LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Khoan thai mùa xuân  và hối hả đi về thế kỷ 21


            Thiên nhiên lặng lẽ và từ  tốn chuyển mình theo quy luật tự nhiên của muôn đời. Những cây khô đã trút hết lá trong mùa đông chậm rãi đâm chồi, từng chiếc một. Những chiếc lá xanh non đầu tiên xuất hiện, lác đác trên cành khô. Từng ngày, từng ngày nhựa sống âm thầm chuyển dịch. Và một lúc nào đó, ta ngạc nhiên thấy dáng cây in sẫm màu lên trời xanh, tỏa bóng mát dịu dàng giữa trưa nắng nồng. Cùng với bóng lá, hương mùa xuân của vô vàn bông hoa hữu danh và vô danh thoảng đưa trong gió, gửi tín hiệu đến những chàng bướm đa tình, những chú ong cần mẫn bay lượn. Rồi những trái non tơ bé xíu tượng hình, tiếp nối mầm sống cho các thế hệ mai sau. Và những con chim én nữa. Từ đâu những cánh chim bé nhỏ phiêu lãng này hội tụ về đây chao liệng  trên vùng  trời đầy nắng  gió báo hiệu một mùa xuân.

Cứ thế, thiên nhiên khoan thai chuyển mình trên đôi cánh thời gian đi về vĩnh cửu. Nhưng con người đã mất thói quen chậm rãi. Hối hả. Vội vàng. Tăng tốc. Để kịp bước chân vào thế kỷ 21.

Trên đất nườc này, nhịp độ khẩn trương thể hiện rõ nhất ở các công trình xây dựng. Khắp mọi nẻo đường, chỗ nào cũng có đào bới, gạch đá ngổn ngang với những tấm biển báo"công trình đang thi công". Ngay giữa chợ, chỗ đào lên để đặt đường cống  chưa kịp san lấp, người ta đã bày hàng hóa, rau cải, thức ăn lên đất đá lổn nhổn để mua bán, ăn uống vì không ai có thể chờ đợi một ngày nào. Trên những  công trình xây dựng, người ta không biết đến ngày chủ nhật vì phải lo bảo đảm tiến độ thi công cho một mốc ngày kỷ niệm, kịp khai trương vào một thời điểm đã định trước. Những người trồng rau không cho đất nghỉ lấy một ngày, thu hoạch vụ này xong hôm nay, ngày mai đất đã được xới xáo lên để đặt xuống giống mới. Những chiếc xe đò phóng nhanh như bay qua mặt nhau để giành khách. Những người lái xe ôm ào tới bao vây lôi kéo chụp giựt khi chiếc xe  đò đến bến chưa kịp ngừng bánh. Các hiệu ăn cho nhân viên xông ra đường chặn người đang qua lại để mời chào. Những người bán vé số dí tập vé vào tận mũi khi bạn đang cúi xuống  trên đĩa thức ăn. Những kiểu quảng cáo khuyến mãi tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng  với vô số quà tặng, giải thưởng, có khi chỉ trong 30 giây, một nội dung quảng cáo được lặp lại hai lần trên màn ảnh truyền hình. Không ít sinh viên, học sinh học một lúc hai, ba trường đại học, trung tâm chuyên ngành để có đủ trình độ chuyên môn, vi tính, ngoại ngữ hòng kiếm được việc làm. Không ít giáo viên chạy sô như ca sĩ và diễn viên, không quan tâm mấy đến chất lượng giảng dạy hay diễn xuất…

              Ai cũng cần kiếm sống, cũng muốn làm giàu. Ai cũng phải vội vã, cạnh tranh. Không ai biết nhường ai, biết chờ đợi ai. Không ai biết chờ đợi chính mình.

Trên phạm vi quốc gia, những hoạt động quy mô lớn diễn ra đến chóng mặt. Đất nước này đã quá chậm chân nên cần phải vội vã dấn bước. Ngày nào các cơ quan trung ương cũng tiếp vài đoàn khách nước ngoài và các bộ, ngành, địa phương tổ chức vô số hội nghị. Chính phủ bàn thực hiện chương trình năm 97, kế hoạch đến năm 2000, đến cả năm 2020. Gia nhập khối Asean và các tổ chức mậu dịch quốc tế. Bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đi lại hữu hảo với Trung quốc. Thăm viếng, ký hiệp định hợp tác với nhiều quốc gia. Sửa đổi luật đầu tư nước ngoài. Đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp hóa. Triển khai thực hiện nghị quyết về giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ. Phòng chống ma túy, Aids và các tai tệ nạn xã hội vv và vv…

 Mỗi người và đất nước này có lý do chính đáng để chạy đua với thời gian. Cần phải nhanh hơn và nhanh hơn nữa. Điều đó cần thiết. Cần nhưng chưa  đủ. Vì cuộc sống đích thực lại cần phải có những dấu lặng, những chỗ dừng, những lúc chờ đợi, những phút lắng lòng, những  thời khắc yên nghỉ, những trầm tư sâu sắc, những câu hỏi phản tỉnh.

 Người lái xe đò phóng nhanh để giành khách đã đâm đầu vào một chiếc xe khác chạy ngược chiều hay lật nghiêng trên mặt đường, gây ra tai nạn thảm khốc. Phun thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng kích thích rau trái phát triển nhanh nhưng ăn vào bị ngộ độc. Tăng thêm vụ, năng suất cao nhưng không chọn giống tốt, đất làm không kỹ nên lúa cỏ phát triển thành một thứ dịch lấn át lúa thực. Học nhiều, biết nhiều, kiếm được việc làm lương cao  ở một công ty nước ngoài nhưng rồi có thể bạn phải chịu nhục và sẽ chỉ là một kẻ làm thuê suốt đời. Nhà cao cửa rộng, tích lũy vơ vét tiền bạc không biết ngừng nhưng bản thân gã quan chức kia có ngày sẽ ra trước vành móng ngựa và con hắn nghiện xì ke hay gãy xương sống trong cuộc đua xe với bạn bè. Bạn làm việc cật lực, kiếm được nhiều tiền, mỗi cuối ngày đi nhậu và khi trở về  nhà bạn không còn biết mình là ai, xa lạ với cả vợ con, trống rỗng cả hồn lẫn xác.

 Những điều tương tự không phải chỉ xảy ra trong phạm vi cá nhân mà cả trên lãnh vực quốc gia. Vay nợ nước ngoài thật nhiều nhưng bao mhiêu dùng vào việc xây dựng đất nước, bao nhiêu vào túi các quan tham để rồi dân tộc phải nai lưng làm việc trả đến hàng thế kỷ chưa xong và có khi mất cả độc lập. Mở nhiều nhà máy không tính tóan làm ô nhiễm môi trường, tàn phá sức khỏe và tính mạng của người dân. Xây nhiều khách sạn để rồi bỏ không, thua lỗ vì khách du lịch không  có như mong muốn. Công nghệ thông tin phát triển ào ạt, vừa chạy xe vừa nghe điện thoại di động trên đường phố nhưng di tích lịch sử hoang phế, môn Hán Nôm không có người học, trường sư phạm chỉ toàn sinh viên trình độ kém. Xây dựng sân golf hiện đại, mở rộng đường giao thông nhưng nông dân không có đất sản xuất, hàng vạn người mất nhà ở. Bia rượu, hàng tiêu dùng, tiện nghi vật chất tràn ngập nhưng giá trị tinh thần truyền thống mai một, đạo đức xã hội xuống cấp. Một số người giàu lên nhanh chóng, sống thừa mứa xa xỉ trong khi đại bộ phận nhân dân lao động đổ mồ hôi, sôi nước mắt không đủ ăn, hàng vạn trẻ em phải bỏ học, hàng ngày đi mò cua bắt ốc trong rừng sâu hay bới tìm kiếm trong bãi rác. Cần ổn định chính trị nhưng lại tước đoạt những quyền tự do căn bản của người dân, trù dập, bỏ tù những người bất đồng chính kiến.

Những điều này không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trên toàn thế giới. Con người có thể lên mặt trăng, sao kim, sao hỏa nhưng nội chiến và hận thù, khủng bố diễn ra khắp mọi nơi. Các nước phát triển đã giàu có vẫn không ngừng toàn cầu hóa chiến lược kinh tế của mình trong khi hàng triệu trẻ em Châu Phi chết đói. Đã có nhiều cố gắng hoạt động cho dân quyền và nhân quyền nhưng lợi nhuận vẫn mạnh hơn tình  nhân đạo, lòng tham vẫn lớn hơn từ tâm, độc ác phi nhân vẫn lấn át chính nghĩa.

 Phải chăng con người cần sống vội vàng  nhưng cũng  phải biết dừng lại để tự hỏi ta là ai, đang làm gì, sẽ đi về đâu. Những câu hỏi muôn đời nhưng con người vẫn hay quên vì đã đánh mất mình trong dòng cuốn của cuộc sống.

 Đất nước phải tăng tốc trên đường hiện đại hóa, công nghiệp hóa nhưng cũng phải tăng tốc nhanh hơn và hữu hiệu hơn trong chống tham nhũng, lo cho người nghèo, cho giáo dục, cho các gía trị văn hóa tinh thần, cho môi trường, cho công bằng xã hội. Một đất nước tưởng là phát triển kinh tế nhưng làm ô nhiễm, hủy hoại môi trường, tràn  đầy bất công xã hội thì đó không phải là một đất nước tốt đẹp. Người dân không cần phải trả gía  đắt cho một sự phát triển như thế.

Công nhân Hàn quốc và những  người lao động ở nhiều quốc gia trên thế giới biểu tình, đình công là đúng vì phát triển kinh tế để làm gì, có lợi cho ai khi người lao động chân chính phải thất nghiệp, lợi nhuận không tương xứng và chủ có thể sa thải không cần lý do chính đáng.

Những nước phát triển vì muốn có quan hệ làm ăn kinh tế có lợi cho mình, đã gác qua một bên các vấn đề nhân quyền khi bàn bạc hợp tác với các nước theo chế độ độc tài, có xứng đáng là những quốc gia văn minh luôn đề cao tự do dân chủ cho con người hay không?

 Lên án bạo lực nhưng lại ngầm bán vũ khí cho bọn khủng bố, cho các  đội quân khát máu hủy diệt chính đồng bào, đồng loại mình. Phát triển đất nước mình bằng cách xâm lăng đất nước láng giềng. Bảo vệ tự do và quyền sống của dân tộc nhưng lại khủng bố, tàn sát người vô tội của dân tộc khác. "Độc quyền lãnh đạo sáng suốt" bằng cách hủy diệt trí tuệ và làm thui chột tiềm năng của dân tộc. Chống độc tài áp bức bằng cách kêu gọi hận thù, đòi máu trả máu…

                Tất cả những điều này sẽ mang lại gì cho từng đất nước và cả loài người?

Không phải vô căn cứ và mê tín dị đoan khi có những nhà tiên tri tiên đoán đầu thế kỷ 21 sẽ là thời điểm diễn ra thảm họa trên nhiều quốc gia, thậm chí là một sự hủy diệt lớn lao gần như tận thế. Thiên tai kinh hoàng trên khắp các lục địa vừa qua và máu đổ, người chết, hận thù, xung đột diễn ra khắp nơi không phải là dấu hiệu cho bi kịch lớn sẽ xảy ra cho con người đó sao? Không phải Thượng đế hủy diệt mà chính con người hủy hoại môi truờng và hủy diệt chính mình.

  Con người có thể xác, tinh thần và tâm linh. Đất nước có núi sông, môi trường sinh thái và lịch sử, truyền thống. Xã hội có kinh tế và quan hệ nhân bản giữa con người và con người. Những người lãnh đạo phải có tài năng, trí tuệ và đạo đức. Con người chỉ có thễ tự cứu, sống còn và hạnh phúc khi có được sự hòa hợp, cân bằng giữa các yếu tố như thiên nhiên đã làm nở một nụ hoa vàng trong nắng gió mùa xuân.

 Con người có trí tuệ nên thông minh hơn và cũng tàn bạo hơn con vật. Lý thuyết "mục đích biện minh cho phưong tiện" là phát kiến đốn mạt và độc ác nhất trong lịch sử tư tưởng và chính trị của loài người. Phát triển kinh tế rất cần thiết và là điều kiện thuận lợi cho công bằng xã hội, tự do dân chủ nhưng không thể quan trọng  hơn công bằng xã hội và tự do dân chủ trong thế giới văn minh này, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà toàn thể nhân loại. Kinh tế thị trường và toàn cầu hóa kinh tế nhưng không có  nền tảng nhân bản chỉ là sự bóc lột của người giàu và quyền thế đối với người nghèo, sự xâm lược của các quốc gia phát triển và các công ty siêu quốc gia đối với các đất nước kém phát triển.

Thế kỷ 21 là niềm hy vọng gần kề và loài người đang hối hả dấn bước. Nhưng nếu thiếu tình thương, sự huy hoàng của nền văn minh đã mang sẵn mầm hủy diệt.

23-1-97

                                                                                                                                                          [Thông Luận]

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ