LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Giao lưu, hội nhập văn học Việt Nam trong và ngoài nước


 

Tiêu Dao Bảo Cự

Tự thân giao lưu, hội nhập không phải là điều xấu. Trái lại việc đó còn cần thiết, rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên việc giao lưu, hội nhập nhằm mục đích gì, trong điều kiện nào, phương thức thực hiện ra sao là những khía cạnh cần trao đổi để làm sáng tỏ. Cách đặt vấn đề như thế hi vọng có thể dễ được mọi người chấp nhận.

Cùng một vấn đề nhưng có thể tách thành hai phần để dễ phân tích: giao lưu giữa các nhà văn và hội nhập văn học trong và ngoài nước. Hai vấn đề này không tách rời mà trộn lẫn, tác động lẫn nhau.

Giao lưu ở đây theo cách tôi đặt vấn đề từ nhiều bài viết trước là những cuộc “gặp gỡ văn nghệ tự do”. Tự do đương nhiên là… tự do, tùy thích. Trước hết văn nghệ sĩ vốn thích tự do và “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Đây là chuyện hiển nhiên trên toàn thế giới, từ đông sang tây, tự cổ chí kim. Và từ đó hình thành những xu hướng, trường phái, những nhóm hội, thi văn đoàn hay chỉ là để… chơi. Ở Việt Nam, từ xưa đã có những “văn đàn”, “thi xã”; thời tiền chiến có Tự lực Văn đoàn và một số nhóm khác đã đóng vai trò đặc biệt trong một giai đoạn văn học. Miền Nam trước 1975 có các nhóm Sáng Tạo, Ý Thức, Trình Bày, Việt - Đối Diện… quy tụ nhiều văn nghệ sĩ chung quanh các tạp chí văn học nghệ thuật, chính trị xã hội. Miền Bắc trước đây và cả nước hiện nay lại khác hẳn, chỉ có các hội của nhà nước. Văn nghệ sĩ tham gia các hội này vì gần như bắt buộc, không có chỗ nào khác để sinh hoạt, có một số quyền lợi nhất định, được nhà nước hỗ trợ nhưng lại không thể có lựa chọn riêng, không được tự do thể hiện quan điểm sáng tạo của mình nếu trái với đường lối chính sách. Mặt khác, những chuyện “đấu đá” phi văn nghệ nhằm tranh giành địa vị, quyền lợi trong các hội đã làm nhiều hội viên chán ngán.

Mấy năm gần đây, tình hình chung đã trở nên thông thoáng hơn, đặc biệt với sự phổ biến và tiện ích lớn lao của Internet, cũng như việc đi lại thuận lợi giữa trong và ngoài nước, không ít văn nghệ sĩ đã có thể công bố tác phẩm của mình, trao đổi với nhau trên mạng hay gặp gỡ trong đời thực. Một số người đã cảm thấy thoải mái trong chuyện này và không cần đặt ra thành vấn đề để hô hào hay tranh cãi. Tuy nhiên điều gọi là “gặp gỡ, hội nhập giữa các nhà văn trong và ngoài nước” không phải là vấn đề “không có thật” như có người nhận định. Nó vẫn là vấn đề và thực tế đối với đa số không dễ dàng. Có rất nhiều ngăn trở tự thân và ngoại lai làm người ta không thực hiện được.

Ngay từ cơ bản của cách đặt vấn đề đã là điều cần phải trao đổi. Không cần so sánh với tình hình xa xôi ở các nước khác, ở Việt Nam rõ ràng “thời Tự Đức” khác “thời Nông Đức Mạnh”. Và tôi không thể, không “nỡ” so sánh Tôn Thọ Tường – Phan Văn Trị với nhà văn trong nước – nhà văn hải ngoại như cách lý luận và dùng chữ của Trần Văn Tích (Ý kiến ngắn ngày 16/1/08). So sánh như thế khác nào bảo các nhà văn trong nước đều là kẻ bán nước và chỉ có nhà văn hải ngoại mới là người yêu nước. Ai có thể chấp nhận điều này? Dù đã từng đứng về hai phía trong cuộc chiến tranh, dù hiện nay kẻ ở trong guồng máy của chế độ, người ở nước ngoài, có thể nói tuyệt đại bộ phận các nhà văn bất kể trong hay ngoài nước đều là những người yêu nước. Điều khẳng định này không cần phải chứng minh. Không thể đem hận thù quốc – cộng trùm phủ lên mọi giá trị, xóa nhòa nhận thức đúng sai.

Hiện nay, ngoài các tạp chí mạng, còn có nhiều trang web và blog cá nhân của văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Ở đó, người ta mời gọi nhau, giới thiệu cho nhau, gặp gỡ giao lưu với nhau và đã tìm được ở nhau rất nhiều đồng cảm, hứng thú. Việc đó là cần hay không cần, nên hay không nên hô hào và nhân rộng?

Có người cho là không cần, vì tự họ đã làm. Điều đó quá tốt. Có người thích làm và cổ võ mọi người cùng làm. Nào có gì sai. Mỗi người làm theo cách của mình, đâu có gì mâu thuẫn để chống đối hay khích bác nhau. Hơn nữa, mục tiêu lại gần như đồng nhất. Gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, đối thoại, tranh luận nhất định sẽ làm người ta hiểu thêm, thông cảm nhau, đi đến đồng thuận, kết tình thân, chung sức cho tương lai. Lẽ nào những điều này là vô ích? Lẽ nào lại không“được”gì?

Hội nhập văn học Việt Nam trong và ngoài nước nhất định là cần thiết. Văn học Việt Nam bao gồm toàn bộ tác phẩm văn học của người Việt Nam bằng tiếng Việt, bất kể ở đâu, trong hay ngoài nước, bất kể thời đại nào, ngay cả những sáng tác viết bằng chữ Hán ngày xưa, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc, đã được đương nhiên thừa nhận. Trên nguyên tắc, đồng thời cũng là nguyện vọng chính đáng của người đọc, người Việt Nam có quyền đọc bất cứ tác phẩm nào trong nền văn học Việt Nam.

Thế nhưng hiện nay người trong nước không được đọc hầu hết tác phẩm văn học của miền Nam trước 1975 và của hải ngoại. Ngược lại, ở hải ngoại, mấy ai được đọc tác phẩm của tác giả trong nước. Đó là một sự thiếu sót, phi lý, què quặt. Làm sao sách dịch của các tác giả nước ngoài tràn ngập mà sách của người Việt lại bị cấm? Nếu văn chương là tâm tình, là suy tưởng, là cảnh đời, là hoài niệm mang chứa diện mạo và nội tâm của con người, nhưng cùng là người Việt đồng bào, không đọc nhau làm sao hiểu được nhau, nói chi đến hòa giải hòa hợp. Chưa kể do đặc điểm của lịch sử trong giai đoạn đất nước phân ly, còn biết bao điều trong nội dung các tác phẩm này cần được nhìn nhận lại, trong bao dung và tỉnh thức. Chế độ này có thể ngăn cấm trong một thời kỳ nào đó nhưng chế độ nào cũng sẽ thay đổi, mất đi và văn học, dân tộc sẽ mãi trường tồn.

Dĩ nhiên ai cũng biết rằng có tình trạng trên trong văn học cũng như những ngăn trở trong vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc có cốt lõi nguyên nhân nằm ở chỗ khác. Nói rõ ra đó là do đường lối chính sách của Đảng và nhà nước hiện nay, và cả sự chi phối của một số người có ảnh hưởng trong “Cộng đồng người Việt Tự do” “chống văn hóa vận cộng sản” như có người đã phân tích (Ý kiến ngắn của Phạm Quang Tuấn ngày 11/1/08). Trong khi chưa thay đổi được đường lối chính sách và sự chi phối đó chẳng lẽ không còn con đường nào khác để thoát ra tình trạng què quặt, phi lý nói trên?

Vẫn dưới chế độ toàn trị nhưng trong 30 năm qua, có hai sự kiện lớn làm thay đổi tình hình đất nước, đó là việc khoán trong nông nghiệp và sự thắng thế của kinh tế thị trường. Hai sự kiện này đã giúp đưa đất nước ra khỏi nạn đói và sự suy thoái bên bờ vực thẳm, khơi dậy tiềm lực của nhân dân và từng bước hội nhập vào thế giới. Kết quả này, Đảng Cộng sản nói nhờ Đảng lãnh đạo đổi mới nhưng thực tiễn là do chính nhân dân xé rào, chống lại các chủ trương giáo điều, duy ý chí của Đảng, buộc Đảng phải đi theo thực tiễn, ý chí và trí tuệ của nhân dân. Việc giao lưu, hội nhập văn học nằm trong ý nghĩa đó. Bằng mọi cách sáng tạo của mình, các nhà văn và người đọc hoàn toàn có thể “xé rào” để hội nhập văn học trong và ngoài nước, góp phần vào việc hòa giải hòa hợp dân tộc, dân chủ hóa đất nước. Làm được như thế, chúng ta sẽ “được” rất nhiều, cho nhà văn và cho nhân dân mà không cần ai “phát vé” (chữ dùng của Trần Trọng Hoàng Bách). Trong tinh thần tự do, “xé rào” này, ai đâu muốn vào nhà hát, hội trường nào mà cần đến vé.

Không phải chỉ cần giao lưu, hội nhập trong văn học mà trên tất cả mọi lãnh vực. Chúng ta nói đến văn học ở đây vì chúng ta là những người cầm bút và vì văn học nghệ thuật là lãnh vực nhạy cảm nhất, dễ có hiệu quả nhanh nhất, trong việc tiến đến hòa giải hòa hợp của toàn dân tộc.

Nghe nói đến “hòa giải hòa hợp”, “giao lưu, hội nhập trong ngoài”, một số người chỉ coi đó là chiêu bài của cộng sản. Đúng là đã có những chiêu bài lừa bịp nhưng không phải tất cả đều là chiêu bài và tất cả đều là độc quyền của người cộng sản. Qua kinh nghiệm lịch sử, cho đến nay, người dân đã có thể phân biệt cái gì đúng, cái gì giả và cần làm gì để cho cái đúng được thực hiện.

Trên lãnh vực chính trị, hiện nay vẫn còn những người “chống cộng đến cùng”, “không đội trời chung với cộng sản”, thậm chí “thề tiêu diệt đến người cộng sản cuối cùng”. Nhưng nếu lật đổ cộng sản không được, không muốn hòa giải hòa hợp với người cộng sản, những người chống cộng này sẽ nuôi dưỡng lòng thù hận cho đến hết đời. Trong kinh nghiệm thất bại của mình, họ còn mặc cảm sợ bị “sập bẫy cộng sản” đối với những chiêu bài hòa giải hòa hợp. Đó là nhận thức, lựa chọn của một số người, có lý do và là quyền của họ, không ai can thiệp được nếu họ không tự nhìn nhận ra vấn đề.

Có quan niệm cho rằng việc ứng xử của con người nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng trước hoàn cảnh lịch sử cần tuân theo một số nguyên tắc phổ quát, nhưng nguyên tắc là do con người đặt ra, lựa chọn, có thể thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh, con người…, chứ không phải bất di bất dịch. Rõ ràng châu Âu không phải là Việt Nam, thời Tự Đức khác hẳn với thời đại hiện nay, một tình hình chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. Chân lý cũng rất tương đối. Chỉ có thực tiễn kiểm nghiệm chân lý chứ không ai có thể tự mình tuyên bố chân lý.

Có người nói nguyên tắc là khi đã ra đi “tị nạn” thì không thể trở về khi “nạn” vẫn còn. Một nguyên tắc quá đơn giản, không đáp ứng được những nhận thức đa dạng về thực tiễn lịch sử phức tạp hiện tại. Đối với đại đa số người Việt, dù hiện nay những người cộng sản đang cầm quyền, nhưng đất nước này không phải là của riêng những người cộng sản và mọi người cần làm những gì có thể làm được để dân chủ hóa đất nước, làm cho nhân dân bớt khổ, cho đất nước ngày thêm phát triển, hùng mạnh. Riêng đối với tôi, và một số người khác trong nước, có lúc đã có tâm trạng là kẻ lưu vong ngay trên chính đất nước mình (Hà Sĩ Phu và tôi đã từng nói ra điều này trong các bài viết của mình), nhưng không phải vì thế mà buông xuôi tất cả hay tìm cách bỏ nước ra đi. Những người vượt biên tỵ nạn cộng sản sau năm 1975 ở trong hoàn cảnh khác, nhưng cho đến nay, nhiều người trong số họ vẫn về nước thăm gia đình, đi du lịch, làm công tác từ thiện…, không ít người muốn trở về sống hẳn và chết trên quê hương mình. Những việc làm và ước nguyện đó có gì sai trái, “sai nguyên tắc”? Ngược lại, chính những việc làm đó đã góp phần từng bước vào việc hòa giải hòa hợp dân tộc, đi đến “giải nạn”.

Mỗi người sống theo nguyên tắc của mình nhưng không nên, không thể áp đặt, buộc người khác phải làm theo, dù chỉ trên lý luận. Chỉ có những chế độ độc tài toàn trị làm như thế. Và rõ ràng điều đó chẳng hay ho gì.

“Đáy địa ngục được lót bằng những thiện chí tốt đẹp”. Nhiều trường hợp đã là như thế, nhưng nếu không có thiện chí, bao dung, chia sẻ và yêu thương, cả thế giới này chắc chắn đã trở thành địa ngục.

Chỉ tranh cãi trên câu chữ, bắt bẻ tiểu tiết, cuộc tranh luận sẽ bất tận và không có kết quả gì nên tôi nghĩ, tốt hơn để cho cuộc sống trả lời.

Hầu như mọi người cầm bút đều biết và hiểu giá trị của câu nói nổi tiếng: “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Đà Lạt 24/1/2008

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ