LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Vài dòng tự bạch.


Tôi lấy bút hiệu là Tiêu Dao, được gợi hứng từ tư tưởng Lão Trang, nhưng hầu như suốt đời sống cuộc sống dấn thân. Đó là một mâu thuẫn lớn. Tôi cũng thường xuyên tự vấn, phản tỉnh để biết mình là ai, sống như thế nào, tại sao như thế. Đó là cuộc sống nội tâm luôn dằn vặt, khắc khoải vì những câu hỏi và lựa chọn, trên nhiều phương diện, từ tình cảm, chính trị đến tâm linh.

Thời sinh viên, lúc học Đại học Sư Phạm và Đại học Văn Khoa Huế (từ 1963-1967), tôi tham gia các phong trào của sinh viên đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Miền Nam. Trong cao trào tranh đấu năm 1966 mà Miền Trung gần như tự trị, tôi là Phó chủ tịch của Hội đồng Sinh viên Liên khoa Tranh thủ Cách mạng của Đại học Huế, phụ trách Đài Phát thanh tranh đấu (chiếm của chính quyền) và trực tiếp làm Đoàn trưởng Đoàn 3 Sinh viên Quyết tử. Khi  phong trào tranh đấu bị dập tắt, tôi bị bắt giam gần hết năm cuối ở đại học nhưng ra tù tôi vẫn tiếp tục đi học và tốt nghiệp ĐHSP. Năm 1965, tôi cũng cùng một số bạn bè sinh viên thành lập Hội Hồng Sơn, sau đổi tên thành nhóm Việt, hoạt động văn học nghệ thuật trên lập trường dân tộc. Nhóm Việt về sau kết nạp thêm nhiều hội viên ở khắp miền Nam và hoạt động cho đến năm 1975, trong đó một số người nổi tiếng trên các lĩnh vực thơ văn, hội họa, âm nhạc.

Trong thòi gian tranh đấu, tôi chống Mỹ và chính quyền Miền Nam nhưng không thích cộng sản mặc dù một số bạn tôi đã là đảng viên hay đoàn viên cộng sản, tuy lúc đó họ không cho tôi biết. Lý do là tôi đọc cuốn “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” nói về phong trào Nhân văn- Giai phẩm, trong đó đặc biệt có bài thơ ca ngợi Stalin của Tố Hữu làm cho tôi ghê sợ sự nô lệ tinh thần và vọng ngoại của người cộng sản, đồng thời tôi chán ghét sự áp bức tư tưởng. Tuy nhiên, trong thời gian ở tù, tôi kết bạn với mấy người du kích và cảm phục lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm của họ.

Ra trường, năm 1967, tôi đi dạy học ở Ban Mê Thuột. Đây là một thành phố nhỏ, không có truyền thống tranh đấu như sinh viên học sinh Huế, nhưng với tinh thần phản kháng cố hữu, tôi liên kết với một số giáo sư tại trường để chống hiệu trưởng tham nhũng (ở Miền Nam, dạy trung học được gọi là giáo sư). Hiệu trưởng bị mất chức nhưng tôi cùng với 5 giáo sư khác bị tạm ngưng chức và đưa ra Hội đồng kỷ luật của Bộ Giáo dục. Sau đó, tôi được trả về trường và vì hiệu trưởng mới còn tệ hơn hiệu trưởng cũ, tôi xin chuyển về dạy ở thị xã Bảo Lộc, Lâm đồng từ 1970.

Tại Bảo Lộc, vì những bài giảng đầy tinh thần dân tộc, có xu hướng chống Mỹ và chính quyền Miền Nam (tôi dạy văn và tự soạn bài giảng cho riêng mình chứ không dạy theo giáo án như hiện nay), do các học trò tôi báo cáo lại, chi bộ đảng CS ở địa phương tìm cách móc nối tôi. Từ 1972, tôi chính thức hoạt động cho Mặt Trận Giải Phóng và 1974, tôi gia nhập đảng Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam (tức Đảng CS ở Miền Nam). Tôi hoạt động công khai, phát động học sinh thanh niên đấu tranh chống Mỹ, chống chính quyền Sài Gòn, đòi thi hành Hiệp định Paris…Lúc đó tôi không nghĩ nhiều đến những vấn đề lý thuyết như chủ nghĩa cs, chế độ xhcn…hay đời sống xã hội ở Miền Bắc như thế nào, mà tham gia chỉ vì tinh thần yêu nước và thấy MTGP là tổ chức duy nhất có đủ sức mạnh để đối đầu với Mỹ và chính quyền Miền Nam. Vì các hoạt động đó, tôi bị theo dõi, đưa vào sổ đen của Ty Giáo  dục và Ty Cảnh sát. Một lần cảnh sát bao vây lớp học lúc tôi đang dạy để tìm tài liệu của cộng sản, một lần khác lục soát nhà nhưng không tìm được bằng chứng. Tôi cũng bị gọi về Nha Trung học (thuộc Bộ Giáo dục ở Sài Gòn) để cảnh cáo về thái độ thân cộng.

Thời gian này tôi cũng sáng tác như phương tiện đấu tranh. Cùng với anh em nhóm Việt, chúng tôi phụ trách phần Văn nghệ trên tạp chí Đối Diện của hai Linh mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, là tờ báo đối lập hàng đầu ở Sài gòn. Tôi có một số truyện ngắn đăng trên các báo Đối Diện, Tự Quyết, Ý Thức, Văn Mới… Đặc biệt truyện ngắn “Tự do hay là chết” đăng trên Đối Diện năm 1972, nội dung tố cáo chế độ lao tù của chính quyền Miền nam, được phát nhiều lần trên Đài Tiếng Nói Việt Nam (mục Đọc truyện đêm khuya) và Đài Phát thanh Giải phóng. Năm 1974, truyện này được đưa vào tuyển tập “Bút máu” xuất bản trong vùng giải phóng, sau 1975 tái bản lại. Sau đó truyện này còn được in lại nhiều lần trong các tuyển tập và sách nghiên cứu về văn học yêu nước tiến bộ miền Nam như “Tiếng hát những người đi tới”, “Mùa xuân chim én bay về” “Tuyển tập truyện ngắn Việt”, “Nhìn lại một chặng đường văn học”, “Viết trên đường tranh đấu”…

Tháng 3/75, tôi tham gia tiếp quản thị xã Bảo Lộc và những năm sau đó làm nhiều công tác ở địa phương như giáo dục, văn hóa thông tin, đoàn TNCS, MTTQ. Lúc này có chủ trương sát nhập tỉnh, Lâm Đồng cũ - Tuyên Đức gộp chung thành tỉnh Lâm Đồng  và Bảo Lộc trở thành một huyện của tỉnh Lâm Đồng mới. Công tác ở địa phương sau khi ổn định, trở nên cục bộ và hạn hẹp, tôi mong muốn trở về công việc sáng tác. Tôi viết kiến nghị đề xuất thành lập Hội Văn Nghệ Lâm Đồng và tình nguyện về công tác ở Hội. Cùng với ý kiến của nhiều anh em văn nghệ sĩ khác ở Đà Lạt cũng bức xúc chuyện lập Hội, Thường Vụ Tỉnh ủy quyết định cho thành lập Hội Văn nghệ, mời Bùi Minh Quốc từ Đà Nẵng vào chủ trì, điều tôi từ Bảo Lộc lên làm Thường vụ trực, điều thêm một Phó ban Tuyên huấn tỉnh ủy sang, thành lập chi bộ đảng để lãnh đạo Hội. Sau đó tiến hành đại hội chính thức, chúng tôi là cán bộ chuyên trách và giữ các vai trò chủ chốt của Hội và tạp chí Langbian.

Tạp chí Langbian có nội dung khá cấp tiến, mới ra được 3 số thì bị đình bản. Tháng 12/1988 Bùi Minh Quốc và tôi tổ chức một chuyến đi xuyên Việt  qua các tỉnh miền Trung, ra Hà Nội, kéo dài 1 tháng 14 ngày để vận động đòi tự do tư tưởng, sáng tác, báo chí, xuất bản và đổi mới thực sự (có nhà thơ Hữu Loan là khách cùng đi). Chuyến đi gây ra chấn động lớn, bị quy là “hoạt động bè phái” và là một cuộc “biểu tình chạy” tập dượt đòi dân chủ. Sau chuyến đi và nửa năm đấu tranh trong nội bộ đảng và hội, chúng tôi bị cách chức và khai trừ ra khỏi đảng, lúc đó Quốc 22 tuổi đảng và tôi 15 tuổi đảng. Mấy năm sau, tôi quyết định nghỉ việc, ra khỏi biên chế nhà nước còn Quốc về hưu.

Vì không được đăng bài trên báo chí trong nước, từ 1994 tôi bắt đầu viết bài gởi cho báo chí nước ngoài như Thông luận, Diễn đàn ở Pháp; Người Việt, Thế kỷ 21, Hợp Lưu… ở Mỹ, chủ yếu là các bài chính luận phê phán đường lối chính sách của đảng và nhà nước. Đặc biệt năm 1996, nhân đại hội 7 ĐCSVN, tôi viết “Thư ngỏ gởi những người cộng sản Việt Nam”, kêu gọi chuyển từ độc quyền lãnh đạo sang dân chủ đa nguyên, chống thần thánh hóa lãnh tụ, hòa giải hòa hợp dân tộc, trưng cầu dân ý về vai trò lãnh đạo của đảng…Thư ngỏ này được phổ biến rộng trên nhiều đài báo nước ngoài.

Cuối 1996, tôi bắt đầu bị gọi “làm việc” nhiều tháng liền và bị bao vây, cô lập, giám sát chặt chẽ. Cuối 1997 tôi chính thức bị quản chế 2 năm theo nghị định 31/CP. Tôi là người thứ hai bị quản chế theo nghị định này, sau Bùi Minh Quốc mấy tháng. Hết quản chế vẫn bị cô lập, giám sát thêm vài năm nữa, cho đến nay đã tương đối thoải mái. Chính trong thời gian bị quản chế và cô lập tôi lại viết được nhiều. Một số tác phẩm của tôi được xuất bản ở Mỹ:

-          Nửa đời nhìn lại (Tiểu thuyết, NXB Thế Kỷ, 1994, Văn nghệ tái bản 1997)

-          Hành trình cuối đông (Bút ký về chuyến đi xuyên Việt, Văn nghệ 1998)

-          Trên cả hận thù (Tập truyện, tạp chí Văn học xuất bản 2004)

-          Mảnh trời xanh trên thung lũng (Tác phẩm viết, NXB Văn Mới 2007)

Sau một thời gian tạm lắng, từ 2003 tôi bắt đầu viết chính luận trở lại và lúc này Internet đã phổ biến, tôi gởi đăng trên các trang web như Đàn Chim Việt, Thông Luận, Cánh Én, Đối Thoại, Talawas…Ngoài chính luận, Đàn Chim Việt có đăng bút ký dài “Hành trình mùa xuân” viết về một chuyến đi xuyên Việt lần thứ hai của tôi bằng xe gắn máy; Talawas công bố “Tôi bày tỏ - Nhật ký trong những ngày bị quản chế” và tái bản “Hành trình cuối đông”, có bổ sung thêm một số tư liệu và hình ảnh, trong Tủ sách Talawas.

Tôi trao đổi với những người làm chính trị đủ mọi khuynh hướng trong và ngoài nước, dĩ nhiên chủ yếu qua thư từ,  nhưng tôi không bao giờ tham gia một tổ chức, phe nhóm nào. Tôi muốn chỉ là một người cầm bút tự do, hoàn toàn độc lập về tư tưởng và chỗ đứng của mình. Trong tình hình có nhiều phức tạp và phân ly hiện nay, tôi chủ trương “hòa giải hòa hợp dân tộc, dân chủ hóa đất nước bằng phương thức diễn biến hòa bình” và đã diễn giải rõ quan điểm của mình qua một số bài viết trên mạng.

Bây giờ tôi có tâm trạng mình đã nói được những điều cần nói, như một người trung thực, về những vấn đề lớn của đất nước. Muốn làm người trung thực phải trả giá, điều đó hầu như đương nhiên ở mọi thời đại, nhất là trong các chế độ toàn trị, lại càng phải trả giá đắt. Tôi có niềm vui và một chút kiêu hãnh vì đã không biết cúi đầu. Đất nước, lịch sử cần có sự đóng góp của mọi người, mỗi thế hệ có trách nhiệm riêng của mình và sẽ được các thế hệ sau đánh giá. Tôi thấy không nợ nần gì ai, ngoài những món nợ tình cảm mà những người thân yêu và bạn bè đã cho tôi tràn đầy.

Về sáng tác văn học, thật ra tôi viết được ít so với nhiều nhà văn khác bởi tôi đã tiêu tốn rất nhiều thời gian cho những việc không phải văn học. Tuy nhiên, đối với tôi, tác phẩm chính là cuộc đời tôi, phần nào mang dấu ấn của những giai đoạn lịch sử. Hầu hết tác phẩm của tôi đều là tự truyện hoặc gởi gắm ít nhiều tự truyện. Tôi cho chính mình là nhân vật tôi hiểu rõ nhất và viết chính là sống lại lần thứ hai, là cảm nhận sâu sắc thêm cuộc sống ở mọi chiều bề nhờ lý trí, rung cảm và hoài niệm. Viết là phơi mở chính mình, là nhìn nhận lại mối quan hệ với người khác, trong lắng chìm của tâm thức.

Tôi không khẳng định về phương diện nghệ thuật, tài năng tôi như thế nào, điều đó do người đọc nhận xét, nhưng tôi nghĩ tác phẩm chính là một lưu vết, một dấu ấn tôi để lại trong cuộc đời phù du này, không lẫn với ai khác.

Nghĩ về mình, từ thời trẻ đến nay, và có lẽ cho đến khi nằm xuống, tôi tự nhận mình chỉ là một con người phản kháng, một kẻ lãng mạn cách mạng, một tay cách mạng tài tử, không bao giờ là một người làm chính trị chuyên nghiệp, và là một nỗi đam mê phù phiếm trong cuộc đời này.

                                                                                     Đà Lạt 20/1/08

                                                                                        TDBC

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ