LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Ý kiến ngắn (2)


Tôi cũng “lây bệnh thở dài”…

Tôi xin “tự phê” trước. Khi viết đoạn kết cho ý kiến ngắn góp ý với Trần Văn Tích nói về “ngọn gió phóng khoáng của biển khơi”, tôi biết là nó hơi mơ hồ nhưng tôi vẫn để như thế để “đối ứng” với “sự im lặng của biển cả” của ông. Quả nhiên nó bị hiểu lầm ngay.

Ông Trần Văn Tích mặc nhiên hiểu – dù không lý giải gì - rằng ngọn gió đó là “thứ gió độc đầy chướng khí” từ đảng cộng sản, kéo theo ông Vũ Thất cũng “nghẹt thở, ngất ngư, gần chết” với ngọn “gió chướng” “thổi lề bên phải”. “Biển khơi” của tôi được gợi hứng từ “biển cả” của ông Trần Văn Tích, tôi nghĩ nó tượng trưng cho nhân loại, cho dân tộc, nên nó mới “phóng khoáng, rộng mở, bao dung”. Làm sao cũng chuyện từ biển mà ông Tích viết thì tốt, tôi viết lại thành độc hại? Dù tôi biết còn nhiều lý do khác để có người hiểu lầm như vậy nhưng trước hết tôi xin đấm ngực “lỗi tại tôi mọi đàng” vì tôi diễn đạt chưa rõ. Thực ra, chính tôi, và nhiều người cầm bút khác trong nước mới phải chịu đựng bầu khí ngột ngạt thiếu tự do khi viết lách chứ không phải là những người cầm bút ở nước ngoài. Đây là “bầu khí” chứ không phải ngọn gió. Trong căn nhà tù hãm làm gì có ngọn gió nào, kể cả gió chướng, gió độc.

Ông Trần Văn Tích tự nhận xét “Tôi viết “Im lặng của biển cả" là để phân tích sự khác biệt giữa “giao thiệp" và “giao lưu". Toàn bài góp chữ góp ý vào mục đích đó. Ông Tiêu Dao Bảo Cự không chịu hiểu cho như thế, ông lại trách tôi... đã không làm nhiệm vụ của nhà biên soạn từ điển, tự điển.” Quả thực tôi đã cố gắng đọc nhiều lần nhưng vẫn không hiểu. Và có một người khác cũng không hiểu như tôi, đó là ông Trần Trọng Hoàng Bách. Qua góp ý của ông Hoàng Bách, tuy đồng quan điểm với ông Trần Văn Tích, nhưng ông Hoàng Bách dùng từ “giao lưu” thay cho “giao thiệp” và tôi hiểu ông không cần xem xét việc phân biệt giữa hai từ đó như trong bài viết của ông Trần Văn Tích.

Ai cũng biết rằng khi người viết không được người đọc hiểu đúng ý mình thường có hai lý do: Người đọc trình độ kém cỏi hoặc người viết diễn đạt không rõ ràng. Đây là nói về những vấn đề lý luận thông thường. Còn những vấn đề triết lý sâu xa hoặc các tác phẩm thơ văn mang tính tượng trưng, ẩn dụ lại là chuyện khác, phức tạp hơn.

Tôi không yêu cầu ông Trần Văn Tích và tôi cũng không cần tra cứu tự điển, từ điển vì hai từ “giao thiệp” và giao lưu” quá thông dụng. Người ta nói “Ông ấy là người giao thiệp rộng”, tôi hiểu là ông ấy có quan hệ giao tiếp với nhiều người, nhiều loại đối tượng khác nhau. Và đây là sự giao tiếp cá nhân, thông thường, đôi khi chỉ là xã giao. Giao lưu mang ý nghĩa rộng hơn, không chỉ là giao tiếp, giao lưu tình cảm, tư tưởng, văn hóa mà còn giao lưu cả hàng hóa, không phải chỉ giữa vài cá nhân mà cả những tập thể lớn, những dân tộc, những luồng tư tưởng, những nền văn minh khác nhau. Hiện nay trong nước có phong trào giao lưu giữa ca sĩ, diễn viên, vận động viên, trí thức, doanh nhân, người khuyết tật…với người hâm mộ và công chúng, giao lưu văn nghệ giữa tỉnh này và tỉnh klhác… Đủ thứ giao lưu nhưng tôi chưa thấy “giao lưu” nào, về mặt ngôn từ, có nghĩa là phải chịu sự chỉ đạo của đảng cả. Giao lưu, tự ý nghĩa của ngôn từ, không có tính chất tốt-xấu. Nếu ông Trần Văn Tích muốn dùng một nghĩa đặc biệt cho từ giao lưu khác với cách hiểu thông thường, ông phải giải thích, định nghĩa, nếu không, nhất định người ta sẽ không hiểu được theo ý ông.

Có lẽ ông Trần Văn Tích dị ứng với một số từ người cộng sản và trong nước hay dùng. Thí dụ từ “áp đặt”. Khi tôi dùng từ này, lập tức ông liên tưởng đến Lê Dũng, Tôn Nữ Thị Ninh và ông “áp đặt” cho tôi ngay. Có thể ông cũng có bệnh “áp đặt” này nhưng không tự biết. Rõ ràng điều các nhà văn châu Âu làm hay không làm không nhất thiết là khuôn mẫu cho chúng ta,  dù chúng ta có thể tham khảo họ. Lịch sử Việt Nam với bao phân ly, hận thù – như tôi đã phân tích, và đây là phần cốt lõi trong ý kiến đóng góp của tôi nhưng không thấy ông Trần Văn Tích phản hồi gì - đòi hỏi chúng ta phải có một cách ứng xử thích hợp, do chúng ta suy xét và lựa chọn. Bắt buộc, muốn chúng ta phải làm giống như người khác có phải là“áp đặt”? Nhà nước nói chuyện của nhà nước, chúng ta nói vấn đề chúng ta đang tranh luận, trên lý lẽ, luận cứ, không cần phải “áp đặt” nhau làm gì.

Quả thực tôi không biết những gì chung quanh hay đằng sau chuyến đi và bài viết của Tô Nhuận Vỹ. Tôi cũng không thân, không hiểu gì nhiều về Tô Nhuận Vỹ dù có quen ông và hai mươi năm qua mới tình cờ gặp ông lần thứ hai, nhưng tôi thấy điều gì ông Vỹ, hay bất cứ ai, viết hay làm có lợi cho dân tộc, tôi đều hoan nghênh.

Tôi chủ trương cần có “sự gặp gỡ tự do” giữa văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, không chỉ giữa văn nghệ sĩ mà còn cả công chúng. “Gặp gỡ” đây không nhất thiết là gặp mặt. Tôi đã nói rõ trong một bài viết trước (“Một cuộc đại hội thảo và những cuộc gặp gỡ văn nghệ tự do, tại sao không?”. Bài này đăng trên talawas và nhiều trang web khác, riêng trang của BBC, ban biên tập đã đưa thêm một tựa đề phụ : “Từ Đà Lạt, Tiêu Dao Bảo Cự kêu gọi họp ngoài vạch vôi cấm”). Đó là gặp gỡ tại nhà riêng, trong nhà hàng, quán café, trường đại học, trên mạng Internet…, và dĩ nhiên là không cần xin phép ai cả. Việc tôi với ông Trần Văn Tích trao đổi như thế này, mà ông gọi là “giao thiệp” cũng nằm trong ý nghĩa đó. Vậy tại sao không làm được, nhà nước nào cấm nổi? Sao lại sợ nhà nước không cho phép? Sao nhà nước chưa cho phép lại không dám làm? Như thế thực ra việc ông nói và làm không có gì mâu thuẫn với điều tôi cũng làm và nói  cả. Theo tôi biết, hiện nay có nhóm nhà văn Nam Dao, Đỗ Quyên, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Tùng đang chủ trương cuộc “Hội Luận Văn Học Việt Nam” với chủ đề đầu tiên : Hội Nhập giữa những người cầm bút trong nước và ở hải ngoại! Tôi hi vọng không có ai cho những người này chủ trương “giao lưu” theo chỉ thị của đảng và đánh giá việc làm của họ là vô ích.

Theo tôi, sự giao lưu này phải vừa được thực hiện vừa hô hào để nhiều người cùng tham gia. Sự kiện càng lúc càng có nhiều người trong nước viết bài cho talawas cũng như các trang web khác rõ ràng là có sự kích thích của việc này. Các nhà văn trong nước hiện nay không phải ai cũng “đi lề bên phải” dù họ vẫn là hội viên Hội Nhà Văn. Có người đã tuyên bố ra khỏi hội, có người không cần vào hội.

Ông Trần Văn Tích nói đọc Tiêu Dao Bảo Cự ông đâm ra “mang bệnh hay thở dài”. Tôi đọc ông cũng bị lây luôn bệnh đó. Nhưng chỉ một lúc thôi, tôi lại thở bình thường và thở sâu hơn. Mong rằng ông cũng chóng khỏi bệnh và chúng ta, cùng nhiều người khác nữa, lại tiếp tục “giao thiệp”, “giao lưu” trên nhiều vấn đề khác có ích cho sự nghiệp chung. Chúng ta cần trao đổi thẳng thắn, cởi mở, nhưng vẫn giữ hòa khí, không cần mỉa mai nhau làm gì, nếu chúng ta thực sự có thiện chí và tâm thành vì đất nước.

Thực ra chung quanh việc chúng ta trao đổi này còn bộc lộ nhiều vấn đề khác rất đáng quan tâm phân tính, lý giải nhưng “Ý kiến ngắn” của tôi lần này đã quá dài, xin Ban biên tập và bạn đọc lượng thứ.

                                                                              Đà Lạt 6-1-2008

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ