LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Ba bài báo đặc biệt


         Ba bài báo sau đây tác giả viết lúc còn là đảng viên cộng sản, nửa năm trước khi bị khai trừ (tháng 6-1989). Ba bài báo này nhằm phản bác một số luận điểm trong " Kết luận của Bộ Chính Trị về một số vấn đề trước mắt trong công tác tư tưởng" cuối năm 1988 và bài diễn giải văn bản này của Trần Trọng Tân, trưởng Ban Tuyên Huấn Trung Ương, đăng trên  báo Nhân Dân ngày 24-12-1988. Ba bài báo viết ngay từ khi có văn bản của Bộ Chính Trị nhưng mấy tháng sau mới được công bố.

         Báo Đảng Lâm Đồng cho đăng hai bài đầu vì lúc đó Tổng Biên Tập muốn tỏ ra đổi mới và trong tòa soạn có anh em tốt ủng hộ tác gỉa tìm cách đưa bài vào lách khỏi kiểm duyệt. Các bài này đã được gởi nhiều báo nhưng không báo nào dám đăng. Sau khi bị Bí Thư Tỉnh Ủy và một số cán bộ đầu ngành phản ứng, phê phán, trên báo cũng như trong các hội nghị cấp ủy ở các địa phương trong tỉnh,  báo Đảng không dám đăng bài thứ ba nữa và Tổng Biên Tập bị kiểm điểm, sau đó bị mất chức, trong đó có lý do là đã đăng bài của tác gỉa. Bài thứ ba sau này được đăng trên tạp chí Đất Quảng của Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng

                   

          1- Đổi  mới, công khai và dân chủ

               Hiện nay chúng ta đang nói nhiều đến công khai và dân chủ và rõ ràng công khai, dân chủ không phải là một cái "mốt" thời đại, "mốt" cải tổ và đổi mới. Dân chủ vẫn là khát vọng muôn đời của nhân dân mọi thời đại, mọi chế độ. Công khai là điều kiện cơ bản để thực hiện dân chủ. Trong một giai đoạn lịch sử nào đó của một dân tộc, do đặc điểm của tình hình, công khai và dân chủ trở thành vấn đề bức xúc, như giai đoạn của chúng ta hiện nay.

               Công khai có giới hạn không, dân chủ thể hiện như thế nào? Trên báo chí chúng ta đã trao đổi nhiều về vấn đề này, và trên thực tế đang có những quan điểm khác biệt, thậm chí mâu thuẫn. Công khai nhưng không được tiết lộ bí mật quốc gia, phải giữ gìn bí mật của cách mạng. (Bí mật của cách mạng là một khái niệm mới, một cách diễn đạt, một cụm từ mới được đưa ra lần đầu trong kết luận của Bộ Chính Trị về một số vấn đề trước mắt trong công tác tư tưởng mới đây,) Chúng tôi nghĩ Đảng và Nhà nước cần nói rõ thêm vế quy định này, nếu không sẽ có người lợi dụng để hạn chế công khai, dẫn đến chỗ hạn chế, bóp nghẹt dân chủ.

               Có điều có thể đoan quyết một cách chắc chắn là những sai lầm, tội ác của những người cầm quyền, kể cả người cầm quyền trong hiện tại và quá khứ, không phải là điều bí mật gì của quốc gia, của cách mạng và nhân dân cần phải biết và biết rõ những sai lầm, tội ác này để đứng vào cuộc đấu tranh bảo vệ quốc gia, bảo vệ cách mạng. Tội ác của tập đoàn Mười Giộc ở Sở Công an tỉnh Đồng Nai, của Nguyễn Trường Xuân ở Hải Phòng, báo cáo láo của những người cầm quyền ở Thanh Hóa đưa đến chỗ dân chết đói không thể nào là bí mật của quốc gia, của cách mạng được. Muốn có dân chủ thực sự phải bảo đảm các quyền tự do cơ bản mà hiến pháp của ta cũng như hiến pháp của nhiều nước trên thế giới đều có ghi rõ như tự do tư tưởng, tự do đi lại, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình… Tuy  nhiên, lịch sử cũng đã chứng minh: một chế độ có dân chủ hình thức hay dân chủ thực chất chính là ở chỗ nhà cầm quyền có thực sự tôn trọng các quyền tự do này không. Giữa người cầm quyền và nhân dân đối kháng sẽ diễn ra cuộc đấu tranh giữa xu hướng bóp nghẹt dân chủ và đòi dân chủ cho dù người cầm quyền luôn luôn hô hào dân chủ.

           Chúng ta vẫn tự hào là dân chủ xã hội chủ nghĩa hơn gấp triệu lần dân chủ tư sản. Đã đến lúc phải xét lại thực chất của vấn đề.

            Dân chủ của chúng ta là dân chủ tập trung, dân chủ có lãnh đạo. Đã có một thời chúng ta có các cuộc bầu cử bỏ phiếu 100%, các cuộc họp biểu quyết 100%, vô số cuộc mít tinh, biểu tình hàng ngàn, hàng vạn người tham gia. Trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định nếu toàn dân nhất trí, Đảng, Nhà nước và nhân dân một lòng, đó là dân chủ.

              Hiện nay, tình hình đã khác đi nhưng những người cầm quyền vẫn chưa quen với dân chủ kiểu mới hay sợ dân chủ, muốn bóp nghẹt dân chủ. Vì thế mới có vấn đề đặt ra là nên mở rộng hay thu hẹp dân chủ và đấu tranh để đòi dân chủ. (Điều đáng buồn là nhiều vị gọi là đại biểu cho nhân dân nhưng cũng đòi thu hẹp dân chủ trong cuộc họp Quốc hội vừa qua.)

             Dân chủ phải có lãnh đạo nhưng lãnh đạo để bảo đảm có dân chủ chứ không phải để bóp nghẹt dân chủ. Nếu người dân chỉ được làm những gì người cầm quyền bảo làm thì chắc chắn không phải là dân chủ. Ai lãnh đạo, Nhà nước là ai? Ở đây có khái niệm chung và những tổ chức, con người cụ thể, không được đồng hóa. Trường hợp có một đảng bộ, một đảng viên, một người cầm quyền, một chủ trương chính sách sai lầm mà cứ nhân danh lãnh đạo để buộc mọi người tuân phục thì đó là độc tài. Nhân dân chống lại những tổ chức, những con người, những chủ trương chính sách sai lầm là dân chủ, không phải chống lãnh đạo. Bản thân những tổ chức, những con người, những chủ trương chính sách sai lầm này mới là chống lại sự lãnh đạo của Đảng.

               Hiện nay lại có người lên án việc lợi dụng công khai và dân chủ, công khai, dân chủ quá trớn, cực đoan. Lợi dụng công khai và dân chủ để làm việc xấu, mưu lợi riêng phải lên án nhưng cần cảnh giác những kẻ bảo thủ, đổi mới giả lại dùng điều này làm cái mũ chụp lên đầu những người cấp tiến - người đổi mới thực sự. Báo chí chống tiêu cực, nông dân biểu tình đòi ruộng đất, văn nghệ sĩ và công chúng cả nước phản đối vụ tuần báo Văn nghệ, cử tri thành phố Hồ Chí Minh đòi bãi miễn hai bộ trưởng, các hội văn nghệ, văn nghệ sĩ  và những người hưởng ứng đổi mới ở các tỉnh Miền Trung ký kiến nghị, ra tuyên bố đòi quyền tự do báo chí và xuất bản, đòi cách chức những người phụ trách các cơ quan ở Trung ương (trong đó có Ban Tuyên Huấn, Bộ Thông Tin, Ban Tổ Chức Chính Phủ) đã tỏ ra chống đổi mới hoặc thiếu năng lực thực hiện đổi mới, những việc này có phải là lợi dụng công khai và dân chủ không?

              Người ta nói làm như thế là không bình thường, làm phức tạp thêm tình hình, địch có thể lợi dụng. Hoàn cảnh của chúng ta hiện nay là không bình thường, mà việc không bình thường lớn nhất là nhiều điều ghi trong hiến pháp, bộ luật cơ bản của một quốc gia, lại không được thực hiện. Những biện pháp để đòi dân chủ mà nhân dân đã thực hiện là bình thường nhưng được coi là không bình thường. Tình hình phức tạp là do nghị quyết đúng đắn của Đảng không được thực hiện chứ không phải do việc đòi thực hiện nghị quyết của Đảng. Tình hình phức tạp còn là do những sai lầm ảnh hưởng tới cuộc sống và số phận hàng triệu người nhưng không được truy cứu trách nhiệm và xử lý đến nơi đến chốn. Đòi hỏi thực hiện nghị quyết của Đảng để đưa đất nước ra khỏi tình hình khó khăn, để địch khỏi lợi dụng tình hình khó khăn xuyên tạc chế độ chứ không phải việc đòi dân chủ là để cho địch lợi dụng. Địch luôn luôn tìm mọi cách xuyên tạc phá hoại chế độ ta. Đảng, Nhà nước và nhân dân phải luôn luôn cảnh giác, tìm cho ra, vạch mặt kẻ địch chứ không phải đem địch ra để hù dọa nhân dân, chụp mũ kẻ địch lên đầu nhân dân. Trước đây chính quyền Sài Gòn khi lên án các phong trào đấu tranh đô thị luôn luôn dùng luận điệu "biểu tình chống đối là đâm sau lưng chiến sĩ", "Việt cộng giật dây". Luận điệu đó không thuyết phục, che mắt được ai.

             Đảng, Nhà nước của nhân dân, vì nhân dân phải sửa sai khi nhân dân phê phán  sai lầm của mình thay vì nghi ngờ, chụp mũ nhân dân. Chỉ có Nhà nước đối kháng với nhân dân mới sợ nhân dân phê phán. Nhà nước không lắng nghe ý kiến của nhân dân, sự phê phán của những người trung thực, sẽ xa rời nhân dân, đi tới chỗ đối kháng với nhân dân, và đó là bắt đầu thảm họa của chế độ, của đất nước.

             Ở đây có vấn đề trách nhiệm, nhân cách và bản lĩnh của người cầm quyền và các cơ quan dân cử. Tin về việc toàn thể chính phủ Nam Tư từ chức sau khi báo chí và quốc hội đã phê phán mạnh mẽ tình trạng tham nhũng của các thành viên cao cấp trong chính phủ và chính phủ để lạm phát tăng vọt tới mức 25% mỗi năm. Quốc hội Hungary phủ quyết cả ba đề án ngân sách Nhà nước trong năm 1988 do chính phủ đệ trình (Báo Sài gòn Giải phóng ngày 31/12/88) làm chúng ta suy nghĩ và đặt ra thành vấn đề.

               Để cuộc đấu tranh cho đổi mới thắng lợi, dứt khoát phải có công khai và dân chủ, tập dượt công khai và dân chủ, đấu tranh cho công khai và dân chủ bằng nhiều hình thức phong phú, tích cực, phù hợp với tinh thần hiến pháp.

                                                                             (Báo Lâm Đồng số 616 ngày 17-3-89)

 2-  Tự do báo chí và sắp xếp lại báo chí

                  Báo chí là sức mạnh của công luận, là vũ khí sắc bén của Đảng và nhân dân trong công cuộc đổi mới quyết định vận mệnh của đất nước. Do đó báo chí có quyền và cần thiết, nhất thiết phải nói lên sự thật. Nếu báo chí chỉ nói được một nửa sự thật thì báo chí sẽ trở thành một lực cản của công cuộc đổi mới.

               Thế nào là sự thật? Sự thật có lợi cho ai? Lúc nào không nên nói sự thật? Tại sao báo chí không được hoặc không thể nói lên đầy đủ và kịp thời một số vấn đề, tin tức, sự việc sốt bỏng hiện nay. Trong thời đại bùng nổ thông tin này, ngay ở đất nước ta mà những phương tiện truyền thông đại chúng còn lạc hậu rất xa với thế giới, không có cái gì có thể bưng bít được. Càng bưng bít tin tức càng lan nhanh, càng bị bóp méo, xuyên tạc gây tác hại sâu hơn.

               Có những tin rất ngắn ngủi thôi, có khi tưởng như vụn vặt nhưng gợi cho người đọc bao nhiêu điều, cả những điều hệ trọng nhất. Cuối tháng 12 năm 1988 và đầu thánhg 1-89, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa các tin sau đây:

              -  Các nhà bác học Liên Xô va Mỹ đang hợp tác biên soạn sách giáo khoa lịch sử và địa lý: Cả hai môn lịch sử và địa lý đều thuộc lĩnh vực tư tưởng, lại là sách giáo khoa nhưng Liên Xô và Mỹ vẫn có thể hợp tác để góp phần vào việc hiểu biết tốt nhất nền văn hóa và văn minh của mỗi nước, góp phần cải thiện các quan hệ toàn nhân loại và các quan hệ quốc tế.

             -  Bộ trưởng Giao Thông Úc cho biết bộ này đang kiểm tra tay nghề toàn bộ tài xế taxi ở Úc sau khi có quá nhiều lời than phiền của du khách. Bộ đã lập đường dây điện thoại đặc bịêt để mọi người có thể than phiền trực tiếp với Bộ trưởng về các vụ rắc rối do tài xế taxi gây ra: Cách giữ thanh danh nước Úc đối với du khách, cách làm việc của một Bộ trưởng có đáng cho chúng ta suy nghĩ không?

            -  Nam Triều Tiên đã đồng ý cho Hungary vay 65 triệu đô la. Đây là công trái đầu tiên của Nam Triều Tiên cho một nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu vay để cùng hợp tác và có thể cho nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác vay những món nợ giới hạn trong năm 1989. Từ một nước con nợ cách đây hai năm, nay Nam Triều tiên đã bắt đầu thành một nước chủ nợ. Bằng cách nào mà một nước bị chiến tranh tàn phá và chia cắt có thể tiến nhanh như thế?

             -  Trong năm l989, phóng viên các báo Mỹ sẽ dùng máy truyền ấn bản (Fax) bằng ánh sáng mặt trời (trực tiếp hoặc tán quang) . Ngồi bất cứ một nơi thâm sơn cùng cốc nào, không cần có điện, phóng viên cũng có thể gởi tin về cho tòa soạn báo cách nửa vòng trái đất: Kỹ thuật thông tin cực kỳ hiện đại sẽ tác động vào thế giới và thế giới sẽ xích lại gần nhau đến mức nào, có cái gì sẽ còn là bí mật phải bưng bít?

              Ở đây có vấn đề năng lực, nhận thức, sự nhạy bén của người làm báo nói chung và tầm nhìn, bản lĩnh của tổng biên tập nói riêng. Vậy mà theo báo cáo của Ban Chấp Hành Hội Nhà Báo trong kỳ họp tháng 12 năm 1988 vừa qua, chỉ có 1/8 trong tổng số tờ báo có xu thế đổi mới mà trong đó 13 tổng biên tập đã phải "ra đi" bằng cách này, cách khác. Việc cách chức trá hình tổng biên tập báo Văn Nghệ cũng vừa mới xảy ra một cách trắng trợn, thô bạo, bất chấp dư luận. Phải chăng tất cả những điều này nằm trong một ý đồ khống chế báo chí, bắt báo chí phải nói theo một giọng của người cầm quyền? Đây là lãnh đạo báo chí chăng? Nhằm mục đích gì? Không thể cứ nhân danh Đảng, nhân danh lãnh đạo  để bắt báo chí đi vào tuân phục một ý muốn chủ quan mà xét cho cùng không hề phù hợp với tinh thần nghị quyết của Đảng.

               Phương Tây gọi báo chí là đệ tứ quyền. Ta không bắt chước phương Tây nhưng báo chí nếu không có tính độc lập trong khi người cầm quyền có nhiều sai lầm thì báo chí chỉ còn là một công cụ mù quáng không hơn không kém.

              Trước đây, từ 1973 trong vùng địch tạm chiếm, khi Thiệu đàn áp báo chí, cấm các báo chí tiến bộ thì tạp chí Đối Diện vẫn xuất bản và ghi rõ trong trang bìa:

           "Giấy phép xuất bản: Điều 11 Hiệp định Ba Lê. Đồng thời phụ chú rõ điều 11 này: "Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên miền Nam Việt nam sẽ: (…) Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân, tự do cá nhân, tự do ngôn luận. tự do báo chí, tự do hội họp, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh"

           Nhắc lại một chuyện cũ và tất cả chúng ta chắc ai cũng nhớ rằng nhân dân ta đã tốn bao nhiêu xương máu, các nhà ngoại giao đã đấu tranh gay go như thế nào trong từng câu từng chữ để ghi vào hiệp định Ba Lê việc bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí và nhân dân Việt nam đã sáng tạo như thế nào trong việc vận dụng thực hiện hiệp định Ba Lê, đấu tranh với địch (chưa kể Đối diện còn ghi chú in tại nhà in Thi Nha nghĩa là Thiệu Nhào và tòa soạn đặt tại Québec Canada dù thực tế vẫn ở Sài gòn).

             Mới đây Bộ thông Tin đã đặt vấn đề  sắp xếp lại báo chí, không cho ra báo  tạp chí mới. Gỉa thử như cần sắp xếp thì trên cơ sở nào, đánh gía nào để sắp xếp, tổ chức, cơ quan nào có thẩm quyền sắp xếp? Vừa qua  có người kêu lên là "loạn báo chí" nhưng thực ra chúng ta có bao nhiêu tờ báo tốt, tờ nào tốt, tờ nào xấu, tờ nào vi phạm cái gì, đã xử lý chưa? Bộ Thông Tin đã cấp giấy phép cho bao nhiêu tờ báo với điều kiện gì ? Tại sao các tạp chí Văn Nghệ của các Hội văn nghệ địa phương hầu hết đều không được cấp giấy phép chính thức trong  khi phần  lớn các Hội đều ra tạp chí hàng năm trong mười năm nay và hồ sơ xin cấp giấy phép nằm mốc meo ở Bộ Thông Tin? Có báo nào vừa mới ra vài số  đã được Bộ Thông Tin cấp giấy phép ngay và mang vào tận nơi để cấp không, với điều kiện nào? Bộ Thông Tin ra chỉ thị cấm các Sở Văn Hóa Thông Tin không được cấp giấy phép nhất thời cho các tạp chí của các đoàn thể ở địa phương trong khi thực tế các Sở Văn Hóa Thông Tin ( trừ Sở Văn Hóa Thông Tin Lâm Đồng ) vẫn tiếp tục cấp và Bộ Thông Tin vẫn lờ đi. Ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng vô kỷ cương, vô chính phủ này? Bộ Thông Tin với chỉ thị phi lý của mình hay các Sở Văn Hóa Thông Tin ?

             Với cách làm ăn như thế Bộ thông Tin có đủ tín nhiệm để làm việc sắp xếp lại báo chí hay không ? Việc này còn liên quan đến cả Ban Tuyên Huấn vì theo quy định của Ban Tuyên Huấn và Bộ Thông Tin thì Ban Tuyên Huấn xét duyet, Bộ Thông Tin ra quyết định về mặt nhà nước.

             Thực ra báo chí chúng ta không nhiều nếu không nói là quá ít so với thế giới và nhân dân ta đói thông tin một cách ghê gớm.

             Vượt lên trên cách đặt vấn đề sắp xếp lại báo chí, khi Hiến Pháp đã ghi rõ quyền tự do báo chí thì ai, tổ chức nào có quyền ra báo và ai, tổ chức nào có quyền sắp xếp, có quyền không cho ra báo, tạp chí mới? Bộ Thông Tin cao hơn Hiến Pháp chăng ?

             Một điều lạ nữa là mới đây, báo Nhân dân đưa tin về việc thường vụ Hội Đồng Bộ Trưởng sau khi  nghe bộ Thông Tin báo cáo đã thảo luận và kết luận về công tác xuất bản, báo chí và phát thanh truyền hình, trong đó có việc sắp xếp lại báo chí. Cuộc họp để bàn vấn đề trên diễn ra vào ngày 21-11-88 mà đến  11-1-89 báo Nhân Dân mới đưa tin. Phải chăng để phù hợp với kết luận của Bộ Chính Trị về công tác tư tưởng mà báo Nhân Dân đưa vào ngày 9-12-88? Có vấn đề gì trong sự việc khó hiểu này?

             Đất nước ta về báo chí đang đứng trước một thử thách lớn về một quyền tự do cơ bản của xã hội văn minh: Tự do báo chí. Đây cũng là một  thử thách  đối với công cuộc đổi mới hiện nay. Nhân dân và những người làm báo nghĩ gì về sự kiện này?

             Những người có trách nhiệm của Đảng, và nhà nước đã xem xét hết mọi khía cạnh của vấn đề đặt ra chưa? Giải quyết không tốt vấn đề dứt khoát sẽ đưa đến một tình huống vô cùng xấu và chắc chắn sẽ phải trả gía rất đắt. Ai sẽ phải trả gía này trước lịch sử và nhân dân?

                                                                             ( Báo Lâm Đồng  số  617 ngày 10-3-1989)

 3- Động  dao về chủ nghĩa xã hội và tự do báo chí

               Kết luận về một số vấn đề trước mắt trong công tác tư tưởng của Bộ Chính Trị đã chính thức nói đến động dao về chủ nghĩa xã hội. Đó là một thực tế và một cách nhìn thẳng vào sự thật. Rõ ràng chỉ có thể nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết nó chứ không thể quay mặt đi, né tránh hoặc tìm cách quên nó đi, coi nó như không có.

                 Tình hình tư tưởng của các tầng lớp nhân dân cho thấy ở một số bộ phận kể cả trong cán bộ, đảng viên, đã có biểu hiện động dao về chủ nghĩa xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau.

                Có người bi quan về thực tế tình hình đất nước, sau 13 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng tình hình chưa thấy sáng sủa hơn mà hình như khó khăn hơn về nhiều mặt và chưa thấy có dấu hiệu rõ ràng sẽ thoát khỏi khó khăn trong một tương lai gần.

                Có người xem xét sai lầm trong những chủ trương đã được thực hiện trên đất nước ta, trên các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa nhất là ở Liên Xô, đặc biệt qua các cuộc cải tổ, đổi mới, nhiều nước đã nêu lên và nghiêm khắc xem xét lại sai lầm quá khứ của mình để sửa sai, và qua đó người ta thấy chủ nghĩa xã hội không hoàn toàn ưu việt như tuyên truyền từ trước tới nay mà vẫn có nhiều sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng.

              Có người đã so sánh chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Một số nước xã hội chủ nghĩa đã công khai nhìn nhận thua kém các nước tư bản trên các mặt trận quan trọng như năng suất lao động, tổng sản lượng quốc gia, thu nhập quốc dân hay trong việc đầu tư cho giáo dục, y tế, cho phát triển khoa học kỹ thuật, cho phúc lợi công cộng … kể cả việc thực hiện dân chủ và công bằng xã hội.

              Mặt khác những điều chúng ta tiên đoán về sự dẫy chết của chủ nghĩa tư bản, sự nổi dậy của gia cấp công nhân ở các nước tư bản vẫn chưa xảy ra.

              Những điều trên đã dẫn đến việc một số người hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, từ mức thấp là năng lực tổ chức thực hiện cho đến mức cao hơn là cả đường lối, chính sách, thậm chí có một  số ít còn muốn xét lại cả chủ nghĩa Mác - Lênin.

             Trong số những người động dao về chủ nghĩa xã hội có những cán bộ, đảng viên đã từng và vẫn còn tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng Sản, có những trí thức yêu nước đã thực sự hồ hởi phấn khởi sau đại thắng mùa xuân năm 1975, có những người lao động chân chính đã một lòng một dạ đi theo Đảng. Họ không phải là kẻ thù địch của chủ nghĩa xã hội. Sư động dao của họ có nguyên nhân và cơ sở mà những vấn đề trên đây đã làm thay đổi hoặc quy hướng tư tưởng của họ. Dĩ nhiên có nguyên nhân quan trọng là sự tác động của kẻ thù. Kẻ thù luôn luôn bằng mọi cách phá hoại lòng tin vào chủ nghĩa xã hội.

              Tuy nhiên có một lý do quan trọng là từ trước tới nay chúng ta chỉ tuyên truyền một chiều về chủ nghĩa xã hội và cũng chỉ nói một chiều về chủ nghĩa tư bản. Tuyên truyền trên cơ sở chân lý sẽ có tác dụng bền vững nhưng tuyên truyền không đặt cơ sở trên sự thật sẽ có tác dụng ngược lại khi sự thật được phơi bày. Dĩ nhiên nói như thế không phải trước đây chúng ta hoàn toàn nói dối, chúng ta đã nói đúng nhiều việc, nhưng có những điều chúng ta không nói hết, không đúng sự thật, hoặc vì ấu trĩ, hoặc vì thực tâm tin tưởng như thế.

              Sự động dao về chủ nghĩa xã hội đã xảy ra. Đây là một vấn đề rất lớn về mặt tư tưởng, có liên quan đến sức sống và vận mệnh của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta phải giải quyết trước mắt và lâu dài. Với tầm suy nghĩ rất hạn chế nhưng bằng nỗi lo âu, trách nhiệm trước cái chung, chúng tôi xin được đặt vấn đề như sau:

              Cần phải khẳng định ngay rằng không thể giải quyết vấn đề tư tưởng bằng mệnh lệnh, bằng sự quy chụp, trấn áp. Làm như thế chỉ tăng thêm sự động dao, thêm mất lòng tin vì đây là vấn đề của khối óc, con tim, là tư tưởng, tình cảm, chỉ có tự nguyện chứ không bao giờ cưỡng bức được.

             Mặt khác, vấn đề không phải là ở chỗ lên án những người động dao về chủ nghĩa xã hội mà phải truy nguyên sự động dao này, đặc biệt là phía những cơ quan, những nguời đã gây ra tình trạng làm xói mòn lòng tin vào chủ nghĩa xã hội. Sự động dao về chủ nghĩa xã hội là hệ quả chứ không phải nguyên nhân.

            Chưa nói đến vấn đề lâu dài là làm sáng tỏ lại những vấn đề cơ bản của chũ nghịa xã hội mà lâu nay người ta đã và đang làm khác đi, cũng như khẳng định sự vận dụng, phát triển của chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới của lịch sử. Đối với chúng ta, vấn đề trước mắt là phải phân tích, lý giải tình hình một cách có lý có tình, có sức thuyết phục. Hơn bất cứ ở đâu, ở đây phải thực sự dành chỗ cho tự do tư tưởng, phát huy trí tuệ của toàn thể nhân dân, đặc biệt là của đảng viên, trí thức, trong cuộc đấu tranh gay go để dành phần thắng cho chủ nghĩa xã hội về mặt lý luận. Quan trọng hơn là sự sửa sai, nhận sai lầm và sửa chữa nhanh chóng sự sai lầm trên tất cả các lãnh vực. Quan trọng hơn nữa là tạo ra hiệu quả thực tế trên các mặt kinh tế, xã hội và khẳng định được hướng phát triển trong tương lai.

               Chủ nghĩa xã hội đã đến với nhân dân các dân tộc bằng sự đúng đắn, sự trong sáng, tính thuyết phục của mình. Chỉ có thể giải quyết sự động dao của chủ nghĩa xã hội bằng cách vượt qua khó khăn, bằng bản thân sự tốt đẹp của mình, bằng sự thuyết phục của một chủ nghĩa xã hội thực sự dân chủ,  công bằng, nhân đạo và phồn vinh, chứ không có cách nào khác.

                                            

                                                                             (Tạp chí Đất Quảng số 57 tháng 3-4/89)

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ