LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Tự sự cuối năm.


     Những năm gần đây tôi thường suy nghĩ về bản chất con người và xã hội. Tôi không dựa trên cơ sở triết học hay ý thức hệ chính trị nào mà chỉ thông qua soi rọi tự thân, quan sát người khác và xã hội.

               Có lẽ điều chi phối quan trọng nhất đối với con người là lòng kiêu căng và tính bảo thủ. Mỗi người, ở một mức độ và cách thể hiện khác nhau, thường cho mình là đúng và muốn bảo vệ quan điểm của mình, bác bỏ người khác, từ việc nhỏ cho đến việc lớn. Khi có đôi chút trí tuệ, kiến thức, tài năng, tiền bạc hay quyền lực, sự kiêu căng và bảo thủ càng lớn. Từ đó phát sinh ra mâu thuẫn, xung đột, phân ly. Và khi tình trạng này choàng phủ thêm ý thức hệ, chủ nghĩa hay chủng tộc, tôn giáo mang tính cuồng tín giáo điều, sự mâu thuẫn, xung đột sẽ dẫn đến đối kháng, hận thù, máu lửa. Đó là thảm kịch thường xuyên diễn ra trong lịch sử loài người.

                 Việc tự phán là một điều khó khăn. Ăn năn sám hối lại càng khó khăn hơn nữa. Bởi muốn làm được điều này phải giảm bớt hay tiêu diệt lòng kiêu căng và tính bảo thủ. Từ đó con người mới có thể hiểu được chính mình , thông cảm với người, mở ra lòng bao dung và tình thương yêu rộng lớn.

                 Những điều này chẳng mới mẻ gì. Các tôn giáo, các triết học nhân bản đều đã từng nói đến. Ai làm được như thế sẽ trở thành thánh nhân. Nhưng thánh nhân thật hiếm hoi. Người ta ngưỡng mộ, xưng tụng thánh nhân nhưng bắt chước thánh nhân lại vô cùng khó.

               Trong mọi hoạt động của xã hội, mỗi người đều có phần đóng góp của mình, từ chị quét đường đến nhà khoa học, người lãnh đạo. Mỗi người đều chịu ơn xã hội. Đó là bài học vỡ lòng làm người ai cũng đã từng học từ khi mới cắp sách đến trường. Trong mọi hoạt động đó, sự chi phối mạnh mẽ, sâu xa nhất, ảnh hưởng đến số phận hàng triệu người là sự vận động của quyền lực chính trị. Và điều đáng buồn nhất là phần lớn những người nắm quyền lực chính trị, do chính vị trí của mình lại trở nên những người kiêu căng bảo thủ nhất, độc đoán nhất, dối trá nhất và cũng tàn bạo nhất khi họ nhân danh những điều tốt đẹp nhất và chính họ đầu tiên cũng có thể là những người tốt nhất.

               Nhiều khi tôi muốn tu. Tu nghĩa là đắm mình trong thiền định, quên hết ngoại giới và bản thân, để hòa nhập làm một với Ý Thức Tối Cao, trở về cội nguồn hạnh phúc con người và vũ trụ. Tu cũng có nghĩa là làm những việc rất nhỏ bé để giúp đỡ những người chung quanh vượt qua nỗi khổ đời thường và tìm được bình yên cho tâm hồn.

               Nhiều khi tôi muốn dành trọn thời gian cho sáng tác văn học. Không cần viết nhiều, chỉ một vài tác phẩm thôi, nhưng mang chứa được cái gì sâu xa tinh túy nhất, có thể làm rung động lòng người, hướng về những giá trị phổ quát và vĩnh cửu, để lại một dấu ấn nhỏ nhoi nhưng riêng biệt của mình trong cuộc sống trần gian.

               Nhiều khi tôi muốn trồng cây. Bóp nắm đất tơi xốp trong lòng bàn tay. Nhổ từng rễ cỏ độc. Bắt từng con sâu phá hoại. Tưới từng gàu nước mát. Và cây đâm chồi, hé nụ, nở hoa, kết quả. Bóng mát tỏa xanh vườn, tỏa xanh đời. Đóa hoa đong đưa gởi hương theo gió thoảng.

              Nhưng tiếng gọi tự do và lòng phản kháng chính trực  cứ vang động, thôi thúc trong lòng tôi. Tự bao giờ những điều này đã thấm vào máu xương và hơi thở. Làm sao tôi và người khác có thể sống mà không được quyền nghĩ, nói theo ý mình. Làm sao những người làm việc cật lực, đổ mồ hôi sôi nước mắt vẫn sống nghèo khổ trong khi những kẻ lười biếng chỉ múa môi mép lại sống xa hoa phè phỡn. Làm sao nhiều kẻ bất tài tham lam độc đoán lại muốn độc quyền cai trị đất nước, chi phối cả thế giới trong khi nhiều người trí tuệ, tài năng lại chỉ biết phải vâng lời, khuất phục. Làm sao những ý thức hệ, chủ nghĩa và cả lòng tham, sự ngu dốt và phi nhân, độc ác vẫn cứ thống trị toàn xã hội... Những điều này có thể xẩy ra với bất cứ chế độ chính trị, bất cứ người lãnh đạo nào nếu xã hội không có một cơ chế hãm cần thiết và thích hợp. Do đó, hơn ai hết, những người lãnh đạo cần được phê phán và phải lắng nghe phê phán hơn ai hết.

               Vì thế, tôi thấy cần phải làm một cái gì đó khác hơn tu, sáng tác hay trồng cây. Điều nhỏ bé đầu tiên có thể làm là viết và nói thẳng, nói thật. Nhưng trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, chỉ chừng đó thôi cũng không phải dễ dàng.

               Một ngày nào đó, công an sẽ đưa giấy mời gọi anh lên thẩm vấn. Nửa đêm nhà anh sẽ bị khám xét. Sách báo, tài liệu của anh sẽ bị tịch thu. Điều anh nói, anh viết dù là mới trong bản thảo, sẽ được soi kính hiển vi để truy tìm những mầm mống phản động. Điện thoại anh bị theo dõi. Thư từ anh bị kiểm duyệt, lấy mất. Mối quan hệ của anh với bất cứ ai sẽ bị điều tra. Nghĩa là anh sẽ bị vây hãm tứ bề.

               Anh phải thường xuyên sống trong sự căng thẳng, không làm được các công việc bình thường hàng ngày và lo cho sinh kế. Vợ anh chia sẻ, chấp nhận nhưng lo buồn, con anh không yên tâm. Gia đình anh bị ảnh hưởng nặng nề.

                 Và lưỡi gươm hay chiếc thòng lọng treo lơ lửng trên đầu anh. Bất kỳ lúc nào, anh cũng có thể bị bắt giữ, tống giam, truy tố, ra tòa án rồi vào ngồi đếm lịch trong trại giam và chịu bao điều đọa đày, cay đắng.

                  "Anh dính vào chính trị làm gì cho khổ anh và vợ con. Anh hãy quay về với sáng tác đi để có những tác phẩm giá trị để đời, may ra con tôi còn được đọc." Đó là lời khuyên khá chân thành của một cán bộ công an khi thẩm vấn dù anh ta không hiểu tôi. Sự lựa chọn bây giờ mới thật khó khăn. Trong khi chung quanh anh mọi người vẫn sống bình thản, làm việc, ăn uống, kiếm tiền, mua sắm, vui chơi giải trí, lo cho gia đình, con cái, tương lai. Anh tự rước khổ vào thân để làm gì, ích gì cho ai. Anh chỉ cần đừng nghĩ, đừng viết, đừng nói những gì động chạm đến những người cầm quyền, đến tội ác, đến tự do dân chủ, anh sẽ được sống bình yên. Tôi có làm như thế được không? Tôi chọn điều này hay điều kia?

                 Tôi cần bình yên nhưng có thứ bình yên lại là bình yên trong phản bội. Tự do là tự do trong nô lệ. Sống làm người lại là sống như con vật - kinh tế.

                  Suy nghĩ cho cùng, vượt qua sự yếu đuối của bản thân, sự sợ hãi trước bạo lực, tôi chỉ có một lựa chọn: Sống như một con người tự do, tôi sẽ có bình yên đích thực dù cho phải trả một giá nào.

                   Dù sao tôi vẫn tin vào con người. Mọi người, mọi vật đều là biểu hiện của Ý Thức Tối Cao. Trong những người bình thường thấp kém nhất, trong những người thông minh tài trí, trong những cán bộ công an, trong những người lãnh đạo, tính người, tính thiện bao giờ cũng có tiềm ẩn.

                 Trong tháng 11 và 12 này, tôi đã bị công an mời thẩm vấn ba đợt, tổng cộng 12 ngày và hứa hẹn sẽ còn mời tiếp. Trong ngày cuối của đợt ba, tôi nói với cán bộ công an: Tôi tin vào luật nhân quả. Tôi làm điều tốt hay xấu sẽ có hậu quả tương xứng. Và cả đảng Cộng sản, dân tộc này, nhân loại này cũng không thoát khỏi luật nhân quả. Tôi không có gì phải lo lắng.

                 Thông cảm, bao dung và chiến đấu với điều ác, nhất định sẽ mang lại một cái gì tốt đẹp hơn cho con người và xã hội. Những chế độ chính trị rồi sẽ thay đổi, qua đi nhưng con người vẫn còn tồn tại. Chỉ có tình thương mới mang lại cho đất nước, trần gian này cuộc sống hạnh phúc dù phải trải qua nhiều thiên niên kỷ.

                                                                                                                                                            Mùa Noel 1996

                                                                                                                                       [Thông Luận]

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ