôi giải thích thêm vào thời gian đó ở Sài Gòn nhiều người đọc và phản ứng, bàn bạc nhiều về bài của Kiểng.

Một vấn đề khác đáng chú ý: B hỏi tôi kết luận của bài “Ðà Lạt trăm năm...” tôi nhằm quy kết điều gì. Tôi nói đã lâu tôi quên. B đưa cho tôi bản photo bài viết. (Tôi quên nói ở trên là từng bài viết của tôi đã được photo lại, B đã đọc kỹ và từng bài có kèm theo một tờ giấy ghi chú cần hỏi những gì.)

Câu kết bài trên của tôi đại ý: Có người nói bất công xã hội là chuyện muôn thuở nhưng những bất công hiện nay còn tồi tệ hơn những bất công mà người Cộng sản đã đập đổ. Vậy thì có phải những người CS sau chiến thắng không đủ trình độ, năng lực để lãnh đạo đất nước hay khi nắm được chính quyền, mục đích của những người CS cầm quyền cũng chỉ là bóc lột, mưu lợi ích cá nhân? Như thế nhân dân cần một cuộc cách mạng, nhiều cuộc cách mạng nữa chứ không phải “đấu tranh này là trận cuối cùng” như trong lời bài “Quốc tế ca’’.

Tôi giải thích ở đây tôi đặt vấn đề người lãnh đạo phải có trách nhiệm và ngang tầm với đất nước. Cuộc cách mạng tôi nêu ra không phải nói chuyện lật đổ mà đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện của cả xã hội.

B yêu cầu C ghi nhận điều này vào biên bản.

Buổi làm việc kết thúc đúng giờ như đã dự định. Tôi về nhà lúc 11g15, đúng lúc Yến ở trường gọi điện về. Sáng nay trường Yến tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, có văn nghệ và liên hoan, Yến sẽ về trễ. Tôi nằm nghỉ trưa đợi Yến về.

1g30 chiều Yến mới về, rất mệt mỏi. Yến kể phần văn nghệ tổ ngoại ngữ của Yến đoạt giải nhất dù chỉ có 5 người và hát một bài hát tiếng Anh, trong đó có phần đóng góp của tôi viết giúp lời giới thiệu nội dung bài hát. Căn cứ vào lời bài hát, hình như là một bài dân ca Mỹ mà tổ ngoại ngữ đưa ra tập, tôi viết:

“Thế giới vô cùng rộng lớn nhưng cũng chỉ là một ngôi làng bé nhỏ. Trong đó có nụ cười và những giọt nước mắt, có hi vọng và sợ hãi. Chúng ta đã chia sẻ với nhau bao điều. Chúng ta có chung một mặt trời vàng và mặt trăng hiền dịu. Dù biển có mênh mông và sông núi ngăn chia, chúng ta vẫn gần nhau trong tình thương mến, khi nụ cười của chúng ta là tình bạn gởi đến mọi người.

Ngôi trường của chúng ta nằm trong và có tinh thần của thế giới đó. Chúng ta đã, đang và sẽ yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Ðó chính là thông điệp từ nội dung của bài hát mà tổ ngoại ngữ muốn gởi đến quý vị và các bạn.”

Tổ ngoại ngữ đã chia cho tôi mấy chiếc kẹo phần thưởng.

Ước gì thực tế được như lời bài hát này.

Buổi chiều Quốc lại đến. Chúng tôi nhận định: CA đang thăm dò, soi kính hiển vi vào từng câu chữ trong bài viết của tôi cũng như hi vọng sẽ tìm thêm cái gì đó để quy kết.

Họ làm việc rất thận trọng.

Buổi tối điện thoại gọi đến lại bị ngăn nhưng chúng tôi mệt nên đi ngủ sớm.


Thứ tư 20/11/96

Mới 6g sáng Quốc đã đến. Quốc nói hai việc:

 
  • Ðã tìm cách gặp Mai Thái Lĩnh nhưng không thể nào gặp được. Nhờ Tấn hẹn Lĩnh cũng không tới. Không biết Lĩnh ngại hay bị khống chế thế nào. Ðiện thoại cũng không được. Lúc nào vợ Lĩnh cũng nghe điện thoại và nói Lĩnh đi vắng. Có vài việc cần trao đổi với Lĩnh đành chịu. Hơi buồn một chút về chuyện này.

     
  • Tối hôm qua Kiểng gọi điện cho tôi không được nên gọi cho Quốc. Kiểng báo bên Pháp nhiều tổ chức đã biết việc của tôi và đang chuẩn bị phản ứng. Lân sẽ gửi tiền giúp vợ tôi để vợ tôi thuê luật sư nếu tôi bị bắt và phải ra tòa.

Quốc gợi ý nên hỏi B về việc căn cứ vào luật nào để mời tôi làm việc nhiều như vậy.

7g Quốc về. Tôi đưa Yến đi ăn sáng, đi chợ rồi lên CA. Hôm nay 20/11- Ngày Nhà giáo, Yến được nghỉ. Vẫn có hai cái đuôi hộ tống tôi lên CA.

Trước khi làm việc, tôi hỏi B căn cứ vào luật nào để CA mời tôi làm việc. B giải thích căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Nhà nước giao cho ngành CA. CA có quyền mời công dân làm việc khi có chuyện liên quan đến an ninh quốc gia hay trật tự an toàn xã hội. Tôi đã có những bài viết gởi đài, báo nước ngoài mà chủ trương của những đài, báo này có hại cho an ninh quốc gia nên CA mời hỏi tôi để làm rõ. Tôi vặn lại đã có ai quy kết là những bài viết của tôi “có hại cho an ninh quốc gia” chưa. B đính chính nói là bài viết của tôi “có liên quan đến an ninh quốc gia” chứ cho đến nay chưa ai kết luận vì chỉ mới bắt đầu tìm hiểu. Chúng tôi tranh luận một lúc khá căng về vấn đề này rồi tôi bỏ qua, ghi nhận cách giải thích của B.

Buổi này làm tiếp các bài viết. 7 Thư từ Việt Nam tôi viết cho đài VNCR ở Nam Cali:

 
  1. Ðà Lạt nhìn từ những ngọn gió. Tháng 4/96
     
  2. Tình hình phân hóa ở xã hội VN hiện nay. 5/96
     
  3. Cảm xúc Sài Gòn mùa hạ. 6/96
     
  4. Câu chuyện về văn hóa tốc độ. 8/96
     
  5. Ðầu năm học mới và vấn đề giáo dục. 9/96
     
  6. Về những cơn bão lũ. 10/96
     
  7. Tham nhũng và chống tham nhũng. 11/96

Tôi viết loạt bài này theo đề nghị của đài VNCR. Tôi tự chọn đề tài chứ đài VNCR không gợi ý. Vào mỗi đầu tháng, Ðinh Quang Anh Thái gọi về thu qua điện thoại.

Sau đó làm tiếp mấy bài nữa:

 
  1. Trả lời phỏng vấn đài Diễn Ðàn Dân Chủ ngày 3/2/96 chủ yếu về tiểu sử, hoạt động và sáng tác của tôi. Nguyễn Hưng Việt phỏng vấn
     
  2. Trả lời phỏng vấn Ðoàn Giao Thủy. Bài này tôi gởi trực tiếp cho Ðoàn Giao Thủy, sau đó đăng ở Diễn Ðàn. Diễn Ðàn có đăng hai bài nữa của tôi nhưng không phải do tôi gởi là “Trầm tư từ thung lũng” và “Thư gởi Phan Ðình Diệu”
     
  3. “Gian nan và bền bỉ” (Góp ý với Thử thách và hi vọng - Dự án Chính trị Dân chủ Ða nguyên của nhóm Thông Luận.)

    Tôi nhận được Dự án này qua đường bưu điện, sau đó Nguyễn Gia Kiểng gọi điện đề nghị tôi viết bài góp ý. Tôi chỉ góp một số ý, chủ yếu những vấn đề tôi có quan điểm khác như các điều kiện về sự chín muồi của cách mạng, quan niệm về lòng yêu nước... Ðiều quan trọng là tôi tán thành phương thức đấu tranh bất bạo động và mục tiêu xây dựng Việt Nam giàu mạnh, phát triển, theo chế độ dân chủ đa nguyên.

    B hỏi tôi bản chính của Dự án đâu. Tôi nói tôi đã hủy. Lý do? Ðối với tôi Dự án này cũng như Cương lĩnh của Ðảng Cộng sản đều là những văn kiện bình thường mà tôi có thể nghiên cứu và góp ý nhưng vì đối với Nhà nước văn kiện đó có thể bị coi là nguy hiểm nên tôi đã hủy đi. Bài góp ý tôi chỉ gởi cho Kiểng qua đường bưu điện từ Ðà Lạt chứ không gởi cho ai khác.

    B hỏi tôi biết những ai trong nhóm Thông Luận. Tôi nói Phạm Ngọc Lân là anh vợ. Qua Lân, có biết Kiểng, nghe tên Vũ Thiện Hân. Ngoài ra nghe nói nhóm Thông Luận có khoảng 40-50 người gì đó, phần lớn là trí thức.

     
  4. Hai bài viết đánh máy không có tựa đề và không có tên tác giả. Tôi nói không phải do tôi viết và lâu ngày quá tôi không nhớ đánh máy từ đâu (Từ tháng 7, 8/95).

    B hỏi thêm về việc Yên Phong, báo Thiện Chí ở Ðức, phỏng vấn tôi có hỏi tôi đồng ý gởi bài cho các cơ quan truyền thông khác không. Tôi nói có đồng ý. (Trong Lời tòa soạn của báo Thiện Chí khi đăng bài “Hà Sĩ Phu và cuộc hành trình...” có ghi chú điều này. CA muốn khẳng định lại, chắc để quy kết.)

Mặc dù trong các buổi làm việc này, CA nói chỉ để xác minh làm rõ các vấn đề, chưa kết luận gì nhưng tôi thấy rõ họ sẽ nhắm đến quy kết các việc để buộc tôi:

 
  • Viết bài chống Đảng và Nhà nước, chống chế độ XHCN
     
  • Tự ý gởi bài và trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài
     
  • Liên lạc, tiếp tay cho các tổ chức phản động ở nước ngoài
     
  • Tàng trữ các tài liệu phản động.

Họ sẽ căn cứ vào các điều luật này nọ, nhưng xét cho cùng cũng chỉ là đàn áp tự do tư tưởng, tự do ngôn luận thôi.

Buổi làm việc kết thúc đúng giờ.

Buổi chiều tôi đi sửa xe vì đèn, còi bị hư, chạy nhiều không an toàn. Thợ sửa hơn 2 tiếng nên 5 giờ chiều tôi mới đưa Yến ra phố. Yến đi lấy hai cái áo len đã đan từ 3 tháng nay vẫn chưa xong. Ðịnh lấy mặc trong ngày 20/11 mà cũng không kịp. Lấy về lại mặc không vừa, quá dài. Yến định sẽ đem trả. Tội nghiệp Yến ít khi mặc áo mới. Mặc dù Yến không quan tâm điều này nhưng khi Yến kể hôm kỷ niệm Ngày Nhà giáo, mọi người đều mặc áo mới lên trình diễn, chỉ có Yến mặc áo cũ, tôi cũng chạnh lòng. Hôm đó liên hoan Yến cũng không thiết ăn uống gì, muốn về sớm vì sợ tôi mong, nhưng các bạn giữ lại và có người biết chuyện tôi, nói Yến nên bình thường hóa việc ở trường, không làm gì cho người ta chú ý hay sẽ gây khó khăn cho công việc. Mấy hôm nay Yến cũng bỏ soạn bài.

Tôi định chiều nay đưa Yến đi chơi một chút cho thoải mái và đi ăn cái gì mừng Ngày Nhà giáo nhưng vì sửa xe quá trễ nên cuối cùng ra phố cũng chỉ mua bánh mì thịt về ăn. Chúng tôi không dám đi đêm vì sợ có thể gặp cái màn “cinéma cổ lỗ sĩ” mà Hà Sĩ Phu đã gặp, nhất là ở Ðà Lạt đường vắng và tối tăm.

Tôi có nhờ người quen mua giúp mấy cuốn Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự để nghiên cứu. Vì từ trước chưa trực tiếp “đụng chuyện” nên tôi chưa có dịp nghiên cứu cụ thể. Ðọc khung hình phạt về các tội liên quan đến an ninh quốc gia đều từ 5, 10 năm đến 15 năm tù hay chung thân, tử hình, Yến cũng hơi hoảng. Tôi trấn an Yến là sự việc không đến nỗi nào đâu, đâu phải dễ kết tội. Tôi cũng nói theo kiểu “chế độ này tồn tại bao lâu nữa mà kết án người ta 10 năm, 20 năm”. Tôi đùa thêm: Giả dụ có vào tù thì cũng là dịp tôi tu, thực hành nghiêm chỉnh 5 bài thiền của Ananda Marga Yoga, mau thành chánh quả. Yến vẫn buồn: Nhưng 5, 10 năm nữa thì em đã già, tóc bạc hết rồi và trong thời gian đó sống một mình, em làm sao sống được. Tôi cố an ủi Yến và hướng sang nói chuyện khác. Cho đến nay tôi có nghĩ đến nhưng chưa hề lo sợ chuyện ở tù. Ðiều này Yoga sẽ giúp tôi. Nếu tôi ở tù, đó cũng chính là Samskara, là nghiệp, là nhân quả thôi. Và tôi có thể tìm được giải thoát trong bất cứ hoàn cảnh nào.


Thứ năm 21/11/96

Buổi này B hỏi thêm tôi về một số việc, bài đã hỏi trước khi hỏi về các bài mới.

 
  • Hỏi lại hai tài liệu đánh máy nhưng không có tựa đề và tên tác giả, tôi vẫn nói tôi không nhớ


     
  • Hỏi đài Diễn Đàn Dân Chủ có liên quan gì đến đài Chân Trời Mới và tôi có biết gì về đài Chân Trời Mới. Tôi nói tôi không biết và không nghe được hai đài này, nhưng có một việc liên quan đến tôi: Vào thời gian tôi viết bài “Hà Sĩ Phu, biểu tượng của trí tuệ và tự do tư tưởng”, sau khi tôi gởi cho bạn bè bài viết vài ngày thì có một người ở Sài Gòn gọi điện cho tôi. Người đó nói nghe bài viết của tôi phát trên đài Chân Trời Mới nhưng nghe không đầy đủ và biết số điện thoại của tôi do đài này thông báo nên gọi lên hỏi. Người này không chịu xưng tên, nói địa chỉ hay số điện thoại mà ngoài việc hỏi về nội dung bài viết còn hỏi thêm tôi nhiều vấn đề như tôi có bạn bè nào ở Sài Gòn, thường gởi bài cho ai, liên lạc với đài Chân Trời Mới bằng cách nào...? Anh ta gọi cho tôi hai lần, tôi nghi là CA thăm dò, điều tra nên không trả lời cụ thể. Sau đó anh ta cũng không liên lạc nữa.

     
  • Về bài “Gian nan và bền bỉ”, tôi góp ý cho Dự án Chính trị Dân chủ Ða nguyên của nhóm Thông Luận, B hỏi kỹ tôi hình thức của bản Dự án đó như thế nào, do ai gởi, từ đâu. Tôi nói đó là một bản photo khổ nhỏ, đóng thành tập, gởi từ Sài Gòn lên bằng đường bưu điện nhưng tôi không biết ai gởi.

    B hỏi theo tôi tại sao Dự án này còn có tựa là “Thử thách và hi vọng” và có ý nghĩa gì. Tôi nói đây là một tựa đề phụ có tính cách văn học. Ý nghĩa của nó theo tôi hiểu nói lên sự khó khăn của tình hình hiện nay và biểu lộ sự lạc quan, hi vọng trong tương lai tình hình sẽ sáng sủa hơn.

     
  • Hỏi Nguyễn Gia Kiểng ở nhóm Thông Luận có liên quan gì đến hội Vietnam Liberté và tôi có tham gia hội này không. Tôi nói có nghe đến hội Vietnam Fraternité của nhóm Thông Luận chứ không biết hội Vietnam Liberté, và nói chung tôi chỉ quan hệ với nhóm Thông Luận trên bài viết chứ không quan hệ về mặt tổ chức. B nói Thông Luận và Vietnam Fraternité là một, còn Vietnam Liberté tức Nghĩa hội Ðoàn Viết Hoạt do Nguyễn Gia Kiểng thành lập. Coi bộ B nghiên cứu cũng khá kỹ.

     
  • Bài “Ðọc thơ Ðông Trình, suy nghĩ về chính trị, văn nghệ và sám hối” B hỏi theo tôi sám hối có ý nghĩa gì và tôi viết nhằm nhắn gởi điều gì cho Ðông Trình cũng như các bạn văn nghệ khác. Tôi nói qua quá trình lịch sử, con người cần phải phản tỉnh, ăn năn và sửa chữa sai lầm khi suy niệm về những việc đã qua, trong mọi lãnh vực, đặc biệt trong văn nghệ và chính trị. Tôi muốn nhắn gởi Ðông Trình cũng như các bạn văn nghệ khác, nếu trước đây đã phản kháng, tố cáo bất công áp bức thì bây giờ cũng phải tiếp tục làm điều đó vì những cái xấu xa vẫn còn, thậm chí tệ hại hơn.

     
  • Về các lá thư từ Việt Nam. B cho rằng những tư liệu tôi sử dụng để viết là những điều tai nghe mắt thấy và đăng tải trên báo chí công khai thì Việt kiều cũng biết, tôi còn viết làm gì và tôi nhằm chuyển tải vấn đề gì với thính giả. Tôi nói tôi nghĩ khác. Việt kiều có một số người về nước nhưng họ không thể hiểu tình hình cụ thể bằng tôi là người tại chỗ. Báo chí của Nhà nước có một số bán ở nước ngoài nhưng không phải ai cũng đọc. Tôi viết để trình bày tình hình và nhận thức của tôi, qua đó để tìm sự đồng cảm, trao đổi với thính giả, độc giả và bạn bè. Kể cả đối với Ðảng và Nhà nước tôi cũng sẵn sàng trao đổi, tranh luận.

     
  • Trong vở ghi chú của tôi có ghi tôi trả lời phỏng vấn cho báo Tự Do lúc 7g tối ngày 6/10 về 6 vấn đề. B yêu cầu tôi nói rõ các nội dung đó. Tôi nói tôi không nhớ. B đọc cho tôi nghe mấy câu hỏi ghi trong vở về vấn đề Hà Sĩ Phu, phong trào đấu tranh cho dân chủ trong nước... Tôi nhớ lại và nói đó là do báo Tự Do ở Ðức phỏng vấn, tôi trả lời ngay, không viết thành văn bản trước nên không nhớ rõ nội dung.

     
  • Về một dàn bài phác thảo chính luận: “Quá trình chuyển biến hướng về điều thiện, chống lại cái ác của dân tộc Việt Nam trong năm 1995 và chiều hướng phát triển trong năm 1996”. B hỏi đã viết xong chưa, viết cho ai, ý chính là gì. Tôi nói bài này đã viết theo đề nghị của đài VNCR. Ðây là bài đầu tiên tôi cộng tác với đài và đài đã thu từ cuối năm 95 nhưng bản thảo tôi đã để thất lạc.

     
  • Truyện ngắn “Người nằm chết trên đồi” viết năm 92, đăng trên tạp chí Hợp Lưu số xuân Ất Hợi 1995 có hàm ý gì? Tôi nói có hàm ý phê phán cái xấu của cả hai chế độ trước và sau 75, thông qua sinh hoạt và cái chết của một ông già trong một xóm nhỏ ở Ðà Lạt. B nói tôi nặng về phê phán chế độ hiện nay hơn và hỏi tại sao tôi viết trong truyện là có lãnh tụ nói “trí thức không bằng cục phân” và nhân vật ông già nghĩ “có lãnh tụ không bằng cục phân”, lãnh tụ Việt Nam có ai nói câu đó đâu và tôi ám chỉ lãnh tụ nào không bằng cục phân. Tôi nói ai không biết câu nói “Trí thức không lợi ích bằng cục phân” là của Mao Trạch Ðông và trước đây chế độ này tôn thờ Mao Trạch Ðông. B thừa nhận trước có nhưng bây giờ hết rồi. Tôi nói tiếp đây là tác phẩm văn học nên ai muốn hiểu sao thì hiểu, tôi không ám chỉ lãnh đạo nào cả. B khá thông minh, nghiên cứu bài viết của tôi rất kỹ, nhưng cách hiểu, cách soi kính hiển vi vào tác phẩm văn nghệ cũng là cách hiểu, cách làm cũ rích của tuyên huấn và CA mà thôi.

B hỏi thêm về người chủ biên và chủ trương của tạp chí Hợp Lưu. Tôi nói tôi chỉ biết người chủ trương tạp chí Hợp Lưu là Khánh Trường, chủ trương của tạp chí này như tên gọi là tập hợp nhiều xu hướng khác nhau trong và ngoài nước, nhằm tiến đến thông cảm, hòa giải hòa hợp. Tôi nói thêm tôi biết Lê Hoài Nguyên, trung tá CA cục A25 của Bộ Nội vụ, người đã từng thẩm vấn Hà Sĩ Phu ở Hà Nội, là nhà văn, cũng có nhiều bài đăng trên báo Hợp Lưu. C ghi cả điều này vào biên bản.

Trong lúc nói mở rộng thêm về các câu hỏi, B có hỏi tôi nghĩ sao về việc những điều tôi viết có thể bị bọn hoạt động chính trị cực đoan lợi dụng để lật đổ chế độ. Tôi nói họ có thể lợi dụng bất cứ việc gì cho mục tiêu của họ, kể cả những sai lầm của Ðảng và Nhà nước. Tôi viết là để góp phần đấu tranh cho tự do dân chủ. Ðiều này C cũng ghi biên bản.

Cuối buổi, B nói qua mấy ngày làm việc, B cảm thấy mến tôi vì sự trung thực thẳng thắn của tôi nhưng mạn phép khuyên tôi không nên dính líu đến chính trị nữa mà nên tập trung viết những tác phẩm văn nghệ vượt không gian và thời gian để may ra con anh ta còn có dịp đọc, dính vào chính trị chỉ thêm phiền phức. Tôi nói đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe lời khuyên này. Vợ tôi, bạn bè và một số học trò cũ đã từng khuyên như thế và chính tôi cũng đã nghĩ đến vấn đề này nhưng chưa làm được. Bút hiệu tôi là Tiêu Dao, nghĩa là “rong chơi trong cuộc đời” nhưng ngay từ trẻ, tôi nào rong chơi được vì tôi luôn bị ám ảnh, chi phối bởi tình hình chính trị, xã hội và nghĩ phải dấn thân. Có thể tôi chỉ là một tay cách mạng tài tử, không phải là nhà chính trị chuyên nghiệp, nhưng tôi luôn là kẻ phản kháng trước bất công áp bức. Thời sinh viên tôi tham gia tranh đấu và đã làm Ðoàn trưởng Sinh viên Quyết tử. Cái “máu” của tôi từ thời trẻ như thế và tôi bây giờ vẫn thế. Bạn bè cũ gặp tôi nói “Ông vẫn như thời sinh viên”.

C đùa chen vào: “Vậy là anh muốn chơi CA nên CA chơi lại là đúng rồi.” Tôi cũng đùa lại: “Nếu tôi không viết thì CA các anh thất nghiệp biết việc gì làm.”

Nói chung các buổi làm việc có không khí thoải mái. Một mặt vì CA đã thu giữ, nghiên cứu hầu hết các bài viết, phác thảo, ghi chú của tôi, tôi không còn gì bí mật. Mặt khác tôi xem đây là dịp để trao đổi, tranh luận với các cán bộ CA nên nói không chút dè dặt, lo ngại, xác định niềm tin vững chắc vào việc mình làm, dù những việc đó có thể bị Nhà nước quy kết này khác. C ghi biên bản vắn tắt nhưng không sao ghi xiết và chính xác. Tôi đọc lại và chỉ yêu cầu sửa những chỗ quan trọng và ký xác nhận, còn các lỗi chính tả, văn phạm và hành văn tôi bỏ qua vì không thể sửa xiết và sửa hết thì còn gì là biên bản nữa.

Ðầu buổi chiều, Yến dạy học, tôi đi sửa xe tiếp vì còi vẫn chưa ổn và máy đạp vẫn khó nổ. 3g30, Quốc đến như đã điện hẹn trước.

Quốc báo ngay ngày mai phải đi Sài Gòn rồi ra Ðà Nẵng để gặp đứa con thứ hai, cháu Lâm, vì cháu đang có chuyện rắc rối. Do hoàn cảnh và cũng đa tình, đa mang nên Quốc gặp nhiều phiền lụy trong việc gia đình. Quốc có ba người vợ và ba con, mỗi con với từng người. Người vợ đầu là nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã hi sinh, có con gái là Bùi Dương Hương Ly. Người vợ thứ hai đã ly hôn, là mẹ của cháu Lâm. Quốc hiện đang ở với người vợ thứ ba là cô Thục, có một đứa con trai nhỏ 8 tuổi rất dễ thương là cu Boong, tức cháu Minh Quân.

Năm nay Quốc phải bận rộn với cả ba bà vợ: Lo đi tìm hài cốt, xây bia mộ cho vợ đầu, chung lo giải quyết chuyện con hư hỏng với vợ thứ hai, chạy bán hàng cho vợ thứ ba. Âu đó cũng là số của Quốc. Và tình hình này đã ảnh hưởng lớn đến việc sáng tác của Quốc, nhất là khi anh đang có nhiều dự định cho những tác phẩm dài hơi.

Ðáng lý đến 27/11 này Quốc mới đi Sài Gòn để chuẩn bị cho đám cưới của con gái Hương Ly, nhưng vì có việc của cháu Lâm, ngày mai 22/11 Quốc đã phải đi rồi. Trong những ngày qua, hôm nào Quốc cũng đến tôi và đó là người bạn duy nhất tại Ðà Lạt chia sẻ với tôi mọi điều trong lúc này. Mấy năm qua, ở đây tôi chỉ giao du với ba người là Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh và Bùi Minh Quốc, ngoài ra không đi lại với ai khác. Bạn bè văn nghệ nhiều, nhưng chỉ gặp nhau chào hỏi ngoài đường, tôi không đến họ và họ cũng ngại không muốn đến tôi. Tôi cũng đã dứt khoát không tham dự vào bất cứ hoạt động nào của Hội Văn nghệ Lâm Ðồng dù họ vẫn coi tôi là hội viên và vẫn gởi giấy mời. Nay Hà Sĩ Phu đang ngồi tù, Mai Thái Lĩnh bị kẹt, chỉ còn Bùi Minh Quốc. Việc Quốc đến tôi hàng ngày đã động viên tôi rất nhiều, kể cả đối với Yến. Ngày mai Quốc đi, chắc sẽ chẳng còn ai đến tôi nữa, nhưng một mình tôi vẫn sẵn sàng đương đầu với mọi chuyện.

Quốc nói thêm một việc hơi lạ. Chiều hôm qua Quốc gặp Lĩnh ở hiệu sách nhưng Lĩnh tỏ ý không muốn nói chuyện. Quốc và tôi phân tích kỹ việc này. Lĩnh là người rất thông minh, lý luận sắc bén, nhiệt tình và nhạy cảm trước mọi vấn đề. Lĩnh có kiến thức rộng, đọc nhiều và có tư tưởng cấp tiến, thái độ cũng dứt khoát. Năm trước, Lĩnh đang là Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Ðà Lạt, người có số phiếu tín nhiệm cao nhất trong cuộc bầu cử mới đây và cả mấy cuộc bầu cử trước. Lĩnh kiêm nhiều chức vụ: Ðại biểu HÐND Tỉnh, đại biểu HÐND Thành phố, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tỉnh và Thành phố nhiều khóa. Trong các chức vụ dân cử, Lĩnh đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, chống sự trì trệ của guồng máy hành chính. Trong vụ Hội Văn nghệ Lâm Ðồng năm 1988, Lĩnh đứng hẳn về phía chúng tôi chống lại các quyết định sai trái của Tỉnh ủy. Lĩnh đã từng viết nhiều bài báo sắc bén yêu cầu luật hóa hoạt động của Đảng, tách Đảng ra khỏi chính quyền và đã bị Tỉnh ủy ở đây cho người viết bài phê phán. Mới đây, khi thấy sự có mặt của mình trong guồng máy không có ích lợi thực tế gì, Lĩnh đã dứt khoát từ bỏ, quay ra mở hiệu sách buôn bán.

Trong vụ của tôi hiện nay, ngay ngày đầu Lĩnh cũng đã rất nhiệt tình nhưng sau khi kẹt vụ chiếc cặp, không hiểu còn gì bí ẩn mà thái độ của Lĩnh thay đổi như thế. Chúng tôi biết đối diện hiệu sách của Lĩnh là nhà của một cán bộ lãnh đạo Cơ quan an ninh điều tra của CA Lâm Ðồng, và hồi đầu năm người này cũng đã có lần mời Lĩnh lên thẩm vấn về việc của Hà Sĩ Phu và một số việc khác. Tuy nhiên Lĩnh, Quốc và cả tôi hiện nay không ai là bị can, bị cáo, tội phạm gì. Chúng tôi chẳng sợ cái gì cả. Cuối cùng tôi và Quốc kết luận tuy có hơi buồn nhưng chúng tôi chưa vội kết luận gì về Lĩnh cả và vẫn chờ Lĩnh giải thích khi thuận tiện.

Buổi tối, Nguyễn Gia Kiểng lại gọi điện. Kiểng nói anh em bên Pháp đã bàn bạc kỹ việc của tôi: Ðừng biến Tiêu Dao Bảo Cự thành “thánh tử đạo”. Chúng ta coi anh là một trí thức trung thực, một người bạn quý và sẽ tìm mọi cách để bảo vệ anh. Nếu Nhà nước dịu, chúng ta cũng dịu, nếu Nhà nước căng, chúng ta cũng sẽ căng. Dù sao, bước đầu Nhà nước mời một công dân lên thẩm vấn về một việc gì đó cũng là chuyện bình thường của mọi quốc gia nên cũng chưa vội lên tiếng. Nhưng nếu thời gian thẩm vấn quá dài hay chuyển sang bắt giữ, truy tố, lúc đó vấn đề lại khác.

Kiểng nói Kiểng hi vọng Nhà nước này sẽ đủ khôn ngoan để có những quyết định đúng đắn. Họ không thương gì tôi nhưng họ phải nghĩ đến lợi ích của chính họ. Bắt giữ, truy tố tôi chỉ có hại cho họ mà thôi. Kiểng nói với tôi mà như có ý nhắn nhe với Nhà nước. Chắc CA cũng đang lắng nghe các cuộc điện đàm này.

Khi nghe tôi kể CA có hỏi tôi về Kiểng và nhóm Thông Luận, Kiểng nói tôi chuyển lời đề nghị CA gọi điện thoại hay gởi thư trực tiếp cho Kiểng. Kiểng sẵn sàng đối thoại và cung cấp mọi báo chí, dự án chính trị của nhóm Thông Luận cho CA nghiên cứu. Kiểng còn nói linh tinh chuyện nuôi gà chọi, trồng hồng và hỏi thăm vườn tược của tôi trước khi cúp.


Thứ sáu 22/11/96

6g sáng, chúng tôi đang mơ màng chưa tỉnh giấc thì Ðinh Quang Anh Thái từ Mỹ gọi điện về. Thái nói mới nghe tin tôi bị CA bắt nên gọi về xác minh. Tôi nói người ta chắc còn phải nghiên cứu, tính toán kỹ trước khi có hành động mới. Thái thông báo tình hình bên Mỹ:

 
  • Trần Thanh Hiệp đã thay mặt Văn Bút Việt Nam viết báo cáo về trường hợp của tôi gởi Văn Bút Quốc Tế để yêu cầu can thiệp;

     
  • Vấn đề của tôi cũng đã được nêu lên với các tổ chức Human Rights Watch Asia (Theo dõi nhân quyền ở châu Á) và Journalist sans frontière (Nhà báo không biên giới);

     
  • Mọi người đều lo lắng và quan tâm theo dõi chuyện của tôi;


Thái còn hỏi ý kiến tôi một việc: Bên đó muốn in cuốn sách của tôi mà anh Lân đã có, kèm theo những bài viết đọc trên đài VNCR của tôi thời gian qua, tôi có đồng ý không? Do ý kiến của Nguyễn Gia Kiểng hôm trước mà tôi thấy có lý, tôi nói đề nghị cứ chuẩn bị sẵn sàng nhưng đợi thêm thời gian xem thái độ của Nhà nước ra sao. Thái chúc tôi vững vàng và giữ gìn sức khỏe.

Gần 8g, trước khi tôi lên CA, Quốc gọi điện chúc tôi “chân cứng đá mềm” trước khi ra bến xe đi Sài Gòn. Chắc Quốc nghĩ khi Quốc đi tôi trở thành cô độc trong cuộc đấu này. Có lẽ Quốc áy náy nhưng vì việc bức xúc đành phải đi.

Sáng nay B và tôi lại tiếp tục cuộc “tìm hiểu và đối thoại” đã khá dài nhưng vẫn chưa xong.

 
  • Truyện ngắn “Hành trình trăm năm” tôi viết hồi tháng 9/95, tôi gởi cho anh Lân và sau đó được đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21. Sau đó tôi nhận được bản photo bài đăng trên báo từ Sài Gòn gởi lên. Tôi nói đây là một truyện ngắn mang tâm tình cá nhân, không có ý hướng chính trị.

B nói đã đọc kỹ truyện này, tuy nó có tính cách tâm tình cá nhân nhưng vẫn có đoạn hàm ý chính trị về hòa giải hòa hợp và đọc cho tôi nghe đoạn đó. Tôi nghe và thừa nhận có điều đó. Trong đoạn này tôi có ý nói không nên dùng bạo lực để đối đầu với bạo lực mà nên dùng tình thương để hóa giải hận thù.

B nói thêm (ngoài tính chất thẩm vấn) là B hiểu chuyện này chắc gần gũi với cuộc sống riêng của vợ chồng tôi và nghĩ rằng cuộc sống của vợ chồng tôi trải qua nhiều gian nan và vợ tôi chắc đã chịu đựng, chia sẻ với tôi nhiều trong cuộc sống đó. B có ý khuyên tôi không nên dính líu đến chính trị nữa để vợ tôi bớt lo âu phiền muộn. Tôi nói trên nguyên tắc, truyện ngắn là hư cấu nhưng dĩ nhiên nó có thể phản ánh tâm tình cá nhân của tác giả. Về con đường tôi đã và đang đi, vợ chồng tôi đã lựa chọn và chia sẻ. Chúng tôi sẵn sàng trả giá cho sự lựa chọn đó.

Tôi nghĩ thầm có thể B đã hiểu và thông cảm với tôi như giữa một con người với một con người, tuy nhiên có thể đây cũng là một ngón đòn tình cảm của CA. Tôi biết CA đã sử dụng nhiều lần ngón đòn này khá tốt, nhất là đối với phụ nữ để lung lạc họ, tác động đến chồng.

B hỏi tiếp tôi có nhận nhuận bút về bài này không, cũng như đã hỏi tương tự về các bài khác. Tôi nói không. B nói có ai dư thì giờ để viết mà không nhận được thù lao gì cả. Tôi nói về chuyện nhuận bút tôi trả lời lần này là lần chót và yêu cầu về các bài khác, đừng hỏi như thế nữa. Tôi cố gắng giải thích cho B hiểu: Chỉ tác phẩm Nửa đời nhìn lại, một tác phẩm dài, là Nhà xuất bản tự ý gởi nhuận bút cho tôi tuy tôi không đặt vấn đề và việc tôi nhận là hoàn toàn đúng vì đó là nguyên tắc cũng như công sức, tâm huyết của tôi. Ðối với các truyện ngắn và các bài chính luận, báo chí nước ngoài đăng cho tôi đã là quý. Người viết nào cũng muốn gởi tác phẩm của mình đến cho công chúng. Tôi cũng biết ở Mỹ và nhiều nước khác, người làm báo phải bỏ tiền túi ra để làm vì theo đuổi một mục đích, lý tưởng, người viết báo cũng thế, chứ ít ai đặt vấn đề nhuận bút. (Ðây là nói về báo bằng tiếng Việt của Việt kiều). Nhuận bút dù có cũng rất tượng trưng, không ai sống bằng nhuận bút. Chắc B và CA nghĩ rằng nhuận bút ở Mỹ nhiều lắm.

Tôi yêu cầu ghi vào biên bản vấn đề này như sau: Tôi viết vì say mê sáng tạo, vì muốn thể hiện quan điểm tư tưởng của mình và gởi đến công chúng. Tôi không nghĩ đến nhuận bút và nhuận bút nếu có cũng rất thấp, không ai vì muốn có nhuận bút đó để đánh đổi an ninh của bản thân.

B có vẻ chịu lời giải thích của tôi.

 
  • Bài “Thư ngỏ gởi một người bạn nhà văn”. Bài này tuy không nêu tên nhưng tôi viết về Thế Vũ, một bạn chiến đấu cũ, nay có cách nghĩ và hoàn cảnh sống khác, hiện đang làm việc cho báo Thanh Niên ở Sài Gòn. Bài viết gởi Thế Vũ, đồng thời cũng gởi đến các bạn văn nghệ, khêu gợi sự phản tỉnh, tiếp tục đấu tranh cho tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, báo chí.

B hỏi tôi chủ trương đa nguyên tại sao lại không chấp nhận mà phê phán Thế Vũ cũng như những người khác khi họ có quan điểm khác mình, thế thì tôi đâu phải đa nguyên. Tôi phản bác hiểu đa nguyên như thế là không đúng. Ða nguyên là chấp nhận những ý kiến khác nhau nhưng không loại trừ việc trao đổi, tranh luận để đi đến thống nhất, dĩ nhiên là không dùng sức mạnh hay quyền lực để áp đặt. Tôi nhắc lại vụ Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc và tôi gởi thư cho Phan Ðình Diệu. Có người, ngay cả một số báo chí hải ngoại cho rằng chúng tôi làm như thế là thiếu khôn ngoan về chính trị, trong khi đáng lý chúng tôi phải đoàn kết, hợp tác thì chúng tôi lại đặt vấn đề tranh luận với Phan Ðình Diệu, có thể điều này làm yếu lực lượng đối lập trong nước vốn đã ít ỏi. Chúng tôi cho rằng chúng ta đòi hòi Ðảng Cộng sản và Nhà nước phải chấp nhận đa nguyên thì ngay trong nội bộ những người đấu tranh cho dân chủ cũng phải đa nguyên.

Bài “Thư ngỏ...” trên tôi đã viết xong và đánh máy từ tháng 4/96 nhưng không gởi cho báo nào cả. B hỏi lý do, tôi nói sau đó tôi nghĩ lại và vợ tôi cũng góp ý không nên gởi đăng do sợ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình Thế Vũ vì anh đã lao đao, lận đận một thời gian dài, nay mới tạm ổn định. B khen vợ tôi là người nhân từ và lại có ý nhắc tôi không nên làm gì để vợ tôi phải khổ. B nói thêm lần đầu tiên gặp, B không ngờ vợ tôi lại gầy yếu như thế.

Vẫn là sự pha trộn giữa cảm thông và ngón đòn tình cảm. Tôi sẽ kể rõ cho Yến về chuyện này.

 
  • Bài “Thư ngỏ gởi một người bạn Việt kiều” (10/96), tôi viết nhân có một Việt kiều ở Úc, tên Hân, về Ðà Lạt tìm đến thăm tôi. Hân đã đọc một số bài viết của tôi và biết địa chỉ của tôi từ bên Úc. Hân đặt vấn đề thảo luận với tôi là Việt kiều có nên đầu tư về nước làm ăn hay không vì ở hải ngoại phần lớn Việt kiều không muốn vì cho rằng làm như thế là góp phần củng cố chính quyền độc tài Cộng sản. Hân và tôi thảo luận vấn đề chưa xong thì Hân phải đi nên nhân đó tôi viết bài báo này dưới dạng lá thư.

B yêu cầu tôi khẳng định lại quan điểm của tôi trong vấn đề này. Tôi nói quan điểm của mình: Việt kiều nên đầu tư về nước làm ăn, dù một mặt phát triển kinh tế tuy có góp phần củng cố chính quyền Cộng sản, nhưng mặt khác lại là điều kiện phát triển tự do dân chủ và điều này có lợi hơn. Nếu không làm gì, Việt kiều sẽ không đóng góp và cũng chẳng có tác động gì đến tình hình đất nước.

Bài này tôi chỉ gởi cho Thông Luận qua đường bưu điện nhưng chưa rõ đã đăng hay chưa.

B nhận xét bài này có một số ý trùng hợp với bài đánh máy không có tựa đề và tên tác giả như ý Việt kiều nên đầu tư về nước và tiềm năng của Việt kiều ngang với một cường quốc, như thế tôi có sử dụng tư liệu của bài kia không. B cố ý tìm xuất xứ và việc sử dụng bài đó như thế nào, nhưng tôi nói hai ý trên là ý chung, nhiều người nghĩ và báo chí cũng có nêu, cũng là ý kiến của tôi nên tôi viết chứ không nhất thiết tôi phải trích dẫn từ đâu. B lại phải bỏ qua chuyện này.

B nói trong vở phác thảo chính luận của tôi có ghi thời gian liên lạc vắn tắt như sau: 20/10: TL, 25/10: TC, 2/11: VNCR, 15/11: TK21.

Vậy tôi liên lạc với ai, nội dung gi?

Tôi nhớ lại và nói đó là thời gian tôi ghi để viết xong bài. 20/10 viết xong bài “Gian nan và bền bỉ” cho Thông Luận, 25/10 viết xong bài “Về công tác xuất bản” cho Thiện Chí, 2/11 viết xong thư từ Việt Nam tháng 11 “Về tham nhũng và chống tham nhũng” cho đài VNCR, 15/11 định viết xong bài tổng kết năm 96 cho tạp chí Thế Kỷ 21 nhưng chưa viết đã xảy ra việc CA mời thẩm vấn.

 
  • Trong dàn bài phác thảo “Tổng kết tình hình năm 96” tôi chưa viết, có ghi ý: Về chính trị, sau Ðại hội 8, có sự chia rẽ trong nội bộ Ðảng Cộng sản. B hỏi tôi dựa vào đâu để viết như thế. Tôi nói tôi dựa vào nhiều nguồn: Dư luận trong cán bộ, Đảng viên, những người quan tâm đến tình hình, thông tin từ các đài BBC, VOA, RFI và những hiện tượng diễn ra trước, trong và sau đại hội như vụ Nguyễn Hà Phan, lá thư Võ Văn Kiệt gởi Bộ Chính trị, việc Trần Trọng Tân phản đối giao quá nhiều quyền lực cho Thường vụ Bộ Chính trị hôm bế mạc đại hội Đảng... Do đó tôi nhận thức rằng có sự chia rẽ trong nội bộ Đảng, đặc biệt ở cấp cao. Tôi nói thêm ngay trong Báo cáo chính trị của Ðại hội Ðảng cũng xác định có sự chia rẽ nghiêm trọng, nhất là ở một số địa phương. B cố giải thích chống chế vấn đề này nhưng không có sức thuyết phục. B bỏ qua hỏi bài khác.

     
  • Bài “Từ một hiện tượng suy nghĩ về công tác xuất bản” tôi viết cho báo Thiện Chí. Thiện Chí đề nghị tôi viết nhưng đề tài do tôi tự chọn. Tôi đã viết xong và Thiện Chí thu qua điện thoại. B không đi vào nội dung nhưng tôi nhớ bài này tôi viết nhân việc Nhà Xuất bản Hội Nhà văn kiểm điểm vì đã lỡ in lại cuốn Mười khuôn mặt văn nghệ của Tạ Tỵ.

Trưa tôi về, Yến kể lại chuyện buổi sáng ở nhà. Sáng nay Yến chỉ có một tiết dạy cuối buổi. Lúc 9g có một người ở Mỹ gọi về hỏi thăm tôi, tự xưng là Vũ Thư, làm ở Thông tấn xã VNN. Thư nói biết tin trễ nên bây giờ mới gọi. Thư cho biết bên đó có nhiều thanh niên ái mộ tôi và nhiều bài viết của tôi đã được dịch ra tiếng Anh để phổ biến. Thư hỏi Yến có đồng tình việc tôi làm không. Yến nói Yến kính trọng tôi vì sự trung thực, thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm và dám sống như cách mình nghĩ, Yến hoàn toàn ủng hộ tôi. Yến kể sơ việc xảy ra mấy ngày qua. Thư nói không biết quả tim của Yến to cỡ nào mà chịu nổi những sự căng thẳng do việc tôi làm gây ra. Yến nói tuy có lo sợ nhưng rồi cũng qua và chịu được thôi. Thư nói anh em bên đó sẽ tìm cách giúp đỡ.

Yến kể lại và nói được hỏi bất ngờ nên nói lung tung chẳng ra câu kéo gì cả. Tôi nói Yến tập dượt để trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài là vừa, không cần văn chương gì, cứ ý mình sao nói vậy.

Mỗi buổi chiều, lúc 6g, chúng tôi vẫn theo dõi phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên trên đài truyền hình. Theo tôi, bộ phim này nói về lịch sử nước Mỹ thời lập quốc hay hơn phim OshinVận mệnh của Nhật nói về lịch sử nước Nhật, cũng đã được chiếu trên đài truyền hình. Một bộ phim Mỹ rất lạ, khác hẳn tính chất Mỹ trong các phim cao bồi, bạo lực, hình sự, viễn tưởng hay tâm lý tình cảm xã hội khác. Ðiện ảnh Mỹ cũng đa dạng thật. Bộ phim này thật đơn sơ nhưng sâu sắc, tràn đầy nhân bản và có cái gì đó rất gần với Việt Nam. Cuộc sống của các nhân vật trong phim thời mới lập quốc rất gian khổ, nghèo nàn nhưng tình làng nghĩa xóm, tình vợ chồng, cha mẹ - con cái, tình bằng hữu đậm đà, trong sáng và chan hòa, ấm áp. Cái Thiện luôn thắng điều Ác, tinh thần tự do, bình đẳng ngày một phát triển. Trong thị trấn nhỏ Walnut Grove kia có đủ mọi vấn đề của nước Mỹ: Kỳ thị chủng tộc, nội chiến nam bắc, kỳ thị giàu nghèo, tự do tín ngưỡng, tự do luyến ái và hôn nhân, sự phát triển của các công ty tư bản chèn ép người lao động, tự do và tác hại của báo chí... Ngoài ra có vô số vấn đề tâm tình, quan hệ cá nhân và xã hội. Hơn 100 tập, mỗi tập đặt ra một vấn đề mới. Dựng phim không cần phải hoành tráng và tốn kém mà vẫn đầy tính nghệ thuật, hấp dẫn. Nhìn lại điện ảnh Việt Nam, loay hoay mãi vẫn chưa tìm được lối ra khỏi bế tắc.

Tối Nguyễn Gia Kiểng lại gọi điện. Kiểng báo ngày mai sẽ gặp bà Nguyễn Phước Ðại do TBT Ðỗ Mười cử sang. Trước đó bà Ðại cũng đã gặp Kiểng để trao đổi. Kiểng nói bà Ðại thừa nhận không thuyết phục được Kiểng mà lại bị Kiểng thuyết phục. Lần này Kiểng sẽ nhờ bà Ðại nhắn lại là Ðảng và nhà nước không nên làm phiền những người như Ðoàn Viết Hoạt, Nguyễn Ðan Quế, Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự và nhiều người đấu tranh cho dân chủ khác nữa. Họ là những vốn quí của dân tộc. Nếu Ðảng và Nhà nước cho người đi tranh thủ Kiểng và các tổ chức Việt kiều hải ngoại nhưng lại đối xử với trí thức trong nước như thế thì còn ai tin.

Kiểng nói vẫn thường xuyên liên lạc với anh Lân qua email. Lân hiện nay phải thường xuyên di chuyển nhiều nơi để lo công việc cho hãng nên sẽ ít liên lạc với tôi. Lân và Mỹ Lan (vợ anh Lân) đều rất lo cho chúng tôi.

Tôi nhờ Kiểng nhắn lại với anh Lân và Ðinh Quang Anh Thái về việc Thái nói định in tác phẩm của tôi. Tôi nghĩ lại những bài đó phần lớn tôi đã viết và đăng báo hay phát trên đài, mặt khác dù tôi có bị bắt hay không, việc công bố tác phẩm là quyền của tôi nên bên đó cứ làm, không cần chờ đợi.


Thứ bảy 23/11/96

Tôi nghe đài BBC buổi 6g sáng. Bản tin về vụ tòa phúc thẩm bác bỏ đơn kháng án của Lê Hồng Hà, vẫn y án 2 năm. Tiếp đó có nhắc qua việc của tôi: Tin từ Thành phố Ðà Lạt cho biết nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự đã bị công an thành phố gọi lên thẩm vấn liên tục từ ngày 12/11 đến nay về các bài viết của ông đăng trên báo chí hải ngoại.

Tôi sực nhớ là đã quên ghi việc đài VOA đưa tin. Hôm trước, Ngọc Hân, trưởng ban Việt ngữ của đài Úc sau khi phỏng vấn tôi, có nói là sẽ chuyển cho đài VOA phát vào đầu tuần sau. Tôi đón nghe và buổi phát thanh tối thứ hai 18/11 đài VOA có phát bài của Ngọc Hân. Ðây không phải là toàn văn buổi phỏng vấn giữa Ngọc Hân và tôi mà là một bài viết của Ngọc Hân về tôi, trong đó có trích đoạn 3 lần lời tôi nói trong buổi phỏng vấn. Phần viết của Ngọc Hân có một chi tiết sai: Tôi nói rõ về việc D, lãnh đạo Cục A25 gặp Quốc nói về tôi, nhưng Ngọc Hân lại viết một cán bộ Cục 25 của Bộ Nội vụ từ Hà Nội vào trực tiếp thẩm vấn tôi.

Trước 8g, tôi lại đi lên CA làm việc. Mấy này qua, hoa quỳ dại đã bắt đầu nở vàng chung quanh vườn nhà tôi nhưng tôi không chú ý lắm. Bây giờ trên đường đi, dọc theo dốc Sương Nguyệt Ánh, trên các sườn đồi chung quanh Viện Hạt nhân và Trrường Cao đẳng Sư phạm, hoa quỳ dại đã vàng rực lên bốn bề trong nắng sớm. Chao ôi màu hoa hoang dã chói chang này năm nào chúng tôi làm cuộc đi xuyên Việt để đấu tranh cho tự do báo chí và xuất bản, cho tự do dân chủ và đổi mới thực sự, đã rực lên khắp núi rừng Tây nguyên, dấy lên trong lòng chúng tôi biết bao cảm xúc. Tôi nhớ lại, cũng vào thời gian này, một tháng cuối đông cách đây 8 năm, chúng tôi đã lên đường giữa màu hoa nồng nàn thúc giục. Bao nhiêu thay đổi thăng trầm đã trôi qua. Bây giờ tôi lại vào cuộc chiến đấu, có lẽ khó khăn hơn, nhưng không phải trở về từ khởi điểm, mà bắt đầu từ một mốc dấu mới. Cám ơn hướng dương -dã quỳ đã nhắc nhở tôi luôn hướng vọng về mặt trời - ánh sáng.

Buổi làm việc với B lại tiếp tục.

Trong cuốn vở phác thảo chính luận của tôi có một bài trả lời phỏng vấn gần như viết hoàn chỉnh về 3 vấn đề: Tình hình sau Đại hội 8, hoạt động của trí thức đấu tranh cho dân chủ và tình hình về Hà Sĩ Phu. Ðây là bài tôi trả lời phỏng vấn báo Thiện Chí ngày 16/8/96. Trong phần tình hình về Đại hội 8, tôi có ghi sự kiện mấy đại biểu Nam bộ dự Đại hội bị giăng bẫy đi chơi gái, bị quay phim, đưa ra chiếu trong Đại hội. B hỏi tôi căn cứ vào đâu để cho đó là việc giăng bẫy.

Trước hết tôi yêu cầu xác nhận việc đại biểu đi chơi gái bị quay phim có hay không vì việc này được các đại biểu dự Đại hội về kể lại và sau đó có thông báo chính thức ở các địa phương khi báo cáo kết quả Đại hội Đảng. B thừa nhận là có. Việc giăng bẫy là do nhiều người suy diễn nhưng có cơ sở:

 
  1. Ðại biểu đi theo đoàn có hộ tống, bảo vệ chặt chẽ
     
  2. Việc đi chơi là do một số cán bộ ở Hà Nội mời đi
     
  3. Việc chơi gái bị quay phim đầy đủ
     
  4. Sự việc được thông báo ngay trong Đại hội
     
  5. Ðang có sự tranh chấp giữa các phe phái trong đó có vấn đề tranh chấp Nam Bắc.

Do đó tôi tin là có việc giăng bẫy.

B chống chế giải thích và nói chưa có cơ quan chính thức nào của Nhà nước xác nhận đây là vụ giăng bẫy. Tôi nói thông tin của Nhà nước chưa chắc chính xác và đầy đủ. Thí dụ ngay Bộ Chính trị Trung ương Ðảng cũng đã cắt xén một phần di chúc của ông Hồ Chí Minh khi công bố, đoạn nói về việc hỏa táng và miễn thuế cho dân, nói thế dân làm sao tin được. Tôi nói đến đó B gạt đi bảo việc đó đã qua và Ðảng đã có thông báo và cũng cho qua luôn vấn đề giăng bẫy.

B nói trong vở của tôi có phần phác thảo một cuốn tiểu thuyết mới, yêu cầu tôi cho biết chủ đề tư tưởng và nội dung chính tôi định viết. Tôi nói ngay tôi từ chối trả lời câu hỏi này vì đây mới là dự định. Tôi có thể nói cho anh ta nghe nếu anh ta là bạn bè hay người quen biết nhưng với tư cách CA thẩm vấn tôi không trả lời.

B nói cũng đoán tôi sẽ trả lời như thế nhưng B hỏi là có lý do khác: Trong phần phác thảo nhân vật tôi có ghi tên nguyên mẫu rất nhiều người là cán bộ đương chức của tỉnh, trong đó có cả giám đốc công an. Tôi nói tôi có thể giải thích cho anh ta về mặt kỹ thuật tiểu thuyết, nhà văn có thể sử dụng nguyên mẫu bất cứ ai trong đời thường, từ đó hư cấu thêm, khái quát lên để xây dựng nhân vật. Riêng đối với tiểu thuyết tôi định viết, chưa có gì định hình, chưa biết xây dựng nhân vật nào và diễn biến câu chuyện ra sao.

B hỏi tôi có viết bài cho đài Tiếng Nói Tự Do do Irina phụ trách không và có liên hệ gì với đài này. Tôi nói trước đây tôi có nghe đài này vài lần nhưng không có liên hệ gì, sau đó đài này ngưng phát. B hỏi thêm đài đó có liên hệ gì với đài Diễn Đàn Dân Chủ mà tôi đã trả lời phỏng vấn và tôi biết gì về nhóm Ngàn Lau, Tổng đoàn Thanh niên Thiện chí, Hội Người Ðà Lạt tại Mỹ. Thực ra đây là những điều tôi ghi lại theo Nguyễn Hưng Việt nói khi đặt vấn đề phỏng vấn tôi. Ðài Diễn Đàn Dân Chủ tiếp nối đài Tiếng Nói Tự Do và các tổ chức kia ở Mỹ có cộng tác với đài. Tôi nghe sao biết vậy thôi.

 
  • Bài “Ðọc thơ Ðông Trình...” tôi gởi cho anh Lân ở Thông Luận, sao lại đăng ở Ðối Thoại bên Mỹ? Ðơn giản vì bài viết quá dài (đến mấy chục trang), không phù hợp với Thông Luận nên Lân đã gửi cho báo nào thích hợp.

     
  • Bài viết đầu tiên của tôi đăng trên báo nước ngoài lúc nào? Tôi không nhớ cụ thể. Nhưng chỉ từ sau khi cuốn tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại của tôi được xuất bản ở Mỹ năm 1994, có tiếng vang, được nhiều đài báo giới thiệu phê bình, các đài báo nước ngoài mới đăng tải bài của tôi hay mời tôi cộng tác.

     
  • Ngoài những bài báo đã viết đăng tải trên các báo, đài và gởi cho bạn bè, còn viết bài nào khác nữa không? Không.

     
  • Ngoài các đài, báo đã nói, còn có quan hệ với những đài báo nào khác? Không.

Phần kế tiếp, B hỏi sâu các khía cạnh về mặt tổ chức của các đài, báo đã đăng tải bài viết của tôi hay tôi có cộng tác.

 
  • Quan hệ với Thông Luận từ lúc nào? Chủ trương của Thông Luận ra sao, do ai tổ chức? Vấn đề này hôm trước B đã hỏi, nay lại hỏi lại. Tôi nói thêm, theo chỗ tôi biết, Thông Luận là một trong những nhóm đầu tiên ở hải ngoại chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc. Nhà nước vẫn cho Thông Luận là chống Cộng, nhưng ở ngoài có thời gian, Thông Luận lại bị cho là thân Cộng và đã từng bị các tổ chức chống Cộng cực đoan phê phán, thậm chí hành hung. Hoạt động chính của Thông Luận là tờ báo, ngoài ra tôi không biết về các hoạt động khác.

     
  • Về tạp chí Thiện Chí ở Ðức, tôi mới cộng tác với báo này từ tháng 8/96 do họ tự trực tiếp quan hệ. Theo chỗ tôi hiểu, Thiện Chí do một nhóm cán bộ Đảng viên cũ, một số nghiên cứu sinh và người đi hợp tác lao động ở Ðức thành lập, do Yên Phong chủ biên. Sau sự sụp đổ của cộng sản ở Liên Xô và Ðông Âu, nhóm này có tư tưởng đổi mới, chủ trương đấu tranh cho dân chủ và hòa giải hòa hợp dân tộc. Tôi mới chỉ đọc một tờ Thiện Chí cũ do Hà Sĩ Phu tặng, trong đó có bài viết về Hà Sĩ Phu. Mới đây Thiện Chí có đăng 3 bài viết của tôi.

     
  • Tạp chí Tự Do ở Ðức: tôi cũng mới có quan hệ. Người tổ chức và chủ trương cũng tương tự như tờ Thiện Chí. Người trực tiếp gọi điện cho tôi tên là Hùng, trong Ban Biên tập.

     
  • Ðài VNCR ở Mỹ: Tôi có quan hệ từ cuối năm 95 khi họ gọi về phỏng vấn và đặt bài viết. Ðài này do những người tổ chức Nhà xuất bản Thế Kỷ, tạp chí Thế Kỷ 21 và nhật báo Người Việt thành lập, trong đó tôi biết tên có Lê Ðình Ðiểu, Ðỗ Ngọc Yến. Chủ trương của các đài báo này cũng là đấu tranh cho dân chủ và hòa giải hòa hợp dân tộc. Ðài VNCR (Vietnam California Radio) chỉ phát trong nội bộ miền Nam Cali.

Các tạp chí Diễn Ðàn, Ðối Thoại, Hợp Lưu: tôi chỉ biết sơ qua và đã nói hôm trước. Riêng nhóm Diễn Ðàn tách ra từ nhóm Ðoàn Kết, trước đây thân Cộng và chống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

 
  • Báo Người Sài Gòn: Tôi chỉ có 4 tờ, 3 số, nhận được trong hộp thư trước nhà. B hỏi tôi có nhận xét gì về tờ báo này? Tôi nêu mấy ý:

     
    1. Ðây là tờ báo lậu, có thể xuất bản ở Sài Gòn. Qua nội dung, thấy những người chủ trương có thể là một số cán bộ, Đảng viên Cộng sản, trong đó có những người cựu trào vì họ có rất nhiều tin tức từ nội bộ Ðảng, kể cả ở cấp cao.

       
    2. Báo phát hành bất hợp pháp, có tựa đề “Tiếng nói của nhân dân thèm tự do ngôn luận” đã phát hành được hơn 20 số, chứng tỏ sự bức xúc về tự do ngôn luận và sự táo bạo của những người chủ trương.

       
    3. Có lẽ tờ báo cũng ít người làm vì đôi khi đưa những thông tin quá cũ hay chỉ trích lại và bình luận tin trên những tờ báo công khai. Ðặc biệt giọng văn hoàn toàn mang tính chất Nam bộ.

     
  • Về báo Tao Ðàn và Trần Ngọc Tuấn: (Tuấn có gởi cho tôi một lá thư và CA đang thu giữ). Tuấn tự gọi điện liên lạc với tôi. Tuấn cho biết cùng với một nhóm bạn trước chủ trương tờ Diễn Đàn Praha ở Tiệp Khắc, tờ này đã đình bản, nay chủ trương tờ Tao Ðàn, chuyên về văn nghệ, sắp ra số 1. Chủ trương tờ Tao Ðàn gần giống Hợp Lưu, chấp nhận mọi khuynh hướng, nhắm đến những giá trị văn học nghệ thuật phổ quát và vĩnh cửu (theo Tuấn giới thiệu). Tuấn mời tôi và Bùi Minh Quốc tham gia chủ biên tờ Tao Ðàn. Tôi và Quốc hội ý rồi không nhận lời do điều kiện cách bức, khó liên lạc thường xuyên trực tiếp nên không thuận lợi trong việc tham gia chủ biên. Tuy nhiên, tôi và Quốc hứa sẽ cộng tác bài viết. Tuấn cho biết thêm Tao Ðàn số ra mắt có giới thiệu tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại của tôi và trích đăng một đoạn trong đó.

     
  • Bài “Dân chủ hay chuyên chính” của Trần Minh Thảo, viết 12/95, gởi cho tôi lúc nào và tôi quan hệ với Thảo ra sao? Bài này Thảo chính thức gởi cho Ðảng để góp ý trước Ðại hội 8, có ghi rõ địa chỉ. Thảo đang là Đảng viên, hiện ở Bảo Lộc, Lâm Ðồng. Thảo gởi cho tôi một thời gian sau khi viết, tôi không nhớ rõ. Thảo là bạn cũ của tôi từ thời sinh viên ở Huế, sau đó cùng sinh hoạt một chi bộ hồi trước 75. Hiện nay Thảo và tôi vẫn quan hệ bình thường nhưng ít gặp vì ở xa nhau. Thỉnh thoảng tôi và Thảo có quan hệ bài viết. Về quan điểm tư tưởng, giữa Thảo và tôi, có cái gần, có cái khác và chúng tôi tôn trọng sự tự do của nhau.

Chiều và tối thứ bảy, Yến và tôi nghỉ ngơi được đôi chút. Hôm nay hình như tổ theo dõi trước nhà tôi đã rút, hay chuyển địa điểm, hoặc đổi phương thức theo dõi. Tôi không còn thấy bóng dáng của họ.

Mỗi chiều Yến và tôi vẫn thiền nhưng khó tập trung vì lúc nào cũng nghĩ đến những việc đang xảy ra. Tuy nhiên khi ngồi thiền, tôi thấy được vấn đề một cách sáng suốt nhất.


Chủ nhật 24/11/96

Buổi sáng sau khi dọn dẹp nhà cửa, giặt rũ quần áo xong, Yến và tôi chuẩn bị ra phố thì A, CA khu vực đến. A báo vì CA TP sáng mai có cuộc hội nghị nên hẹn tôi đến thứ ba sẽ làm việc tiếp. Vậy là tôi được nghỉ thêm một ngày để ghi nhật ký. Ngày nào cũng có nhiều sự kiện nên ghi không kịp trong ngày.

Chúng tôi đến Lĩnh nhưng vợ chồng Lĩnh đều đi vắng. Tôi gởi lại phần nhật ký đã viết trước để Lĩnh đọc, biết tình hình, vì từ sự cố hôm đầu tiên 12/11 đến nay Lĩnh và tôi không gặp và không liên lạc được với nhau, kể cả qua điện thoại. Sau đó chúng tôi đến Tấn, Tấn cũng đi vắng, chỉ gặp Loan, vợ Tấn. Chúng tôi qua nhà Quốc để trả cho Thục, vợ Quốc, chiếc đèn pin mượn hôm trước. Qua nói chuyện với Loan và Thục, chúng tôi biết thêm một số việc.

Chiều và tối, tôi giúp Yến soạn vài chi tiết trong giáo án Anh văn để dạy ở trường. Những sự bắt buộc ngu xuẩn! Dạy 20 năm rồi mỗi năm đều phải soạn lại giáo án, thực ra là chép lại, càng lúc càng ngắn vì đã quá chán. Năm nay có hướng dẫn mới. Từng tiết dạy đều phải soạn đầy đủ các mục yêu cầu về giáo dục, yêu cầu về giảng dạy, giới thiệu từng vấn đề sẽ dạy, các bước lên lớp một cách chi ly cho một bài giảng 45 phút. Mẹ kiếp! Hai học sinh hỏi nhau cái áo màu gì, nhờ đưa giùm cây bút qua các mẫu câu đối thoại Anh ngữ cũng phải có mục đích giáo dục. Thế mà học sinh ngày càng hư hỏng. Cái nền giáo dục này sẽ đi về đâu với nội dung, kiểu cách làm việc như thế?

Tôi muốn khùng lên vì sự ngu xuẩn này nhưng cũng phải ráng bóp bụng để làm giúp Yến. Tôi viết văn quen hư cấu mà cũng nghĩ nát óc mới tìm ra được mục đích giáo dục trong những câu đối thoại Anh ngữ vụn vặt, có khi đành phải chịu thua. Yến phải làm đầy đủ mọi thứ để sắp tới còn phải chịu thanh tra, kiểm tra theo quy định của ngành và của trường. Dạy học là một nghề cao quý, tôi cũng đã từng theo đuổi, nhưng bây giờ là một nghề chết đói, chết tiệt. (Tuy nhiên lại cũng có người giàu lên nhanh chóng nhờ nghề này). Yến không thể chuyển nghề khác đành phải rán chịu đựng. Thời gian này, vừa căng thẳng do việc của tôi, vừa phải dạy ở trường, dạy thêm ở nhà, soạn hồ sơ giáo án, Yến rất mệt mỏi, hốc hác, thấy thật thương. Lại thêm ăn uống thất thường, có bữa nhịn, nên sức khỏe Yến giảm sút nhiều, chưa kể còn ho, cảm cúm kéo dài. Tội nghiệp cả con chó Bim trung thành của chúng tôi, gần hai tuần nay cũng ăn uống thất thường như chủ. Chúng tôi đặt chuồng và buộc nó bên cạnh lối đi vào nhà, nó sủa rất dữ khi có ai vào và CA khi vào cũng phải dè chừng.


Thứ hai 25/1996

Mới 6g sáng, Minh vợ Lĩnh đã gọi điện hẹn Yến ra nói chuyện. Có lẽ hôm qua vợ chồng Lĩnh đọc nhật ký của tôi đã có nhiều suy nghĩ và muốn trao đổi. Yến hẹn đến trưa vì phải dạy suốt buổi sáng.

11g30 chúng tôi đến Lĩnh. Hai vợ chồng tiếp chúng tôi và chúng tôi chủ yếu ngồi nghe vì họ có nhiều điều cần nói, còn về phía tôi, tôi đã ghi hết trong nhật ký.

Việc đầu tiên Lĩnh hỏi tôi đã gởi nhật ký đi đâu chưa và đề nghị nên xem kỹ lại trước khi công bố vì sợ sẽ có những chi tiết bất lợi. Qua những điều Lĩnh và Minh nói, kết hợp với những điều Loan và Thục nói hôm qua, chúng tôi hiểu thêm một số tình hình và vấn đề sau đây:

Hôm 12/11 lúc Lĩnh đến nhà tôi và mang đi chiếc cặp, Lĩnh đã có cảnh giác nhưng vẫn bị theo dõi ráo riết nên CA đã phát hiện Lĩnh gởi chiếc cặp ở nhà Tấn. Hôm đó Lĩnh phải làm trưởng ban lễ tang cho đám tang của một người quen nên sau khi gởi cặp, Lĩnh đi lên chỗ đám tang.

Sau khi theo dõi, CA làm giấy mời đến nhà mời Lĩnh lên CA làm việc nhưng Lĩnh đã ra khỏi nhà. Họ hỏi và đi đến tận chỗ đám tang mời Lĩnh lên CA Tỉnh làm việc. Lúc đó là 2g trưa. CA không để Lĩnh đi một mình mà có người ngồi kèm ngay sau Honda của Lĩnh. Từ đó, cũng như tôi, Lĩnh kẹt luôn cho đến sáng hôm sau.

Làm việc với CA, ngoài các cán bộ lãnh đạo CA Tỉnh và Thành phố, Lĩnh nhận xét còn có hai cán bộ của Bộ Nội vụ ở Hà Nội vào và một ở Sài Gòn lên dù họ không giới thiệu.

Trong lúc Lĩnh đang làm việc ở CA Tỉnh thì một bộ phận CA khác truy tìm chiếc cặp ở nhà Hải với một đoàn xe hùng hậu và số lượng CA đông đảo làm náo động cả một khúc phố Phan Ðình Phùng. Ở đây có một tình tiết thú vị: Hải và Tấn là hai anh em ruột, trước đây do làm giấy tờ giả để trốn quân dịch nên cả hai anh em đều cùng có tên trên giấy tờ là Huỳnh Nhật Hải. Người quen biết thường gọi anh là Hải và em là Tấn để phân biệt. Gia đình Hải - Tấn là “cách mạng nòi”, từng nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo ngay trong nhà thời hoạt động bí mật. Hai anh em đều tham gia phong trào học sinh - sinh viên đấu tranh của Ðà Lạt. Sau 75 hai người được tổ chức coi là những cán bộ kế thừa, được đào tạo và chuẩn bị cho lâu dài. Hải đã từng là Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Ðà Lạt. Tấn là Tỉnh ủy viên dự khuyết, Phó Giám đốc trường Ðảng của Tỉnh. Ðùng một cái, khoảng 7 năm trước, hai anh em đều tuyên bố từ chức và xin ra khỏi Đảng vì không chịu nổi sự suy thoái của guồng máy. Việc này làm tổ chức Đảng ở Lâm Ðồng - Ðà Lạt vô cùng bối rối.

Trở lại vụ truy tìm chiếc cặp, một số cán bộ CA, trong đó có cả lãnh đạo CA Tỉnh vào gặp Hải yêu cầu đưa ra chiếc cặp. Hải từ chối nói không biết gì. CA uy hiếp tinh thần, dọa sẽ dùng lệnh xét nhà nhưng Hải vẫn cứng cỏi từ chối. Trong lúc giằng co, một CA vào thì thầm báo có sự nhầm lẫn, Lĩnh gởi cặp ở nhà Hải-em tức Tấn chứ không phải nhà Hải-anh. Thế là CA phải xin lỗi Hải, kéo vào nhà Tấn. Vợ chồng Tấn đều vắng nhà. Tấn đi làm vườn, Loan đi dạy. CA yêu cầu Hải vào mở khóa nhưng Hải cũng từ chối. Hai anh em cùng ở chung một dãy nhà, Hải ở căn mặt tiền còn Tấn ở căn cuối sâu trong hẻm. CA hỏi thăm chỗ Tấn làm vườn và dùng ô tô đưa Tấn về nhà.

Ban đầu Tấn định chối, nhưng vì cặp để trong nhà kho ngay bên cạnh, nếu xét nhà, chắc chắn CA sẽ tìm ra ngay, vì thế Tấn phải nhận. Trong khi đó, ở CA Tỉnh, Lĩnh thấy CA đã biết rõ và vì một số lý do khác, chối sẽ bất lợi nên Lĩnh cũng nhận. Thế là CA đưa Lĩnh xuống nhà Tấn để làm biên bản thu giữ chiếc cặp. Lúc đó là 3g15' theo biên bản. Việc thu giữ chiếc cặp này được quay camera.

Sau đó, Lĩnh được đưa lên CA Thành phố, nơi tôi đang bị CA thẩm vấn. Tiếp theo, CA đến nhà tìm vợ tôi rồi đưa lên CA phường và CA Thành Phố như tôi đã kể trước đây.

(Lĩnh kể chuyện nhanh. Bây giờ tôi ngồi ghi nhật ký mới ngạc nhiên không hiểu người ta đã làm gì mà đến 10g đêm B mới đưa tờ tường trình của Lĩnh nhận vụ chiếc cặp cho tôi. Tôi đã cù cưa với B từ 6g chiều đến 10g đêm mới thừa nhận vụ chiếc cặp khi chính mắt đọc tờ tường trình của Lĩnh.)

Kế tiếp là vụ mở cặp tôi đã ghi trước đây. Ðến 12g đêm, sau khi ký biên bản kết thúc việc mở cặp, Lĩnh lại được đưa qua phòng bên làm việc thêm khoảng 1g nữa và khi Lĩnh trở lại tỏ ra lo lắng như tôi đã viết.

Lĩnh kể: Hai cán bộ nói giọng Hà Nội và một nói giọng Sài Gòn mà Lĩnh nghi là những cán bộ cấp trên trực tiếp chỉ đạo vụ này, dùng nhiều cách đe dọa, thuyết phục Lĩnh: Cỡ như Nguyễn Hộ, Phan Ðình Diệu mà chúng tôi còn trị được, các anh ăn thua gì. Trong vụ này, anh đã là tòng phạm. Chúng tôi sẽ nương nhẹ anh nếu anh cũng biết điều với chúng tôi. Anh là bạn Bảo Cự, nhưng anh đâu biết hết Bảo Cự viết những gì, liên lạc với những ai, tham gia tổ chức nào. Có những người hoạt động phản động vì lý do kinh tế, vì muốn nổi tiếng hay vì nhiều lý do khác mà anh không thể biết được. (Thật là đủ kiểu ly gián!) Chúng tôi đối xử với anh khác, còn Bảo Cự nhất định sẽ bị xử lý.

Các cán bộ CA này yêu cầu Lĩnh phải nộp máy vi tính để kiểm tra, nếu không CA sẽ xét nhà Lĩnh. Tính toán lợi hại, Lĩnh đành để CA kiểm tra máy vi tính. Thế là sau đó, sau khi về nhà tôi làm việc đến 3g sáng, CA lại đưa Lĩnh về nhà Lĩnh làm biên bản thu giữ đầu CPU và các đĩa vi tính đên 5g sáng mới xong.

Ngày 13/11, ở CA TP, buổi sáng, CA kiểm tra máy vi tính của tôi, buổi chiều kiểm tra máy của Lĩnh, phần CPU.

Ngày 14/11, Lĩnh yêu cầu nghỉ vì phải lo đưa đám tang mà Lĩnh làm trưởng ban tang lễ. Ngày đó, CA làm việc với tôi.

Hai ngày tiếp 15 và 16/11, CA kiểm tra các đĩa vi tính của Lĩnh với một chuyên viên dân sự, có lẽ là người đã làm với máy của tôi. Làm với tôi đơn giản vì tôi chỉ có 6 đĩa mềm và 14 đĩa CD ROM. Với Lĩnh vô cùng vất vả vì Lĩnh có đến hơn 300 đĩa mềm phải kiểm tra nội dung, không sao làm kỹ được. Tôi mới có máy vi tính và sử dụng rất lơ mơ, chủ yếu đánh máy, học ngoại ngữ nhưng Lĩnh rất thành thạo dù Lĩnh chỉ tự học. Lĩnh say mê vi tính, lại làm công việc sao chép các loại chương trình cho khách hàng nên có rất nhiều đĩa với nội dung khác nhau. Kiểm tra được một số đĩa, chuyên viên vi tính bắt đầu nản. Lĩnh đề nghị một phương thức là thống kê tất cả danh mục, sau đó kiểm tra xác suất. Người ta đồng ý. Cuối cùng, sau hai ngày làm việc, chuyên viên vi tính xác nhận không có nội dung gì có hại.

Lĩnh được mời vào phòng làm việc của F, Trưởng CA TP ÐL. Ở đó, các cán bộ CA nói chuyện giả lả với Lĩnh rồi quyết định trả lại máy vi tính và các đĩa. Thế là trong tuần đầu, Lĩnh mất 4 ngày làm việc với CA.

Trong tuần thứ nhì, có một hôm Ð và E, hai cán bộ lãnh đạo CA Tỉnh và B đến nhà Lĩnh nói chuyện có vẻ đấu dịu, xác nhận tài liệu trong chiếc cặp của tôi không có gì ghê gớm và hứa sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ giữa các cán bộ lãnh đạo CA với Lĩnh, Hải và Tấn tại nhà Tấn để thông cảm. Các cán bộ lãnh đạo CA Tỉnh và TP không xa lạ gì với 3 người này. Họ đã từng là đồng sự của nhau. Riêng Ð đã từng học tại trường Ðảng Tỉnh khi Tấn là Phó Giám đốc trường này.

Trong vụ lộn xộn vừa qua, Tấn đã nói với Ð: Cán bộ càng ngày càng giàu trong khi dân càng ngày càng nghèo, các anh nên lo chống tham nhũng hơn là lo bắt bớ các vụ như thế này. Ð nói với Tấn: Ðộ này anh thay đổi nhiều quá. Tấn trả lời: Chính các anh thay đổi chứ tôi không thay đổi. Ðối đáp như thế, Tấn tỏ ra rất cứng cỏi mặc dù thường ngày anh có vẻ chậm chạp, hiền lành.

Lĩnh đưa ra nhận định: Vì không có bằng cớ gì, CA thấy nếu để vụ này dính đến Lĩnh, nhất là đến Hải và Tấn, hoàn toàn bất lợi cho họ nên họ đã tìm cách dàn xếp cho êm việc liên quan đến ba người này. Tuy nhiên trong thời gian qua, Lĩnh chủ trương tạm cắt đứt mọi mối quan hệ, nhất là qua điện thoại nên tôi và Quốc đều không tiếp xúc được với Lĩnh.

Về phần Minh vợ Lĩnh, Minh xác nhận từ trước không thích chuyện chính trị nhưng vì tôn trọng Lĩnh nên để Lĩnh muốn làm gì thì làm, không can dự vào. Riêng trong vụ này, Minh thấy khá nguy hiểm nên đã tìm cách tách Lĩnh ra và chứng tỏ Minh hoàn toàn không dính gì đến chính trị. Do đó Minh đã có thái độ trách cứ Yến, vợ tôi và cố tỏ ra cho mọi người thấy điều đó. Nếu Lĩnh có gì phiền phức, Minh sẽ vô can để lo cho hai con và cửa hiệu sách. (Lĩnh-Minh có hai con gái còn nhỏ rất thông minh và dễ thương: Ti-Thủy Tiên học lớp 10 và Un-Hướng Dương học cấp 1. Tôi rất thích hai bé này.)

Lĩnh cho biết đã đưa Tấn xem phần nhật ký của tôi. Lĩnh và Tấn cùng nhận định: Cách làm của tôi và Quốc đi quá nhanh, quần chúng không theo kịp, giống như cầu thủ dẫn bóng chạy trước một mình. Tôi đã làm việc quá công khai, quá thẳng, mọi sự đều đặt lên bàn giống như ở bên Tây trong khi tình hình Việt Nam khác.

Về việc hỗ trợ của bên ngoài, Lĩnh nói: Một ngàn người ở ngoài ủng hộ không bằng mười người trong nước, cho nên cần phải bám sát quần chúng tại chỗ. Lĩnh nói thêm: Trong thời gian này, ai ở tù người đó rán chịu, những người còn lại ở bên ngoài lo việc khác để duy trì phong trào. Vả lại, sắp tới còn phải lo cho Hà Sĩ Phu sắp ra tù trở lại cuộc sống bình thường. Cần có người thường xuyên lui tới để động viên và giúp Hà Sĩ Phu lấy lại đà làm việc như trước.

Nói chuyện với vợ chồng Lĩnh đến 1g trưa, chúng tôi phải cáo từ vì Yến còn phải về dạy thêm và Lĩnh phải đưa con đi học.

Trong câu chuyện với vợ chồng Lĩnh, có một số vấn đề Yến và tôi không đồng tình nhưng chúng tôi không có thời gian và chưa tiện trao đổi, tranh luận. Vấn đề “tiền phong quá sớm”, “bảo vệ phong trào, bảo toàn lực lượng”, Quốc và tôi đã nghe và tranh luận trong chuyến đi xuyên Việt năm 1988 với các bạn văn nghệ miền Trung. Tôi lại liên tưởng đến sự thất vọng của Hà Sĩ Phu đối với trí thức trước tình hình. Dĩ nhiên mỗi người có thể có quan điểm riêng của mình. Tuy nhiên tôi vẫn mong sao số trí thức dám dũng cảm công khai nói quan điểm, tiếng nói lương tri của mình không phải chỉ là số đếm trên đầu ngón tay. Tôi cũng hi vọng, như một số người nói, có nhiều cách làm khác nhau và có nhiều trí thức hiện ở trong guồng máy vẫn âm thầm và khôn khéo làm những việc có ích cho dân chủ và đất nước.

Buổi tối, 9g30, Nguyễn Văn Thành ở báo Thiện Chí từ Ðức gọi về. Thành nói mới biết tin trễ, do Vũ Thư Hiên đang thăm báo Thiện Chí thông tin lại nhưng chưa rõ ràng nên gọi hỏi. Tôi kể sơ qua. Thành hỏi thêm về luật chính phủ Việt Nam mới ban hành có điều kiện khe khắt đối với Việt kiều về nước nhưng tôi chưa biết việc này. Thành còn đề nghị tôi viết tiếp cho báo Thiện Chí về một vấn đề văn hóa văn nghệ nào đó và đặc biệt một bài tham gia cuộc hội thảo bên Ðức sẽ tổ chức vào tháng 1/97 với chủ đề: Hà Sĩ Phu, tấm gương đấu tranh cho dân chủ.

11g30 chúng tôi vừa đi ngủ chừng một tiếng thì Phạm Ngọc Lân gọi. Lân thông báo, năm nay tôi được trao giải thưởng của tổ chức Human Rights Watch Asia mà năm ngoái Hà Sĩ Phu đã được trao. Người ta muốn hỏi tôi có đồng ý công bố không. Tôi đồng ý ngay vì đối với tôi, tôi muốn mọi việc đều công khai và quang minh chính đại. Tôi cũng xác định lại việc đồng ý in tác phẩm của tôi Lân đang giữ và những bài viết đã đăng tải ở hải ngoại thời gian qua theo đề nghị của Anh Thái hôm trước.


Thứ ba 26/11/96

8g lại làm việc ở CA TP. B yêu cầu tôi xác định lại một số vấn đề, có việc đã hỏi rồi nhưng muốn hỏi lại. Tôi xác nhận và C ghi biên bản, B không hỏi đi hỏi lại kỹ như các buổi trước.

 
  • Ngoài những tờ báo nước ngoài và những bài photo lại các bài viết đăng trên báo nước ngoài mà CA đã thu giữ, tôi không còn nhận được báo chí gì khác.

     
  • Những bài phê bình, giới thiệu tác phẩm Nửa đời nhìn lại của tôi trên báo chí nước ngoài do các báo đó hoặc anh Lân sao gởi cho tôi, bao gồm bài trên các báo Thông Luận, Diễn Ðàn ở Pháp, Thế Kỷ 21, Ngày Nay, Người Việt, Văn Học ở Mỹ, Tivi Tuần san ở Úc. Riêng bài Thụy Khuê phỏng vấn Lê Ðình Ðiểu và Ðặng Tiến trên đài RFI về tác phẩm đó, tôi nghe đài, ghi âm và đánh máy lại.

     
  • Ðối với những bài giới thiệu, phê bình trên, tôi có viết một bài trả lời chung nhưng lại đề cập một vấn đề mới với tựa đề “Hòa giải hòa hợp và giao lưu văn học”. Bài này đăng trên Thông Luận và nhiều báo khác ở Mỹ, có báo đổi tựa đề là “Văn học không biên cương”.

     
  • Bài của Nguyễn Thanh Giang góp ý cho đại hội 8 có tựa đề “Phải chăng nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng”, không biết ai gởi cho tôi nhưng gởi trễ, tôi mới nhận, chỉ đọc và không chuyển cho ai khác.

     
  • Tôi biết Nguyễn Ngọc Lan từ khi còn là sinh viên ở Ðại học Huế và ông từ Sài Gòn được mời ra dạy. Sau đó, tôi cùng nhóm Việt (Nhóm văn nghệ xuất phát từ Ðại học Huế mà tôi là thành viên sáng lập) cộng tác với ông trên tờ Ðối Diện, phụ trách phần văn nghệ trên báo này. Sau 75, một thời gian dài tôi không quan hệ với ông, mãi cho đến khi tôi làm ở Hội Văn nghệ có điều kiện đi Sài Gòn nhiều, mới thỉnh thoảng đến thăm ông. Ðặc biệt sau vụ ông cùng Linh mục Chân Tín bị quản thúc, khi có dịp về Sài Gòn tôi đều đến thăm ông. Ông và tôi có trao đổi bài viết cho nhau vì chúng tôi cùng quan tâm đến nhiều vấn đề.

     
  • Tôi biết Hà Sĩ Phu từ năm 1988 lúc làm ở Hội Văn nghệ Lâm Ðồng. Hầu như tất cả các bài viết của tôi và Hà Sĩ Phu đều trao đổi cho nhau đọc.

     
  • Về mục đích của Dự án Chính trị Dân chủ Ða nguyên, theo tôi còn nhớ là đề ra đường lối, giải pháp cho tình hình Việt Nam. Về chính trị, chủ trương dân chủ đa nguyên, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản thông qua bầu cử dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hiện tam quyền phân lập. Một trong những giải pháp để thực hiện mục đích trên là tuyên truyền nâng cao nhận thức về dân chủ cho người dân. Dự án còn có những đóng góp quan trọng về các vấn đề xây dựng xã hội dân sự, kinh tế tư nhân, phân quyền cho các địa phương...

     
  • Trước khi quan hệ với các đài, báo nước ngoài, có tìm hiểu kỹ về mục đích tôn chỉ của họ không? Tôi có tìm hiểu, bắt đầu từ tờ Thông Luận, rồi Thế Kỷ 21, Hợp Lưu, Diễn Ðàn, đài VNCR và vài tờ báo khác. Dĩ nhiên tôi chỉ biết ở mức độ tương đối. Theo tôi, những đài báo này đều có chủ trương đấu tranh cho dân chủ và hòa giải hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên khi tôi quan hệ với họ, không có nghĩa là tôi hoàn toàn đồng quan điểm với họ. Tôi xem họ là những cơ quan thông tin đại chúng và tôi chỉ chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình.

     
  • Câu hỏi cuối: “Ông có hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình trước pháp luật hiện hành của Nhà nước không?” Tôi yêu cầu ghi biên bản: “Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình”, bỏ ý “trước pháp luật hiện hành của Nhà nước”. Tôi giải thích thêm: Có những “pháp luật hiện hành” trái với hiến pháp và ngay cả hiến pháp cũng có điều khoản trái với dân quyền cần phải xóa bỏ, tôi không chịu trách nhiệm trước những pháp luật như thế.

B nói sau khi phát hiện, hỏi rõ quá trình, mối quan hệ và các hiểu biết của tôi, cuộc thẩm vấn ở giai đoạn này tạm ngưng để CA nghiên cứu, sau đó sẽ lại tiếp tục làm, có thể từ đầu tháng tới.

Trước khi kết thúc biên bản, tôi yêu cầu ghi thêm một ý kiến và một đề nghị. Ý kiến: Trong các buổi thẩm vấn, thái độ của các cán bộ CA là tôn trọng, đàng hoàng, lịch sự, không truy bức, tuy nhiên vì thời gian làm việc khá lâu nên đã ảnh hưởng phần nào đến sinh hoạt gia đình, việc làm ăn và mối quan hệ của tôi với bạn bè, người thân. Ðề nghị: Trả lại cho tôi các tài liệu đã thu giữ, ít nhất trước mắt trả những gì không trực tiếp liên quan đến các bài viết được đăng tải trên đài, báo nước ngoài.

Ngoài ra tôi có chuẩn bị sẵn một văn bản chính thức để gởi cho các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và ngành CA nhưng vì tôi viết khá căng, bây giờ đưa chưa thuận lợi, nên tôi nói thêm với B mấy ý để anh ta chuyển lên cho cấp trên:

 
  • Chúng tôi muốn đối lập chứ không đối kháng. Không cần gì phải xung đột, tiêu diệt lẫn nhau mà nên đối thoại để đi đến hòa giải hòa hợp. Nếu có ít nhất một tờ báo đối lập, độc lập thực sự ở trong nước, chúng tôi không nhất thiết phải viết cho đài, báo nước ngoài.

     
  • Ðảng và Nhà nước đã chính thức thừa nhận Việt kiều ở hải ngoại là một bộ phận của cộng đồng dân tộc, chủ trương đại đoàn kết, xóa bỏ hận thù, chấp nhận những ý kiến khác nhau nhưng cùng vì lợi ích của dân tộc. Như thế không thể cứ coi mọi tổ chức, đài, báo nước ngoài là phản động, mà phải lắng nghe, đối thoại với họ thay vì cấm đoán.

     
  • Trong vụ việc của tôi, thực ra đây không phải là vấn đề cá nhân mà là một vấn đề chung. Tôi mong rằng Ðảng và Nhà nước sẽ có cách xử lý đúng đắn, khôn ngoan để không làm hại đến lợi ích của đất nước. Về phần tôi, tôi luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi ý kiến và việc làm của mình.
    Tôi tin rằng B sẽ chuyển những ý kiến đó. Trước khi ra về, B và C đều chào tạm biệt tôi một cách vui vẻ và hẹn ngày gặp lại. Tôi cũng đã sẵn sàng cho hiệp ba của cuộc đấu.

    Trước mắt, đây rõ ràng là một cuộc đấu không cân sức. Tôi chỉ có một mình. Số người tiền phong đấu tranh cho dân chủ trong nước vẫn còn ít ỏi. Nhưng chúng tôi vững tin chúng tôi có sức mạnh của chính nghĩa và sự công khai, cùng với sự ủng hộ thầm lặng của đông đảo nhân dân và những người tâm huyết khác trong nước, sự hỗ trợ rộng rãi của bạn bè và dư luận trên toàn thế giới.
  • Thứ tư 27/11/96

    Từ hôm nay, tôi được tạm nghỉ để CA nghiên cứu lời khai của tôi trong đợt thẩm vấn thứ hai trước khi mời làm việc tiếp. Tôi tận dụng thời gian để hoàn chỉnh phần nhật ký mấy ngày trước và đưa đi photo. Việc photo cũng không dễ dàng vì tôi biết rõ CA kiểm tra nghiêm nhặt các cơ sở này và nhiều nơi có người chỉ điểm của CA. Mỗi lần tôi chỉ photo 2, 3 tờ. Tôi chở Yến ra phố, chạy dọc theo các đường, thấy có tiệm nào vắng, Yến vào thuê làm, mỗi lần một tiệm khác nhau. Yến rất căng thẳng trong chuyện này. Những tờ in mờ bỏ đi phải yêu cầu lấy luôn. Có lúc trục trặc, giấy kẹt trong máy gỡ mãi không ra. Có lúc có khách hàng khác đến thuê làm dòm ngó hay một vài gã đáng ngờ lẩn quẩn quanh chỗ photo. Cuối cùng cũng xong.

    Tôi quên ghi và bây giờ không thể nhớ chính xác, khoảng mấy ngày trước, Lê Hoàng từ Hà Nội gọi điện vào. Hoàng là một nhà báo tôi mới quen do anh ta tự tới tìm gặp tôi khi anh có dịp lên Ðà Lạt. Hoàng có nhiều nhận định khá sắc sảo về tình hình thời cuộc và biết nhiều thông tin. Ðể minh chứng báo chí hiện nay có nhiều khởi sắc, Hoàng đã photo gởi cho tôi một số bài trên các báo Tiền Phong, Thanh Niên, Ðại Ðoàn Kết, Nhà Báo và Công Luận...

    Hoàng cho biết hiện nay ở Hà Nội cũng đã có nhiều người đọc bài của tôi, đặc biệt những bài viết về Hà Sĩ Phu và đánh giá đó là những bài viết xuất sắc. Hoàng đã biết tin về việc tôi bị CA gọi thẩm vấn qua các đài nước ngoài và cho rằng không có gì đáng lo ngại. Hiện nay việc đăng tải bài trên các đài báo nước ngoài là chuyện bình thường. Nhiều cán bộ, Đảng viên và lãnh đạo cũng làm như thế. (Nhưng dĩ nhiên tính chất khác hẳn.)

    Khoảng 3g chiều 27/11 có một người ở Mỹ gọi về, tự xưng là Nguyễn Văn Thắng, phóng viên đài Chân Trời Mới, phụ trách Bắc Mỹ Châu. Thắng hỏi tôi có biết đài Chân Trời Mới không. Tôi nói mấy năm trước tôi có nghe loáng thoáng đài này một đôi lần, gần đây không nghe. Thắng giới thiệu sơ lược về đài này: Do một nhóm người nhiệt tâm tổ chức, văn phòng đài đặt tại Nhật, chuyên về truyền thông, loan tải tin tức khắp thế giới, đặc biệt tin tức trong nước. Ðài không phải là một tổ chức phản động mà có tính cách vô tư, muốn dành cơ hội phát biểu cho mọi người, nhất là những người ít có điều kiện tự do phát biểu như tôi.

    Thắng muốn phỏng vấn tôi một số việc chung quanh vụ CA mời tôi thẩm vấn, về tác phẩm Nửa đời nhìn lại và chuyến đi xuyên Việt năm 1988. Tôi yêu cầu Thắng đọc qua các câu hỏi, nếu được tôi trả lời ngay, nếu không tôi hẹn vào thời gian khác. Thắng đọc và tôi đồng ý trả lời ngay các câu hỏi. Tôi cũng nói thêm tôi chỉ chịu trách nhiệm về nội dung những điều tôi nói, tôi xem đài Chân Trời Mới là một cơ quan truyền thông, còn tổ chức, đường lối của đài như thế nào tôi không biết hay có quan hệ gì. Thắng nhận xét tôi nói như thế là rõ ràng, thẳng thắn và chính xác. Sau đó tôi trả lời phỏng vấn dưới hình thức đối thoại khá thoải mái với Thắng những vấn đề sau đây:

    Chung quanh vụ CA thẩm vấn:

     
    1. Thuật lại tình hình CA mời lên làm việc mấy ngày qua
       
    2. Những người có liên hệ đến vụ này
       
    3. Có tổ chức gì không?
       
    4. Tiên đoán hậu quả sắp tới.
    Về tác phẩm Nửa đời nhìn lại (Ðăng ký ở Mỹ số 93.61877):

     
    1. Nghĩ sao về ý nói phe chống Cộng coi tác giả là người phản bội trong bài tựa của Ðặng Tiến? Hoài trong tác phẩm có phải là chính tác giả không?
       
    2. Tác giả tự nhận có món nợ phải trả, vậy đã trả được chưa?
       
    3. Nói thêm về các ý: Những người trí thức chân chính không có tiền, không có quyền và thường là những kẻ thua cuộc. Có tác phẩm là những trái mìn đặt trong lòng chế độ vô đạo.
       
    4. Cuối tác phẩm có nói về khát vọng tìm kiếm một con đường. Ðến nay tác giả đã tìm được chưa?
    Ngoài những vấn đề trên, tôi và Thắng còn nói chuyện linh tinh đến gần một tiếng đồng hồ. Thắng nói mong có CA nghe cuộc điện thoại này để khỏi đoán mò. Thắng cũng đã dự liệu, nếu cuộc phỏng vấn bị cắt giữa chừng, Thắng sẽ phản đối và yêu cầu Công ty Ðiện thoại đền bù. Khi nói về chuyện thông tin trên internet, Thắng bảo mình cũng là một chuyên viên điện toán và biết rõ ở Việt Nam hiện có 32 máy vi tính nối trực tiếp vào mạng internet mà chính phủ không kiểm soát được.

    Xong buổi phỏng vấn với Thắng, tôi và Yến đến nhà Quốc để gặp Thục, vợ Quốc, vì ngày mai Thục đi Sài Gòn dự đám cưới Hương Ly. Qua buổi nói chuyện với Lĩnh - Minh hôm trước, tôi và Yến cũng đồng ý xem lại nhật ký, bỏ bớt vài chỗ vì công bố ra không có lợi. Tôi nhờ Thục nói lại với Quốc các ý này và đề nghị Quốc tạm thời thu hồi phần nhật ký Quốc đã mang đi, sau này xem xét kỹ, hoàn chỉnh và khi cần sẽ tính chuyện công bố sau.


    Thứ sáu 29/11/96

    21g20, một cô tự giới thiệu là Thanh Vân ở Pháp gọi điện về. Yến nghe điện thoại và nói chuyện luôn. Thanh Vân ở trong “Ủy ban nước Pháp vì dân chủ ở Việt Nam”. Tổ chức này do dân biểu Christian Vanneste làm chủ tịch. Vân cho biết Ủy ban này trước đây đã can thiệp vụ Hà Sĩ Phu và có gởi thư cho bà Hà Sĩ Phu. Hiện nay Ủy ban đã biết tin về việc của tôi qua hãng thông tấn VNN và Liên minh Việt Nam Tự do, cũng đã đọc mấy bài của tôi viết về Hà Sĩ Phu được dịch ra tiếng Pháp. Vân hỏi Yến có muốn Ủy ban can thiệp không và cho biết Ủy ban có thể gởi công hàm cho Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc này. Ðược hỏi bất ngờ, Yến có hơi bối rối, ra hiệu hỏi tôi bằng mắt. Tôi viết mấy chữ lên giấy. Yến thống nhất và trả lời: Ðề nghị liên lạc theo dõi thường xuyên để biết tin tức và đợi thêm thời gian, lúc chính quyền có biện pháp xử lý cụ thể sẽ có phản ứng thích đáng.


    Thứ bảy, chủ nhật 30/11, 1/12/96

    Tiếp tục ghi, photo nhật ký. Làm cỏ café trong vườn.


    Thứ hai 2/12/96

    Sáng gọi điện cho Hoàng Tiến. Tiến mới đi dự trại sáng tác ở Ðại Lãi về. Ðài VNCR đã gọi điện và Hoàng Tiến đồng ý cho thu bài “Về việc ông Hà Sĩ Phu bị bắt”. Vậy là thêm một người nữa vào cuộc. Ước gì có thêm vài Hoàng Tiến nữa để “chia lửa”. Tiến nói có một người bạn là nhà văn Hoàng Quốc Hải rất thích các bài viết của tôi. Tiến cũng nói sẽ tổ chức đi đón Hà Sĩ Phu ra tù vào ngày 4/12, nhưng sẽ không cùng vào Ðà Lạt như dự định vì CA tra hỏi rất phiền phức.

    Chiều tôi và Yến đến nhà Quốc để gặp Thục mới ở Sài Gòn lên sau đám cưới Hương Ly. Quốc sẽ ở Sài Gòn thêm vài ngày nữa để đợi tin Hà Sĩ Phu vì Biên đã nhắn có thể về Sài Gòn trước.

    Thục kể chuyện đám cưới, khách đến rất đông dù trời mưa tầm tã. Có một việc quan trọng liên quan đến tôi: G, nguyên lãnh đạo CA Lâm Ðồng, hiện là lãnh đạo Tổng cục An ninh thuộc Bộ Nội vụ, phụ trách phía Nam, cho người theo dõi Quốc ở Sài Gòn và mời Quốc lên cơ quan CA làm việc. G nói chuyện với Quốc, cho rằng tôi đã đi quá đà, bị kẻ xấu lợi dụng, nếu không dừng lại, Nhà nước sẽ xử lý vì không lẽ Nhà nước bất lực. G có ý nhờ Quốc nhắn lại tôi việc này. Thục kể sơ và bảo Quốc về sẽ nói chuyện với tôi nhiều vì Thục cũng không biết hết nội dung buổi gặp. Quốc chỉ kể sơ qua vì mấy ngày rồi bận lo đám cưới nên hai người cũng không nói chuyện nhiều.

    Gặp Thục xong, chúng tôi đến Tấn. Tấn đi vắng, chỉ gặp Loan. Tôi đưa cho Loan phần tiếp nhật ký đợt hai của tôi để chuyển cho Tấn, Hải và Lĩnh đọc.


    Thứ ba 3/12/96

    Ban ngày tôi làm vườn được đôi chút. Tối Nguyễn Gia Kiểng gọi điện. Tôi kể chuyện G gặp Quốc, Kiểng bình luận: Ðó là một tín hiệu, người ta muốn anh xuống thang. Người ta muốn chờ anh nói “Tôi nhận vừa qua có sai lầm”. Tôi cười trả lời tôi sẽ không bao giờ nói câu đó. Kiểng góp ý, nếu cần anh cũng có thể nói sẵn sàng xem xét lại việc làm và phương pháp của mình để tỏ thiện chí, đồng thời cũng yêu cầu Nhà nước xem xét lại cách nhìn nhận và đối xử của Nhà nước đối với trí thức bất đồng chính kiến. Như thế mới là hòa giải hòa hợp. Tôi cho rằng ý kiến này có lý.


    Thứ tư 4/12/96

    Hôm nay Hà Sĩ Phu ra tù. Chưa biết tình hình đón Hà Sĩ Phu ở Hà Nội ra sao. Chiều Thục gọi điện báo Quốc ở Sài Gòn đã liên lạc được với Hà Sĩ Phu. Gia đình và một số bạn văn đi đón HSP ở trại giam Thanh Xuân, có tặng hoa. Sau đó, Biên đưa HSP về quê ở Hà Bắc luôn chứ không ra Hà Nội vì không thuận tiện. Ðến 6/12, vợ chồng HSP sẽ vào Sài Gòn bằng chuyến bay khởi hành lúc 10g30. Ở Sài gòn, Quốc thuê sẵn khách sạn để vợ chồng Hà Sĩ Phu ở lại một ngày. Hôm sau 7/12 vợ chồng HSP và Quốc sẽ bay về Ðà Lạt bằng chuyến bay 10g30. Việc đón tiếp ở Ðà Lạt, Thục và chúng tôi sẽ lo. Thục cũng đã gọi điện báo tin cho một số bạn bè khác của HSP biết.

    7g tối Yên Phong ở Ðức gọi điện hỏi thăm tình hình. Tôi kể chuyện CA hỏi thăm kỹ về tờ Thiện Chí. Yên Phong nói rõ thêm Thiện Chí do một nhóm nghiên cứu sinh và lao động hợp tác ở Ðông Âu tổ chức, mục đích là góp phần đẩy mạnh dân chủ hóa ở Việt Nam. Thiện Chí đã gởi báo của mình cho các cơ quan báo chí ở trong nước để yêu cầu trao đổi và thảo luận dù chẳng có cơ quan nào chịu lên tiếng. Yên Phong hỏi thêm về sự việc và những ấn tượng mạnh nhất của tôi trong thời gian CA thẩm vấn và hẹn 24/12 sẽ gọi lại để chúc mừng Noel, năm mới và hỏi thêm tình hình.

    Khoảng 9g30 bất ngờ Lĩnh gọi điện. Lĩnh hẹn tôi 8g30 ngày mai đến nhà Tấn để nói chuyện. Chắc có gì mới vì sau vụ rắc rối Lĩnh không hề gọi.


    Thứ năm 5/12/96

    Y hẹn, 8g30 tôi đến Tấn. Lĩnh đã ở đó với Tấn. Thái độ Lĩnh có vẻ nghiêm trọng. Tôi hỏi Tấn chuyện làm vườn. Lĩnh hỏi Hải đâu, Tấn trả lời Hải bận sẽ đến sau. Lĩnh đề nghị bắt đầu cuộc mói chuyện. Lĩnh nói hai vấn đề khoảng nửa tiếng:

    1. Việc lãnh đạo CA đến gặp Lĩnh

    Hôm qua, Ð và E, hai cán bộ lãnh đạo CA Tỉnh đến nhà gặp Lĩnh. (Lĩnh đính chính luôn là lần trước hai người này không đến gặp Lĩnh tại nhà như tôi đã nghe và ghi nhầm trong nhật ký mà chỉ gặp ở cơ quan CA TP). Ðại khái hai người này cho rằng tôi đã đi quá đà, phạm sai lầm và bị kẻ xấu lợi dụng, tốt hơn nên dừng lại, nếu không Nhà nước sẽ có biện pháp. Hai người hỏi Lĩnh có phải là bạn thân nhất và là chỗ dựa tinh thần của tôi không, có ý nhờ Lĩnh tác động đến tôi. Lĩnh trả lời tuy là bạn thân của tôi nhưng cũng mới thực sự quen biết tôi từ 8 năm nay, lúc tôi lên Ðà Lạt làm ở Hội Văn nghệ. Trước đó tôi và Lĩnh chỉ biết tiếng nhau. Lĩnh nói tôi hơn Lĩnh một tuổi, ra đời và thành danh trước Lĩnh nên dễ gì Lĩnh tác động được tôi. Vả lại chúng tôi là trí thức nên mỗi người có quan điểm của mình và tôn trọng sự tự do của nhau, có thể bàn bạc, trao đổi nhưng quyết định ra sao là việc của mỗi người. Lĩnh nói thêm trước tôi là Sinh viên Quyết tử, có máu “quyết tử” trong người nên rất cứng cỏi, không chịu khuất phục ai. Tuy nhiên Lĩnh hứa là sẽ nói chuyện với tôi.

    2. Chung quanh nhật ký của tôi

    Lần trước Lĩnh đọc nhật ký phần 1 của tôi, sau đó suốt đêm mất ngủ, tâm trạng rất nặng nề. Lần này đọc nhật ký phần 2, Lĩnh lại mất ngủ một đêm nữa, tâm trạng nặng nề hơn, thậm chí đau khổ.Trong nhật ký của tôi có hai vấn đề làm Lĩnh băn khoăn:

    - Thái độ và tình cảm của Lĩnh-Minh đối với vợ chồng tôi có thể đã bị chúng tôi hiểu lầm. Lĩnh chủ trương tạm thời cắt đứt mọi liên lạc, quan hệ với chúng tôi và việc Minh trách móc vợ tôi là những biện pháp để giữ an toàn chứ không có ý gì không tốt. Những điều tôi ghi trong nhật ký có thể làm người ta hiểu sai về vợ chồng Lĩnh mà Lĩnh không muốn và không thể đính chính. Lĩnh rất sợ mất bạn bè và không bao giờ viết gì về bạn những việc có tính cách riêng tư. Lĩnh khuyên tôi nên thận trọng khi viết về bạn bè vì nếu những điều tôi viết ra về bạn bè hiện nay, nếu được công bố, mọi người sẽ hoàn toàn tin tưởng và như thế không có lợi cho bạn bè, qua đó, nhiều người khác cũng sẽ nghĩ không tốt về Lĩnh. Thí dụ câu Lĩnh nói “Một ngàn người ở ngoài ủng hộ không bằng mười người trong nước” phải hiểu trong một văn cảnh cụ thể, còn không bạn bè ở nước ngoài sẽ hiểu lầm Lĩnh. Lĩnh nói thêm Lĩnh chưa bao giờ là người dũng cảm nhưng khi đã lựa chọn cái gì sẽ theo đuổi đến cùng và không bao giờ phản bội bạn bè.

    - Một số vấn đề Lĩnh và một số bạn khác trao đổi với tôi có tính cách nội bộ, tôi đều ghi lại trong nhật ký (dĩ nhiên có một số việc do tính chất đặc biệt của nó tôi đã không ghi) nhưng nếu được công bố hay CA nắm được, họ sẽ hiểu về chúng tôi nhiều hơn những gì đáng lý không nên cho họ biết.

    Lĩnh đề nghị nếu muốn công bố, cần xem xét biên tập kỹ lại nhật ký của tôi.

    Tôi đề nghị nghe luôn ý kiến của Tấn rồi sẽ trả lời sau. Tấn phân tích một số ý tương tự của Lĩnh về vấn đề lợi hại khi công bố nhật ký, đặc biệt những điều bàn về phương pháp hoạt động và mối quan hệ nội bộ anh em.

    Tôi nói sau khi nghe ý kiến của Lĩnh và Tấn: Tôi viết nhật ký trước hết là để cho mình, đúng tính chất của nhật ký, nghĩa là ghi lại tất cả mọi sự việc, tâm trạng, cảm xúc của mình một cách trung thực nhất. Thời gian này là một biến cố, rất quý giá đối với tôi và tôi có thể bị bắt bất cứ lúc nào nên tôi muốn ghi lại đầy đủ mọi chuyện để sử dụng sau này.

    Ðối với bạn bè, tốt nhất là thẳng thắn với nhau, tuy có thể suy nghĩ khác nhau nhưng không nên vì thế mà để tình bạn sứt mẻ. Những điều Lĩnh và Tấn nói, tôi có thể chia sẻ nhiều điều, nhưng tôi không đồng ý một việc quan trọng là chủ trương cắt đứt mọi liên lạc với tôi trong thời gian qua về cả hai khía cạnh phương pháp và tình cảm. Về phương pháp, đó không phải là cách tốt vì làm cho tôi và Lĩnh không biết gì về tình hình của nhau, không bàn bạc được những điều cần thiết, trong khi tôi và Lĩnh liên lạc với nhau là điều bình thường như từ trước vẫn thường xuyên liên lạc. CA không có quyền ngăn cản chúng tôi gặp nhau và chúng tôi cũng chẳng sợ gì CA. Về tình cảm, trong khi tôi đang gặp rắc rối mà hơn 10 ngày Lĩnh không hề gọi điện thoại thăm hỏi, thành thực mà nói, điều đó làm tôi buồn, cũng như Quốc đã rất buồn khi có lần gặp Lĩnh mà Lĩnh né tránh không nói chuyện.

    Ba chúng tôi trao đổi thêm một lúc về những vấn đề trên. Có lúc Lĩnh thừa nhận có thể Lĩnh đã quá bối rối nên đã có cách ứng xử không phù hợp làm tôi và Quốc hiểu lầm. Tôi nói tôi rất thông cảm với Lĩnh vì Lĩnh chịu một lúc ba sức ép, về phía CA, gia đình và bạn bè. Tôi mong sau cuộc nói chuyện này, tâm trạng Lĩnh sẽ thoải mái hơn và tình bạn giữa chúng tôi không có gì sứt mẻ.

    Gần cuối buổi nói chuyện Hải mới về. Hải nói tối hôm trước có nghe đài Chân Trời Mới phát bài phỏng vấn tôi. Hải khuyên tôi nên thận trọng khi trả lời phỏng vấn các đài chống Cộng cực đoan và góp ý với tôi về phương pháp, làm sao để có được nhiều quần chúng ủng hộ, không bị cô lập. Tôi báo việc Hà Sĩ Phu sắp về Ðà Lạt. Lĩnh, Tấn, Hải đều đồng ý sẽ tham gia đi đón.

    10g30 tôi về để đi đón Yến. Trước khi ra về tôi đưa cho Lĩnh bài viết mới của Quốc “Lương tri - một sức mạnh vô địch”. Bài này Quốc đã phác thảo và đọc cho tôi nghe hôm gặp tôi lần cuối trước khi đi Sài Gòn. Xuống đó, Quốc đã hoàn chỉnh, photo và gởi Thục cầm lên cho tôi một bản.

    Khoảng 3g15, A, CA khu vực, cùng đi với một CA TP đến đưa cho tôi giấy mời tiếp tục làm việc đợt ba vào chiều mai.

    4g, Trần Minh Thảo từ Bảo Lộc gọi điện lên. Thảo báo buổi sáng có mấy cán bộ lãnh đạo CA đến thăm. Đ và E, lãnh đạo CA Tỉnh, H, Trưởng phòng Xuất nhập cảnh Sở CA và I, Trưởng CA thị xã Bảo Lộc. Những người này cũng nói với Thảo về tôi như đã nói với Lĩnh. Ngoài ra họ còn nói nhiều chuyện khác về tình hình. Thảo có nói với họ: Trước sau gì rồi cũng tới dân chủ đa nguyên, vấn đề là thời gian thôi. Họ không nói gì. Tôi báo cho Thảo việc Hà Sĩ Phu sắp về. Thảo nói rất tiếc không lên ngay được vì đang phải dạy vi tính mỗi ngày. (Thảo mới nghiên cứu vi tính khoảng hơn một năm nay nhưng rất say mê và nay đã có thể dạy ở trường phổ thông trung học và một trung tâm ngoài phố). Thảo hứa sẽ thu xếp để lên Ðà Lạt gặp tôi và thăm Hà Sĩ Phu.

    Vậy là vụ của tôi, bên cạnh việc trực tiếp chính thức thẩm vấn ở cơ quan CA, các cán bộ lãnh đạo CA còn gián tiếp gây sức ép với tôi qua bạn bè. Dù sao việc này cũng chứng tỏ họ chưa thể bắt tôi ngay và họ muốn tôi tự xuống thang trước. Tôi sẽ suy nghĩ về việc này để có thái độ thích đáng.


    Thứ sáu 6/12/96

    7g sáng, Hùng ở báo Tự Do từ Ðức gọi điện hỏi thăm tôi và nói mấy việc: Ðã phát bản kêu gọi cho các cơ quan nhân quyền quốc tế về việc của tôi. Các tổ chức Việt kiều ở Ðức dự định tổ chức một cuộc biểu tình trước sứ quán Việt Nam ở Bonn vào ngày mai 7/12 nhân ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12. (Tổ chức trước vì phải làm vào ngày nghỉ để có đông người đến dự). Trong cuộc biểu tình này, ngoài những vấn đề khác đã chuẩn bị từ trước, sẽ nêu thêm trường hợp của tôi. Hùng đề nghị tôi gởi ảnh và tiểu sử để làm hồ sơ cung cấp cho các tổ chức nhân quyền và hẹn thứ hai tới gọi điện lại.

    Buổi chiều, 2g tôi lên CA TP làm việc tiếp theo giấy mời. Vẫn với B và C. B bắt tay tôi cười nói chà lâu quá mới gặp lại. Tôi cũng cười đâu có lâu lắm. (Hai cán bộ CA này luôn luôn bắt tay chào hỏi tôi vui vẻ trước và sau mỗi buổi làm việc.)

    Trước hết B hỏi thêm tôi về mấy văn bản lần trước chưa hỏi, nằm trong số tài liệu tịch thu tại nhà tôi đêm 12/11/96.

    - Các đơn của bà Ðặng Thị Thanh Biên viết ngày 30/9, 18/10 gởi cho Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng tại sao tôi lại có, do ai gởi, nhằm mục đích gì, tôi có sử dụng cho việc viết bài không? Những đơn này do chị Biên viết nói về sức khỏe của Hà Sĩ Phu trong tù, chị Biên gởi cho tôi để biết, tôi không sử dụng vào việc viết bài.

    - Các thư của Hoàng Minh Chính viết ngày 9/8, 18/8, 19/8 sau khi ra tù do ai gởi cho tôi? Tôi nhận được qua đường bưu điện, không rõ ai gởi. Tôi đã đọc và không chuyển cho ai khác. Tôi cũng không có quan hệ gì với Hoàng Minh chính. (Các thư trên ông Hoàng Minh chính viết để cám ơn những cá nhân, cơ quan đã hỗ trợ ông trong lúc ông bị tù, yêu cầu tranh luận công khai với các chánh án đã xét xử ông. Có một thư gởi Tổng bí thư Ðỗ Mười nói về việc Ðỗ Mười muốn gặp ông.)

    - Bài tóm tắt ý kiến của Nguyễn Kiến Giang trả lời phỏng vấn đài RFI ngày 17/7/96 (?). Tôi nhận cùng lúc với các thư của Hoàng Minh Chính.

    - Về hai bài đánh máy không có tựa đề và không có tên tác giả đã hỏi nhiều lần? Tôi vẫn không thể nhớ.

    Sau phần xác minh trên, B chuyển sang các câu hỏi mang tính chất khác, có ý xác định những cơ sở để quy kết sau này.

    1. Các bài viết của tôi được đăng tải ở đài, báo nước ngoài có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước nào không? Không. Tôi cho rằng đây là quyền tự do của người công dân và không biết có quy định nào về chuyện này. Nếu có quy định nào như thế là bất hợp lý. Theo tôi biết, Luật Xuất bản và Luật Báo chí không quy định điều này. Tôi nói thêm, vấn đề tư tưởng là không biên giới. Bản tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền có điều khoản về việc này mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

    B phản ứng, nói tôi là người Việt Nam hay người quốc tế và mỗi nước phải có chủ quyền quốc gia của mình, có luật lệ riêng của mình, đâu phải ai muốn làm gì thì làm. Tôi trả đũa ngay: Việt Nam đang hội nhập vào thế giới văn minh, ký vào các tuyên ngôn hay công ước quốc tế đâu phải để chơi hay lừa bịp người khác mà phải thực sự tôn trọng. Tôi và B tranh luận một lúc khá gay gắt về chuyện này rồi B chuyển sang câu hỏi khác.

    2. Bộ Văn hóa Thông tin có Quyết định số 893 ngày 20/7/92 quy định về việc xuất nhập văn hóa phẩm không thuộc loại kinh doanh bao gồm sách báo, tranh ảnh... và cả bài viết, phải có sự xét duyệt của ngành chủ quản. Việc tôi làm có trái với quy định này không?

    Tôi không biết quy định này và bây giờ khi biết tôi cho rằng đem việc của tôi áp dụng vào điều khoản này là không phù hợp với một quốc gia văn minh.

    B hỏi gặng thêm để ghi vào biên bản là việc tôi làm có sai với quy định này không. Tôi yêu cầu ghi là tôi không thể trả lời đúng hay sai với quy định đó.

    3. Các bài viết của tôi có nội dung đòi hỏi thay đổi thể chế chính trị theo dân chủ đa nguyên hay không?

    Không phải tất cả nhưng một số bài có đòi hỏi như thế.

    4. Nội dung đòi hỏi chế độ dân chủ đa nguyên có trái với chế độ chính trị hiện thời của Nhà nước không?

    Chế độ chính trị hiện thời cần thay đổi và tiến đến dân chủ đa nguyên trong một tương lai gần, càng sớm càng tốt.

    B hỏi gặng thêm: anh hãy cho biết có trái không và biết là trái tại sao vẫn đòi hỏi? Tôi biết là trái nhưng vẫn đòi hỏi vì theo tôi thể chế dân chủ đa nguyên bảo đảm quyền lợi của người dân, giúp phát triển đất nước tốt hơn.

    Tất cả các ý của tôi trên đây, như mọi lần , đều được ghi biên bản cẩn thận.

    Chấm dứt buổi làm việc, B hẹn ngày mai làm việc tiếp. Tôi nói ngày mai tôi có việc bận đề nghị nghỉ. B hỏi việc gì. Tôi nói luôn ngày mai tôi bận đi đón Hà Sĩ Phu mới ở tù ra. Ðiều ngạc nhiên bất ngờ là B đồng ý ngay. B nói: “Tôi biết anh là người trọng tình nghĩa. Nếu chúng tôi không đồng ý, anh lại cho chúng tôi can thiệp vào cả chuyện tình cảm riêng tư của anh. Vậy mai ta nghỉ và chiều thứ hai làm việc tiếp.”

    Không biết B đã có chỉ thị trên về vấn đề này chưa vì chúng tôi định đi đón HSP, chúng tôi gọi điện thoại thông báo cho nhau, chắc CA đã biết rõ. Dù thế nào việc này cũng tốt.


    Thứ bảy 7/12/96

    Hôm nay chuẩn bị đi đón Hà Sĩ Phu.

    7g, Yến gọi điện đến trường cho Bảo Châu, họa sĩ, giáo viên dạy vẽ cùng trường với Yến, trước đây có quen và lui tới với Hà Sĩ Phu. Bảo Châu có nói với Yến là nếu đi thì đến rủ anh ta đi. Yến gọi, ban đầu Châu ngần ngại nhưng sau hứa chắc sẽ đi, hẹn gặp lúc 10g tại nhà HSP để xe đến đưa đi.

    Yến hái hoa Arum trong vườn, định một nửa mang lên nhà thờ, một nửa mang tới cắm nhà HSP. 8g30, chúng tôi ra đường, lập tức có hai gã chở nhau bằng Honda từ ngôi nhà kính đối diện với hẻm nhà tôi bám theo. Gần đây tưởng họ đã rút nhưng hôm nay có lẽ là ngày đặc biệt phải theo dõi. Tôi và Yến tìm cách cho hai gã này leo cây. Từ nhà ra phố, chạy dọc theo hồ Xuân Hương, đường trống trải nên như những lần trước, họ theo dõi từ xa. Qua một khúc quẹo, tầm nhìn bị che khuất, tôi tấp xe vào lề đứng lại. Hai gã trờ tới, vội quay mặt ra hồ rồi chạy thẳng. Tôi nổ máy chạy theo. Ðến bùng binh gần Thanh Thủy, tôi thấy gã lái xe quẹo lên phía đồi Cù nhìn xuống, gã ngồi sau biến mất, có lẽ xuống xe đứng núp đâu đó. Tôi phóng xe thật nhanh, vòng bùng binh có “con chim Lâm Cẩu” rồi lên dốc quẹo vào nhà thờ Con Gà. Ðứng trong nhìn ra, thấy hai gã lại chở nhau đi thẳng lên phía Thư viện. Yến vào tượng Ðức Mẹ đặt hoa xong, chúng tôi tạt qua Bưu điện để gởi thư rồi đi ra chợ, không thấy ai theo nữa. Có lẽ hai gã đã bị đánh lạc hướng rồi.

    Yến mua thêm hai bó hoa hồng và một đĩa, mấy cái chông cắm hoa vì sợ nhà Hà Sĩ Phu không có. Chúng tôi đến nhà Hà Sĩ Phu, tìm cháu Khởi là cháu của chị Biên lâu nay ở đây giữ nhà nhưng cháu lại đi vắng, có viết lại tờ giấy dán ở cửa nói đi làm đến tối mới về. Chúng tôi hơi chủ quan, cứ nghĩ cháu ở nhà nên không báo trước. Không vào nhà được để cắm hoa, chúng tôi đành lên quán ở trên đường gởi tạm mấy bó hoa và chai rượu tôi mang theo để uống mừng Hà Sĩ Phu trở về.

    Chúng tôi ngồi ở quán đợi 10g Thục đưa xe đến đón như đã hẹn trước. Có một bà hàng xóm đến nói chuyện bảo mấy hôm nay ngày nào công an khu vực cũng đến hỏi thăm Hà Sĩ Phu về chưa. 10g, Thục đến với một chiếc taxi thuê. Thục bảo chúng tôi đợi đây để đi đón thêm Trương Thành Tích và Nguyễn Mạnh Hùng. Tích là Đảng viên, thương binh mù cả hai mắt, hội viên Hội Văn nghệ Lâm Ðồng, trước vẫn có cảm tình với chúng tôi và hay lui tới với Hà Sĩ Phu. Hùng là giáo viên khoa Văn trường Ðại học Ðà Lạt, hội viên Hội Văn nghệ Lâm đồng, trước khi Hà Sĩ Phu ra Hà Nội và bị bắt, Hùng đã photo cho Hà Sĩ Phu mấy chục bản “Chia tay ý thức hệ”.( Nhà Hùng có máy photo phục vụ cho sinh viên trong trường Ðại học.) Sau khi Hà Sĩ Phu bị bắt, Hùng cũng đã bị CA Lâm Đồng gọi lên thẩm vấn mấy ngày.

    10g15', khi xe trở lại, Bảo Châu vẫn chưa đến, chúng tôi phải đi vì sợ trễ giờ. Chúng tôi có năm người, tôi hỏi lái xe chở được không, lái xe bảo được, không sao. Chúng tôi đã dự tính nếu có Bảo Châu sẽ thuê thêm một xe nữa. Ngoài ra Lĩnh, Tấn, Hải sẽ tổ chức đi xe khác cùng với vài người nữa như đã thống nhất, khi tôi gặp họ ở nhà Tấn.

    Xe đến đầu đèo Prenn, một toán cảnh sát giao thông chặn xe của chúng tôi lại. Toán này khá đông, có đến 6, 7 người, đóng chốt ngay đầu đèo với xe hơi cảnh sát và xe môtô rất khí thế. Hai người tiến lại kiểm soát. Một người to lớn dềnh dàng, mặt sắt đen sì, đội mũ bảo hiểm trông rất oai phong, dòm vào xe và nói “Xe chở dư một người” rồi yêu cầu lái xe xuống xuất trình giấy tờ. Một lúc sau, viên cảnh sát và lái xe trở lại. Viên cảnh sát yêu cầu lái xe thử đèn, còi, thắng rồi cho đi. Tôi hỏi lái xe có bị phạt hay thu giấy tờ gì không. Lái xe nói không nhưng chiều phải đến gặp họ. Ðể làm gì? Dẫn đi nhậu thôi. Lái xe nói thêm: Mấy cảnh sát này quen nhưng họ cũng không tha. Tôi nói chở mấy thầy cô giáo đi đón bạn ở Sài Gòn về. Họ bảo thầy cô giáo cũng là người. Mấy người trong xe đều hỏi tại sao anh bảo xe chở thầy cô giáo. Lái xe nói vì thấy đón người ở trường đại học, vả lại anh ta vốn trọng thầy cô giáo và nghĩ ai cũng vậy, nào ngờ cảnh sát lại nói thế. Hùng chua chát: Thầy cô giáo không là người thì là gì, là vật à. Tôi nghĩ cảnh sát nói “thầy cô giáo cũng là người” chỉ có ý nói cũng là dư khách thôi, nhưng một câu nói vô tình và kém tế nhị đã làm cho người ta nghĩ khác.

    Sân bay Liên Khương cách thành phố Ðà Lạt khoảng hơn 20 cây số, nằm trên địa bàn huyện Ðức Trọng, trên đường từ Ðà Lạt về Sài Gòn. Xe xuống khỏi đèo Prenn, lái xe ra hiệu cho các xe chạy ngược chiều biết có trạm cảnh sát trên đầu đèo và cũng được báo lại cho biết phía dưới đèo khoảng 5 cây số cũng có trạm cảnh sát khác. Lái xe ngạc nhiên và cũng hơi lo vì xe đang chở dư khách nên ngừng lại, chặn một taxi khác đang chở khách chỉ có 2 người chạy cùng chiều để gởi một khách. Nguyễn Mạnh Hùng nhanh nhảu tình nguyện sang xe mới.

    Quả nhiên chạy thêm vài cây số, ngang xã K' Long, xe chúng tôi lại bị một toán cảnh sát khác chặn lại. Lần này không dư khách nhưng cảnh sát lại hỏi giấy tờ rất kỹ. Lái xe quên mang giấy bảo hiểm. Vậy là cảnh sát làm biên bản và thu giấy tờ của lái xe. Việc làm biên bản kéo dài rất lâu. Trong khi đó, một xe hơi đời mới từ Ðà Lạt xuống đậu lại phía trước, cách khoảng 50m và mấy cảnh sát chạy lại, đứng nghiêm giơ tay chào. Tôi đoán là xe của các xếp lớn CA và chắc chắn chiếc xe chở chúng tôi đã bị chiếu tướng rồi chứ không phải bị kiểm tra một cách tình cờ. Dù sao họ cũng chỉ tìm cách làm chậm chúng tôi lại và hù dọa những ai yếu bóng vía thôi.

    Cuối cùng, hơn 11g chúng tôi mới đến sân bay Liên Khương. Từ xa đã thấy máy bay đậu trên sân và một số người lố nhố trước phòng đợi. Chúng tôi ào xuống xe. Hà Sĩ Phu đang đứng giữa đám bạn đi đón tới trước, tay cầm bó hoa, tay xách chiếc vali mới toanh, mặc quần sẫm, sơ mi trắng, thắt cà vạt nghiêm chỉnh, đầu đội mũ phớt nhạt đang tươi cười trò chuyện. Thấy tôi, Hà Sĩ Phu chạy lại, chúng tôi ôm choàng lấy nhau. Thục tặng thêm cho Hà Sĩ Phu một bó hoa nữa. Ba bốn chiếc máy ảnh bấm lách tách. Có cả một máy camera nữa. (Sau này chúng tôi biết người quay camera không phải trong số những bạn bè đi đón. Chắc chắn là người của CA rồi. Thế lại càng thêm long trọng!)

    Một số người trong chúng tôi chụp ảnh riêng với Hà Sĩ Phu rồi tất cả đứng chụp chung. Lĩnh, Tấn, Hùng thay nhau bấm máy. Nhiều người nói: Y như đón Việt kiều về nước. Người khác nói: Ðón cán bộ cấp cao chứ.

    Có người bàn nên để Hà Sĩ Phu đi xe của hãng hàng không về cho an toàn, nhưng Lĩnh nói cứ để Hà Sĩ Phu đi cùng xe với nhóm Lĩnh, Tấn, Hải. Chúng tôi có tất cả 12 người, ngoài những người đã kể và Hà Sĩ Phu, Biên, Quốc từ Sài Gòn lên, còn có chị Ðức, vợ của Võ Quang Nghĩa, một bạn thân chung của chúng tôi đã mất. Chúng tôi thuê thêm một taxi nữa đang đậu chờ khách trước phòng đợi. Chúng tôi hội ý chớp nhoáng: Sẽ ghé quán Ðồng Quê giữa đường về gần chân đèo Prenn để ăn trưa và nói chuyện trước khi về Ðà Lạt vì đây là một việc bất ngờ, tránh bị theo dõi. Chúng tôi không sợ gì nhưng chúng tôi không muốn CA bám quanh mất thoải mái. Lúc ở sân bay, chúng tôi đã nhận ra rất nhiều CA mặc thường phục trà trộn trong đám hành khách.

    Ðoàn xe ba chiếc chở chúng tôi ghé vào quán Ðồng Quê. Quán nằm ven quốc lộ 20 giữa một cánh đồng rộng, có một căn nhà lớn thoáng mát và mấy chiếc lều nhỏ hình bát giác nằm rải rác giữa một vườn hoa bướm đang nở rộ. Chúng tôi chọn chiếc lều xa nhất. Những người phục vụ nhanh chóng sắp xếp bàn ghế, đưa khăn lau và thực đơn ra. Chúng tôi yêu cầu chủ quán phục vụ riêng cho ba lái xe ở một lều khác để chúng tôi tiện nói chuyện. Hà Sĩ Phu lấy ra một chai rượu vodka do một người bạn ở Sài Gòn tặng để uống chung nhưng anh lại không uống được rượu vì cả năm rồi không uống và nay chưa được khỏe. Anh chỉ uống bia cùng với cánh phụ nữ. Thực đơn do Quốc chọn, khá “đồng quê” như tên quán: Cá rô, cá kèo chiên xù, thịt nhím hấp và cháo cá lóc. Cụng ly. Chuyện nổ như pháo rang.

    Hà Sĩ Phu kể chuyện ra tù, nhiều chi tiết thật thú vị, đặc biệt chuyện “râu ở lại, người ra”. Nguyên Hà Sĩ Phu để râu cằm dài nhưng quy định của trại giam cấm người dưới 60 tuổi để râu nên anh phải cắt và định giữ lại để làm kỷ niệm. Nhưng trước khi ra tù, trại khám xét đồ đạc rất kỹ và nhất định giữ lại bộ râu, không cho anh mang ra. Thật lạ lùng. “Người ra, râu phải ở lại”. Vậy nếu râu ra thì người phải ở lại hay sao. Anh em bình luận tếu chuyện này. Thật nhiều ý nghĩa.

    Trại giam chuẩn bị đưa Hà Sĩ Phu ra tù cũng thật chu đáo. Một bữa ăn sáng đặc biệt mà ngày thường không có. Quay video cảnh phòng giam và cả ngoại cảnh vườn tược. Giặt tẩy chữ “Trại giam” trên áo trước đây CA đã mua cho Hà Sĩ Phu lúc anh mới bị bắt mà anh yêu cầu được mang ra để làm kỷ niệm. K, lãnh đạo Cục A25 thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ đến chào chia tay Hà Sĩ Phu. Ðó là thái độ trân trọng trí thức nhưng sẽ quý biết bao nếu việc đó không phải ở trong nhà tù.

    Ði đón Hà Sĩ Phu ở Trại giam Thanh Xuân có Thanh Biên, mấy người trong gia đình Hà Sĩ Phu và mấy người bạn ở Hà Nội, trong đó có nhà thơ Tú Sót và nhà văn Hoàng Tiến. Một bó hoa cho Hà Sĩ Phu ngay trong phòng khách của trại giam. Ðiều này thật đẹp và ý nghĩa đối với nhiều người, nhưng cũng thật khó chịu đối với một số người như chúng tôi biết thêm sau này.

    Thanh Biên đã chuẩn bị một bữa ăn ở Hà Nội có đông bạn bè dự nhưng rồi phải hủy bỏ dự định này vì tình hình không thuận lợi. Chị phải đưa luôn Hà Sĩ Phu về quê anh ở Hà Bắc, ở nhà người anh, rồi sau đó đi thẳng ra sân bay Nội Bài vào Sài Gòn ngày 6/12.

    Quốc kể tiếp đoạn đón Hà Sĩ Phu ở Sài Gòn. Bạn bè khá đông: Linh mục Chân Tín, vợ chồng Nguyễn Ngọc Lan, Lữ Phương, Hồ Hiếu, Xuân Ðài, Nguyễn Ðỗ, La Văn Liếm, Hoàng Lại Giang và họa sĩ Nhật Linh, đặc biệt nhà văn Xuân Sách đi Honda từ Vũng Tàu lên, đến sân bay sớm nhất. Cũng tặng hoa, chụp hình rồi kéo nhau vào nhậu ở khách sạn gần sân bay, nơi Quốc đã đặt phòng sẵn cho vợ chồng HSP. Tan cuộc nhậu buổi trưa, nghỉ ngơi xong, chiều lại đi nhậu tiếp ở nhà nhà thơ Thu Bồn, có thêm Trần Hữu Tá, Phan Đắc Lập, Phan Ðắc Lực.

    Qua tình hình nắm được, thấy rõ CA theo dõi sát việc Hà Sĩ Phu ra tù và Nhà nước không cấm được nhưng đã tìm mọi cách ngăn cản để không cho việc đón tiếp có tính cách linh đình, rầm rộ, trở thành một sự kiện chính trị. Ở Sài Gòn, một số người đã được CA đến gặp răn đe không nên đi. Ở Ðà Lạt, đích thân lãnh đạo CA Tỉnh đến gặp Mai Thái Lĩnh và Nguyễn Mạnh Hùng để nói về việc này. Nhiều người khác đã bị CA ngăn chặn trước bằng nhiều cách. Với những sự việc đã diễn ra, chúng tôi cho việc đón Hà Sĩ Phu như thế là vừa phải, đạt yêu cầu. Chúng tôi không muốn khiêu khích Nhà nước, nhưng không bao giờ chúng tôi xem Hà Sĩ Phu là tội phạm. Chúng tôi phải đi đón anh với những bó hoa vì lòng ngưỡng mộ và tình bạn dành cho anh. Thế thôi.

    Ăn trưa xong, chúng tôi đưa Hà Sĩ Phu về nhà ở 4E Bùi Thị Xuân. Trên đường về, các chốt cảnh sát giao thông vẫn còn nhưng xe chúng tôi không bị chặn nữa. Ðoàn xe 3 chiếc của chúng tôi ngừng lại trên đường trước nhà Hà Sĩ Phu. Hàng xóm đổ ra xem. Việc này thật có ý nghĩa vì từ khi Hà Sĩ Phu bị bắt có một số dư luận không hay trong số hàng xóm này. Tất cả chúng tôi vào nhà Hà Sĩ Phu, Yến đi lấy hoa và rượu chúng tôi gởi ở quán xuống. Mỗi người lại uống thêm một ly rượu mừng, chụp ảnh rồi giải tán. Lúc đó là 3g chiều ngày 7/12/96. Hôm sau có bà hàng xóm đến thăm Hà Sĩ Phu nói: Ông Tụ ở tù về mà người ta đi đón như đón thủ tướng (?!) Cũng là một bình luận nhiều ý nghĩa.


    Chủ nhật 8/12/96

    Sáng sớm Hùng (báo Tự Do) ở Ðức gọi điện, nói mới đi tham dự biểu tình ở Bonn trước sứ quán Việt Nam, về nhà lúc 1g đêm và gọi điện ngay. Cuộc biểu tình tổ chức từ 11g trưa đến 3g chiều thứ 7. Có khoảng 800 người từ khắp nước Ðức về dự. Sứ quán không dám cử người ra tiếp kiến. Ðoàn biểu tình tổ chức nói chuyện, đọc các văn bản rồi gởi vào thùng thư của sứ quán. Ðây là sứ quán duy nhất đối xử với các đoàn biểu tình theo kiểu “đóng cửa im lặng” đó. Tôi thông báo việc đón Hà Sĩ Phu. Hùng nhận định tình hình như thế là tốt.

    Hôm qua, trước khi ở nhà Hà Sĩ Phu về, Quốc, Lĩnh, Hà Sĩ Phu và tôi đã hẹn nhau sáng nay sẽ tổ chức đi picnic ngoài trời chơi để Hà Sĩ Phu được hít thở không khí thiên nhiên và chúng tôi nói chuyện thêm. Trước giờ hẹn, Quốc gọi điện lại bảo hôm nay trời lạnh đi ra ngoài không tiện, nên đến nhà Hà Sĩ Phu uống rượu tốt hơn. Tôi và Yến đến nhà Hà Sĩ Phu, Quốc đã ở đó. Lĩnh không đến vì có lẽ thấy tụ họp nhau sớm không tiện và tối hôm qua đã gặp riêng Quốc nói chuyện.

    Hà Sĩ Phu nói thêm chuyện ở tù. Anh nhận định rằng vụ “chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước” là một cái cớ để bắt anh, nhưng nếu không có cớ đó thì người ta sẽ tìm cớ khác vì việc bắt anh là một chủ trương đã có từ trước. Trong tù, ngoài việc tra hỏi về vụ “tài liệu bí mật”, người ta còn truy anh gắt gao về nội dung các bài viết và đặc biệt là mối quan hệ giữa anh và những người bất đồng chính kiến khác mà người ta nghi là có khả năng tổ chức một cái gì đó. Thực ra cũng như Quốc và tôi, Hà Sĩ Phu chẳng tham gia tổ chức gì cả. Chúng tôi chỉ lên tiếng với tư cách cá nhân của công dân và văn nghệ sĩ, trí thức trước hiện tình đất nước. Chúng tôi có giao du, quan hệ với ai cũng chỉ là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” mà thôi. Tuy nhiên CA không bao giờ chịu tin như thế. Họ luôn luôn cố tìm ra những hoạt động và tổ chức chống đối thù địch để “bóp chết từ trong trứng nước các nhen nhóm phản cách mạng”.

    Chuyện ra tòa chúng tôi biết thêm nhiều chi tiết thú vị. Trước tòa, khi nói đến chuyện “chiếm đoạt tài liệu bí mật”, Hà Sĩ Phu đã quay lại cử tọa dùng tay làm động tác bẻ khóa và nói: Nghe bản cáo trạng tôi hình dung thấy mình có dáng dấp của một tên gián điệp, ban đêm lẻn vào cơ quan lưu trữ hồ sơ mật của Nhà nước, uy hiếp bảo vệ và bẻ khóa để vào lấy tài liệu. Bây giờ tòa lại cải tội danh thành “cố ý tiết lộ bí mật của Nhà nước”, như vậy có phải việc trên là vu cáo không.

    Chúng tôi cũng bàn thêm về việc của tôi. Mọi người đều nhất trí rằng tôi không nên làm cái gì có tính cách khiêu khích Nhà nước vào lúc này, nhưng tôi vẫn phải giữ quyền tự do tư tưởng và phát biểu ý kiến của mình. Tôi sẵn sàng xem xét lại nội dung và phương pháp việc làm của mình, thận trọng, chặt chẽ hơn để có hiệu quả tốt và không bị kẻ xấu lợi dụng, đồng thời tôi cũng yêu cầu Nhà nước xem xét lại cách nhìn nhận và thái độ đối xử của Nhà nước đối với trí thức bất đồng chính kiến.

    Lúc mới gặp lại tôi ở sân bay Liên Khương, Hà Sĩ Phu có nói cũng nên qua một chặng như thế (ý nói việc ở tù) để có thêm kinh nghiệm, nhưng nay anh nói thêm: Không nên có thì hơn vì trải qua là một tổn thất lớn về nhiều mặt. Hôm qua, lúc ở quán Ðồng Quê, Hà Sĩ Phu cũng có nói: Ðó là một thế giới thú vật. Mặc dù mình ở trong một trường hợp đặc biệt, ít chịu đựng, nhưng mình cảm nhận được tất cả tính chất thú vật của thế giới đó.

    12g trưa chúng tôi mới chia tay nhưng vẫn còn bao nhiêu điều chưa nói sau một năm xa cách.


    Thứ hai 9/12/96

    Buổi sáng, tôi vừa chở Yến đến trường về nhà thì Bảo Châu gọi điện. Anh ta xin lỗi về việc lỗi hẹn hôm đi đón Hà Sĩ Phu và giải thích lý do. Có người đến khuyên anh ta đừng đi, nếu không sẽ gặp rắc rối. Châu chấp nhận nhưng rất tức tối. Hôm nay Châu gọi cho tôi, biết là CA sẽ nghe nhưng vẫn cứ gọi. Tôi kể sơ tình hình hôm đi đón và nói CA cố tình tìm nhiều cách hạn chế bớt số người đi chứ làm sao cấm đoán và gây khó khăn cho ai được. Châu tỏ ý tiếc là đã không đi và mong tôi thông cảm. Tôi nói có lòng như thế là tốt rồi, mỗi người một hoàn cảnh, không phải ai cũng xử sự như nhau. Châu đi thăm Hà Sĩ Phu sau cũng được. Châu nói đã đến ngay tối hôm đó. Vậy là được rồi, không có ai trách móc gì đâu.

    Buổi chiều, trước khi lên CA làm việc tiếp, tôi đến Quốc để mượn cuốn Hiến pháp và Luật Xuất bản. Lâu nay tôi nói lý nhiều hơn nói luật vì thực ra tôi không thích nghiên cứu các luật cụ thể. Bây giờ có những việc phải dẫn điều này, mục nọ.

    Theo chương trình đã tính từ trước, ngày mai Quốc phải đi Sài Gòn và ra Ðà Nẵng, tôi muốn có một cuộc gặp bốn người Quốc-Lĩnh-Cự-Tụ (tức Hà Sĩ Phu) để bàn thêm về tình hình chung và việc của tôi. Trước khi Tụ chưa bị bắt, chúng tôi - nhóm bốn người ở Ðà Lạt, vẫn có những cuộc gặp như thế. Cũng là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” thôi, chứ chúng tôi chả có tổ chức gì. Quốc nói chiều nay Quốc định mời vợ chồng Tụ đến ăn cơm, có cả mấy người trong gia đình Thục, vậy nhân tiện mời vợ chồng tôi và Lĩnh luôn. Sau khi ăn xong, khách gia đình về, mấy anh em sẽ ở lại thêm để nói chuyện.

    Ðúng 2g chiều tôi đến CA. Trước khi làm việc, B hỏi tôi ngay về việc đi đón Hà Sĩ Phu. Tôi kể sơ qua dù biết rằng B đã biết. Tôi nói thêm là chúng tôi được cảnh sát giao thông “dàn chào” hơi kỹ. B cười nói anh đa nghi quá, ngày nào cảnh sát giao thông chẳng làm việc, anh ít đi nên không thấy đó thôi. Tôi nói luôn ý chúng tôi biết Nhà nước không muốn chúng tôi tổ chức đón rước rầm rộ nhưng chúng tôi vẫn đi đón là thể hiện tình cảm bạn bè thôi, mặt khác không bao giờ chúng tôi coi Hà Sĩ Phu là tội phạm. B làm thinh không nói gì. Sau đó B hỏi tiếp: Sắp tới có tổ chức ăn uống gì không? Tôi nói từ từ chắc sẽ có.

    Lại tiếp tục thẩm vấn. Vì các câu hỏi bắt đầu có tính quy kết, tôi cảm thấy hơi tức giận nên đã lớn tiếng tranh luận với B khá gay gắt. B hình như cảm thấy không khí như thế cũng không ổn nên im lặng một lúc. Tôi quyết định không nói nhiều nữa mà với một câu hỏi, tôi suy nghĩ kỹ và đọc một câu trả lời ngắn gọn cho C ghi biên bản, khỏi cần sửa chữa bổ sung lôi thôi.

     
    • Các tờ báo của tôi mà CA đã thu giữ như Thông Luận, Thiện Chí, Hợp Lưu, Người Sài Gòn có thuộc diện báo chí Nhà nước cho phép nhập và lưu hành không? Tôi không biết về điều này.

       
    • Riêng tờ báo Người Sài Gòn có phải là một tờ báo hợp pháp không? Tự do báo chí là phù hợp với Hiến pháp.

       
    • Mục đích lưu giữ những tờ báo này để làm gì? Ðể đọc.

       
    • Quan hệ với đài, báo nào khác nữa trong và ngoài nước trong năm 96? Ngoài nước: Không. Trong nước: Có gởi bài cho báo Tuổi Trẻ và tạp chí Cộng Sản nhưng không báo nào đăng.

       
    • Mục đích khi cộng tác tin, bài với đài, báo nước ngoài? Ðể công bố tư tưởng và tác phẩm của mình.

       
    • Mục đích khi tham gia ý kiến với Dự án Chính trị Dân chủ Ða nguyên? Khi được tham khảo ý kiến của một người trong nước, tôi đưa ra một số nhận định riêng về một số vấn đề để những người soạn dự án tham khảo.

       
    • Có biết rõ nội dung Dự án là một cương lĩnh chính trị đòi thay đổi chế độ chính trị XHCN không? Tôi biết rõ.

       
    • Trong bài “Những phát hiện mới từ một phiên tòa” có ý giới thạo tin cung đình cho biết có 2 nhận định quan trọng trong báo cáo của Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương gởi Bộ Chính trị, giới thạo tin đó là ai? Tôi không nhớ.

       
    • Nghe lúc nào và trường hợp nào? Không nhớ cụ thể.

       
    • Căn cứ vào đâu để nói Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương đưa ra nhận định “các lý lẽ buộc tội tòa đưa ra đều đầy sức không thuyết phục”? Theo giới thạo tin.

       
    • Ðánh giá như thế nào về tin đó? Có nhiều phần đáng tin cậy.

       
    • Những phần không đáng tin cậy có ảnh hưởng đến Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương không? Có suy nghĩ về vấn đề đó không? Nếu tin đó đúng, không ảnh hưởng đến uy tín của Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương mà ngược lại đã làm tăng uy tín của Ban này vì đã đánh giá tình hình một cách khách quan.

       
    • Theo giới thạo tin đã nói, Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương gởi Bộ Chính trị hay còn gởi đâu khác? Giới thạo tin nói Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương gởi Bộ Chính trị, không nói gởi đâu khác.

       
    • Trong bài viết gởi đài VNCR, Thư từ Việt Nam tháng 9/96, có đoạn: “Với chính sách và thái độ chiêu hiền đãi sĩ đáng ngờ của Ðảng và Nhà nước hiện nay, người ta e ngại không muốn về nước, ai cũng có thể bị nghi là CIA, gián điệp, có ý đồ xấu chống chế độ”. Căn cứ vào đâu để đưa tin như vậy và đưa tin đó với dụng ý gì? Căn cứ vào việc tiếp xúc với một số Việt kiều về nước và đối chiếu với chính sách của Ðảng và Nhà nước cũng như thực tế của tình hình. Tôi viết như thế là muốn Ðảng và Nhà nước thực tâm hơn trong việc thực hiện chính sách này.

       
    • Tiếp xúc bao nhiêu Việt kiều và bao nhiêu người nghi ngờ? Không nhớ rõ bao nhiêu người nhưng phần lớn những người tiếp xúc có nghi ngờ.
    Sau khi đọc lại biên bản, tôi yêu cầu thêm 2 ý kiến nữa, tôi nói trước và yêu cầu tự ghi vào cuối biên bản. B đồng ý. Tôi ghi:

    1. Yêu cầu CA cho biết rõ căn cứ vào văn bản, quy định nào để CA mời tôi lên thẩm vấn thời gian dài như thế và tôi có phải bắt buộc chấp hành không khi thời gian kéo dài ảnh hưởng đến việc làm ăn sinh sống của tôi?

    2. Vừa qua, một số cán bộ lãnh đạo CA của Bộ Nội vụ và Sở CA Lâm Ðồng có gặp 3 người bạn của tôi để nói chuyện về tôi, có ý nhắn gởi tôi đã đi quá đà, cần xem xét lại việc làm và phương pháp của mình, nếu không Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý. Tôi nghĩ đây là một thiện ý của lãnh đạo CA nên tôi đề nghị có một cuộc tiếp xúc cởi mở để trao đổi hơn là kiểu thẩm vấn hiện nay.

    5g chiều, tôi về nhà chở Yến đến Quốc. Mọi người đã có mặt đông đủ. Quốc chụp thêm mấy kiểu ảnh vợ chồng tôi và vợ chồng Hà Sĩ Phu cho hết cuộn phim rồi đưa đi rửa, kịp lấy hình trong tối nay để mai Quốc mang đi. Mọi người chuẩn bị bàn ăn trong khi đợi Quốc về. Hôm nay Quốc đãi món cố hữu tiết canh lòng lợn, thêm 4 đĩa lớn toàn chân gà, dễ đến mấy chục cái, không thấy thịt (hèn gì bươi ghê quá!) và món cháo xương heo. Ðặc biệt có chai rượu Johnnie Walker nhãn đỏ của con gái Hương Ly biếu bố. Thường Quốc chỉ uống rượu thuốc, lúc nào cũng có sẵn mấy chai trong nhà.

    Bữa ăn vui vẻ. Dù có nhiều phụ nữ nhưng mấy ông toàn nói chuyện chính trị, xoay quanh chuyện Hà Sĩ Phu. Lĩnh và Tụ nói nhiều nhất, những người khác nghe và ăn. Giữa bữa, có điện thoại của Hoàn Vũ đài BBC yêu cầu phỏng vấn Hà Sĩ Phu. Tụ vào phòng trong nghe và trả lời luôn. Trả lời phỏng vấn hai câu xong Tụ ra ăn tiếp, lát sau Hoàn Vũ lại gọi yêu cầu phỏng vấn hai câu nữa. Tụ lại trả lời luôn. Hoàn Vũ báo buổi phát thanh của BBC lúc 9g30 tối sẽ phát luôn. Thời đại bùng nổ thông tin có khác.

    Ăn xong, người của gia đình Thục về trước, chúng tôi ở lại nói chuyện thêm. Chúng tôi phân tích tiếp về chuyện của Hà Sĩ Phu và chuyện của tôi. Tôi hỏi kỹ thêm về nội dung buổi nói chuyện giữa cán bộ lãnh đạo CA với Quốc và Lĩnh. Quốc nói hôm ở Sài Gòn, G, hiện là lãnh đạo Tổng cục An ninh phụ trách phía Nam gặp Quốc, có cả D, lãnh đạo Cục A25 và một cán bộ nữa. Theo Quốc mô tả, tôi và Lĩnh đoán đó là người cũng đã đến nhà tôi hôm cả đoàn CA giữa đêm đến kiểm tra thu giữ máy vi tính. G cũng nói luận điệu như D đã nói với Quốc ở Ðà Lạt nhưng đậm đà hơn và cũng có ý chia rẽ giữa tôi và Quốc. Quốc khẳng định, về cá tính và cách thể hiện Quốc và tôi có khác nhau nhưng về tâm huyết và quan điểm, Quốc và tôi là một. G có khuyên Quốc nên quay đầu lại, Quốc phản ứng mạnh: Từ kháng chiến chống Mỹ đến nay, Quốc chỉ đi theo một hướng đó thôi, không hề quay đi đâu cả. G có nhận xét thêm về tôi: Nếu ông Cự làm bí thư huyện ủy Bảo Lộc, chắc là bây giờ không có vấn đề gì. Ý G cho tôi là kẻ bất mãn.

    Lĩnh cho biết thêm hôm Ð và E, lãnh đạo CA LÐ gặp Lĩnh, họ có nhận định có lẽ tôi viết bài cho đài báo nước ngoài là vì sinh kế, vì tiền nhuận bút. Do Lĩnh nói bạn thân lâu năm của tôi không phải là Lĩnh mà là Trần Minh Thảo ở Bảo Lộc nên Lĩnh đoán có thể vì thế mà hôm sau họ đã xuống Bảo Lộc gặp Thảo.

    Nói chung, Quốc và Lĩnh đều nhận xét CA chưa cho tôi là địch mà chỉ đánh giá là kẻ bất mãn. Tôi nghĩ thầm CA vẫn không thể hiểu được tôi vì họ không hiểu có người không phải là địch, không bất mãn (theo kiểu tầm thường vì không có địa vị, quyền lợi), không vì tiền mà vẫn chống đối, vẫn làm những việc có thể nguy hiểm đến bản thân. Họ có biết và hiểu được động cơ nào trong sáng hơn không khi người ta muốn sống cho ra con người, hơn nữa là con người tự do?

    Nhận định về thái độ cần có của tôi hiện nay, mọi người đều đồng ý là nên hòa hoãn, thận trọng nhưng không xuống thang, không đầu hàng. Ðó cũng là ý của tôi nhưng đây là cái chung, ai cũng có thể nói được, còn hành xử những việc cụ thể, chỉ có tôi tự nghĩ, không ai nghĩ thay được.

    Có lẽ gần 9g tối chúng tôi mới về nhà. 9g30 chúng tôi mở đài BBC, quả có phát bài phỏng vấn Hà Sĩ Phu như Hoàn Vũ đã báo.


    Thứ ba 10/12/96

    2g chiều, lại lên làm việc tiếp với CA. Những câu hỏi xoáy sâu hơn vào một số chi tiết của các bài viết:

     
    • Trong bài trả lời phỏng vấn của báo Thiện Chí ngày 16/8/96 tôi ghi dàn ý trong vở, về trường hợp của Hà Sĩ Phu, có ghi tắt tên của một nhân vật là VVK. VVK là ai? Là Võ Văn Kiệt.

       
    • Cũng trong bài đó có ý “Vụ bắt Hà Sĩ Phu có thể dính dáng đến cuộc tranh chấp giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến trong Đảng” ý này lấy tư liệu ở đâu? Dư luận nhiều người nói vấn đề này nhưng tôi chưa có hiểu biết chính xác nên có phác thảo mà không sử dụng.

       
    • Cũng trong bài trên, về tình hình sau đại hội 8 có đoạn “sự chia rẽ, bè phái là điều có thực”, căn cứ vào đâu để đưa tin đó? Có 2 căn cứ: Ðảng xác nhận trong báo cáo chính trị và dư luận trong nội bộ cán bộ Đảng viên về vấn đề chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng qua các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương trước đại hội.

       
    • Ðó là dư luận về cơ cấu nhân sự, một việc bình thường trong Ðảng, sao lại cho là có sự chia rẽ, bè phái? Tôi nhận định có bao hàm sự chia rẽ, bè phái chứ không phải đơn thuần là vấn đề cơ cấu nhân sự.

       
    • Ðưa tin như thế nhằm mục đích gì? Trình bày ý kiến của mình về những vấn đề báo muốn phỏng vấn.

       
    • Nếu có vấn đề đó thì đây có phải là vấn đề thuộc nội bộ Ðảng không? Vì Ðảng lãnh đạo xã hội nên vấn đề của Ðảng là vấn đề của toàn dân, trong đó có người Việt ở hải ngoại, không phải là vấn đề riêng của Ðảng. Hơn nữa, phương châm của Ðảng là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
    Cũng như hôm qua, tôi quyết định trả lời một cách ngắn gọn, dù B đã có phân tích để buộc tôi phải diễn giải dài dòng. Ðến đây, B nói sẽ nêu thêm một câu hỏi cuối cùng. Câu hỏi này mang tính tổng kết B đã soạn sẵn trong sổ tay, rất dài, B đọc cho C ghi vào biên bản và tôi cũng ghi vào giấy của mình:

    “Qua mấy ngày làm việc, anh đã trình bày trước cơ quan CA/TP một số vấn đề:

     
    1. Về quan điểm tư tưởng là dân chủ đa nguyên, đòi Nhà nước phải thay đổi thể chế chính trị hiện thời bằng thể chế chính trị dân chủ đa nguyên và cũng thấy được đòi hỏi đó là trái với chế độ chính trị hiện thời của Nhà nước.

       
    2. Ðã viết nhiều tin bài gởi đăng trên báo, đưa tin trên đài ở nước ngoài có nội dung đòi hỏi Nhà nước hiện thời phải thay đổi chế độ chính trị.

       
    3. Ðã có quan hệ về tin bài với một số báo, đài ở nước ngoài mà trong đó có một số báo, đài anh biết rõ chủ trương của họ là đòi Nhà nước VN phải thay đổi chế độ chính trị hiện thời.

       
    4. Anh đã tham gia ý kiến vào DỰ ÁN CHÍNH TRỊ DÂN CHỦ ÐA NGUYÊN của nhóm Thông Luận mà anh biết rõ Dự án này có chủ trương đòi hỏi nhà nước VN phải thay đổi chế độ chính trị hiện thời.

       
    5. Trong các bài viết, đưa tin trên báo, đài ở nước ngoài, một số bài anh có đưa một số nội dung liên quan đến cơ quan Ðảng và Nhà nước (như Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương), liên quan đến nội bộ Ðảng CSVN, những nội dung này anh nghe và dựa vào các nguồn tin như đã trình bày là giới thạo tin cung đình, qua dư luận, qua một số Việt kiều về nước mà anh được tiếp xúc... và theo cách đánh giá của anh, những tin đó có nhiều phần đáng tin cậy.
    Vậy anh có công nhận và có ý kiến gì?”

    Rõ ràng là một quy kết có tính chất tổng kết về chính trị chứ không phải là câu hỏi để xác minh như mục đích cuộc thẩm vấn. (Trong câu hỏi soạn sẵn này, B gọi tôi bằng anh nhưng trong biên bản, C sửa lại là ông theo đúng nghi thức). Tôi suy nghĩ một chút, viết câu trả lời ra giấy và đọc cho C ghi: “Ðây là quyền tự do tư tưởng, phát biểu ý kiến và tham gia quản lý xã hội của người công dân. Tôi chỉ nói tư tưởng của mình chứ không vạch chương trình hành động hay tham gia bất cứ tổ chức chính trị nào.”

    B cố gặng hỏi tôi có công nhận những điều trên không. Tôi nói tôi chỉ trả lời như thế thôi, không còn gì thêm nữa.

    B tuyên bố: Bước đầu CA TP mời tôi lên làm việc để xác minh những sự việc của một công dân có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia và cuộc làm việc đến đây tạm kết thúc. Cơ quan CA TP sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo lên trên và kết quả như thế nào sẽ báo cho tôi biết và mời lên làm việc tiếp sau này.

    B nói thêm sau khi xem lại, ký xong biên bản, B sẽ trả lời về mấy đề xuất tôi nêu hôm qua. Biên bản lần này không phải sửa chữa gì trừ vài lỗi chính tả.

    Sau đó, B trả lời mấy ý kiến của tôi:

     
    1. CA TP mời tôi lên làm việc căn cứ vào điều 10 và 13 chương 2 Pháp lệnh Lực lượng An ninh Nhân dân do Nhà nước ban hành ngày 2/11/87, cho phép cơ quan CA tiến hành các hoạt động điều tra thu thập chứng cớ để buộc tội hay gỡ tội những vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia. Trong quy định này không nói đến vấn đề thời gian điều tra.

       
    2. Những câu hỏi trong các buổi thẩm vấn chỉ có tính chất và mục đích xác minh chứ không quy kết. (Vấn đề này tôi không đồng ý với B nhưng tôi không tranh luận nữa. Dù sao các câu hỏi này cũng có lợi là cho tôi thấy rõ hướng quy kết của CA).

       
    3. Về đề nghị của tôi yêu cầu có cuộc tiếp xúc cởi mở với các cán bộ lãnh đạo CA, B đã báo cáo lên Sở CA nhưng lãnh đạo đi vắng nên B đã yêu cầu Văn phòng Sở ghi nhận và chuyển tiếp. Tuy nhiên B hứa là chính mình sẽ tiếp tục trình bày với lãnh đạo CA khi họ trở về.
    Buổi làm việc kết thúc trước 4g chiều. B và C bắt tay tôi với thái độ vui vẻ vừa phải trước khi tôi ra về. Vậy là tạm xong đợt ba. Chắc chắn thế nào cũng còn đợt bốn nữa. Như vậy là trong vòng một tháng, kể từ 12/11/96 đến nay, CA đã làm việc với tôi ba đợt, tổng cộng 12 ngày. (Ðợt 1: 3 ngày, đợt 2: 6 ngày và đợt 3: 3 ngày).


    Thứ tư 11/12/96

    Hôm nay tôi nằm bẹp suốt ngày vì đau bụng tiêu chảy. Có lẽ do bữa ăn ở nhà Quốc. Bụng tôi không quen loại thức ăn này. May hôm qua đi làm việc tôi đã đau nhưng nhờ uống thuốc cầm và bệnh chưa phát mạnh.

    Yến đi dạy về có 1 lá thư của Hải Triều gởi tôi. Hải Triều ở Canada, tôi không quen biết, trước đây khá lâu có gởi cho tôi một lá thư ngắn bày tỏ cảm tình với những bài viết của tôi và nói về khát vọng đấu tranh cho dân chủ, góp phần xây dựng quê hương. Lần này Hải Triều cũng viết tương tự, cho biết đã hay tin và lo cho tôi về những rắc rối tôi đang gặp. Hải Triều thông báo mới chủ trương một tờ báo lấy tên Nguyệt san Việt Nam ở Canada và đã ra được 3 số, cắt gởi cho tôi mấy bài viết của anh và cả một bài của tôi đăng lại trên báo này. Ðó là bài “Những phát hiện mới từ một phiên tòa” viết về HSP mà toà soạn đổi tựa là “Từ một phiên tòa XHCN”.

    Không hiểu sao thư này lại lọt được. Thời gian gần đây tôi biết rõ nhiều thư từ của tôi, cả trong và ngoài nước đều bị mất.

    Buổi chiều, một cô nào đó ở Bưu điện Hà Nội gọi hỏi địa chỉ cụ thể để gởi một bưu phẩm hay cái gì đó do ai nhờ chuyển. Thật lạ lùng, người ta biết tên tôi, tên Yến, số điện thoại, nhưng lại không biết số nhà, còn biết tôi trước đây có làm tờ báo Langbian. Không hiểu sao cô này lại gọi điện về báo Đảng Lâm Ðồng để hỏi tên Tổng biên tập báo Langbian nên người ta nói lung tung. Yến nói rõ lại tên họ địa chỉ và cô ta hứa sẽ gởi phát nhanh ngay.

    Tối, Nguyễn Gia Kiểng ở Pháp gọi. Tôi nói tình hình. Kiểng dự đoán sẽ không có gì căng thẳng và còn gợi ý tôi làm trung gian liên lạc giữa Nhà nước và các tổ chức hòa giải hòa hợp ở bên ngoài để Nhà nước đỡ mất công và tốn kém cử người sang Paris tiếp xúc. Kiểng nói nghe dễ như chơi. Cái việc trung gian liên lạc này đâu phải là chuyện đơn giản và tôi không hề là người của bất cứ tổ chức nào.

    Tôi báo cho Kiểng biết một việc hơi lạ, liên quan đến Kiểng và nhóm Thông Luận. Ngày 28/11/96, lúc G gặp Quốc ở Sài Gòn, G có đưa cho Quốc một tài liệu để Quốc đọc và sau đó Quốc chuyển cho tôi. Tài liệu không rõ xuất xứ, có tựa đề “Một số nguyên tắc đấu tranh trước một số hiện tượng và một vài vấn đề hiện nay” của tác giả Hoàng Duy Hùng. Tài liệu này nêu một số nhân vật có hai xu hướng đánh giá của dư luận hoàn toàn trái ngược nhau là Hà Sĩ Phu, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Văn Trấn, Ðỗ Trung Hiếu, Ðoàn Viết Hoạt, Nguyễn Ðan Quế... và kể cả Nguyễn Chí Thiện. Một xu hướng đả kích những người này, cho là thân Cộng, đối lập cuội. Xu hướng kia ca ngợi và ủng hộ nhiệt liệt. Trước tình hình đó, tác giả ôn lại và nêu ra một số nguyên tắc đấu tranh để hướng đạo cho những hoạt động của tổ chức mình. Trong phần “Những nguyên tắc hòa hợp và hòa giải”, tác giả đả kích Nguyễn Gia Kiểng và nhóm Thông Luận, phân tích và kết luận hòa giải hòa hợp không thể nào có được.

    Tôi đọc thấy tài liệu này viết có nhiều sự kiện, chi tiết sai sự thực, lý luận không có sức thuyết phục và tư tưởng rất cực đoan. Tuy nhiên điều lạ là Quốc thuật lại có người nói tác giả Hoàng Duy Hùng này là cố vấn về an ninh của Nguyễn Gia Kiểng. (Tôi không nhớ rõ Quốc thuật lại ý này của G hay của ai đó nói.)

    Kiểng nghe và nói ngay: Tầm bậy. Hoàng Duy Hùng là một Đảng viên trẻ mới gia nhập của Đảng Ðại Việt, người được coi như một lý thuyết gia của Đảng này, và thời gian gần đây đang ra sức đả kích Kiểng và nhóm Thông Luận. Tài liệu trên là một bài báo đăng trên một tờ báo của Đảng Ðại Việt mà Kiểng đã đọc. Làm gì có chuyện Hùng là cố vấn cho Kiểng.

    Tôi nhớ thêm, khi thuật lại ý đó, Quốc nói người ta muốn cho mình hiểu rằng Thông Luận bề ngoài nói hòa giải hòa hợp nhưng thực chất bên trong khác, thậm chí trái hẳn lại. Thật là phức tạp. Tình hình bên ngoài cũng như cách làm việc của CA có thể làm cho người thiếu tỉnh táo không thể nào hiểu được thực chất của vấn đề và đâm ra chán ngán, hoài nghi tất cả.


    Thứ năm 12/12/96

    Buổi sáng có thời gian yên tĩnh để ghi nhật ký. Quốc gọi điện từ Sài Gòn lên báo sắp đi Ðà Nẵng và hỏi có gì mới không. Tôi kể chuyện CA tạm kết thúc đợt thẩm vấn thứ ba và nói sơ lược lại ý kiến của Kiểng. Quốc hẹn khi đi Ðà Nẵng về sẽ nói chuyện nhiều hơn.

    Buổi chiều lại thêm chuyện lạ. Ðiện thoại tôi vẫn bình thường, không hề báo hỏng yêu cầu sửa chữa mà Bưu điện ba lần gọi đến để kiểm tra và nói đã sửa xong theo yêu cầu. Sao lại quá ưu ái thế. Chắc là “có vấn đề” rồi. Có thể người ta đang lắp đặt một thiết bị hay đưa vào một hệ thống gì mới để dễ kiểm tra. Từ đầu vụ rắc rối này, tôi đã tin chắc điện thoại bị nghe lén, ghi âm 100% và tôi luôn nghe, nói điện thoại với ý nghĩ và cảm giác đó trong đầu. Tôi không sợ gì cả về chuyện này nhưng quả thực không thoải mái. Thế mà trong Hiến pháp và nhiều bộ luật có ghi rõ bảo đảm bí mật thư từ, điện tín, điện thoại của công dân, không ai được xâm phạm. Ðất nước này có đủ mọi thứ tự do mà thực ra tự do nào cũng không có hay đã bị sứt mẻ, méo mó, không chỗ này thì chỗ khác.


    Thứ sáu 13/12/96

    Buổi sáng ghi nhật ký. Trưa khi Yến đi dạy về, tôi chở Yến ra nhà Hà Sĩ Phu để thăm vợ chồng anh và mời hai người chiều mai tới nhà chúng tôi ăn cơm. Từ hôm Hà Sĩ Phu về, ngày nào tôi cũng gọi điện hỏi thăm sức khỏe của anh và tình hình bạn bè đến chơi. Tụ cho biết hôm nào cũng có người lai rai lại thăm, phần lớn là bạn văn nghệ. Thế là tốt rồi. Mọi việc đã bình thường hóa và người ta cũng dần bớt sợ.

    Gặp bữa, Biên mời chúng tôi ăn trưa luôn. Biên nấu sẵn nồi miến lươn với thịt nạc và nấm để bồi dưỡng cho chồng. Một món tả pí lù. Biên mua thêm mấy ổ bánh mì nữa và mọi người ăn no vẫn không hết. Hà Sĩ Phu lại kể chuyện tù, có Biên phụ họa. Ðúng là “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.

    Về nhà Yến và tôi ra làm vườn luôn rồi mới tắm rửa, nghỉ ngơi, xem phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên trên truyền hình. Ðạo diễn khai thác đề tài hầu như bất tận, mỗi tập về sau này lại thêm nhân vật mới, sự kiện mới ở thị trấn nhỏ bé đang ngày một phát triển.

    Tối Kiểng lại gọi điện. Từ khi tôi có vụ rắc rối đến nay, cứ hai, ba ngày Kiểng gọi một lần. Kiểng nói thêm về Hoàng Duy Hùng: Hùng còn trẻ, mới gia nhập Đảng Ðại Việt (của Hà Thúc Ký). Cách đây mấy năm Hùng có về Việt Nam làm du lịch. Bị CA bắt nhốt ở khám Chí Hòa một năm, sau đó về Mỹ rêu rao thành tích chống Cộng. Hùng có tìm đến phò tá Nguyễn Hữu Chung ở Canada nhưng Chung đánh giá nông cạn và tầm thường nên không hợp tác.

    Kiểng hỏi thăm vụ chùa Long Thọ ở Ðà Lạt bị phá như thế nào nhưng tôi không tìm hiểu kỹ vụ này, chỉ thuật lại các tin trên báo, đài bên này chứ chưa hiểu bên trong còn có vấn đề gì khác.


    Thứ bảy 14/12/96

    Tôi mới đọc xong hồi ký của Trần Vàng Sao do Quốc cho mượn. Hồi ký viết năm 1993, ký tên thật Nguyễn Ðính, dài 134 trang, thuật lại quãng đời gian truân từ năm 1972. Thật là kinh khủng. Có lẽ Trần Vàng Sao là văn nghệ sĩ bị đày đọa nhiều nhất trong thời hiện tại theo kiểu Nhân văn-Giai phẩm ngày xưa. Trần Vàng Sao sinh ngày 12/12/1942 tại Huế. Bố mất sớm, mẹ bán cháo lòng, cố nuôi anh vào được đại học. Anh là một trong những sinh viên Huế đầu tiên “giác ngộ cách mạng”, được kết nạp Đảng và thoát ly ra rừng từ năm 1965, công tác ở Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế. Năm 1969 anh bị thương, được đưa ra Bắc điều trị và an dưỡng. Do hai “đồng chí” Trần Nguyên Vấn và Nguyễn Viết Trác nghe anh nói chuyện, đọc trộm nhật ký của anh đã báo cáo để lập công với tổ chức, phát hiện anh là một tên “phản động chống Đảng”. Thế là từ ngày 25/1/72, tại Viện Ðiều dưỡng K65 ở Thị xã Sơn Tây, anh bắt đầu bị điều tra, coi như một tên gián điệp cài vào tổ chức.

    Căn cứ vào những điều anh ghi suy nghĩ của mình trong nhật ký và một số bài thơ, người ta buộc anh đủ thứ tội: Kêu gọi biểu tình, viết báo chữ to để lật đổ chế độ. Ðòi bắn cả Trung ương Ðảng. Cho triết học Marx-Lenin là một thứ triết học hành chính, không có đối thoại. Nói xấu Bác Hồ và Bác Tôn. Khinh miệt trí thức và văn nghệ sĩ miền Bắc không có óc phản tỉnh và suy nghĩ độc lập, không có tư cách của người cầm bút. Phê phán Ðảng độc tài, cho chủ nghĩa xã hội chỉ có trong sách vở. Dám nói nếu không có cuộc kháng chiến chống Mỹ hiện nay thì xã hội miền Bắc chỉ là một vũng bùn lộn cứt, thủ đô Hà Nội nhớp nhất thế giới...

    Người ta tổ chức phát động một cuộc đấu tố anh ngay tại Viện Ðiều dưỡng. Gần 300 con người, mới hôm qua còn là đồng chí, nay lập tức coi anh là kẻ thù. Họ gọi anh bằng thằng, tên phản động chống Đảng, tên gián điệp, đồ dơ dáy, đồ chó đẻ... yêu cầu trừng trị đích đáng, nhiều người đòi đem xử bắn. Từ đó anh bị giam lỏng, bị thẩm vấn thường xuyên và sống trong một tập thể mà hầu hết nghi kỵ, xa lánh hay coi anh như thù địch, đến nỗi anh muốn nhìn đồ vật cây cối, gỗ đá hơn nhìn con người trong hơn 3 năm. May cũng còn có vài bạn thân thỉnh thoảng dám lui tới thăm viếng.

    Ðến 75, lúc sắp giải phóng Miền Nam, nhờ một số bạn bè văn nghệ có chức quyền can thiệp, anh được đưa trở về Huế. Nhưng tại đây, ngay cơ quan cũ cũng không dám tiếp nhận anh, bất đắc dĩ phải bố trí anh làm một số công việc vớ vẩn, kể cả làm liên lạc cho Ủy ban xã. Bạn bè “cách mạng” nhiều người xa lánh, bạn bè “ngụy” cũng sợ không dám gần. Anh sống lạc lõng và nghèo đói. Rồi anh lấy vợ, sinh con, nhà thường xuyên thiếu gạo ăn, quá chán ngán tổ chức nên bỏ việc về nhà. Mãi cho đến năm 93, lúc viết hồi ký, anh vẫn sống cuộc sống đi vô, đi ra, bửa củi quét nhà, đi chợ, nấu ăn và thường xuyên bị nhòm ngó.

    Trần Vàng Sao hơn tôi 3 tuổi, cùng một thế hệ sinh viên Huế dấn thân những năm 60. Ðó là một thế hệ đầy lòng phản kháng đối với bất công áp bức, nhiệt tình yêu nước và sẵn sàng xả thân cho lý tưởng. Bi kịch của anh là đã “giác ngộ cách mạng” sớm nhất và cũng “giác ngộ phản cách mạng” sớm nhất và đã dám nghĩ, dám sống như một người trí thức trung thực. Hồi ký của anh là một bằng chứng sống động về sự tàn bạo và nhẫn tâm của tổ chức và con người đối với con người, khi chủ nghĩa, sự cuồng tín giáo điều, sự phản bội hèn hạ, lòng tham quyền lực, tính cầu an ích kỷ nhào trộn vào nhau trong một giai đoạn lịch sử khủng khiếp được gọi là thần thánh.

    Tôi ngẫm lại và thấy mình vẫn còn may mắn hơn Trần Vàng Sao nhiều vì lịch sử đã đi thêm một bước mới, mọi chuyện đã khác nhiều, dù có người vẫn cố cưỡng lại.

    Buổi chiều, vợ chồng HSP đến ăn tối như đã hẹn. Yến bận rộn không nấu được nên chỉ mua ít thịt vịt, cháo vịt, giò chả và xôi vò. Hai người đi bộ đến nhà tôi vì đã lâu HSP không được đi [khoảng 3 cây số, không biết có “dắt tay nhau” hay không]. Chúng tôi lại hàn huyên đủ mọi chuyện.

    Ðang ăn thì Hoàng Tiến từ Hà Nội gọi vào. Cả 4 chúng tôi cùng nghe. Hoàng Tiến đã 63 tuổi mà giọng vẫn rổn rảng, đầy khí lực. Tiến hỏi thăm việc HSP về nhà và việc của tôi. Tiến cho biết vẫn bình an và đang viết một bài về việc đón tiếp HSP ở trại giam và đề nghị chúng tôi cũng viết bài về việc đón tiếp ở trong này để “trao đổi văn hóa”. Sau bài “Về việc ông HSP bị bắt”, Tiến đã viết một bài dưới dạng thư gởi cho Nguyễn Văn Trấn, nay lại “thừa thắng xông lên” viết nữa. Thật đáng mừng khi chúng tôi có thêm người “chia lửa”.

    Biên nói thêm là sau khi viết bài về HSP, Tiến đã chuẩn bị ba lô đựng quần áo thật (như anh đã có viết trong bài) để khi CA gọi là sẵn sàng đi ngay. Ðúng là thái độ “quyết tử cho chân lý”, dám chấp nhận trả giá cho điều mình tin tưởng, cho việc mình làm. Ðó là khí phách của kẻ sĩ. Mong rằng sĩ phu Bắc Hà sẽ có thêm nhiều Hoàng Tiến.


    Chủ nhật 15/12/96

    Tối hôm qua, ăn xong tôi lại bị đau bụng ngay. Ðúng là cái bụng quen chay tịnh theo phương pháp Yoga của tôi đã hại tôi trong những trường hợp này. Ðịnh đi làm vườn đôi chút nhưng đành chịu. Trong một đêm một ngày tôi phải ra vô toa-lét hơn 20 lần quá mệt. Uống một lúc mấy loại thuốc đông, tây y vẫn chưa bớt.

    11g30 đêm, Anh Thái từ Mỹ gọi lúc chúng tôi đã ngủ. Thái báo sắp đi Ðông Âu và Pháp, sẽ gặp những người quen của tôi và thay tôi uống thêm ly rượu mừng Giáng Sinh với họ. Thái hẹn khi về lại Mỹ, ngày 29/12 sẽ gọi cho tôi để thu lời chúc Tết của tôi với thính giả VNCR trong chương trình dành cho những người đã cộng tác với đài trong năm 96.


    Thứ hai 16/12/96

    Yến đi dạy về kể có gặp một người quen nói chuyện. Người này có mối quan hệ với một cán bộ CA. Ðược cán bộ này cho biết CA biết rõ HSP đã có một dự định hay chương trình gì đó, và nếu HSP thực hiện thì CA sẽ bắt lại ngay. Tôi nhận định đây chỉ là sự hù dọa. Chắc chắn HSP không làm gì lúc này vì anh phải nghỉ ngơi dưỡng sức. Nếu có làm gì thì cũng chỉ là viết thôi. Tuy nhiên nguồn tin này cũng chứng tỏ rằng CA đang giám sát HSP chặt chẽ.

    Khoảng 9g sáng Lĩnh gọi điện báo và sau đó đến ngay. Lĩnh mang tặng mấy tấm ảnh chụp chung hôm đón HSP ở sân bay và hỏi muốn sang thêm những tấm nào khác để Lĩnh sang giúp. Chúng tôi nói linh tinh về tình hình và Lĩnh tỏ ra vui vẻ.

    11g30 trưa, Cẩm Thạch em gái tôi ở Quảng Ngãi gọi điện vào hỏi thăm và cho biết 1 bạn cũ của em là một Việt kiều ở Thụy sĩ mới về nước điện hẹn gặp Thạch ở Sài Gòn. Khi hỏi thăm về gia đình, biết tôi là anh của Thạch, người này nói đã đọc các bài tôi viết về HSP. Thạch ngạc nhiên sao có người ở nước ngoài lại biết về tôi nhiều hơn là Thạch biết về anh mình. Thực ra anh em chúng tôi đều có cuộc sống riêng và ở xa nhau, lâu lâu mới gặp hay gọi điện. Nhiều việc tôi làm anh em không biết.


    Thứ bảy 17/12/96

    Yến đi nhận tiền 700.000đ của hai con gởi tặng bố mẹ. Từ khi đi làm, lúc nào về thăm nhà hay lâu lâu hai con mới gởi ít tiền cho chúng tôi. Hai con tự lập được là chúng tôi mừng rồi. Sống ở đất Sài Gòn, ra đời không vốn liếng, xoay xở kiếm sống không phải dễ. Ðiều quan trọng là giữ được tình cảm gia đình và hai con không làm gì ngược lại với những điều chúng tôi mong mỏi: Khỏe mạnh, vui sống, cầu tiến, có nhân cách, có tình có nghĩa và làm được điều gì có ích cho đời. Thế hệ của các con hôm nay lúc vào đời khác xa thời của chúng tôi ngày trước. Vất vả hơn, ít lý tưởng hơn nhưng xông xáo và nhạy bén trong việc đương đầu với đời sống.

    Chúng tôi muốn hai con về nhà gặp bố mẹ nói chuyện vào thời gian này, nhưng chúng chưa thu xếp ngay được. Dù không đề cập nhiều sợ Yến lo nhưng tôi vẫn nghĩ bất cứ lúc nào tôi cũng có thể bị bắt. Tôi muốn cả nhà sẽ bàn cụ thể về tình huống đó và hai con cần giúp mẹ những gì khi tôi đã vào trong trại giam. Dù sao đi nữa, rõ ràng đó không phải là một tình huống dễ chịu đối với gia đình tôi, nhất là với Yến, khi ở một mình trên này. Yến đã chuẩn bị tinh thần cho việc này và tỏ thái độ can đảm chấp nhận. Tôi thầm cám ơn Yến rất nhiều về sự chia sẻ này mà tôi biết không phải người vợ nào cũng có được. Yến và tôi đã cùng nhau vượt qua bao buồn vui, bao chặng đường khổ ải. Vào giai đoạn quá nửa đời sau 26 năm chung sống, Yến vẫn còn vất vả và lo khổ nhiều, ít được nghỉ ngơi vui vẻ. Dù sao điều quan trọng là chúng tôi vẫn còn có nhau, vẫn chung cùng một cuộc chiến đấu.


    Thứ tư 18/12/96

    6g kém 20 sáng, tôi nghe đài VOA phát bài phỏng vấn HSP do Thái Phong thực hiện. HSP nói khá nhiều việc: Thái độ đối xử của Nhà nước, sự đón tiếp của bạn bè, tác động của dư luận trong và ngoài nước, tính chất ôn hòa của người Việt Nam, sự hiểu biết lẫn nhau, sự mâu thuẫn trong nội bộ Đảng CS ở cấp cao, chuyện diễn biến hòa bình...

    Tôi hiểu việc HSP trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài hiện nay là một việc không dễ dàng. HSP vẫn là HSP. Trục chính tư tưởng của anh, cũng như của tôi và nhiều bạn bè khác, là hòa giải hòa hợp hướng về dân chủ lồng trong một cuộc đấu tranh ôn hòa bằng sự trung thực và dũng cảm của người trí thức. Nói thế nào để mọi người hiểu rõ mình nhưng Nhà nước không xem đó là thái độ khiêu khích. Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng thực ra đó là việc của một người làm xiếc đi trên dây tử thần, sơ sẩy là mất mạng như chơi.

    Cách ứng xử như thế nào cho phù hợp trong những tình huống tế nhị và hiểm nghèo? HSP đã kể cho tôi nghe hai trường hợp mà anh phải chọn lựa rất khó khăn. Một lần khi ở trong tù, người ta tổ chức cho tù làm báo tường và mời anh tham gia viết bài. Viết hay không, nếu viết phải viết như thế nào? Cuối cùng anh quyết định tuyên bố: Tôi là một người cầm bút chỉ viết trong tự do, nay tôi mất tự do nên không thể viết được. Tuy nhiên tôi cũng có khiếu trình bày nên tôi sẵn sàng giúp phần trình bày cho tờ báo. Lần khác, trong phiên tòa, người ta hỏi anh một câu mà anh hiểu (và sau này được xác nhận) tùy theo câu trả lời của anh mà anh sẽ được trả tự do ngay hay phải ở tù thêm 3 tháng nữa, khi anh nói lời cuối cùng. Chủ tọa hỏi: Có phải anh định nói anh mong được tòa xét xử một cách công minh không? Anh đã phản đối chủ tọa cắt lời anh và nói: Tôi không quan tâm đến việc xử nặng hay nhẹ mà vấn đề là tôi phải nói sự thật và là người trung thực.

    Tình hình của tôi hiện nay có phần tương tự với HSP. Ðây là một cuộc chiến tranh tâm lý và cân não với một đối thủ có sức mạnh áp đảo về bạo lực và khi cần sẵn sàng sử dụng bạo lực, chứ không phải chỉ lý lẽ hay luật pháp. Chúng tôi không sợ bị bắt nhưng nếu không bị bắt vẫn tốt hơn.

    Mấy hôm nay, đọc lại luật pháp, tôi thấy có các điều khoản sau đây giúp tôi chống lại mọi sự buộc tội tôi, nếu luật pháp thực sự được tôn trọng:


    Hiến pháp nước CHXHCN VIỆT NAM năm 1992

    Ðiều 50:

    Ở nước Cộng Hòa XHCNVN, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong hiến pháp và luật.

    Ðiều 53:

    Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

    Ðiều 69:

    Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

    Ðiều 146:

    Hiến pháp nước CHXHCNVN là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất.
    Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với hiến pháp.


    Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền (Liên Hiệp Quốc 10/12/48)

    Lời nói đầu:

    Nhân quyền phải được pháp luật bảo đảm, để mỗi con người không còn bị buộc phải - khi không còn cách nào khác - nổi dậy đấu tranh chống lại sự tàn bạo và áp bức.
    ... Các nước thành viên cùng với tổ chức LHQ đảm bảo thừa nhận và duy trì các quyền cơ bản cùng những tự do cơ bản của con người.

    Ðiều 19:

    Mỗi người đều có quyền tự do có ý kiến và phát biểu, quyền này không cho phép bất cứ ai phải lo ngại vì có những ý kiến của mình và bao gồm cả quyền tìm kiếm, thu nhận và truyền bá các thông tin và các ý tưởng, bất chấp biên giới, bằng bất cứ phương tiện nào.

    Ðiều 30:

    Không điều nào của Bản Tuyên ngôn này có thể được lý giải theo lối để cho bất kỳ quốc gia, nhóm hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành một hoạt động hay thực hiện một hành vi nhằm phá hoại các quyền và các tự do đã được nêu lên trong Tuyên ngôn này.

    Dĩ nhiên người ta sẽ có nhiều cách diễn giải luật pháp và áp dụng nhiều văn bản luật khác đi ngược lại tinh thần và nội dung của các điều khoản trên để buộc tội. Nhưng rõ ràng khi buộc tội như thế, họ không thể nào né tránh việc vi phạm dân chủ, dân quyền và nhân quyền. Ðó là cái giá họ phải trả.

    Lựa chọn một cách ứng xử đúng đắn nhất hiện nay, trong một tình huống có thể nói là tế nhị và hiểm nghèo, tôi quyết định vẫn tiếp tục sử dụng quyền tự do tối thiểu của mình là phát biểu ý kiến về mọi vấn đề như đã làm từ trước. Ðó cũng chính là lòng tự trọng và nhân cách, chưa nói đến tinh thần bất khuất trước bạo lực. Mặt khác, tôi hoàn toàn có thiện ý, sẵn sàng xem xét lại nội dung và phương pháp việc làm của mình, thận trọng và chặt chẽ hơn để có hiệu quả cao nhất và không bị kẻ xấu lợi dụng. Tuy nhiên, tôi cũng yêu cầu Nhà nước xem xét lại cách nhìn nhận và đối xử với những trí thức, văn nghệ sĩ và những người bất đồng chính kiến kể cả trong và ngoài nước. Có như thế, hòa giải hòa hợp dân tộc mới được thực hiện và tiềm lực của dân tộc mới được phát huy để xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.”
    Trong tinh thần đó, tôi muốn đặt tựa đề của tập nhật ký trong giai đoạn này là Tôi bày tỏ thay vì Tôi tố cáo.

    Ðà Lạt tháng 11,12/96

     


    LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ