LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Đâu là con đường hòa giải hòa hợp để chống lại guồng máy độc tài toàn trị?

(Kiên trì đối thoại: Lại bàn về một diễn đàn dân chủ)


Tiêu Dao Bảo Cự

 

Trong thời gian mấy tháng vừa qua, một số bài viết của tôi được công bố trên diễn đàn DCV và nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp. Những ý kiến này, một phần liên quan đến cuộc đời cá nhân tôi, phần khác đề cập đến những vấn đề do tôi đặt ra hoặc những vấn đề khác nữa do sự liên tưởng.

Dĩ nhiên tôi hiểu cá nhân tôi vô cùng nhỏ bé, chẳng là cái gì cả nhưng bạn đọc quan tâm vì ở khía cạnh nào đó liên quan đến cái chung và cái chung này là những vấn đề đang xảy ra tranh luận gay gắt. Những cuộc tranh luận chung quanh các bài viết của tôi đã gây ra sóng gió nho nhỏ trong diễn đàn rộng lớn vô cùng sôi động của DCV. Điều  này chứng tỏ DCV là một diễn đàn dân chủ có sức thu hút mạnh mẽ.

Diễn đàn dân chủ trên net của DCV có những ưu và nhược điểm, tôi đã có lần góp ý trong bài “ Về một diễn đàn dân chủ”, nay do tình hình phát triển, tôi xin mạn phép “lại bàn" thêm. Trong bài viết này có nhiều vấn đề liên quan đến cá nhân mà dù tôi không muốn nhắc đến nữa cũng không được. Tôi đã vô tình trở thành mục tiêu để mổ xẻ, phân tích mà theo tôi có đúng có sai và rất nhiều ngộ nhận. Những vấn đề quan điểm vẫn chưa được bàn luận thấu đáo và chưa ngã ngũ. Tôi sẽ lại đề cập đến những nội dung trên nhưng mục đích nhắm đến một vấn đề khác: hòa giải hòa hợp, chuyện xem ra có vẻ “cấm kỵ” vào lúc này đối với một số người. Đối với tôi, chẳng có gì cấm kỵ và tôi không hề né tránh bất cứ vấn đề gì.

Tôi viết bài này là cách kiên trì đối thoại, cố gắng làm sáng tỏ sự thật, dù lẽ phải, chân lý trong thế giới này cũng rất tương đối. Đây cũng là cách đáp tạ bạn đọc, những người yêu mến, đồng tình ủng hộ và cả những người phê phán, lên án gay gắt nhưng với sự trung thực và chân thành. Dù lấy bút hiệu “Tiêu dao”, dù ở tuổi này tôi đã nghiêng nhiều về nẻo tâm linh nhưng tôi vẫn lại thường thấy mình đứng giữa cuộc chiến đấu. Có lẽ đó là định mệnh của đời tôi. Định mệnh nhỏ bé cá nhân nằm trong định mệnh chung của dân tộc. Một dân tộc cần cù lao động, yêu hòa bình, giàu lòng nhân ái nhưng hàng thế kỷ qua vẫn triền miên trong đói nghèo, chiến tranh và phân ly, thù hận.

Bài này nêu lên 3 vấn đề:

-                      Về thái độ của bạn đọc và những đính chính cần thiết.

-                      Những tranh luận về quan điểm và vấn đề sám hối.

-                      Con đường nào đi đến hòa giải hòa hợp để chống guồng máy độc tài toàn trị?

1) Về thái độ của bạn đọc và những đính chính cần thiết.

Tôi chân thành cảm kích các bạn đọc đã có thể chia sẻ sâu xa và đồng tình ủng hộ những điều tôi viết, những điều có thể đúng có thể sai nhưng đều xuất phát từ sự suy nghĩ tỉnh táo, độc  lập của khối óc có thể có được và nhiệt tình của con tim chưa hề nguội lửa.Tôi cũng rất biết ơn những ý kiến khách quan, không thành kiến, phân tích có lý có tình, đối chiếu nhiều bài viết của tôi để tìm ra sự mâu thuẫn có thể có. Những ý kiến đó giúp tôi soát xét lại mình, bài viết của mình một cách cẩn trọng hơn

Tôi cũng thông cảm với những người nói rõ trước có cảm tình với các bài viết của tôi nhưng khi biết quá trình hay do những lập luận nào đó của tôi mà họ không đồng tình, lại đâm ra ác cảm. Đây là những điều do liên quan đến quá khứ.

Tôi cũng hiểu được lý do tại sao có những người luôn luôn nghi ngờ động cơ của người viết, luôn luôn cảnh giác, thậm chí bới lông tìm vết, "vạch từng ngọn cỏ" để xem có cây kim nào dấu trong đó sẽ đâm thủng bàn chân mình không. Họ sợ bị lừa vì đã từng bị lừa, vì sự lừa bịp đã lên ngôi trong một thời kỳ dài của lịch sử.

Tôi không trách khi có người không theo dõi đầy đủ bài viết, như bút ký “Hành trình mùa xuân” nên thắc mắc tại sao bây giờ là mùa thu lại nói mùa xuân, tác gỉa sao không biết chuyện Phan Văn Khải đi Mỹ… dù bút ký này ngay từ đầu, tôi đã nói rõ là viết về chuyến đi du lịch mùa xuân năm 2003 và sau đó cũng đã có dịp nhắc lại thời điểm này.

Nhưng tôi hơi buồn vì có nhiều người đọc, ở một cực khác, lại có cách đọc không khác gì cách đọc của công an và tuyên huấn cộng sản.

Khi Bùi Minh Quốc làm tập thơ “Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn” có những từ “quỷ dữ” “ đao phủ”, người ta cật vấn “quỷ dữ, đao phủ” có phải là ám chỉ Đảng và công an không?

 Khi tôi viết về “ Đà Lạt trăm năm…..” có dẫn bài Quốc tế ca và nói rằng “ Đấu tranh này không phải là trận cuối cùng mà nhân dân còn cần nhiều cuộc đấu tranh, nhiều cuộc cách mạng nữa.", người ta hỏi tôi có phải anh đòi hỏi cuộc cách mạng lật đổ chế độ cộng sản?

Khi tôi lấy tên tập truyện là “ Trên cả hận thù” có người nghi ngờ  đặt dấu hỏi ngay không biết có liên quan gì đến chủ trương “xóa bỏ hận thù, hòa giải hòa hợp bịp bợm theo nghị quyết 36/ CP mới đây" mặc dù người ấy biết rõ tôi đã viết truyện đó  cách đây 7 năm, vào năm 1998, trong thời gian tôi bị quản chế. Còn về quan điểm hòa giải hòa hợp, đoàn kết của tôi, tôi đã nói rất rõ ràng trong “Thư ngỏ gởi những người cộng sản Việt Nam” viết năm 1996 ( DCV mới đăng lại ) và trong “ Thư ngỏ gởi ông Võ Văn Kiệt về việc đại đoàn kết dân tộc” mà DCV vừa công bố không lâu.

Có người đòi hỏi tôi phải viết điều này điều kia theo ý riêng của họ, nếu không sẽ bị coi là hèn nhát, thiếu trung thực, lừa bịp. Thực ra có một số điều tôi đã từng viết hơn 10 năm trước nhưng họ chưa có dịp đọc thôi. Thậm chí có người còn thách tôi biểu tình chống cộng sản như thời trước biểu tình chống chính quyền VNCH. Đúng là biểu tình trong chế độ cộng sản khó thật. Ngoài những cuộc biểu tình, đấu tranh đòi quyền sống, đòi đất, đòi tự do tôn giáo của một số nhân dân ở Thái Bình, Hà Nội, Đồng Nai, Huế, Tây Nguyên…, đặc biệt trong sinh viên học sinh, không có một cuộc xuống đường nào cả trừ phi do chính nhà nước tổ chức. Tuy nhiên tôi cũng có thể nói tôi đã từng tham gia một cuộc “biểu tình chạy” của trí thức, văn nghệ sĩ miền Trung vào cuối năm 1988 khi cùng  với Bùi Minh Quốc và Hữu Loan thực hiện chuyến đi xuyên Việt để đòi tự do dân chủ và đổi mới thực sự. Có lẽ đây là cụôc biểu tình đầu tiên và duy nhất của trí thức, văn nghệ sĩ trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. ( Tôi đã tường thuật đầy đủ sự kiện này trong bút ký “ Hành trình cuối đông” do nhà Văn Nghệ ở Cali xuất bản năm 1998).

Có người cho rằng những điều tôi trình bày, những mặt trái của chế độ hay những đòi hỏi về tự do dân chủ là điều mọi người dân Việt Nam ai cũng biết (chỉ trừ khoảng 100 cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản là không biết) và cách nói của tôi chưa đủ sức nặng để Đảng và Nhà nước phải đối phó. Nói như thế là quá chủ quan, thiếu thực tế, không hiểu tình hình.

Nếu sự thực về mặt trái của chế độ ai cũng biết thì cần gì đến các báo chí, đài phát thanh, diễn đàn trên mạng ở nước ngoài và cả những báo chí trong nước nữa, nơi không thiếu những bài  lý luận chỉ ra những sai trái trong đường lối chính sách (ở một mức độ), những bài phóng sự dũng cảm nêu lên những vụ việc tiêu cực, những cuộc sống lầm than, khổ ải, nhục nhằn mà một bộ phận nhân dân đang gánh chịu.

Hơn 10 năm trước, tôi và một số bạn ở Đà Lạt như Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu là một ít người trong số những người đầu tiên đòi bỏ điều 4 Hiến Pháp, đòi bỏ chủ nghĩa cộng sản, đòi dân chủ đa nguyên và kết quả như thế nào mọi người đều biết: thẩm vấn, bao vây, cô lập, cắt điện thoại, kiểm duyệt thư từ, đưa ra họp dân để “đấu tố”, rồi bỏ tù, quản chế. Một số những điều chúng tôi nói, sau này những người trẻ hơn mới nói như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Phương Nam…. Và ai cũng biết họ được đối xử như thế nào. Riêng Phương Nam từ khi còn ở Úc, công bố các bài viết về “nhận thức lại”, nhà nước không biết anh là ai để đối phó nhưng từ khi về nước, trở thành Đỗ Nam Hải thì anh đâu còn được bình yên như trước.

Riêng chúng tôi thời kỳ đó còn được một bài viết nêu đích danh trên báo Nhân dân như “những tên phản bội tổ quốc, tay sai đế quốc, xung kích chống cộng” . Bài báo này sau đó được photocopy đưa về cho nhân dân trong tổ dân phố chúng tôi ở học tập để “đề cao cảnh giác chống bọn phá hoại sự nghiệp cách mạng” theo tinh thần một tấm bảng khẩu hiệu được viết và đóng ngay trước cổng nhà chúng tôi ở.

Trong bài “Thư ngỏ gửi những người cộng sản” tôi đã gởi đến Ban chuẩn bị nội dung Đại hội 8 với tên và địa chỉ rõ ràng, trong đó tôi khẳng định "tôi không tán thành độc đảng, độc tài và định hướng xã hội chủ nghĩa, tôi ủng hộ dân chủ và đa nguyên chính trị nhưng tôi cũng không tán thành bạo động, nội chiến, lật đổ, gây hận thù". Khi nhận định về Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ của bài viết góp ý vào dự thảo cương lĩnh, tôi đã tự hạn chế vào vấn đề thần thánh hóa lãnh tụ và viết tương đối nhẹ nhàng, thế nhưng một số đảng viên ở địa phương tôi ở cho rằng tôi bị quản chế chưa đủ, cần phải bỏ tù vì đã dám “nói xấu Bác Hồ”. Ở nước  ngoài ai muốn viết gì thì viết nhưng ở trong nước không dễ “dỡn mặt cộng sản” đâu.

Một chuyện tồi tệ là mặc dù tôi đã nói rõ, vài người vẫn cứ cố tình vu cáo tôi liên quan đến vụ Mậu Thân ở Huế, nêu ra mập mờ hồ sơ gì đó liên quan đến Ngô Kha, lại còn thách thức tôi đi đối chất với những nhân chứng trong các vụ thảm sát.

Một lần nữa, tôi khẳng định từ trước cho đến năm 1972, tôi không liên quan gì đến cộng sản. Tôi chấp nhận lời thách thức đi đối chất với bất cứ ai. Nếu ở trong nước, tôi sẽ tự đi, nếu ở nước ngoài những người đó phải làm sao để tôi có giấy thông hành vì hiện nay tôi vẫn chưa có (?!) và trả chi phí vé máy bay, ăn ở vì tôi không có khả năng này.

Tôi cũng thách lại những người đó những việc dễ hơn có thể làm được là đi điều tra hồ sơ học tập của tôi ở Đại học sư Phạm và Đại Học Văn khoa Huế từ năm 1963-1967, sự vụ lệnh bổ nhiệm tôi đi dạy học ở Ban Mê Thuột năm 1967, hồ sơ dạy học của tôi ở trường Trung học Ban Mê Thuột từ 1967-1970. Điều tra luôn hồ sơ của Trung tâm Thẩm vấn Thành phố Huế những tháng  cuối năm 1966, đầu năm 1967 lúc tôi bị tù, xem tôi đã vẫn “thuyết giảng” về việc đấu tranh cho tự do dân chủ và phủ nhận các cáo buộc  có tình nghi liên quan đến cộng sản khi bị thẩm vấn như thế nào. Nếu có bằng cớ liên quan đến cộng sản, tôi đã đi Côn Đảo rồi, làm gì có chuyện được trả tự do trở về đi học và tốt nghiệp đại học, bổ nhiệm đi dạy. Lại còn  có thể xác minh qua hàng ngàn sinh viên đại học Huế, đặc biệt những năm 1966-1967 vì lúc đó tôi được nhiều người biết đến do là một trong những lãnh đạo của Hội đồng Sinh viên Liên khoa, qua hàng ngàn học sinh cũ của tôi ở Trung học Ban Mê Thuột trong các niên khoá 1967-1970, những người trên hiện giờ không ít người ở nước ngoài.

Tôi phải nêu những chi tiết cặn kẽ như thế để chứng minh rằng vài người cố ý vu cáo tôi trong chuyện này hoặc vì “hận thù mù quáng” hoặc vì lý do mờ ám nào đó. Nếu chống lại sự lừa bịp mà bản thân mình cũng bịp bợm, vu cáo, “ngậm máu phun người” thì còn chống được ai, thuyết phục được ai.

Nhân đây tôi cũng xin đính chính một vài sự kiện có tính cách lịch sử của phong trào tranh đấu năm 1966 ở Huế và miền Trung có liên quan đến tôi.

Tiểu sử của tôi lâu nay được công bố trên các sách, báo chí và các trang web ở nước ngoài đầu tiên do chính tôi cung cấp nhưng sau này có ai đó tự ý bổ sung thêm (như ở nguồn đối-thoại.com mà có bạn đã trích dẫn). Chi tiết Hội Đồng Sinh Viên Liên Khoa Tranh Thủ Cách Mạng Huế, Đoàn Sinh Viên Quyết Tử được ghi chú thêm là những tổ chức do cộng sản lập ra.

Đầu niên khoá 1965-1966, đáng lý Tổng Hội Sinh Viên, là tổ chức đại diện sinh viên niên khoá trước phải tổ chức bầu cử lại nhưng đã tự ý lưu nhiệm để lãnh đạo sinh viên. Lúc đó Ban Đại Diện các phân khoa mới được bầu đã họp lại, hình thành Hội Đồng Sinh Viên Liên Khoa Đại Học Huế, bất tín nhiệm Tổng Hội Sinh Viên cũ vì bất hợp pháp, hết nhiệm kỳ để giành lấy quyền lãnh đạo sinh viên. Thành phần của Hội Đồng này gồm chủ tịch Ban Đại Diện của 5 phân khoa mà tôi là Đại diện ở Sư Phạm, giữ chức vụ Phó chủ tịch, Nguyễn Hữu Giao ở Luật khoa làm chủ tịch (Nghe nói Nguyễn Hữu Giao hiện nay là luật sư ở Mỹ?). Năm  người này có xu hướng khác nhau, trong đó tôi gần gũi với Nguyễn Hữu Giao vì lúc đó tôi và anh có xu hướng độc lập, muốn hoạt động trong khuôn khổ đại học tự trị, không chịu ảnh hưởng của bên ngoài.

Thực chất “phong trào tranh đấu Miền Trung năm 1966” do Phật Giáo khởi xướng và lãnh đạo, vì ban đầu Hội Đồng Sinh Viên không hợp tác chặt chẽ, có những chủ trương trái với Phật Giáo nên một lần Thượng tọa Trí Quang phải mời Nguyễn Hữu Giao và tôi gặp riêng tại chùa Từ Đàm để thương thảo. Tên Hội Đồng Sinh Viên Liên Khoa, sau này thêm Tranh Thủ Cách Mạng là do khi Lực Lượng Nhân Dân Tranh Thủ Cách Mạng hình thành (Phật Giáo đứng sau lãnh đạo) và yêu cầu thống nhất tất cả các tổ chức tranh đấu của các giới (Có thời gian đổi tên Tranh Thủ Cách Mạng thành Tranh Thủ Dân Chủ).

Đoàn Sinh Viên Quyết Tử do Hội Đồng Sinh Viên Liên Khoa Tranh Thủ Cách Mạng lập ra vào giai đoạn cuối của cuộc tranh đấu để hỗ trợ cho phong trào các tỉnh bạn và chuẩn bị chống đàn áp.    Có ba  đoàn ( còn gọi là 3 đại đội), mỗi đoàn có trên dưới 100 sinh viên. Đoàn 1 được phân công đi Đà Nẵng, Đoàn 2 đi Quảng Ngãi và Đoàn 3 đi Quảng Tín ( do tôi làm Đoàn trưởng)

Tên gọi “Quyết Tử” chỉ có tính cách tượng trưng cho ý chí đấu tranh. Đoàn viên chỉ được huấn luyện quân sự cấp tốc trong ….2 ngày, gồm tập đi đứng, lăn bò,  tháo ráp vũ khí, tác xạ và vượt đoạn đường chiến binh tại thao trường Văn Thánh do các sĩ quan VNCH huấn luyện (Trong thời gian này một số đơn vị quân đội VNCH đã thành lập Quân Đoàn Cách Mạng Trần Hưng Đạo để hỗ trợ phong trào tranh đấu). Đoàn viên không được trang bị vũ khí và đồng phục chỉ là chiếc khăn quàng đỏ trên cổ. Trong Đoàn 3 của tôi ngoài các nam sinh viên còn  có một số nữ sinh viên và cả một ít nữ học sinh Đồng Khánh cũng xin tham gia. Tuy nhiên các nữ đoàn viên sau này không được đi công tác.

Thực tế nhiệm vụ chính của các Đoàn Sinh Viên Quyết Tử này là đi làm công tác phát thanh và tuyên truyền (sở trường của sinh viên) và củng cố tổ chức. Đoàn 3 của tôi ở Quảng Tín gần một tháng, chủ yếu để củng cố phong trào và giải hòa những bất đồng giữa Quốc Dân Đảng, Đại Việt và Lực Lượng Tranh Đấu của Phật Giáo ở đây. Trong những buổi làm việc giải hòa này có mặt tướng Tôn Thất Đính, lúc đó mới được bổ nhiệm làm Tư lệnh Vùng I chiến thuật thay tướng Nguyễn Chánh Thi.

Do đó nếu ai nói rằng Hội Đồng Sinh Viên Liên Khoa Tranh Thủ Cách Mạng Đại Học Huế và Đoàn Sinh Viên Quyết Tử do Cộng sản lập ra hay nói thêm những việc làm gì ghê gớm của Đoàn Sinh Viên Quyết Tử là không chính xác và hoàn toàn bịa đặt.

Tôi  cũng thừa nhận ở một số chỗ trong các bài viết của mình tôi viết không hết ý nên có thể gây hiểu nhầm vì khi trình bày vấn đề chính, nhắc qua các vấn đề liên quan nhưng không diễn giải đầy đủ. Thí dụ khi tôi viết trong bút ký "Hành trình mùa xuân" kể lại việc gặp ông HMC:

"Ðảng cầm quyền, lại là độc quyền lãnh đạo, quyền lực nằm trong tay một người, một nhóm, một bè phái trong đảng, không những độc tài cai trị nhân dân mà còn gây chia rẽ và đàn áp lẫn nhau trong đảng. Tất cả đều đi ngược lại lý tưởng cộng sản cao đẹp nhưng lãng mạn và hoang tưởng.
HMC là nạn nhân của lý tưởng, chủ nghĩa, đảng và bộ máy nhà nước mà ông đã hết lòng phụng sự. Tuy nhiên ông là người tù bất khuất và tin tưởng tuyệt đối vào chính nghĩa của mình. Mỗi lần vừa ra tù, ông lại làm đơn, viết kiến nghị tố cáo những việc sai trái của đảng, nhà nước hay tập đoàn nắm quyền lực thống trị trong đảng, thế là ông lại vào tù."

“Lý tưởng cộng sản cao đẹp” ở đây hàm ý lý tưởng chống bất công áp bức, xây dựng thế giới đại đồng, mọi người đều là anh em, thực ra cũng là lý tưởng của toàn nhân loại, có sức hấp dẫn nhiều người, nhất là trí thức sống trong các nước tư bản giai đoạn có nhiều bất công, bóc lột. Chính một phần vì lý tưởng này mà cộng sản có thể bành trướng ra một nửa thế giới. Tuy nhiên việc thi hành chủ nghĩa cộng sản với đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản để  thực hiện lý tưởng trên lại có kết quả hoàn toàn trái ngược, mang lại thảm họa cho nhân loại. Ở bài "Về một diễn đàn dân chủ" tôi cũng nêu sự phân biệt giữa lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa cộng sản, chế độ cộng sản… nhưng chưa diễn giải.

Về cách dùng từ, duy nhất một lần tôi dùng từ “các người” để gọi những người chống cộng ở nước ngoài mà một bạn đọc tinh ý nhận thấy và cho rằng không được "lịch sự, mô phạm”. Chính tôi cũng cảm nhận như thế khi viết nhưng chưa kịp sửa chữa.

Để giữ cho môi trường của diễn đàn trong sáng tôi cũng phải tự kềm chế, không để bị lôi cuốn theo những giọng điệu và lời lẽ thiếu văn hóa.

Để đáp lại sự trân trọng của một số bạn đọc, tôi không ngại “bộc bạch” những điều riêng tư nhất, như chuyện tôi có cảm tình với mấy du kích cộng sản gặp trong tù vì sự kiên cường của họ. Điều này lại bị  một số  bạn hiểu sai đi, cho rằng tôi là sinh viên mà “ ngu” bị những thằng du kích vô học thuyết phục. Có phải dù ngay đối với kẻ thù nếu họ kiên cường ta cũng cúi đầu khâm phục?

Tôi nghĩ rằng người viết viết bằng cái tâm, người đọc cũng phải đọc bằng cái tâm, nếu không sẽ chỉ đưa đến ngộ nhận hay hoài nghi, xa cách.

2) Những tranh luận về quan điểm và vấn đề sám hối.

 

Tôi không ngại tranh luận về quan điểm dù biết rằng tranh cãi về chính trị đôi khi là điều khá nguy hiểm nếu không biết tôn trọng lẫn nhau. Ngay trong một nhà, giữa cha con, anh em ruột nhưng khác nhau về quan điểm chính trị cũng có thể dẫn đến xung đột và phân ly.

Ở đây tôi cũng  muốn “bật mí” một điều để thấy rằng tôi không có gì bí mật và không hề ngại chuyện va chạm về quan điểm.

Bảo Trâm, tác gỉa bài viết “Vài ý kiến về tập truyện “Trên cả hận thù” của Tiêu Dao Bảo Cự” là một người anh em họ hàng của tôi. Chính tôi đã giới thiệu cho anh tác phẩm đó và đề nghị anh góp ý dù tôi biết quan điểm của anh và tôi có nhiều chỗ khác nhau.

Sau khi viết bài trên xong anh gởi bản thảo cho tôi và nói chỉ gởi cho tôi đọc thôi, không công bố vì anh và vợ anh sợ rằng nếu công bố tôi sẽ bị thương tổn và có thể làm sứt mẻ tình anh em. Tôi trả lời ngay là anh cứ công bố, đừng ngại gì cả, tôi không hề bị “sốc” và nghĩ không tốt về anh. Tư tưởng là tự do. Dân chủ phải có tranh luận. Tôi sẵn sàng tranh luận với anh hay với bất cứ ai mà vẫn giữ hòa khí nếu thành thật và tôn trọng lẫn nhau.

Trong thời gian bị quản chế trước đây, tôi đã hai lần phải đối đầu với các cụôc “ xa luân chiến” của hàng chục cán bộ trung cao cộng sản trong những cuộc “đấu tố” gọi là góp ý cho tôi do địa phương tổ chức. Nội dung và không khí những cuộc tranh luận đó không khác là mấy với các ý kiến trên DCV online về các bài viết  vừa qua của tôi.

Thực ra những vấn đề gai góc về quan điểm trên diễn đàn này không phải do tôi cố tình nêu ra. Trong bút ký “Hành trình mùa xuân”, khi đi qua những nơi có nhiều kỷ niệm thời trẻ, tôi đã nhắc lại thời sinh viên tranh đấu. (Trừ một số ít người có tuổi trẻ bất hạnh, hầu như ai cũng nhớ về tuổi thanh xuân của mình như một thời kỳ đẹp nhất của đời người, dù đôi khi chỉ là những kỷ niệm chọc gái, phá làng phá xóm hay yêu đương lăng nhăng). Một số nơi khác có chứng tích về chiến tranh, tôi cũng có đôi dòng cảm xúc. Dĩ nhiên đây không phải là chủ đề chính của bút ký.

Tuy nhiên nhiều bạn đọc đã nhân chuyện đó đào sâu về vấn đề quan điểm, nhắm vào quá khứ của cá nhân tôi để phân tích, mổ xẻ, phê phán. Do đó để trả lời chung, tôi đã khái quát lại thành một số vấn đề, đặc biệt vấn đề ai có lỗi đã đưa đến tình hình Việt Nam hiện nay, nêu ra trong bài “ Về một diễn đàn dân chủ”. Từ đây việc tranh luận lại căng thẳng thêm do động chạm đến vấn đề “chính nghĩa của chế độ VNCH và tội ác của cộng sản và những người theo cộng sản trong cuộc chiến tranh” được đặt ra từ những người gọi là quốc gia thuộc chế độ VNCH.

Ở đây, một lần nữa tôi nêu lại vấn đề nhưng theo một cách tiếp cận khác, khía cạnh sám hối, là chủ điểm nhiều bạn đọc hay nhắc đến. Cách trình bày của tôi là đặt vấn đề và nêu câu hỏi, đối với 3 thành phần chính của dân tộc trong cuộc chiến vừa qua.

- Đối với những người cộng sản:

 

Phải thừa nhận những người cộng sản VN đầu tiên là những người yêu nước, có lý tưởng cao đẹp và đã chịu bao nhiêu tổn thất, mất mát, hi sinh khi theo đuổi lý tưởng của mình, nhất là trong giai đoạn chống thực dân Pháp để giành độc lập, những người cộng sản đã đồng hành cùng dân tộc.

Tuy nhiên sau khi giành được chính quyền, thực hiện chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp, cùng với việc chịu sự chi phối mạnh mẽ của các nước cộng sản đàn anh, những người cộng sản VN đã mang lại nhiều thảm họa cho nhân dân. Chính sách cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, vụ Nhân văn - Giai phẩm đối với văn nghệ sĩ trí thức, vụ "Xét lại chống đảng" là những vụ việc điển hình. Song song là xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa thực chất là xã hội trại lính trong đó người dân bị tước đoạt nhiều quyền tự do và hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền. Cán bộ đảng viên đã trở thành giai cấp mới hưởng đặc quyền đặc lợi sống sung sướng trên sự nghèo khổ của nhân dân.

Điều gây ra tai họa lớn nhất là quyết định tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam thay vì thống nhất đất nước bằng một giải pháp khác như nhiều quốc gia cùng hoàn cảnh đã lựa chọn.

Cuộc chiến này dù được gọi bằng tên gì, biện  minh cách nào cũng vẫn là một cuộc chiến thảm khốc gây tàn phá đau thương nhất trong lịch sử.Chưa khi nào bom đạn nước ngoài lại được dùng để tàn sát nhân dân Việt Nam nhiều đến thế dù được dùng bởi bàn tay của người lính Việt Nam hay của lính ngoại quốc. Chiến thắng thuộc về người cộng sản (thực chất chỉ là một số ít lãnh đạo cao cấp) còn chiến bại thuộc về toàn thể nhân dân.

Sau khi thống nhất đất nước, thay vì thực hiện một chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc thực sự lại tiến hành ở Miền Nam những chính sách gây đổ vỡ, phân ly, thù hận.

Cải tạo nông nghiệp làm sản xuất đình trệ, đưa nhân dân đến chỗ thiếu ăn, đói kém. Cải tạo công thương nghiệp làm cho cơ sở và năng lực sản xuất, kinh doanh công thương nghiệp tan nát. Cải tạo  đối với binh lính, công chức thuộc chế độ VNCH và sự kỳ thị, phân biệt đối xử về lý lịch đã làm cho hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, gây ra một thảm họa thuyền nhân chưa từng có trong lịch sử và thù hận kéo dài thêm và sâu đậm hơn thay vì chấm dứt cùng cuộc chiến. Những điều này mới đây chính nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã từng nói đến.

Chủ trương đổi mới và mở cửa thực chất là Đảng tự cứu và cởi trói cho nhân dân nhưng cũng đã giúp đất nước thoát khỏi tình hình kiệt quệ sau hơn  10 năm thống nhất.

Tuy nhiên công cuộc đổi mới chỉ được thực hiện chậm chạp, nửa vời, đổi mới về kinh tế nhưng không đổi mới về chính trị cốt để giữ vững độc quyền lãnh đạo của đảng. Chế độ độc tài toàn trị cùng với nền kinh tế thị trường man dã đã đưa cán bộ, đảng viên thành giai cấp thống trị tư bản đỏ, đời sống nhân dân có khá lên nhưng chênh lệch giàu nghèo và bất công áp bức càng phát triển. Nạn tham nhũng là một quốc nạn không sao giải quyết được mà càng ngày càng nặng nề hơn. Các tệ nạn xã hội ngày càng phát triển, văn hóa đạo đức suy đồi, những gía trị tinh thần xuống cấp là tai họa lâu dài cho đất nước.

Nguy cơ “tụt hậu” không phải chỉ trước mắt mà còn lâu dài, trong khi tiềm năng, trí tuệ của đất nước và nhân dân đâu thua kém gì nhiều quốc gia khác.

 

Mục đích giải phóng Miền Nam là để thống nhất đất nước, xây dựng tổ quốc “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” nhưng thực tế xã hội hiện nay nhiều mặt không những không hơn mà còn kém xa xã hội miền Nam trước khi “giải phóng”, nhất là về mặt thực hiện các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Thế thì công cuộc giải phóng có ý nghĩa gì, có xứng đáng  với sự hy sinh, đau khổ của toàn dân tộc?

 

Vậy thì những người cộng sản có nên phản tỉnh, tự vấn và sám hối để sửa chữa những sai lầm?

Đảng có nên kiên quyết giữ độc quyền lãnh đạo nữa không hay nên trưng cầu dân ý, tổ chức bầu cử tự do để nhân dân lựa chọn lấy người thực sự có tài năng và trí tuệ lên lãnh đạo đất nước. Điều này có gì sai trái, phi lý, phản cách mạng? Không thực hiện điều này chỉ chứng tỏ rằng Đảng tham quyền cố vị, vì lợi ích của thiểu số chứ không vì lợi ích của nhân dân và điều đó hoàn toàn trái với mục đích lý tưởng của Đảng thuở ban đầu.

Đối với những người quốc gia

 

Những người “quốc gia” là ai? Từ “quốc gia” này đôi khi phải để trong ngoặc kép hay phải được minh định vì tự nó không được xác định rõ ràng. Ai cũng có thể tự cho mình là “quốc gia” cả. Cộng sản cũng có thể tự cho là quốc gia vì họ luôn tự đồng hóa với dân tộc, với nhân dân, với đất nước, sao lại không thể là quốc gia.

Thông thường khi nói “những người quốc gia”, người ta hiểu đó là những người không theo cộng sản, chống cộng sản, có xu hướng ngả về chế độ dân chủ tự do của các nước phương tây. Những người quốc gia bắt đầu được kể đến từ những đảng phái không cộng sản, đấu tranh giành độc lập những năm đầu thế kỷ 20 như Quốc Dân Đảng, Đại Việt…. Sau này là những người ủng hộ chế độ và các chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ 1954-1975.

Ngoại trừ một số tay sai ngoại bang, bán nước, đa số những người quốc gia là những người yêu nước, yêu dân chủ tự do. Lịch sử Việt Nam cho thấy trong suốt thế kỷ qua, người quốc gia luôn thất bại trước người cộng sản trong việc tranh giành quyền lực lãnh đạo đất nước.

Năm 1946 Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến có các thành phần đảng phái nhưng sau đó các đảng quốc gia đều bị gạt ra ngoài và bị tiêu diệt phần lớn sinh lực.

Từ 1954 ở Miền Nam chính quyền Ngô Đình Diệm được hình thành với sự ủng hộ của người Mỹ, gạt Bảo Đại ra khỏi chính trường bằng cuộc trưng cầu dân ý “Phiếu xanh bỏ giỏ, phiếu đỏ bỏ bì”. Chính quyền Ngô Đình Diệm tồn tại được 9 năm, càng ngày càng trở nên độc tài, gia đình trị, đàn áp Phật Giáo, không được người Mỹ ủng hộ nữa nên đã bị các tướng lãnh đảo chánh lật đổ.

Sau 1975, chính trường Miền Nam triền miên rối loạn, các chính phủ quân phiệt hay dân sự đều không được lòng dân, tranh chấp nhau và tự phong quyền lãnh đạo, hay thông qua bầu cử phi dân chủ theo kiểu “ độc diễn” của Nguyễn văn Thiệu. Cuối cùng chính quyền chỉ có mấy ngày của Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng những người cộng sản vào 30/4/1975.

Ở đây có vấn đề rất khó lý giải đối với những người quốc gia. Chế độ VNCH là chế độ có tự do dân chủ hơn chế độ xã hội chủ nghĩa của miền Bắc nhưng các chính quyền  hầu hết đều là những chính quyền thối nát, không được đa số dân ủng hộ và không có đủ sức mạnh để đối đầu với những người cộng sản.

Trong cuộc chiến tranh, Miền Bắc có sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, Miền Nam cũng có Mỹ và các quốc gia đồng minh hùng hậu nào kém gì. Hai miền đều nhận sự chi viện về tài chánh và quân sự tương đương.  Miền Nam còn có thêm nửa triệu lính Mỹ. Thế tại sao Miền Nam thất bại?

Trong suốt cả cuộc đấu tranh quốc cộng, phải chăng những người quốc gia kém hơn về tài tuyên truyền, vận động, tổ chức, nghệ thuật chiến đấu… hay tại những người cộng sản xảo quyệt, tàn ác hơn? Sự có mặt của quân đội viễn chinh Mỹ đã làm cho cuộc "chiến tranh giải phóng" của Miền Bắc có chính nghĩa? Hay vì Mỹ bỏ rơi đồng minh VN? Tại sao Mỹ mà không phải Liên Xô, Trung Cộng bỏ rơi đồng minh?

Thất bại là đau đớn, đau thương không chỉ cho những người quốc gia mà cho cả miền Nam, cho toàn dân tộc. Vậy thì dù lịch sử đã sang trang nhưng câu hỏi trên vẫn cần phải được nghiền ngẫm một cách nghiêm túc chứ không phải chỉ có hận thù. Thất bại có phải là một lỗi lầm cần sám hối vì tương lai vẫn là một cuộc đấu tranh tiếp diễn, trong một hoàn cảnh còn khó khăn hơn?

        - Đối với thành phần thứ ba, thiên tả, thân cộng, không ủng hộ các chính quyền Miền Nam.

 

Đây là một thành phần phức tạp, không hể dùng một từ nào để chỉ chung. Không phải chỉ có những người trong Mặt trận Giải phóng ( không kể những đảng viên cộng sản) hay "sinh viên học sinh tranh đấu" mới chống lại các chính quyền Miền Nam. Tín đồ Phật giáo và nhiều tầng lớp nhân dân, các đảng phái quốc gia chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm, nhiều tầng lớp nhân dân cũng chống lại các chính quyền sau Ngô Đình Diệm. Giáo dân công giáo ủng hộ linh mục Trần Hữu Thanh, ký gỉa xuống đường “ đi ăn mày” chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu…

Tất cả những người này có “đâm sau lưng chiến sĩ"  không? Chiến sĩ VNCH cũng là con em, thân nhân, bạn bè của họ chứ không ai khác.

Vấn đề của thành phần này cũng khó lý giải như vấn đề của những người quốc gia, những chiến sĩ VNCH nhưng ở một khía cạnh ngược lại. Chiến sĩ VNCH chiến đấu chống cộng sản để tự vệ, để bảo vệ lý tưởng tự do dân chủ nhưng lại mặc nhiên củng cố các chính quyền thối nát. Những người chống lại các chính quyền thối nát cũng là để bảo vệ tự do dân chủ nhưng lại làm suy yếu các chính quyền này, làm cho Miền Nam không đủ sức  mạnh để chống lại cộng sản. Cùng với nhiều lý do khác, điều này đã góp phần đưa đến sự thảm bại của Miền Nam. Đó cũng là một sai lầm cần sám hối. Về sau này, sự phản bội lại lý tưởng của những người cộng sản và tình hình đất nưóc tồi tệ sau 1975 lại càng làm cho những người thuộc thành phần thứ ba, thân cộng còn giữ được lý tưởng thêm bẽ bàng.

Vậy ai cần sám hối?

Khi đất nước rơi vào tình trạng như hiện nay, cả dân tộc phải khuất phục trước guồng máy độc tài toàn trị, trước tiên những người lãnh đạo cộng sản và các chính quyền quốc gia cần phải sám hối vì họ đóng vai trò chính trong những biến động của lịch sử. Nhưng những đảng viên cộng sản, các bộ đội giải phóng Miền Nam, các chiến sĩ VNCH, những người tranh đấu chống các chính quyền Miền Nam và ngay cả những người không làm gì cả cũng cần phải sám hối. Đó là sám hối của toàn dân tộc. Vì mỗi người hoặc bị bắt buộc, hoặc có lựa chọn đúng theo nhận thức và hoàn cảnh của mình để hành động hay không hành động gì cả nhưng kết thúc của lịch sử lại là một sai lầm. Tất cả đều là nạn nhân của lịch sử.

Về cá nhân, tôi cũng đã từng phản tỉnh và sám hối.

Tôi đã viết hẳn một cuốn sách gần như tự truyện để phản tỉnh và nhận thức lại. (Cuốn “Nửa đời nhìn lại”, NXB Thế Kỷ, 1994. Văn Nghệ tái bản 1997). Tôi cũng viết một bài khá dài về chủ đề sám hối (Bài “ Đọc thơ Đông Trình, suy nghĩ về chính trị, văn nghệ và sám hối” năm 1993, có đăng trên vài tạp chí ở nước ngoài).

Nhưng tôi cho rằng sám hối chỉ là khởi đầu với sự ăn năn và thức tỉnh. Chỉ sám hối chưa đủ. Tiếp theo phải là hành động để sửa chữa sai lầm. Và đây mới là điều quan trọng cho tương lai. Hành động không nhất thiết là phải đấu tranh mà có thể bằng nhiều hình thức, trước hết là hòa giải.

Tôi nêu lại những vấn đề trên đây không phải để tranh luận hay mong được tranh luận nữa. Vì những vấn đề đó quá gai góc, dù đã 30 năm trôi qua nhưng những chấn thương vẫn chưa lành và thù hận vẫn chưa nguôi. Nếu vẫn còn thành kiến, tự ái, bảo vệ lẽ phải cho mình, không  lắng lòng, lắng nghe và tỉnh thức, cuộc tranh luận sẽ không bao giờ kết thúc cho dù kéo dài đến thế  kỷ sau như có bạn đọc đã nhận xét.

Dĩ nhiên chúng ta vẫn có thể tiếp tục trao đổi, tranh luận nếu thấy có ích, ngược lại nếu chỉ đưa đến phân ly và thù hận, phải chăng chúng ta nên tạm gác lại quá khứ, dành cho những thế hệ mai sau phán xét, để cùng nhau hướng về tương lai.

Tương lai của một đất nước thống nhất, hòa bình, không hận thù, tự do dân chủ và phồn vinh bắt đầu từ một hiện tại vô cùng gian khó. Có vô số việc phải làm nhưng trước hết phải là hòa giải hòa hợp để đấu tranh chống lại guồng máy độc tài toàn trị hiện nay đang là lực cản cho những ước mơ chung của mọi người Việt Nam yêu nước.

3)      Hòa giải hòa hợp để chống lại guồng máy độc tài toàn trị.

Khó khăn xuất hiện ngay khi vấn đề hòa giải hòa hợp được đặt ra. Hòa giải hòa hợp với ai, như thế nào, bằng cách nào? Có thể hòa giải hòa hợp với những người cộng sản không?

Dĩ nhiên chỉ hòa giải khi có bất đồng. Giữa  những người quốc gia, chống cộng ở nước ngoài có bất đồng. Giữa những người đấu tranh cho dân chủ ở trong nước có bất đồng. Giữa hai thành phần trên ở trong và ngoài nước có bất đồng. Giữa hai thành phần đó và những người cộng sản lại càng có nhiều bất đồng. Xem ra hòa giải là điều không dễ dàng chút nào.

Thoạt nhìn tưởng như những người Việt ở nước ngoài dễ hoà giải với nhau nhất vì có đủ mọi điều kiện khách quan: tự do đi lại, gặp gỡ, trao đổi, tranh luận, lập hội, lập đảng.

Thế  mà đã 30 năm trôi qua, sự mâu thuẫn, xung đột giữa họ vẫn triền miên, không có sự đồng thuận, không có tiếng nói chung, không có tổ chức thống nhất, nghĩa là không có sức mạnh để đối đầu với kẻ thù cũ.

Những người dân chủ ở trong nước gặp nhiều khó khăn hơn gấp trăm lần vì sống dưới chế độ độc tài toàn trị. Họ bị cô lập và khống chế chặt chẽ nên những người ra công khai có số lượng quá ít ỏi và tất cả đều bị đàn áp dưới nhiều hình thức.

Giữa những người dân chủ trong và ngoài nước có thêm một tầng cách bức, lại còn dè dặt, nghi ngờ lẫn nhau. Bên ngoài là chống cộng cực đoan, chịu sự chi phối của nước ngoài, chính trị hoạt đầu…?  Bên trong là khổ nhục kế của cộng sản, đối lập cuội, bất mãn cá nhân….?

Đối với những người cộng sản lại càng khó tin hơn vì cộng sản muôn đời vẫn là cộng sản, vẫn muốn đấu tranh giai cấp, độc tài toàn trị…?

Dĩ nhiên trong cuộc đấu tranh chính trị không thể cả tin, dẫn đến sai lầm nhưng nếu cứ mãi nghi ngờ, cách bức không thể vượt qua được những rào cản để tiến đến hoà giải, sau đó là hòa hợp, đoàn kết thống nhất tạo nên sức mạnh, điều chắc chắn là những người dân chủ sẽ thất bại trước guồng máy độc tài toàn trị.

Chuyện ở nước ngoài tôi không biết nhiều nhưng ở trong nước có mấy vấn đề tôi thấy cần phải làm rõ.

Một số ý kiến ở nước ngoài cho rằng tất cả những người cộng sản phản tỉnh  như Trần Độ, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Bùi Tín…đều là những kẻ bất mãn do “không được ăn”, mất quyền lợi, do tranh chấp phe phái nên mới quay ra chống Đảng. Nói rộng ra theo quan niệm đó, trên đại thể hình như con người chỉ được phân chia làm hai loại “ được ăn và không được ăn”.

Tôi nghĩ những người cộng sản phản tỉnh trên, nếu “được ăn” thì họ cũng đã được nhiều và phần lớn ở họ, những người đã 7 - 80 tuổi, họ cũng không  cần thêm gì nhiều. Nếu có chỉ là sự thức tỉnh, dằn vặt của lương tâm trước hiện thực đi ngược lại ước mơ hoài bảo và quá trình đấu tranh một đời của họ nên họ không thể im lặng dù đã đi đến giai đoạn cuối của cuộc đời.

Ở xã hội nào cũng có những người không thuộc vào một trong hai phân loại trên và đối với những người này, giá trị tinh thần cao hơn mọi của cải và tiện nghi vật chất.

Có ý kiến còn nói đến loại người "lơ lửng con cá vàng” giữa hai chế độ để mong cầu một điều gì đó là không hiểu thực chất của vấn đề hay chỉ là một nhận xét vớ vẩn. Trong cuộc đối đầu không khoan nhượng hiện nay không ai “lơ lửng” được  kiểu đó và lơ lửng cũng chẳng được gì. Đó chính là “ đi giữa hai lằn đạn” và không ít người chấp nhận vị trí nguy hiểm này, trong đó có tôi. Tôi là người phản kháng, chống cái xấu, cái ác bất cứ từ đâu tới, bất cứ lúc nào và muốn công bằng trong mọi chuyện. Tôi chỉ muốn sống trung thực dù trung thực đối với ai đó, đôi khi cũng là một trọng tội.

Những đảng viên cộng sản và những người trong guồng máy của chế độ hiện nay có hoàn toàn xấu không? Tôi tin là trong họ có nhiều người tốt.

Nhiều đảng viên cộng sản, nhất là những người về hưu, đảng viên thường không bị chức quyền chi phối và kể cả những đảng viên có chức quyền ở mọi cấp, nhiều người vẫn băn khoăn thao thức trước tình hình và những biểu hiện xấu trong Đảng.

Nhiều trí thức, chuyên viên có trình độ, có tầm nhìn, có điều kiện nghiên cứu thấy rất rõ những sai lầm của Đảng và hướng đi cần thiết cho xã hội.

 Nhiều văn nghệ sĩ đã từng sống nhiều năm trong lòng chế độ hay những người trẻ nhạy cảm đều thấy cay đắng, phẫn uất trước sự gỉa dối và kềm kẹp, trói buộc tư tưởng của guồng máy độc quyền chân lý.

Nhiều nhà báo dũng cảm đã vạch ra, tố cáo những hành vi xấu xa của các quan chức trên mọi lãnh vực (dù chỉ trong một giới hạn nhất định) hay mô tả nếp sống khốn nạn, nhục nhằn của một bộ phận nhân dân nghèo khổ, dưới đáy xã hội…

Tất cả họ đều có thể trở thành những người đòi hỏi dân chủ tích cực khi họ thoát khỏi sự chi phối vừa tinh vi vừa nặng nề, đe dọa của guồng máy.

Nếu những người đấu tranh cho dân chủ hiện nay có thể hòa giải với nhau, hoà giải với những thành phần trên, liên kết lại thành một tập thể, hi vọng sự đoàn kết đó mới có thể đủ sức mạnh chống lại guồng máy độc tài toàn trị.

Guồng máy độc tài toàn trị này bao gồm những người cộng sản đã ở địa vị thống trị trong nhiều chục năm, đã trở thành những kẻ độc đoán, độc quyền chân lý, trở thành  những tư bản đỏ và những kẻ hưởng lợi nhiều nhất từ địa vị của mình. Họ là những người không bao giờ chịu tự nguyện rời bỏ quyền lực. Họ không bao giờ thực tâm hòa giải. Họ nói đến hòa giải nhưng chỉ hòa giải trên thế mạnh nghĩa là buộc người khác phải tuân theo họ khi họ còn đầy đủ quyền lực.

Những người dân chủ, nhất là những người đã kinh qua một hay hai cuộc chiến tranh, dù xuất thân từ bất cứ thành phần nào, nếu không tìm được đủ sức mạnh cần thiết, chắc chắn cho đến hết đời vẫn chỉ là những người thất bại trước guồng máy độc tài toàn trị hiện  nay.

Còn nhân dân, tiếp nối đời này sang đời khác, là một thực thể trường tồn có sức mạnh vô địch. Không có chế độ độc tài chuyên chế nào có thể  bền vững muôn năm. Nhân dân sẽ có tự do dân chủ nhưng tùy theo mức độ phản kháng của  mình, nhân dân sẽ còn đau khổ nhiều hay ít trong quá trình  đòi hỏi quyền làm người của mình.

* Lời kết.

Tôi viết về hòa giải nhưng tự trong thâm tâm tôi  biết  kết quả hòa giải nằm ngoài tầm tay của mình. Khi tác phẩm “Nửa đời nhìn lại” của tôi được xuất bản, nhiều nhà văn ở nước ngoài đã nói tiếng nói hòa giải với tôi như với một người đã từng ở phía đối nghịch, một người “đi giữa hai lằn đạn”. Sự chia sẻ sâu xa của Đặng Tiến, Lê Đình Điểu, Thụy Khuê, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, TâmViệt, Hoàng Khởi Phong, Hoài Văn, Trương Anh Thụy, Đỗ Mạnh tri, Phù Du, Phạm Ngọc Lân….đã làm tôi ấm lòng ( Phạm Ngọc Lân ghi nhận và tổng kết trong phần phụ lục “Nửa đời nhìn lại” lần tái bản 1997)

Tuy nhiên sự mâu thuẫn, xung đột giữa những thành phần người Việt sau 30 năm chiến tranh vẫn còn quá lớn. Nói rộng hơn, trên phạm vi nhân loại, tiếng nói và tấm lòng hòa giải yếu ớt hơn tiếng gào thét của hận thù trên hầu khắp các lục địa, ở Trung Đông, ở Châu phi, Châu Á, Châu Mỹ, Châu Âu với nhiều quy mô và cấp độ khác nhau.

Cho nên tôi lấy tựa đề “Trên cả hận thù” cho tập truyện của mình chỉ là thể hiện một ước mơ. Câu chuyện thật nguyên mẫu của truyện vừa “Trên cả hận thù” chỉ là chuyện hiếp dâm của một thanh niên lai Mỹ đen với một cô bé 16 tuổi. Tôi đã hư cấu, đưa tình yêu vào để hóa giải những hận thù sau chiến tranh và một kết thúc có hậu bằng đám cưới 5 năm sau khi chàng thanh niên lai đen đi Mỹ trở về. Nhưng tôi biết rõ rằng đó chỉ là mộng tưởng nên tôi phải thêm một kết thúc buồn khác bằng hình ảnh u sầu của người cha tuyệt vọng với giấc mơ phi thực bên cạnh đứa con gái đã mắc bệnh tâm thần. Dù sao người cha đó và tôi, và tất cả chúng ta  vẫn có quyền ước mơ khi chúng ta còn sống.

Tôi không phải là người làm chính trị chuyên nghiệp. Tôi không cần đánh bóng uy tín chính trị của mình cho tham vọng quyền lực hay điều gì khác. Tôi chỉ là người cầm bút phản kháng.

Tôi viết về chính trị  và đã từng tham gia vào  một số hành động chính trị trong đời mình nhưng thực tâm tôi không hoàn toàn tin tưởng vào hiệu quả của chính trị đơn thuần trong việc mang lại hạnh phúc cho con người. Bao nhiêu cuộc cách mạng đã gào thét trên hành tinh này. Bao nhiêu giải pháp chính trị, đường lối, chính sách đã được thực thi tự cổ chí kim, từ đông sang tây nhưng rút cục cho đến hôm nay, số đông nhân loại vẫn còn đầm mình trong biển khổ.

Phải chăng trong chính trị còn thiếu một chữ “Tâm” của con người. Những người làm chính trị thừa thủ đoạn mà thiếu một chữ “Tâm” nhân bản, một tấm lòng yêu thương chân thực với từng phận người cụ thể chỉ hô hào “ vì hạnh phúc của nhân dân” nghe rất kêu nhưng bên trong là tiếng  súng gươm loảng xoảng và những thủ đoạn tàn bạo đê hèn.

Tôi đã từng thiền trong 10 năm với hai câu “mantra” bằngtiếng Sanskrit có nghĩa “Mọi vật đều là biểu hiện của ĐấngTối Cao” và “Tôi là một với Đấng Tối Cao” để mở rộng lòng yêu thương và trở về cội nguồn nguyên thủy của mình, như  giọt nước trong con  suối nhỏ trở về biển cả.

Tôi có chút kinh nghiệm về tâm linh, có thể giải quyết phần nào những vấn nạn cá nhân nhưng chưa thấy rõ giải pháp hiệu quả cho dân tộc và nhân loại. Tôi vẫn ở trên đường tìm kiếm và tôi tin trên thế gian này không ít những người bạn đồng hành.

Sài Gòn 30-10-2005

TDBC

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ