LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Hòa giải hòa hợp và giao lưu văn học


                  Với thông tin muộn màng, tác giả "Nửa đời nhìn lại" cũng đã đọc được một số bài báo, thư ngỏ viết về tác phẩm của mình của độc giả hải ngoại. Đó là niềm vui và hạnh phúc lớn của tác giả. Có biết bao nhiêu điều để trao đổi thêm vì tác phẩm được "viết trong nghịch cảnh" mà độc giả hải ngoại chưa thể thông cảm hết được. Nhưng có lẽ tác giả cần phải nén lòng vì chắc sẽ còn nhiều ý kiến khác, nhất là của bạn đọc trong nước mà tác giả đang rất mong đợi. Đến một lúc nào đó thuận tiện, hi vọng tác giả sẽ có dịp nói thêm điều gì đó về tác phẩm của mình.

                  Ở đây, tôi chỉ muốn trình bày đôi điều về một vấn đề gần như nằm ngoài tác phẩm, chỉ được nêu ra bằng một ý, một câu, trong phần kết của tác phẩm nhưng lại được nhiều người quan tâm, vấn đề "hòa giải hòa hợp dân tộc", và đặt vấn đề trong mối quan hệ với việc giao lưu văn học.

                 Mặc dù dân tộc Việt Nam có một lịch sử rất lâu dài với bao nhiêu bài học quý giá nhưng có lẽ mỗi người, mỗi thế hệ chỉ có thể nhận ra được điều gì thật sâu sắc khi chính mình có một độ lùi lịch sử của chính thời đại mình. Trong những cuộc chiến gần đây của đất nước, dù ai dùng ngôn từ nào, với bất cứ lập luận nào, đứng trên bất cứ lập trường nào, những cuộc chiến đó đều mang tính nội chiến, vì người Việt đã nổ súng vào nhau trên chiến trường, đã hận thù nhau trong tim óc. Đó là một giai đoạn lịch sử phân ly và bi thảm.

               Những người quốc gia đã kêu gọi cộng sản "chiêu hồi, trở về với chính nghĩa quốc gia". Những người cộng sản đã hô hào những người quốc gia "bỏ hàng ngũ địch, trở về với nhân dân". Chưa kể những người quốc gia với nhau, cộng sản với nhau, cũng đã từng đấu tranh, hận thù, truy bức, hủy diệt nhau.

               Dấu mốc 30/4/75 dù quan niệm đó là "ngày chiến thắng, giải phóng hoàn toàn Miền Nam Việt Nam, thống nhất tổ quốc" hay "ngày quốc hận" thì đó cũng là một việc đã có , đã rồi và là một dấu mốc, một cơ hội lớn của dân tộc. Sau ngày đó, người cộng sản đã tuyên truyền một cách đại lượng: "Trong cuộc chiến này, người Việt Nam không có kẻ thắng người bại, chỉ có dân tộc Việt Nam chiến thắng". Dĩ nhiên câu nói đó những người quốc gia khó lòng chấp nhận. Nhưng nếu câu nói đó được thực hiện đúng tinh thần của nó , nghĩa là không có tước đoạt, truy bức, cải tạo… mà thực hiện ngay hòa giải hòa hợp dân tộc, rõ ràng dân tộc Việt Nam đã chiến thắng và đất nước đã đi lên mạnh mẽ trong 18 năm qua chứ không phải vẫn còn là một trong những nước nghèo đói nhất thế giới. Câu nói đó không được thực hiện, dân tộc Việt Nam chỉ là kẻ chiến bại và chỉ có nhân dân Việt Nam là đau khổ.

              Có lẽ nhận thức như thế nên đến nay nhiều người Việt Nam đau lòng vì số phận dân tộc mình, dù là quốc gia hay cộng sản hay thuộc bất cứ thành phần nào, đã nghĩ và nói đến hòa giải hòa hợp dân tộc. Muộn còn hơn không. Muộn nhưng vẫn vô cùng cần thiết.

               Tôi nghe thời gian trước đây ở nước ngoài đã có nhiều cuộc tranh luận về hòa giải hòa hợp dân tộc nhưng vì thiếu thông tin nên không rõ các cuộc tranh luận đó đã diễn ra như thế nào và có đi đến kết luận nào không. Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề vẫn còn đó và phải được tiếp tục giải quyết. Cần tiếp tục mở ra những cuộc trao đổi về vấn đề này giữa trong và ngoài nước, đi đến sự thống nhất từ nhiều phía để từng bước thực hiện. Đó chính là lối ra của dân tộc sau bao nhiêu máu lửa, phân ly, hận thù và khổ nhục.

               Hòa giải  hòa hợp dân tộc chỉ  có thể được thực hiện  khi đó  là niềm thôi thúc, là sự nghiệp của cả dân tộc chứ không phải chỉ là vấn đề của một số cá nhân. Nếu nhiều người cộng sản còn nghĩ rằng: Ta đang nắm quyền lực (và quyền lợi), tội gì phải hòa giải hòa hợp với ai, lơ mơ sẽ bị lật đổ. Nếu nhiều người quốc gia ở nước ngoài còn nghĩ: Ta đang giàu có, sống  thoải mái, đâu có thể hạ mình xin nói chuyện hay về nước để lọt vào vòng kềm tỏa của bọn cộng sản độc tài. Nếu nhiều người khác còn nghĩ: Ta chỉ cần yên ổn làm ăn sinh sống, dại gì dính vào những chuyện chính trị… Nếu đa số người Viêt Nam còn nghĩ như thế, rõ ràng khó có hòa giải hòa hợp dân tộc.

               Nhưng nếu  đối với nhiều người, đất nước nghèo đói là niềm đau, nỗi  nhục của mọi người Việt Nam; sự phân ly, hận thù là vết thương, căn bệnh  nặng nề của cả dân tộc; thiếu dân chủ tự do  là sự phản tiến hóa, bầu khí ngột ngạt nhiễm độc của toàn xã hội… Đó vẫn  còn là cơ may cho hòa giải hòa hợp dân tộc.

               Khó khăn và trở ngại lớn nhất là nếu toàn bộ hay một bộ phận chủ chốt những người đang cầm quyền không muốn hòa giải hòa hợp, hay họ chỉ làm theo những điều kiện mà họ bắt buộc người khác phải chấp nhận.

               Thực ra chưa có quyền lực chính trị, quyền lực thế gian nào là vĩnh viễn, bất khả chiến bại. Ý chí của một người phát huy đến mức  cao nhất cũng rất mãnh liệt và tác động đến toàn xã hội, đè nặng  lên số phận hàng triệu người. Lịch sử thế giới đã chứng minh điều đó. Dĩ nhiên, một mình họ không đủ, sau lưng họ còn là cả một tập đoàn. Nhưng một tập đoàn không thể mạnh hơn một  dân tộc, mạnh hơn cả nhân loại. Vậy thì tại sao đa số người cùng chung một nguyện vọng, một ý chí lại sợ hãi, bất lực trước một tập đoàn.

                 Những người cầm quyền thường lộng hành và chế ngự nhân dân bằng cách dùng bạo lực gây ra nỗi sợ. Muốn chống lại cái ác, mỗi người bằng cách nào đó của mình, phải "vượt" qua nỗi sợ để làm một cái gì đó. Ý chí của đám đông lương thiện, nếu được thể hiện và tập hợp lại, dù dưới  hình thức bất bạo động, nhất định sẽ gây sức ép, chuyển hóa và buộc  thiểu số phải chấp nhận hòa giải hòa hợp, dù thiểu số đang nắm quyền lực, được tổ chức và trang bị bằng bất cứ vũ khí nào. Đó là hòa giải hòa hợp đi đôi với việc  chống lại cái ác bằng những  phương tiện hòa bình,

                Nhận thức đó nhất định mở ra nhiều con đường  mà văn học có thể là một trong những con đường đầu tiên.

                Văn học trong những hoàn cảnh bi thảm của lịch sử không chỉ mô tả, phản ánh số phận bị đày đọa của con người, hàng triệu người, tạo nên sự đồng cảm sâu sắc trong nỗi đau mà còn khơi  gợi khả năng chống lại cái ác.

               Chính trị chi phối tất cả nên dù không thích ta cũng không thể từ chối chính trị. Trong  những hoàn cảnh lịch sử đó, văn học đích thực có thể không hề có những vấn đề chính trị, người viết vẫn bị thôi thúc bởi một điều gì khác hơn, vượt lên trên chính trị. Viết một tác phẩm văn học đích thực  không phải hay không  chỉ là một hành động chính trị mặc dù tác dụng đầu tiên của nó đôi khi có thể là tác dụng chính trị. Chính trị của tác phẩm văn học cũng không phải  chỉ là chính trị thời sự mà là một thứ chính trị mang  tính lâu dài. Và tác phẩm văn học đích thực nhất định phải chuyên chở cái gì rộng hơn, sâu xa hơn, tinh tế hơn trong mọi ngõ ngách tâm hồn và số phận con người.

              Văn học tự bản thân không biên cương  không gian va thời gian nên dễ vượt qua một rào cản, ràng buộc, hạn chế của những thế lực cầm quyền và của cả lòng người. Giao lưu văn học là một giao lưu chiều sâu đưa con người lại gần nhau, xóa dần những dị biệt. Hiện nay, ở trong nước người ta đã chính thức nói đến văn học Việt Nam hải ngoại là một bộ phận không thể thiếu của văn học Việt Nam. Tác phẩm bị cấm ở trong nước bắt đâu xuất hiện ở nước ngoài. Văn học Việt Nam hải ngoại bằng nhiều cách đang tìm về với độc gỉa trong nước. Nghĩa là đã đến lúc văn học Việt Nam trước hết phải dành cho mọi người Việt Nam, không phân biệt vì bất cứ lý do gì. Sự giao lưu này nhất định sẽ mang lại một cái gì tích cực trên con đường hòa giải hòa hợp dân tộc.

             Việc trao đổi bước đầu vừa qua chung quanh tác phẩm "Nửa đời nhìn lại" phải chăng là một dấu hiệu đáng mừng không phải chỉ cho riêng tác gỉa mà là cho tình hình chung khi những khái niệm về "quốc gia - cộng sản, kẻ thù, đối cực" đã được hóa giải một cách nhẹ nhàng và những người  đã từng ở trong thế đối nghịch nhau lại có thể nói với nhau, về nhau một cách hết sức mở lòng và thân ái.

               Tôi vẫn nhớ những giọt lệ chảy dài trên má mình lúc còn bé đọc "Tâm hồn cao thượng" của E.D. Amicis và cả về sau mỗi khi đọc lại. Tôi vẫn không sao quên được cảm giác đau đớn lạ lùng khi ở trong tù thời sinh viên đọc "Giờ thứ 25" của C.V Gheorghiu mà tác phẩm chảy dạt dào trong tôi như  một cơn nước lũ. Bây giờ và chắc cả về sau này nữa, tôi vẫn ứa nuớc mắt khi đọc một trang sách, xem một cảnh phim cảm động, không sao cầm giữ và cũng không muốn cầm giữ. Điều gì đó của phận người đã rung lên trong tôi như một sợi tơ đàn tạo nên hòa điệu. Đằng sau những giọt nước mắt là cái gì sâu xa hơn giúp tôi đi suốt cuộc làm người một cách mạnh mẽ, tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

               Tôi hiểu như thế nên khi viết về một tác phẩm, tôi ước ao và mong chờ một điều gì đó tương tự nơi người đọc tác phẩm của mình, những người đọc "có tâm hồn" và tự do đối với bất cứ tù ngục tinh thần và cụ thể nào.

             Tôi tin tưởng giao lưu văn học sẽ tạo nên sự đồng cảm và nối kết có  vẻ mong manh nhưng lại hết sức bền vững và có khả năng công phá, bền vững hơn và có thể công phá được cả những bức tường sắt thép, kẽm gai hay những rào cản của hận thù và ý thức hệ.

                                                                                                  Đà Lạt 28/5/1994

[Thông Luận (Pháp) 9/1994, Ngày Nay (Mỹ) số 304 ngày1/9/94, Thế kỷ 21 (Mỹ) 9/94] 

dòng lịch sử, là dấu hiệu suy yếu của một chế độ đã không còn chính nghĩa để tồn tại.  

Đà Lạt, cuối tháng 12.1995

[Báo Thông Luận, Đài Chân Trời Mới 1995]

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ