LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Tiếp tục suy nghĩ sau Vesak 2008


 

Tiêu Dao Bảo Cự

 

 

Bài viết “Suy nghĩ sau Vesak 2008 ở Việt Nam” của tôi công bố trên talawas ngày 26-5-08, chỉ sau vài hôm đã có những hiệu ứng và phản hồi. Nhiều thư từ của bạn bè nhận định, đánh giá, phân tích thêm. Trên 10 trang web và tạp chí đăng lại, trong đó có cơ quan ngôn luận của các tổ chức Phật giáo. Lại còn cả radio phát thanh bài viết và một vài diễn đàn của các nhóm trên mạng dùng làm đề tài thảo luận. Đây là niềm vui của tác giả vì thấy rằng mình đã nêu được những vấn đề mà nhiều người quan tâm và trao đổi.

 

  • Xác định thái độ và lập trường

 

Đặc biệt có hai bài viết dài của Tôn Nữ Hoàng Hoa (Vietnam Review ngày 31-5-08) và Huy Lâm (Đối thoại ngày 2-6-08).

Đáng tiếc bài của Tôn Nữ Hoàng Hoa là một điển hình của lối “phê bình chụp mũ”, không khác mấy những bài gọi là vạch trần “Mặt thật” trên báo “An ninh thế giới” trong nước viết về những “tên phản động chống đảng”.

 

Đầu tiên là “xét lý lịch” tác giả. Nhưng cách xét lý lịch này rất hời hợt, hồ đồ bằng cách lấy một vài thông tin trên mạng, thiếu sót, không bảo đảm độ chính xác, thua xa trình độ “xét lý lịch ba đời” của cộng sản Việt Nam. Tiếp theo là “chụp mũ”, ở đây là “chụp nón cối”. Người viết hình như không hiểu hay không cần hiểu bất cứ một câu nào trong toàn bài viết mà chỉ căn cứ vào một vài từ, vài ý  rồi liên hệ, suy diễn để xuyên tạc, lên án bằng những luận điểm không có một chút lý luận nào. Dĩ nhiên Tôn Nữ Hoàng Hoa hay bất cứ ai thù ghét cộng sản, “không tin vào những người cộng sản phản tỉnh” hoàn toàn là quyền, nhận thức, tâm trạng của mình, không ai can thiệp vào được, nhưng hành động “chụp nón cối” lại là chuyện khác. Như thế, với bài viết của Tôn Nữ Hoàng Hoa không có gì đáng để trao đổi, tranh luận.

 

Thái độ khách quan và lập trường dân tộc của tác giả  thể hiện trong bài viết “Suy nghĩ sau Vesak…” mà việc tóm tắt ở đây và nói rõ thêm một số điều cũng là cách trao đổi lại những gì mà bài của Huy Lâm và một số người khác chưa hiểu hết ý của tác giả.

 

Bài viết có dàn bài rõ ràng với những tiểu mục:

 

-    Một sự kiện và mốc dấu lớn: Ghi nhận sự kiện Vesak được tổ chức “hoành tráng”  

    một cách khách quan, không phải chỉ ở trung ương Hà Nội mà trên cả nước.

-          Nhà nước thắng lợi hoàn toàn? Phân tích thắng lợi và trả giá của nhà nước trong việc tổ chức Vesak. Việc chứng minh Việt Nam có tự do tôn giáo là ý đồ của nhà nước chứ không phải là nhận định của người viết. Dĩ nhiên người viết không thừa nhận Việt Nam hoàn toàn có tự do tôn giáo vì đã nêu ra ngay những chuyện bức hại tôn giáo. Cần hiểu đúng tác giả trong lối viết hàm ý, có tính gợi mở này. Thí dụ khi nhắc lại chuyện một thượng tọa lên tivi ca ngợi tư tưởng Hồ Chí Minh giống giáo lý Phật giáo và kết thúc bằng câu “Thật là một cách tuyên truyền ngoạn mục!” thì phải hiểu đó là ca ngợi, tán thành hay mỉa mai?

-          Phật giáo cũng thắng lợi lớn? Phân tích cái được và mất của Phật giáo qua sự kiện này, cũng qua cái nhìn khách quan.

-           Nguyên nhân và kết quả của tình hình. “Win-win” trong cuộc đấu tranh cho dân chủ? Những điều đáng suy nghĩ.  Tình hình tương đối cởi mở đối với tự do tôn giáo hiện nay là do sự đấu tranh kiên trì của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, các tổ chức và cá nhân đấu tranh cho dân chủ khác, đồng thời có sự góp phần của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong việc duy trì sinh hoạt tôn giáo dưới chế độ toàn trị khắc nghiệt với tôn giáo. Nhà nước cũng có thích nghi với tình hình mới trong việc đề ra chính sách đối với tôn giáo. Tuy nhiên qua Vesak, Phật giáo cần nhận rõ nguyên nhân và thực chất của việc thắng bại để khỏi rơi vào bẫy của nhà nước trong việc đấu tranh cho dân chủ, với đặc điểm không chiến tuyến, đối với chế độ độc tài toàn trị. Vấn đề lớn đặt ra là sự đoàn kết trong nội bộ giáo hội Phật giáo cũng như giữa các tôn giáo, bên cạnh đó cần loại bỏ tham vọng độc tôn tôn giáo. Nhìn nhận và hành xử đúng đắn mối quan hệ giữa phần tâm linh và thế tục là vấn đề sinh tử của các giáo hội trong mọi hoàn cảnh.

 

Các phân tích nêu trên là nhận định cá nhân của người viết, được đặt dưới dạng các dấu hỏi (?) thận trọng, đồng thời mời gọi sự suy nghĩ của người đọc.

 

Như thế, rõ ràng người viết đã cố gắng đứng ở một vị trí khách quan để nhận thức vấn đề, không bị tình cảm tôn giáo, sự thù ghét chế độ, thù ghét phe phái hay nóng lòng đối với ước muốn tự do dân chủ chi phối. Sự tỉnh táo này cần thiết cho cuộc đấu tranh, vận động dân chủ hóa đất nước.

 

  • Đặc điểm của việc tổ chức Vesak 2008

 

Vì đã có những cách nhìn nhận khác nhau, một lần nữa cần phân tích thấu đáo hơn những tính chất quan trọng của việc tổ chức Vesak vừa qua. Sự nhìn nhận này phải đặt căn bản trên các văn kiện, các phát biểu của những người trong cuộc, đồng thời trên thực tế của tình hình diễn ra vì sự thể hiện trên thực tiễn phức tạp, đan xen những ý đồ của nhà nước và của Phật giáo.

 

Nói Vesak 2008 của Liên Hiệp Quốc do nhà nước Việt Nam đăng cai, việc tổ chức do Phật giáo thực hiện với sự chỉ đạo, hỗ trợ của nhà nước là mô tả chính xác tình hình.

Trong diễn văn khai mạc, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát viết:

 

“Hòa trong không khí trang nghiêm thanh tịnh của mùa Phật đản, để kỷ niệm ngày Đản sanh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một bậc vĩ nhân của nhân loại, được sự ủng hộ của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, toàn thể Phật giáo đồ trên thế giới long trọng tổ chức đại lễ Phật Đản LHQ 2008 (UN Vesak 2008) tại thủ đô Hà Nội, một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của Việt Nam

… Một lần nữa, chúng tôi xin tri ân sự quan tâm của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc, các phái đoàn ngoại giao và các cơ quan quốc tế. Xin đảnh lễ tri ân chư vị tôn túc Tăng Ni và sự đóng góp của chư vị thiện tri thức, các vị học giả trên khắp thế giới. Đặc biệt, xin tri ân Đảng - Nhà nước và Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại lễ được thành công tốt đẹp”.

 

Đó là phát biểu chính thức có tính cách chính danh, trước các đại biểu và nhà nước, phổ biến trên toàn thế giới. Thế nhưng khi trả lời phỏng vấn Thanh Toàn, phóng viên SBTN, TS Lê Mạnh Thát lại nói:

 

“Chính phủ Việt Nam với tư cách là thành viên của Liên Hiệp Quốc, thực hiện nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, đã đăng cai Đại lễ này, để thực hiện  nghị quyết đó. Nghị quyết về vấn đề Đại lễ Phật Đản, thường được gọi là United Nations Vesak.

Mình phải thấy đây là một công tác đối ngoại của chính phủ Việt Nam là chính.

Phật Giáo thực tế là vai trò phụ mà thôi! Tại vì đây là của Liên Hiệp Quốc mà! Phật Giáo chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tại vì có liên hệ đến Phật Giáo! Những người làm ở đây là do chính phủ giao phó!

Đây là một hoạt động có tính cách chính phủ, có tính cách chính quyền. Hoàn toàn không phải là của Phật Giáo

 

Cùng một sự kiện, cùng một người nói, thời gian không xa nhau, nhưng hai nội dung hoàn toàn trái ngược nhau. Vậy đâu là thực chất của vấn đề? TS Lê Mạnh Thát có ẩn ý gì, muốn chứng minh, thanh minh, nhắn nhủ, đối phó điều gì? Tôi không dám suy diễn, chỉ nêu ra sự việc, nhưng rõ ràng nó phản ánh tính chất phức tạp của tình hình mà một người chủ chốt trong cuộc đã có rất nhiều băn khoăn, tính toán.

 

Tuy nhiên tính chất đối ngoại của nhà nước Việt Nam chỉ thể hiện chủ yếu trong các hoạt động cấp trung ương ở Hà Nội, còn ở các địa phương lại khác. Các địa phương, với sự hỗ trợ điều kiện phần nào của chính quyền, Phật giáo đã tổ chức Vesak cho mình là chính. Phật tử tham gia như Phật Đản mọi năm, nhưng đông đảo hơn, với sự đóng góp công sức nhiều hơn, với niềm vui và sự phấn khởi lớn hơn vì lễ được tổ chức rầm rộ, “hoành tráng”, lại có ý nghĩa quốc tế..

 

Câu nói “Đây là một hoạt động có tính cách chính phủ, có tính cách chính quyền. Hoàn toàn không phải là của Phật Giáo” không đúng với thực tế. Một số người nào đó có thể làm việc cho chính quyền, nhưng chắc chắn không phải tất cả Phật tử đều làm cho chính quyền và lễ Phật đản không phải là của Phật giáo lại càng vô lý, vì dù không có Vesak, Phật giáo vẫn tổ chức Phật đản.

 

  • Vấn đề hòa giải hòa hợp, đoàn kết trong nội bộ Phật giáo và giữa các tôn giáo

 

Phật giáo hiện đã bị chia cắt, có hai giáo hội, thân và chống chính quyền. Đó là một cách nói khái quát, không phản ánh đầy đủ thực tế tình hình. Nhà nước muốn khống chế các tôn giáo, điều đó đã rõ. Nhưng trong giáo hội gọi là thân chính quyền có bao nhiêu chức sắc, mà số người này lớn hơn nhiều so với chức sắc thuộc giáo hội chống chính quyền, là người của đảng và nhà nước cài cấy vào (là đảng viên, công an, có ăn lương, có vợ con); bao nhiêu thực tâm tán thành cách làm của đảng và nhà nước; bao nhiêu vì danh vọng, địa vị, quyền lợi; bao nhiêu vì bất đắc dĩ; bao nhiêu vì “khế cơ” để tồn tại… Tôi là người ngoài nhưng tôi không tin tất cả chức sắc của giáo hội gọi là thân chính quyền đều là người của đảng hay bị đảng chi phối hoàn toàn.

 

Về phía các chức sắc như thế, về phía Phật tử lại càng khác hơn. Phật tử vào chùa vì tin vào giáo lý đức Phật, trước chùa dù có treo bảng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, có thêm từ Thống Nhất hay không, cũng không thành vấn đề. Chẳng lẽ trước khi vào chùa phải xem bảng hiệu? Chẳng lẽ Phật tử vào chùa có bảng GHPGVN đều là thân chính quyền và vào chùa có bảng GHPGVNTN đều là chống chính quyền? Chẳng lẽ Phật tử vào loại chùa này thì không thể vào loại chùa kia hay không thể vào cả hai loại chùa? Chẳng lẽ một bảng hiệu lại có phép mầu (hay phép ma) có thể làm người ta lập tức biến thành một con người hoàn toàn khác?

 

Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay mà suy nghĩ như thế thật quá đơn giản, lại chỉ có lợi cho nhà nước vì vô hình dung đẩy đa số chức sắc và Phật tử về phía nhà nước và cô lập phần còn lại. Lẽ nào cách suy nghĩ “ai không theo ta là chống ta”, thậm chí trở thành “lực lượng xung kích” của nhà nước chống đối ta cũng diễn ra trong Phật giáo vốn nổi tiếng là hiếu hòa và bao dung? Cách suy nghĩ đó vừa trái giáo lý Phật giáo vừa ấu trĩ về chính trị.

 

Vậy chia rẽ trong Phật giáo, nếu có, chỉ ở một bộ phận nào thôi, chủ yếu ở một số chức sắc và Phật tử có ý thức và hành động chính trị rõ rệt, còn ngoài ra đông đảo tăng ni và Phật giáo đồ có thể không có vấn đề đó. Huy Lâm đã mâu thuẫn trong nhận định lúc cho rằng GHPGVN là tổ chức xung kích của nhà nước đánh phá GHPGVNTN trong khi thừa nhận rằng qua Vesak, cả hai giáo hội đều “giả mù sa mưa”, lợi dụng Vesak để biểu dương lực lượng, quảng bá giáo lý của Phật giáo, làm cho Vesak thực sự trở thành một lễ hội của quần chúng. Vậy hai giáo hội đã là đồng minh trong việc này hay chống đối nhau?

 

Vấn đề hòa giải hòa hợp, đoàn kết trong nội bộ Phật giáo chủ yếu đặt ra giữa hai giáo hội, dĩ nhiên là tự thân giữa hai giáo hội chứ không phải dưới sự chỉ đạo của đảng. Nếu nói hòa giải hòa hợp là để sát nhập giáo hội chống chính quyền vào giáo hội thân chính quyền thì đâu còn là hòa giải hòa hợp mà là sự “thôn tính”. Hai giáo hội có thể hòa giải, hòa hợp và chính quyền có thể cấm đoán việc đó không nếu hai giáo hội thực tâm và tự mình kiên quyết thực hiện? Đây là vấn nạn đặt ra cho hai giáo hội và hai giáo hội phải tìm cho được lời đáp nếu muốn thống nhất Phật giáo.

 

Trong “Thông điệp Phật Đản 2552” của Hòa thượng Huyền Quang có viết:

 

“Hôm nay hàng trăm triệu Phật giáo đồ trên thế giới đang hương hoa trầm đèn tỏ lòng hân hoan chào đón Đức Thích Ca ra đời. Cũng vậy, người Phật tử Việt Nam trong hay ngoài nước, đoàn tụ trước lễ đài vui mừng chào đón Khánh đản và rước Phật vào tâm trí. Hân hoan chào đón cùng phát tâm truyền đạt giáo lý cứu khổ trừ nguy của đức Thế tôn ra khắp mọi nơi và trên quê hương; chí thành trải rộng con đường vạn lý của Bồ tát hạnh để trang nghiêm thế giới và hòa hợp chúng sinh.”

 

Tôi tự hỏi thế nào là “trang nghiêm thế giới và hòa hợp chúng sinh”. Muốn hòa hợp chúng sinh, trước hết phải hòa hợp trong nội bộ Phật giáo. Không lẽ hai giáo hội thân và chống chính quyền là hai kẻ thù, lại là kẻ thù không đội trời chung? Phật giáo làm gì có kẻ thù. Bằng cách nào tôi không biết nhưng tôi nghĩ hòa giải hòa hợp trong nội bộ Phật giáo nhất thiết là điều phải làm.

 

Mở rộng ra là vấn đề đoàn kết các tôn giáo. Chẳng có tôn giáo đích thực nào chủ trương chia rẽ và chia rẽ tôn giáo chỉ có lợi cho đảng và nhà nước, làm yếu đi tiềm lực của dân tộc, điều đó có lẽ mọi người đều thừa nhận.

 

  • Vấn đề quốc giáo

 

Trong bài trước tôi có nêu vài suy nghĩ về vấn đề quốc giáo. Đây không phải là vấn đề lớn mà chỉ do liên tưởng khi đề cập vấn đề tôn giáo và thực tế cũng đã có một số bài viết trên mạng nêu ra ý tưởng hay tham vọng này, thầm kín hay rõ rệt. Đây chẳng phải là một “phản ứng quá nhạy cảm” vì theo  tôi, trong tình hình còn chế độ toàn trị này đặt ra vấn đề quốc giáo chỉ là chuyện không tưởng. Trong chế độ độc tài toàn trị thoát thai từ chế độ cộng sản, trước đây không dung nạp tôn giáo, bây giờ vẫn còn khống chế các tôn giáo mà nói chuyện quốc giáo không khác nằm mơ giữa ban ngày.

 

Những tham vọng, ý tưởng thể hiện trong các bài viết về mơ tưởng quốc giáo hay chống phá các tôn giáo khác nếu không thể hiện sự tự tôn, kiêu hãnh mù quáng thì cũng chỉ là phương thức để gây chia rẽ tôn giáo nằm trong ý đồ của nhà cầm quyền mà thôi. Tôi có cảnh báo là cảnh báo điều này chứ việc gì tôi phải “sợ hãi vô cớ”. Bao nhiêu việc kinh khủng hơn đe dọa số phận của dân tộc còn chưa sợ thì sợ làm gì chuyện “vớ vẩn” này.

 

Trên thế giới và qua lịch sử, quốc giáo là một vấn đề lớn và phức tạp đối với nhiều quốc gia. Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu sâu và thấy cũng không nên đặt nặng vấn đề này.

Có nhiều định nghĩa, cách hiểu về quốc giáo trong đó có quan niệm cho rằng quốc giáo  là sự độc tôn của một tôn giáo, chiếm ưu thế so với các tôn giáo khác, chi phối cả hoạt động chính trị quốc gia. Với lịch sử Việt Nam và lịch sử của các tôn giáo tại Việt Nam,  trong tương lai xa, một tôn giáo nào trở thành quốc giáo cũng là điều khó xảy ra. Mơ tưởng quốc giáo chỉ làm phức tạp thêm tình hình và gây chia rẽ dân tộc chứ không phải là điều gì tốt đẹp. Phật giáo là tôn giáo diệt tham, hòa bình nhưng trong Phật giáo cũng có những kẻ tham sân si đầy mình, dĩ nhiên chỉ là thiểu số. Đây cũng là tình trạng chung của các tôn giáo, không thiếu những kẻ cuồng tín nhân danh tôn giáo nhưng lại đi ngược với giáo lý cơ bản của tôn giáo mình.

 

Như đã xác định trong bài trước, tôi không phải là Phật tử, cũng không dính dáng gì đến nhà nước, không hiểu lắm nội tình Phật giáo ngoài những thông tin và biểu hiện bề ngoài mà ai chú ý theo dõi cũng biết. Tuy nhiên trong cuộc vận động dân chủ hóa đất nước, Phật giáo cũng như các tôn giáo khác đóng vai trò rất quan trọng nên vấn đề của Phật giáo cũng là vấn đề chung mà mọi người cần suy nghĩ và tham gia đóng góp.

 

Muốn đấu tranh cho dân chủ phải hiểu rõ hoàn cảnh, hiểu biết quần chúng, tập hợp được lực lượng quần chúng. Không thể yêu cầu quần chúng quá cao và khi họ không đáp ứng được thì  đẩy họ về phía đối phương. Sách lược của nhà cầm quyền đối với các tôn giáo là vận động “giác ngộ” tín đồ, tranh thủ tầng lớp trên bất cứ ai có thể tranh thủ được, cô lập, khống chế các phần tử chống đối, đã tỏ ra hữu hiệu trong nhiều năm. Không hiểu được điều này, đấu tranh cho dân chủ và tự do tôn giáo sẽ khó đạt thắng lợi. Có người còn cho rằng nếu chưa chấm dứt được chuyên chính thì không nên nói đến hòa giải hòa hợp dân tộc. Thật là mâu thuẫn. Không hòa giải hòa hợp thì nội lực dân tộc càng yếu, làm sao chống được chuyên chính. Chưa chấm dứt chuyên chính thì mãi mãi không hòa giải hòa hợp. Đúng là cái vòng lẩn quẩn của thất bại. Chiêu bài hòa giải hòa hợp quả thật là một ngón đòn lợi hại của nhà nước. Nếu mọi người dị ứng với cụm từ này, coi nó là độc quyền, cái bẫy của nhà nước, không có nội dung nào khác, các tầng lớp nhân dân không thể tự mình thực hiện, nhà nước đã thành công.

 

Bản thân tôi rất ngưỡng mộ và kính phục hai Hòa thượng Huyền Quang và Quảng Độ là những vị chân tu đạo đức, đồng thời là những người đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ, đã bị bức hại nhiều năm nhưng vẫn kiên trì cuộc chiến đấu của mình, dù ngay trong Phật tử cũng có người không tán thành nhị vị vì cho rằng tu sĩ chỉ nên lo việc tâm linh. Tuy nhiên tôi không bị tình cảm cá nhân chi phối sự suy nghĩ của mình. Tôi cố gắng đứng ở một vị trí khách quan để nhìn nhận vấn đề, chân thành nêu ra giải pháp đề nghị, có thể còn rất thiếu sót và lệch lạc nhưng mong rằng không phải là hoàn toàn vô ích.

 

Đà Lạt trung tuần tháng 6-2008

 


 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ