LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Tả thanh thiên


25-08-2005 

truyen thongTiêu Dao Bảo Cự

Ở Hà Nội, bên hồ Hoàn Kiếm, trước đền Ngọc Sơn có một ngọn tháp dạng cây bút, thường được gọi là “ Tháp Bút”, hình thành một cụm thắng cảnh - di tích văn hóa lịch sử - nổi tiếng của thủ đô.
Đền Ngọc Sơn được xây dựng từ thế kỷ 19, trong đền chỉ thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ của việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng có công phá quân Nguyên thế kỷ 13. Ngôi đền ngày nay do công lao tu sửa của Nguyễn văn Siêu, một nhà thơ, nhà văn hóa lớn triều Nguyễn. Chính ông đã cho xây Tháp Bút, trên thân tháp có tạc ba chữ Hán : “Tả thanh thiên” ( Viết lên trời xanh)
Tại sao Nguyễn Văn Siêu viết ba chữ này? Hình ảnh ngọn bút viết lên trời xanh trước đền thờ Văn Xương và Trần Hưng Đạo hẳn có mối quan hệ và không tách rời chí hướng, tâm tư của Nguyễn Văn Siêu.

Ngòi bút không chỉ thù tạc và vẽ vời phong hoa tuyết nguyệt. Ngòi bút không chỉ viết những bài tụng ca chế độ. Ngòi bút viết lên trời xanh chỉ có thể là viết về nỗi thống khổ của con người, về sự hà khắc tàn bạo của thế lực cầm quyền. Viết lên trời xanh là để kêu gào. Viết lên trời xanh là để gởi tới con người và gởi tới mai sau khi ngòi bút, những người cầm bút bị kềm hãm, phong toả. Viết lên trời xanh là hành động can đảm của người cầm bút chống lại chế độ độc tài thống trị…. Có thể hiểu như thế được chăng?
Đương thời Nguyễn Văn Siêu được đánh gía cao. Ông và Cao Bá Quát được coi là hai nhà thơ tài hoa, tiêu biểu, là “thần Siêu, thánh Quát”.

Đọc lại tiểu sử Nguyễn Văn Siêu ( 1799- 1872) ta biết ông học giỏi, giữ nhiều chức quan, có lúc được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc, nhưng đến năm 1854, ông dâng sớ thỉnh cầu một số việc không được phê chuẩn bèn cáo bệnh, từ quan về nhà. Từ đó ông chuyên dạy học và viết sách. Sáng tác thơ ca của ông có nhiều bài phản ánh cuộc sống đói khổ, thiếu thốn, loạn lạc của nhân dân lúc bấy giờ. Ta còn biết ông là bạn thân của Cao bá Quát, đã làm câu đối viếng bạn khi Cao bá Quát chống triều đình bị bắt xử trảm và tru di tam tộc.( Theo một sử liệu khác, Cao Bá Quát hi sinh giữa chiến trận )
Cao Bá Quát ( 1808-1855) là nhà thơ tài hoa, phản kháng, ngang tàng và có cuộc đời bi tráng bậc nhất trong văn học Việt Nam.

Về nhân cách, Cao Bá Quát khẳng định mình “ nhất sinh đê thủ bái mai hoa”( một đời chỉ biết cúi đầu lạy hoa mai) nên ông không thể cúi đầu trước ai khác, kể cả triều đình có quyền sinh sát. Ông còn dám bịt mũi chê thơ “ có mùi nước mắm” của Mặc Vân thi xã của các hoàng thân quốc thích: “ Ngán thay cái mũi vô duyên / Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An.”

Chí hướng của ông là “ Nghiên cánh nhạn tếch mái rừng Nhan Khổng / Cựa đuôi kình toan vượt bể Trình Chu” ( Tài tử đa cùng phú), xem việc học thi đương thời chỉ là “ nhai văn, nhá chữ” tầm thường vô ích. Sáng tác của ông ghi lại sắc nét hình ảnh những người cùng khổ: người thầy thuốc bụng đói meo lang thang kiếm ăn ở kinh kỳ; nông dân vì mất mùa và thuế khóa phải bỏ nhà ra tỉnh làm thuê làm mướn; dân thành thị sống lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị đói, sưu cao thuế nặng, bị đi phu, đi lính; những người đói từ sớm tinh mơ bồng bế nhau đi xin phát chẩn…

Ông tự vấn “Khi dân đen bị tai nạn, không có sách lược gì làm cho đời thái bình, thẹn mình là một nhà nho lại tầm thường đến thế”( bài Độc dạ). Tinh thần phản kháng của ông đã bộc lộ ngay cả khi ông ngắm nhìn dòng sông Hương trầm lặng dịu dàng trong một câu thơ lạ lùng bậc nhất về dòng sông này: Trường giang như kiếm lập thanh thiên. ( Sông dài như lưỡi kiếm dựng lên trời xanh. )
Cuối cùng, thấy ngòi bút không thể dùng để cứu đời, ông đã dấn thân tham gia quân khởi nghĩa của Lê Duy Cự chống lại triều đình và thất bại, chịu rơi đầu trên pháp trường. Ngòi bút của ông lúc đó dùng để viết lên hai câu khẩu hiệu trên lá cờ của nghĩa quân:

Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn
Mục Dã, Minh Điều hữu Võ Thang

( Ở Bình Dương, Bồ Bản không có những ông vua tốt như Nghiêu, Thuấn, thì ở Mục Dã Minh Điều phải có những người chống lại như Võ, Thang )

Nếu ta tin được những lời truyền thuyết thì mấy câu thơ cuối cùng ông làm trong ngục trước khi bị xử trảm, không cần đến bút, vẫn với một thái độ bất khuất cao ngạo:

Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương


Và:

Ba hồi trống giục mồ cha kiếp
Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời.


Đọc lại tiểu sử của hai người bạn “thần Siêu, thánh Quát” và về việc Nguyễn Văn Siêu dựng Tháp Bút, ta tự hỏi phải chăng Nguyễn Văn Siêu đã ký thác nhiều tâm sự của chính mình và của người bạn ngang tàng Cao bá Quát khi viết ba chữ ‘Tả thanh thiên” lên Tháp Bút. Và ta suy ngẫm gì khi đứng dưới chân ngọn tháp mang chứa nỗi niềm và khát vọng của người xưa?

Có người nói kẻ sĩ - trí thức Việt Nam hèn nhát, không đóng được vai trò lịch sử của mình. Điều đó có thể đúng khi nhìn nhận kẻ sĩ - trí thức như một giai cấp có nhiệm vụ chỉ đường và lãnh đạo xã hội. Nhưng kẻ sĩ - trí thức thường chỉ thể hiện như một cá nhân và những cá nhân ưu việt tiêu biểu cho một tầng lớp. Xét cho cùng trong những tình huống cực đoan của lịch sử, sứ mạng của kẻ sĩ- trí thức không gì khác hơn là “Tả thanh thiên”.

Trong những hoàn cảnh khác nhau, mục đích và hình thức khác nhau nhưng từ tấm lòng yêu dân, yêu nước và tinh thần bất khuất trước bạo lực cường quyền, lòng căm thù cái ác cái xấu, dù do ngoại xâm hay chế độ thống trị hà khắc, nhiều kẻ sĩ - trí thức vẫn cầm lên ngọn bút” Tả thanh thiên”. Lý Thường Kiệt viết “ Nam quốc sơn hà…”, Trần Hưng Đạo viết “Hịch tướng sĩ văn”, Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo” hay Chu Văn An viết “ Thất trảm sớ” cũng đều là “ Tả thanh thiên”.

Tùy theo hoàn cảnh, tư thế và tài năng, cách thể hiện, dĩ nhiên có khác nhau. Các nhà thơ cổ điển dùng nghệ thuật thi ca ẩn dụ như Nguyễn Du với Truyện Kiều, Nguyễn Gia Thiều với Cung Oán Ngâm Khúc, Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm với Chinh Phụ ngâm khúc, Hồ Xuân Hương với những bài thơ trào lộng kiểu “lộn lèo”, Nguyễn Đình Chiểu trút hết căm hờn của cả dân tộc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…

Những nhà hoạt động chính trị trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Lý Đông A…với những bài xã luận chính trị hiểu theo một nội hàm rộng rãi, dù với chủ trương và chính kiến khác nhau, tất cả đều là “ Tả thanh thiên”.

Trong giai đoạn văn học tiền chiến, các cây bút của Tự Lực Văn Đoàn với chủ trương cải cách xã hội, những nhà văn hiện thực phê phán như Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố…. chính là những ngòi bút “Tả thanh thiên”.

Gần hơn, trước năm 1975 ở Miền Nam, các nhà văn, nhà báo được gọi là “ đối lập” hay “yêu nước tiến bộ” cũng đã làm công việc “ Tả thanh thiên” dù họ có thể bị trù dập, vào tù như những người chủ trương và viết các tờ báo Tin Sáng, Điện Tín, Đối Diện, Tự Quyết, Trình bày… và các sinh viên học sinh tranh đấu trong phong trào đô thị với vô số tờ báo, nội san, đặc san rực lửa phản kháng của tuổi trẻ.
Khó khăn phải trả gía đắt nhất và đòi hỏi người cầm bút phải dũng cảm nhất là việc “ Tả thanh thiên” dưới chế độ độc tài toàn trị.

Sau 1954, ở miền Bắc, các cây bút trong nhóm “NhânVăn- giai phẩm” không chỉ viết mà chính là dùng những ngọn giáo đâm toạc trời xanh. Với trái tim rỉ máu, sự căm phẫn cực độ, tấm lòng tha thiết muốn đem lại công bằng, nhân ái cho một dân tộc đã đổ bao máu xương để giành độc lập, họ đã vạch trần những sai lầm, xấu xa của những kẻ đã giành được quyền lực bằng sự hy sinh gian khổ của đồng bào và tiếp tục củng cố quyền lực bằng cách bóp nghẹt tự do dân chủ của nhân dân. Những người như Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Dần, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Cung…. đã trả giá rất đắt cho việc làm của mình nhưng họ đã không ngần ngại. Dù bị vùi dập và cho đến tận ngày nay họ vẫn chưa được công khai “chiêu tuyết” nhưng những gì họ đã viết lên trời xanh vẫn còn lồng lộng mãi, để dân tộc ngẩng lên nhìn và kiêu hãnh.

Năm 1975 lịch sử sang một trang mới nhưng phải nhiều năm sau, lần đầu tiên Hoàng Ngọc Hiến mới đưa ra nhận định và gọi tên một nền văn học tự xưng là cách mạng, hiện thực xã hội chủ nghĩa là “ hiện thực phải đạo”, đồng thời chỉ ra hiện tượng đồng phục đã làm thui chột sáng tạo, vốn là động lực chính của mọi nền văn học. Cùng nhận thức đó, Nguyễn Minh Châu đã kêu gọi “viết lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ”.

Tiếp sau đó, đến thời kỳ đổi mới, văn nghệ sĩ được tuyên bố cho “cởi trói”. Một chủ trương cởi mở, đồng thời cũng là sự thú nhận về chính sách độc đoán thô bạo đối với văn nghệ sĩ trong một thời gian dài. Với lối nghĩ, lối sống, lối viết đã bị điều kiện hóa, rất nhiều nhà văn dù được cởi trói vẫn viết như khi mình còn bị mất tự do. Tuy nhiên một số cây bút đã vươn thẳng lên trời xanh. Những Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Bùi Minh Quốc, Trần Huy Quang, Bùi Ngọc Tấn, Trần Vàng Sao….. với đề tài và cách thể hiện khác nhau, nhưng tất cả họ đều dám nói lên những gì bao nhiêu năm qua bị cấm đoán. Tác phẩm của họ lập tức được hưởng ứng nồng nhiệt, chứng tỏ con tim của họ hòa cùng một nhịp với đông đảo nhân dân đáng khát khao tự do và công lý.

Thời gian cởi trói chưa được bao lâu, thấy sự tự do của bàn tay người cầm bút là nguy hiểm, những người cầm quyền trói họ lại. Tuy nhiên thời đại đã thay đổi nên cách trói cũng phải khác xưa, nhưng cái cốt lõi là bằng nhiều cách tạo ra nỗi sợ nơi người cầm bút để họ tự cầm tù, tự tước đoạt tự do của mình.
Tuy vậy ở nhiều mức độ khác nhau, các nhà văn vẫn tìm cách nói lên sự thật. Ở những nhà văn lớn tuổi, đó là những tự thú, sám hối muộn màng trong các hồi ký di cảo như Tô Hoài, Chế lan Viên…. Đối với các nhà văn trẻ hơn hay mới vào nghề sau này như Nguyễn Viện, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Danh Lam…, sự bung phá của họ rất dữ dội và họ có cơ hội tốt hơn những thế hệ đàn anh là họ có thể viết thẳng lên trời xanh, nghĩa là trên không gian ảo của mạng internet.

Trên lĩnh vực có liên quan đến chính trị trực tiếp, nhiều người ở nhiều địa hạt khác nhau, là nhà văn hay không phải là nhà văn chuyên nghiệp, đã dùng ngòi bút để viết lên sự phê phán nhà cầm quyền và khát vọng của dân tộc. Các nhà tu hành thuộc các tôn giáo như các Hoà thượng, Thượng tọa Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sĩ của Phật giáo, các linh mục Chân Tín, Nguyễn Văn Lý… của Thiên Chúa giáo, các mục sư Tin Lành, các chức sắc Cao Đài, Hòa hảo. Những trí thức Miền Nam trước 75 như Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Hoạt…Các đảng viên cộng sản kỳ cựu phản tỉnh như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Nguyễn Khắc Viện, Hồ Hiếu, Nguyễn Trung Hiếu, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang…Những người thuộc nhiều thành phần được gọi là những người bất đồng chính kiến đấu tranh cho dân chủ như Phan Đình Diệu, Hoàng Tiến, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Hà Sĩ Phu, NguyễnThanh Giang, Vũ Cao Quận, Trần Dũng Tiến, Mai Thái Lĩnh, Trần Minh Thảo….( hay một trường hợp đặc biệt như Nguyễn Chí Thiện ), tiếp theo bởi những người trẻ hơn như Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Đỗ Nam Hải….

Ngoài ra, ngay trong sự kiểm duyệt khe khắt, một số nhà báo thuộc hệ thống bộ máy cầm quyền hiện nay đã viết lên được sự thật bi thảm trong cuộc sống của một bộ phận không nhỏ nhân dân đang sống cùng khổ và bị áp bức hay sự gian manh của một số quan chức tham ô đục khóet đang phá hoại đất nước, rúc rỉa xương máu của đồng bào.

Ở nước ngoài, kể cả những người trong nước mới ra như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, các nhà văn nhà báo viết về thảm cảnh của người Việt di tản, lên án chế độ độc tài trong nước, kêu gọi hòa giải hòa hợp, chỉ ra hướng đi cho tương lai phát triển của dân tộc, dù viết trong môi trường tự do, ngòi bút của họ cũng là “Tả thanh thiên”.

Sứ mệnh của người cầm bút không phải chỉ là “Tả thanh thiên”. Còn biết bao nhiêu điều để kẻ sĩ - trí thức - văn nghệ sĩ theo đuổi và hiến dâng trên con đường suy ngẫm, nghiên cứu và sáng tạo của mình: ngợi ca tình yêu và cái đẹp, đi tìm chân lý cho cuộc sống, soi rọi những trang lịch sử u ám hay bị bỏ quên hay bóp méo, lang thang trên những nẻo tâm linh muôn thuở…

Tất cả đều mang lại gía trị tinh thần cho con người. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mà con người bị chà đạp, tước mất quyền sống như con người, ngọn bút “Tả thanh thiên” là cần thiết. Dù tình hình bi đát đến đâu, kể cả khi tưởng như tuyệt vọng, nhưng nếu vẫn còn những ngọn bút “Tả thanh thiên”, dân tộc hãy còn có hy vọng.

Nhưng để hoàn thành một cuộc đổi đời, cách mạng cho đất nước, những ngọn bút “Tả thanh thiên” không đủ. ( Và cũng không thể đòi hỏi ở các ngọn bút nhiều hơn ). Điều này đòi hỏi một sự nghiệp khác, lớn lao hơn, với sự huy động toàn diện sức mạnh và tiềm năng của cả dân tộc.

Tháng 8-2005

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ