LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

“Im lặng của biển cả” và gió thổi từ đại dương.


Ý kiến ngắn

Tiêu Dao Bảo Cự

“Im lặng của biển cả” và gió thổi từ đại dương.

Đối với chủ trương của nhà văn Tô Nhuận Vỹ về việc các nhà văn trong và ngoài nước nên ngồi lại với nhau, “góp phần vào hoà hợp, hoà giải dân tộc “bắt đầu bằng việc giao lưu giữa các nhà văn với nhau.", ông Trần Văn Tích cho rằng “đây là chuyện ngộ nghĩnh kỳ khôi, nếu không phải là ngược đời, nghịch lý.” Ông chứng minh bằng một số trường hợp trong nền văn học phương tây và cả trường hợp riêng của ông. Tôi mừng và xin được chia vui với ông  về “sự giao thiệp” tốt đẹp giữa ông và một số người cầm bút trong nước như ông đã dẫn chứng. Tuy nhiên tôi không hiểu tại sao cần áp đặt trường hợp của châu Âu vào hoàn cảnh của Việt Nam và lấy một trường hợp riêng tư choàng phủ lên vấn đề chung rộng lớn và phức tạp.

Ông còn khẳng định: “Tôi thấy giữa con người và con người nói chung, giữa những người cầm bút và người cầm bút nói riêng, sự giao thiệp là chuyện như ăn uống, hô hấp; chẳng cần cá nhân, tổ chức nào cổ xúy, hô hào với hậu ý và/hoặc vì thủ đoạn. Cho nên tôi không dùng hai chữ giao lưu.”
Tuy nhiên, chưa thấy ông phân tích sự khác biệt giữa “giao thiệp” và “giao lưu” và tại sao giao thiệp thì được mà giao lưu thì không nên.

Tô Nhuận Vỹ đã phân tích khá dài dòng và tương đối đầy đủ về lý do và phương thức giao lưu giữa các nhà văn trong và ngoài nước. Không biết trong sâu xa, Tô Nhuận Vỹ có “hậu ý và/hoặc vì thủ đoạn” gì không như Trần Văn Tích nghi ngờ, nhưng trên văn bản của bài viết chỉ thấy thiện ý và nhiệt tình của tác giả.

Hai cuộc chiến tranh trên đất nước này đã tạo ra bao nhiêu phân ly, mâu thuẫn, đối kháng, hận thù không chỉ trên chiến trường mà còn trên tư tưởng, tình cảm và các mối quan hệ giữa người Việt và người Việt, sau hơn 30 năm hòa bình, cộng thêm những nguyên nhân khác, tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết. Trong văn học, đã có thời nhà văn (không phải tất cả) hai miền nam-bắc coi nhau như thù địch. Nhà văn miền nam bị coi là “những tên biệt kích cầm bút”, nhà văn miền bắc bị gọi là “văn nô, bồi bút, đao phủ…”. Tác phẩm của miền này mô tả những nhân vật của phía thù địch như những kẻ xấu xa, tàn ác từ hình thể, hành vi đến tâm hồn. Những tác phẩm đó khi đi vào công chúng đã gây ra hiệu ứng tuyên truyền làm lệch lạc cách nhìn của độc giả, đào sâu thêm sự chia cắt, hận thù trong dân tộc.

Vậy thì sau khi có độ lùi của lịch sử, các nhà văn nhìn nhận lại mình, tìm hiểu, gặp gỡ và đối thoại với tác giả và tác phẩm một thời ở phía đối địch, rõ ràng là việc cần thiết trong lãnh vực hoạt động của mình và góp phần vào yêu cầu chung hòa giải, hòa hợp của toàn dân tộc.Việc tốt đẹp này, cũng như mọi việc tốt khác,  cần phải hô hào, cổ vũ cho nhiều người cùng tham gia, chẳng có gì là ngược đời, nghịch lý cả.

Có điều khác với Tô Nhuận Vỹ, tôi không hi vọng gì mấy vào việc làm của các cơ quan gọi là “chức năng” của nhà nước, hội đoàn văn nghệ. Nếu họ làm được gì cũng tốt và cần hoan nghênh. Trái lại, tôi tin tưởng vào “những cuộc gặp gỡ văn nghệ tự do” như Nguyễn Đức Tùng đã làm và tôi đã từng cổ súy trong nhiều bài viết của mình. Còn chuyện Trần Văn Tích mơ ước các nhà văn hai miền “chung sức thanh toán” chế độc độc tài lại là một vấn đề, một khía cạnh khác. Nếu không có gặp gỡ tự do thì làm gì có chuyện “chung sức”.

Tựa đề “Sự im lặng của biển cả” của Trần Văn Tích được gợi hứng từ câu chuyện ông kể cuối bài viết, do cách diễn đạt của ông, có vẻ hơi khó hiểu. Tuy nhiên cũng từ đó tôi muốn lấy tựa đề cho ý kiến ngắn này là “Gió thổi từ biển khơi”. Ngọn gió đó có khi gây ra cuồng phong, bão tố nhưng thường là ngọn gió phóng khoáng, mang vị mặn của biển cả, làm cho tâm hồn con người rộng mở và bao dung.

                                                                                        Sài Gòn 2/1/2008

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ